Mỗi người đại diện cho Thiên Chúa,
thay mặt Người trao nhẫn cưới
(như một dấu chỉ của giao ước) cho người mình yêu.
Nói một cách khác, người này cùng với Chúa Giêsu
trao nhẫn cưới cho người kia, trong sự chứng kiến của Chúa Cha
và sự chúc lành của Chúa Thánh Thần.
thay mặt Người trao nhẫn cưới
(như một dấu chỉ của giao ước) cho người mình yêu.
Nói một cách khác, người này cùng với Chúa Giêsu
trao nhẫn cưới cho người kia, trong sự chứng kiến của Chúa Cha
và sự chúc lành của Chúa Thánh Thần.
Giọt nắng Thảo Nguyên
Trong suốt dòng lịch sử cứu độ, có rất nhiều giao ước, nhưng chúng ta
thường nhắc đến hai giao ước đặc biệt, đó là giao ước cũ và giao ước mới. Từ
tấm bé, khi học giáo lý, chúng ta thường được nhắc nhớ rằng, giao ước cũ là
giao ước được thiết lập trên núi Sinai, qua hai tấm bia đá, khắc ghi Mười điều
răn của Thiên Chúa, ta gọi đó là Thập điều. Giao ước này được ký kết bằng máu
chiên bò; tuy nhiên giao ước này không vĩnh cửu.
Còn
trong Tân ước, giao ước mới được ký kết bằng chính Máu Chúa Kitô trên Thập giá,
và được hiện tại hoá trên bàn thờ mỗi ngày. Giao ước mới này là giao ước vĩnh
cửu. Đời sống vợ chồng Kitô giáo được diễn tả một cách rõ nét về giao ước mới,
giao ước vĩnh cửu này. Khi cử hành bí tích Hôn phối, hai người nam - nữ hứa với
nhau và với Thầy Giêsu rằng, họ sẽ chung thuỷ với nhau và yêu thương nhau trọn
đời, Yêu nhau như chính Thầy đã yêu chúng
con và chúng con hứa trao cho nhau chính Tình yêu của Thầy Giêsu - đây chính là dấu chỉ giao ước mà Thiên Chúa
thiết lập với loài người, như chồng với vợ: một giao ước yêu thương, trung
thành và sản sinh dồi dào hoa trái (Xc. Ep 5,23).
Kết ước
trong Đức Giêsu Kitô
Kết ước trong bí tích Hôn
phối của hai người, không chỉ bằng bút mực ký trên văn bản thành hôn, mà là một
giao ước ký kết giữa hai người với nhau và với Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô.
Chính vì thế, hôn nhân Kitô giáo là một giao ước thánh, mang tính cách “bất khả
phân ly”. Nội dung chính của giao ước này là sự trung thành của cả hai người. “Với Kitô hữu, tình yêu phu thê là một giao
ước trước Thiên Chúa, Đấng đòi ta trung thành.”[1]
Sự trung thành ấy mang tính
tự hiến mạng sống mình cho người yêu, yêu đến cùng người mình đã chọn lựa cách
tự do, cho dù sau này người đó bội phản. Đây là tình yêu bộc lộ tính thánh
thiện của Thần Linh, giống như sự tự hiến của Chúa Giêsu trên thập giá, với sự
trợ giúp của Thánh Thần. “Được thông ban
bởi Thánh Thần, tình yêu mãnh liệt này là phản ảnh giao ước vĩnh của của Chúa
Kitô và Hội thánh. Có tính tự hiến đến cùng của Người trên thập giá.”[2]
Chính tình yêu này mà người Kitô hữu cảm nhận được niềm vui và vẻ đẹp
trong hôn nhân. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận định:
Niềm vui và tình yêu hôn nhân bao hàm việc chấp nhận hôn nhân là một
tổng hợp tất nhiên của hoan lạc và khó nhọc, căng thẳng và nghỉ ngơi, đau khổ
và giải thoát, thỏa mãn và kiếm tìm, phiền muộn và khoan khoái. Trên nẻo đường
tình bạn, niềm vui thúc đẩy đôi bạn chăm sóc nhau: ‘Họ giúp đỡ và phục vụ nhau’
(GS 48).[3]
Giao ước tình yêu đích thực của
hôn nhân Kitô giáo bắt đầu bằng những câu hỏi, mà vị linh mục chứng hôn hỏi đôi
bạn và mỗi người đã trả lời sau khi cân nhắc suy nghĩ chín chắn là “Tự do, tự
nguyện kết hôn”:
- Anh chị có
tự do và thật lòng đến đây chứ không bị ép buộc để kết hôn với nhau không?
- Khi chọn đời
sống hôn nhân anh chị có sẵn sàng yêu thương và kính trọng nhau suốt đời không?
- Anh chị có
sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội
thánh không?
Điều quan trọng không thể thiếu để đôi bạn cử hành bí tích Hôn phối, đó
là đôi bạn bày tỏ sự tự do kết hôn của mình trước sự chứng hôn của vị Đại diện Hội
thánh, và sự chứng giám của hai người làm chứng, cũng như cộng đoàn Dân Chúa.
Lời thề hứa này là lời giao ước yêu thương thánh thiện, có giá trị vĩnh viễn:
Tôi nhận
(anh/em) làm (chồng/vợ) và hứa sẽ giữ lòng chung thuỷ với (anh/em) khi thịnh
vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ, để yêu
thương và tôn trọng (anh/em) mọi ngày suốt đời tôi.
Lời hứa hôn
phối không phải là một kết ước xã hội, vì kết ước xã hội không có những điều
khoản ràng buộc tinh thần này, và cũng không có việc đòi buộc: “Chung thủy khi thịnh vượng hay khi gian
nan, bệnh hoạn hay khỏe mạnh, để yêu thương và tôn trọng mọi ngày suốt đời”.
Lời hứa Hôn
phối tự bản chất đã là một giao ước tận hiến, giao ước đem lại “Niềm vui của Tình yêu”, và chỉ có được khi đôi bạn
trải qua một quá trình sống “bác ái” trong hôn nhân với nhau, nghĩa là cùng
giúp nhau:
Nhận biết và trân trọng những giá trị cao quí, không phải chỉ là vẻ đẹp
thể lý hay tâm lý của người kia... Kinh nghiệm vẻ đẹp thực cuả tình yêu được
diễn tả trong cái nhìn trân trọng người khác như một vẻ đẹp ở trong bản thân họ
(chiêm ngắn cứu cánh nội tại): yêu người vì người, chứ không phải vì tiền tài
sắc đẹp, yêu vì bản chất họ là con và là hình ảnh Thiên Chúa, cả khi họ già nua
bệnh tật. Điều này dẫn đến sự quan tâm chú ý giữa vợ chồng hay con cái, tránh
được bao nhiêu tổn thương và khủng hoảng nơi gia đình, biểu lộ qua những than
phiền trách móc.[4]
Lời hứa hôn phối là giao ước thánh, vì đôi bạn hứa với nhau và với Chúa: sẽ cùng
giúp nhau sống và làm viêc theo Tin mừng của Đức Giêsu Kitô; vì lòng chung thủy, yêu thương và tôn
trọng chính là nội dung của Tin mừng, những điều này nói lên đặc tính hôn nhân
Kitô giáo là độc hôn (một vợ một chồng) và vĩnh hôn (kết hôn vĩnh viễn cho đến trọn đời). Đặc tính này đã trở thành luật Chúa, bất di bất dịch, “loài người không được phân ly”, người
ta gọi là Thiên luật.
Giao ước
tình yêu hôn nhân còn được biểu hiện trong nghi thức trao nhẫn cưới cho nhau.
Hai người nam nữ trao nhẫn cưới như là ấn tín cho lời hứa với Chúa và với nhau
trong Thánh lễ: “Anh/em nhận chiếc nhẫn này làm bằng chứng tình yêu và lòng trung thành
của anh/em. Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.”
Lời đọc nghe có vẻ đơn giản, nhưng lại có ý
nghĩa linh thánh sâu xa. Lời giao ước thánh đó được hiểu là: không chỉ người
nam hay người nữ ấy trao nhẫn cưới cho người mình yêu, mà mỗi người nhân danh
Thiên Chúa Ba Ngôi làm việc này. Mỗi người đại diện cho Thiên Chúa, thay mặt
Người trao nhẫn cưới (như một dấu chỉ của giao ước) cho người mình yêu. Nói một
cách khác, người này cùng với Chúa Giêsu trao nhẫn cưới cho người kia, trong sự
chứng kiến của Chúa Cha và sự chúc lành của
Chúa Thánh Thần.
Lời hứa trao
nhẫn “làm bằng chứng tình yêu và lòng trung thành của anh/em, muốn nói
rằng, họ không trao cho nhau tình cảm đầy ích kỷ hay thay đổi và dễ bội phản,
mà trao cho nhau chính tình yêu và lòng trung thành như Đức Kitô trao hiến cho Hội
thánh, cho mỗi chúng ta. Anh sẽ yêu em “như Đức Kitô đã yêu” và em cũng yêu anh
như vậy. Đây là một lời kết ước mang tính Thần Linh, mà chỉ có thể thực thi
được khi lòng họ tràn đầy Thần Khí Chúa.
Giao ước:
Lựa chọn, sống, và loan báo Tin mừng
Hôn nhân
Kitô giáo phát xuất từ một ơn gọi nên thánh trong bậc sống gia đình, từ lòng
ước muốn cùng đi theo Chúa, giúp nhau sống theo đường lối Chúa, làm nên một gia
đình thánh, nhờ việc sống và loan báo Tin mừng của Đức Giêsu Kitô. Trong tất cả
những cái đời thường, mỗi gia đình Kitô hữu vẫn cần phải:
Đón nhận Tin mừng và trưởng
thành trong đức tin, để nó trở nên một cộng đồng Phúc Âm hóa… Cha mẹ chẳng
những truyền thụ Tin mừng cho con cái mà còn có thể nhận lại Tin mừng ấy, đã
được sống sâu sắc từ phía con cái. Và một gia đình như thế có sức Tin mừng hoá
nhiều gia đình khác và cả môi trường chung
quanh.[5]
Như thế, gia
đình Kitô hữu ký một giao ước với Chúa là chúng con quyết tâm sống và loan báo
Tin mừng bằng cách:
Lấy sự thật Tin mừng làm qui luật sống và làm quà tặng của gia đình cho
cộng đoàn rộng lớn hơn… Gia đình Kitô hữu cần phải trở thành Giáo hội tại gia
chính hiệu, sống trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu của mình một cách khiêm tốn và đầy
yêu thương.[6]
Phát xuất từ
sự chọn lựa Đức Giêsu một cách dứt khoát, người Kitô hữu sống, suy nghĩ và hành
động theo sự hướng dẫn của Tin mừng, luôn luôn uốn nắn mình theo những giá trị
của Tin mừng.
Gia đình
Kitô hữu sống và loan báo Tin mừng từ khi bắt đầu ăn ở với nhau cho đến suốt cả
hành trình cuộc đời thăng trầm của gia đình. Khi họ quyết tâm chọn lựa và theo
Chúa đến cùng, mỗi người điều chỉnh mình từ cách ăn nết ở, đi đứng nói năng,
suy nghĩ, giải trí theo sự hướng dẫn của Chúa, trong lề luật Chúa. Chính lúc
ấy, cha mẹ đang thông truyền Tin mừng cho con cái.
Các tín hữu
thông truyền Tin mừng cho nhau và cho người khác bằng cách sống, chứ không chỉ
bằng lời nói suông. Đôi vợ chồng giúp nhau sống Giao ước yêu thương trọn vẹn
ấy, nhờ việc gắn bó với tình yêu của Đức Kitô qua việc cầu nguyện, đọc kinh
sáng tối và lãnh nhận các bí tích. Nhờ đó họ tiến dần đến sự hiệp thông ngôi vị
và là hình ảnh hiệp thông trọn vẹn của Thiên Chúa Ba Ngôi. Điều này đã được Công đồng Vatican II xác định: “Đôi vợ chồng là hình ảnh Thiên Chúa hằng sống, đang sống trong đời
sống đích thực của con người. Họ phải đồng tâm nhất trí với nhau, giúp nhau nên
Thánh.”
[1] ĐTC Phanxicô, Tông huấn “Niềm vui của Tình yêu”, số 124.
[2] Ibid., số 121.
[3] ĐTC Phanxicô, Tông huấn “Niềm vui của Tình yêu, số 126.
[4] ĐTC Phanxicô, Tông huấn “Niềm vui của Tình yêu”, số 129.
[5] ĐTC Phanxicô, Tông huấn “Niềm vui của Tình yêu”, số 11.
[6] ĐTC Gioan Phaolô
II, Tông huấn “Gia đình” - Familiaris
Consortio, số 142.
Đăng nhận xét