Tái khám phá niềm vui tình yêu trong đời sống gia đình

Gia đình như thế quả đúng nghĩa
là một “mái ấm” tràn đầy niềm vui, chan hòa yêu thương,
và là nơi bình yên cho các thành viên trở về
sau những tất bật, xô bồ giữa dòng đời tấp nập,
bon chen trong nhịp sống hiện đại.
Pet. Võ Tá Đương, OP.
Gia đình đầm ấm an vui,
Cùng nhau chia sẻ ngọt bùi đắng cay.
Lao công vất vả từng ngày,
Trong Tình Yêu Chúa, vui say quên mình.
Sớm chiều quy tụ đọc kinh,
Gia đình hiệp nhất, ân tình chứa chan.[1]

Trong Tông huấn Niềm vui của Tình yêu - Amoris Laetitia, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở rằng, niềm của tình yêu trong đời sống của các gia đình cũng là niềm vui của Hội thánh. Mặc dầu nhiều dấu chỉ cho thấy đời sống hôn nhân gia đình trong thời đại ngày nay đang có sự khủng hoảng và biến động lớn, nhưng khát vọng có được một mái ấm gia đình vẫn còn rất mạnh mẽ nơi con người thời đại, đặc biệt là nơi những người trẻ. Khát vọng đó vẫn đang là cảm hứng của Hội thánh.[2]
Bởi lẽ, sự lành mạnh của con người cũng như xã hội nhân loại và Kitô giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đoàn hôn nhân và gia đình. Do đó, cùng với tất cả những ai tán dương các cộng đoàn hôn nhân và gia đình, người Kitô hữu thành thực vui mừng trước những trợ lực khác nhau giúp con người ngày nay tiến tới trong việc cổ võ cộng đoàn yêu thương ấy cũng như trong sự tôn trọng đời sống; những trợ lực ấy còn giúp đỡ các đôi vợ chồng và các bậc làm cha mẹ trong sứ mệnh cao cả của họ.[3]
Vì lẽ đó, Giáo hội mời gọi mọi thành phần Dân Chúa, cách riêng là những người sống ơn gọi hôn nhân gia đình, đặc biệt là các bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân gia đình khám phá niềm vui trong đời sống gia đình, để có cái nhìn rộng lớn hơn và ý thức mới mẻ hơn về tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình. Đồng thời, tính phức tạp của các đề tài được đề cập đến cho chúng ta thấy cần phải tiếp tục đào sâu thêm cách tự do một số vấn đề liên quan đến đạo lý, luân lý, linh đạo và mục vụ.[4] Nhờ đó, chúng ta thấy được vấn đề cách rõ ràng hơn; đồng thời góp phần động viên, cổ vũ và giúp đỡ các gia đình trong nỗ lực dấn thân cũng như trong những khó khăn của họ, giúp họ xây dựng đời sống gia đình an bình, hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội văn tình tình thương.
Khi nói đến hạnh phúc gia đình, người ta thường mô tả bằng những từ ngữ thật đẹp và sinh động. Nó được thể hiện qua những giá trị đạo đức rất đáng trân trọng như: tình yêu, lòng chung thuỷ, tình nghĩa vợ chồng, lòng yêu thương, hy sinh cho nhau, sự quý trọng, lòng biết ơn và hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ, ông bà... Tắt một lời, gia đình hạnh phúc chính là gia đình “trên thuận dưới hòa, mọi người yêu thương nhau.” Gia đình như thế quả đúng nghĩa là một “mái ấm” tràn đầy niềm vui, chan hòa yêu thương, và là nơi bình yên cho các thành viên trở về sau những tất bật, xô bồ giữa dòng đời tấp nập, bon chen trong nhịp sống hiện đại.
Một gia đình như thế quả là niềm ước mong của bao người. Thế nhưng, ước mong đó chỉ trở thành hiện thực khi mọi người biết cùng nhau chung tay xây đắp gia đình mình bằng những việc làm cụ thể trong đời sống thương ngày. Những việc làm đó được thể hiện qua sự quan tâm đến nhau, dành thời gian cho nhau, quay quần bên nhau trong những bữa cơm gia đình, cùng nhau cử hành giờ kinh gia đình, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với nhau, khích lệ, cảm thông tha thứ cho nhau, giúp nhau thăng tiến.[5]
Vui vầy bên nhau trong từng khoảnh khắc
Sự tất bật, nhộn nhịp và bận rộn của cuộc sống hiện đại ngày nay như hối thúc mỗi chúng ta từng phút từng giờ vận động liên tục không ngừng. Càng bận rộn, càng vội vã, con người lại càng phải cần những “nốt lặng” đề giúp cân bằng hơn trong cuộc sống. “Nốt lặng”, góc bình yên giữa nhịp sống hối hả đó không nơi nào khác mà đó chính là mái ấm gia đình của mình. Con người ai cũng có rất nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một nơi để về. Đó chính là mái ấm gia đình. Tiền bạc, địa vị, danh vọng có thể đáp ứng được nhu cầu về vật chất, nhưng những giây phút gia đình xum họp mới vun đắp tình cảm và nuôi dưỡng tinh thần.
Ngôi nhà gia đình không chỉ là nơi che nắng, che mưa, nhưng là bến đỗ yên bình cho những thành viên tìm về sau những bon chen tất bật của cuộc sống. Nơi đó, mọi người coi trọng tình cảm yêu thương, gắn bó giữa những người con cùng sống với nhau dưới một mái ấm gia đình. Tình huynh đệ chân thành ấy đã được thánh vịnh gia diễn tả thật sinh động và lý tưởng:
Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
Anh em được sống vui vầy bên nhau.
Như dầu quý đổ trên đầu
Xuống râu xuống cổ áo chầu A-ha-ron,
Như sương từ đỉnh Khéc-môn
Toả trên đồi núi Xi-on lan tràn,
Nơi đây ơn huệ Chúa ban,
Chính là sự sống chứa chan muôn đời.[6]
Bên cạnh tình mẫu tử, tình phụ tử, tình nghĩa vợ chồng, tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái, luôn được coi là vô cùng thiêng liêng, cao đẹp thì tình nghĩa anh chị em cũng được xem là tình cảm thắm thiết, sâu sắc, gắn bó và là nguồn gợi hứng cho biết bao câu chuyện ngụ ngôn, những vần thơ khuyến thiện, những câu tục ngữ ca dao khuyên dạy người ta sống bao dung, hi sinh, và cao thượng đối với nhau trong tình nghĩa anh chị em.
Anh em nào phải người xa.
Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân.
Yêu nhau như thể tay chân.
Anh em hòa thuận hai thân vui vầy.[7]
Và một kiểu nói ví von khác cũng trong ca dao Việt:
Anh em như thể chân tay.
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.
Những nét đẹp trong tình nghĩa anh chị em ấy đã hình thành nên nhiều giá trị văn hoá mang tính truyền thống của người Việt, như sự hoà thuận, kính trên nhường dưới, tình nghĩa, lòng yêu thương và hy sinh: “Hiếu kính cha mẹ; thuận thảo anh em”. “Anh em trên kính dưới nhường, là nhà có phúc mọi đường yên vui”.
Nhiều gia đình Việt Nam xưa nay nhờ biết duy trì nếp văn hoá gia đình ấy, nên đã tạo được những nề nếp kỷ cương để mọi người cùng tuân giữ. Chính lễ nghĩa gia phong ấy là cái gốc của gia đình, góp phần giữ cho cá nhân, gia đình và xã hội có một sức sống mãnh liệt và trong sáng với cội nguồn, làm cho không khí gia đình luôn đầm ấm, an vui và chan hòa yêu thương.
Để được như vậy, mỗi thành viên trong gia đình phải biết quan tâm nhau, cảm thông, chia sẻ với nhau và biết dành thời gian cho nhau. Trong một xã hội công nghiệp, người ta lúc nào cũng phải vội vàng với một thời gian biểu sít sao, làm vội, ăn vội, nói vội, và ngay cả yêu vội nữa, thì việc chúng ta dám dành thời giờ cho nhau mang một giá trị quý báu. Trong hằng mớ công việc bận rộn ấy, nếu ta dành được thời gian cho nhau, cũng có nghĩa là ta dành cho người ấy có chỗ trong trái tim mình. Nếu không có những giờ khắc dành cho nhau, thì làm sao chúng ta có thể nghe được nỗi lòng của nhau, cảm được giọt mồ hôi và nước mắt của nhau?
Trong tình bạn, tình yêu, sự hiện diện mang một giá trị tuyệt vời. Hai người yêu nhau, nhiều khi chỉ ngồi nhìn nhau cũng thấy lòng mình hạnh phúc! Có thể có một tình yêu, tình bạn đích thực không, nếu cha mẹ không biết dành thời giờ cho con cái, vợ chồng không có khoảnh khắc nào dành cho nhau, bạn bè chẳng gặp mặt nhau bao giờ? Việc gặp gỡ nhau, dành thời gian cho nhau tưởng chừng đơn giản như vậy, nhưng nó sẽ là chất keo nối kết hai tâm hồn lại; thiếu chất keo này, tình bạn có thể trở nên ơ hờ, nhạt nhẽo.[8]
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhận định rằng:
Đời sống huynh đệ là chỗ tốt nhất để nhận định và đón nhận ý Chúa, để cùng nhau tiến bước một lòng một trí với nhau. Trong đời sống huynh đệ, ta được Thánh Thần linh hoạt, mỗi người trân trọng đối thoại với người khác để tìm ra ý Chúa.[9]
Bởi vậy, gia đình là một trong những yếu tố quan trọng trong tâm thức và trong cuộc sống của mỗi người, cách riêng người Việt Nam chúng ta. Gia đình không chỉ là nơi sinh hoạt cho bản thân và các thành viên trong gia đình mà còn mang trong mình ý nghĩa về một nơi chốn bình yên. Không khí gia đình trở nên vui vẻ hẳn lên khi mọi người quây quần bên nhau, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với nhau, và cùng nhau dùng bữa cơm gia đình.
Quây quần bên nhau trong những bữa cơm gia đình
Bữa cơm gia đình, đó là chuyện thường ngày của mọi nhà, nhưng đó là một trong những yếu tố quan trọng dệt nên gia đình hạnh phúc. Bữa cơm gia đình không chỉ đơn thuần là việc cung cấp năng lượng sau thời gian làm việc mệt nhọc, mà còn mang yếu tố tinh thần cao quý. Bữa cơm gia đình là thời khắc cả nhà được quây quần bên nhau sau một ngày làm việc và học tập trở về. Đó là thời khắc mỗi thành viên trong gia đình được nếm trải niềm hạnh phúc gia đình rõ ràng nhất.
Hình ảnh người mẹ, người vợ tất bật bên gian bếp nghi ngút khói, hương thơm của các món ăn theo gió thoang thoảng luôn là những hình ảnh khó quên trong ký ức của mỗi thành viên trong gia đình. Dù những món ăn không phải là mỹ vị nhưng chứa đựng sự chân tình và tấm lòng của người nấu. Bữa cơm gia đình là linh hồn của hạnh phúc, sự yêu thương, gắn bó và nuôi dưỡng tình cảm giữa các thế hệ trong gia đình. Bữa cơm còn là nơi thể hiện nét đẹp văn hóa trong ẩm thực của người Việt Nam chúng ta qua bao đời nay.
Bữa ăn gia đình còn thể hiện tinh thần “kính trên nhường dưới”, thể hiện sự kính trọng yêu thương dành cho người lớn tuổi, những phần thức ăn ngon, phần cơm mềm dẻo được mời ông bà, cha mẹ. Ngoài ra, trẻ em là đối tượng được ưu tiên trong bữa cơm gia đình, thể sự yêu thương, bao bọc, che chở của các thành viên trong gia đình. Còn gì hạnh phúc hơn sau những lao nhọc của cuộc đời, giữa những bon chen của cuộc sống hiện đại, ta được tìm lại không khí đầm ấm, chan hoà yêu thương của người thân, được cùng người thân quây quần bên mâm cơm gia đình, sum họp và kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn trong công ty, xí nghiệp, trong nơi ta làm việc, hỏi han con cái việc học tập ở trường, ở lớp… Trong bữa cơm gia đình, mọi người kể về công việc cho nhau nghe, chia sẻ những khó khăn mà người thân đang gặp phải để cùng tìm cách tháo gỡ. Và như thế, ta thấy mình có trách nhiệm với gia đình hơn.
Tạm gác mọi chuyện xã hội lại để vui cùng gia đình bên mâm cơm thường nhật, ta sẽ thấy được gia đình là chốn bình yên nhất đón ta trở về sau những vất vả của cuộc sống mưu sinh. Thật hạnh phúc biết bao khi các thành viên trong gia đình cùng quây quần bên mâm cơm sau một ngày làm việc. Dẫu rằng, bữa cơm gia đình chẳng phải là những món ăn cao lương mỹ vị, nhưng nó chất chứa cả một tình yêu thương chan chứa mà các thành viên gia đình dành cho nhau. Điều đó ta không thể tìm được trong bữa ăn nơi quán xá, nơi nhà hàng sang trọng.
Từ bữa cơm gia đình, người ta có thể học được rất nhiều bài học nhân bản như sự lễ phép, kính trên nhường dưới, sự quan tâm đến nhau… Trong bữa cơm gia đình, con trẻ được người lớn dạy cách ăn để “học ăn, học nói, học gói, học mở”, và  “Ăn trông nổi, ngồi trông hướng”…  Trong điều kiện sống bận rộn, tất bật, vội vã và gấp gáp của nhịp sống hiện đại hôm nay, sự chăm chút cho nhau trong những bữa ăn gia đình là những thời khắc quý giá hiếm hoi để thể hiện tình thương yêu và sự quan tâm, chia sẻ.
Do vậy, ta có thể nói được rằng, bữa cơm gia đình như sợi giây vô hình, là chất keo gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau. Bữa cơm gia đình không chỉ làm ấm thêm tình thân trong gia đình, nhưng còn là “dưỡng chất” duy trì sự sống còn và sự hạnh phúc của gia đình. Vì lẽ đó, chúng ta được mời gọi, dù cuộc sống tất bật, dù bận rộn đến bao nhiêu, chúng ta cũng hãy cố gắng khắc phục hoàn cảnh để duy trì những bữa cơm gia đình, đoàn tụ mọi thành viên trong gia đình với tình cảm ấm áp yêu thương.
Gia đình cầu kinh, gia đình hạnh phúc
Trong cuộc lữ hành đức tin và trong hành trình xây dựng gia đình hạnh phúc, cầu nguyện là sự sống còn của gia đình Công giáo. Nếu như cầu nguyện là hơi thở, là hoạt động căn bản của đời sống người Kitô hữu, thì cầu nguyện chính là hơi thở của đời sống gia đình.
Nhờ cầu nguyện, người Kitô hữu xây được nền móng vững vàng chắc chắn cho việc tạo dựng ngôi nhà hạnh phúc của mình. Vắng bóng cầu nguyện, gia đình không còn phải là gia đình Kitô hữu đích thực giữa cuộc đời. Cầu nguyện vừa để củng cố đức tin, vừa để làm cho đức tin được lớn lên trổ sinh hoa trái tốt lành, và được kiên vững giữa những thách đố thời đại. Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.”[10] Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong nhịp sống của gia đình Công giáo.
Câu Ngạn ngữ của người Ba Lan khá quen thuộc với chúng ta là: “Trước khi ra trận, thì bạn cầu nguyện một lần, trước khi vượt biển thì cầu nguyện hai lần, còn trước khi bước vào đời sống gia đình thì phải cầu nguyện ba lần.” Song người viết còn nhấn mạnh rằng, bạn phải cầu nguyện luôn luôn và không ngừng sau khi lập gia đình để bảo tồn hạnh phúc gia đình, “để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.”[11]
Cầu nguyện có tầm quan trọng thiết yếu và có vai trò đặc biệt trong đời sống Kitô hữu nói chung và với đời sống gia đình nói riêng. Cầu nguyện còn là cái móc neo con thuyền gia đình mong manh của ta vào vòng tay yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa trong niềm niềm tin yêu phó thác, nơi Đấng mà đối với Người “không có gì là không thể làm được.”[12]
Trước bao khủng hoảng của cuộc sống hôm nay, để kiến tạo một gia đình ấm êm, thuận hoà và hạnh phúc, người Kitô hữu cần phải không ngừng cầu nguyện. Cầu nguyện để đón mời Chúa đến viếng thăm và ở lại trong gia đình mình, để Người soi sáng, hướng dẫn, đỡ nâng, ủi an và đồng hành với gia đình trong cuộc lữ hành dương thế, để được an tâm và có quyết định sáng suốt, hầu có sức mạnh vượt thắng những cám dỗ của thời đại. Lời Thánh thi sau đâu phần nào diễn tả được lời cầu nguyện có sức mạnh, tạo nên niềm vui, sự bình an trong đời sống gia đình biết bao:
Kinh cầu nguyện, ngàn lời con hát,
Thỏa nhường bao, bát ngát trời mây!
Ngày qua rồi lại đến ngày
Sống đời vinh hiển sum vầy cùng Cha.
Trước bệ rồng thiết tha quỳ lạy,
Thần dân Ngài hết thảy nài van
Được cùng chư thánh thiên đàng
Tưng bừng góp tiếng hòa vang nguyện cầu.
Đoàn con cái khấu đầu phủ phục
Dâng những lời hoan chúc hiển vinh:
Ba Ngôi một Chúa nhân lành
Muôn ngàn phước cả uy linh vô cùng.
[13]
Chúng con sẽ thành con ánh sáng,
nếu được Ngài đổ xuống hồng ân,
làm cho thể xác tinh thần,
hành vi tập quán muôn phần thanh cao.
Ơn nghĩa Chúa thấm vào ngôn ngữ,
mở miệng ra là chữ chân thành,
chính Ngài thúc đẩy tâm linh,
đi tìm chân lý thật tình say sưa.
[14]
Cầu nguyện trong gia đình chính là cách xây dựng hạnh phúc gia đình hữu hiệu, vững bền nhất. Hạnh phúc vì “Chúa Giêsu ‘ở giữa’ gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện”, nhờ đó, cùng nhau nhận ra “những dấu hiệu cho thấy sự hiện diện ưu ái của Thiên Chúa trong cuộc sống gia đình”; và rồi cùng nhau lắng nghe lời mời gọi yêu thương của Chúa Giêsu: “Hỡi những ai vất vả, mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các con.”  Hạnh phúc vì có Chúa chia sẻ mọi biến cố vui buồn. Có Chúa hiện hiện giữa như mối dây nối kết tuyệt hảo, giúp gia đình lắng nghe nhau, hiểu nhau, thuỷ chung với nhau, cùng nhau tiến bước, vượt qua mọi gian nan thử thách trong cuộc sống.
Vì lẽ đó, gia đình nào cầu nguyện, gia đình đó sẽ vượt thắng mọi khó khăn thử thách trong nhịp sống hiện đại hôm nay, và gia đình đó sẽ hạnh phúc và bình an.
Tạm kết
Gia đình là chốn bình yên nhất của mỗi người chúng ta. Sự quan tâm đến nhau, dành thời gian cho nhau, quay quần bên nhau trong bữa cơm gia đình sẽ giúp cho mọi thành viên cảm thông, yêu thương, gắn bó với nhau hơn. Lời kinh gia đình sẽ là chất xúc tác làm cho tình yêu ngày càng lớn lên từng ngày theo năm tháng, hạnh phúc gia đình ngày càng gia tăng. Vì lẽ đó, để xây dựng hạnh phúc gia đình trước sự khủng hoảng và thách đố của thời đại hôm nay, những người sống đời sống gia đình được mời gọi phải dành thời gian cho nhau, duy trì bữa cơm gia đình và cùng nhau thực hiện giờ kinh gia đình. Được như thế, chắn chắn mỗi thành viên trong gia đình sẽ có đủ sức mạnh vượt qua những sóng gió cuộc đời, vượt qua những thách đố trần gian, vượt qua những cám dỗ ngọt ngào của thời đại, giữ được bầu khí ấm áp trong gia đình, làm cho cuộc sống gia đình luôn an bình và làm cho tổ ấm gia đình ngập tràn yêu thương, đong đầy hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội thanh bình, an vui.
Tái khám phá niềm vui trong đời sống hôn nhân gia đình, giúp ta nhận ra phẩm giá cao quý và vẻ đẹp linh thánh của ơn gọi hôn nhân gia đình. Khi sống trọn niềm vui tình yêu trong đời sống hôn nhân gia đình, chúng ta trở thành chứng nhân tình yêu của Chúa giữa một thế giới thiếu vắng tình yêu hôm nay. Chứng tá của người Kitô hữu trong ơn gọi hôn nhân gia đình phản ánh chính mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và niềm vui của gia đình chính là niềm vui của Hội thánh.
Thật vậy:
Niềm vui bên trong và niềm an ủi thâm sâu, Hội thánh hướng nhìn đến các gia đình kiên trung sống các giáo huấn của Tin mừng, cám ơn họ và khích lệ họ về chứng từ mà họ trao. Thật vậy, nhờ họ mà vẻ đẹp của hôn nhân bất khả phân li và trung tín, trở nên đáng tin. Trong gia đình, ‘vốn có thể gọi là Hội thánh tại gia’, ta được dần trưởng thành kinh nghiệm trong Hội thánh về mối hiệp thông giữa các ngôi vị, nơi đó, nhờ ân sủng, phản ánh chính mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.[15]
Xin Chúa chúc lành và đồng hành với mỗi gia đình Kitô giáo chúng con trong hành trình đức tin, để gia đình luôn là tổ ấm yêu thương, phản chiếu vẻ đẹp tình yêu Thiên Chúa và làm chứng cho những giá trị cao đẹp của Tin mừng.



[1] Xc. Đời sống gia đình, http://gplongxuyen.org
[2] Xc. ĐTC Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia, số 01.
[3] Xc. Vat. II, Gaudium et Spes, số 47.
[4] Xc. ĐTC Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia, số 01.
[5] Xc. Thư Chung Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2013, số 06.
[6] Tv 132, 1,3.
[7] Ca dao Việt Nam.
[8] Xc. Phạm Quốc Văn, OP., “Tình bạn trong đời sống thánh hiến”, Chia sẻ, Liên tu sĩ, số 77, tr. 97.
[9] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, số 92.
[10] Ga 15, 5b.
[11] Mt 26, 41.
[12] Lc 1, 37.
[13] Các Giờ kinh Phụng vụ, Thánh Thi Kinh Sách, thứ Ba, tuần I.
[14] Các Giờ kinh Phụng vụ, Thánh Thi Kinh Sáng, thứ Ba, tuần I.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn