khi dạy gia đình biết sống yêu thương mọi người,…
thánh Phaolô hướng dẫn chúng ta đi vào đường hoàn thiện, thực thi đức ái trọn hảo với cả ba chiều kích:
- hướng thượng: tương quan của gia đình với Thiên Chúa;
- hướng nội: tương quan giữa các thành viên trong gia đình;
- hướng ngoại: tương quan của gia đình
với mọi người xung quanh.
thánh Phaolô hướng dẫn chúng ta đi vào đường hoàn thiện, thực thi đức ái trọn hảo với cả ba chiều kích:
- hướng thượng: tương quan của gia đình với Thiên Chúa;
- hướng nội: tương quan giữa các thành viên trong gia đình;
- hướng ngoại: tương quan của gia đình
với mọi người xung quanh.
Giuse Trị An
Dẫn nhập
Trước
cảnh binh biến và loạn lạc trên toàn đại lục, Mặc Tử, một nhà tư tưởng lớn của
Trung Hoa thời Chiến Quốc, đã từng nhận định: “Mối nguy hại lớn nhất chính là
sự tranh giành không ngừng của các quốc gia và dân chúng, mà nguyên do là
con người không thương mến nhau.”[1]
Quả vậy, không thương mến thì dễ có sự bất hòa, chia rẽ, đấu tranh và loại trừ
lẫn nhau. Còn thương mến nhau thực sự, mọi người sẽ biết đón nhận, cộng tác,
giúp đỡ và xây dựng cho nhau. Điều này thể hiện rất rõ trong đời sống gia đình.
Một khi các thành viên đồng thuận, yêu thương, thì cả nhà chan hòa tiếng cười,
hạnh phúc bền lâu. Ngược lại, thiếu tình yêu thương, vợ chồng dễ dàng ly tán,
gia đình mau chóng đổ vỡ, gây ra biết bao hệ quả tai hại cho xã hội.
1. Thánh
Phaolô, thầy dạy các gia đình
Một điều đáng lo ngại là hiện tượng ly
dị, các đôi vợ chồng chia tay sau hôn nhân, ngày càng gia tăng, trong đó có cả
các gia đình Công giáo. Dù vẫn biết rằng mối dây liên kết của Bí Tích Hôn Phối
là không thể chia lìa vì “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được
phân ly”, nhưng khá nhiều các đôi bạn trẻ Công Giáo hiện nay không trung thành
với lời thề hứa trong ngày hôn lễ, cương quyết bỏ nhau khi có sự bất thuận xảy
ra. Điều đó cho thấy tương quan yêu thương trong gia đình không thắm thiết, mặn
mà. Nói khác đi, các thành viên chưa sống yêu thương đúng như lời Chúa dạy,
chưa thấm đượm tinh thần của Tin Mừng.
Trước đây, vào thời Giáo
hội sơ khai, khoảng cuối thế kỷ I, cũng có những gia đình thuộc cộng đoàn
Êphêxô và Côlôxê bị ảnh hưởng lối sống dân ngoại, lây nhiễm những tư tưởng sai
lạc mà không sống yêu thương đúng với tinh thần của Chúa. Thánh Phaolô Tông đồ
đã phải viết thư nhắc nhở các tín hữu đề phòng lạc thuyết, giữ vững niềm tin và
chu toàn bổn phận trong gia đình sao cho xứng hợp với cương vị của người con
cái Chúa. Thiết nghĩ, Thánh Phaolô chính là thầy dạy của các gia đình Công giáo
mọi thời đại, giáo huấn của Thánh nhân mãi là kim chỉ nam cho mọi người bước
theo đường lối Chúa, sống yêu thương và xây đắp hạnh phúc gia đình.
2. Phúc Âm
hóa đời sống gia đình
Nguyên nhân cốt lõi dẫn tới sự đổ vỡ
của gia đình là các thành viên không yêu thương nhau. Như vậy, muốn giữ gìn
hạnh phúc gia đình, nhất thiết phải củng cố mối dây tình thương.
Phúc Âm hóa đời sống
gia đình theo lời Giáo hội mời gọi hôm nay cũng không hệ tại ở điều gì khác
ngoài việc thúc đẩy mọi thành viên sống yêu thương như lời Chúa truyền dạy. Về
điểm này, Thánh Phaolô đã đưa ra rất nhiều lời khuyên vừa có tính cụ thể đối
với từng thành viên, vừa có tính phổ quát đối với cả gia đình. Theo Thánh nhân,
gia đình là cộng đoàn yêu thương, các thành viên có liên đới mật thiết, có
tương quan khăng khít, cũng như có bổn phận, trách nhiệm đối với nhau và với
Chúa.
Tương quan vợ - chồng
Mối tương quan căn bản
đầu tiên trong gia đình là vợ - chồng. Bởi vậy, khi giáo huấn về đời sống gia
đình, Thánh Phaolô nhấn mạnh trước hết đến phận vụ của người làm vợ, làm chồng.
Trong đó, phận vụ của người vợ được nhắc đến tiên vàn ở cả hai lá thứ gởi tín
hữu Êphêxô và Côlôxê.
“Người làm vợ hãy phục
tùng chồng.” (Cl3,18) “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa.”
(Ep 5,22-23) Tùng phục chồng là bổn phận chính yếu của người vợ. Có lẽ, điều
này tạo cho chúng ta một cảm nghĩ tiêu cực dưới nhãn quan của thời đại hôm nay,
thời đại của tự do, bình đẳng nhân quyền.
Nhưng
đặt trong bối cảnh văn hóa thời Thánh Phaolô, thời đại quân chủ phong kiến của nền văn
minh Hy - La cổ đại, thì thái độ tùng phục của người vợ là chuyện chính đáng,
phải đạo. “Tùng phục chồng như tùng phục Chúa” đơn thuần có nghĩa là người vợ
xem chồng là chủ, vâng theo chồng và hết lòng chung thủy với chồng. Nếu hiểu
tùng phục cách tích cực như thế, thì vẫn còn giá trị đến tận hôm nay. Người vợ
ở gia đình phải trung thành, gắn bó với chồng như lời đã thề ước trong Bí Tích
Hôn Phối.
Đối lại, “Người chồng
hãy yêu thương vợ chứ đừng cay nghiệt với vợ” (Cl 3,19). Thực tế bấy giờ, người
chồng trong xã hội được xem như là ông chủ có quyền trên vợ, nên nhiều khi tỏ
thái độ khinh miệt, xem vợ là kẻ bề tôi và đối xử cay nghiệt, khiếm nhã. Chính
vì thế, Thánh Phaolô khuyên bảo người làm chồng ý thức trách nhiệm lớn lao của
mình: làm chủ thì phải trông coi gia đình, phải chăm sóc và yêu thương vợ hết
lòng, yêu đến nỗi hiến cả thân mình phục vụ, đem lại hạnh phúc cho vợ, như
khuôn mẫu tình yêu Đức Kitô dành cho Hội thánh “Người làm chồng hãy yêu thương
vợ như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep 5,25).
Tóm lại, vợ - chồng có
bổn phận riêng đối với nhau. Điều quan trọng là mỗi người phải hiểu cho đúng
bổn phận của mình và chu toàn thật tốt, chu toàn không phải một cách miễn cưỡng
nhưng với trọn tâm tình yêu mến: yêu mến theo mẫu gương của Chúa, hiến thân
phục vụ, đem lại hạnh phúc cho nhau.
Tương quan cha mẹ - con
cái
Tương quan giữa cha mẹ -
con cái được xem là trục
dọc, là thế đứng của gia
đình. Nếu tương quan này tốt, nghĩa là thế đứng của gia đình vững, thì các
thành viên mới có điều kiện thuận lợi để thăng tiến mọi mặt, cả đời sống nhân
bản lẫn siêu nhiên. Vì thế, thánh Phaolô đã không quên nhắc nhở kẻ làm con cũng
như các bậc phụ huynh về bổn phận trong đời
sống gia đình.
“Kẻ làm con hãy vâng lời
cha mẹ vì đó là điều đẹp lòng Chúa.” (Cl 3,20); “Kẻ làm con hãy tôn kính cha
mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa để ngươi được hạnh phúc và
hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3). Ở đây, nói về phận vụ của kẻ làm con,
Thánh Phaolô đã trưng dẫn lại lời Kinh thánh trong Cựu ước: ‘Tôn kính cha mẹ’
là điều răn hàng đầu trong phần thứ hai của Thập Điều mà ông Môsê đã viết.
Trưng dẫn lời Kinh thánh như thế, Thánh Phaolô ngụ ý muốn khẳng định rằng: ‘bổn
phận phải tôn kính cha mẹ của con cái’ không đơn thuần là một nét đẹp truyền
thống đạo đức, nhưng quan trọng hơn hết đó là lệnh truyền của Đức Chúa. Vì vậy,
mọi kẻ làm con trong gia đình phải ghi nhớ và nghiêm chỉnh tuân giữ lệnh truyền
này.
Còn những bậc làm cha mẹ, Thánh Phaolô khuyên
bảo: “đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3,21), nhưng “hãy
giáo dục con cái thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy ”(Ep 6, 4). Cha
mẹ là những bậc đại diện của Chúa ở trần gian này để đồng hành, hướng dẫn con
cái sống theo đường ngay nẻo chính. ‘Đừng làm con cái bực tức, ngã lòng’ nghĩa
là cha mẹ đừng trở nên gương mù, gương xấu. Trái lại, cha mẹ phải nêu gương
sáng trong lời ăn tiếng nói và việc làm, ngõ hầu có thể giáo dục các thế hệ trẻ
trở nên những con người hữu ích cho xã hội, trở nên những chứng nhân đích thực
của Đức Kitô.
Gia đình sẽ vững bền, hạnh phúc khi mọi thành
viên ý thức tốt phận vụ trong bậc sống của mình. Đứng đầu là các bậc làm cha
mẹ, cột trụ của gia đình, phải yêu thương con cái và chăm lo giáo dục chúng
theo tinh thần của Chúa. Đáp lại, con cái hãy vâng theo lời chỉ dạy của các
ngài, một lòng thờ phượng kính mến Chúa và thảo hiếu với mẹ cha, để nhờ đó được
lớn lên trong ân sủng và hạnh phúc muôn đời.
Tương quan của gia đình
với Thiên Chúa
Nếu chỉ dừng lại ở mối
tương quan giữa các thành viên với nhau, thì gia đình Kitô hữu đâu có gì khác
biệt so với mọi gia đình trong xã hội. Đọc kỹ phần giáo huấn gia đình trong hai
lá thư này, chúng ta thấy rằng Thánh Phaolô có chủ ý diễn tả một đặc tính quan
trọng hơn hết của gia đình Kitô hữu, đó là mối tương với Thiên Chúa.
Thực thế, trong thư
Êphêxô, mở đầu khuyên nhủ, Thánh Phaolô viết: “Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em
hãy tùng phục lẫn nhau” (Ep 5,21). Như vậy, động lực thúc đẩy mỗi thành viên
chu toàn phận vụ là lòng kính sợ Đức Kitô. Vì chưng, Đức Kitô đích thực là
Thiên Chúa, là người Chủ duy nhất của cả gia đình. Mỗi thành viên phải quy hướng
về Người, tuân giữ lệnh truyền của Người. Làm bất cứ phận vụ nào mà không xuất
phát từ lòng kính mến Thiên Chúa là người tín hữu đang bị cuốn hút theo lối
sống phù phiếm, giả hình của dân ngoại.
Thánh
Tông đồ dân ngoại
nhấn mạnh rằng : “Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa chứ
không phải cho người đời” (Cl 3,23).
Lời dạy này không đơn thuần nói về
cách thức làm việc, nhưng chủ ý nhắc nhớ
một tinh thần sống. Cốt lõi của Kitô giáo không phải là việc sống theo một lý
tưởng, nhưng là sống tương quan với một ngôi vị, một Thiên Chúa đã làm người.
Bởi
đó, Thánh Phaolô muốn mọi thành viên đừng bao giờ tách mình ra khỏi Thiên Chúa.
Làm mọi việc như thể đang làm cho Chúa nghĩa là phải sống gắn bó với Chúa luôn
mãi. Trong mọi hoạt động sống và mọi hành cảnh cuộc đời, cả gia đình phải quy
hướng về Chúa, lấy Chúa làm cùng đích, chỉ ước mong được phụng sự Chúa và sống
đẹp lòng Chúa mà thôi.
Cuối cùng, khép lại
những chỉ thị riêng trong đời sống gia đình, Thánh Phaolô lặp lại: “Đức Kitô
làm chủ anh em hãy phục vụ Người.” (Cl 3,24) Vợ chồng, cha mẹ, con cái, mỗi
người chu toàn tốt bổn phận là cách thức phục vụ Chúa thích hợp nhất trong cuộc
sống hằng ngày. Phục vụ Chúa là để cho Chúa làm Chủ hoàn toàn, cuộc đời không
còn sống theo ý riêng mà chỉ sống theo thánh ý Chúa với niềm tin tưởng, hy vọng
rằng một mai sẽ đạt được phần thưởng là sự sống vĩnh hằng và vinh quang bất
diệt trên Nước Thiên Đàng.
3. Sống
yêu thương giữa cuộc đời
Mỗi gia đình cá nhân là một thành phần
trong đại gia đình nhân loại, gia đình này có liên đới với gia đình khác. Do
vậy, việc sống yêu thương của gia đình không giới hạn trong nội bộ mà thôi,
nhưng còn mở rộng đến tất cả mọi người. Yêu thương có giới hạn nghĩa là chúng
ta còn có sự phân biệt. Cái tính phân biệt ấy là biểu hiện của ích kỷ và là mầm
mống gây ra chia rẽ. Mặc Tử nhận thức rõ điều đó nên chủ trương lấy “kiêm” thay
thế “biệt”, sống yêu thương hết mọi người, loại bỏ sự phân biệt đối xử về màu
da, sắc tộc hay tôn giáo.[2]
Thánh Phaolô cũng không muốn gia đình
Kitô hữu sống yêu thương cục bộ, các thành viên chỉ quan tâm đến nhau mà phớt
lờ bạn hữu xóm làng và vô tâm với người ngoại, nhưng muốn mọi thành viên sống
bác ái thực thụ, trở nên chứng tá Tin Mừng giữa cuộc đời. Vì vậy, ngay sau khi
đưa ra những chỉ thị riêng cho đời sống gia đình, Thánh nhân khuyến dụ: “Anh em
hãy ăn ở khôn ngoan với người ngoại; hãy tận dụng thời buổi hiện tại. Lời nói
của anh em phải mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi
người.” (Cl 4,5-6) Sống với dân ngoại, người tín hữu tuy phải đề phòng những tư
tưởng sai lạc, nhưng cũng cần khôn ngoan biết tận dụng cơ hội loan truyền danh
thánh Chúa. Ở giữa dân ngoại chính là dịp thuận tiện để người tín hữu thể hiện
một nếp sống yêu thương thắm tình huynh đệ với tất cả mọi người, đúng với tinh
thần của Tin Mừng.
Thực ra, khi dạy gia đình biết sống yêu
thương mọi người, đối đáp cho phải đạo với cả dân ngoại, là thánh Phaolô dẫn
chúng ta đi vào con đường hoàn thiện, thực thi đức ái trọn hảo với cả ba chiều
kích. Chiều kích hướng thượng, tương quan của gia đình với Thiên Chúa: Thiên
Chúa là Chủ, chúng ta phải phục vụ Người; chiều kích hướng nội, tương quan giữa
mọi thành viên trong gia đình với nhau: mỗi người tùy theo cương vị của mình,
phải chu toàn bổn phận và mưu cầu lợi ích cho người khác; chiều kích hướng ngoại,
tương quan của gia đình với mọi người xung quanh: tất cả là con một Cha trên
trời, có liên đới với nhau, nên phải yêu thương và giúp đỡ nhau cùng thăng
tiến. Cả ba chiều kích này hợp lại làm nên một đời sống yêu thương trong cộng
đoàn gia đình. Sẽ không phải là yêu thương đúng nghĩa nếu thiếu vắng một chiều
kích nào. Bởi thế, công cuộc Phúc Âm hóa đời sống gia đình không thúc đẩy một
lối sống yêu thương hạn hẹp, nghĩa là chỉ biết đến những người trong nhà hay những người cùng huyết tộc, nhưng mời gọi gia đình
sống chan hòa yêu thương và làm cho tình yêu của gia đình ngày càng thắm thiết,
dồi dào, lan tỏa đến mọi người xung quanh.
Kết luận
Thời đại hôm nay, các
gia đình Kitô hữu phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức mọi mặt trong
đời sống, về kinh tế, vật chất cũng như niềm tin, tinh thần. Những khó khăn ấy
đòi buộc chúng ta phải khôn ngoan, khéo léo, tìm cách giữ gìn, bảo vệ gia đình.
Thiết nghĩ, những lời khuyên của Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Êphêxô và
Côlôxê rất có giá trị cho chúng ta vâng theo: mỗi thành viên phải có trách
nhiệm với gia đình, luôn ý thức và chu toàn tốt phận vụ trong bậc sống của
mình, biết yêu thương phục vụ lẫn nhau theo gương mẫu Đức Kitô để lại, đồng
thời biết quảng diễn một tinh thần tông đồ, sống bác ái với mọi người lân cận
và với cả những người không cùng tôn giáo. Có như thế, chúng ta mới chứng thực
mình là những người Kitô hữu hằng tin tưởng, phục vụ Thiên Chúa và xây dựng gia
đình thành một cộng đoàn yêu thương, hạnh phúc, góp phần kiến tạo một xã hội
phồn thịnh, văn minh.
Đăng nhận xét