Dưới ánh sáng đức Tin Kitô giáo,
gia đình là nơi chốn an bình cho tâm hồn mình;
nơi đây con người có thể cảm nhận
mình được chấp nhận bản thân để có thể đồng hành,
liên luỵ với nhau trọn cuộc đời.
gia đình là nơi chốn an bình cho tâm hồn mình;
nơi đây con người có thể cảm nhận
mình được chấp nhận bản thân để có thể đồng hành,
liên luỵ với nhau trọn cuộc đời.
Tư Cù, OP.
Tình
yêu vốn vô cùng đẹp nhưng cũng rất mong manh. Trong đời sống gia đình, tình yêu
được củng cố bằng một thể chế tương đối vững bền. Nhờ thể chế ấy, bao đời nay,
tình yêu vẫn có được cái nôi ấm áp để phát triển; trong thể chế ấy, tình yêu được
định hướng một cách khá đúng đắn.
Hơn nữa, trong đời sống
đức Tin, gia đình Kitô giáo được nối liền với mạch nguồn siêu nhiên. Tình yêu
gia đình mô phỏng và diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với Dân riêng, tình
yêu của đức Kitô với Giáo hội. Một cách nào đó, vận mạng của đời sống gia đình
gắn liền với vận mạng của sự sống đức Tin.
Những thách đố mới của đời
sống gia đình buộc người Kitô hữu phải nhìn lại phẩm tính đời sống đức Tin của
mình; và ngược lại, một đời sống đức Tin chân thật phải có đủ sức mạnh giúp gia
đình vượt qua sóng gió của thời cuộc. Do đó, đối với Giáo hội và với người Kitô
hữu, thách đố của gia đình trước áp lực của xã hội hiện đại, có thể nói cũng
chính là thách đố của phẩm tính đức Tin.
Ơn cứu độ của đức Giêsu
Kitô, cuộc chiến thắng của đức Giêsu Kitô đối với thế lực của sự ác và thần chết…
Cuộc chiến đó chắc chắn cũng đang diễn ra trong “mặt trận” đời sống gia đình.
Làm sao nhìn ra được những dấu chỉ cuộc chiến thắng đó trong thế giới hiện đại
? Làm sao để gia đình Kitô giáo trở thành hiệu kỳ chiến thắng của tình yêu chân
chính, tình yêu Kitô giáo, giữa lòng thế giới hôm nay ?
1. Những mối đe dọa từ sự thay đổi cơ cấu xã hội
1.1. Từ “an cư - lạc nghiệp”
đến “lạc nghiệp – an cư”
Có một thực tế của cuộc
sống hiện đại, đó là nếp sống của đời sống gia đình bị phá vỡ do nhu cầu của
công việc. Điều tưởng như hiển nhiên với những thế hệ trước là “an cư - lạc
nghiệp”, nay đã và đang dần dần bị đảo ngược thành “lạc nghiệp – an cư”. Đây là
một sự đảo ngược không chỉ theo nghĩa không gian, nhưng còn theo nghĩa thời
gian, và sâu xa hơn là một sự đảo ngược của giá trị, dính dáng tới nhiều giá trị
căn bản của cuộc sống. “An cư” được hiểu trước tiên như có một ngôi nhà vật chất
để ở; nhưng cũng có thể được hiểu như một bầu khí gia đình để “trở về”, như một
sự ổn định trong tâm hồn để có thể chống lại áp lực của cuộc sống bên ngoài,
như một hiện hữu căn bản làm nên ý nghĩa nền tảng của một cuộc đời để có thể
hóa giải những biến động nhiều khi rất khắc nghiệt trong xã hội. Tất cả những yếu
tố ấy, nhà ở, đời sống gia đình, sự bình an trong tâm hồn, ý nghĩa căn bản của
cuộc sống...có liên hệ mật thiết với nhau, tương tác thuận chiều với nhau.
“Lạc nghiệp” được hiểu
trước tiên là một công ăn việc làm ổn định; nhưng cũng có thể được hiểu như
toàn những thúc bách của cuộc sống xã hội, như trách nhiệm mà mỗi người phải đảm
nhận với xã hội, với tập thể,... Yếu tố “lạc nghiệp” cũng nhiều khi tương tác
thuận chiều với “an cư”, nhưng không phải là ít khi tương tác nghịch chiều;
nghĩa là không phải không ăn việc làm tốt thì gia đình êm ấm, không phải sự
thành công trong xã hội cũng luôn luôn mang lại sự ổn định cho gia đình. Chính
trong thực tế của cuộc sống hôm nay, chúng ta thấy rõ sự mẫu thuẫn lớn giữa “an
cư” và “lạc nghiệp”, giữa lối sống trong gia đình và lối sống ngoài xã hội, giữa
thời gian cho công việc và thời gian sống với gia đình, giữa và trách nhiệm với
xã hội và trách nhiệm với gia đình; và sâu xa hơn cả là giữa “tình” và “lý”.
Khi nguyên tắc “an cư –
lạc nghiệp” được thực hiện, đời sống con người được ổn định, trước tiên, từ
ngôi nhà ở, từ đời sống gia đình, từ nền tảng ý nghĩa chính yếu của một đời người
là niềm vui được chấp nhận bản thân...; trên nền tảng ấy, tâm hồn con người mới
có thêm sức mạnh và công ăn việc làm mới có thể xuôi xắn, trách nhiệm với đời sống
xã hội được chu toàn.... Ngược lại, bầu khí chung trên toàn thế giới hiện nay
đang xoay chiều, nguyên tắc “lạc nghiệp – an cư” đang càng ngày càng trở nên đường
lối thắng thế. Nguy cơ lệch lạc của cơ cấu an cư lạc nghiệp đã xuất hiện khi mà
phụ nữ đòi được “giải phóng” khỏi xó bếp…; rồi vì những thúc bách của kinh tế,
chuyện phụ nữ đi làm trở thành chuyện bình thường và là chuyện đương nhiên. Rồi
tiếp đến là thực trạng di dân càng ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới.
Mặc dầu những hướng dẫn của Giáo quyền cho thấy nhiều ý nghĩa của tình trạng di
dân, nhưng chúng ta không thể không thấy có biết bao nhiêu gia đình bị đổ vỡ vì
tình trạng di dân; có biết bao những kiểu gia đình lệch lạc do sự thúc bách của
đời sống di dân… Đồng thời, chúng ta cũng thấy biết bao nhiêu tệ nạn xuất phát
từ tình trạng đời sống và sinh hoạt gia đình bị xé nát do giờ giấc và nơi chốn
làm việc … Nhiều con trẻ hư cũng chỉ vì bố mẹ mải mê làm ăn và mái ấm gia đình
trở nên lạnh lẽo… Vì nhu cầu cuộc sống xã hội, những dịp hội họp có tính chất
tình nghĩa càng ngày càng khó thực hiện, những buổi xum họp gia đình càng ngày
càng ít đi; những tâm tình, cảm nghĩ riêng tư của mỗi người càng ngày càng
không có cơ hội được bộc lộ và được cảm thông...
Thực sự con người vừa cần
được “an cư” vừa cần có “lạc nghiệp”. Đời sống con người luôn luôn là một hành
trình “đi – về”. Con người cần phải ra đi, “đi một đàng học một sàng khôn”,
nhưng con người cũng luôn cần có chỗ có nơi để trở về, “ta về ta tắm ao ta...”.
Tuy vậy, yếu tố nền tảng chắc chắn phải là “an cư”. Một người “lữ khách” sẽ
không dễ để giải quyết một vấn đề nào đó cách căn bản; người “lữ khách” thường
giải quyết tạm mọi vụ việc, như người ta đá cục gạch giữa đường để lấy chỗ bước
đi mà không cần biết cục gạch văng đến đâu. Con người cần có một sự ổn định
trong “nơi ở”, trong “cách ở”, nghĩa là cần một “hậu phương” để trở về, cần một
“mái ấm” để xoa dịu tâm hồn; cần một mối tương quan tình nghĩa gia đình để có
thể mạnh mẽ trong trách nhiệm với cộng đồng... Người ta nói : đằng sau sự thành
công của một người đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng một người đàn bà; câu nói
đó có lẽ minh họa được cho thực trạng của đời người.
Cuối cùng, điều quan trọng
hơn cả là có một sự đảo ngược giá trị : càng ngày người ta càng chuẩn hóa tương
quan tình nghĩa gia đình theo một sự hợp lý có tính xã hội. Những vấn đề của đời
sống gia đình không còn được lý giải từ nguyên lý tặng-không; mà dựa vào một sự
trao đổi sòng phẳng… “Xã hội lý” càng
ngày càng đè bẹp “xã hội tình”.
1.2 Từ quyết định chấp
nhận bản thân đến việc đánh giá sự vật bên ngoài
Những gia đình “kiểu cũ”
thường được xây dựng, trước tiên, không phải do tình yêu, những do mai mối, do
sự sắp xếp của gia đình… Điều đáng ghi nhận là những gia đình ấy lại khá bền vững.
Trong khi đó, những gia đình “kiểu mới”, được xây dựng do tình yêu, thường rất
nồng nàn, được tìm hiểu kỹ càng, được suy tính cẩn thận…thì lại bị đổ vỡ nhiều.
Dĩ nhiên, có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới hệ quả ấy, đặc biệt là những
nguyên nhân xã hội. Tuy nhiên, ta cũng có thể thấy một nguyên nhân sâu xa trong
chính bản chất của tình yêu : Gia đình “kiểu cũ” được xây dựng trên một quyết định
chấp nhận định chế hôn nhân, một thứ định chế, hoặc theo phong tục, hoặc theo
luật pháp, theo đó, hôn nhân luôn mang ý nghĩa một sự chấp nhận bản thân của
nhau và cùng chia sẻ cuộc đời với nhau. Dù người chồng/vợ “kiểu cũ” ấy không được
tìm hiểu, không được lựa chọn, không được sống trong cảm giác bồng bềnh của
tình yêu, nhưng họ thực sự vẫn nhìn nhận giá trị của hôn nhân như là một sự
“trao thân gửi phận”, nghĩa là đón nhận hôn nhân trong tầm mức “bản thân” và
“cuộc đời”, một tầm mức xứng hợp với phẩm giá con người.
Trong khi đó, gia đình
“kiểu mới” được xây dựng, một cách vô tình hoặc hữu ý, trên việc đánh giá những
tài năng, đức độ, sắc đẹp…; và bỏ quên khía cạnh chấp nhận chính bản thân của
nhau. Ngày nay chẳng còn mấy tình trạng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Các bậc
cha mẹ rộng mở cho các bạn trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân được gặp gỡ nhau,
tìm hiểu nhau, tự do quyết định về cuộc hôn nhân hệ trọng của đời mình... Những
điều đó không phải chỉ là có vẻ văn minh hơn, nhưng thực sự xứng hợp với ý
nghĩa của tình yêu chân thật. Tuy nhiên, việc đề cao tự do ấy, điều khẳng định
tính tự nguyện của tình yêu ấy, hình như vô tình làm mất ý nghĩa hôn nhân như một
định chế vượt trên tự do của mỗi người. Thật ra, ý nghĩa của luật pháp nói
chung không có nghĩa là những quy định đè bẹp tự do mà là những hướng dẫn và
đòi buộc để tự do được triển nở chân thật. Cũng thế, định chế hôn nhân Công
giáo nhằm nhắc nhở và đòi buộc người Kitô hữu chọn đời sống hôn nhân như một sự
dấn thân trọn vẹn, chấp nhận đồng hành với một ai khác ở mức độ bản thân và cuộc
đời; những điều đó không phải là kỷ luật suông, không phải là sự ép buộc khiên
cưỡng, nhưng là hướng dẫn để tình yêu được thể hiện trong chiều hướng chân thật,
chiều hướng của một sự chấp nhận toàn vẹn bản thân của nhau và đồng hành với
nhau trọn cuộc đời.
1.3. Hệ quả
Hai thực trạng nói trên,
và dĩ nhiên còn nhiều nguyên nhân khác nữa, “hợp lực” với nhau để xâu xé đời sống
gia đình hiện đại. Đời sống “đi đường” làm gia tăng lối suy tư trao đổi những sự
vật ngoài bản thân. Chúng ta có thể thấy rõ sự khác biệt của hai nhu cầu căn bản
khi so sánh thế giới trong nhà và thế giới ngoài đường. Khi ta đi ra đường, mọi
sự đều là đổi chác. Trong thế giới ngoài đường, từ những đồ vật cho đến thân
xác con người, từ những tài năng cá nhân cho đến vị thế xã hội, và cả đức độ của
một con người, tất cả đều được đưa vào bài toán kinh tế thị trường, nghĩa là được
đặt lên một bàn cân để cân nhắc lời lỗ của một cuộc trao đổi. Nét đặc trưng của
việc buôn bán này là làm sao hai bên cùng có lợi, nghĩa là bên nào cũng phải thu
lời được cho mình. Mặt khác, việc mua bán đổi chác ấy luôn là chuyện thời vụ,
hiểu theo nghĩa là trong từng “hợp đồng” có tính ngắn hạn, bởi vì đó không phải
là giao ước đụng chạm đến bản thân. Trong khi đó, khi về đến gia đình, người ta
sống trong một bầu không khí khác, bầu không khí của một sự chấp nhận bản thân
của nhau và liên đới với nhau trọn cuộc đời. Khi đó, những tương quan hằng ngày
không phải là đổi chác, không phải là những trao đổi theo nguyên lý của sự công
bằng. Cuộc trao đổi của thế giới ngoài đường không đụng đến được bản thân của
con người, chỉ là những trao đổi những sự vật (sự vật là tất cả những gì không
phải là bản thân của con người). Trong thế giới trao đổi sự vật đó, nếu người
ta có xúc phạm đến phẩm giá, hoặc đối sử lịch sự với nhau, thì thật ra đó cũng
chỉ là chuyện “lễ nghĩa” mà thôi. Trên nền tảng bấp bênh ấy, cuộc đối thoại
ngoài đường thật ra cũng chẳng phải là cuộc đối thoại thoả mãn được khát vọng sống
với của con người.
Ở trong gia đình, người
ta chấp nhận bản thân của nhau. Nơi đây, những gặp gỡ, trò chuyện, công việc hằng
ngày,… không phải là trao đổi, nhưng hướng mở tới một sự liên kết sâu hơn, làm
dày lên nghĩa tình trong hành trình cuộc sống. Trong gia đình, mọi “trao đổi sự
vật” chỉ là một cách diễn tả của bản thân cho nhau; trong khi đó, nơi thế giới
ngoài đường, chính bản thân lại có nguy cơ bị giản lược vào “sự vật” để đổi
chác.
Có rất nhiều trục trặc
trong đời sống gia đình, trong cộng đoàn tu trì, trong những tổ chức hội
đoàn... bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa nói trên; và nếu không nhận ra được
nguyên nhân sâu xa ấy, người ta khó có thể giải quyết được vấn đề một cách tận
căn. Thiếu sự hiểu biết bản thân của nhau, người ta chỉ còn biết đòi hỏi nhau về
lý lẽ; thiếu sự cảm thông với những khó khăn của nhau, người ta sẽ khó có thể
cùng đồng hành trong cách giải quyết một vấn đề; thiếu những lời “tâm sự”, càng
ngày người ta chỉ còn biết nói những lời “đông đổng” với nhau...
2. Nét đẹp nhân bản của tình yêu Kitô giáo
2.1. Gia đình trong nhiệm cục cứu độ
Khác với nhiều nền văn
hóa và tôn giáo khác vốn coi thường đời sống hôn nhân, truyền thông Do
Thái-Kitô giáo luôn đề cao đời sống hôn nhân. Lý do có lẽ vì các nền văn hóa và
tôn giáo khác muốn tìm con đường siêu thoát, con đường hoàn thiện nơi những con
người ưu tuyển; trong khi đó, truyền thống Do Thái-Kitô giáo lại cho thấy ý định
của Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người, đặc biệt là những người bé mọn. Đời
sống hôn nhân gia đình là một thực tại phổ biến và chung cho mọi người.
* Trong Cựu Ước, hình ảnh
hôn nhân thường được sử dụng để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với Dân
riêng của Người. Chẳng hạn, ngôn sứ Hôsê nói :
“Ta sẽ lập với ngươi một
hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực,
trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước
với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết ĐỨC CHÚA” (Hs 2, 21-22).
Thiên Chúa được diễn tả
như một Đấng hay ghen :
“Vậy ngươi không được phủ
phục trước một thần nào khác, vì ĐỨC CHÚA mang danh là Đấng ghen tương, Người
là một Vị Thần ghen tương” (Xh 34,14).
Đồng thời, sự thờ ngẫu
tượng được coi như là một hành vi ngoại tình đối với Thiên Chúa :
“Ở mọi đầu đường, ngươi
xây gò và làm cho nhan sắc của ngươi ra ghê tởm; ngươi đã hiến thân cho mọi
khách qua đường và gia tăng tội hoang dâm của ngươi.” (Ed 16,25)
Dĩ nhiên, đây là chỉ là
hình ảnh, là một cách thức diễn tả, vì Thiên Chúa trong Sách Thánh hoàn toàn là
siêu nhiên, là linh thiêng; và sách Sáng Thế đã hoàn toàn loại bỏ mọi thứ phái
tính trong “thế giới” của Thiên Chúa. Tuy vậy, qua những hình ảnh, những cách
thức diễn tả ấy, ta vẫn có thể đọc ra được, ít nhất, một sự trân trọng chứ
không phải thái độ coi thường đời sống hôn nhân như nhiều nền văn hoá khác.
* Trong mầu nhiệm tình
yêu Tân Ước, tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh được diễn tả đặc biệt trong ý
nghĩa của tình yêu hôn nhân. Đặc biệt, nơi đây, hôn nhân được nâng lên hàng bí
tích, nghĩa là đời sống hôn nhân Kitô giáo gắn liền với đức Giêsu Chết-Phục
Sinh và hội nhập đời sống hôn nhân của người nam và người nữ vào trong tình yêu
giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Điều đó có nghĩa là, trong hôn nhân Kitô giáo, mỗi
khi người chồng lo cho vợ, thì đó cũng chính là đức Kitô đang lo cho Hội Thánh;
và mỗi khi người vợ chăm sóc cho chồng, thì đó cũng chính là Giáo hội đang diễn
tả lòng trung tín của mình với Hôn Phu là đức Giêsu Kitô.
Người làm chồng,
hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội
Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống,
để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết
nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế,
chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy,
có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân
xác mình, cũng như Đức Ki-tô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ
phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có
lời chép rằng : Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ
mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi
muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như
chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng. (Ep
5, 25-33)
Chính vì thế, công đồng
Vatican II nói :
Tình yêu vợ chồng
đích thực được kết nhập trong tình yêu Thiên Chúa, được hướng dẫn và thêm phong
phú nhờ quyền năng cứu chuộc của Chúa Kitô và hoạt động đem lại ơn cứu rỗi của
Giáo hội, …
(MV 48)
Đặc biệt, đỉnh cao của
tình yêu hôn nhân Kitô giáo được thánh Phaolô diễn tả trong thư Ephêsô : “Vì lý
do đó, tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới
đất”. (Ep 3, 14-15)
Những khẳng định ấy cho
thấy những giá trị tích cực trong đời sống gia đình. Mặc dù, theo lịch sử, nếp
sống gia đình chỉ lộ diện trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể nào đó, nhưng gia
đình đã thực sự được “cứu mang” trong ý định của Thiên Chúa, gia đình phản ánh
một phần chân lý vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Đời sống con người được gạn lọc và
mài dũa trong trong dòng lịch sử để bộc lộ bản chất chân chính của phẩm giá con
người trong đời sống gia đình. Nếu như những tình cảm của đời sống gia đình,
tình mẫu tử, tình phụ tử, tình huynh đệ… là những gì rất sâu xa và sống động
trong lòng con người, thì chúng ta cũng có thể thấy hầu như tất cả những đường
nét của tình nghĩa gia đình ấy ăn khớp sít
sao với khuôn mặt Thiên Chúa mạc khải và ăn khớp sít sao với đường lối cứu độ lạ
lùng của Ngài. Thực sự, suy niệm về đời sống gia đình dưới ánh sáng đức Tin
cũng chính là suy niệm về kỳ công của Thiên Chúa trong cuộc sống con người và
là suy niệm về chính tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa đang thể hiện sống động
trong cuộc sống hằng ngày của kiếp nhân sinh.
2.2. Hai nẻo đường của tình yêu
Tuy nhiên, nếu tình yêu
của Thiên Chúa và đời sống gia đình nhân loại có một sự “liên tục” nào đó, thì
cũng có một sự “đứt đoạn” nào đó. Tình yêu gia đình của con người vẫn cứ phải
hướng lên tình yêu Thiên Chúa, mô phỏng, nối liền mạch nguồn và không ngừng được
thanh luyện.
Đối với con người, nẻo
đường bình thường của tình yêu gia đình diễn tiến theo sơ đồ : - trước tiên hai
người yêu nhau vì những sự tốt đẹp của nhau – rồi đến lúc nào đó, tình yêu thể
hiện trong việc đón nhận trọn vẹn hơn một con người, với cả cái xấu và cái tốt,
vì hai người đã cùng “đồng hội đồng thuyền” với nhau qua một quá trình lịch sử
– cuối cùng thì tình yêu chân chính sẽ đạt tới mức độ chấp nhận trọn vẹn bản
thân của nhau, mặc dù có thể người bạn đời của mình chẳng còn gì gọi được là tốt
cả. Đó là diễn tiến chân thực và đúng đắn của tình yêu mà không dễ gì mọi gia
đình có thể đi đến đích. Trong diễn tiến ấy, ta có thể thấy hai yếu tố “bản
thân” và “cuộc đời” đan xen và vun đắp cho nhau. Khi mà “bản thân” mỗi người bắt
đầu lộ ra những khuyết điểm, thì yếu tố bề dày lịch sử lại bổ túc và đóng vai
trò tích cực hơn để gìn giữ mái ấm gia đình….
Trong khi đó, trong đời
sống đức Tin, tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, và tình yêu của những
gia đình Kitô hữu, có một chiều hướng vận hành ngược chiều. - Trước tiên là
Thiên Chúa giao ước chấp nhận trọn vẹn bản thân của ta, mặc dù Ngài biết rõ mọi
khuyết điểm, yếu đuối của ta. - Rồi Thiên Chúa yêu thương con người bằng một thứ
tình yêu quảng đại, để chấp nhận “bản thân” ta, dù ta có tệ hại đến đâu; và thứ
tình yêu kiên nhẫn để vẫn một lòng trung tín với ta, bất kể những bất trung của
ta có tệ hại đến đâu. - Cuối cùng, sự tình yêu đi bước trước ấy sẽ có thể làm
phát sinh những hoa trái tốt lành nơi con người, nếu con người chịu “để cho
tình yêu Chúa cải hoá”.
Việc đối chiếu hai nẻo
đường ngược chiều của tình yêu như thế có thể làm rõ hơn những phẩm tính chân
thật của tình yêu Kitô giáo. Tình yêu Kitô giáo thuộc về một đẳng cấp khác với
tình yêu trong mức độ con người. Một khi tình yêu con người được gắn kết với
tình yêu của Thiên Chúa, việc chấp nhận “bản thân” và “cuộc đời” của nhau không
phải là một sự trao đổi những điều tốt đẹp, và cũng không phải là hệ quả của một
quá trình lịch sử, mà là món quà tặng không, cần được đón nhận với lòng tri ân.
Dưới ánh sáng đức Tin Kitô giáo, tình yêu trong gia đình biểu lộ nguyên lý căn
bản của tình yêu Kitô giáo, nguyên lý “tặng không” :
Các tương quan
giữa những phần tử trong cộng đồng gia đình được phát triển dưới sự thúc đẩy và
hướng dẫn của luật “cho không” bằng cách kính trọng và vun trồng nơi mọi người
cũng như nơi mỗi người, ý thức về phẩm giá con người như nguồn giá trị duy nhất,
cụ thể hoá trong sự tiếp đón nồng nhiệt, gặp gỡ và đối thoại quảng đại, sẵn
sàng phục vụ vô vị lợi và tương trợ sâu xa (T/h Gia Đình, số 43).
Nguồn cội của tình yêu ấy
chính là sự xác định “phẩm giá con người như nguồn giá trị duy nhất”. Vì phẩm
giá cao quý ấy, một xã hội văn minh không thể chấp nhận sự trao đổi, mua bán
con người, dưới bất kỳ hình thức nào. Chẳng hạn một thanh niên tự hào : tôi “đẹp
trai, học giỏi, con nhà giầu”, muốn cô nào mà chẳng được…, thì người đó chính
là kẻ ấu trĩ, đã hiểu tình yêu như một sự đổi chác… Một tình yêu hôn nhân chân
chính chỉ có thể xây dựng trên trên nền tảng “tặng không”, tặng không bản thân
mình và đón nhận với lòng tri ân bản thân được tặng không của ai khác.
“Ai đem hết gia tài sự
nghiệp mà đổi lấy tình yêu, ắt sẽ bị người đời khinh dể” (Dc 8,7).
Quả thật, gia đình Kitô
giáo diễn tả thứ tình yêu cao quý và chân thật nhất, tình yêu bao hàm ý nghĩa
dâng tặng trọn vẹn chính bản thân và trung tín liên luỵ trọn cuộc đời. Đó là một
tình yêu “đi bước trước” với tất cả lòng quảng đại và trung tín bắt nguồn từ
tình yêu của Thiên Chúa. Chỉ thứ tình yêu ấy mới diễn tả được phẩm giá cao quý
của con người và bộc lộ tính cứu độ của Kitô giáo cho đời sống gia đình nhân loại.
2.3. Một đức Tin nhập thể
trong những giá trị nhân bản
Đối
diện với những khủng hoảng có tính cơ cấu như hiện nay, có lẽ những giáo huấn
thuần tuý luân lý sẽ khó có thể chống lại sức mạnh của những trào lưu xã hội.
Điều đáng buồn hơn nữa là những giáo huấn trong Giáo hội về đời sống gia đình
hình như không mang tính giải thoát; ngược lại trở thành một gánh nặng chồng chất
thêm vào những gánh gồng đã quá nặng của thực tế đời sống.
Tuy vậy, khủng hoảng của
hôn nhân gia đình trong thế giới hiện đại cũng có thể chính là cơ may để đức
Tin tìm được cách diễn đạt trọn vẹn hơn. Những nguyên nhân tạo nên khủng hoảng
của đời sống gia đình không là gì khác hơn sự quên lãng những gia trị căn bản của
tín lý và những hướng dẫn của luân lý Kitô giáo. Thật ra, tình yêu nói chung và
tình yêu gia đình Kitô giáo không là gì khác hơn chính tình yêu của Thiên Chúa
đang đổ tràn xuống đời sống con người:
“Vì lý do đó, tôi quỳ gối
trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3, 14-15).
Bí tích Hôn Phối cùng những
mục đích và đặc tính hôn nhân Công giáo, mặc dầu luôn có những đòi hỏi của
trách nhiệm, nhưng chắc chắn không phải chỉ là một gánh nặng mà chính là nẻo đường
giải thoát. Bí tích hôn phối chính là một giao ước để tình yêu hôn nhân được gắn
kết vào mầu nhiệm Chết-Phục Sinh, mầu nhiệm tình yêu đến cùng của đức Giêsu. Từ
cội nguồn tình yêu ấy, gia đình Kitô giáo được hướng dẫn và được nuôi dưỡng.
* Gia đình như một công đồng ngôi vị
Gia đình là một khuôn mẫu
duy nhất trong các cộng đoàn nhân loại có được một phẩm tính riêng biệt: đó là
một cộng đoàn các ngôi vị. Tông huấn Đời sống Gia đình viết rằng:
Gia đình, được
thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là một cộng đồng các
ngôi vị: đôi bạn nam và nữ, cha mẹ và con cái, họ hàng. Bổn phận đầu tiên của
gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông, trong một cố gắng bền
bỉ nhằm thăng tiến một cộng đồng đích thực gồm các ngôi vị. (số 18)
Ngôi vị là một khái niệm
triết học phức tạp, có nhiều cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, ta có thể tạm hiểu
cách chung, từ “ngôi vị” diễn tả một chủ thể có lý trí, có tự do và có nét độc
đáo riêng biệt làm nên một phẩm giá. Ở trần gian này, con người có ngôi vị nên
khác với các loài vật khác; và trong con người, tiếng ngôi vị cũng chỉ một thực
tại toàn vẹn, một chủ thể đảm nhận tất cả mọi hoạt động của linh hồn và thân
xác. Như thế, ta có thể hiểu một “cộng đồng ngôi vị” là nơi mỗi thành viên
không chỉ đóng góp tài năng, tiền bạc, đức độ,…nhưng là đóng góp chính “cái tôi
toàn vẹn của mình”, cũng như đón nhận toàn vẹn cái tôi của người khác. Ý nghĩa
này cho ta thấy một sự khác biệt sâu xa giữa gia đình với các thứ cộng đồng hay
cộng đoàn khác. Nơi xí nghiệp chẳng hạn, ta không đóng góp cái tôi toàn vẹn và
người khác cũng không đón nhận toàn vẹn cái tôi của ta. Nơi đó người ta chỉ
đóng góp công sức, tài năng…để nhận lại những gì lợi ích cho cái tôi riêng của
mình…
Trên trần gian này, chỉ
có duy nhất gia đình cho mới được phẩm tính của một “cộng đồng ngôi vị”. Khế ước
hôn nhân là một khế ước mà hai người “trao thân gửi phận” cho nhau, để liên đới
với nhau một cách trọn vẹn, “ khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, khi gian nan
cũng như lúc thịnh vượng”. Tông huấn Đời sống Gia đình viết :
Sự hiệp thông đầu
tiên là sự hiệp thông được thiết lập và phát triển giữa đôi bạn : nhờ khế ước của
tình yêu vợ chồng, người nam và người nữ “không còn phải là hai nhưng là một
xác thịt” (Mt 19,6) và được mời gọi lớn lên không ngừng trong sự hiệp thông với
nhau qua việc trung thành mỗi ngày với lời cam kết hôn nhân là trao hiến trọn vẹn
cho nhau (số
19).
Đức Tin Kitô giáo cho thấy,
vị yêu thương, Thiên Chúa trao ban chính bản thân mình, chứ không phải chỉ là
trao ban một đồ vật, một món hàng nào đó. Điều đó giống như một người “nắm đàng
lưỡi” chứ không nắm đàng chuôi, và niềm tin rằng tình yêu sẽ được đáp trả chính
là sức mạnh duy nhất để đợi chờ. Tình yêu trao ban cần phải được chờ đợi, để
lãnh nhận chính bản thân của người tín hữu tự do trao tặng. Thiên Chúa đã muốn
chọn con đường yêu thương như thế. Thiên Chúa đã ban Con Một của Ngài cho chúng
ta; và mỗi người Kitô hữu, khi lãnh bí tích Rửa Tội, chấp nhận chết đi cho con
người cũ để sống một con người mới hoàn toàn, con người mới hoàn toàn thuộc về
Chúa, từ lối sống cho tới cả những ý nghĩ thầm kín nhất….
* "Thật vậy, không
ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình.
Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống,
dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa"
(Rm 14,7-8)
* "Đức Ki-tô đã chết
thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà
sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình". (2Cr 5,15)
Có thể nói, tất cả đời sống
Kitô hữu không là gì khác hơn sự triển khai nguồn sức sống mới từ bí tích Rửa Tội.
Chúng ta có thể thấy rõ giao ước của bí tích Rửa Tội không phải là một thứ giao
ước thuận mua vừa bán. Trong loại giao ước như thế, mỗi bên chỉ góp vào một phần
sự vật nào đó của mình chứ không đóng góp chính bản thân mình. Ngược lại, trong
giao ước “móng nền”, giao ước “ngôi vị” sẽ làm nên một “cộng đồng ngôi vị”,
trong đó, người ta đem chính bản thân mình ra để “ký kết”. Trong giao ước ngôi
vị như thế, mỗi bên trao phó trọn vẹn bản thân mình cho nhau và cũng đón nhận
trọn vẹn bản thân của người kia. Sống trong giao ước “móng nền” của bí tích Rửa
Tội, người Kitô hữu nhận ra Thiên Chúa là Đấng “cùng phe” với mình, Thiên Chúa
giúp mình “trả nợ đời” chứ Ngài không phải là ông chủ nợ. Do vậy, giao ước hôn
nhân diễn tả một tình yêu thương không rút lại, như giáo lý Kitô giáo vẫn luôn
khẳng định; và sự kiện những thành viên có cùng chung máu mủ ruột rà, là cha, mẹ,
anh chị em của nhau, cũng là một sự kiện không bao giờ có thể thay đổi, ít là
trên bình diện luân lý, mặc dù luật pháp có những quy định cho phép “từ con”. .
.
“Tình yêu thương vợ chồng
bao gồm một toàn thể tính trong đó có đủ mọi yêu tố cấu tạo nên ngôi vị…” (Tông
Huấn gia Đình, số 13).
* Gia đình là nơi con
người được “ở với nhau” :
Các môn đệ đầu tiên
không tìm đến với đức Giêsu như một vị thầy dạy học, nhưng như “Đấng ở với”: “Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi
theo mình, thì hỏi : "Các anh tìm gì thế ?" Họ đáp: "Thưa Ráp-bi
(nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu ?" (Ga 1,38)
Và đức Giêsu đã mời gọi
các ông, trước tiên, không phải là học một bài học, mà là xem chỗ Người ở và ở
lại với Người : “Người bảo họ : ‘Đến mà xem.’ Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại
với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1,39).
Cũng vậy, trong gia
đình, các thành viên hiện diện cho nhau với toàn vẹn cái tôi của mình; được chấp
nhận và chấp nhận người khác với toàn vẹn cái tôi ấy. Mối liên kết ở mức độ
“cái tôi” ấy làm nên một nơi “ở với”, nơi các thành viên có được một “quê
hương” để sống trọn vẹn bản thân mình, lại vừa có trách nhiệm trọn vẹn với cả
điều tốt và điều xấu nơi cha mẹ, anh chị em của mình :
Sự hiệp thông vợ
chồng ăn rễ sâu từ trong sự bổ túc tự nhiên giữa người nam và người nữ, và được
nuôi dưỡng nhờ ý chí của đôi bạn đích thân muốn chia sẻ với nhau toàn thể dự
phóng cuộc đời của họ, chia sẻ với nhau điều họ có và điều họ là : bởi đó, một sự
hiệp thông như thế là kết quả và là dấu hiệu của một đòi hỏi nhân bản sâu xa (số 19).
Dưới ánh sáng đức Tin
Kitô giáo, gia đình là nơi chốn an bình cho tâm hồn mình; nơi đây con người có
thể cảm nhận mình được chấp nhận bản thân để có thể đồng hành, liên luỵ với
nhau trọn cuộc đời. Nếu như cơ cấu xã hội đang phản ảnh một sự xâm chiếm của yếu
tố “lạc nghiệp” trên yếu tố “an cư”, thì hơn ai hết, những gia đình Kitô giáo cần
làm chứng cho một chiều hướng chân chính của bản chất người, chiều hướng khẳng
định gia đình mới là tế bào của xã hội, chứ không phải chỉ là một hình bóng phản
chiếu quy luật xã hội.
“Bởi vì ‘Đấng Tạo Hoá đã
đặt gia đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội con người’ nên gia đình trở
thành ‘tế bào đầu tiên và sống động của xã hội” (T/h Gia Đình, số 42)
Mặc khác, tình yêu Kitô
giáo không đóng kín trong chính mình nhưng bao hàm tính phong phú, có khả phát
triển và “sinh sản” :
“Như thế, vì bản chất và
ơn gọi của nó, thay vì đóng khung trên chính mình, gia đình rộng mở đến những
gia đình khác và đến xã hội, và chu toàn vai trò xã hội của mình” (T/h Gia
đình, số 43)
Do đó, kinh nghiệm đầu
tiên về tha nhân của con người được hình thành trong đời sống gia đình, kinh
nghiệm ấy chính là ánh sáng soi chiếu cho những kinh nghiệm về tha nhân trong đời
sống xã hội. Chiều hướng đích thực tình yêu
là mang kinh nghiệm sống với nhau trong nguyên lý “tặng không” của đời sống gia
đình để soi chiếu và biến đổi những mối tương quan xã hội chứ không phải chiều
hướng ngược lại như tình hình hiện nay.
Như vậy, phát
huy sự hiệp thông đích thực giữa những ngôi vị có trách nhiệm trong gia đình trở
thành một việc thực tập căn bản và không thể thay thế được cho đời sống xã hội,
một gương mẫu và là một khích lệ cho các tương quan cộng đồng mở rộng, được
đánh dấu bằng các đức tính : kính trọng, công bằng, ý thức đối thoại, tình yêu (T/h Gia đình, số 43).
Tạm kết
Hôn nhân - gia đình vốn
là hình ảnh tiêu biểu của tình yêu. Thời nào cũng vậy, từ xưa tới nay, vẫn có
những gia đình đổ vỡ, vẫn có những gia đình không có hơi ấm yêu thương, vẫn có những gia đình chẳng khác gì địa
ngục… nhưng hình ảnh gia đình như là biểu tượng của tình yêu vẫn còn đó. Liệu
chừng đến một lúc nào đó, hình ảnh gia đình không còn là hình ảnh tiêu biểu của
tình yêu?
Những áp lực của đời sống xã hội đang làm rúng động
tận nền tảng của đời sống gia đình, làm biến dạng ý nghĩa chân thực của tình
yêu. Không kể những đổ vỡ trong đời sống gia đình, trên thế giới ngày nay còn
xuất hiện và đang lay lan những mẫu gia đình kỳ lạ, gia đình đồng tính, gia
đình tạm thời, gia đình ba hoặc bốn vợ/chồng… Kitô giáo không chấp nhận những mẫu
gia đình kỳ lạ ấy, không phải chỉ chúng khác lạ, nhưng vì chúng phá vỡ ý nghĩa
đích thực của tình yêu.
Những thách đố của đời sống gia đình hiện nay
cũng có thể là một cơ may để người Kitô hữu có thể khám phá lại sức mạnh của sự
sống Kitô giáo. Hơn lúc nào hết, mỗi người Kitô hữu cần xác tín được ý nghĩa đức
Tin như là được “ở với Chúa”. Đây chính là lúc mỗi người Kitô hữu hiểu rằng đức
Tin không phải chỉ là sống luân lý, là “sống thế nào”, mà thiết yếu là “sống-với-ai”.
“Ai” ở đây trước tiên là chính Chúa Giêsu; rồi cũng là gia đình, là anh chị em
trong gia đình. Nền tảng đức Tin ấy giúp người Kitô hữu xây dựng đời sống gia
đình của mình trên nền tảng “an cư”, cũng như xây dựng cộng đoàn, hội dòng trên
nền tảng tình nghĩa...
Đăng nhận xét