Thần khí Thiên Chúa tác động trên các ngôn sứ,
và thủ lãnh của dân Israel một cách mạnh mẽ
để biến đổi họ toàn diện,
để họ thực hiện những kỳ công một cách bạo dạn, đầy uy lực;
cho họ có khả năng đảm nhận vai trò và hoàn tất một sứ mạng, nhất là sứ mạng giải
phóng dân tộc khỏi tay kẻ thù.
Nobertô Trần Y Dược, Tu đoàn
TS Thánh Mẫu
Antôn Hoàng Anh Hà, Tu đoàn TS Thánh Mẫu
Trong Cựu ước, việc đồng hành thiêng liêng hay còn gọi là việc phân định
Thần khí, là việc Thiên Chúa đồng hành với con người, hiện diện giữa lòng nhân
loại và mặc khải chính mình cho nhân loại. Theo tác giả Guillet, các bản văn cổ
xưa trong Cựu ước chưa nói tới sự phân định, bởi con người thời đó chịu ảnh hưởng
của thần chính và thần tà rất mạnh mẽ và đối với người Dothái Thần khí tốt và xấu
đều phát xuất từ Thiên Chúa. Thần khí tốt thì biểu lộ những hoạch định của
Thiên Chúa, còn Thần khí xấu là ý muốn đưa kẻ thù đến chỗ diệt vong.[1]
Để đi tới sự trưởng thành và theo đúng Thần khí Thiên Chúa, con người được
mời gọi sống trước nhan Thiên Chúa, lắng nghe tiếng Chúa qua tiếng nói lương
tâm hay qua chính các vị ngôn sứ, kinh nghiệm về Ngài, tin tưởng cầu nguyện, để
Thần khí Thiên Chúa hướng dẫn, suy xét khôn ngoan và can đảm thi hành. Trong Cựu
ước, ý niệm về sự phân định chiếm vị trí hàng đầu trong các sách ngôn sứ, nổi bật
lên có thể kể ra đây như các tổ phụ Ápraham, Môsê; các ngôn sứ Samuel,
Giêrêmia, các vua Đavít, Salômôn…
Trong
chương trình cứu độ và sự quan phòng của Thiên Chúa, Thiên Chúa luôn đi bước
trước và đó chính là sự khôn ngoan của Người. Bằng nhiều cách, Thiên Chúa tỏ
bày chương trình yêu thương của Người và mời gọi con người đáp trả. Để có thể
hiểu thấu được kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa trên bản thân, gia đình và
dân tộc mình, dân Thiên Chúa trước hết phải có thái độ biết lắng nghe. Đó là bước
đầu tiên, giúp con người nhận ra Thần khí Thiên Chúa nói với mình.
Để lắng
nghe được Thần khí Thiên Chúa nói với mình, dân Israel phải đi vào hành trình đức tin, vì phía trước vẫn là
chân trời vô định cần phải khám phá. Và việc lắng nghe đòi hỏi sự quy phục vô
điều kiện đối với Thiên Chúa, là hiến dâng những gì là sâu thẳm nhất của mình.
Hành vi đó được sánh ví như “lao mình vào vực thẳm”, hay “buông theo ân sủng”
là tin tưởng tuyệt đối không do dự.[2]
Những mẫu gương lắng nghe trong niềm tin của các tổ phụ
như: ông Ápraham đã ra đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa, dù phía trước
là vô định, là mù tối. Ông đã vượt qua bao nhiêu thử thách từ Thiên Chúa, nhất
là việc hiến tế đứa con một. Nhờ vào lòng tin sắt son của mình, ông đã được
Thiên Chúa ký kết giao ước[3], được Thiên Chúa ban cho một
dòng dõi lớn mạnh.
Để có thể lắng nghe lời Thiên Chúa dạy bảo, dân Israel đã khao khát, chờ đợi Thiên Chúa đến giải thoát dân khỏi
quân thù. Dân Israel đã lắng nghe Thiên Chúa
bằng cách tin tưởng, hy vọng vào Thiên Chúa yêu thương, quan tâm đến những nỗi
khổ của họ. Đặc biệt các tổ phụ và các ngôn sứ đã lắng nghe bằng cách gặp gỡ
Thiên Chúa. Ông Mô-sê đã gặp gỡ Thiên Chúa trên núi Sinai để lắng nghe tiếng
Chúa và truyền lệnh của Người cho dân.[4]
Và ngôn sứ Khabacúc lắng nghe và canh chừng xem Chúa nói gì với mình.
Còn dân riêng thì khát khao mong đợi Chúa “như lính canh mong đợi hừng đông”.[5]
Trong thời
điểm lắng nghe tiếng Chúa, nếu con người không có niềm tin mạnh mẽ để đối diện
với những tủi nhục, phi lý, thậm chí là phi luân thì sẽ không thể lắng nghe được
tiếng Thiên Chúa. Tổ phụ Ápraham đã phải đối diện với sự phi lý và phi luân khi
Thiên Chúa hứa sẽ cho ông được đông đảo con cháu trong khi ông bà đều đã lão
thành và Ngài còn ra lệnh cho ông giết con trai của mình, điều đối với lương
tâm con người là điều phi luân.[6] Và tổ phụ Môsê cũng phải đối
diện với những phi lý khi lắng nghe sấm ngôn Thiên Chúa. Tổ phụ Môsê từng là một
con người nhát đảm, sợ sệt, ăn nói lắp bắp thế mà Thiên Chúa lại truyền dạy ông
hãy lãnh đạo một dân cứng đầu cứng cổ trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn.[7]
Sau khi đã được Thiên Chúa mặc khải, con người lắng
nghe và đáp trả, kết quả là con người có được kinh nghiệm về Thiên Chúa. Theo cha B. Maggioni, dân tộc Israel
đã cảm nghiệm Thiên Chúa hiện diện và tác động trong lịch sử. Tuy nhiên, bên cạnh
đó họ cũng cảm nghiệm một Thiên Chúa vắng bóng. Nhưng dù sao, Israel đã đụng chạm đến “mầu nhiệm Thiên Chúa”. Kinh nghiệm đời sống tâm linh
của Israel
là không cố gắng để kéo Thiên Chúa ra khỏi mầu nhiệm và đã chống lại cám dỗ giải
nghi mầu nhiệm. Trải qua nhiều thời kỳ, dân Israel đã có những bản tuyên tín,
nhưng không vì thế mà những câu hỏi như:
Thiên Chúa ở đâu? Thiên Chúa đã làm gì?... vẫn không thôi tự vấn họ. Dân Israel
cảm nghiệm về Thiên Chúa giải phóng họ, mà ra như ruồng bỏ họ.[8]
Kinh nghiệm
của Israel
về sự vắng mặt của Thiên Chúa khi họ phạm tội chống lại giới luật của Người và
họ bị những tai hoạ do Thiên Chúa trừng phạt. Dân Israel đã kinh nghiệm về những thử
thách của Thiên Chúa. Điều này đã được các ngôn sứ và các vịnh gia nhắc bảo:
Thiên Chúa ẩn mình để cho con người khám phá. Những khoảng thời gian vắng mặt của
Thiên Chúa, dân Israel trở nên rất đau khổ, họ như bị mất đức tin và bắt đầu bị
cám dỗ đi tìm các thần ngoại, những thần mà họ có thể nhìn thấy và sờ chạm.
Nhưng dù sao, kinh nghiệm về sự vắng mặt của
Thiên Chúa cũng giúp cho Israel nhớ đến kinh nghiệm về sự hiện diện của Người
qua những biến cố vĩ đại, như việc Người dẫn dân qua sa mạc, từ những cuộc lưu
đày trở về. Vì Thiên Chúa không hề bỏ rơi dân Người, sau những thử thách về sự
vắng mặt, dân bị cám dỗ theo thần ngoại, Người giáng phạt, và dân quay trở về với
Người. Qua những biến cố đã kinh qua, dân Israel nhận ra rằng Thiên Chúa mặc
khải cho con người một cách tiệm tiến. Đó là một chuỗi kinh nghiệm sống động,
Thiên Chúa dẫn Israel
đi qua kinh nghiệm ấy, đồng thời soi sáng họ hiểu ý nghĩa những điều đó.[9]
Khi đã có
được kinh nghiệm về một Thiên Chúa luôn luôn yêu thương đồng hành với họ, dân Israel
cũng phải vận dụng sự khôn ngoan do Thiên Chúa ban để phân định được đâu là Thần
khí Thiên Chúa, đâu là Thần khí ma quỷ.
Trong Cựu
ước một số đặc tính khôn ngoan đã được mặc khải: thứ nhất: khôn ngoan thuộc về
mầu nhiệm của Thiên Chúa. Người là tác giả của khôn ngoan. Thứ hai: Thiên Chúa
cho nhân loại tham dự vào sự khôn ngoan của Người, để con người biết phân định
thánh ý Thiên Chúa. Đó là quà tặng của Thiên Chúa. Con người đón nhận sự khôn
ngoan đến từ Thiên Chúa: “Từ thế hệ này đến
thế hệ khác, đức khôn ngoan ngự vào những tâm hồn thánh thiện, biến họ nên bạn
hữu của Thiên Chúa, nên ngôn sứ của Người”.[10]
Thiên Chúa chỉ ban đức khôn ngoan cho những ai đáp lại sáng kiến của Người. Và “Người chỉ ưa chuộng những ai chung sống với
đức khôn ngoan”.[11] Để hướng dẫn con người,
Thiên Chúa đã ban đức khôn ngoan đồng hành với con người; nhờ đó, con người có
thể đáp lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa.
Sự khôn
ngoan được biểu lộ qua sự phán đoán đúng đắn, cung cách cư xử phù hợp…, chẳng hạn;
ông Giuse được coi là người khôn ngoan khi giải thích các điềm báo trong giấc mộng,
vua Salômôn được coi là vị vua khôn ngoan khi đã không xin gì ngoài sự khôn
ngoan để phân biệt phải trái và hướng dẫn dân đi theo đường lối Chúa.[12]
Sự khôn
ngoan là một yếu tố quan trọng trong tiến trình phân định Thần khí, vì nếu
không suy xét thấu đáo và cầu nguyện xin ơn soi sáng thì con người có thể sai lầm
khi phân định các loại Thần khí. Như mọi người đều biết, ma quỷ thì xuất hiện
dưới hình dạng xấu xa ghê tởm. Thế nhưng, nó có thể đội lốt thiên thần ánh sáng,
mơn trớn dụ dỗ ta làm điều xấu với những lời lẽ đạo đức, với mục đích dẫn con
người vào cạm bẫy để phá rối hành trình tâm linh. Ngược lại, khi con người muốn
làm việc tốt thì nó bày ra những vấn nạn để ngăn cản: “đừng hãm mình kẻo hại sức
khoẻ”, hay “làm việc bác ái cũng là cầu nguyện rồi”…[13]
Làm thế
nào để có thể phân định chính xác, đó là một vấn nạn được đưa ra từ thời Cựu ước, khi dân Israel muốn
phân biệt đâu là ngôn sứ thật, đâu là ngôn sứ giả, đâu là ý của Thiên Chúa đâu
là ý của người phàm. Tác giả Thomas Green đã cho chúng ta có cái nhìn tổng thể
về một phân định khôn ngoan để phân biệt ngôn sứ thật với ngôn sứ giả như
sau:
- Các lời
của ngôn sứ loan báo tai hoạ thì có nhiều cơ may là đích thực hơn các lời ngôn
sứ loan báo tin vui.
- Những lời
ngôn sứ đích thực được xác nhận bằng việc loan báo “những dấu chỉ” đã xảy ra thực
sự.
- Sứ điệp
của ngôn sứ trung thành với đạo lý tinh ròng của Israel . Đây là tiêu chuẩn quan trọng.
- Đời sống
chứng tá của vị ngôn sứ cũng có giá trị ngang bằng với những giáo thuyết ông dạy.[14]
Những người dân Israel khôn ngoan xưa có lẽ cũng đã
dựa vào những tiêu chuẩn tương tự để phân định ngôn sứ thật và ngôn sứ giả. Thật
trớ trêu, những người dân Israel khôn ngoan không có nhiều, bằng chứng là những
ngôn sứ giả tiên báo những tin vui mừng, hoan hô, khen ngợi dân thì dân reo hò,
hưởng ứng; còn những ngôn sứ thật nói những lời của Thiên Chúa, tiên báo những
tai hoạ, khiển trách dân, thì họ bưng tai bịt mắt, xua đuổi vị ngôn sứ. Bởi thế,
để giúp dân Israel
phân định ngôn ngoan, các ngôn sứ thật đã phải chịu nhiều khổ sở, bắt bớ, thậm
chí hy sinh cả tính mạng.[15]
Ông Giuse
con tổ phụ Giacóp là một thí dụ điển hình cho việc suy xét khôn ngoan. Ông đã
tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa thay vì tìm sự khôn ngoan của con người.
Với mã đẹp trai vốn có, Giuse đã làm cho vợ của một viên quan mê mẩn, có ý định
chiếm đoạt và rủ rê Giuse phạm tội với mình. Nếu theo sự khôn ngoan nhân loại
Giuse đã rơi vào tay của bà, vì mấy khi được mời ăn “cao lương mỹ vị”. Thế nhưng, Giuse đã từ chối và bỏ
chạy ra ngoài.[16]
Tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, trước mắt Giuse phải chịu hiểu lầm vì lời vu khống
của bà vợ viên quan và phải tù đày, thế nhưng nhờ được Thiên Chúa đoái thương
Giuse đã được cứu và trở thành nhân vật quan trọng cứu cả gia đình và
dòng tộc khỏi phải chết đói.
Hồi kết của
tiến trình phân định Thần khí một lần nữa đòi hỏi con người củng cố đức tin
thêm vững mạnh, cầu nguyện với Thiên Chúa để Người soi sáng và cuối cùng là phải
quảng đại, từ bỏ ý riêng mình để cho Thiên Chúa hướng dẫn đi vào con đường
thánh ý Thiên Chúa một cách mau mắn và quyết liệt.
Việc phân
định Thần khí của các nhân vật Cựu ước nổi bật lên với thái độ tin tưởng, việc
cầu nguyện thâm sâu với Thiên Chúa và để người hướng dẫn. Các nhân vật như:
Ápraham, Môsê, Samuel, Salômôn… là mẫu gương cho sự phân định này. Trước những
biến cố lớn của cá nhân hay của dân tộc, các vị đều cầu nguyện, đàm đạo với
Thiên Chúa, quyết tìm và gắn bó với ý
Chúa theo chương trình của Người. Các vị đã kinh qua thất bại vì đã hấp tấp,
chưa thuần thục trước dự định của Thiên Chúa.[17]
Sau những lần thất bại đó, các vị đã rút kinh nghiệm và chỉ tập trung vào một mục
tiêu duy nhất là khám phá ý muốn của Thiên Chúa; vì chỉ ý muốn của Thiên Chúa mới
đưa đến giải phóng và tự do đích thực.[18]
Đối với
ngôn sứ Samuel, ông nổi bật lên ở thái độ biết lắng nghe tiếng Thiên Chúa, kiềm
chế chính mình và cầu nguyện. Trước việc dân xin lập vua, ông đã cố gắng bỏ ý
kiến mình, rút lui vào thinh lặng để phơi bày ý dân với Thiên Chúa. Qua đó, ông
đã thực thi ý Thiên Chúa dù ông không thích điều đó. Với Samuel, chúng ta thấy
nếu không đi theo đường lối Chúa, không thể lãnh đạo và phân định được. Sự thuần
thục trước thánh ý Thiên Chúa đi liền với sự sẵn sàng nội tâm, sự liêm chính, cầu
nguyện trong thing lặng và để cho Thần khí Thiên Chúa hướng dẫn thực thi Giao Ước
của Người.[19]
Tổ phụ
Ápraham là một mẫu gương vĩ đại về việc phân định đâu là Thần khí Thiên Chúa.
Ông đã sống linh đạo xuất hành là cứ phải ra đi, rời khỏi chỗ mình đang đứng để
đến nơi Chúa dẫn đi. Ápraham cũng từng suy nghĩ như chúng ta là, bà Sara đã già
khó có thể sinh con, nhưng ông đã tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa bỏ đi suy
nghĩ đó và chấp nhận bà có thể sinh con như lời Thiên Chúa hứa. Khi có đứa con
thừa tự quý như vàng, một lần nữa ông tuân lệnh Thiên Chúa để tế lễ con mình.
Qua những thử thách lớn lao ấy, ông dần dần hiểu ra rằng Thiên Chúa can thiệp
vào đời sống con người. Ông Ápraham đã dám làm những việc phi thường chỉ vì tin
vào lời Thiên Chúa, và ông cũng hiểu rằng làm theo lời Chúa thì cũng chẳng thiệt
thòi gì. Ông Ápraham là cha của những kẻ tin, vì thế mà những gì Thiên Chúa hứa
với ông Người đã thực hiện, đó là miêu duệ ông đông như sao trên trời, nhiều
như cát bãi biển.[20]
Thần khí
Thiên Chúa tác động trên các ngôn sứ, thủ lãnh của dân Israel một cách mạnh mẽ
để biến đổi họ toàn diện, để họ thực hiện những kỳ công một cách bạo dạn, đầy
uy lực; cho họ có khả năng đảm nhận vai trò và hoàn tất một sứ mạng, nhất là sứ
mạng giải phóng dân tộc khỏi tay kẻ thù. Thần khí Thiên Chúa sẽ dùng họ để tiếp
tục công trình vĩ đại từ lúc ra khỏi Aicập và trong hoang địa để đảm bảo sự hiệp
nhất và cứu rỗi cho dân.[21] Thần khí Thiên Chúa hoạt động
nơi các nhà lãnh đạo Israel để đảm bảo chắc chắn rằng các vị đó không những hoạt
động chỉ nhân danh Thiên Chúa mà còn hướng dẫn họ giúp dân phụng sự Thiên Chúa
cách đích thực trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Có thể nói, qua trung
gian các thủ lãnh, Thần khí Thiên Chúa đến và hướng dẫn lịch sử Israel .
Tạm kết
Ở bất cứ
thời đại nào, việc phân định Thần khí đều cần thiết để có thể đi theo đúng đường
lối của Thiên Chúa. Trong thời Cựu ước, dân tộc Israel đã biết đến việc phân định
Thần khí và cũng đi theo một tiến trình. Trước hết, phải có niềm tin nơi Thiên
Chúa, lắng nghe tiếng nói của Người qua những sấm ngôn, qua những biến cố…; sau đó phải dành thời
gian cho việc cầu nguyện đàm đạo với Thiên Chúa, kinh nghiệm về Người, suy xét
cách khôn ngoan và cuối cùng là để Người tác động, hướng dẫn.
Đối với
người dân Israel ,
việc phân định Thần khí Thiên Chúa đồng nghĩa với việc phân định ngôn sứ thật
và ngôn sứ giả. Vì vị ngôn sứ là tiếng nói của Thiên Chúa, nếu họ phân định
đúng ngôn sứ nào phát xuất từ Thiên Chúa thì chính khi nghe và thi hành lời vị
ngôn sứ là chính khi họ đi theo lời Người dạy bảo.
Con đường tâm linh mà các thủ lãnh, ngôn sứ, dân
tộc Israel
đã đi với những biến cố in đậm dấu vết Thiên Chúa là những bài học tâm linh quý
báu cho mỗi người chúng ta. Bài học đó chính là: Thiên Chúa là một người Cha
giàu lòng yêu thương, luôn đồng hành và dẫn dắt con người đi về bế bờ hạnh phúc. Tuy trong cuộc đồng hành, có những lúc
con người xa đường lạc lối và phản
bội Người, nhưng Người vẫn không bỏ mặc mà tìm cách lôi kéo họ về với Người.
[1] Xc. Phạm Quốc Văn, Trên Đường Emmaus, tr 62-63.
[6] Xc. St 22,1-9.
[7] Xc. Xh 4,10.
[8] Xc. Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 106.
[9] Xc. Nguyễn Hữu
Quang, Hành Trình Đi Vào Đời Sống Thiêng
Liêng, tr 64.
[10] Kn 7,27-28.
[11] Kn 7,28.
[12] Xc. 1V 3,4-14.
[13] Xc. Phan Tấn Thành, OP., Đời Sống Tâm Linh, tập III, tr 293.
[14] Xc. Phạm Quốc Văn, OP., Sđd., tr. 69. (Nguyên bản: Thomas Green,
SJ., Sự Phân Định Thiêng Liêng, tr.
32-37.)
[15] Xc. Gr 28,1-17.
[16] Xc. St 39,7-15.
[17] Xc. Xh 2.
[18] Xc. Phạm Quốc Văn, Sđd., tr. 74.
[19] Xc. Phạm Quốc Văn, Sđd., tr. 74-75.
[20] Xc. Nguyễn Hữu Quang, Sđd., tr 53-54.
[21] Xc. Điển
Ngữ Thần Học Thánh kinh, tr 75.
Đăng nhận xét