Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II
13. Vấn đề làm cha làm mẹ có trách nhiệm được ghi sẵn
trong toàn bộ vấn đề "văn minh tình thương" mà bây giờ tôi muốn nói
với các bạn. Từ những điều đã nói trên đây, rõ ràng kết quả là gia đình ở nền
tảng của điều mà Ðức Phaolô VI gọi là "văn minh tình thương", một
thành ngữ từ đó đã đi vào giáo huấn của Giáo hội và đã trở nên quen thuộc. Ngày
nay khó mà gợi lên sự can thiệp của Giáo hội, hay trên Giáo hội, mà không nhắc
tới văn minh tình thương, thành ngữ ấy liên kết với truyền thống "Giáo hội
tại gia" trong Kitô giáo thời sơ khai, nhưng cũng đích thực tương quan với
thời đại hiện nay. Theo nguyên tự, từ
"văn minh" (civilisatio) do từ "công dân" (civis) và
nhấn mạnh chiều kích chính trị của mọi cuộc đời cá nhân. Ý nghĩa sâu xa của
civilisatio không chỉ có tính chính trị mà nó còn có nghĩa "nhân
bản". Văn minh thuộc về lịch sử con người, vì nó tương ứng cùng những nhu
cầu thiêng liêng và luân lý, được dựng nên theo hình ảnh giống như Thiên Chúa,
con người nhận thế giới từ tay Ðấng Tạo Hoá với sứ mệnh khuôn đúc thế giới theo
hình ảnh giống như mình. Sự hoàn thành nhiệm vụ này làm phát sinh sự "văn
minh", nó cũng chính là "nhân bản hoá thế giới"...
Theo ánh sáng các bản văn Tân Ước và nhiều bản văn khác,
có thể hiểu điều mà ta hiểu là "Văn minh tình thương" và hiểu tại sao
gia đình được gắn một cách hữu cơ vào văn minh này. Nếu "con đường của
Giáo hội", trước tiên là gia đình, thì phải nói thêm rằng văn minh tình
thương cũng là "con đường của Giáo hội" đang tiến bước trên thế giới
và kêu gọi các gia đình và mọi định chế xã hội, quốc gia và quốc tế, đi vào con
đường này, chính xác cho các gia đình và qua các gia đình. Quả vậy gia đình tuỳ
thuộc, vì nhiều lý do, vào văn minh tình thương, trong đó gia đình gặp được lẽ
sống của hiện hữu như là gia đình. Ðồng thời gia đình là trung tâm, là trái tim
của văn minh tình thương.
Tuy nhiên không có tình yêu chân thực mà không ý thức
rằng "Thiên Chúa là Tình yêu", và con người là tạo vật duy nhất trên
địa cầu, được Thiên Chúa gọi vào hiện hữu "cho chính con người". Ðược
tạo dựng theo hình ảnh giống như Thiên Chúa, con người chỉ có thể "gặp
được mình" cách đầy đủ bằng trao ban vô vị lợi chính mình. Không quan niệm
như thế về con người, về nhân vị và "sự hiệp thông các nhân vị" ở
trong gia đình, thì không thể có văn minh tình thương: đối lại, không có văn
minh tình thương, quan niệm ấy về nhân vị và hiệp thông các nhân vị cũng không thể có. Gia đình tạo lập "tế
bào" căn bản của xã hội. Nhưng người ta cần có Chúa Kitô – là "cây
nho" mà "các ngành" nhận được nhựa sống – để cho tế-bào ấy khỏi
bị đe doạ từ một thứ bật rễ văn hoá có thể xảy ra từ trong cũng như từ
ngoài. Quả vậy nếu có một "văn minh tình thương" mặt này, thì mặt kia
cũng có thể có "phản-văn-minh" nó có tính phá hoại, như biết bao
khuynh hướng và tình cảnh thực sự ngày nay đang chứng tỏ.
Ai có thể phủ định rằng thời đại chúng ta là thời đại
khủng hoảng nghiêm trọng được biểu hiện trước tiên dưới dạng "khủng hoảng
chân lý" thật sâu xa? Khủng hoảng chân lý, có nghĩa là khủng hoảng về các
khái niệm. Các từ "yêu thương", "tự do", "trao ban vô
vị lợi" và cả những từ "nhân vị", ‘quyền con người", có còn
diễn tả đúng điều mà tự nhiên chúng chỉ nghĩa chăng? Vì thế mà thông điệp về
"vẻ huy hoàng chân lý" (Splendor veritatis) đã tỏ ra nhiều ý nghĩa và
quan trọng đối với Giáo hội và thế giới, nhất là ở tây phương chỉ khi chân lý
về tự do và hiệp thông những con người trong hôn nhân và gia đình gặp được ánh
huy hoàng của mình, thì mới thực sự tiến triển việc xây dựng văn minh tình
thương và người ta mới nói cách xây dựng – như công đồng đã làm – "việc
làm cho giá trị phẩm giá hôn nhân và gia đình”.
Tại sao "vẻ huy hoàng của chân lý" lại quan
trọng? Trước hết nó quan trọng vì tính cách khác biệt: sự phát triển văn minh
hiện đại gắn liền với tiến bộ khoa học và kỹ thuật, được thực hiện một cách
thường là đơn phương, do đó trình bày những đặc tính thuần tuý duy nghiệm. Chủ
nghĩa duy nghiệm, như ta đã biết, nó sinh ra thuyết bất khả tri trong những
lãnh vực lý thuyết và thuyết duy ích trong những lãnh vực luân lý và thực tiễn.
Ở thời đại ta, một nghĩa nào đó, lịch sử được lập lại. Thuyết duy ích là một
văn minh của sản xuất và hưởng thụ, một văn minh của "các sự vật" chứ
không của "những con người", một văn minh trong đó, con người được sử
dụng như người ta dùng sự vật. Trong khung văn minh hưởng thụ, người phụ nữ có
thể nên một đồ vật cho đàn ông; con cái nên những vướng vít cho cha mẹ; gia
đình nên một định chế phiền hà cho tự do các thành viên tạo nên gia đình. Để
chắc như thế chỉ cần xét đến một số chương giáo dục giới tính, được đưa vào các
trường học, mặc dầu ý kiến ngược lại và mặc
dầu những phản đối của nhiều bậc cha mẹ, hoặc là những khuynh hướng ủng hộ phá
thai chúng tìm cách ẩn sau cái gọi là "quyền chọn lựa" (pro choice)
về phía vợ chồng, và đặc biệt về phía người vợ. Ðó chỉ là hai ví dụ trong nhiều
ví dụ có thể kể ra.
Trong tình huống văn hoá ấy, rõ ràng là gia đình có thể
cảm thấy mình bị đe doạ, vì nó bị tấn công tự nền. Tất cả những gì ngược với
văn minh tình thương, đều nghịch với chân lý toàn vẹn về con người, và như vậy
là trở nên đe doạ con người: điều ấy không cho họ tìm được chính mình và cảm
thấy được an toàn như chồng vợ, như cha mẹ, như con cái. Cái gọi là "tính
dục trong an toàn" được nền "văn minh kỹ thuật" phổ biến, thật
ra, theo quan điểm những gì thiết yếu cho con người, cũng không triệt để an
toàn, mà có khi còn nguy hiểm trầm trọng. Quả vậy ở đây con người thấy mình bị
nguy hiểm, cũng như đến lượt gia đình bị nguy hiểm. Nguy hiểm ấy như thế nào?
Ðó là đánh mất sự thật về gia đình, thêm vào lại có nguy hiểm đánh mất tự do,
và do đó, mất chính tình yêu. Chúa Giêsu nói: "các ông sẽ biết chân lý và
chân lý sẽ giải phóng các ông" (Ga 8, 32): chân lý, chân lý mới chuẩn bị
các bạn vào tình yêu mà người ta có thể bảo là "đẹp".
Gia đình thời nay cũng như gia đình muôn thuở, vẫn đi tìm
"tình yêu xinh đẹp". Một tình yêu mà không "đẹp", tức là
chỉ hạn chế ở thoả mãn dục vọng (Ga 2, 16) hay "xử dụng" lẫn nhau
giữa nam nữ, làm cho nhân vị thành nô lệ những
yếu đuối của họ. Thời ta đây, một số "chương trình văn hoá" đã chẳng
đưa tới sự nô lệ đó sao? Ðó là những chương trình "diễn chơi" trên
những yếu đuối của con người, làm con người suy yếu thêm và không ai bảo vệ.
Văn minh tình thương mời gọi tới niềm vui, hơn tất cả,
niềm vui là "một người đã sinh vào đời (x. Ga 16, 21) và do đó đối với đôi
bạn, là niềm vui trở nên cha mẹ, văn minh tình thương có nghĩa là "đặt
niềm vui trong sự thật" (coi 1 Cr 13, 6). Nhưng một văn minh cảm hứng bởi
não trạng tiêu thụ và chống_sinh sản, không là và không thể là văn minh tình
thương bao giờ. Nếu gia đình rất là quan trọng cho văn minh tình thương, vì
trong gia đình được tạo nên những liên hệ thân thiết và mạnh mẽ giữa những con
người và những thế hệ. Nhưng gia đình vẫn dễ bị thương và dễ trúng thương, do
những cái có nguy cơ làm suy yếu, hoặc cả đến phá hoại tính hiệp nhất và bền
vững của gia đình. vì những ghềnh rạn ấy, các gia đình không làm chứng cho văn
minh tình thương, mà còn có thể nên việc phủ
nhận văn minh tình thương, do phản chứng mà ra. Một gia đình rạn nứt lại có thể
củng cố một dạng riêng của "phản văn minh" vì phá huỷ tình yêu trong
nhiều lãnh vực trong đó tình thương được diễn tả, với nhiều cộng hưởng không
thể tránh, trên toàn bộ đời sống xã hội.
14. (...) Suy gẫm chương 13, thư thứ nhất Thánh Phaolô
gởi cho tín hữu Côrintô, ta đi vào con đường dẫn ta hiểu, cách trực tiếp nhất
và xuyên thấu nhất, ý nghĩa chân thực của văn minh tình thương. Không có bản
văn vào trong Thánh Kinh, khác với ca vịnh đức ái, diễn tả sự thật này một cách
đơn sơ mà sâu sắc hơn.
Những nguy hiểm lây nhiễm tình yêu, cũng tạo nên một đe
doạ cho nền văn minh tình thương, vì chúng giúp cho những điều đối nghịch thực
sự với văn minh ấy. Ở đây tôi nghĩ trước tiên đến tính ích kỷ, không những ích
kỷ của cá nhân, mà còn ích kỷ của đôi lứa, và trong khung rộng hơn, ích kỷ của
xã hội, chẳng hạn ích kỷ của một giai cấp, hay của quốc gia (chủ nghĩa quốc
gia). Tính ích kỷ, dưới mọi hình thức, đều đối lập trực tiếp và triệt để, chống
văn minh tình thương. Ðiều ấy có phải là có nghĩa rằng tình yêu duy được định
nghĩa là "chống ích kỷ" chăng? Ðịnh nghĩa như thế là quá nghèo nàn,
và xét cho cùng là quá tiêu cực, cho dù quả thực, để hiện thực tình yêu và văn
minh tình thương, phải vượt thắng mọi dạng ích kỷ. Bảo "vị tha" là
đối đề với "ích kỷ" thật là đúng. Nhưng quan niệm về tình yêu, được
thánh Phaolô khai triển, còn phong phú hơn và đầy đủ hơn. Ca vịnh đức ái trong thư thứ nhất gửi tín hữu Corintô, vẫn còn như
magna charta (hiến chương lớn) của văn minh tình thương. Nó ít bàn những biểu
hiện riêng rẽ (về ích kỷ hay về vị tha) hơn là thẳng thắn chấp nhận quan niệm
về con người như một nhân vị "đã gặp được mình" qua việc trao ban
mình vô vị lợi. Trao ban, rõ ràng là "cho những người khác": đó là
chiều kích quan trọng nhất của văn minh tình thương.
Chúng ta tới trọng tâm của chân lý Tin mừng về tự do. Con
người hiện thực mình bằng xử dụng tự do trong sự thật. Ta không thể hiểu tự do
như tài năng làm bất cứ cái gì: tự do có nghĩa trao ban mình. Hơn nữa nó muốn
nói rằng: tự do là kỷ luật bên trong của trao ban. Trong khái niệm về trao ban,
không chỉ xuất hiện sáng kiến tự do của chủ thể, mà còn chỉ chiều kích bổn
phận. Tất cả được hiện thực trong "hiệp thông các nhân vị". Ở đây ta
ở trong lòng mọi gia đình.
Chúng ta cũng đứng trước những đối lập giữa chủ nghĩa cá
nhân và chủ nghĩa nhân vị. Tình yêu và văn minh tình thương đều quan hệ với chủ
nghĩa nhân vị. Tại sao quan hệ đúng với chủ nghĩa nhân vị? Bởi vì chủ nghĩa cá
nhân đe doạ văn minh tình thương chăng? Chìa khoá câu đáp ở trong lời cộng
đồng: "một trao ban vô vị lợi". Chủ nghĩa cá nhân giả thiết sự xử dụng
tự do, theo đó chủ thể muốn gì làm lấy, "xác định mình là" "chân
lý" của điều làm thoả lòng, làm ích cho mình. Nó không muốn cho người khác
"vui lòng" hay "yêu sách" nơi nó cái gì khác, nhân danh
chân lý khách quan nó không muốn "cho" người khác, theo như sự thật,
nó không muốn trở nên "trao ban vô vị lợi". Cho nên chủ nghĩa cá nhân
vẫn lấy mình làm trọng tâm và thật là ích kỷ. Ðiều đối lập với chủ nghĩa nhân
vị khôngnhững xuất hiện trên lãnh vực lý thuyết, mà còn trên lãnh vực
"ethos" luân lý. "Ethos" của chủ nghĩa nhân vị là vị tha:
nó đưa con người đến chỗ hy sinh mình cho những người khác và gặp niềm vui
trong trao ban chính mình. Ðó là niềm vui mà Chúa Kitô nói đến (x. Ga 15, 11;
16, 20-22).
Cho nên phải làm cho các xã hội, và trong lòng xã hội, là
các gia đình đang sống trong bối cảnh đấu tranh giữa văn minh tình thương và
những thứ chống đối nó – họ tìm được cơ sở vững chắc, trong cái nhìn đúng mức
về con người và những điều xác định "việc hiện thực đầy đủ" nhân tính
của mình. cái gọi là "tình yêu tự do", không thể chối cãi được, nó
đối lập với văn minh tình thương càng nguy hiểm hơn, khi nó quen được đề ra như
việc diễn tả tình cảm "thật", trong thực sự, nó phá hoại tình yêu.
Bao gia đình tan vỡ vì " tự do luyến ái"! Trong bất cứ hoàn cảnh nào,
cứ theo xúc động tình cảm "thật" nhân danh tình yêu "tự do"
khỏi mọi bó buộc, thật ra điều ấy có nghĩa là làm cho con người nô lệ những bản
năng con người mà thánh Thomas gọi là "đam mê của linh hồn".
"Tình yêu tự do" khai thác những nhược điểm con người, bằng cách cho
chúng một "tính đáng kính" nào đó với sự giúp đỡ của mê hoặc và giúp
đỡ của công luận. Như vậy là người ta tìm cách "trấn an" lương tâm,
tạo ra một "lẩn trốn" "luân lý". Nhưng người ta không xem
xét mọi hậu quả từ đó xuất phát, đặc biệt khi người phối ngẫu, và nhất là con
riêng của cha hay của mẹ phải trả, vì đã nên mồ côi ngay khi cha mẹ còn sống.
Ta biết rằng ở nền tảng của thuyết duy-ích luân lý có
việc luôn luôn tìm "tối đa" hạnh phúc, nhưng là "hạnh phúc duy
ích" hiểu như lạc thú, như thoả mãn ngay, có lợi riêng cho cá nhân bên
ngoài hay còn đối nghịch những yêu cầu khách quan của thiện ích.
Ý đồ của thuyết duy ích, dựa trên tự do được định hướng
theo chiều cá nhân chủ nghĩa, tức là cái tự do không trách nhiệm, tạo ra điều
nghịch tình thương, cho dù người ta thấy ở đó có biểu lộ một văn minh nhân bản
trong toàn bộ. Khi khái niệm về tự do như vậy được người ta chấp nhận trong xã
hội, dễ tạo nguyên nhân chung, với nhiều loại dạng của tính yếu đuối con người,
thì khái niệm ấy mau chóng tỏ ra mối đe doạ có hệ thống và trường kỳ cho gia
đình. về điểm này ta có thể kể nhiều hậu quả tai hại, được nhận theo thống kê,
tuy nhiều hậu quả được che dấu trong trái tim các ông các bà như những vết
thương rướm máu.
Tình yêu vợ chồng, và cha mẹ, có thể chứa những vết
thương ấy, nếu như những cạm bẫy nêu trên không làm cho tình yêu ấy thiếu sức
mạnh tái sinh, rất hữu ích rất lành mạnh, cho các cộng đồng con người. khả năng
này được hưởng ơn Thiên Chúa thứ tha và hoà giải, cho phép có được nghị lực
thiêng liêng cần cho việc không ngừng bắt đầu lại mãi. Vì thế các thành viên
gia đình cần gặp được Chúa Kitô trong Giáo hội qua bí tích diệu kỳ sám hối và
giao hoà.
Như vậy ta thấy tầm quan trọng của cầu nguyện với các gia
đình và cho các gia đình, đặc biệt các gia đình bị phân ly đe doạ. Phải cầu
nguyện để cho đôi bạn yêu ơn gọi của họ, ngay khi đường đời cam go, gặp nhiều
khúc chật hẹp và dốc thẳng, có vẻ không thể vượt qua; phải cầu nguyện để trong
những điều kiện này, họ vẫn trung thành cùng giao ước với Thiên Chúa.
"Gia đình là con đường của Giáo hội". Trong lá
thư này, ta muốn nói lên xác tín ấy, và đồng thời loan báo con đường này, nó
nhờ đời sống vợ chồng và gia đình mà dẫn vào nước trời (x Mt 7, 14). Cần làm
cho "sự hiệp thông những con người" trong gia đình trở nên việc chuẩn
bị "hiệp thông các thánh". Vì thế, Giáo hội tuyên xưng và loan báo
"tình yêu chịu đựng tất cả" (I Cr 13, 7), cùng với thánh Phaolô coi
nó như nhân đức "trọng đại nhất" (ICr 13, 13). Thánh tông đồ không vẽ
giới hạn cho ai cả. Yêu là ơn gọi của mọi người, ơn gọi của các đôi bạn, của
các gia đình. Trong Giáo hội mọi người được gọi đến mức hoàn hảo của thánh
thiện (x Mt 5, 48) (38).
17. Gia đình là một cộng đoàn các nhân vị, là tế bào xã
hội nhỏ nhất, và như thế, nó là định chế cơ bản cho mọi xã hội sinh tồn.
Gia đình như là định chế chờ đợi gì nơi xã hội? Trước
tiên, là được nhận theo đúng căn tính gia đình và chấp nhận là một chủ thể xã
hội. Bản tính là chủ thể này được gắn với căn tính riêng của hôn nhân và gia
đình. Hôn nhân, là nền tảng của định chế gia đình, hệ tại một giao ước nhờ đó
"một người nam, một người nữ lập nên giữa họ một cộng đồng suốt đời, được
điều hợp qua đặc tính tự nhiên tới thiện ích cho hai phối ngẫu cũng như cho
việc sinh sản và giáo dục con cái". Chỉ có sự liên kết này mới có thể được
nhìn nhận và công nhận như một "hôn nhân " trong lòng xã hội. Ngược
lại, sự kết hợp các con người kiểu khác, không đáp ứng những điều kiện nhắc lại
ở trên, không được công nhận là hôn nhân, dù ngày nay đang lan tràn về điểm này
những xu hướng rất nguy hiểm cho tương lai các gia đình và cho chính xã hội.
Không xã hội con người nào có thể chạy theo cái nguy cơ
cho phép trong những vấn đề căn bản liên quan tới yếu tính hôn nhân và gia đình
! Một lối cho phép về luân lý như vậy chỉ có thể làm thiệt hại cho những yêu
cầu đích thực của hoà bình và hiệp thông giữa mọi người. Cho nên người ta hiểu
tại sao Giáo hội mạnh mẽ bảo vệ căn tính gia đình, và tại sao Giáo hội khích lệ
các định chế có thẩm quyền, đặc biệt những người có trách nhiệm về đời sống chính
trị, cũng như các tổ chức quốc tế đừng nhượng bộ cho cơn cám dỗ của một lối
hiện đại sai lầm và hào nhoáng.
Là cộng đồng sống và thương yêu, gia đình là một thực tại
xã hội vững vàng có căn cơ và, một cách đặc biệt, là xã hội cao cả, dù có bị
đặt điều kiện ở nhiều quan điểm. Khẳng định quyền cao cả của định chế gia đình
và nhận định nhiều điều kiện của nó, đưa ta nói đến các quyền gia đình. Về vấn
đề này, Toà Thánh đã công bố năm 1983 Hiến chương các quyền gia đình đến nay
vẫn còn tính thời sự.
Những quyền gia đình được gắn liền với những quyền con
người. quả thế, nếu gia đình là hiệp thông các nhân vị, sự triển nở gia đình
tuỳ thuộc một cách rất ý nghĩa, ở việc thích nghi đúng đắn các quyền của các
nhân vị tạo nên một gia đình. Một vài quyền liên quan trực tiếp đến gia đình,
như quyền cha mẹ được sinh con có trách nhiệm và giáo dục con cái, trái lại,
nhiều quyền khác liên quan đến hạt nhân gia đình một cách gián tiếp, trong đó,
đặc biệt quan trọng là quyền tư hữu, riêng ở những gì gọi là tư hữu gia đình,
và quyền làm việc.
Nhưng các quyền gia đình không chỉ là tổng cộng theo toán
học các quyền con người, vì gia đình còn là cái gì hơn tổng cộng các thành phần
gia đình tách riêng ra. Gia đình là cộng đồng cha mẹ con cái, đôi khi là một
gia đình gồm nhiều thế hệ. Do đó, tư cách chủ thể gia đình được thực hiện theo
ý Chúa, lập ra và đòi những quyền đặc thù riêng. Khởi đi từ những nguyên tắc
luân lý đã phát biểu, Hiến chương những quyền gia đình làm vững sự hiện hữu
định chế gia đình trong trật tự xã hội và pháp lý của xã hội "lớn":
là quốc gia, nhà nước và những cộng đồng quốc tế. Từng xã hội "lớn"
này ít ra cũng gián tiếp chịu điều kiện của việc có một gia đình; để được như
thế định nghĩa các bổn phận và quyền lợi của xã hội "lớn"đối với gia
đình là vấn đề cực kỳ cần thiết và chính yếu. Trước hết, ta thấy liên hệ gần
như hữu cơ được lập giữa gia đình và quốc gia. Tự nhiên, ta không thể nói đến
quốc gia theo nghĩa riêng trong mọi hoàn cảnh. Mà có những nhóm dân tộc, họ tuy
không thể được coi như những quốc gia thực, nhưng một mức nào đó đã đạt tới
hàng xã hội "lớn". Trong giả thiết này hay giả thiết kia, liên hệ gia
đình với nhóm dân tộc hay với quốc gia vẫn dựa trước tiên vào sự tham gia một
văn hoá. Theo một nghĩa nào đó cũng là vì quốc gia mà cha mẹ sinh ra con cái,
để chúng làm thành phần quốc gia và tham gia vào gia tài lịch sử và văn hoá.
Ngay từ đầu, căn tính của gia đình phát triển trong mức độ nào đó theo hình ảnh
căn tính của quốc gia mà gia đình ấy thuộc về.
Khi tham gia vào gia tài văn hoá của một nước, gia đình
góp phần cho quyền tối thượng đặc biệt phát sinh từ văn hoá và ngôn ngữ quốc
gia ấy. Tôi đã đề cập vấn đề này ở Hội đồng của UNESCO tại Paris năm 1980 và
tôi đã trở lại vấn đề này nhiều lần vì tầm quan trọng không thể chối cãi của
nó. Nhờ văn hoá và ngôn ngữ, không những quốc gia mà từng gia đình còn tìm được
quyền cao cả tinh thần của mình. Không vậy, khó giải thích nhiều những biến cố
lịch sử các dân tộc, đặc biệt ở châu Âu: những biến cố xưa, những biến cố mới
đây, những biến cố may lành hay khổ lụy, những thắng lợi, những thất bại, chứng
tỏ gia đình được liên kết hữu cơ với quốc gia, và quốc gia liên kết hữu cơ với
các gia đình.
Liên kết gia đình với nhà nước cũng có phần giống có phần
khác như thế. Quả vậy, Nhà nước khác với Quốc gia do cấu trúc kém "gia
đình" hơn, vì được tổ chức theo một chế độ chính trị và một cách có
"tính bàn giấy"hơn. Tuy nhiên, dù một nghĩa nào đó, chế độ nhà nước
có "hồn"chăng nữa, tuỳ mức độ nó đáp ứng được bản tính nó "là
cộng đồng chính trị" theo pháp lý được điều hợp lo công ích. Gia đình liên
hệ chặt chẽ với "hồn" ấy, gia đình liên hệ với Nhà nước chính vì
nguyên tắc hỗ trợ nhau. Quả vậy, gia đình là thực tại xã hội không sẵn mọi
phương thế cần thiết lo những mục đích riêng gia đình, nhất là trong lãnh vực
giáo huấn và giáo dục. Lúc đó Nhà nước được mời gọi can thiệp theo nguyên tắc
hỗ trợ kể trên: ở đâu gia đình có thể tự túc, nên để cho gia đình hành động
cách tự lập;sự can thiệp quá đáng của nhà nước không những tỏ ra bất tôn trọng,
mà còn gây hại cho gia đình, vì tạo ra sự xâm phạm hiển nhiên các quyền gia
đình, chỉ ở điều nào gia đình không thể thực sự tự túc thì nhà nước mới có thể
và có bổn phận can thiệp.
Ngoài lãnh vực giáo dục và giáo huấn ở các mức độ, việc
giúp đỡ của nhà nước, dù sao cũng không được loại những sáng kiến các tư nhân,
việc giúp đỡ ấy được biểu lộ trong những qui định nhằm cứu sự sống và sức khoẻ
công dân và đặc biệt, trong những biện pháp phòng ngừa có liên hệ đến giới lao
động. Nạn thất nghiệp thời nay tạo nên một trong những đe doạ nghiêm trọng đến
đời sống gia đình và thực đang làm bận tâm mọi xã hội, thất nghiệp tạo ra thách
đố cho chính trị các nhà nước, và là một đối tượng phải chú ý suy nghĩ cho một
học thuyết xã hội của Giáo hội. Cho nên hơn bao giờ hết, cần và khẩn cấp tìm
cách chữa trị thất nghiệp, bằng những giải pháp can đảm, biết hướng tầm nhìn
vượt biên giới quốc gia, tới nhiều những gia đình mà không có việc làm đang ở
trong tình trạng khốn khổ thê thảm .
Nói về lao động có liên hệ tới gia đình, nên nhấn mạnh
tầm quan trọng và giá trị của việc làm của các Bà trong gia đình; phải nhìn
nhận và đánh gía cao việc làm ấy. "Gánh nặng" người vợ, khi đã cho
con chào đời, nuôi nó, săn sóc nó, lo giáo dục nó, đặc biệt những năm đầu thật
là lớn lao, đến nỗi không sự so sánh cùng bất kỳ công việc chuyên ngành nào.
Ðiều này phải được khẳng định cho rõ, cũng như phải được bảo vệ như bất cứ
quyền nào liên hệ tới lao động. Với tất cả những nỗi mệt nhọc, việc làm mẹ phải
được người ta biết ơn về mặt kinh tế ít ra bằng sự biết ơn các lao động khác
được hoàn thành để lo nuôi sống gia đình trong giai đoạn tế nhị của cuộc sống.
Thật phải không được tiếc một cố gắng nào để cho gia đình
được nhìn nhận như xã hội đầu tiên và "tối thượng" cách nào đó. Quyền
"tối thượng" này cần cho lợi ích của xã hội. Một quốc gia thực sự cao
cả và mạnh tinh thần, bao giờ cũng gồm nhiều gia đình mạnh, ý thức ơn gọi của
mình và sứ mệnh của mình trong lịch sử. Gia đình ở trung tâm các vấn đề và các
nhiệm vụ đó: trao cho gia đình vai trò tuỳ thuộc hàng nhì, tách gia đình khỏi
vị trí xứng hợp trong xã hội, có nghĩa là gây nên thiệt hại lớn cho việc tăng
trưởng toàn thể xã hội.
Ban hành tại
Vatican
ngày 02. 02.
1994, lễ Dâng Chúa vào Ðền thờ
Năm thứ 16
Triều Giáo Hoàng của Tôi
Gioan
Phaolô II
Đăng nhận xét