Giáng sinh nối kết yêu thương

Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người
trong thân phận một bé thơ mong manh yếu ớt,
nhưng chất chứa một tình yêu lớn lao, cao cả.
Một trẻ thơ chào đời trong đêm đông lạnh giá,
nhưng đó Tin Mừng trọng đại cho toàn dân.
Một niềm vui khởi điểm cho mọi niềm vui
và vượt trên mọi niềm vui.
Thiên Chúa cao vời, đến với con người,
nối kết đất với trời, giao hòa muôn người với Thiên Chúa
trong ân tình thánh tuyệt vời.
Sg Catbui
Con quỳ lạy Ngôi Lời Giáng thế
Đổ muôn vàn ân huệ giờ đây
Cho con mỗi sáng mỗi ngày
Tụng ca danh Chúa đời này đời sau.[1]
Tháng Mười Hai về mang theo những cơn gió thoảng. Trong cái se lạnh đầu Đông, phố xá trở nên nhộn nhịp tưng bừng với những sắc màu rực rỡ, lung linh huyền ảo. Đó đây đã vang lên những bài thánh ca của mùa Noel. Vậy là một mùa Giáng Sinh nữa lại về. Từ thành thị tới thôn quê, từ người lớn đến trẻ em, dù giàu hay nghèo, tất cả đều cảm thấy nô nức phấn khởi hân hoan khi mùa Noel lại đến. Đã từ lâu, Giáng sinh trở thành một lễ hội lớn trong nhân loại, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, giai cấp… Giáng Sinh chính là niềm vui lớn của toàn thể nhân loại.
Với người Kitô hữu chúng ta, Giáng Sinh không chỉ là một kỷ niệm đơn thuần sự sinh ra của Chúa Giêsu, Noel không chỉ là cảm xúc bên ngoài với niềm vui hời hợt mau qua chóng tàn, mà là việc cử hành một Mầu Nhiệm đã, đang và còn tiếp tục ghi dấu lịch sử của con người, chính Thiên Chúa đã đến ở giữa chúng ta.[2] Người đã thật sự trở nên một con người giữa chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.[3] Đó là mầu nhiệm Tình Yêu Nhập Thể và Nhập Thế của Ngôi Hai Thiên Chúa để cứu độ trần gian. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc, và là món quà quý báu mà Thiên Chúa trao ban cho nhân loại chúng ta, vì tình thương bao la của Người.
Mầu nhiệm Giáng sinh là khoảnh khắc tuyệt vời, là thời cơ thuận tiện để mỗi chúng ta chiêm ngắm và suy niệm tình yêu bao la mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, cho mỗi chúng ta. Đó là khảnh khắc kết nối yêu thương, khoảnh khắc chia sẻ tin yêu: Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.[4]
Mầu nhiệm Giáng sinh, nhịp cầu yêu thương, cứu độ
Lần giở lại những trang đầu của Thánh Kinh, ta sẽ thấy kế hoạch yêu thương từ muôn thuở của Thiên Chúa dành cho con người. Vì tình yêu, Thiên Chúa thông ban sự sống hạnh phúc cho loài người. Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa được thực hiện qua công trình sáng tạo,[5] đặc biệt là cho con người được thông dự vào sự sống thần linh với Thiên Chúa. Vì khước từ tình yêu Thiên Chúa,[6] con người đã mở lối cho sự dữ xâm nhập vào trần gian, gây nên đau khổ và sự chết.[7]
Tội lỗi đã phá vỡ sự hài hòa trong nội tâm con người, làm mất đi mối tương quan thân tình với Thiên Chúa và sự gần gũi với thiên nhiên vạn vật. Tội lỗi đã ngăn lối con người đến với Thiên Chúa, khiến con người xa cách Thiên Chúa ngàn trùng. Từ nay, con người phải lần mò bước đi trong bóng đêm của tội lỗi và chết chóc. Thế nhưng, dù con người thất tín, bất trung, Thiên Chúa vẫn không ngoảnh mặt làm ngơ, không quay lưng lại với con người. Tình thương Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của con người. Thế nên, Người đã hứa ban ơn cứu rỗi cho con người ngay sau khi con người phản bội Thiên Chúa.[8]  Đó chính là nhịp cầu yêu thương Thiên Chúa nối kết cho con người khi thực hiện kế hoạch cứu độ con người qua việc sai Con Một xuống thế làm người.[9]
Vì yêu thương nhân loại, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, chia sẻ kiếp người với chúng ta: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.”[10]  Vì yêu thương,“Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.”[11] Người đã tự nguyện trở nên một trẻ thơ yếu ớt, tự nguyện làm con của loài người, sinh ra bởi một người phụ nữ, sống dưới lề luật để để chuộc những ai sống dưới Lề Luật.[12] Vì yêu thương, Người đã muốn trở nên một thành viên trong gia đình nhân loại, có một gia đình như những người khác.
Nhờ tình yêu và sự vâng phục của Chúa Giêsu, kế hoạch yêu thương cứu độ của Thiên Chúa đã được thực hiện và hoàn trọn, tạo nên nhịp cầu kết nối yêu thương cho con người. “Chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét. Nhờ Người, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.”[13]


Mầu nhiệm Giáng sinh, tình yêu nối kết đất trời
Theo Thánh Kinh, Tin Mừng trọng đại, biến cố lớn nhất đánh dấu lịch sử nhân loại là biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh làm người và ở cùng chúng ta.[14] Thiên Chúa mặc lấy thân xác con người và ở với con người, chung chia thân phận con người trong kiếp nhân sinh. Đây là giờ phút vô cùng quan trọng của lịch sử Cứu Độ, là khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong dòng thời gian, khoảnh khắc đất trời giao duyên trong hôn phối nhiệm mầu của ơn cứu độ. Thiên Chúa làm người, nối lại nhịp cầu tương giao giữa Thiên Chúa và nhân loại, bắc lại nhịp cầu nối kêt con người với nhau. Thế nên, thánh Irênê đã nói: “Con Thiên Chúa làm người, để con người được làm con Thiên Chúa.”
Trước huyền nhiệm tình yêu cao vời ấy, một tác giả đã viết:
Người đã biến cái hố thẳm hay biển cả mênh mông ngàn trùng xa cách giữa con người và Thiên Chúa thành biển cả tình thương liên kết hiệp nhất Thiên Chúa và loài người. Ngôi Lơi Nhập Thể đã trở nên con đường giao hòa và trở thành như chiếc thang nối liền trời và đất, kết hợp Thiên Chúa và loài người.[15]
Bởi thế, Công Đồng Vatican đã khẳng định: “Thiên Chúa Nhập Thể và nhập thế là vì Ngài muốn sống cuộc sống nhân loại, để hành động với bàn tay nhân loại, để suy tư với một trí óc nhân loại, để yêu thương với một trái tim nhân loại”[16]
Ngôi Lời Thiên Chúa làm người trong thân phận một bé thơ mong manh yếu ớt, nhưng chất chứa một tình yêu lớn lao, cao cả. Một trẻ thơ chào đời trong đêm đông lạnh giá, nhưng đó Tin Mừng trọng đại cho toàn dân. Một niềm vui khởi điểm cho mọi niềm vui và vượt trên mọi niềm vui. Thiên Chúa cao vời, đến với con người, nối kết đất với trời, giao hòa muôn người với Thiên Chúa trong ân tình thánh tuyệt vời. Ân tình ấy mời gọi con người đáp trả bằng tình yêu.
 Mầu nhiệm Giáng sinh, yêu thương kết nối con người
Tình yêu vốn là ngọn lửa vừa chiếu sáng vừa sưởi ấm. Hài nhi Giêsu là kết tinh tình yêu của Thiên chúa dành cho nhân loại. Tình yêu đã đi đến tận cùng vì đã trao ban cho nhân loại món quà cao quí nhất không gì có thể sánh ví được. Chúa Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa đi tìm con người. Thiên Chúa đã hạ mình thẳm sâu để xuống gặp gỡ con người. Thiên Chúa đã tìm thấy con người trong sự khốn cùng tột độ của kiếp người. Thiên Chúa yêu thương con người đến độ kết hợp với sự khốn cùng của nhân loại.
Trước tình yêu diệu kỳ của mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, Giáo Hội chỉ biết nghiêng mình kính cẩn suy tôn, dâng lời tri ân cảm tạ và hân hoan loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn người, kết nối mọi người trong ân tình của Chúa. Vì lẽ đó, hằng năm mỗi khi mùa Giáng sinh về, Giáo Hội vui mừng cử hành biến cố trọng đại có một không hai trong lịch sử nhân loại. Biến cố đó kết nối yêu thương, gắn kết mọi người với nhau trong tình yêu của Chúa.
Tình yêu ấy được thể hiện một cách cụ thể nơi mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh làm người. Giáng Sinh là Tin Mừng cho toàn thể nhân loại, Tin Mừng cứu độ con  người. Ngày nay, Lễ Giáng Sinh đã trở thành “Festival”, một ngày hội, ngày đại lễ của cả nhân loại. Một lễ hội không biên giới, lễ hội của tất cả mọi người không phân biệt ngôn ngữ, màu da, giai cấp, tôn giáo. Ngày hội của mọi người, chứ không của riêng người Công giáo. Dù là người có đạo hay không, dù là người tin vào Chúa Giêsu hay chưa một lần nghe nói về Người, tất cả đều cảm thấy bầu khí chung của một ngày lễ hội. Kỷ niệm ngày Chúa giáng sinh giờ đây đã trở thành một sự kiện chung cho tất cả mọi người trong thời đại chúng ta. Tất cả đều biểu lộ niềm vui, tình liên đới và niềm hy vọng nơi một Hài Nhi Giêsu bé bỏng nằm trong máng cỏ. Hài nhi đó chính là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, Hoàng tử hoà bình,[17] là Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.[18]
Với người Công Giáo chúng ta, tâm tình mừng Chúa Giáng Sinh không chỉ dừng lại ở những việc bên ngoài. Dẫu biết rằng cần phải biểu lộ tinh thần ấy ra trước nhãn quan của mọi người, tuy nhiên, điều chính yếu vẫn là tâm tình bên trong, là sự gặp gỡ Ngôi Lời, sự hoán cải nội tâm, là sống sứ điệp yêu thương.
Thế giới và xã hội ngày nay tuy phát triển về mặt khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, nhưng lại thiếu vắng tình yêu thương. Khi cuộc sống càng văn minh hiện đại, thì người ta lại càng khó kiếm tìm ra tình yêu thương chân thành. Trước thực tại cuộc sống như thế, người Kitô hữu chúng ta được mời gọi thắp sáng tin yêu,[19] làm cho ngọn lửa yêu thương mà Thầy Giêsu đã ném vào mặt đất, được bừng cháy và sưởi ấm cho hết mọi người trên khắp địa cầu này.[20] Khi sống yêu thương, con người thể hiện đúng với bản chất của mình là hình ảnh Thiên Chúa, được dựng nên để sống yêu thương và hiệp thông với nhau. Tình yêu là ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của con người.[21]
Tạm kết
Đã bao mùa Giáng Sinh đến rồi đi, thế nhưng nhiều người vẫn chỉ coi đó như một lễ hội, như một mùa mua sắm, như ngày lễ của ông già Noel, mà quên chính Đấng là Emanuel đến để ở giữa chúng ta. Niềm vui bên ngoài rồi sẽ qua đi, chúng ta chỉ thực sự giữ mãi được niềm vui khi chúng ta tin yêu và đón nhận Ngôi Lời  Nhập Thể với tất cả tấm lòng chân thành, và sống sứ điệp yêu thương như là một món quà quý báu mà Thiên Chúa trao ban cho ta.
Như các mục đồng năm xưa, chúng ta được mời gọi đi đến Bê lem để đón nhận Tin Mừng trọng đai. Tin Mừng ấy, chúng ta chỉ nhận được khi biết đứng lên rũ bỏ những đam mê trần tục, những tính hư nết xấu ra đi khỏi sự ích kỉ nhỏ nhoi, sẵn sàng đứng lên, bỏ lại quá khứ của mình để đi tìm kiếm Hài Nhi Giêsu để thờ lạy và đón rước Người vào trong tâm hồn mình, trong gia đình mình. Bởi vì Người chính là chiếc cầu nối kết đất trời, nhịp cầu yêu thương giữa Thiên Chúa và con người.




[1] Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Thánh Thi Kinh Sáng Thứ Sáu, Tuần II.
[2] Xc. Ga 1,14.
[3] Xc. Hr 4, 15; Vat. II, Hiến chế Mục vụ “Gaudium et Spet”,  số 22.
[4] Xc. Mt 1, 23.
[5] Xc. St 1, 1- 28.
[6] Xc. St 3, 1- 24.
[7] Xc. Rm, 5, 12.
[8] Xc. St 3, 14- 16.
[9] Xc. Ga 3, 16.
[10] Ga 1, 14.
[11] Pl 2, 6-7.
[12] Xc. Gl 4, 4- 6
[13] Ep 2, 14; 18.
[14] Xc. Lc 2, 10 - 12
[15] Xc. http://lamhong.org/2012/10/31/cac-bai-chia-se
[16] Vat.II, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong hế giới ngày nay, “Gaudium et Spes”, số 22.
[17] Xc. Is 9, 5
[18] Mt 1, 23.
[19] Xc. Mt 5, 14.
[20] Xc. Lc 12, 49.
[21] Xc. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1604.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn