Sự tốt lành của công
trình tạo dựng
phản chiếu vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa,
Đấng Tạo Hoá, đầy lòng xót thương.
Vẻ đẹp đó gợi lên nơi trí tuệ và ý chí con người
sự tôn kính và quy hướng về vinh quang của Người.
phản chiếu vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa,
Đấng Tạo Hoá, đầy lòng xót thương.
Vẻ đẹp đó gợi lên nơi trí tuệ và ý chí con người
sự tôn kính và quy hướng về vinh quang của Người.
Pet. Võ Tá Đương, OP.
Dẫn nhập
Chúng ta đang sống những ngày hồng phúc
của Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót. Đây là thời gian ân sủng quý báu, là cơ hội
thuận tiện để mỗi chúng ta tái khám phá tình yêu và lòng thương xót của Thiên
Chúa qua công trình sáng tạo tuyệt diệu của Người, qua thiên nhiên vạn vật, qua
môi trường sống của chúng ta: ngôi nhà chung của nhân loại, được xem như
người chị của chúng ta, mà chúng ta được chia sẻ cuộc sống, và như
người mẹ ôm lấy chúng ta.[1]
Đó chính là món quà quý giá phát xuất từ lòng thương xót vô biên mà Thiên Chúa
trao ban cho toàn thể nhân loại, cho mỗi chúng ta. Đó là tình yêu diệu vời, một
tình yêu “nhưng không” mà Thiên Chúa dành cho con người, mặc dù con người chẳng
có chút công trạng gì.
Tình yêu và lòng thương xót của Thiên
Chúa là nguyên nhân của công trình sáng tạo. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã tạo
dựng con người theo hình ảnh của Người,[2]
cho con người được chia sẻ vinh quang và hạnh phúc với Người, được tham dự vào
sự sống thần linh của Thiên Chúa;[3]
và đặt con người làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, mời gọi con người công
tác với Người trong việc chăm sóc, gìn giữ, bảo tồn và phát triển công trình
sáng tạo của Chúa, để công trình của Chúa được tiếp tục qua bàn tay của con
người.[4]
Trước tình thương bao la của Thiên Chúa, trước kỳ công vĩ đại của Người, tác
giả Thánh vịnh đã phải thốt lên rằng:
Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài,
thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
Thật thế, trước khi tạo dựng con người,
Thiên Chúa đã chuẩn bị một thế giới hữu hình, với đầy đủ sắc màu yêu thương,
đầy đủ muôn loài muôn vật, để cho con người được tận hưởng cuộc sống hạnh phúc
trong sự người hiệp thông thân tình với Thiên Chúa, hài hòa với chính mình, với
nhau và với thiên nhiên vạn vật chung quanh, để con người có thể đáp trả tiếng
gọi của Thiên Chúa và bước vào giao ước yêu thương của Người.
Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an
bài
Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng
rằng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa, là
Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.” Thật
vậy, Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Người đã dựng nên trời đất muôn vật hữu hình
và vô hình, nghĩa là toàn bộ công trình tạo dựng,[6]
và sắp đặt công trình ấy theo thánh ý Người. Chính Người là nguồn gốc và cùng
đích của mọi loại mọi vật, là chủ thời gian và lịch sử; Người sắp xếp và điều
khiển vũ trụ này trong toàn bộ sự phong phú, đa dạng và trật tự của nó theo
thánh ý Người.[7]
Vũ trụ bao la, thế giới xinh đẹp này
không phải là sản phẩm của bất cứ một quy luật tất yếu nào, cũng không phải là
một định mệnh, hoặc một sự ngẫu nhiên nào, nhưng là chính công trình tay Chúa làm
nên. Câu đầu tiên trong Kinh Thánh đã minh chứng: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.”[8]
Chính do ân sủng và tình thương diệu kỳ phát xuất từ ý định ngàn đời của Thiên
Chúa, Người đã làm nên kỳ công vĩ đại và sự tốt lành này. Vì thế, tác giả Thánh
vịnh đã cất cao lời ngợi ca rằng:
Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng!
Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan,
những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.
Này đại dương bát ngát mênh mông,
nơi muôn vàn sinh vật to lẫn nhỏ vẫy vùng,
nơi tàu bè cỡi sóng và thủy quái tung tăng,
Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy rằng,
Thiên Chúa tạo dựng mọi sự không phải để gia tăng vinh quang, nhưng để biểu lộ
và truyền thông vinh quang của Người. [10]
Thật vậy, vinh quang của Thiên Chúa là con người sống, và sự sống của con người
là được nhìn thấy Thiên Chúa. Nếu sự mạc khải của Thiên Chúa qua công trình tạo
dựng đã đem đến sự sống cho mọi loài trên trái đất, thì việc Ngôi Lời biểu lộ
Chúa Cha lại càng đem lại sự sống gấp bội cho những ai thấy Thiên Chúa.[11]
Thiên Chúa không có lý do nào khác để
tạo dựng, ngoài tình yêu và sự tốt lành của Người. Mục đích tối hậu của công
trình tạo dựng là, Thiên Chúa, “Đấng dựng nên mọi loài, cuối cùng sẽ có toàn
quyền trên muôn loài”, đem lại vinh quang cho Người và đồng thời đem lại vinh
phúc cho chúng ta.[12]
Điều này, Công đồng Vaticanô I giải thích:
Thiên Chúa, do sự tốt
lành và uy quyền toàn năng của Ngài, không phải để gia tăng hoặc đạt được vinh
phúc của Ngài, nhưng để biểu lộ sự trọn hảo của Ngài qua những điều thiện hảo
Ngài ban cho các thụ tạo, do ý định hoàn toàn tự do của Ngài, lúc khởi đầu thời
gian, đã tạo dựng mọi loài từ hư vô, cả loài thiêng liêng lẫn loài có thể xác.[13]
Sự tốt lành của công trình tạo dựng phản
chiếu vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá, đầy lòng xót thương. Vẻ đẹp
đó gợi lên nơi trí tuệ và ý chí con người sự tôn kính và quy hướng về vinh
quang của Người. Trước vẻ đẹp đó, thánh Phanxicô Assisi đã thốt lên lời kinh ca
tụng rằng:
Chúc tụng Chúa, lạy Chúa của con, cùng với tất cả các thụ
tạo của Chúa, đặc biệt là với anh Mặt Trời, anh ấy là ngày, và Chúa dùng anh ấy
để soi sáng chúng con. Anh ấy đẹp và toả chiếu ánh huy hoàng rực rỡ; anh ấy là
một tín hiệu chỉ về Chúa, lạy Đấng Tối Cao….
Chúc tụng Chúa, lạy Chúa của con, vì chị Nước, chị ấy hữu
ích và khiêm nhường, quý giá và thanh khiết….
Chúc tụng Chúa, lạy Chúa của con, vì chị Đất là mẹ chúng
con, mẹ nâng đỡ và quản lý chúng con, mẹ sản xuất đủ loại trái cây, với muôn
hoa sặc sỡ và cây cỏ…”[14]
Cùng với muôn loài muôn vật trong hoàn
vũ này, chúng ta cùng cất cao lời ca tạ ơn, tôn vinh chúc tụng, ngợi khen tình
yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho ta qua công trình sáng tạo của
Người. Quả thế, ngày hôm nay, người tin cũng như kẻ không tin đều nhất
trí cho rằng trái đất tất yếu là gia sản chung, hoa lợi của trái
đất phải dành cho mọi người. Đối với người tín hữu điều này trở
thành câu hỏi về sự trung tín đối với Đấng Sáng Tạo, chỉ vì Thiên
Chúa đã tạo dựng thế giới này cho tất cả mọi người.[15]
Thánh Phaolô đã quả quyết rằng: “Những gì
người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và
thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người
có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người.”[16]
Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà
Chúa phải bận tâm?
Khi bàn về con người, các triết gia từ
thời hiện đại cho đến thời trung đại, luôn là điều khó nói nhất, và cũng tốn
nhiều công sức khi giải thích một vấn đề liên quan đến con người. Khi suy tư về
chính mình, người ta thường tự đặt ra câu hỏi: Con người là chi? Con người đến
từ đâu và sẽ đi về đâu ? Đó cũng là điều mà các khoa học gia, các nhà bác học
đã tốn biết bao công sức, để tìm hiểu, nghiên cứu. Càng khám phá sự rộng lớn
bao la của vũ trụ bao nhiêu, con người càng thấy mình nhỏ bé bấy nhiêu.
Công đồng Vatican II viết:
Con người đã và đang
đưa ra nhiều quan niệm về chính mình, những quan niệm khác nhau và đôi khi trái
ngược nhau. Theo những quan niệm đó, thường con người tán dương mình như một
mẫu mực tuyệt đối hay lại chê bai đến độ tuyệt vọng, từ đó con người hoài nghi
và lo lắng.[17]
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã từng
ưu tư khắc khoải về thân phận con người như thế! Những ưu tư khắc khoải đó đã
dệt thành bài ca chứa đầy giá trị về triết lý nhân sinh; ông nhận ra phận người
đến từ bụi đất, mang kiếp sống mong manh vắn vỏi: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi. Ôi cát
bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp không nguôi.”[18]
Thật vậy, tự bản chất, con người chỉ một
hạt bụi bé nhỏ giữa đại dương bao la,[19]
nhưng do tình yêu và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, hạt bụi đó “được
hóa kiếp” trở thành “cát bụi tuyệt vời”!
Và hạt bụi đó được Thiên Chúa “biến hóa” thành con người giống hình ảnh
Thiên Chúa, để được sống và sống dồi dào trong tình Chúa yêu thương, trong sự
thuận hòa với đồng loại.[20]
Theo trình thuật tạo dựng, tác giả Kinh
Thánh cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa không chỉ tạo dựng muôn loài muôn vật
mà còn trao ban sự sống cho chúng. Đặc biệt, trong tiến trình tạo dựng, Thiên
Chúa chỉ cần phán là muôn loài muôn vật được tạo thành.[21]
Một
lời Chúa phán làm ra chín tầng trời,
một
hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú. (Tv 32,6)
Riêng con người, Thiên Chúa phải “vất vả
tạo hình, tạo dáng” để con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Bằng ngôn ngữ biểu
tượng, Kinh Thánh mô tả: “Đức Chúa là
Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con
người trở nên một sinh vật.”[22]
Chính sinh khí của Thiên Chúa thông ban sự sống trực tiếp cho con người. Chính
sự sống Thiên Chúa nơi con người làm cho con người cao cả hơn mọi loài mọi vật
trong vũ trụ này. Thiên Chúa ban cho con người có linh hồn bất tử, có trí tuệ
vượt hơn loài vật, có trái tim biết yêu thương, có khả năng nhận biết và yêu
mến Thiên Chúa. Ngoài sự sống tự nhiên, Thiên Chúa còn ban cho con sự sống siêu
nhiên, nghĩa là được làm con Thiên Chúa, được dự phần vào sự sống thần linh
Thiên Chúa. Như thế, nếu muôn vật muôn loài được tạo thành cách kỳ diệu thì sự
tạo thành con người còn kỳ diệu hơn. Bởi lẽ, con người là trung tâm và chóp
đỉnh trong công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa.
Con
người là đỉnh cao của trật tự tạo dựng trong thế giới hữu hình. Giống người
xuất hiện vào lúc người nam và người nữ được mời gọi hiện hữu, đội triều thiên
của công trình tạo dựng. Cả hai là hữu thể người, nam và nữ đồng hàng với nhau,
được tạo nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.[23]
Công đồng Vaticanô II khẳng định:
Được tạo dựng theo hình
ảnh Thiên Chúa, con người tìm thấy sự cao cả và phẩm giá của mình trong giao
ước với Thiên Chúa, trong sự kết hợp với Người và trong ân ban vô vụ lợi là
chính mình. Từ nguyên thủy đã ghi khắc nơi con người lời mời gọi đi đến tình
yêu và hiệp thông.[24]
Quả thế, trong biết bao nhiêu câu trả
lời về con người, Kinh Thánh đã đưa ra định nghĩa đơn sơ nhưng thật sâu sắc: “Con người là hình ảnh Thiên Chúa.”[25]
Là hình ảnh của Thiên Chúa, con người có
khả năng đặc biệt, khả năng nhận biết, yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa. Nhờ đó,
con người có thể đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa và bước vào giao ước yêu
thương của Người.
Là hình ảnh của Thiên Chúa, con người
sống trong mối hiệp thông thân tình với Thiên Chúa, hài hòa với chính mình, với
nhau và với vạn vật chung quanh. Do đó, đời sống con người mang tính xã hội, bình đẳng và tương trợ lẫn nhau. Mỗi
người nhận ra hình ảnh của chính mình nơi người khác, mỗi người cần đến người
khác.
Là hình ảnh Thiên Chúa, con người mang
phẩm giá đặc biệt, vượt trên vạn vật, nên được Thiên Chúa trao quyền làm chủ
công trình sáng tạo của Người, để cùng Người chăm sóc, bảo vệ thiên nhiên và
làm cho công trình sáng tạo của Chúa ngày càng hoàn thiện hơn.
Thật vậy, “con người không lầm lẫn khi
họ nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật chất và không coi mình chỉ như một mảnh
vụn của thiên nhiên hay như một phần tử vô danh trong xã hội loài người.”[26]
Trong các thụ tạo trên mặt đất, chỉ có
con người là một nhân vị, một chủ thể hiểu biết và tự do, và vì thế nó là
“trung tâm điểm” của tất cả tạo vật khác sống trên mặt đất.
Trước hồng ân lớn lao đó, tác giả Thánh
vịnh phải đã thốt lên rằng :
Chúa cho con người chẳng thua kém thần
linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân. (Tv 8, 6-7)
Cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài
muôn sự dưới chân
Theo trình thuật Kinh Thánh, sau khi
đã hoàn thành công việc sáng tạo, Thiên Chúa đã đặt để con người vào
trung tâm của công trình đó, và trao cho con người trách nhiệm trông coi toàn
thể vạn vật, như mộ người quản gia, để giúp muôn loài sinh sôi nẩy nở và phát
triển hài hòa theo Thiên Ý.[27]
Nhờ đó, con người mạnh dạn khám phá và chế ngự thiên nhiên, tạo điều kiện thuận
lợi để khoa học hình thành và phát triển. Thật thế, “được tạo dựng giống hình
ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận lãnh trách nhiệm chinh phục Trái đất cùng với
tất cả những gì chứa đựng trong đó, quản trị vũ trụ trong thánh thiện và công
bằng.”[28]
Theo kế hoạch của Thiên Chúa, và nhờ
tình thương của Người, chúng ta được mời gọi cộng tác vào chương trình sáng tạo
của Thiên Chúa, làm thế giới này phát triển tốt đẹp hơn. Như vậy, chúng ta được
gọi là những cộng sự viên của Thiên Chúa.[29]
Sự cộng tác của con người vào công
trình sáng tạo của Thiên Chúa, cũng là việc xây dựng xã hội trần thế thêm tốt
đẹp hơn. Vì lẽ đó, con người được mời gọi phải lao động từ khi được
sáng tạo; lao động là một điều cần thiết, là một phần ý nghĩa của
cuộc sống trên trái đất này, là con đường đi đến trưởng thành, phát triển
con người và hiện thực cá nhân mình.[30]
Thiên Chúa còn đặt con người lên đỉnh
công trình sáng tạo và giao cho con người chịu trách nhiệm về toàn thể thụ tạo,
nghĩa là phải quản lý và chăm sóc thụ tạo. Thế mà con người lại làm ngược lại
Thiên Ý, cứ tàn phá thiên nhiên không hề nương tay.
Trong
tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa, con người được quyền khai thác các
tài nguyên thiên nhiên để phát triển sự sống, để phục vụ tha nhân vì lợi ích
chung của cộng đồng nhân loại. Thế nhưng, con người đã lạm quyền Chúa trao mà
phá hoại công trình sáng tạo của Thiên Chúa, phá hoại thiên nhiên, hủy hoại sự
sống của nhân loại. Đó là một trọng tội!
Và hậu quả của sự lạm quyền đó thì chúng ta đã và đang thấy rõ từng
ngày, thậm chí từng giờ. “Ngôi nhà chung của chúng ta đang đổ nát, và gây tổn
thương đến tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất trong chúng
ta.”[31]
Quả
thật, thế giới ngày nay đang trải qua cuộc khủng hoảng trầm trọng về môi sinh: trái đất nóng lên, ô nhiễm gia tăng, nguồn
nước sạch bị đe dọa, thảm họa thiên nhiên ngày càng nhiều… Việt Nam chúng ta là
một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu;
ô nhiễm bụi ở mức độ trầm trọng, nhất là tại các thành phố lớn.[32]
Do
thiếu ý thức và trách nhiệm, nhiều người đang biến trái đất của chúng ta
thành một bãi rác khổng lồ. Hằng ngày, họ tung những chất gây nguy hại
vào không khí, đất đai, nguồn nước, làm cho trái đất bị ô nhiễm nghiêm trọng,
gây tai hại cho con người. Ngày càng có nhiều người mắc phải những chứng bệnh
nguy hiểm, vì hít lấy bụi khói dày đặc do những chất liệu bị đốt cháy,
khí thải từ các phương tiện giao thông hay các công trình công nghiệp, hoặc
ăn uống những thực phẩm nhiễm các hóa chất như phân bón, thuốc diệt côn
trùng, diệt nấm, diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo quản thực
phẩm...[33]
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, thảm họa môi trường
biển tại các tỉnh Trung, Việt Nam chúng ta, mà vùng biển Kỳ Anh, Hà Tĩnh là nơi
phát xuất thảm họa và trực tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Người dân vùng ven
biển, cũng như dân cư trong khắp miền đang hoang mang lo lắng trước thảm họa, dẫn
đến cuộc sống bất an, suy sụp tinh thần nặng nề…
Đã
đến lúc chúng ta cần phải gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh lòng người hãy quan
tâm đến môi trường là ngôi nhà chung mà chúng ta đang sống. Chính vì thế, trong
thông điệp Laudato si, Đức Thánh Cha
Phanxicô đã tố giác thái độ vô cảm và vô trách nhiệm của con người, đã gây ra sự
ô nhiễm và biến đổi khí hậu, mất dần sự đa dạng của sinh vật, suy giảm phẩm chất
cuộc sống và suy thoái của xã hội, sự bất bình đẳng toàn cầu về mặt xã hội; Người
kêu gọi một cuộc hoán cải môi sinh, nhắm đến một lối sống mới,[34]
nhờ vào thực hiện các cử chỉ và thói quen thường nhật cùng với việc hồi tâm,
không chỉ hồi tâm về tình hiệp thông với Chúa, với tha nhân, và với bản thân,
mà còn phải hồi tâm về tình hiệp thông với toàn thể thụ tạo và thiên nhiên nữa.
Đáp
lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha, mỗi chúng ta nhiệt tâm dấn thân săn sóc ngôi
nhà chung của chúng ta, bảo vệ sự cân bằng hệ
sinh thái, sự trong lành của không khí, nguồn nước và đất đai; mỗi giáo xứ, cộng
đoàn dòng tu chúng ta hãy đưa ra những sáng kiến làm sạch môi trường, cổ vũ xây
dựng những khu phố, xóm làng sạch đẹp, văn minh; khuyến khích sản xuất và sử dụng
các loại thực phẩm an toàn vệ sinh; đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập các lãnh vực
của đời sống xã hội, nhằm góp phần vào công cuộc Phúc-Âm-hóa đời sống xã
hội và môi trường sống của chúng ta.
Tạm kết
Để kết thúc, người viết xin được trích
lại lời nhắn gửi tha thiết của Vị Cha Chung kính yêu của chúng ta rằng:
Chúng ta được kết
hợp lại với nhau để đón nhận ngôi nhà này, ngôi nhà được trao cho
chúng ta, vì chúng ta biết, tất cả điều gì tốt đẹp đang có, sẽ
được đón nhận vào bàn tiệc thiên quốc. Chúng ta sẽ cùng tiến bước
với tất cả tạo vật trên con đường của chúng ta trên thế gian này, để
đi tìm Thiên Chúa, chỉ vì “khi thế gian có một nguồn gốc và được
tạo dựng, nó sẽ đi tìm Đấng sáng tạo nên nó, nó tìm Đấng đã ban
cho nó một khởi đầu, đó là Đấng Sáng Tạo của nó”. Hãy tiến bước
trong tiếng ca vang! Ước gì cuộc chiến đấu của chúng ta cho hành tinh
này, sẽ không cất đi khỏi chúng ta niềm vui của hy vọng.
Thiên Chúa, Đấng kêu
gọi chúng ta dấn thân cách quảng đại, ban cho chúng ta sức mạnh và
ánh sáng mà chúng ta cần thiết đế tiến bước. Giữa trung tâm thế giới
này, Chúa của cuộc sống, Đấng quá yêu thương chúng ta, vẫn tiếp tục
hiện diện. Người sẽ không bao giờ lìa bỏ chúng ta, không bao giờ để
chúng ta một mình, chỉ vì Người dứt khoát kết hợp với trái đất
của chúng ta và tình yêu của Người vẫn luôn dẫn chúng ta đi tìm
những con đường mới. Chúc tụng
Người ![35]
Ước mong sao, khi chiêm ngưỡng những kỳ
công tay Chúa sáng tạo, mỗi chúng ta cảm nhận được thiên nhiên vạn vật chính là
món quà quý báu mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta từ lòng thương xót của
Người; để qua đó, chúng ta tích cực chăm sóc, bảo vệ thiên nhiên, vạn vật, bảo
vệ ngôi nhà chung của mình, trở nên hiện thân lòng thương xót của Chúa dành cho
vũ trụ vạn vật, và dành cho nhau, để cùng với tác giả Thánh vịnh, và toàn thể
cộng đồng nhân loại chung tiếng ngợi ca chúc tụng Đấng Tạo Hóa vĩ đại qua lời
ca:
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên
Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm.
không trung loan báo việc tay Người làm.
[1] Xc. Đức
Thánh Cha Phanxicô, Thông Điệp Laudato
Si, số 01.
[2] Xc. St 1,
27.
[3] Xc. Vat.
II, Lumen Gentium, số 02.
[4] Xc. St 2,
15 -16.
[5] Tv 08, 4
-7.
[6] Xc. Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 235 và
236.
[7] Xc. Kn 9,9;
Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 237.
[8] St 1, 1.
[9] Tv 103,
24-26.
[10] Xc. Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 293.
[11] Xc. Thánh
Irênê, Adversus haereses, 4, 20 (trích lại từ trích lại từ sách Giáo lý Hội
thánh Công giáo, số 294).
[12] Xc. Vat.
II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 02.
[13] Công đồng
Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius,
c. 1: DS 3002, (trích lại từ sách Giáo lý
Hội thánh Công giáo, số 293).
[14] Thánh
Phanxicô Assisi, Bài Ca Anh Mặt Trời.
[15] Xc. Đức
Thánh Cha Phanxicô, Thông Điệp Laudato
Si, số 93.
[16] Rm 1, 20.
[17] Vat. II, Hiến chế Gaudium et
Spes số 12.
[18] Trịnh Công Sơn, Cát Bụi.
[19] Xc. St 3, 19.
[20] Xc. Lm. Giuse Đinh lập Liễm, Bài
chia sẻ Thứ Tư Lễ Tro,
http://www.simonhoadalat.com.
[21] Xc. St 1,
1- 25.
[22] Xc. St 2,
7.
[23] ĐTC Gioan
Phaolô II, Tông thư Mulieris Dignitatem số 06.
[24] Vat. II, Hiến chế Gaudium et
Spes, số 12.
[25] St 1, 26-
27.
[26] Vat. II,
Hiến chế Gaudium et Spes, số 14.
[27] Xc. St 1,
26- 30.
[28] Vat. Hiến chế Gaudium et Spes, số
34.
[29] Xc. Cr 3,9.
[30] Xc. Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông
Điệp Laudato Si, số 124 & s128.
[31] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông
Điệp Laudato Si, số 124
[32] Xc. Hội đồng Giám mục Việt Nam,
Thư Mục vụ năm 2016, số 05.
[33] Xc. ĐGM Nguyễn Thái Hợp, Thư Mục
Vụ Mùa Chay năm 2016, mục 01.
[34] Xc. Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông
Điệp Laudato Si, các số 203-208
[35] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông
Điệp Laudato Si, số 244, & 245.
Đăng nhận xét