Nét đẹp của gia đình từ khóe nhìn về hai chữ “hiếu đễ”

Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm,
ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.
(Hc 3,3)
Phêrô M. Nguyễn Thái Công, CRM
Dẫn nhập


Hiếu đễ chính là lòng thảo hiếu đối với cha mẹ và sự hòa thuận giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Mối tương quan này bao gồm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, sự yêu thương tương trợ giữa anh chị em với nhau và ngay cả lòng yêu thương quý mến của cha mẹ dành cho con cái nữa. Đặc biệt, trong bài viết này, chúng ta lưu ý nhiều hơn về chữ hiếu. Quả vậy, cốt lõi của điều răn thứ tư là những qui định về lòng hiếu thảo được thể hiện qua những bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Người Việt Nam gọi đó là “đạo hiếu” hay “đạo làm con” và đặt đạo hiếu đứng đầu trong đạo làm người, trên và trước mọi bổn phận và nhiệm vụ. Chữ “đạo” được dùng ở đây là một từ Hán - Việt có nghĩa là “đường đi và lý lẽ, hay đạo lý” [1]. Vậy đạo hiếu là nét đẹp, lối sống và nghĩa lý mà con cái phải có hoặc phải đối xử với cha mẹ. Đó là những hình thức bày tỏ lòng yêu mến tự nhiên liên kết con cái với cha mẹ.
Như thế, hiếu thảo đối với cha mẹ là một bổn phận thuộc luật tự nhiên và điều răn thứ tư trong mười điều răn do Thiên Chúa ban hành. Bổn phận của con cái phải hiếu thảo với cha mẹ phát xuất từ việc con cái “mắc nợ” rất nhiều từ cha mẹ. Hơn nữa, để thi hành trách nhiệm giáo dục con cái, cha mẹ cũng cần phải được con cái yêu mến, tôn kính và vâng phục. Bình thường con cái nhận ra và thực thi bổn phận này cách tự nhiên do tình cảm giữa họ với cha mẹ.
Vì là một bổn phận của đạo làm người được xây dựng trên nền tảng luật tự nhiên, nên không riêng gì Dothái hay Kitô giáo, mà hầu như tất cả các tôn giáo chân chính trên thế giới đều có những giáo huấn minh nhiên về vấn đề này. Một người dù không theo tôn giáo nào cũng cảm thấy mình có bổn phận phải sống hiếu thảo với cha mẹ, một bổn phận phát xuất từ mệnh lệnh của lương tâm, do đó hoàn toàn mang tính tự giác, tự nguyện và phải được thực hiện trong suốt cuộc đời. Phát xuất từ lương tâm, nhưng đạo hiếu chi phối mọi hành vi, cử chỉ và lời nói của con người đối với cha mẹ.
Một người con hiếu thảo không những phải luôn ý tứ trong lời nói và cử chỉ để khỏi làm cho cha mẹ phải buồn; mà còn phải tránh làm những gì phương hại đến thanh danh cha mẹ, ngược với ý muốn của cha mẹ nếu đó là những ý muốn tốt đẹp, và luôn tìm mọi cách để làm cho cha mẹ được thêm vinh dự trước mặt mọi người. Chữ hiếu chẳng những phải được thực hiện khi cha mẹ còn sống, mà còn phải tiếp tục được chu toàn ngay cả sau khi cha mẹ đã qua đời. Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, việc thờ cúng ông bà tổ tiên đã chứng minh điều ấy; và truyền thống Kitô giáo cũng khẳng định điều ấy qua việc cầu nguyện và xin lễ cho ông bà cha mẹ đã qua đời.
Người ta vẫn tin rằng người hiếu thảo sẽ được hưởng phúc lành, trái lại kẻ bất hiếu sẽ bị trừng phạt. Điều này phản ánh rõ qua quan niệm của người Việt Nam như được trình bày trong văn chương truyền khẩu và bình dân. Chính Thánh kinh cũng khẳng định như thế:
Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ... Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc. Vì phúc lành của người cha làm cho cửa nhà con cái bền vững, lời nguyền rủa của người mẹ làm cho trốc rễ bật nền...
Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa. (Hc 3,3-6.8-9.14-16)
Quả vậy, sau Thiên Chúa, cha mẹ phải là những người đầu tiên được yêu mến và tôn kính nơi con cái của họ. Chúng ta cùng tìm hiểu nét đẹp của gia đình qua khóe nhìn về chữ hiếu này.
Bổn phận của con cái đối với cha mẹ có thể được gồm tóm trong chữ “hiếu thảo”. Hiếu thảo là thái độ của một người con tỏ ra biết ơn, tôn kính, vâng phục và chăm sóc giúp đỡ cha mẹ: “Thực vậy, con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, và sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh.”[2] Bổn phận của con cái đối với cha mẹ cũng có thể được áp dụng đối với ông bà tổ tiên.
Điều răn thứ tư có liên hệ mật thiết với giới luật tình yêu. Giữa “thảo kính” và “yêu mến” có một mối dây liên kết sâu đậm. Sự thảo kính được gắn liền với đức công bình, tuy nhiên đến lượt mình, đức công bình không thể thực hiện cách đầy đủ nếu không nại đến tình yêu đối với Thiên Chúa và người lân cận. Và có ai gần gũi hơn là những người thân, cha mẹ và con cái?
Bổn phận hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ trước hết phải được thể hiện bằng tình yêu mang sắc thái của lòng biết ơn đối với cha mẹ là những người đã thông truyền cho họ sự sống, sự hiện hữu trên cõi đời này, đã hết lòng yêu thương và dày công vất vả để nuôi nấng bảo vệ cho họ được lớn lên và được giáo dục, đã để lại cho họ không những di sản vật chất mà còn cả di sản tinh thần. Chính vì thế, tình yêu của con cái đối với cha mẹ phải mạnh mẽ và tế nhị hơn các tình yêu khác. Thánh kinh đã nhắn nhủ những người làm con: “Hãy hết lòng tôn kính cha con và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy con lấy chi đền đáp cho cân xứng (Hc 7,27-28).
Người ta không chịu ơn ai nhiều cho bằng cha mẹ là những người đã yêu thương và có công sinh thành dưỡng dục. Vì thế, tình yêu của con cái đối với cha mẹ trước hết phải là một tình yêu đầy lòng biết ơn. Con cái nhận lãnh sự sống từ nơi cha mẹ: sự sống là thiện hảo tự nhiên và lớn nhất mà không bao giờ con cái có thể đáp đền cho cân xứng. Vì thế, người Việt Nam chúng ta luôn tâm niệm: “uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiểu”. Tiếp theo đó, sự sống phát triển nhờ biết bao công ơn khác của cha mẹ: ai kể cho xiết bao nhiêu lao nhọc, lo lắng, của cha mẹ từ những ngày đầu tiên cho đến lúc trưởng thành. Cùng với việc trao ban và làm phát triển sự sống, cha mẹ còn có công lớn trong việc giáo dục để cho con cái được nên người, nhất là trở nên một Kitô hữu tốt. Vì lẽ ấy, lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ là một tình cảm rất tự nhiên và ai cũng cảm thấy phải thể hiện. Đối với người Việt Nam, đó là bổn phận hàng đầu diễn tả lòng hiếu thảo, tức là đạo làm con:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Lòng yêu mến và biết ơn ấy không chỉ là những tâm tình bên trong, nhưng còn phải được thể hiện ra bên ngoài cách cụ thể bằng lời nói và cử chỉ, bằng cách ăn ở thế nào để cho cha mẹ được cảm thấy an ủi, sung sướng và hãnh diện tức là phải sống thể nào để xứng với công ơn trời bể của cha mẹ. Đối với những người con trưởng thành, lòng yêu mến và biết ơn phải được thể hiện qua bổn phận chăm sóc về vật chất cũng như tinh thần cho cha mẹ, khi các ngài già yếu, bệnh tật, cô đơn hay gặp hoạn nạn.
Bổn phận chăm sóc cha mẹ được nhắc đến nhiều lần trong Thánh kinh: “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già” (Hc 3,12); “Kẻ bạc đãi cha và xua đuổi mẹ, là đứa con đốn mạt, nhuốc nhơ” (Cn 19,26). Chúa Giêsu đã minh nhiên nói đến bổn phận này khi đả kích những người Dothái theo tập tục của tiền nhân về korban để tự miễn cho mình bổn phận nuôi dưỡng cha mẹ trong lúc tuổi già (Xc. Mt 15,4-6; Mc 7,10-12).
Lòng biết ơn đối với cha mẹ không những phải được thể hiện khi cha mẹ còn sống, mà còn phải tiếp tục ngay cả sau khi cha mẹ đã qua đời, bằng việc lo an táng, xây đắp và chăm sóc phần mộ, giỗ chạp, hương khói, tưởng nhớ, cầu nguyện và xin lễ cho linh hồn cha mẹ được sớm về hưởng hạnh phúc thiên đàng.
Nghịch với lòng biết ơn là thái độ vô ơn đối với cha mẹ và như thế là gián tiếp tỏ ra vô ơn đối với Thiên Chúa, vì cha mẹ là những người thay mặt Thiên Chúa để đem lại những thiện ích cho con cái. Kẻ nào vô ơn đối với người đã trao tặng cho mình sự sống tức là xúc phạm đến chính Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống, và do đó người ấy không đáng sống. Dĩ nhiên, có những trường hợp cha mẹ không thương yêu, bỏ bê bổn phận chăm sóc và giáo dục con cái, khiến chúng không cảm thấy bị ràng buộc với cha mẹ bởi lòng tri ân. Tuy nhiên, một người con cho dù phải chịu nhiều đau khổ do cha mẹ gây ra, vẫn phải không ngừng yêu mến cha mẹ trong Thiên Chúa và với một thái độ như thế, người con có thể cảm hóa cha mẹ và đưa cha mẹ trở về với tình phụ mẫu mà họ phải có đối với chúng.
Con cái sẽ phạm tội nặng nghịch với tình yêu và lòng biết ơn đối với cha mẹ khi phủ nhận hay khinh thường công ơn của cha mẹ, hoặc tệ hơn nữa, chửi bới, gây gổ với cha mẹ, nuôi dưỡng trong lòng sự oán ghét hay hận thù đối với cha mẹ, mong cho cha mẹ gặp rủi ro hoạn nạn hoặc ngay cả cái chết. Điều này khác với việc con cái vì thương xót cha mẹ đau đớn vì bệnh tật nan y bất trị nên muốn cho cha mẹ sớm được Chúa cất đi. Con cái cũng không khỏi bị coi là vô ơn khi không giúp đỡ cha mẹ trong những công việc nhà, không muốn nói chuyện với cha mẹ, không tỏ ra niềm nở với cha mẹ, không chào hỏi, thăm viếng cha mẹ, mặc dù biết rằng cha mẹ sẽ vì thế mà đau khổ rất nhiều. Tệ hơn nữa khi con cái trưởng thành có sản nghiệp riêng mà không biết giúp đỡ cha mẹ trong cơn túng thiếu, trái lại bóc lột tiền của hay sức lực của cha mẹ, không săn sóc cha mẹ trong cơn bệnh hoạn, tranh giành tài sản khi cha mẹ còn nằm trên giường bệnh, không giúp đỡ cha mẹ về phần thiêng liêng và chịu các bí tích trong giờ phút sau hết, không chôn cất cha mẹ xứng đáng và không cầu nguyện cho linh hồn cha mẹ.
Tôn kính cha mẹ là một yếu tố nền tảng của lòng hiếu thảo và nó phát xuất từ lòng biết ơn đối với cha mẹ: “Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đền đáp cho cân xứng?” (Hc 7,27- 28). Tôn kính cha mẹ tức là nhìn nhận uy quyền và địa vị của các ngài trên chúng ta, bởi vì các ngài là những người cộng tác với Thiên Chúa trong việc trao ban sự sống cho chúng ta và đại diện Thiên Chúa trong việc giáo dục chúng ta. Thánh kinh đã đặt nặng tầm quan trọng trong việc tôn kính cha mẹ: Thiên Chúa đã minh nhiên truyền buộc điều đó bởi vì chính từ nơi Người phát xuất mọi tình phụ tử và các tình phụ tử trần thế được coi như hình ảnh và khí cụ của tình phụ tử thần linh (Mt 23,9). Trong sách Lêvi, lệnh truyền tôn kính cha mẹ được ban chung với lệnh truyền tuân giữ ngày Sabát: “Mỗi người trong các ngươi phải kính sợ cha mẹ. Các ngươi phải giữ những ngày Sabát của Ta. Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi” (Lv 19,3). Chính câu kết long trọng “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi” mang lại cho lệnh truyền này một sức mạnh đặc biệt.
Cha mẹ là những người đại diện của Thiên Chúa, nên khi ta kính trọng uy quyền của cha mẹ tức là gián tiếp kính trọng uy quyền của Thiên Chúa. Sách Giáo lý Công giáo dạy:
Cha mẹ phải được hưởng một vị trí ưu đãi và là quyền bính căn bản mà con cái phải công nhận. Con cái không phải chỉ tôn kính cha mẹ khi còn nhỏ mà ngay cả khi đã trưởng thành. Ngay cả khi không còn chung sống với cha mẹ, con cái vẫn phải tiếp tục tôn kính các ngài, vì sự tôn kính này bắt nguồn từ sự kính sợ Thiên Chúa.[3] 
Tâm tình tôn kính bên trong cần phải được diễn tả ra bên ngoài. Bằng lời nói cũng như bằng cử chỉ, con cái phải chứng tỏ cho thấy rằng họ không tự đặt mình ngang hàng với cha mẹ và rằng họ nhìn nhận cha mẹ là tác giả của sự sống của họ và là những người đại diện của Thiên Chúa. Trong Thánh kinh, ai khinh dể cha mẹ mình sẽ phải nhận cùng hình phạt như khi khinh dể chính Thiên Chúa. Quả vậy, trong sách Lêvi, việc nguyền rủa cha mẹ và những hình phạt tương ứng được diễn tả bằng những từ ngữ như khi nguyền rủa Thiên Chúa: “Bất cứ người nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Lv 20,9). “Bất cứ người nào nguyền rủa Thiên Chúa của nó, sẽ phải mang lấy tội mình. Ai nói phạm đến danh Đức Chúa, sẽ bị xử tử” (Lv 24,15-16).
Dĩ nhiên, con cái sẽ cảm thấy khó giữ lòng kính trọng chân thành đối với cha mẹ nếu cha mẹ không xây dựng cuộc sống và quyền bính của mình trên lòng kính sợ và thờ phượng Thiên Chúa, hoặc tệ hơn nữa nếu cha mẹ sống bất xứng, làm những điều đáng hổ thẹn. Nhưng con cái không được coi thường hay khinh miệt cha mẹ khi tuổi già và bệnh tật khiến các ngài trở nên lẩm cẩm, như lời sách Huấn Ca đã dạy: “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người” (Hc 3,12-13). Thánh Phaolô thì khuyên nhủ các tín hữu Ephêxô: “Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điêu răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,2-3).
Con cái sẽ phạm tội bất kính đối với cha mẹ khi tỏ ra xấu hổ hay phủ nhận cha mẹ chỉ vì các ngài nghèo túng, tật nguyền, dốt nát hay có địa vị thấp kém trong xã hội; khi dùng những lời lẽ xúc phạm và những cử chỉ thô lỗ đối với cha mẹ; khi đối xử với cha mẹ cách khinh miệt, nhục mạ cha mẹ hoặc đánh lại cha mẹ. Thánh kinh Cựu ước đã kết án nghiêm khắc những thái độ bất kính ấy: “Ai đánh cha hoặc mẹ, thì phải bị giết chết... Kẻ nào nguyền rủa cha hoặc mẹ, thì phải bị giết chết” (Xh 21,15.17) - “Kẻ nào giương mặt chế diễu cha, và coi thường chuyện vâng lời mẹ, sẽ bị quạ ở lũng sâu móc mắt, và bị loài diều hâu rỉa thịt” (Cn 30,17) - “Kẻ bạc đãi cha và xua đuổi mẹ, là đứa con đốn mạt, nhuốc nhơ” (Cn 19,26). Do đó, chỉ có đứa ngu si mới khinh dể cha mẹ mình (Cn 15,20; 23,22). Trong sách ngôn sứ Êdêkien, việc khinh dể cha mẹ được xếp vào số các vi phạm nặng nhất, ngang hàng với tội phạm thánh, thờ ngẫu tượng, giết người, loạn luân và mọi thứ tội phóng túng (Ed 22,7-12).
Thánh kinh Cựu ước nêu lên những tấm gương vâng phục cha mẹ, như trường hợp Isaác vâng lệnh cha là Abraham đến độ chấp nhận chịu sát tế (St 22,2-10), Giacóp vâng lệnh cha là Isaác không cưới vợ nơi những người xứ Canaan (St 28,6-7). Ngoài ra còn có những giáo huấn minh nhiên về bổn phận vậng phục: “Này con, giáo huấn của cha, con hãy nghe, lời dạy của mẹ, con đừng gạt bỏ” (Cn 1,8) - “Hãy để tâm nắm chắc lời cha, tuân giữ lệnh cha truyền, và con sẽ được sống” (Cn 4,4) - “Hỡi con, lệnh cha con truyền, hãy lo tuân giữ; lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai” (Cn 6,20) - “Con khôn giữ lời cha nghiêm huấn, kẻ nhạo báng chẳng nghe lời sửa dạy” (Cn 13,1). Sách Đệ Nhị Luật truyền xử tử những đứa con bất trị và ngỗ nghịch:
Khi có đứa con ngỗ nghịch và bất trị, không nghe lời cha mẹ, cha mẹ có sửa dạy, nó cũng chẳng chịu nghe, hãy đưa nó ra cửa thành cho các kỳ mục địa phương và sẽ nói với các kỳ mục trong thành: ‘Con chúng tôi đây ngỗ nghịch và bất trị, không nghe lời chúng tôi, nó rượu chè phóng đãng’. Mọi người trong thành sẽ ném đá cho nó chết và nó phải chết. (Đnl 21,18-21)
Trong Tân ước, chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta, khi Người chẳng những lấy thánh ý Chúa Cha làm lương thực (Ga 4,34), sẵn sàng vâng phục thánh ý của Chúa Cha cho đến chết trên thập giá (P1 2,8), mà Người còn vâng phục cả cha mẹ trần gian là Đức Maria và thánh Giuse (Lc 2,51). Thánh Phaolô cũng đã khuyên dụ các tín hữu Êphêxô và Côlôxê: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo” (Ep 6,1) - “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Gl 3,20).
Nếu để tự mình, con người khó có thể phát triển trọn vẹn nhân cách và các khả năng của mình. Do đó, điều hết sức tự nhiên là con người cần được hướng dẫn và giúp đỡ bởi những người lớn hơn, có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm hơn, trong số đó phải kể trước hết là cha mẹ. Từ chỗ lệ thuộc như thế, bao lâu chưa có đủ khả năng tự quyết định và còn cần đến sự hướng dẫn của cha mẹ, thì con cái phải vâng phục cha mẹ trong những điều tốt, hợp pháp, có liên quan đến sự giáo dục và đào tạo. Càng trẻ, con người càng cần được cha mẹ hướng dẫn và chỉ bảo, vì sự hiểu biết của cha mẹ về cuộc đời vượt xa những hiểu biết của trẻ em. Hầu như các trẻ em thấy việc vâng phục ấy là một điều tự nhiên, vì chúng thấy quá rõ sự lệ thuộc và nhu cầu cần được cha mẹ giúp đỡ. Sự vâng phục có tính giáo dục này sẽ trở nên phụ thuộc một khi con người đã đạt tới mức trưởng thành đầy đủ. Thế nhưng, vì sự trưởng thành của con người hầu như không bao giờ hoàn thành cách trọn vẹn, nên sự vâng phục có tính giáo dục này cũng có thể vẫn còn cần thiết cho con người ngay cả khi họ đã lớn. Sự vâng phục này cốt là để giúp con người phát triển, do đó nó không phải là một sự cản trở, nhưng là điều kiện để thể hiện bản thân mình. Ngoài ra, cha mẹ luôn có quyền và nghĩa vụ rộng rãi trong việc khuyên nhủ con cái đối với những gì tốt cho chúng.
Tuy nhiên sự vâng phục của con cái đối với cha mẹ không phải là sự tùng phục mù quáng của người nô lệ. Sự vâng phục ấy chỉ mang tính luân lý khi đứa con cảm thấy việc vâng phục ấy là đúng và tốt đẹp. Trong khi còn ở dưới quyền của cha mẹ, con cái sẽ mắc tội khi không vâng phục các mệnh lệnh đúng đắn của cha mẹ; khi có thái độ bướng bỉnh đối với những lời khuyên và những lệnh truyền của cha mẹ; khi bỏ nhà cha mẹ ra đi quá sớm để khỏi phải ở dưới quyền cha mẹ. Nếu con cái bất tuân phục cha mẹ trong điều nhẹ thì đó là tội nhẹ, và khi cha mẹ không có ý buộc phải làm điều họ bảo, mà chỉ cho thấy rằng đó là điều thích hợp, lúc ấy nếu con cái thi hành thì rất tốt, nhưng nếu không thi hành cũng không mắc tội, bởi vì đó không phải là một sự bất tuân thực sự.
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy rằng:
Khi đến tuổi trưởng thành, con cái có bổn phận và có quyền lựa chọn nghề nghiệp và bậc sống của mình. Con cái đảm nhận những trách nhiệm mới trong tương quan đầy tín nhiệm đối với cha mẹ, sẵn sàng bàn hỏi và đón nhận các ý kiến và lời khuyên của cha mẹ.[4]
Đối với việc chọn lựa một nghề nghiệp và một bậc sống, con cái nên xin ý kiến của cha mẹ, không chỉ vì chúng cần sự giúp đỡ của cha mẹ, mà còn bởi vì cha mẹ là những cố vấn “bẩm sinh” của con cái. Trong việc cưới vợ lấy chồng, con cái cũng nên xin ý kiến và sự chấp thuận của cha mẹ, bởi vì cha mẹ có nhiều kinh nghiệm về cuộc sống, trong khi tuổi trẻ dễ bị mù quáng do đam mê. Con cái không bị buộc phải vâng theo ý kiến của cha mẹ trong việc lựa chọn ơn gọi hay bạn đời, dù phải tham khảo ý kiến và lắng nghe lời khuyên của cha mẹ, bởi vì những lựa chọn này liên quan đến suốt cả cuộc đời của con cái chứ không phải chỉ trong thời gian ở dưới quyền bính và sự bảo trợ của cha mẹ. Cuối cùng, con cái không bị buộc phải vâng phục và không được vâng phục cha mẹ trong những việc vô luân, nghịch với luật tự nhiên và lề luật của Thiên Chúa.
Những bổn phận của con cái đối với cha mẹ cũng được áp dụng ở một mức độ rộng rãi hơn đối với ông bà và chú bác, cô dì trong gia tộc. Trong những xã hội mà người ta còn giữ truyền thống đại gia đình với nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà, thì bổn phận này càng được biết đến nhiều hơn. Ngoài cha mẹ ra thì ông bà nội ngoại phải là những người được các cháu tỏ lòng yêu mến, tôn kính, vâng phục và giúp đỡ trước hết và hơn ai hết. Lý do dễ hiểu và rất tự nhiên là vì ông bà là những người đã có công sinh thành dưỡng dục cha mẹ chúng ta và cũng nhiều khi hướng dẫn và phụ giúp cha mẹ chúng ta trong việc săn sóc dạy dỗ chúng ta. Hơn nữa, những người cao niên có sứ mệnh làm chứng nhân cho quá khứ, cho các giá trị truyền thống, và do đó họ trở thành thầy dạy về sự khôn ngoan cho giới trẻ và các thế hệ tương lai. Bao nhiêu đứa trẻ đã tìm thấy sự thông cảm và tình yêu trong ánh mắt, trong trong lời nói và những cử chỉ âu yếm của ông bà.
Ngày xưa, do ảnh hưởng của Khổng giáo, đạo hiếu là một ràng buộc hết sức nghiêm nhặt, đến độ nhiều lúc con cái phải hy sinh đời mình để đền đáp công ơn cha mẹ. Có nhiều trường hợp quá đáng, sai lầm, thậm chí bất công, đặc biệt trong một xã hội bị chi phối bởi não trạng trọng nam khinh nữ. Chẳng hạn một người vợ bị coi là có tội bất hiếu khi không sinh được con trai để nối dõi tông đường và lo hương khói cho các bậc tổ tiên nhà chồng. Vì thế, có nhiều người vợ hiền thục được chồng hết mực yêu thương vẫn bị gia tộc buộc phải ly dị để người chồng cưới vợ khác, hoặc phải chấp nhận cho chồng lấy thêm vợ bé. Nhiều địa phương xưa có tục “thả cỏ”, tức là trong trường hợp người chồng vô sinh, ông ta cho vợ đi quan hệ với người khác để có con. Các hiện tượng này dẫn đến phức tạp xã hội, xáo trộn hạnh phúc gia đình và làm suy thoái đạo đức.
Ngày nay trong xã hội văn minh con người đề cao sự tự do và tự lập, sớm thoát ly gia đình, hình thức gia đình hạt nhân càng ngày càng nhiều, nên mối dây ràng buộc với cha mẹ ngày càng trở nên lỏng lẻo, tạo nên một thách đố đối với việc tuân giữ chữ hiếu đối với cha mẹ. Tuy nhiên, vì vừa là luật tự nhiên, vừa là luật thiết định của Thiên Chúa, nên bổn phận hiếu thảo vẫn luôn là một đòi buộc nặng. Nếu không chu toàn đạo hiếu đối với cha mẹ, con cái sẽ mang tội bất hiếu, nặng nhẹ tùy theo mức độ vi phạm hoặc thiếu sót.
Thêm vào đó, trong xã hội hiện đại ngày nay, một số nền văn hóa, nhất là ở những nước chịu ảnh hưởng của một sự phát triển vô trật tự về kỹ nghệ và đô thị hóa, người ta chứng kiến nhiều hình thức đối xử không thể chấp nhận được đối với những người già, vì họ bị coi là vô dụng, là gánh nặng không thể chịu nổi. Điều đó khiến cho không ít người già bị đau khổ và cô đơn và làm cho các gia đình trở nên nghèo nàn về mặt tinh thần. Vì thế, mọi người cần phải ý thức về bổn phận của mình đối với những người già trong gia đình, đặc biệt là ông bà nội ngoại.
Cũng cần nói thêm rằng, nét đẹp của gia đình khi nhìn về chữ hiếu, còn được nới rộng sang các mối tương quan khác nữa. Vì yêu mến và hiếu thảo đối với ông bà, người ta cũng phải yêu mến và kính trọng các chú bác cô dì và yêu thương giúp đỡ các anh chị em họ trong gia tộc tùy theo mức độ gần xa. Điều này rất phù hợp với truyền thống Á Đông vốn đề cao gia tộc và tình nghĩa họ hàng.
Vì yêu mến và hiếu thảo đối với cha mẹ, người ta cũng phải yêu thương trước hết các anh chị em cùng một cha mẹ sinh ra. Anh chị em là những người được gắn liền với nhau bằng một mối dây liên hệ hết sức đặc biệt đến độ Thánh kinh đã diễn tả mối dây huynh đệ được quan niệm như một sự hiệp thông chặt chẽ nhất. Cùng với “láng giềng thân thiết” và “vợ chồng ý hợp tâm đầu”, “anh em hòa thuận” là một trong ba điều mà đức Khôn Ngoan lấy làm vui thích trước mặt Đức Chúa và loài người (Hc 25,1). Cũng thế, tác giả Thánh Vịnh 133 đã ca tụng sự dịu ngọt của tình huynh đệ:
Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
anh em được sống vui vầy bên nhau,
như dầu quí đổ trên đầu
xuống râu xuống cổ áo chầu Aharon,
như sương từ đỉnh Khémôn
tỏa trên đồi núi Xion lan tràn,
nơi đây ân huệ Chúa ban,
chính là sự sống chứa chan muôn đời.
Có anh chị em, đó là một hồng ân của Chúa, bởi vì những người bạn thì do chúng ta chọn lựa, còn anh chị em trong nhà thì do Chúa ban. Có anh có em là để giúp nhau khi hoạn nạn (Hc 40,24), và không có anh chị em là một trong những biểu hiện của sự cô đơn lớn nhất (Gv 4,8).
Đức ái Kitô giáo đòi buộc chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người như yêu chính bản thân mình. Điều đó vẫn cho thấy có một trật tự trong tình yêu: ta phải yêu bản thân mình trước hết, rồi đến những kẻ có liên hệ gần gũi với bản thân mình nhất, và cuối cùng đến người ngoài. Anh chị em thuộc vào số những người gần gũi nhất, vì cùng huyết thống, do đó phải được yêu mến trước. Các anh chị em trong một gia đình phải đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ nhau về vật chất cũng như tinh thần, phải sống thuận hòa và góp phần tạo nên bầu khí êm ấm trong gia đình, cũng như ra sức bảo vệ danh dự gia đình, như ca dao Việt Nam có câu : “Anh em như thể chân tay. Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”. Dĩ nhiên, tình yêu thương không dừng lại nơi những anh chị em ruột thịt cùng cha cùng mẹ, mà còn phải được mở rộng đến những anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, các anh chị em ngoại hôn và những anh chị em nuôi, những phần tử trong bộ tộc (2S 19,12-13), hoặc hậu duệ của cùng một tổ tiên nữa (Đnl 1,16).
Mặc dù điều răn thứ tư chỉ minh nhiên đề cập đến bổn phận hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, nhưng những bổn phận này giả thiết cha mẹ cũng phải chu toàn bổn phận của họ đối với con cái.
Các bổn phận của cha mẹ đối với con cái có thể gồm tóm trong những điểm như sau: yêu thương, nuôi dưỡng và giáo dục. Những bổn phận này phải được thi hành đối với con cái chính thức cũng như đối với các con ngoại hôn, cho dù đôi lúc luật pháp phần đời không minh nhiên qui định.   

Yêu thương là bổn phận căn bản của cha mẹ đối với con cái. Đó là một tình cảm rất tự nhiên: có cha mẹ nào lại không yêu thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Ngay cả trong thế giới loài vật người ta cũng gặp thấy những biểu hiện tương tự. Tuy nhiên, vấn đề hệ tại việc cha mẹ phải thương con như thế nào cho đúng.
Tình yêu của cha mẹ đối với con cái không phải chỉ là một tình yêu tự nhiên, nhưng còn phát xuất từ xác tín rằng con cái là phúc lộc và hồng ân Chúa ban. Vì thế tình yêu ấy đi liền với sự kính trọng. Chính tình yêu ấy quyết định sự thụ thai của đứa con, vì một đứa con ra đời là kết quả của tình yêu giữa cha mẹ, như chính phẩm giá của con cái đòi hỏi như vậy; và do đó đứa con mà họ sinh ra là đứa con mà họ mong muốn và chờ đợi, chứ không phải là đứa con bất đắc dĩ. Với một tình yêu tinh khiết và dâng hiến, cha mẹ chờ đợi và đón nhận vào gia đình mình một sự sống mới được Thiên Chúa trao ban. Sau khi sinh ra, đứa bé cần phải được lớn lên trong bầu khí yêu thương của cha mẹ và những người trong gia đình, nếu không, đứa bé sẽ không thể phát triển bình thường được.
Tuy nhiên, tình yêu của cha mẹ đối với con cái phải là một tình yêu có trật tự, yêu theo lẽ phải, chứ không phải chi là một thứ tình yêu theo bản năng, theo cảm quan tự nhiên, và càng không phải là thứ tình vêu ích kỷ. Do đó, tình yêu của cha mẹ sẽ không đúng nếu nó bất cập hoặc thái quá. Vì bất cập, cha mẹ có thể lỗi phạm bổn phận yêu thương đối với con cái, khi nóng nảy không chính đáng, dữ tợn, bất công và tàn bạo đối với con cái. Nhiều bậc cha mẹ không thực sự thương con, nhưng chỉ thương mình, tức là xem con cái như những phương tiện để thỏa mãn tính ích kỷ của mình, để mưu cầu lợi lộc cho mình, bất chấp quyền lợi của con cái, khiến cho con cái mất tự do và không thể phát triển đầy đủ bản thân.
Ngược lại, cha mẹ cũng có thể lỗi phạm bổn phận yêu thương đối với con cái khi họ thương con cách thái quá và vô trật tự, chẳng hạn như quá dễ dãi hoặc nuông chiều con cái quá đáng, như lời Thánh kinh đã dạy: “Ai nuông chiều con, ắt phải băng thương tích cho nó... Cưng con đi, nó sẽ làm bạn hoảng hốt, giỡn với nó, nó sẽ làm bạn buồn phiền” (Hc 30,7.9); hoặc như tục ngữ Việt Nam có câu: “Ghét con cho ngọt cho bùi”. Ngoài ra, sự săn sóc thái quá nhiều khi khiến con cái ở mãi trong tình trạng thiếu trưởng thành, thiếu tự tin và ỷ lại, không tạo được một tinh thần tự lập và mạnh mẽ đủ để đối phó với những tình huống khó khăn trong cuộc sống. Những đứa con được nuông chiều quá đáng như thế sẽ khó có thể tự chế và làm chủ chính mình, đồng thời dễ trở thành những người ích kỷ và khó tính, khó sống hòa hợp với mọi người.
Cha mẹ cũng yêu thương con cái cách vô trật tự khi yêu thương chúng một cách không tương xứng, tức là có sự thiên vị vô lý hoặc sự phân biệt đối xử. Sự thiên vị hoàn toàn ngược lại đức ái Kitô giáo, và nó càng đáng tội hơn nữa khi dẫn đưa cha mẹ đến chỗ bỏ bê một đứa con vốn đã chịu nhiều thua thiệt cách tự nhiên. Do đó, cha mẹ phải đặc biệt yêu thương những đứa con bé bỏng hơn, yếu ớt hơn, nhất là những đứa con bệnh hoạn tật nguyền về thể xác lẫn tinh thần: đó không phải là thiên vị, nhưng là một tình yêu tương xứng và phù hợp với hoàn cảnh riêng của mỗi đứa con.
Cha mẹ thực sự yêu thương con cái và yêu thương cách có trật tự thì sẽ được con cái tin tưởng và yêu thương lại, nhờ đó cha mẹ mới có sức thu hút đối với con cái để giáo dục chúng. Lúc đó, nếu cha mẹ có phải trừng phạt con cái để dạy dỗ chúng, thì chúng cũng sẵn sàng nghe, vì chúng biết cha mẹ trừng phạt vì yêu thương. Bổn phận yêu thương của cha mẹ đối với con cái được thể hiện qua hai hình thức cụ thể là nuôi dưỡng chăm sóc và giáo dục con cái.
Bổn phận nuôi dưỡng và chăm sóc con cái của cha mẹ phải được ân cần thực hiện ngay từ lúc đứa con còn là bào thai trong bụng mẹ. Ngay từ giây phút đầu tiên thụ thai trong lòng mẹ, đứa con đã mang tất cả những yếu tố và phẩm giá của con người. Mầm sống ấy phải được cha mẹ yêu thương và kính trọng vì đó là hồng ân Chúa ban, là một hữu thể mang hình ảnh của Thiên Chúa, là đối tượng của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Trước hết, cha mẹ phải lo liệu thế nào để đứa con được thụ thai trong những điều kiện tốt nhất về tinh thần cũng như thể lý. Vì thế, cha mẹ không nên giao hợp để sinh con khi cả hai hay một trong hai người đang ở trong tình trạng bệnh tật, say sưa, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần và thể lý của đứa con.
Trong thời gian mang thai, người phụ nữ phải tránh tất cả những gì làm phương hại đến sự sống và sức khoẻ của đứa con. Cụ thể như phải tránh những đồ ăn thức uống có hại, tránh dùng thuốc bừa bãi, tránh làm những công việc quá nặng nhọc, những luyện tập mạnh, những tình cảm sợ sệt khủng khiếp hoặc hận thù. Trong thời gian này, người chồng cũng phải chia sẻ trách nhiệm với người vợ bằng cách làm giúp vợ những công việc nặng nhọc, tỏ ra quan tâm đến vợ nhiều hơn thường lệ. Ông sẽ mắc tội vô trách nhiệm nặng nề nếu cư xử với vợ một cách thô bạo. Đối với cả hai vợ chồng, đây là thời gian chờ đợi trong hân hoan, cầu nguyện sốt sắng và quan tâm đến nhau với tất cả tình yêu thương.
Khi đứa con chào đời, cha mẹ phải dồn mọi lo lắng cho việc nuôi dưỡng và chăm sóc đứa bé. Các súc vật có thể tự kiếm ăn rất sớm sau khi lọt lòng mẹ, nhưng riêng con người phải được nuôi dưỡng và bảo vệ trong thời gian khá dài mới có thể sống và phát triển được. Điều đó càng cho thấy rõ bổn phận của cha mẹ phải nuôi dưỡng và chăm sóc con cái mình. Cho con bú mớm, ít là trong ba tháng đầu là một nghĩa vụ quan trọng, vì không những đó là cách tốt nhất để nuôi dưỡng đứa con, nhưng còn tạo nên sự gắn bó chặt chẽ giữa mẹ con.
Cha mẹ bị buộc nặng phải làm sao cho con mình được sống xứng với phẩm giá con người. Họ phải lo liệu cho chúng có cái ăn cái mặc, có sức khoẻ, có nơi ở xứng đáng và thích hợp. Khi con lớn lên, phải tập cho chúng biết làm việc giúp đỡ gia đình, nhưng không được khai thác chúng đến độ làm hại đến sức khoẻ của chúng. Cha mẹ còn có bổn phận phải để lại cho con cái một gia sản để bảo đảm đời sống kinh tế của chúng, nhưng vẫn không để chúng trở thành những người chỉ biết thụ động hưởng thụ, trái lại phải hướng dẫn chúng chọn lấy một nghề nghiệp phù hợp với sở thích và khả năng của chúng: đừng bắt chúng làm một nghề trái năng khiếu và đày đọa tấm thân của chúng.
Ngoài ra, cha mẹ có bổn phận phải lo việc lập gia đình cho con cái, nhưng không được ép duyên, trái lại nên hướng dẫn chúng cách khôn ngoan và tôn trọng sự tự do của chúng. Ép duyên không những là tội bất công đối với con cái, vì con cái có quyền bất khả xâm phạm trong việc lập gia đình và chọn người bạn đời, mà còn gây nên nhiều khó khăn và nhiều dịp tội lỗi, đó là chưa kể hôn nhân của chúng bất thành. Lạm dụng lòng hiếu thảo của con cái để ép duyên là điều không thích hợp với Giáo lý Công giáo. Nếu con cái muốn chọn bậc sống tu trì thì cũng không được ngăn cản.
Ngoài bổn phận nuôi dưỡng và chăm sóc sự phát triển thế lý và đời sống vật chất của con cái, cha mẹ còn phải chăm lo đến sự phát triển tinh thần, nhân cách và đời sống thiêng liêng của con cái, đó là bổn phận giáo dục. Tất cả mọi người đều có một quyền bất khả nhượng là phải được hưởng một nền giáo dục phù hợp với cá tính và giới tính, đáp ứng với vai trò và nhiệm vụ, thích ứng với truyền thống văn hóa dân tộc và tôn giáo. Vì con cái có quyền được giáo dục, nên cha mẹ là những người đầu tiên có bổn phận phải giáo dục chúng.
Một cách sâu xa hơn, việc giáo dục con cái vừa là một bổn phận nghiêm nhặt, vừa là một quyền lợi của các bậc làm cha làm mẹ, do việc cha mẹ đã được tham dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa bằng cách sinh ra một con người mới. Con người mới này được mời gọi lớn lên và phát triển, vì thế cha mẹ cũng phải đảm nhận nhiệm vụ giúp nó trưởng thành về mặt tinh thần để trở nên một con người hoàn toàn.[5] Cha mẹ đương nhiên có quyền giáo dục con cái trước bất kỳ một tổ chức nào khác, bởi vì không ai yêu thương con cái và muốn sự tốt lành cho chúng bằng cha mẹ. Chính tình yêu ấy đã chuẩn bị cha mẹ thành những nhà giáo dục tốt nhất, bởi vì chỉ có tình yêu mới có sức biến đổi con người. Vả lại, không ai khác gần gũi và có thể hiểu đứa trẻ, biết rõ tính khí, khuynh hướng, và theo dõi tiến trình trưởng thành của nó bằng cha mẹ nó. Hơn nữa, đối với các bậc cha mẹ Công giáo, chính bí tích hôn nhân đã ban cho họ ơn chức phận như một thứ đặc sủng khiến họ có khả năng giáo dục con cái mình.
Bổn phận cha mẹ phải giáo dục con cái đã được đề cập nhiều lần trong Thánh kinh: “Có con cái ư ? Hãy giáo dục và uốn nắn chúng ngay từ thuở còn thơ” (Hc 7,23) - “Ai biết giáo dục con sẽ được thỏa lòng về con, và được hãnh diện với những người quen biết. Ai biết dạy con mình sẽ khiến kẻ thù phải phát ghen, và sẽ được sung sướng trước mặt bạn bè” (Hc 30,2-3) – “Ngựa không thuần sẽ thành ngựa bất kham, con buông thả sẽ nên con mất dạy” (Hc 30,8) - “Hãy giáo dục và rèn luyện con bạn, để khỏi phải chịu cảnh hỗn hào” (Hc 30,13).
Về phương pháp giáo dục, chúng ta có thể đọc thấy trong Cựu ước một giáo huấn khá nghiêm khắc tương tự như lối giáo dục của Việt Nam ta ngày xưa: “Thương con thì cho roi cho vọt, sau này sẽ vui sướng vì con... Khi nó còn bé nhỏ, cứ thẳng tay trừng phạt, kẻo nó ra bất trị, thì chẳng vâng lời nữa đâu” (Hc 30,1.12). Trong Tân ước, thánh Phaolô cũng nhiều lần lưu ý các bậc cha mẹ về bổn phận giáo dục con cái, nhưng bằng đường lối nhân bản hơn: “Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6,4; C1 3,21).
Giáo hội xem việc giáo dục con cái là bổn phận hàng đầu của cha mẹ, đến độ Công đồng Vaticanô II đã dành cả một tuyên ngôn để nói về vấn đề này, đó là tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, trong đó Công Đồng khẳng định:
Vì là người thông truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được.[6]
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng lặp lại giáo huấn của Công Đồng khi viết:
Khi ban tặng sự sống, cha mẹ dự phần vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, nhờ công việc giáo dục, họ thông phần vào nền sư phạm của Người với tư cách vừa là cha vừa là mẹ... Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên và chủ yếu của con cái mình và họ cũng có một uy thế cơ bản trong lãnh vực này: họ là những nhà giáo dục bởi vì họ là cha mẹ.[7]
Ở chỗ khác, ngài viết: “Quyền và bổn phận giáo dục con cái là quyền và bổn phận cốt yếu, sơ đẳng, độc đáo, bất khả thay thế và bất khả nhượng của cha mẹ.”[8]
Về các phạm vi giáo dục, Công đồng Vaticanô II đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể như sau:
Phải để ý đến những tiến triển của khoa tâm lý, sư phạm và giáo khoa, hầu giúp trẻ em và thanh thiếu niên phát triển điều hòa những năng khiếu thể xác, luân lý và tinh thân, ý thức dần dần trách nhiệm cách rõ rệt hơn... phải tích cực và thận trọng giáo dục chúng về giới tính tùy từng lứa tuổi.[9] 
Cũng trong đường lối đó, Bộ Giáo luật 1983 qui định:
Các trẻ em và các thanh thiếu niên phải được đào tạo thế nào để họ có thể phát triển cách hài hòa những tài năng thể lý, luân lý và trí tuệ của mình, để họ có được một ý thức hoàn hảo hơn về trách nhiệm và biết sử dụng đúng đắn sự tự do của mình, và để họ trở thành những người có khả năng tham gia tích cực vào đời sống xã hội.[10]
Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo cũng dạy:
Khi con cái còn nhỏ, sự tôn trọng và yêu thương của cha mẹ được biểu lộ trước hết qua việc chăm sóc và lưu tâm nhằm dạy dỗ con cái mình, để đáp ứng những nhu cầu vật chất và tinh thần cùa chúng. Khi chúng lớn lên, cũng vẫn sự tôn trọng và tận tụy đó thúc đẩy cha mẹ giáo dục con cái để chúng biết sử dụng lý trí và sự tự do của mình một cách đúng đắn.[11]
Ngoài bổn phận giáo dục con cái về các phương diện thể lý, tâm lý, xã hội và văn hóa, giáo luật còn buộc nặng các bậc cha mẹ phải quan tâm giáo dục con cái về phương diện luân lý và tôn giáo nữa.
Về phương diện thể lý và tâm lý, ngoài việc nuôi dưỡng và chăm sóc sức khoẻ của con cái như vừa đề cập trên đây, cha mẹ còn có bổn phận phải quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để con cái phát triển cơ thể và đời sống tâm lý bằng việc luyện tập, chơi đùa, phù hợp với lứa tuổi và giới tính của chúng. Một cơ thể khoẻ mạnh và dẻo dai nhờ tập luyện và một tâm lý quân bình là điều kiện cần để phát triển trí tuệ và các tài năng tinh thần khác.
Một trong những lãnh vực giáo dục thể lý và tâm lý rất quan trọng và cần thiết, nhưng cũng rất tế nhị, đó là vấn đề giáo dục giới tính. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dạy rằng: “Phải làm sao cho con cái hiểu được rằng giới tính là một sự phong phú của toàn thể con người gồm thể xác, tình cảm và tâm hồn, mà ý nghĩa thâm sâu nhất được biểu lộ qua việc trao hiến bản thân trong tình yêu.”[12] Cha mẹ hãy coi chừng con cái khi chúng giao thiệp với bên ngoài, giúp chúng tránh xa dịp tội và bạn bè xấu, rèn luyện đức khiết tịnh.
Đối với việc giáo dục đức khiết tịnh của con cái, ngoài việc đào tạo ý chí và bảo vệ chúng tránh những ảnh hưởng xấu, cha mẹ còn phải từ từ khai tâm cho chúng biết về nguồn gốc của sự sống, với tất cả sự kính trọng và khéo léo. Do bổn phận đòi buộc, cha mẹ phải luôn tìm hiểu để có thể giải đáp những thắc mắc liên quan đến đời sống của con cái mình, nếu không, chúng có thể đi tìm sự giải thích ở những nơi không đáng tin tưởng.
Thêm vào đó, phải dạy cho chúng biết làm chủ tình cảm, rèn luyện ý chí, biết tự chủ và tự quyết, biết sử dụng đúng đắn sự tự do, có tinh thần trách nhiệm và biết tham gia vào đời sống xã hội, bởi vì “gia đình là môi trường tự nhiên để chuẩn bị con người sống tình liên đới và nhận trách nhiệm trong cộng đồng”.[13]
Về phương diện tri thức, cha mẹ phải lo cho con cái được học hành để phát triển trí tuệ và các tài năng tinh thần. Cha mẹ phải liệu sao cho tất cả con cái, không phân biệt nam nữ, phải được học hành đến nơi đến chốn tùy theo khả năng của mỗi đứa và tình trạng tài chánh của gia đình mình. Cha mẹ sẽ thiếu sót bổn phận này cách nặng khi không lo lắng cho con cái được học hành ở mức căn bản, bởi vì nếu không có kiến thức hoặc kiến thức không đủ, thì con cái sẽ rất khó tiến thân trong xã hội và phải chịu nhiều thua thiệt trong cuộc sống.
Về phương diện luân lý, “trẻ em và thanh thiếu niên có quyền được hướng dẫn trong việc phê phán những giá trị luân lý theo lương tâm thẳng thắn, tự ý chấp nhận và tuân giữ những giá trị ấy.”[14] Vì thế nền giáo dục gia đình trước hết nhằm huấn luyện lương tâm của con cái, để chúng tự mình biết phân biệt phải trái, biết ưa thích điều thiện và xa lánh điều ác, giúp chúng biết định hướng đời sống của mình theo các chuẩn mực đạo đức. Cha mẹ phải dạy cho con cái biết “coi trọng các chiều kích tâm linh hơn là những gì thuộc về thể lý và bản năng”,[15]biết giữ mình khỏi những nguy hiểm và những sa đọa đang đe dọa xã hội loài người”.[16]
Trong việc giáo dục, cha mẹ cũng có thể dùng cách trừng phạt để sửa dạy con cái, nhưng đó không phải là hình thức duy nhất hay trước hết, nhưng chỉ là biện pháp cuối cùng sau khi đã dùng đến các phương thức tích cực khác mà không đủ hay không có kết quả. Nhưng khi trừng phạt con cái, cha mẹ phải giữ sự bình tĩnh và tự chủ, không đánh đập con cái với tất cả sự giận ghét và hằn học. Tuyệt đối không bao giờ trừng phạt con cái cách bất công. Sự trừng phạt tàn bạo và bất công chẳng những không làm cho con cái trở nên tốt hơn, mà trái lại chỉ tạo ra sự chống đối, bất mãn và tinh thần phản kháng đối với mọi quyền bính.
Cũng không nên lạm dụng hình thức tưởng thưởng, vì đó cũng không phải là cách thức giáo dục duy nhất. Phải làm sao để con cái biết vâng lời cha mẹ không phải chỉ để được thưởng hay để khỏi bị phạt, nhưng chỉ vì biết rằng điều cha mẹ bảo làm là một điều tốt cần phải làm. Cha mẹ không nên tỏ ra độc tài, vì như thế sẽ mãi mãi giữ con cái mình trong tình trạng ấu trĩ; cũng không nên đòi hỏi quá mức đối với khả năng hoặc lứa tuổi của chúng, khiến chúng trở nên mặc cảm, thiếu tự tin.
Bên cạnh nền giáo dục nhân bản và luân lý, mọi Kitô hữu, nhờ việc tái sinh bởi nước và Thánh Thần, đã trở nên những con người mới, được kêu gọi và trở thành con Thiên Chúa, có quyền hưởng một nền giáo dục Kitô giáo. Nền giáo dục này không những chỉ giúp con người được trưởng thành như vừa trình bày, nhưng chính là nhằm giúp những người đã được rửa tội ngày càng ý thức hơn về hồng ân đức tin đã lãnh nhận. Việc giáo dục Kitô giáo phải bắt đầu từ gia đình và gia đình đóng một vai trò hết sức quan trọng trong vấn đề này: “Một trong những địa hạt trong đó gia đình vốn bất khả thay thế chắc hẳn là địa hạt giáo dục tôn giáo, nhờ đó mà Giáo hội có thể phát triển thành Giáo hội tại gia”.[17] Chính vì lý do đó, đối với các cha mẹ Kitô hữu, ngoài bổn phận giáo dục nhân bản và đạo đức đối với con cái, còn có bổn phận giáo dục đức tin và đời sống Kitô giáo: “Việc bảo đảm cho con cái có được một nền giáo dục Kitô giáo theo đạo lý do Giáo hội truyền lại thuộc về các bậc cha mẹ Kitô giáo trước tiên[18],  hơn nữa, đối với các gia đình Kitô giáo, việc dạy giáo lý trong gia đình phải đi trước, bằng việc dạy cho con cái biết cầu nguyện và khám phá ra ơn gọi làm con cái Thiên Chúa, biết thờ phượng Thiên Chúa và yêu mến tha nhân theo đức tin mà chúng đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội. “Việc cầu nguyện tại gia đình sẽ chuẩn bị cho con cái tham dự vào việc cầu nguyện mang tính phụng vụ của toàn thể Giáo hội.”[19] Do đó, khi con cái đến tuổi khôn, cha mẹ phải đưa chúng đến nhà thờ giáo xứ tham dự các lớp giáo lý, các buổi cầu nguyện và cử hành phụng vụ, để đức tin của chúng được thêm lớn mạnh. Cha mẹ cũng không được khoán trắng cho nhà thờ, nhưng vẫn tiếp tục đồng hành với con cái trên con đường đức tin trong cuộc sống gia đình.
Để thực hiện bổn phận này, cha mẹ phải cố gắng kiến tạo gia đình mình trở thành một tổ ấm dựa trên tình âu yếm, sự tha thứ, tôn trọng lẫn nhau, lòng chung thủy, sự quan tâm đến nhau và tinh thần phục vụ vô vị lợi. Sự hiện diện không những của người mẹ mà còn của cả người cha trong gia đình là điều hết sức cần thiết cho việc giáo dục con cái, nhất là khi chúng còn nhỏ. Cha mẹ phải cùng nhau bàn bạc và cộng tác trong việc giáo dục con cái. Nếu cha mẹ không nhất trí với nhau trong đường lối giáo dục hoặc giáo dục một cách thiếu nhất quán, hay thay đổi, thì công việc giáo dục sẽ trở thành kém hiệu lực hoặc thậm chí vô hiệu.
Gia đình là cộng đoàn giáo dục đầu tiên, nhưng không phải là duy nhất và tuyệt đối. Việc giáo dục trong bầu khí gia đình cần phải được bổ túc bởi trường học, bởi vì “trong số các phương tiện giáo dục, các Kitô hữu phải nhận thức rằng các trường học có một tầm quan trọng đặc biệt, vì trường học là sự trợ lực chính yếu của cha mẹ trong nhiệm vụ giáo dục”.[20] 
Ngoài ra, các cha mẹ Kitô hữu chỉ có thể làm tròn bổn phận giáo dục con cái về luân lý và đức tin nếu biết cộng tác với Giáo hội là đại gia đình của Đức Kitô, bởi vì với tư cách đó, Giáo hội có quyền bẩm sinh đối với việc giáo dục các con cái mình, tức là một quyền căn bản phát xuất từ mẫu tính thiêng liêng của Giáo hội. Vì thế, các cha mẹ phải giáo dục con cái mình theo đường hướng giáo huấn của Giáo hội và phải đưa con cái mình tham gia vào các chương trình dạy dỗ cùa Giáo hội, chẳng hạn như các lớp giáo lý được tổ chức cho các lứa tuổi, và đích thân theo dõi, đôn đốc, kiểm soát việc học giáo lý của chúng; phải cộng tác với các vị chủ chăn để lo cho con cái mình được học hỏi để chịu các bí tích như xưng tội và rước lễ lần đầu, thêm sức, hôn phối. Trong khi giáo dục con cái thì chính con cái cũng góp phần làm cho cha mẹ chẳng những phát triển về nhân bản, tri thức, mà còn về đức tin, sự thánh thiện và nhiều lợi ích khác.



Kết luận
Như vậy, trong các đức tính cần có của một con người, hiếu đứng hàng đầu, đòi buộc mọi người làm con phải có, phải thực hiện trong cuộc sống hằng ngày lúc cha mẹ con sống cũng như đã qua đời. Quả vậy, người mà con cái phải yêu thương trước hết chính là cha mẹ, ông bà của mình; họ là những vị ân nhân lớn nhất của cuộc đời mỗi người.
Hơn thế nữa, lòng hiếu thảo với cha mẹ còn là một đòi hỏi, một điều kiện cho lòng hiếu thảo tôn thờ Thiên Chúa. Có một mối dây liên kết giữa thảo kính của con cái đối với Thiên Chúa là Cha và là nguồn mạch mọi tình phụ tử trên trời dưới đất và sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.
Cuối cùng, một gia đình đầy yêu thương và hạnh phúc không phải do sự tình cờ mà có. Mỗi người trong gia đình phải làm tròn phận vụ của mình. Chúa đã ban các trách nhiệm yêu thương lẫn nhau cho cha mẹ và con cái. Cha mẹ phải yêu thương nhau và chu toàn nhiệm vụ nuôi dưỡng và giáo dục con cái để chúng trở nên những con người tốt cho xã hội cũng như cho Giáo hội. Ngoài ra anh chị em ruột thịt trong cùng một mái nhà cũng phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau... đó cũng là công việc chúng được chia sẻ trách nhiệm với cha mẹ trong công việc gia đình; để từ đó hướng sự yêu thương rộng lớn ra thế giới xung quanh, hầu làm cho cộng đồng con người được bình an và hạnh phúc.


[1] Trương Văn Hùng, Từ Điển Tiếng Việt. Nxb Thanh Niên - 2009, tr. 391.
[2] Vat. II, Gaudium et spes, số 48.
[3] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2217.
[4] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2230.
[5] Xc. Bộ Giáo luật 1983. Nhà xuất bản Tôn Giáo - 2007, điều 226; Gioan Phaolô II, Familiaris consortio, số 36.
[6] Vat. II, Gravissimum educationis, số 3.
[7] Gioan Phaolộ II, Thư gửi các gia đình, số 16.
[8] Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, số 36.
[9] Vat. II, Gravissimum educationis, số 1.
[10] Bộ Giáo luật 1983, điều 795.
[11] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2228.
[12] Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, số 37.
[13] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2224.
[14] Vat. II, Gravissimum educationis, số 1.
[15] Gioan Phaolộ II, Centesimus annus, số 36.
[16] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2224.
[17] Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình, số 16.
[18] Bộ Giáo luật 1983, điều 226.
[19] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1657, 2685.
[20] Bộ Giáo luật 1983, điều 796.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn