Mầu nhiệm mặt trăng: Cộng đoàn dòng tu phục vụ sự sống được kêu gọi “phản chiếu” cho tình yêu Thiên Chúa


Mầu Nhiệm Mặt Trăng
Đức Maria như vầng trăng, linh tượng của GH,
ôm lấy Mặt Trời Công Chính là Đức Yêsu.
[1]
Khi Kitô giáo bước vào ngưỡng cửa của Thiên Niên Kỷ III, Thánh Giáo Hoàng Yoan Phaolô II đã chia sẻ trong bức tâm thư: 
Một thế kỷ mới, một thiên niên kỷ mới đang mở ra trong ánh sáng của Chúa Kitô. Nhưng không phải tất cả mọi người đêu có thể nhìn thấy ánh sáng này. Công việc tuyệt vời và thúc bách chúng ta, đó là trở thành 'sự phản ánh' của nó. Đây là mầu nhiệm mặt trăng đã chiếm một phần lớn việc chiêm niệm của các Giáo Phụ trong Giáo Hội; các ngài đã sử dụng hình ảnh này để cho thấy sự phụ thuộc của Giáo Hội đối với Đức Kitô, là Mặt Trời có ánh sáng được mặt trăng phản chiếu.[2]
Bản thân Đức Yoan Phaolô II cũng đã trích dẫn từ Giáo Phụ Augustinô:
Mặt trăng được hiểu chính là GH, điều đó có nghĩa là GH không có ánh sáng của riêng mình, nhưng từ Con Thiên Chúa Duy Nhất; Ngài được gọi là Mặt Trời một cách bóng bảy ở nhiều nơi trong Thánh Kinh.[3]
4) Trước khi làm giáo hoàng, Đức Benedict XVI cũng thường xuyên nhắc đến hình ảnh này. Trong tuyệt tác "Tại Sao Tôi Vẫn Còn ở Trong Giáo Hội" (1973), ngài viết:
Bản chất của Giáo Hội là tự nhận mình không là gì cả trong chính bản thân mình, và nếu có điều gì mà người cho là đáng giá, thì thật sự nó cũng không đáng là gì, trong điều gì mà Giáo hội tồn tại thì cũng chỉ để rồi bị lấy mất đi, và ngay trong sự kiện mà GH có ánh sáng thì thật sự cũng không phải tự thân nó có. Giáo Hội là mặt trăng, mầu nhiệm mặt trăng, và do đó GH tồn tại cho các tín hữu, và chính vì thế mà GH mới là nơi hiện hữu của mọi quyết định thiêng liêng trường tồn .[4]
5) Lúc còn là Hồng Y, Bergoglio đã từng nhấn mạnh rằng, khi GH không còn là "mysterium lunæ, ” GH sẽ sống với các hiểm nguy khi tự mình qui chiếu (self-referential) về mình, vì lúc đó Giáo Hội không còn sẵn sàng ra khỏi mình để dấn thân loan báo Tin Mừng, GH trở nên tự qui chiếu và trở thành bệnh hoạn (nghĩ đến người phụ nữ hoàn toàn bị còng lưng lâu năm mà Tin Mừng nói đến). Các tệ nạn đó, theo thời gian, gặm nhắm vào các tổ chức Giáo hội, biến GH trở thành một thứ mà mà các nhà thần học ngày nay gọi một cách bóng bảy, một danh xưng của tâm lý: tự ái kỷ thần họ,[5] và là miếng mồi ngon của tục thế tính thiêng liêng.[6]
Bergoglio đã sử dụng diễn ngữ này của Hồng Y Henri de Lubac, người Pháp, cùng Dòng Tên với Ngài, một trong những nhà thần học vĩ đại nhất của thế kỷ XX.
Trong cuốn "Suy Gẫm về Giáo Hội" [7] Lubac xác nhận tục thế tính này,
là mối hiểm nguy lớn nhất, sự cám dỗ xảo trá nhất; nó luôn luôn tái sinh, ngấm ngầm, khi tất cả những thứ khác đã bị chế ngự và ngay những chiến thắng thậm chí cũng nuôi dưỡng nó. Nếu ta để cho tính thế tục thiêng liêng này xâm lược vào Giáo Hội và làm bại hoại GH bằng cách tấn công ngay vào nguyên lý của chính GH, thì nó sẽ là vô cùng tai hại hơn so với bất kỳ thế tục tính nào chỉ mang tính luân lý... (Đó là) Một chủ nghĩa nhân văn tinh tế, đối thủ của Thiên Chúa hằng sống, và một cách tiềm ẩn, cũng không thể kém hơn, là kẻ thù của con người, có thể len lỏi vào trong chúng ta bằng nhiều cách." [8]
6) Thật vậy, "mầu nhiệm mặt trăng," một thuật ngữ có nghĩa là Giáo Hội phải phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô như mặt trăng phản chiếu ánh sáng mặt trời, chớ không phải của mình; mầu nhiệm mặt trăng sẽ bị suy yếu và do đó GH để cho đủ loại mêsiah thuyết hữu thời tự xem mình như là một thứ thần học thuộc thế gian.[9] 
Hồng Y niên trưởng J. Ratzinger trong thánh lễ khai mạc Cơ Mật Viện (18/4/2005) để bầu vị giáo hoàng mới cũng đã cảnh báo sự “hỗn loạn” tục thế tính vào những thập niên cuối cùng của tk XX:
Biết bao nhiêu làn gió chủ thuyết mà chúng ta đã biết đến trong những thập niên cuối cùng “Con thuyền nhỏ tư duy của nhiều Kitô hữu đã thường bị đánh bởi những đợt sóng này, trôi giạt từ thái cực này sang thái cực khác: từ Marxist tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp và v. v… Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và xảy ra điều mà Thánh Phaolô đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc (Cf. Ep 4, 14). [10]
Đức Benedict nêu lên cái tinh quái nhất chính là sự bóm méo chân lý, khi đức tin rõ ràng đặt nền trên kinh Tin Kính của Giáo Hội thì lại gán cho nhãn hiệu cuồng tín, và trong khi ai đó bám víu vào chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để chính mình “bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý” (Phaolô) thì dường như lại được ngợi khen như là cách thức hành xử thời thượng và thức thời. Dần dần chủ nghĩa tương đối trở thành chủ nghĩa độc tài, và phủ định tất cả những gì mang tính cùng đích hay chung kết và điều tệ hại là để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất.[11]
7) Ngoài ra sự tự ái kỷ còn bọc lộ rõ nét khi nó gắn liền với thực hành thiêng liêng. Thật vậy, sau một thời gian quá dài bị lơi là, thực tại thiêng liêng, nền tảng về hoán cải đã thấy được một sự nở rộ, tựa như một mốt thời trang nhỏ nào đó. Có một sự tràn ngập các bài viết liên tục về đề tài này, từ những bài tường thuật của báo chí bình dân về lòng sùng kính cho đến những phân tích thần học bác học của niềm tin Kitô giáo. Nhiều bài viết này có giá trị.[12] Nhưng có nhiều bài thường sa vào một thứ nhị nguyên mập mờ giữa sự hy sinh và hoàn thành bản thân, nói cách khác, một thứ tự ái kỷ đang len lỏi vào.
(i) Một đàng, chúng ta được mời gọi từ bỏ mình, đàng khác chúng ta được thúc bách để hiện thực bản thân của chính chúng ta một cách trọn vẹn. Trong khi lời mời gọi Tin Mừng bước theo Đức Yêsu, thường bị  hiểu sai lầm như là sự đòi buộc một sự hy sinh hay từ bỏ sự hiện thực đích thực bản thân, thì một "tâm lý bình dân" đã dựng nên một bản ngã[13] mà thiết yếu đó là cả một mảng đầy ham muốn mà sự hiện thực có nghĩa là tôi càng được thoả mãn bao nhiêu ham muốn là càng tốt: “Các anh/chị không bao giờ làm như thế là đủ cho các anh/chị cả."[14]
(ii) Thật vậy, nhiều nơi trên thế giới ngày nay, ngay nơi chính những cộng đồng Kitô hữu, đã rơi vào dạng tự ái kỷ hiểm nguy này, vì đã muốn thay thế việc bước theo Đức Kitô khắc khổ đơn thuần qua các khóa tu luyện thiền, Yoga và các dẫn xuất của chúng:.., những huấn luyện theo thời thượng, những bảng trắc nghiệm tâm lý của cá tính học, và những điều khác tương tự.[15]
(iii) Chúng ta biết xảy ra các điều như thế ngay từ các giáo sư thần học thuộc xu hướng thế gian, các mục tử, các hội đoàn theo chủ nghĩa cơ hữu,[16] trong những thư viện tôn giáo và phi tôn giáo (đôi khi rất khó để phân biệt với nhau!) đang phổ biến một thứ thần học chọn tiêu chuẩn và sự tham chiếu tham khảo là những nguyên tắc của thế gian: chủ nghĩa Marxism, tâm lý tuổi mới, khoa học kỹ thuật, thần học ở hội quán... và phương tiện truyền thông.
Trong khi đó vẫn không ít Kitô hữu khác, sống đơn sơ nghèo hèn như các anawim, nhẫn nại ngày qua ngày nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa, gương sáng Tin Mừng, lời giảng dạy của Giáo hội, các người thầy thiêng liêng và dấn bước loan báo Tin Mừng muốn chia sẻ niềm vui mà họ đã áp ủ trong lòng cho mọi người mà không cần đến các phương tiện ồn ào của truyền thông, không cần đánh bóng tên tuổi mình.
8) Cuối cùng, Bergoglio hay Đức Phanxicô, nhắc nhở Kitô hữu chúng ta không nên quá tự qui chiếu, sa vào những kiểu cách chính trị trong nội bộ Giáo hội cùng đủ thứ vấn đề, nhưng hãy đi ra ngoài để chia sẻ Tin Mừng với toàn thế giới, đặc biệt là người nghèo và người bị tổn thương. Như Đức Maria,[17] chúng ta hành sử tốt nhất khi chúng ta phản ánh và tỏa chiếu ánh sáng của Đức Yêsu Kitô Chúa chúng ta; tựa như mặt trăng phản chiếu ánh sáng của mặt trời.

2. Người Sống Đời Thánh Hiến sống Mầu Nhiệm Mặt Trăng

1) Chính vì mầu nhiệm GH chính là “mầu nhiệm của mặt trăng”[18] mà theo Alvaro, dung nhan của Thiên Chúa, là tình yêu, phải soi rọi vào tâm hồn chúng ta và chúng ta phải phản chiếu khuôn mặt Ngài trong đời sống của mình, tựa như là mặt trăng, phản ánh Đức Kitô là mặt trời, “Mặt Trời Công Chinh” như phụng vụ thường gọi, và nhờ đó chúng ta có khả năng xua đuổi bóng tối của ngu dốt, sợ hãi, buồn phiền, nản chí và  thiếu vắng sự nhạy cảm và cũng như lẽ sống.[19]
2) Đây là một cách cụ thể để sống đời sống thánh hiến của chúng ta cho Thiên Chúa Ba Ngôi và để làm vinh danh Ngài. Đây phải là tuyển chọn căn bản của chúng ta mà  mọi thứ khác phải trở nên thứ yếu.
Chúng ta là những con người bằng xương bằng thịt, nhưng lại chứa đựng một kho tàng lớn lao bên trong chúng ta, tựa như những bình sành. Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. (2 Cr 4, 7)
Đức Phanxicô cũng đã nhắc lại tư tưởng nảy trong một thông điệp gửi trên trang Twitter của Ngài: “Chúng ta là những bình sành, dễ vỡ và nghèo nàn, nhưng bên trong lại chứa đựng một kho tàng vĩ đại.”[20]  
3) Kho tàng này chúng ta không thể giữ riêng cho mình để tự tán thưởng[21] nhưng phải chia sẻ nó. Tông Huấn “Niềm Vui Tin Mừng” không ngớt nhắc lại câu leitmotiv (điệp ca), chúng ta cần ra ngoài, đi ra ngoài, cần xuất hành, khi chúng ta đã gặp gỡ được gương mặt Đức Yêsu, có được niềm vui của Ngài, thì cần ra ngoài san sẻ niềm vui này cho biết bao nhiêu người không có được tình bằng hữu như thế của Đức Yêsu.
Trong cuốn “Nguyện Gẫm Dành Cho Tuần Tĩnh Tâm,” thánh Yoan Lasan (1651-1719)[22] đã truyền cho những người dự tĩnh tâm những nguồn cảm hứng và phương tiện để làm như vậy.
Theo ngài, chỉ những tâm hồn hoàn toàn hoán cải và quy hướng về Thiên Chúa và cho ý định của Ngài mới có cảm thức về công việc của Ngài trong những người anh chị em và trong lịch sử.[23]
4) Ơn gọi của người sống đời thánh hiến, phải chăng, chính là để đáp trả với một cách sáng tạo theo tinh thần Tin Mừng với Thiên Chúa nhập thể trong các hoàn cảnh cụ thể và cho những nhu cầu của con người cần đến chúng ta, những người nghèo, những trẻ em và người trẻ gặp hiểm nguy trong đời sống luân lý?
5) Dung nhan Thiên Chúa cũng như những khuôn mặt của trẻ em và người trẻ phải là một mạc khải được giác ngộ cho chúng ta. Dung nhan Ngài đã phản ảnh lại trên khuôn mặt của người nghèo và người bé mọn.[24] Chân Phước Phaolô VI[25] đã nhắc nhở điều này trong bài diễn văn bế mạc Công Đồng Vatican II năm 1965 bằng những lời lẽ tuyệt vời như sau:
Trên khuôn mặt của mỗi con người, đặc biệt của những ai đau buồn sầu khổ, chúng ta có thể và phải có khả năng nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô, Con Người. Và nếu trên  khuôn mặt của Chúa Kitô chúng ta có thể và phải nhận ra dung nhan của Chúa Cha trên trời, nhân loại chúng ta trở thành Kitô hữu và Kitô giáo của chúng ta trở nên “quy thần,”[26] đến mức chúng ta có thể khẳng định: muốn biết biết Thiên Chúa cần phải biết con người.[27]

3. Vì Thiên Chúa đã Trao Cho Chúng Ta Thừa Tác Vụ Đem Lại Sự Sống, nên Chúng Ta Không Sờn Lòng Nản Chí (2 Cr 4, 1)

Chúng ta, các người được mời gọi sống đời thánh hiến, đã được Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương kêu gọi (không phải do sáng kiến cá nhân) để liên kết với nhau cho một thừa tác vụ mà Ngài đã ủy thác cho chúng ta do tình yêu của Ngài.
1) Thật vậy, qua Giáo Hội, thừa tác vụ của người sống đời thánh hiến được trao phó cho chúng ta như một phần của kế hoạch nhiệm mầu của Ba Ngôi-Thiên Chúa.
 Kế hoạch yêu thương này được trao cho để đem lại sự sống cho nhân loại. Sự sống mà Chúa Cha đã trao cho con Con Một của Ngài khi đến thế gian, nay Ngài lại nhờ những nghĩa tử của Ngài tiếp tục công trình của Con Ngài khi Đấng này về trời.
Tôi nghĩ, điều này quan trọng, vì sự sống mà ta cố đem lại cho nhân loại chỉ có thể xuất phát từ Ba Ngôi. Chúng ta có lý do để nhấn mạnh điều đó, nếu chúng ta nhớ lại đoạn Tin Mừng theo Marcô 3,13-15  (= Lc 6, 12-13).
2) Hai bản văn trọng tâm và rất quan trọng giúp chúng ta hiểu việc hình thành nên cộng đồng đặc biệt này gồm những người thận cận nhất của Đức Yêsu là ở Marcô 3, 13-19Luca 6, 12-13.[28] Bản văn Marcô bắt đầu bằng cách nói rằng Đức Yêsu lên núi và gọi đến với Ngài những kẻ Ngài muốn. Và các ông đến với Ngài. Ngài lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Ngài và để Ngài sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ.
(i) Trong huyền thoại các dân tộc, núi là nơi con người đặt bàn thờ tôn kính Thần Thánh, nơi các vua hay các tư tế dâng lễ vật kính Trời, Đất. Kinh Thánh cũng nói đến con người gặp Thiên Chúa ở trên núi cao.[29]
Trong Tin Mừng, Đức Yêsu thường lên núi cầu nguyện.[30] Trước biến cố vĩ đại chọn nhóm Mười Hai,  Marcô viết: “Ngài lên núi và gọi đến với Ngài những kẻ Ngài muốn. Và các ông đến với Ngài.” (Mc 3, 13).
(ii) Các biến cố dẫn đến việc này đã xảy ra bên bờ hồ Galilê, nơi Đức Yêsu lánh mặt khỏi hội đường sau khi Ngài vừa chữa lành kẻ bại liệt trong ngày Sabat. Và bây giờ, Ngài đi lên “núi, những nơi cao,” như Cựu Ước thường viết, nghĩa là nơi Ngài có thể đi vào hiệp thông với Thiên Chúa Cha, vượt quá những công việc và sinh hoạt của cuộc sống hằng ngày, tránh những đám đông luôn lũ lượt kéo đến Ngài (Mc 3, 7-8).
(iii) Trong trình thuật song song với Marcô, Luca cho thấy cái bi tráng, và cái nghiêm trọng hơn của việc tuyển chọn.
Trong những ngày ấy, Đức Yêsu lên núi cầu nguyện, và Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Ngài kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Lc (6, 12).
(1) Như vậy, theo Luca, hành động kêu gọi các môn đệ đến với Ngài là một biến cố cầu nguyện.[31]
(2) Hình như Luca muốn cho thấy, các môn đệ không phải là những người được chọn cách bâng quơ hay ngẫu nhiên hay sau qua một trắc nghiệm chức năng, tâm lý nào đó.[32] Họ được sinh ra từ sự thân mật sâu xa của Đức Yêsu với Chúa Cha.
(3) Thật vậy, Luca cho thấy, Đức Yêsu đã thức suốt đêm cầu nguyện với Cha của Ngài, và ta có thể nói, thật sự các môn đệ được sinh ra từ đó. Qua Diễn Từ Ly Biệt, chính Yoan cũng hé lộ cho chúng ta thấy cội nguồn mối thân tình này giữa các môn đệ và Chúa Cha: Trước tiên, chính các môn đệ được Chúa Cha yêu mến họ, vì họ đã yêu mến Đức Yêsu, Thầy của họ, và tin rằng Thầy của họ từ Thiên Chúa mà đến” (Ga 16, 27). Những môn đệ là “những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho Ngài, và Ngài đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho Ngài, và họ đã tuân giữ lời Cha.” (Ga 17, 6). Đức Yêsu đã hứa cầu nguyện cho các môn đệ, những kẻ Cha đã ban cho Ngài, bởi vì họ thuộc về Cha. (Ga 17, 9).
3) Hệ luận trong sứ vụ được trao phó cho chúng ta, như là người sống Đời Thánh Hiến: Nhân Danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần[33]
“Lạy Chúa Ba Ngối người thân cận của con (… ) tư tưởng của con mà rời xa Ngài là không còn quê hương  (R. M. Rilke).
Thật vậy, nhờ tình yêu của Đức Yêsu, chúng ta trở nên những người phục vụ con người, người nam, người nữ, trẻ em và người trẻ, đặc biệt là những người cần chúng ta nhất và những người xa ơn cứu rỗi.[34]
(i) Các lời khấn và mục tiêu tối hậu của lời khấn của chúng ta: trước hết là tìm cách làm vinh danh Thiên Chúa: Đấng được mạc khải trong Chúa Yêsu, Đấng ước muốn tất cả mọi người được ơn cứu độ và vinh quang lớn lao nhất của Ngài là không một ai phải hư mất, Đấng là Thiên Chúa Ba Ngôi, là hiệp thông, sự vận động của tình yêu và sự gặp gỡ.
(ii) Thiên Chúa–Ba Ngôi: Các Ngôi Vị Thiên Chúa (hypostatic) có tương quan với nhau. Bởi vì sự phân biệt thật sự giữa các Ngôi Vị với nhau không phân chia thần tính duy nhất, nên sự phân biệt đó chỉ cốt tại các mối tương quan quy chiếu đến các Ngôi Vị với nhau. Trong các danh xưng nói lên mối tương quan của các Ngôi Vị, Chúa Cha có tương quan với Chúa Con, Chúa Con có tương quan với Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần có tương quan với hai Ngôi kia.[35]
Mỗi ngôi vị mở ra cho tình yêu không ngừng nghỉ. Mối tương quan, vốn chính là tình yêu, là bản chất của Thiên Chúa-Ba Ngôi. Như thánh Bernard viết: “Trong Thiên Chúa Ba Ngôi, điều bảo đảm cho sự hiệp nhất tối cao và và vượt sức hiểu biết của phàm nhân là gì, nếu không phải là tình yêu?”[36]                
(iii) Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu, kinh nghiệm riêng của chúng ta về tình yêu thì diễn tả điều này cách tuyệt vời nhất:
Đó là lý do tại sao các cộng đoàn tu sĩ ở khắp nơi trong đại gia đình Hội Dòng phải là một linh tượng (icon) của đời sống Ba Ngôi cho GH và thế giới hôm nay: trong các cộng đoàn phải có sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.[37]
(iv) Nhà thần học D. Bonhoeffer trong tuyệt tác Sanctorum Communio (1963) [38] đã có ý niệm rất quan trọng về Giáo Hội, hay một Cộng Đồng Kitô nào khác: Giáo Hội  là Cộng Đồng Duy Nhất trong đó mạc khải Thiên Chúa được hiện thực và hình thành.[39]
Chính vì thế, mối quan hệ xây dựng trên tình yêu phải chiếm vị trí ưu tiên trong sứ mạng. Một tình yêu hỗ tương.
Như mỗi một ngôi vị trong Ba Ngôi, không có hiện hữu nào khác hơn là hiện hữu qua và cho hai ngôi vị kia. Hiện hữu cho một người là một quà tặng, ngang qua người khác là tiếp đón. Tiếp đón là cho đi, cho đi là yêu thươngMầu nhiệm Ba Ngôi giải nghĩa toàn bộ các hiện thân của con người trong cuộc sống hiện sinh của nó.[40]
4) Tôi – Bạn – Chúng Ta.[41] Tai sao tôi phải quan tâm  về chính mình? Tôi không có nhiệm vụ phải nghĩ về mình. Nhiệm vụ của tôi là nghĩ về Chúa. Việc của Chúa là quan tâm về tôi (Simone Weil).
Ngôi vị “Ngài” của Thiên Chúa không tách rời với cái “Tôi” mỏng giòn sẽ rời khỏi cuộc đời trần thế và cái “Chúng Ta” tạo nên bởi các người thánh hiến mà với họ các đấng sáng lập đã hiện diện để dấn thân phục vụ các người nghèo và đặc biệt các người trẻ nghèo xa ơn cứu độ.

4. Một Cái Nhìn Thần Bí về Giáo Hội: Một GH Phục Vụ[42]

Yêu mến Giáo hội này, ở lại trong Giáo hội này, hãy là Giáo hội này (Augustinô).
1) Trong xã hội ngày càng tục hóa, những người thánh hiến cần một cuộc hoán cải mang tính mục vụ, một canh tân trở lại với Tin Mừng bước theo Thầy Yêsu như người môn đệ:
(i) Đó là: một GH Hiệp Thông (koinonia): cởi mở, gần gũi, tiếp đón, đơn sơ và khiêm tốn; (ii) một GH Phục Vụ và Chữa Lành (diakonia), không bạo lực,[43] được mời gọi xây dựng và chứng nhân cho một GH nghèo và cho người nghèo, dám chạm đến xương thịt Đức Kitô trong những ai đau khổ;[44] và (iii) một GH loan báo Tin Mừng  (kerygma) “thời thuận tiện cũng như không thuận tiện” để cho mọi người có thể cảm nhận được lòng nhân từ của Chúa Cha,”Đấng chậm bất bình và giàu lòng xót thương.” (Tv 86, 5. 15).
2) Và đó là  một cuộc hoán cải dẫn đưa chúng ta xây dựng một Giáo Hội đặt trên Chúa Yêsu Kitô như viên đá góc tường: (i) Tránh kiểu tự cung tự cấp tự mãn (tự tham chiếu, self-referential), lòng hoài cổ, một kiểu xã hội không tưởng kỳ dị, chủ bại, tìm kíếm hiệu năng và hiệu quả như là giá trị tự thân, quên tính mỏng dòn của mình; (ii) Một hoán cải, đưa đến một GH, nơi con người quan trọng hơn các cấu trúc, quy định và nghi lễ, tựa cách sống của Thầy Yêsu.
3) Đức Hồng Y Martini giáo chủ Milanô, đã từng nói với chúng ta về một Giáo Hội đang mệt mỏi mất tính năng động. (i) Còn Đức Phanxicô, luôn nhắc lại rằng ngài thích một Hội Thánh bị bầm dập, bị tổn thương và nhơ bẩn vì phải  dấn thân ra ngoài các đường phố, hơn là một Hội Thánh hành chánh... chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục;[45] (ii) Ngài vạch ra rằng “những cám dỗ ảnh hưởng đến những người làm mục vụ” là “chủ nghĩa cá nhân, một cuộc khủng hoảng về căn tính và làm cho lòng nhiệt thành bị nguội đi;” (iii) Theo ngài mối đe dọa lớn nhất là “chủ nghĩa thực dụng màu xám của cuộc sống hàng ngày của Hội Thánh, trong đó tất cả có vẻ tiến hành bình thường, mà trên thực tế đức tin đang bị mệt mỏi.”[46]
4) Chính vì thế, người môn đệ phải “phục hồi sự tươi trẻ ban đầu của Tin Mừng, dám tìm “những đại lộ mới” và “những nẻo đường mới sáng tạo,” mà không  phải giam hãm Đức Yêsu trong “những phạm trù nhàm chán” của chúng ta.
(i) Đức Phanxicô cảnh báo chúng ta cần chống lại “tinh thần chủ bại,” và ngược lại, Ngài thôi thúc các Kitô hữu trở thành những “dấu chỉ của niềm hy vọng, mang lại một “cuộc cách mạng của dịu hiền.[47]
(ii) Alvaro trong Thư Mục Vụ 2014 cũng nói tương tự, nhưng một cách cụ thể: anh em chúng ta có thể và bổn phận làm tươi trẻ lại GH; Vì chúng ta có một vinh dự riêng để phục vụ các trẻ em và người trẻ, là những người mà niềm hy vọng, năng lực và sự rộng mở đến một tương lai tuy còn đầy ẩn số, nhưng chúng ta phải để bị “tiêm nhiễm” bởi chúng.
(iii) Vì sứ mạng chúng ta trong GH tiếp tục là cần thiết và luôn hợp thời. Vượt quá các khác biệt văn hóa và tôn giáo, chúng ta cần lặn ngụp vào kinh nghiệm nhân sinh của người trẻ và tìm trong đó một sự mở ra với Tin Mừng vốn có khả năng thật sự chạm đến đời sống và đặt chúng ta vào sứ mạng phục vụ vốn đến từ Thiên Chúa, Đấng muốn mọi người được cứu độ (1 Tm 2.3).

5. Để Sinh Hoa kết Quả Tốt Đẹp Cần Một Lòng Mộ Mến Nhiệt Thành với Chúa Yêsu[48]

Hãy hướng mắt chúng ta về Đức Yêsu, Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin (Dt 12, 2).
Đó là bởi vì, như Đức Phanxicô quen nói, tình yêu của Thiên Chúa có một cái tên và một gương mặt: đó là Đức Yêsu Kitô. Đi theo Đức Kitô có nghĩa là sống một linh đạo Nhập Thể vốn giúp ta hình thành và sống kinh nghiệm về một Thiên Chúa đã thành xương thịt một cách cụ thể trong lịch sử.
Các nhà thần học linh đạo thường khuyến khích chúng ta sử dụng các phương thế độc đáo giúp chúng ta giữ gìn sống động ngọn lửa yêu mến Chúa Yêsu: Bí Tích Thánh Thể và Nguyện Gẫm.
A. Bí Tích Thánh Thể như Mối Dây Liên Kết và Hiệp Thông[49]
1) Varillon[50] đã có một câu nói thật tuyệt vời: Thánh Thể là tóm tắt mọi sự, là điểm khởi đầu của mọi ngã phân kỳ và đồng quy. Nó có nghĩa là sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và con người trong Đức Kitô; là quá khứ, hiện tại và tương lai; là tự nhiên và lịch sử; là tiếp đón và dâng hiến; là cái chết và sự sống.
2) Thánh Thể giúp người thánh hiến chúng ta nhen nhóm lại mỗi ngày một cách bí tích dây liên kết, sự hiệp thông với anh em của chúng ta, với  trẻ em và người trẻ, với cả nhân loại. Vì khi ta ăn Thân Thể Đức Kitô ta hội nhập vào nhân loại (Augustinô).
3) Đức Yêsu đã gán cho bữa ăn một tầm quan trọng đặc biệt, như là nơi chốn thân mật để tham gia vào Nước Trời và giúp người thánh hiến sống niềm vui như là tu sĩ, một niềm vui chan hòa biết san sẻ và cho đi.
4) Thánh Thể cũng giúp chúng ta mỗi ngày được lắng nghe Lời Chúa và để ta bị thách đố bởi Lời đó: Lời mời gọi chúng ta nói lên “amen” với ý Chúa Cha theo gương Đức Yêsu, Con Một Ngài, Đấng đã từng nói: “Lương Thực của Thầy, đó là thi hành ý muốn của Chúa Cha,” và nhờ đó ta được hiệp thông với chính Đấng, là Logos của Cha. Đồng thời, từ bàn tiệc Thánh Thể này chúng ta ý thức được bản thân ta cũng là người nghèo, được Chúa Cha trao cho bánh “siêu bản thể,”[51]nên từ đó cần biết chia sẻ bánh ta nhận được cho người nghèo.
B) Nguyện Gẫm như là Tâm Nguyện [52]
1) Gương mẫu tuyệt hảo của thinh lặng và cầu nguyện riêng là chính Chúa Yêsu. Tin Mừng nhiều lần lặp lại rằng Chúa Yêsu lui ra một nơi thanh vắng để cầu nguyện và đây là một luận chứng thuyết phục nhất cho chúng ta rằng Chúa Yêsu cầu nguyện, rằng việc cầu nguyện là một phần của cuộc đời Ngài.
2) Việc cầu nguyện của chúng ta, thay vì dựa trên quá nhiều lý thuyết hay kỹ thuật, cần tập trung về con người của Chúa Yêsu. Chúng ta có thể thêm một lý do hiện sinh cho điều xác quyết trên.
(i) Mỗi một người thì độc đáo duy nhất trước Thiên Chúa, nên mỗi một người có một phương thế riêng để hiện diện trước Chúa, Đấng luôn đối xử với chúng ta trong một cách thức cá nhân, Đấng gọi chính tên tôi từ trước khi tôi sinh ra và ghi khắc tên tôi trong lòng bàn tay Người (Cf. Is 49.1-16);
(ii) Cho nên, cầu nguyện cộng đoàn thì không đủ cho dù nó rất quan trọng và cần thiết. Cầu nguyện cá nhân và gặp Chúa một mình cũng là điều cơ bản và phải là một phần của đời sống hàng ngày. Cộng đoàn phải cổ vũ cho điều này và đó cũng phải là một phần của chương trình cá nhân hàng năm.
(iii) Đó là tại sao trong trường học của Đức Yêsu mỗi một người chúng ta phải trở nên một thầy dạy và một chứng nhân về cầu nguyện, như Chúa Yêsuvới các môn đệ, trong một cách thế để học trò của chúng ta có thể nói, “Thưa thầy/cô/cha, hãy dạy con cách cầu nguyện.” [53]
C) Đức Trinh Nữ Maria Như Là Dòng Dõi Nói Tiếng Fiat[54]
Toàn thể sự hiện hữu của Đức Maria là một bài ca của sự sống, một bài ca tình yêu của sự sống (ĐGH Phanxicô)
1) Đức Maria trước hết, là mạc khải của Thiên Chúa: Người không tách rời khỏi mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, nền tảng và cùng đích của ơn gọi của mỗi chúng ta như là người thánh hiến.
Vì các người sống đời thánh hiến có thể khám phá rõ hơn ý nghĩa của chính sự hiến dâng của bản thân trong lời “Fiat” triệt để mà Đức Maria đã thưa với Thiên Chúa. Họ có thể học hỏi nơi Người sự dễ dạy đối với Thần Khí là Đấng đã làm cho họ nên giống Đức Kitô, nhờ lòng tin, cậy, mến và hướng họ về cùng Chúa Cha là nguồn mạch mọi sự lành và cùng đích mọi họat động tông đồ.[55]
2) Chúng ta đến với Đức Maria, mẹ của các tu sĩ, với lòng trìu mến con thảo sâu sắc. Người hiện diện trong suốt dòng lịch sử cứu độ của mỗi con người chúng ta (phàm tục lẫn linh thánh), trong hành trình ơn gọi của ta.[56] (i) Người là bí tích của sự dịu hiền qua tình yêu mẫu tử của Đức Mẹ.[57] Thiên Chúa chọn Người để thể hiện trong con người của Mẹ khía cạnh mẫu tử đó; (ii) Người là Trinh Nữ, nhưng lại là Mẹ. Karl Barth đã nhấn mạnh rằng sự trinh nguyên của Đức Maria là bài ca cho sự ưu việt cao vời của Thiên Chúa, cho cái duy vinh quang Thiên Chúa; (iii) Người còn là mẫu nhân loại lý tưởng. Đức Mẹ còn chính là sự mời gọi chúng ta sống và tái khám phá giá trị của khía cạnh nữ tính trong chúng ta và văn hóa chúng ta.[58] Người hiện diện trong các biến cố quan trọng của nhân loại (tại Nazareth, Bêlem, nơi đền thờ, Cana, trên bước đường rao giảng của Con Người, dưới chân thánh giá, tại lễ Hiện Xuống, tại những thánh địa…(iv) Vì lẽ đó, Đức Maria cũng là hy vọng của các dân tộc, là cội nguồn niềm vui. Trong Người chúng ta tìm thấy mọi điều mà chúng ta muốn trở thành; (v) Mẹ Maria, cuối cùng, là con đường độc đáo để sống trọn vẹn đời thánh hiến của chúng ta[59]; (vi) Đó cũng là điều thánh Yoan Lasan khuyên nhủ cho người nguyện gẫm, khi ngài nói chúng ta hãy mở lòng ra cho Lời, để có thể truyền đạt Lời cho người khác, vì chỉ bằng cách đó ta trở nên Nhà Tạm của Lời Chúa, bí tích của sự hiện diện của Thiên Chúa, như Mẹ Maria: Tôn kính Đấng Trinh Nữ như là nhà tạm của đền thờ sống động mà Thiên Chúa đã dựng nên và tô điểm bằng chính tay Ngài.[60]

D. Hiệp Nhất Mật Thiết[61]
Chúng ta không nên sợ hãi lòng tốt hay sự dịu dàng (ĐGH Francis)
1) Theo Alvaro,  hiệp nhất mật thiết là một diễn ngữ vượt quá đời sống trong cộng đoàn. Sự hiệp nhất mật thiết, ngài giải thích, tựa như một người đang sống trong tình yêu của Thiên Chúa-Ba Ngôi, một Thiên Chúa không là gì khác ngoài tình yêu: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (Ga 3, 16) 
2) Sự diễn tả này là mạnh mẽ và hấp dẫn. Nó gợi đến lời cầu nguyện linh mục của Chúa Yêsu vào lúc chia tay các môn đệ. Ngài khuyên nhủ các môn đệ phải yêu mến nhau, như Ngài yêu họ.
Người sống đời thánh hiến được mời gọi để sống trong cộng đoàn. Chính vì thế không có gì khác để mỗi người sống trong cộng đoàn, là phải cầu xin thiết tha với Đức Yêsu để xin Ngài ban cho họ phải hiệp nhất lòng trí với các anh/chị em của họ trong cộng đoàn. [62]
Nhưng họ cũng xác tín rằng chỉ có Thánh Linh, Thiên Chúa của các tâm hồn, mới có thể gìn giữ con tim của họ và con tim của các anh/chị em trong cộng đoàn làm một trong trái tim của Đức Yêsu, nghĩa là được sự hiệp nhất. [63] Và chỉ bằng phương cách hiệp nhất này mà họ đạt được bình an vốn là cội nguồn của niềm vui trong cuộc đời của người thánh hiến.  
3) Sự hiệp nhất mật thiết này không phải là một tình yêu kiểu Platon, hay kiểu tình yêu trừu tượng “trên trời,”[64]nhưng là tình yêu hiện sinh thật sự, cần được bày tỏ và diễn đạt ra.
Kết Luận
Nếu anh/chị em không làm điều đó cho chúng con, ai sẽ làm?
1) Tu sĩ chúng ta hiện hữu trong dòng chảy của thế giới, không phải là để quy chiếu về chúng ta. Các lời khấn đẩy chúng ta đến với các người nghèo, người không có tiếng nói trong xã hội, với các người trẻ, các trẻ em dễ bị tổn thương, và những người ít được yêu mến và quan tâm nhất. Nếu chúng ta không làm, ai sẽ làm? Vào thời điểm này của lịch sử chúng ta, cái ý tưởng “chúng ta” đã mở rộng cửa cho cho các người trẻ tình nguyện, các giáo dân liên kết và hợp tác.
2) Đàng khác, khi dấn thân, “chúng ta có một mẫu mực khác, đó là Con Thiên Chúa, là người thật. Ngài là thước đo của chủ nghĩa nhân bản đích thật.”[65] Chỉ có Ngài mới cho chúng ta cảm nhận được thế nào là một đức tin trưởng thành, một đức tin xốc vác đến trước không sợ khó, can đảm tiến bước vì Đức Chúa đã hứa ở với ta đến tận cùng thế giới, vì lúc nào Ngài vẫn nói với chúng ta: “ơn ta đủ cho con.”
3)  Một cách thật thực tế Đức Benedict XVI cho rằng,
Đức tin “trưởng thành” không phải là một đức tin trôi theo những làn sóng thời thượng hay mốt mới. Đức tin với vóc dáng đầy đủ và trưởng thành là một đức tin ăn rễ sâu xa nơi tình bằng hữu với Chúa Kitô. Đó là tình bằng hữu mở lòng chúng ta cho tất cả những gì là thiện hảo và cho chúng ta những tiêu chuẩn để phân biệt giữa đúng và sai, giữa giả trá và chân thật. [66]
Vì thế người tu sĩ chúng ta phải đạt đến mức trưởng thành trong đức tin chín chắn này, và chỉ khi đó, khi phải hướng dẫn đàn chiên Đức Chúa giao cho chúng ta, chúng ta mới có khả năng dẫn chúng đến với đức tin này, và chỉ có đức tin ấy kiến tạo sự hiệp nhất được thực hiện trong đức bác ái.[67] Và cuối cùng, chỉ khi đó chúng ta mới đem lại được sự sống và sự sống dồi dào như Thầy Yêsu đã hứa.[68]


Mặt Trăng và Đất Mẹ
Tài Liệu Tham Khảo
Álvaro Rodríguez Echeverría (25/12/2013). Được Thánh Hiến Bởi Thiên Chúa Ba Ngôi Như Một Cộng Đoàn Sư Huynh, Thư Mục Vụ. (Bản dịch của F. Vincent Nguyễn Anh Quân). SàiGòn: Signum Fidei Tu Thư.
Conn, W.E. (1978). Hoán cải: Viễn tượng về sự biến đổi cá nhân và xã hội. (bản dịch của V-L. Nguyễn Hữu Quang)
Gelpi, Donald L. (1998). The Conversion Experience. NY: Paulist Press.
Lonergan, Bernard (1994). Method in Theology. Toronto: University of Toronto Press
Osborne, Kenan (2009). A Theology of the Church for the Third Millennium: A Franciscan Approach. MA: Library of Congress.




[1] Zen-Jesus-Mary.jpg
[2] Yoan Phaolô II (số 54). Novo Millenio Ineunte, 6/1/2001.
[3] Thánh Augustinô: "Luna intellegitur Ecclesia, quod suum lumen non habeat, sed ab Unigenito Dei Filio, qui multis locis in Sanctis Scripturis allegorice sol appellatus est": Enarrationes in Psalmos, 10, 3: CCL 38, 42).
[4] Nghĩa là từ Thiên Chúa. Cf. Joseph Ratzinger (1973). Why I am still in the Church.
[5] Theological narcissism.
[6] spiritual worldliness (Pháp: mondanité spirituelle, “it is the worst evil that can come upon the Church”).
[7] Méditation de L’Église.
[8] Trích dẫn này từ Henri de Lubac được Bergoglio làm nổi bật trong một bài viết từ năm 1991 lúc đó ngài chỉ đơn thuần là linh mục dòng Tên, sau được tái bản vào năm 2005 và đã được phân phối cho các tín hữu và các công dân của thủ đô Buenos Aires, nơi ngài trở thành Tổng Giám Mục. Cuốn này đã được in tại Ý (trước khi ngài lên ngôi Giáo Hoàng) dưới tựa đề “Guarire dalla Corruzione” (Chữa Lành Sự Bại Hoại).
[9] Theology of mundane.
[10] http://z9.invisionfree.com/csnt/ar/t512.htm
[11] Ibid. Bài giảng trong thánh lễ khai mạc Cơ Mật Viện (18/4/2005).
[12] Gelpi. (1978). Kinh Nghiệm về TC: Một thần học về sự xuất hiện nhân bản. W.E Conn (1978). Hoán cải: Viễn tượng về sự biến đổi cá nhân và xã hội.
[13] Self.
[14] B. Lonergan (1994, tr.104-5).
[15] Chúng là những phương tiện tốt lành nhưng không thể thay thế sự khắc khổ khi bước theo Đức Kitô với những từ bỏ cần thiết.
[16] Fundamentalism.
[17] Không phải ngẫu nhiên mà một biểu tượng tuyệt vời của Đức Maria chính là mặt trăng.Trong cuộc sống của mình, Người để cho Đức Giêsu Con của Người tỏa sáng trên tất cả các con cái Thiên Chúa và mọi tạo vật.
[18] được Đức Phanxicô nhắc lại trong bài diễn văn tại hội nghị Mật Tuyển Viện, trước khi được bầu làm Gíao Hoàng (13/3/2013).
[19] Alvaro, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Lasan, Thư Mục Vụ 2014.
[20] Ngày 9/8/2013. Cf. TMV, tr. 1.
[21] in a narcissistic way. Cf. TMV, tr. 2.
[22] Đấng Lập Dòng Các SH Trường Kitô (Brothers of the Christian School).
[23] TMV, tr. 2.
[24] Khó mà tách biệt điều này với điều kia mà không phải là chủ nghĩa giảm trừ (reductionist). Ibid.
[25] Được tôn vinh Chân Phước vào ngày 19/10/2014 nhân dịp kết thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục Đặc Biệt lần III về Gia Đình. Ngài có thể được tôn vinh Hiển Thánh vào năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 50 năm bế mạc Công Đồng Vatican II (1965-2015) và cũng là 50 năm khởi sự Thượng Hội Đồng Giám Mục.
[26] Theocentric.
[27] Cf. TMV, tr. 2.
[28] Cf. VL NH Quang (2014, tr. 30-34). Làm Thần Học-làm Mộn Đệ. Ch II. Sàigòn: Signum Fidei Tu Thư.
[29] Xuất Hành (6, 3) gọi Ngài là El-Shaddai, “Thiên Chúa ở nơi cao.”[John L. McKenzie (1995, tr. 316).  God.] Theo huyền thoại Sêmit, El- Shaddai: “Đấng Ngự Trên Núi Cao.” Ngoài ra còn có nghĩa Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng Nuôi Dưỡng. Cf. D. R W. Wood (2005, tr. 420-421). God, Names of. PV các Giờ Kinh dịch là Thiên Chúa Toàn Năng) Các tổ phụ thường lập bàn thờ trên núi để kính Thiên Chúa [Ví dụ Abraham ở Beth-El (St 12, 8), ở núi Moria tế lễ Isaac (St 22, 1.14); Môsê chăn chiên bên kia sa mạc, đến núi Horeb, núi của Thiên Chúa (Xh 3, 1); Dân Israel vào chiếm hữu đất sẽ đặt lời chúc phúc trên núi Garizim và lời nguyền rủa trên núi Evan (Đnl 11, 29); Nhưng sau khi hủy diệt thành Ai, Yoshua dựng bàn thờ kính Chúa trên núi Evan (Giosuê 8, 30); những nơi cao biệt đãi mà con người gặp gỡ Thiên Chúa: Núi Sinai (Xh 19, 3. 16. 24; Núi Sion (Tv 68, 16; 84, 5. Sau này đền thờ Yêrusalem ở trên núi Sion…]. Cf. J. R. Donahue & D. J. Harrington (2002, tr. 212). The Gospel of Mark (Sacra Pagina). Minnesota: The Liturgical Press.
[30] Ngài đưa các môn đệ lên núi cao (Mc 9, 2); (Mt 17, 1) và đang lúc cầu nguyện Ngài biến hình trước các môn đệ (Lc 9, 28-29); Ngài lánh lên núi cầu nguyện sau phép lạ hóa bánh ra nhiều (Mc 3, 45-46; Mt 14, 22-23; Ga 6, 15…); Ngài ban hiến chương Nước Trời từ trên núi, tựa như một Môsê mới (Mt 5, 1); Ngài cầu nguyện trên núi Oliu trước cuộc tử nạn dữ dội (Lc 22, 34.41.45; Mc 14, 26.32; Mt 6, 30.36.39); Ngài đưa nhóm mười một môn đệ lên núi tại Galilê và trao sứ mạng rao giảng cho các ông (Mt 28, 16). Và có lẽ Ngài lên trời từ núi Olive, vì Luca kể lại trong Công Vụ các Tông Đồ (1, 12) sau khi Chúa lên rời: “Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ôliu trở về Giêrusalem. Núi này ở gần Giêrusalem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sabát.”
[31] A prayer event. Cf. J. Ratzinger (tr. 194). Op. Cit.
[32] Đức Benedict đã nói tương tợ về con người cách chung, trong buổi lễ đăng quang giáo hoàng (26/4/2005) của Ngài:
“Chúng ta không phải là mt sn phm ngu nhiên và vô nghĩa ca tiến hóa. Mi người chúng ta là kết qu ca mt s suy tư của Thiên Chúa. Mi người chúng ta được mong đợi, mi người chúng ta được yêu mến, mi người chúng ta là mt s cn thiết.”
[33] TMV, tr. 6.
[34] Cf. Álvaro Rodríguez Echeverría. Được Thánh Hiến Bởi Thiên Chúa Ba Ngôi Như Một Cộng Đoàn Sư Huynh. Thư Mục Vụ (TMV) tr. 1, 25/12/2013).
[35] GLHTCG, số 255.
[36]  Thánh Bernard, The Book of God’s Love, c. 12, n. 35: PL 182, 996B.
[37] NG 39, 3.
[38] Tài Liệu Posthumous (in sau khi tác giả chết).
[39] Câu nói thời danh này áp dụng vào đời tu rất có ý nghĩa cho đời sống Cộng Đoàn. Khi có mâu thuẫn trầm trọng trong Cộng Đoàn mà các biện pháp cùng các phương tiện của nhân loại: xã hội học, tâm lý học, phân tâm học, tâm lý trị liệu…không giải quyết được, thì còn biện pháp đụng tới tận chiều sâu thẳm của con người: Câu hỏi, (1) CĐ còn có thể để cho mạc khải Thiên Chúa đến được không? (Nghĩa là còn để cho Thiên Chúa đến không?); (2) CĐ còn có để cho Ngài hiện thực điều Ngài muốn tốt nhất cho CĐ?
[40] linh mục Varillon, một tu sĩ Dòng Tên người Pháp.
[41] TMV, tr. 8.
[42] TMV, tr. 9.
[43] Cf. tài liệu Aparecida, 278.
[44] Đức Phanxicô nói:”Ngưởi được mùi của con chiên.”
[45] Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 49.
[46] The grey pragmatism of the daily life of the Church, in which all appears to proceed normally, which in reality faith is wearing down.
[47] A revolution of tenderness.
[48] TMV, tr. 13.
[49] TMV, tr. 14.
[50] Cha François Varillon (1905-1978), dòng Tên, sinh và chết tại Lyon. một bậc thầy linh đạo chuyên hướng dẫn các khóa linh thao cho linh mục, tu sĩ và giáo dân, một nhà giảng thuyết sáng giá trong khắp nước Pháp, đã thiết lập những nhóm giáo dân sống đạo.
[51] Lời cầu thứ tư: Xin Cha Ban cho chúng con hôm nay “bánh “epiousioV” (= supersubstantia (Latinh), thánh Yêrôme trong Vulgata). Diễn ngữ “chúng ta”nói lên tính cộng đồng. Bánh ta nhận được là cho cộng đồng nữa chứ không phải giữ lại cho riêng ta.
[52] Trong di chúc, thánh Yoan Lasan chia sẻ với các SH điều xác tín của đời ngài được diễn tả trong luật Dòng năm 1718: Các Sư Huynh của Dòng này phải có một lòng mộ mến lớn lao với việc nguyện gẫm và họ phải xem nó như công việc đầu tiên và chính yếu trong các việc thường ngày và là một cách  hữu hiệu nhất để thu hút chúc lành của Thiên Chúa hơn tất cả các phương thế khác.
[53] Ví dụ Phương pháp Nguyện Gẫm của Lasan được gợi hứng từ phương pháp Xuân Bích bắt đầu từ cha Olier và có 3 bước cơ bản:
(1) Đặt Chúa Yêsu trước mắt ta, nhìn xem Ngài chiêm ngưỡng Chúa Cha, tôn vinh Danh Cha, như lời câu cầu xin đầu tiên của Kinh Lạy Cha. Đó chính là tôn thờ (adoration); (2) Đặt Chúa Yêsu trong tim ta, và như vậy bước vào sự kết hiệp (union) và gắn bó với Chúa Kitô, để trong giây phút ưu tuyển này Ngài đổ đầy trên ta sức mạnh biến đổitrao ban sự sống thần linh của Thần khí Ngài, và để ta mở lòng đón nhận “Nước Cha trị đến”; (3) Đặt Chúa Yêsu trong tay ta sự hợp tác, và đó là câu cầu nguyện thứ ba của Kinh Lạy Cha, “Ý Cha thể hiện.” Nhưng sự hợp tác đúng hớn là sự mở lòng đón nhận quà tặng từ Thiên Chúa và tác động của Thần Khí hơn là nỗ lực của riêng chúng ta và để chương trình của Ngài được thực hiện nơi chúng ta.
[54] TMV. Tr. 17.
[55] Cf. Luật Dòng FSC, 76
[56]  Người luôn luôn là Nữ Hoàng và Mẹ, Đức Bà Ngôi Sao Sáng của Các Trường Học Kitô giáo, đấng bảo trợ chính của các Hội Dòng: chúng ta đặt mình dưới sự che chở của Đức Mẹ mỗi ngày khi ta kêu cầu Người vào cuối giờ kinh nguyện sáng tối và sau mỗi giờ nguyện gẫm. Chúng ta trông cậy vào Đức Mẹ, đặt hoàn toàn nơi Mẹ lòng tín thác của chúng ta, sau Thiên Chúa. Yoan Lasan. Sách Nguyện Gẫm (số 151, 3).
[57] Cf. Schillebeeckx.
[58] Nếu như AE phải cho chúng sự kiên quyết của người cha để kềm chế và lôi kéo chúng ra khỏi tật xấu, anh em  cũng phải có sự dịu dàng của người mẹ để kéo chúng về với anh em, và làm cho chúng mọi điều tốt lành vốn tùy thuộc nơi anh em.Cf. (NG 101, 3)
[59] Luật Dòng của FSC khẳng định: Các SH khám phá rõ hơn ý nghĩa của việc hiến thánh của mình trong lời “Xin Vâng”triệt để Mẹ đã thưa với Thiên Chúa (Luật, 76).
[60] NG 191, 3.
[61] Close union. TMV, tr. 25.
[62] Cf. Yoan Lasan. Nguyện Gẫm 39, 3.
[63] Ibid.
[64] A disembodied love.
[65] Bài giảng của ĐHY Josheph Ratzinger trong thánh lễ khai mạc Cơ Mật Viện (18/4/2005). Cf
http://z9.invisionfree.com/csnt/ar/t512.htm
[66] Bài giảng của ĐHY Josheph Ratzinger trong thánh lễ khai mạc Cơ Mật Viện (18/4/2005). Cf
http://z9.invisionfree.com/csnt/ar/t512.htm
[67] Về vấn đề này, thánh Phaolô mang lại cho chúng ta những lời thật đẹp, trái với những lời vòng vo lên xuống của những kẻ như trẻ thơ bị vùi giập theo làn sóng. Cf. Bài giảng của ĐHY Josheph Ratzinger trong thánh lễ khai mạc Cơ Mật Viện (18/4/2005).
[68] Ngài nói hãy thực thi chân lý trong tình bác ái, vì đó là công thức căn bản cho sự hiện hữu Kitô Giáo. Chân lý và yêu thương đồng quy nơi Đức Kitô. Chân lý và bác ái đồng nhất với nhau tùy theo mức độ gần gũi của chúng ta với Chúa Kitô trong cuộc sống của chúng ta. Tình yêu mà không có chân lý chỉ là tình yêu mù quáng; chân lý mà không có yêu thương chỉ là “não bạt phèng la” mà thôi (1 Cr,13,1).

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn