Khi đôi bạn giữ sự trung tín và tôn trọng nhau
trong đời sống vợ chồng, họ trở nên
chứng nhân “Tin mừng về gia đình”.
Để khi nhìn vào các gia đình Kitô giáo
thiên hạ phải đặt câu hỏi:
tại sao họ có thể sống hiệp nhất, yêu thương, tôn trọng
và trung tín với nhau như thế?
trong đời sống vợ chồng, họ trở nên
chứng nhân “Tin mừng về gia đình”.
Để khi nhìn vào các gia đình Kitô giáo
thiên hạ phải đặt câu hỏi:
tại sao họ có thể sống hiệp nhất, yêu thương, tôn trọng
và trung tín với nhau như thế?
Nét Bút Chì
Hôn nhân thường gắn liền với ước
vọng trăm năm hạnh phúc hay hạnh phúc bên nhau đến đầu bạc răng long. Vợ chồng
gắn bó với nhau bền chặt làm nên vẻ đẹp tuyệt vời của đời sống hôn nhân. Đó là
điều mà con người trong mọi thời luôn mong ước. Thế nhưng, làm thế nào để đôi
hôn phối giữ mãi nét đẹp của đời sống hôn nhân gia đình? Trung tín và tôn trọng
nhau là điều cần thiết để dệt nên nét đẹp trong đời sống hôn nhân và gia đình.
Thật vậy, trung tín và tôn trọng
là hai thực tại gắn liền với nhau làm nên nét đẹp trong đời sống hôn nhân. Bởi
khi giữ sự trung tín, đôi bạn thấy cần phải tôn trọng nhau: cả ưu lẫn khuyết,
cả thành công lẫn thất bại, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe. Còn khi tôn
trọng nhau, đôi bạn sẽ thấy được sự cần thiết của người này đối với người kia “người
nữ là ‘trợ tá’ cho người nam cũng như người nam là ‘trợ tá’ cho người nữ, để
giúp nhau chu toàn các bổn phận trong đời sống hôn nhân gia đình.
Khi đôi bạn giữ được nét đẹp
trong đời sống hôn nhân thì họ sẽ trở thành chứng từ sống động của “Tin mừng về
gia đình”, đồng thời trở thành men của sự sống mới cho xã hội.[1] Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô
thì chính khi đôi bạn sống hạnh phúc trong đời hôn nhân thì Tin mừng về gia
đình mở rộng lịch sử thế giới này, từ lúc tạo thành con người theo hình và
giống Thiên Chúa (x. St 1, 26-27) tới lúc hoàn tất mầu nhiệm Giao ước trong Đức
Kitô vào ngày tận thế với tiệc cưới Chiên con (x. Kh 19,9).[2]
Trung
tín
Thiên Chúa đã yêu thương con
người bằng một tình yêu vĩnh viễn không lay chuyển. Khi vợ chồng nỗ lực sống
yêu thương và trung tín với nhau thì vợ chồng phản ánh tình yêu Thiên Chúa đối
với con người cũng như tình yêu Đức Kitô đối với Hội thánh.
Thiên Chúa luôn trung tín vì đó
là bản chất của Người: “Nếu ta không trung tín, người vẫn một lòng trung tín,
vì Người không thể nào chối bỏ chính mình”.[3] Xuất phát từ tình yêu và
sự trung tín ấy, Thiên Chúa đã ký kết với dân Người một giao ước: giao ước mà
Thiên Chúa hứa sẽ bảo vệ dân Người chọn và đòi họ phải tuyệt đối trung tín với
Người.[4]
Về phía Thiên Chúa, Người hứa
luôn trung tín với giao ước. Dù dân Israel bất trung bội phản, Thiên
Chúa vẫn một mực trung tín, xót thương và tha thứ: “Núi có dời có đổi, đồi có
chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi”.[5]
Khi bước vào đời sống hôn nhân,
hai người nam nữ cũng đến trước mặt Thiên Chúa và Hội thánh để ký kết với nhau
một giao ước.
Tôi là… nhận (anh/em) làm (chồng/vợ) và hứa sẽ
giữ lòng trung thủy với (anh/em), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm
đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng (anh/em) mọi ngày suốt
đời tôi.[6]
Chính giao ước này làm cho đôi
bạn trở thành sở hữu của nhau và cũng trở thành tuyệt đối trung tín với nhau.
Như vậy, hôn nhân vừa là tình
yêu, vừa là giao ước. Tình yêu và giao ước là hai yếu tố quan trọng đan kết
nhau để dệt nên hạnh phúc lứa đôi. Bởi tình yêu đưa tới giao ước và giúp giao
ước được bền chặt. Còn giao ước giúp tìm lại tình yêu và tăng trưởng tình yêu .
Trung tín không chỉ hiểu theo
nghĩa phải luôn luôn ở bên nhau như hình với bóng, nhưng trung tín còn là sự
đòi hỏi từ chính tâm hồn của hai người. Nghĩa là hai tâm hồn luôn hướng về
nhau, thuộc về nhau để niềm vui nỗi buồn của người này sẽ là niềm vui nỗi buồn
của người kia. Từ nay, họ không còn là hai nhưng là một thân thể duy nhất. Nhờ
đó, họ có thể reo lên niềm vui: “đây xương bởi, thịt bởi thịt tôi” (St
2, 23).
Thật vậy, trung tín trong hôn
nhân là điều chính Thiên Chúa đòi buộc đôi bạn phải tuân giữ: “Bởi lẽ đó, người
đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà luyến ái với vợ mình và cả hai sẽ nên một huyết
nhục. Như thế, họ không còn là hai nhưng là một huyết nhục” và Đức Kitô đã kết
luận: “Điều Thiên Chúa đã liên kết loài
người không được phân ly”.[7] Đó cũng là đặc tính căn
bản của hôn nhân Kitô giáo: duy nhất và bất khả phân ly.[8]
Thế giới hôm nay đang phát triển về mọi mặt, các
sản phẩm công nghệ ào ạt ra đời, nâng cấp, khiến con người mãi chạy theo cái
mới, mẫu mã bên ngoài… Điều này đã ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý, suy nghĩ và
lối sống của con người thời đại. Do đó, sống hôn nhân gia đình với lời cam kết
trung tín đến cùng trong thời đại hôm nay quả là một thách đố lớn.
Chuyện ly dị, ly thân là chuyện
đau lòng, buồn tủi cần được che kín “tốt khoe, xấu che” thì hôm nay sự phát
triển của công nghệ thông tin với các trang mạng xã hội, hằng ngày người ta vẫn
đăng tải những câu chuyện tan vỡ gia đình rồi tái hôn của các nhân vật nổi
tiếng hay của các “sao”. Trước những khác biệt hay những khuyết điểm của người
bạn đời người ta dễ dàng tuyên bố: hợp thì sống tiếp, không hợp thì chia tay
đường ai nấy đi. Vâng, những lối suy nghĩ và hành xử như thế đã dần đi vào tâm
khảm con người, làm cho họ không còn coi trọng chữ tín nữa. Một khi chữ tín
không còn được coi trọng và đưa lên hàng đầu thì bức tranh về hôn nhân gia đình
chỉ là màu đen của tan vỡ và đau khổ.
Vậy, để nuôi dưỡng tình yêu trong
sự trung tín, đôi bạn cần học cách yêu từ Thiên Chúa: “yêu cho đến cùng” (Ga 13, 1). Sự trung tín của Thiên Chúa
không phải là những ý niệm hay những hình ảnh trừu tượng. Nhưng lòng trung tín
ấy được thực hiện cách cụ thể nới Đức Giêsu Kitô là trở nên: đồng hình đồng
dạng với con người. Cũng vậy, đôi bạn cần trung tín với nhau không phải là
những lời nói đầu môi chót lưỡi hay bằng những hành động hời hợt bên ngoài.
Nhưng là sự đòi hỏi toàn thể thân xác và tâm hồn trở nên là hình là dạng của
nhau. Vậy, để trở nên là hình là dạng của nhau, điều thiết yếu là sự “hủy mình”
trở nên như người bạn đời của mình. Chính sự hủy mình làm cho đôi bạn đủ sức
mạnh để đón nhận những khuyết điểm, những va chạm và xung khắc, thất bại và rủi
ro, cả những khi tai ương hoạn nạn… Như thế, ta phải hiểu rằng không thể loại
bỏ sự hy sinh trong đời sống hôn nhân gia đình, nhưng trái lại phải sẵn sàng
đón nhận nó để tình yêu vợ chồng thêm sâu lắng và trở thành nguồn vui thân mật.[9]
Thật vậy, sống khía cạnh Thập giá là con đường
duy nhất làm cho đôi bạn trở nên đồng hình đồng dạng của nhau, giúp đôi bạn có
được sự trung tín trong đời sống hôn nhân gia đình. Ngoài ra để nuôi dưỡng tình
yêu trong sự trung tín, đôi bạn cần loại bỏ kẻ thứ ba trong ngôi nhà tình yêu
của mình. Cả người nam và người nữ cần loại bỏ những mối tình quá khứ, đồng
thời không chạy theo những “bóng hồng” để lòng mình không rộn lên nhịp thổn
thức. Tác giả Veron khuyên: “hạnh phúc ở ngay trong gia đình bạn, chớ đi tìm
nơi địa đàng của những kẻ xa lạ”.
Như vậy, trung tín trong đời sống
hôn nhân là điều kiện cần để giữ mãi hạnh phúc lứa đôi. Khi đôi bạn giữ sự
trung tín trong hôn nhân là lúc họ trở nên dấu chỉ giao ước giữa Thiên Chúa với
loài người.
Tôn
trọng nhau
Hôn nhân là sự kết hợp giữa một
người nam và một người nữ trọng sự tự nguyện, bình đẳng, tôn trọng phẩm giá,
quyền lợi và tự do của nhau. Điều này được chính đôi bạn cam kết với nhau trong
ngày thành hôn. Đôi bạn không chỉ hứa tôn trọng nhau trong một thời gian nhất
định, nhưng là tôn trọng nhau “mọi ngày suốt đời”. Tôn trọng nhau lúc thành
công cũng như khi thất bại, lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau
cũng như khi mạnh khỏe. Như vậy, tôn trọng trước hết là nhìn nhận nhau và cả
hai đều quan trọng đối với nhau. Bởi lẽ, người nữ là phần bổ sung của người nam
cũng như người nam là phần bổ sung của người nữ: người nam và người nữ bổ túc
cho nhau, không chỉ về mặt thể lý và tâm lý mà cả về mặt hữu thể. Do đó, khi
người nam và người nữ gặp nhau, thì nhận thức thống nhất của con người được
hình thành, không dựa trên logic tập trung vào mình và khẳng định chính mình,
mà là dựa trên logic tập trung yêu thương và liên đới.[10]
Sự tôn trọng khởi đi từ chính
Thiên Chúa. Bởi lẽ, “Thiên Chúa không thiên vị ai”,[11] vì mọi người có cùng phẩm
giá của những thụ tạo được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa.[12]
Do đó, vinh quang Thiên Chúa đã sáng lên phần nào trên khuôn mặt của mỗi người,
nên phẩm giá của mỗi người trước mặt Thiên Chúa chính là nền tảng đem lại phẩm
giá của con người trước mặt người khác.[13]
Thế nên, để hôn nhân thật sự bền
vững đôi bạn cần tôn trọng phẩm giá của nhau. Mà để làm được điều này đôi bạn
cần xây dựng đời mình trên nền tảng tình yêu. Bởi chính tình yêu là thực tại
căn bản để định nghĩa hôn nhân và gia đình mà mỗi người nam hay nữ, được nhìn
nhận, được chấp nhận và được tôn trọng theo đúng phẩm giá của mình. Từ tình yêu
ấy sẽ nảy sinh những mối quan hệ mà hai bên sẽ trải nghiệm một cách hoàn toàn
không cầu lợi. Thái độ không cầu lợi này “qua việc tôn trọng và cổ vũ phẩm giá
riêng của mỗi người như nền tảng duy nhất có giá trị, có thể được biểu lộ qua
việc chấp nhận nhau thực lòng, gặp gỡ và đối thoại, sẵn sàng cống hiến cách vô
vị lợi, phục vụ quảng đại và liên đới sâu xa.[14]
Một khi đôi bạn tôn trọng nhau và
sẵn sàng cống hiến cho nhau cách vô vị lợi sẽ giúp họ sống đúng vai trò của
mình trong đời sống hôn nhân:
Đối
với người nam
Tình nghĩa vợ chồng đòi buộc
người chồng phải thực sự tôn trọng phẩm giá của người vợ: người nam cần biết
quý chuộng và thực sự yêu thương người phụ nữ với tất cả sự tôn trọng phẩm giá
cá nhân.[15]
Thánh Ambrôxiô khuyên: “Con không phải là chủ của nàng, nhưng là chồng nàng;
nàng được trao cho con để làm vợ chứ không phải làm nô lệ… Hãy đáp lại những
quan tâm nàng đã dành cho con, và hãy biết ơn tình yêu của nàng”[16] Bởi vậy, qua người vợ,
người chồng thấy được ý định của Thiên Chúa: “đàn ông ở một mình thì không tốt,
Ta hãy làm cho nó một trợ tớ tương xứng”.[17] Người chồng cùng có niềm
hạnh phúc như Ađam để reo lên: “Đây xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”.[18] Người chồng không chỉ trở
thành người bạn đời, nhưng còn trở thành người bạn đạo bằng cách yêu thương vợ
một cách tế nhị và mãnh liệt như Đức Kitô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội
thánh.[19]
Đối
với người nữ
Trong gia đình, người phụ nữ được
mời gọi sống sự tự hiến của mình trong vai trò là vợ, là mẹ. Vì vậy, vai trò
làm vợ và làm nội trợ của người nữ có giá trị không thua kém so với vai trò
ngoài xã hội và những nghề nghiệp khác. Điều đó chứng tỏ rằng, người nữ bình
đẳng với người nam về phẩm giá cũng như trách nhiệm.
Như thế, phái nam và phái nữ là
sự phân biệt hai cá thể có cùng phẩm giá, nhưng không phải là sự bình đẳng
tĩnh, vì sự cá biệt của nữ giới khác với sự cá biệt của nam giới, sự khác biệt
trong bình đẳng như thế sẽ làm phong phú và rất cần để giúp cuộc sống xã hội
hài hòa.[20]
Thực vậy, khi vợ chồng tôn trọng nhau trong mối tương quan liên vị, gia đình sẽ
trở thành trường học đầu tiên và không thể thay thế được về đời sống xã hội, là
tấm gương và động lực cho những quan hệ cộng đồng rộng lớn hơn, những mối quan
hệ mang đậm dấu ấn của lòng kính trọng, công lý, đối thoại và yêu thương.[21] Điều này cho thấy, tôn
trọng nhau trong đời sống hôn nhân là điều kiện đủ để dệt nên hạnh phúc lứa
đôi.
“Tin
mừng” về gia đình
Gia đình được xem là tế bào của
xã hội. Gia đình tốt sẽ góp phần làm nên xã hội lành mạnh. Vì vậy, gia đình có
trách nhiệm xây dựng và làm đẹp xã hội. Riêng với các gia đình Kitô hữu “khi
được kết hợp mật thiết với Giáo hội nhờ bí tích Hôn phối, bí tích làm cho gia
đình trở thành “Giáo hội tại gia” hay “Giáo hội thu nhỏ”, gia đình Kitô giáo
được mời gọi trở nên dấu chỉ hiệp nhất trong thế giới, và bằng cách đó, họ thi
hành vai trò ngôn sứ của mình qua việc làm chứng cho Nước Trời và bình an của
Đức Kitô, mà cả thế giới đang trên đường tiến về đích điểm đó.[22]
Trong Tông huấn về những bổn phận
của gia đình Kitô giáo, thánh Gioan Phaolô II
nhắn nhủ các Kitô hữu có bổn phận phải loan báo cách vui tươi và xác
tín, ‘Tin mừng’ về gia đình, vì một cách tuyệt đối, gia đình đang còn và mãi
mãi vẫn cần nghe và cần hiểu ngày càng sâu sắc hơn, những lời đích thực mặc
khải cho gia đình biết chân tính của nó, niềm hăng say và tầm quan trọng sứ
mạng gia đình trong xã hội loài người và trong Hội thánh Thiên Chúa.[23]
Do đó, đôi bạn phải sống và giới
thiệu cho thế giới mô hình gia đình theo Tin mừng Kitô giáo: theo ý định của
Thiên Chúa hôn nhân là nền tảng cho một cộng đoàn lớn hơn, tức là gia đình. Nhờ
hôn nhân mà đôi bạn trở thành cha mẹ, lãnh nhận nơi Thiên Chúa những đứa con.
Khi cha mẹ yêu thương con cái, họ trở thành dấu chỉ hữu hình của tình yêu Thiên
Chúa đối với con người. Khi cha mẹ chăm sóc con cái, họ làm thành một cộng đồng
hiệp thông những ngôi vị. Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô
giáo là hình ảnh sự hiệp thông giữa Ba Ngôi
Thiên Chúa: yêu thương nên một với nhau mà vẫn hoàn toàn tôn trọng sự khác biệt
giữa các ngôi vị. Từ ý nghĩa ấy, ngay giữa lòng cuộc sống, hôn nhân và gia
đình, toàn bộ những tương quan liên vị như tình vợ chồng, tình phụ mẫu, tình
con thảo, tình anh em được kết dệt; và nhờ đó, mỗi ngôi vị được dẫn vào trong
‘gia đình nhân loại’ và gia đình Thiên Chúa là Hội thánh.[24]
Trong một xã
hội mà gia đình đang bị đe dọa bởi nạn ly dị và những trào lưu trái với luân
lý, các gia đình Kitô hữu vẫn phấn đấu trong mọi khó khăn của cuộc sống để giữ
gìn nét đẹp gia đình Kitô giáo theo khuôn mẫu đời sống hiệp thông của Ba Ngôi
Thiên Chúa,[25]
thì họ sẽ là một ánh lửa soi sáng và sưởi ấm, một sự khuyến khích cho các gia
đình khác[26]
Kết
luận
Hôn nhân không chỉ đơn sơ là lễ
nghi làm trong Nhà thờ, với hoa, với áo cưới và hình chụp…[27] Nhưng hôn nhân được đo
lường bằng tình yêu mà đôi bạn dành cho nhau và được trải nghiệm bằng thời
gian. Cha Nguyễn Tầm Thường viết: “tình yêu không tách rời khỏi thời gian, mà
thời gian thì luôn đổi mới. Bởi thế, tình yêu không thể chọn lựa một lần là
xong, cưới nhau một lần là đủ, tình yêu cần rửa tội mỗi ngày, cưới nhau mỗi
sáng.”
Thế nên, để đời sống lứa đôi được
đẹp mãi, đôi bạn cần diễn tả tình yêu cách cụ thể qua sự trung tín và tôn trọng
nhau trong đời sống vợ chồng. Bởi lẽ, khi trung tín, đôi bạn làm cho giao ước
họ ký kết với nhau trở nên sống động trong từng ngày sống; còn tôn trọng là
nghệ thuật làm mới tình yêu của họ mỗi ngày. Như vậy. trung tín và tôn trọng
nhau là điều kiện cần và đủ để làm nên nét đẹp trong đời sống hôn nhân gia
đình.
Khi đôi bạn giữ sự trung tín và
tôn trọng nhau trong đời sống vợ chồng, họ trở nên chứng nhân “Tin mừng về gia
đình”. Để khi nhìn vào các gia đình Kitô giáo thiên hạ phải đặt câu hỏi: tại
sao họ có thể sống hiệp nhất, yêu thương, tôn trọng và trung tín với nhau như
thế?[28]
Đăng nhận xét