Việc phân định Thần khí trong Tân ước


Các văn bản Tân ước là những tác phẩm của Thần Khí, 
cũng là nơi có những tiêu chuẩn cách thức 
để chúng ta nhìn nhận và phân định. 
Tân ước là nguồn của mọi đường lối linh hướng; 
do đó, những gì đi ngược với Tân ước 
chắc chắn sẽ dẫn tới những sai lầm.

Phaolô Vũ Văn Linh, Dòng Con Đức Mẹ Thánh Thể
Giuse Trần Ngọc Sơn, Tu hội Bác Ái Tân Hiến


Việc phân định Thần khí thật quan trọng. Vì từ đó, người hướng dẫn nghe được, biết được điều gì là Thần Khí hướng dẫn, điều gì không phải Thần Khí để hướng dẫn cho người thụ hướng. Đồng thời, người thụ hướng cũng nhờ phân định được Thần Khí, với sự trợ giúp của người hướng dẫn, sẽ có những quyết định để đổi mới đời sống mình nên hoàn thiện hơn.
Muốn có được sự phân định đúng đắn, chúng ta trở về với nguồn là Kinh thánh. Vì, chính trong Kinh thánh, Thiên Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta bằng Lời, và Thần Khí  soi sáng, hướng dẫn và thúc đẩy, chúng ta sống Lời tốt hơn. Với đề tài: Trình bày việc phân định thần khí trong Tân ước, trước hết, chúng tôi trình bày về việc phân định thần khí nói chung: phân biệt Thần khí hay tà khí, đồng thời cũng nêu nên ý nghĩa của việc phân định Thần Khí. Kế đến chúng tôi trình bày việc phân định thần khí trong Tân ước với gương mẫu phân định tuyệt hảo của Đức Giêsu, các Tông đồ và cách riêng là thánh Phaolô, bậc thầy của việc phân định.
1.1. Thần khí hay tà khí ?
Trong đời sống, chúng ta thường hay nghe thấy những tiếng mách bảo âm thầm trong suy nghĩ, trong tư tưởng. Chúng ta thấy có những tiếng hướng dẫn ta làm những việc lành, việc tốt, phù hợp với lương tâm. Nhưng cũng không ít những lời mách bảo, thúc giục chúng ta làm điều xấu, làm trái với những quy tắc xử sự. Đôi khi, chúng ta thấy có tiếng mách bảo, lúc đầu nghe có vẻ tốt lành, nhưng khi hành động, thì dần dần dẫn chúng ta tới những sự xấu xa, phá hoại cuộc đời chúng ta. Những tiếng dạy bảo chúng ta làm điều tốt, làm điều có ý nghĩa chắc chắn thuộc về chân lý bởi vì Đức Giêsu đã cho chúng ta biết rằng Thần Chân Lý thì dạy chúng ta những sự thật.[1] Chúng ta vẫn hiểu rằng Thần Chân Lý là chỉ về Chúa Thánh Thần, còn tà khí là những tà thần, ma quỷ. Tân ước không định nghĩa về những thứ tiếng đó. Nhưng, Tân ước cho chúng ta thấy sự thúc giục của hai thứ tiếng ấy ảnh hưởng trên Chúa Giêsu và mọi người. Đồng thời, Tân ước cũng cho chúng ta thấy những cuộc chiến đấu cam go của Đức Giêsu và nhiều người để nghe theo Thần khí, chống lại tà khí: Tin mừng thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta thấy cuộc chiến của Đức Giêsu trong hoang địa với những tiếng tà thần xúi giục, quyến rũ Đức Giêsu về những nhu cầu căn bản, về danh vọng, quyền lực;[2] Đức Giêsu cũng cảnh báo ông Phêrô, khi ông nghe theo tiếng thúc giục nào đó mà can ngăn Đức Giêsu bước vào cuộc khổ nạn.[3] Tân ước cũng cho chúng ta thấy, tà khí đã gieo vào lòng Giuđa và khiến ông làm những điều xấu và không dám trở lại.[4] Thánh Gioan Tông đồ mời gọi chúng ta cần phải nhận ra Thần khí để nghe theo. Thánh nhân cũng cho chúng ta thấy một thứ thần khí không tuyên xưng và làm chứng Đức Giêsu, tên của thứ thần khí đó chính là “tên phản Kitô”.
Anh em thân mến, anh em đừng cứ Thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các Thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian. Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra Thần khí của Thiên Chúa: Thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì Thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn Thần khí nào không tuyên xưng Đức Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa; đó là Thần khí của tên phản Kitô. Anh em đã nghe nói là nó đang tới, và hiện nay nó ở trong thế gian rồi (1Ga 4,1-3).
Tân ước đã cho chúng ta thấy sự tồn tại, cũng như những tác động của Thần khí và tà khí đến mọi người. Sự tác động của tà khí đến con người là không nhỏ, đó là những cám dỗ, những lời dụ của tên “phản Kitô” làm cho con người dễ nghe theo. Chúng ta thấy rõ đặc điểm của Thần khí thì dẫn mọi người đến sự thật, còn tà khí thì dẫn đến những sai lầm, tội lỗi và chết chóc.[5] Thần khí đã làm nên những công trình kì diệu và được chính Đức Giêsu giới thiệu. Thần khí cũng sẽ được Đức Giêsu ban cho mọi người. Do đó, chúng ta cần bám vào Lời Chúa, cần lắng nghe những giáo huấn của Giáo hội, nếu có điều kiện chúng ta học hỏi những môn thánh khoa, tín lý để có sự phân định tốt hơn hầu tránh được những sai lầm trong đời sống đức tin.
1.2. Ý nghĩa việc phân định Thần khí trong Tân ước
Tân ước đã cho chúng ta thấy toàn cảnh những hoạt động của Thần khí. Thời Cựu ước, Thần khí được nhắc tới rất ít, nhưng đến thời Tân ước, Thần khí được tỏ lộ một cách rất mạnh mẽ qua những hoạt động của Đức Giêsu. Bởi lẽ, Đức Giêsu đã giới thiệu Thần khí được xuất phát từ Chúa Cha sẽ được sai đến với các Tông đồ và mọi người.[6] Thần khí sẽ thay Đức Giêsu nói những điều mà Ngài chưa nói hết. Thần khí cũng sẽ dẫn mọi người đến với sự thật toàn vẹn, đến sự trọn hảo.[7] Đức Giêsu đã cho chúng ta thấy, Thần khí sẽ hoạt động như thế nào để chúng ta khỏi bỡ ngỡ, khỏi nghi ngờ. Như thế, việc phân định thần khí cho chúng ta nhận biết và sẵn sàng đón nhận, cũng như vâng nghe theo Thần khí hướng dẫn để được đạt tới điều mà Đức Giêsu mong ước.
Tân ước không chỉ giới thiệu mà còn kể về những hoạt động của Thần khí, để chúng ta thấy được vai trò của Thần khí, cũng như thấy được Thiên Chúa đầy lòng thương xót con người. Thiên Chúa từ việc tỏ mình ra với con người, thì nay, Thiên Chúa lại tiếp tục sai Con Một là Đức Giêsu xuống thế làm người để ở với con người. Sau khi Đức Giêsu hoàn tất sứ vụ, Thiên Chúa lại ban Thần khí và để Thần khí  hoạt động. Như thế, chúng ta thấy rằng, Thiên Chúa đã, đang và luôn đồng hành cùng con người. Việc phân định thần khí giúp chúng ta thấy, giữa bao những cám dỗ của cuộc sống thì vẫn luôn có sự hướng dẫn của Thánh Thần, đưa chúng ta đến với tình yêu của Thiên Chúa, giúp chúng ta nhận ra sự thật toàn vẹn và thấy được Thiên Chúa thương xót con người.
Việc phân định thần khí cũng như là một hành động chúng ta đáp lại lời mời gọi, đáp lại tình yêu của Thiên Chúa với việc đón nhận, lắng nghe và hành động theo Thần khí.
2.2. Chúa Giêsu phân định Thần Khí 
Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Suốt cuộc đời, Ngài luôn sống trong Thần khí. Từ khi, Đức Giêsu thụ thai nơi cung lòng Đức Maria là do bởi quyền năng Chúa Thánh Thần;[8] Ngài lớn lên trong Thần khí  và ân sủng.[9] Do đó, Đức Giêsu đã phân định rất rõ ràng Thần khí với tà khí. Các sách Tin mừng đã tường thuật lại cho chúng ta thấy những cuộc chiến đấu của Đức Giêsu trong việc phân định thần khí để nghe và hành động theo Thần khí. Đức Giêsu đã phân định thần khí ngay từ nhỏ, Ngài không bị cám dỗ về tài năng xuất chúng trong khi đối đáp với các bậc thầy của Dothái. Ngài đã từ bỏ, khiêm nhường vâng phục thánh Giuse và Đức Maria, trở về nhà sống ẩn dật. Khởi đầu sứ vụ, Đức Giêsu đã không rầm rộ thể hiện quyền uy mà Ngài khiêm nhường, âm thầm đến chịu phép rửa của ông Gioan. Ngài được Thần khí dẫn đi trong hoang địa bốn mươi ngày;[10] chính trong hoang địa, giữa bao những thiếu thốn, cám dỗ, Đức Giêsu đã phân định rõ ràng và nghe theo Thần khí nhờ bám vào Lời Chúa. Khi ra khỏi hoang địa, bắt đầu giảng dạy, Ngài cũng được Thần khí thúc đẩy.[11] Khi Đức Giêsu giảng dạy thì những lời và hành động của Ngài cũng tràn đầy Thần khí,[12] vì Thần khí  luôn ngự trên Ngài.[13] Do đó, Đức Giêsu không chỉ giảng dạy về Nước Thiên Chúa mà Ngài còn giới thiệu về Thần khí cho mọi người được biết và phân định. Ngài nói với ông Nicôđêmô nếu không tái sinh bằng nước và Thần khí thì sẽ không được vào Nước Trời;[14] và chỉ cho ông biết phân định “Cái gì bởi xác thịt sinh ra là xác thịt, cái bởi Thần khí sinh ra là Thần khí” (Ga 3,6). Ngài nói với người phụ nữ Samari bên giếng nước về Thần khí là nước hằng sống, uống không bao giờ khát, khác với nước giếng uống xong lại khát;[15] Ngài dạy bảo chính các môn đệ về sự sống không bởi xác thịt mà còn do lời Ngài là Thần khí và là sự sống,[16] để các ông đón nhận mà đừng lệ thuộc hay chăm chút cho thể xác, danh vọng của mình. 
Đức Giêsu không chỉ sống, giảng dạy và hành động theo Thần khí mà Ngài còn hứa ban Thần khí cho những người tin vào Ngài sẽ được lãnh nhận,[17] để nhờ sự soi sáng, hướng dẫn của Thần khí, mọi người nhận biết và phân định được Thần khí với tà khí. Trước hết, Đức Giêsu ban Thần Khí cho các tông đồ: “Thầy sẽ xin Cha và Người  sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật” (Ga 14,16). Đức Giêsu loan báo chính Thần Khí sẽ thay thế Ngài. Thần Khí cũng làm chứng cho Ngài sau khi Ngài rời khỏi thế gian.[18] Thần Khí sẽ dạy cho các Tông đồ biết những điều phải nói, phải làm, để làm chứng cho Đức Giêsu,[19] nhằm giúp cho  các ông nghe và nói theo tư duy con người hay thế gian. Thần Khí sẽ dẫn mọi người tới chân lý toàn vẹn trong tương quan của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Sau  phục sinh, Đức Giêsu đã ban Thần Khí  cho các Tông đồ.[20] Sau đó, qua các Tông đồ, Chúa Giêsu cũng ban Thần Khí cho những ai tin vào Thiên Chúa và chịu phép Rửa.[21] Như thế, Đức Giêsu đã cho chúng ta thấy, những điều thuộc về Thần Khí đó là sự thật, làm chứng cho Đức Giêsu, những sự khôn ngoan trong niềm tin vào Thiên Chúa. Qua những điều này, chúng ta đối chiếu để nhận ra tiếng Thần Khí hay những tiếng gì khác thúc giục chúng ta trong cuộc sống.
2.2. Các Tông đồ phân định Thần khí 
Chúng ta có thể nói, “thời các Tông đồ là thời kì của Thần Khí”. Bởi lẽ, sau khi được phục sinh, Chúa Giêsu đã ban đầy Thần Khí cho các Tông đồ ngay trong ngày lễ Ngũ tuần.[22] Các ông đã không còn sợ sệt, không còn co cụm để được an toàn. Thần Khí đã thúc đẩy các ông mạnh dạn bung cửa, đứng trước mọi người quảng diễn về một Đức Giêsu bị đóng đinh, nay đã được Thiên Chúa cho sống lại. Các ông không ngần ngại nói và làm chứng trước dân chúng về một sự kiện bị cho là ô nhục, bị cho là ô uế, nhưng đó lại là điều đem đến cho con người ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu.[23]
Thần Khí đến và hoạt động nơi các Tông đồ, biến các ông trở nên như những khí cụ. Sách Công Vụ Tông đồ kể cho chúng ta thấy những hoạt động, những kì công mà Thần Khí  đã thúc đẩy các Tông đồ làm, bắt đầu từ Giêrusalem cho tới các vùng lân cận và khắp thế giới, ban đầu từ người Dothái sau đó đến với cả dân ngoại. Nhờ Thần Khí  thúc đẩy và hoạt động, các tông đồ đã thi hành sứ vụ Chúa Giêsu trao phó cách nhiệt tình, hăng say. Các ông đặt tay để những người được chịu phép Rửa cũng được lãnh nhận Thần Khí.[24] Nhờ Thần Khí, các Tông đồ đã xây dựng những cộng đoàn tín hữu chuyên chăm cầu nguyện, hiệp nhất với nhau và để của cải làm chung.[25] Nhìn vào những hoạt động mạnh mẽ của Thần Khí, chúng ta có thể phân định được những điều gì thuộc về Thần Khí và những gì đi ngược với sự hiệp nhất, đi ngược với lòng nhiệt tình truyền giáo cũng như sự bác ái yêu thương của Giáo hội thì chắc chắn không phải Thần Khí.
Bên cạnh những hoạt động mạnh mẽ của Thần Khí thì sự hối thúc của tà khí nhằm ngăn cản mọi hoạt động của Giáo hội cũng không ít, điều này đã khiến các Tông đồ phải phân định và lên tiếng giảng dạy cho mọi tín hữu phân định. Thánh Phêrô, vị Tông đồ cả, đã cho chúng ta biết đừng ngần ngại làm chứng cho Chúa Giêsu vì đó là “Thần Khí vinh quang và uy quyền, Thần Khí của Thiên Chúa ngự trên anh em” (1Pr 4,14), do đó, những gì là ngần ngại, sợ sệt sẽ không phải Thần Khí. Tông đồ Giuđa cũng cho biết “những kẻ gây chia rẽ, sống theo tính tự nhiên thì không có Thần Khí” (Gđ 1,19).
Thánh Gioan cũng cho chúng ta biết: “Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí” (Ga 3,24). Thánh nhân cũng cho biết những ai nghe theo các giáo huấn của Giáo hội thì là sự thúc đẩy của Thần Khí, còn những ai không nghe là sự thúc giục không phải của Thần Khí.
Các Tông đồ đã phân định và nhận ra Thần Khí  qua những hoạt động của Ngài trong Giáo hội buổi sơ khai, đồng thời, trong đời sống của các tín hữu luôn có sự đan xen của Thần Khí và tà khí. Do đó, các Tông đồ đưa ra những lời khuyên bảo, giáo huấn để  các tín hữu nhận biết Thần Khí và đón nhận cũng như sống đời sống đức tin vững vàng hơn trước những cám dỗ, phá hủy của ma quỷ.
2.3. Thánh Phaolô phân định Thần khí 
 Phaolô, vị Tông đồ kể như là út, nhưng đã phân định Thần Khí rất nhiều trong các thư mà ông gửi cho các cộng đoàn tín hữu. Thánh nhân đã cho thấy: chúng ta được tái sinh bởi Thần Khí chứ không phải bởi vật chất xác thịt và khí huyết.[26] Chúng ta được thanh tẩy, thánh hóa, nên công chính nhờ danh Chúa Giêsu và nhờ Thần Khí chứ không phải bởi những điều gì khác;[27] Chúng ta còn được Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô ngự đến chi phối để thuộc về Chúa Giêsu;[28]  Nhờ Thần Khí, chúng ta được là con cái Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha,[29] còn tà khí thì không làm cho chúng ta tuyên xưng những điều đó; Thần Khí cho chúng ta trở nên một thân thể và tràn đầy một Thần Khí duy nhất.[30] Thánh nhân quả quyết rằng: “không ai có thể nói rằng “Đức Giêsu là Chúa” nếu người ấy không ở trong Thánh Thần” (1Cr 12,3). Ngài cho rằng mọi tín hữu có khả năng “thấu hiểu mọi chiều kích dài, rộng, cao, sâu và nhận biết tình thương của Chúa Kitô là tình thương vượt quá sự hiểu biết” (Ep 3,16-19) chỉ khi nào được Thần Khí  ban cho sức mạnh. Thánh nhân còn chỉ cho chúng ta thấy những hoa trái của Thần Khí, đó là những kết quả kết quả thực sự, sống động chứ không chỉ là một sự mông lung.[31] Nhìn nhận từ những hoa trái tốt lành, chúng ta phân định được Thần Khí  với những tà khí khác.
Thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu điều này:
Ai trong loài người biết rõ những bí mật của con người, nếu không phải là tinh thần ở trong con người. Cũng thế, không ai biết được mầu nhiệm của Thiên Chúa, ngoại trừ Thánh Thần Thiên Chúa. Thánh Thần dò thấu mọi sự, đến cả những thực tại thần linh thâm sâu nhất” (1Cr 2,10-11).
Thánh Phaolô đã cho chúng ta những phân định rõ ràng về Thần khí với những gì không phải Thần khí. Chúng ta lắng nghe và học hỏi những giáo huấn của thánh thân, chúng ta sẽ có được sự sáng suốt, biết phân định Thần khí trong mọi bước ngoặt của đời sống đức tin và cuộc sống hàng ngày để tiến tới sự trọn hảo.
Kết luận
Kinh Thánh Tân ước đã vén mở bức màn về Thần Khí cho chúng ta được thấy rõ, đây cũng là chương trình mà Thiên Chúa mặc khải cho con người. Đức Giêsu đã làm tỏ lộ Thần Khí một cách tiệm tiến để chúng ta dễ dàng đón nhận. Đến thời các Tông đồ, Thần Khí đã hoạt động mạnh mẽ và đem lại những hoa trái dồi dào là sự thánh thiện, công chính trong Giáo hội.
Các văn bản Tân ước là những tác phẩm của Thần Khí, cũng là nơi có những tiêu chuẩn cách thức để chúng ta nhìn nhận và phân định. Tân ước là nguồn của mọi đường lối linh hướng, do đó, những gì đi ngược với Tân ước chắc chắn sẽ dẫn tới những sai lầm. Tân ước đã phân định Thần Khí qua những lời dạy bảo của chính Đấng ban Thần Khí, các Tông đồ và những người được Thần Khí ngự đến hướng dẫn, đã cho chúng ta những phân định rạch ròi, để chúng ta đón nhận và sống theo sự hướng dẫn của Thần Chân Lý.


[1] Xc. Ga 16,13.
[2] Xc. Mt 4,1-11.
[3] Xc. Mt 16,23.
[4] Xc. Ga 13,2.
[5] Xc. 1Ga 4,6.
[6] Xc. Ga 15,26.
[7] Xc. Ga 16,13.
[8] Xc. Lc 1,35.
[9] Xc. Lc 2,40.
[10] Xc. Lc 4,1.
[11] Xc. Lc 4,14.
[12] Xc. Mc 1,22.
[13] Xc. Lc 4,18-21.
[14] Xc. Ga 3,5-8.
[15] Xc. Ga 4,22-24.
[16] Xc. Ga 6,63.
[17] Xc. Ga 7,39.
[18] Xc. Ga 15,26.
[19] Xc. Ga 16,13.
[20] Xc. Ga 20,22.
[21] Xc. Cv 2,17-18
[22] Xc. Cv 2,1-4
[23] Xc. 1Cr 1,22
[24] Xc. Cv 19,5-6
[25] Xc. Cv 2,42-47
[26] Xc. 1Cr 15,44-49
[27] Xc. 1Cr 6,11
[28] Xc. Rm 8,9
[29] Xc. Gl 4,6
[30] Xc. 1Cr 12,13
[31] Xc. Gl 5,22-23

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn