Nền tảng Kinh thánh của việc đồng hành thiêng liêng


Ngay từ khởi nguyên của nhân loại, 
Thiên Chúa đã đồng hành với con người. 
Với thể văn bình dân, 
sách Sáng Thế đã mô tả 
mối tương quan thân mật giữa Thiên Chúa và con người 
như tình bạn bè đến thăm viếng và trò chuyện với nhau.
Cứ chiều chiều, Thiên Chúa tản bộ với ông Ađam và bà Eva: 
“Đức Chúa là Thiên Chúa 
đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày”
 (St 3,8).

Gioan Baotixita Nguyễn Phong Lưu, Tu đoàn Bác Ái XH
Antôn Đinh Văn Nhường, Tu đoàn Bác Ái XH

Người xưa có câu: “không ai là một ốc đảo”, điều này ám chỉ đã là con người không thể sống đơn độc một mình, cho dù là về thể lý hay tinh thần. Nói cách khác, con người luôn mang tính xã hội, hay tính tương quan nhân vị. Một trong các mối tương quan ấy, mối tương quan được cho là bình đẳng nhất nhưng cũng không kém phần thân thiết, gắn bó và cao quý nhất là tình bằng hữu. Nơi tình bằng hữu ấy, sự chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ, tương trợ và đồng hành được thể hiện rõ nét nhất. Như vậy, đã là con người, chúng ta luôn có một ai đó để CÙNG, cùng sống, cùng làm việc, cùng nhau tiến bước trong cuộc đời.
Đối với đức tin của người tín hữu Công giáo, chúng ta tin rằng Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc đời này. Người hiện diện với chúng ta trong mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi cách thức và mọi phương diện. Thế nhưng, niềm tin mang chiều kích thiêng liêng ấy được đặt nền tảng ở đâu? Câu hỏi này, đối với người tín hữu Công giáo, chúng ta có thể trả lời rằng: niềm tin vào Thiên Chúa luôn đồng hành với con người được đặt nền tảng vững chắc nơi những giáo huấn, vào truyền thống của Hội thánh và đặc biệt đặt nền tảng trên Thánh kinh, nền tảng của mọi nền tảng Kitô giáo. Để làm sáng tỏ hơn về vấn đề này, chúng ta hãy cùng nhau lược qua một số hình ảnh hay sự kiện được ghi lại trong Thánh kinh diễn tả việc Thiên Chúa đồng hành với con người, ngay từ khởi nguyên sáng tạo cho đến ngày cánh chung.
Trước tiên chúng ta cần tìm hiểu sơ qua khái niệm thế nào là đồng hành thiêng liêng? Theo tác giả Phạm Quốc Văn, đồng hành thiêng liêng nghĩa là “việc gặp gỡ, đối thoại thân thiện giữa hai người trong mối tương quan ngôi vị, để cùng nhau đạt đến sự tự do của con cái Chúa, sự hoàn thiện Kitô giáo, thông qua việc lắng nghe, phân định, và đặc biệt cùng nhau cầu nguyện.[1]
Theo định nghĩa trên, việc đồng hành thiêng liêng diễn ra giữa hai chủ thể, với sự bình đẳng, tự do và tôn trọng nhau để cùng nhau đạt đến sự trọn hảo. Tuy nhiên, định nghĩa này có thể cũng dùng cách loại suy để nói về Thiên Chúa đồng hành với con người trong mối tương quan bình đẳng, tự do và tôn trọng mà trong cuộc đồng hành ấy, Thiên Chúa hướng dẫn con người qua nhiều cách thế để con người có thể đạt được sự trọn hảo, mà sự trọn hảo nhất là trở nên giống Người, trở nên con cái của Người. Sự đồng hành ấy đã được Thánh kinh diễn tả cụ thể qua hai thời: Cựu ước và Tân ước. Trong Cựu ước, Thiên Chúa đồng hành với con người qua các tổ phụ, các ngôn sứ... trong thời Tân ước, Thiên Chúa đồng hành với con người trực tiếp nơi Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, Con Một của Người.

Ngay từ khởi nguyên của nhân loại, Thiên Chúa đã đồng hành với con người. Với thể văn bình dân, sách Sáng Thế đã mô tả mối tương quan thân mật giữa Thiên Chúa và con người như tình bạn bè đến thăm viếng và trò chuyện với nhau. Cứ chiều chiều, Thiên Chúa tản bộ với ông Ađam và bà Eva: “Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày.[2] Như thế, trong muôn loài thụ tạo, con người là loài duy nhất có khả năng đối thoại hay “đàm đạo” với Thiên Chúa.[3]
Sau khi nguyên tổ phản nghịch lại Đấng đã tác sinh nên mình, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi con người. Người vẫn tiếp tục đồng hành với họ trong kế hoạch cứu độ đầy yêu thương của Người qua các tổ phụ, các ngôn sứ... Đối với tổ phụ Abraham, Thiên Chúa đã trở nên “bạn hữu” với ông khi Người đến thăm ông và được ông tiếp đón niềm nở.[4] Chính nơi tình “bạn hữu” ấy mà Thiên Chúa đã tự hỏi: “Ta có nên giấu diếm ông Abraham điều Ta toan làm không?[5] Sự tự do và tôn trọng trong việc đồng hành của Thiên Chúa với con người còn được thể hiện qua cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Thiên Chúa và ông Abraham khi ông “thương thuyết” với Người để cứu thành Xôđôm tránh khỏi sự trừng phạt của “Đức Chúa”.[6] Trong khung cảnh thân tình ấy mà ông Abraham đã hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa và lời hứa của Người:
Được Thiên Chúa kêu gọi, ông cất bước lên đường mà không định hướng trước mình sẽ đi đâu, chỉ tin rằng Thiên Chúa sẽ hướng dẫn, đồng hành với ông tới vùng đất hứa. Hành trình đức tin của ông đã trở thành gương mẫu cho cả một dân tộc được quy tụ nhờ tin vào lời hứa.[7]
Bên cạnh đó, các tác giả Cựu ước còn diễn tả việc đồng hành của Thiên Chúa qua câu nói quen thuộc mà Người từng nói với các tổ phụ và các ngôn sứ bắt đầu từ Abraham: “Ta sẽ ở với ngươi”. Lời hứa này “như một bảo đảm vững chắc có sự hiện diện và sự phù trợ của Thiên Chúa đối với những ai được Người kêu gọi và tuyển chọn.[8]

Thành ngữ “Ta sẽ ở với ngươi” cũng được Thiên Chúa nói với tổ phụ Giacóp khi phán bảo ông hãy trở về “quê cha đất tổ, trở về với họ hàng”. Và Thiên Chúa đã giữ đúng lời hứa của mình với Giacóp cho đến khi ông “tắt thở và về sum họp với tổ tiên.[9]

Ta sẽ ở với ngươi” cũng được Môsê cảm nghiệm trong suốt cuộc đời của mình với tư cách là nhà lập pháp, nhà lãnh đạo của dân tộc Israel và là “tôi trung của Đức Chúa”. Ngay từ ngày Thiên Chúa chọn gọi Môsê để lãnh đạo và đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập, Thiên Chúa đã hứa ngay với ông: “Ta sẽ ở với ngươi.[10] Kể từ khi đó, “ông dấn thân vào cuộc phiêu lưu và chung chia gian khổ với Israel qua hành trình sa mạc; bao phen bị chống đối, ông chỉ có một bảo đảm duy nhất: ‘ta sẽ ở với ngươi'.[11]
Ngoài ra, Thiên Chúa còn đồng hành với ông mà theo cách diễn tả của Cựu ước thật là gần gũi và cụ thể, ông là người duy nhất trong Cựu ước mà Giavê nói chuyện mặt giáp mặt như giữa những người bạn hữu.[12] Sau thời Môsê, Thiên Chúa vẫn tiếp tục đồng hành với con người qua Giôsuê, qua các vua tiêu biểu là Đavít[13] và qua các ngôn sứ như Giêrêmia ...[14]

Còn đối với dân Israel, dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn để làm dân riêng, dân được thánh hiến, Thiên Chúa đã đồng hành với họ và thấu cảm những khổ đau của họ khi họ bị ngược đãi bên Aicập: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Aicập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Aicập.[15] Thiên Chúa đồng hành với họ trong 40 năm trong hoang địa. Cũng nơi đó, Người hiện diện với họ qua Hòm bia giao ước[16] và dân Israel đã cảm nghiệm được một Thiên Chúa gần gũi và ở giữa dân Người.[17]

Nói tóm lại, Thiên Chúa trong thời Cựu ước đã đồng hành với dân Israel, dẫn dắt họ qua các tổ phụ, các vị lãnh đạo và các ngôn sứ. Người thường “viếng thăm” họ, “ở” với họ một cách gần gũi, thân tình.


Nếu như trong Cựu ước, Thiên Chúa đồng hành với con người cách gián tiếp thì trong thời Tân ước, Thiên Chúa đồng hành với họ cách trực tiếp bằng xương bằng thịt. Điều này Tin mừng của thánh Gioan cho ta thấy: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.[18] Như vậy, Lời Thiên Chúa “Ta sẽ ở với ngươi” giờ đây đã mặc lấy thân phận con người và đồng hành với nhân loại, trở nên bạn hữu của con người:
Vì làm bạn với con người nên Đức Giêsu chia sẻ với con người trọn vẹn thân phận và mọi mối lắng lo trong cuộc sống. Có niềm vui hay nỗi khổ nào của phận người này mà lại xa lạ với Đức Giêsu đâu. Người yêu thương và gần gũi với con người hơn chính con người gần gũi với nhau.[19]
Bắt đầu sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa của mình, Đức Giêsu đã trở nên người bạn đồng hành với những dân nghèo, với những ngư phủ ít học, với những người tội lỗi, với những bệnh nhân, hay những người tật nguyền khốn khổ. Các sách Tin mừng đã thuật lại tất cả những lời nói và việc làm của Đức Kitô với tư cách một người bạn đồng hành với con người thật tuyệt vời: Người thể hiện cách thế đồng hành của mình trong cương vị của một người cha nhân ái, người thầy đáng kính và người bạn chân tình.

Đối với những người nghèo đói, Đức Giêsu quan tâm cách đặc biệt, Người: đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.[20] Người thương họ vất vả lầm than: “Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.[21] Cách đồng hành của Chúa thật cụ thể, gần gũi, thân thương và thực tế: để khai sáng cho người mê muội u tối, Người giảng dạy họ; để cho dân khỏe mạnh, người chữa trị bệnh tật của họ; khi họ đói, Người cho họ ăn; khi họ buồn sầu đau khổ với cái chết của người thân, Người thương cảm và đưa họ ra khỏi đau khổ buồn phiền như khi người cho con trai bà góa thành Nain sống lại,[22] hay như cho Lazarô chết bốn ngày sống lại ra khỏi mồ;[23] khi con người bị chao đảo, thất vọng, mất phương hướng, Người đồng hành với họ, đem lại cho họ nguồn sống mới, sự hăng say mới như câu chuyện hai người trên đường Emmaus.[24]
Kế đến, Đức Giêsu đồng hành với những người tội lỗi bị xã hội bấy giờ lên án khinh chê, người đồng bàn đồng bạn với kẻ tội lỗi khi kêu gọi Mátthêu đang lúc thu thuế để trở thành môn đệ; ghé thăm, ở lại và ăn uống với ông Giakêu và ngay cả việc Người chấp nhận giao tiếp với hạng gái điếm.[25]
Rồi sau hết, trước khi chịu tử nạn, Đức Giêsu đã bảo đảm cho các môn đệ trong tư cách không chỉ của một Thiên Chúa đồng hành nhưng còn là một người bạn đồng hành của họ:
Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.[26]
Người bạn đồng hành ấy dù xa cách về mặt thể lý nhưng luôn luôn hiện diện với bạn hữu của mình trong tim trong trí của họ. Hơn nữa, Người còn đoan hứa với họ rằng: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” và hứa ban Chúa Thánh Thần đến để đồng hành với họ mãi mãi khi Người đã về với Thiên Chúa Cha: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.[27]
Tóm lại, Thiên Chúa trong Tân ước đã trở nên người bạn đồng hành tuyệt vời với con người qua chính Con Một của mình như thánh Phaolô đã diễn tả trong thư gửi tín hữu Philípphê:
Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.[28]
Kết luận
Qua phần nội dung được trình bày ở trên, chúng ta phần nào có được cái nhìn khái quát về một Thiên Chúa đồng hành với con người trong suốt dòng lịch sử cứu độ nhân loại. Việc đồng hành này đã được Thánh kinh ghi lại, trải dài từ lúc khởi nguyên cho đến “thời đã mãn”. Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã đồng hành với dân tộc Israel qua các tổ phụ, các ngôn sứ, qua lời giáo huấn, qua Hòm bia giao ước của Người. Rồi khi “thời đã mãn” Thiên Chúa đã đồng hành với con người bằng chính Con Một yêu dấu của Người là Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu đó, Lời đã mặc lấy xác phàm ấy, đã trọn vẹn trong tư cách đồng hành của mình vừa là Thiên Chúa đồng hành vừa là bạn hữu. Như vậy, có gì cao trọng cho bằng, hạnh phúc cho bằng khi được một Đấng Đồng Hành như thế. Làm sao ta có thể từ chối một người bạn hữu đồng hành tuyệt vời như vậy được? Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn, dọn sẵn cho người bạn đồng hành tuyệt vời một vị trí tốt nhất trong cuộc đời chúng ta. Hãy lắng nghe, hãy để người bạn đồng hành ấy hướng dẫn chỉ lối cho ta. Hãy tiếp bước với Người trong hành trình lữ thứ này.


[1] Phạm Quốc Văn, Trên Đường Emmaus, tr 23. 
[2] St 3,8.
[3] Xc. Phan Tấn Thành, Thần Học Mạc Khải, tr 36.
[4] Xc. St 18,1tt.
[5] Xc. St 18,17.
[6] Xc. St 18,16tt.
[7] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 87.
[8] Xc. Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 86.
[9] Xc. St 49,33.
[10] Xc. Xh 3,12.
[11] Xc. Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 87.
[12] Xc. Phan Tấn Thành, Sđd., tr 37.  
[13] Xc. 2Sm 7,8tt.
[14] Xc. Gr 1,7tt.
[15] Xc. Xh 3,7tt.
[16] Xc. 2Sm 6,12b-15; 17-19.
[17] Xc. Đnl 4,1-2; Is 41,10.
[18] Xc. Ga 1,14.
[19] Xc. Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 89.
[20] Xc. Mt 9,35.
[21] Xc. Mt 9,36.
[22] Xc. Lc 7,11tt.
[23] Xc. Ga 11,1tt.
[24] Xc. Lc 24,13tt.
[25] Xc. Lc 7,36-50.
[26] Xc. Ga 15,15.
[27] Xc. Ga 14,16.
[28] Xc. Pl 2,6-8.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn