Đồng hành thiêng liêng là gì?


Phêrô Trần Khắc Hoan, Tu hội Gioan Tiền Sứ
 Giuse Phạm Thế Hoàn, Tu hội Vinh Sơn


Cuộc sống hiện đại, tuy phát triển nhưng cũng phát sinh rất nhiều căng thẳng, khó khăn. Do chịu nhiều áp lực cuộc sống nên chúng ta rất cần những bàn tay nâng đỡ chia sẻ. Việc nâng đỡ không chỉ trong vật chất mà nâng đỡ tinh thần cũng vô cùng cần thiết. Một trong những việc làm đó là việc đồng hành thiêng liêng. Tưởng chừng việc đồng hành chỉ là một việc bắt nguồn từ việc nhu cầu thời đại nhưng nó lại mang một nền tảng vô cùng sâu xa. Việc đồng hành bắt nguồn từ Cựu ước thời các Tổ phụ. Chúa tiếp tục đồng hành với dân qua biến cố xuất hành. Ngài cũng đồng hành trong thời lưu đày. Rồi chính Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, đã có những cuộc đồng hành với dân Người. Cho tới thời nay, việc đồng hành mang một ý nghĩa mới. Ở đây, chúng ta chỉ tìm hiều khái niệm: Đồng hành Thiêng là gì?
1.1.  Về mặt từ ngữ
Trước đây việc đồng hành thiêng liêng được gọi với cái tên là “Linh hướng”. Linh là linh thiêng, hướng là dẫn dắt. Linh hướng là dẫn dắt về mặt thiêng liêng.[1] Việc linh hướng gồm có cha linh hướng và người thụ hướng. Cha linh hướng là vị linh mục hướng dẫn người khác về mặt thiêng liêng, giúp họ nhận ra ý Chúa và vươn tới sự thánh thiện bằng những lời khuyên khôn ngoan. Do đó, Vị linh hướng cần có sự khôn ngoan, kinh nghiệm về đời sống thiêng liêng, có kiến thức cần thiết về các môn Thánh khoa; có khả năng lắng nghe, cẩn mật, hướng dẫn có phương pháp và nhất là có một đời sống thánh thiện.
“Linh hướng” theo pháp ngữ là direction spirituelle hay theo anh ngữ spiritual direction. Linh hướng thường được hiểu là hướng dẫn tâm linh. Theo nghĩa này thì việc linh hướng bao gồm việc hướng dẫn, chỉ dạy... tác vụ này hàm chứa việc người thụ huấn bắc buộc phải nghe theo vị linh hướng một cách tuyệt đối. Như thế, vô hình đã đánh mất vai trò vô cùng quan trọng là Chúa Thánh Thần.
Ngày nay, việc linh hướng hướng chiều về việc đồng hành hơn nên vị linh hướng không nhất thiết là một linh mục mà có thể là bất cứ ai. Miễn là người đó có khả năng và điều kiện cần thiết để dẫn dắt người thụ hướng nhận ra ý Chúa. Từ “Đồng hành” (accompagnement) hay khoa tâm lý còn sử dụng từ “Tư vấn” (counseling). Theo nghĩa này, có sự tôn trọng hơn đối với cả người linh hướng và người thụ hướng. Ngoài ra, cả hai bên cũng cần lắng nghe tiếng Thánh Thần, điều này đảm bảo cho việc nhận ra đúng thánh ý Thiên Chúa.
 1.2. Giáo hội với việc linh hướng
Công đồng Vaticano II trong sắc lệnh về mục tử Christus Dominus, số 8 dạy: “Việc đào tạo tu đức phải gắn liền với việc học hỏi về giáo thuyết và mục vụ, đồng thời, với sự giúp đỡ của Vị linh hướng”. Các chủng sinh phải có một vị điều hành do họ tự do chọn lựa cho đời sống thiêng liêng của mình, để họ có thể tin tưởng và tỏ bày lương tâm.[2] Linh hướng nhắm thẳng đến tương quan thật của một người với Chúa.[3] Bởi thế, chúng tôi định nghĩa việc linh hướng trong Kitô giáo là sự giúp đỡ mà các Kitô hữu mang đến cho người khác để giúp người ấy chú ý đến Thiên Chúa, Đấng nói riêng với người ấy, để giúp người ấy trả lời Chúa, có thể sống thân mật với Chúa và lãnh nhận các hậu quả của mối quan hệ ấy.[4]
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis đã nói về việc giúp các ứng sinh phân định ơn gọi của mình: “Công việc diễn giải nhằm phân định điều thiện điều dữ, phân biệt những dấu chỉ hy vọng và những đe dọa, không phải luôn dễ dàng”.[5] Việc đồng hành là một tiến trình giúp người đồng hành nhận ra ý Chúa, nhận ra những sự thiện, nên công việc này không dễ chút nào. Do đó, việc đồng hành phải thường xuyên và lâu dài. Ngay cả đối với những ứng sinh đã chịu chức linh mục, thánh Gioan Phaolô II cũng đề cập đến: “Cần tạo lập một cơ cấu nâng đỡ đặc biệt với những cố vấn và những giáo sư thích ứng”.[6]
Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Phaxicô nhắc đến: việc đồng hành cá nhân trong tiến trình trưởng thành. “Giáo hội phải hướng dẫn các thành viên của mình - linh mục, tu sĩ và giáo dân về nghệ thuật đồng hành, để tất cả mọi người luôn cởi giầy mình ra trước đất thánh của kẻ khác (x. Xh 3,5)”.[7] Đức Giáo hoàng còn đề cập đến việc đồng hành tinh thần phải luôn hướng về Thiên Chúa, bởi nơi Người ta mới có tự do đích Thực. Do đó, ai đồng hành sẽ nhận ra được hoàn cảnh từng người trước mặt Thiên Chúa. Đồng hành phục vụ cho sứ vụ truyền giáo.
Tóm lại, việc linh hướng là tối cần thiết để một ứng viên lên chức thánh. Ngày nay, việc linh hướng thiêng về việc đồng hành thiêng liêng nên đối tượng được mở rộng hơn. Không chỉ là các ứng sinh linh mục hay một tu sĩ nhưng việc linh hướng còn cần thiết cho hết những ai muốn tìm ra thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời mình và muốn dấn thân trên con đường hoàn thiện bản thân.
1.3. Khái niệm việc đồng hành thiêng liêng ngày nay
Trong phần tìm hiểu về khái niệm này, người viết xin nói khái quát về việc đồng hành thiêng liêng là gì; phân tích sơ những nét chính yếu trong khái niệm; và cuối cùng phân biệt việc đồng hành thiêng liêng với một số ngành thường gây lẫn lộn. Điều đó có thể phần nào giúp người đọc có một cái nhìn sơ khởi về việc đồng hành thiêng liêng ngày nay.
Khái niệm về việc đồng hành thiêng liêng:
Chúng ta có thể hiểu nôm na đồng hành thiêng liêng là việc gặp gỡ đối thoại thân thiện giữa hai người trong mối tương quan ngôi vị, để cùng giúp nhau đạt tới sự tự do của con cái Chúa, sự hoàn thiện Kitô giáo, thông qua việc lắng nghe, phân định, và đặc biệt cùng nhau cầu nguyện.[8]
Chúng ta có thể hiểu định nghĩa này qua ba khía cạnh: thứ nhất việc gặp gỡ đối thoại giữa hai ngôi vị, thứ hai cùng nhau đạt tới sự hoàn thiện trong tự do, cuối cùng là cách thức để đạt được kết quả qua việc lắng nghe, phân định và cầu nguyện.
Việc đối thoại giữa các ngôi vị
Đồng hành thiêng liêng như một nghệ thuật hướng dẫn các linh hồn. Việc hướng dẫn mang tính cách trường kỳ, tiệm tiến, từ khởi đầu đời sống thiêng liêng cho đến khi đạt đến đỉnh cao của sự hoàn thiện Kitô giáo.[9] Linh hướng là một trong những thuật ngữ nói nhiều nhất mà Giáo hội thừa hưởng từ truyền thống. Nhưng trong bối cảnh văn hóa hiện nay, nó cũng là một trong những từ ngữ mơ hồ. Khi nói đến linh hướng người ta thường mường tượng ra một ông già, mặc áo thụng có mũ, mắt cúi xuống đất, tay giấu trong trong những ống tay áo, với nét mặt khắc khổ.[10] Ông đưa ra những lời khuyên hay mạnh hơn là mệnh lệnh cho ngươi đối diện phải thực hiện. Quan niệm đó vô hình chung bóp nghẹt mối tương quan Ngôi vị. Do đó việc đồng hành ngày nay, một thái độ đối thoại trong tôn trọng để tìm ra thánh ý Chúa là tối cần thiết. Việc nhận ra Chúa không phải là một ông chủ nghiêm khắc nhưng là một người Cha yêu thương luôn lắng nghe lời con cái thì thật có ích cho người thụ hướng.
Cùng nhau đạt tới sự hoàn thiện
Đồng hành là việc lắng nghe người thụ hướng bộc lộ những vấn đề cầu nguyện, đời sống nội tâm. Người đồng hành từng bước đưa dẫn người được hướng dẫn có mối tương quan với Thiên Chúa đồng thời nhận ra được Chúa Thánh Thần vị hướng dẫn mình.[11]
Việc kết hiệp với Chúa luôn là mục tiêu cuối cùng của cả người người đồng hành lẫn người được đồng hành. Do đó, việc đồng hành hiệu quả phải đưa cả hai đạt tới sự hoàn thiện. Người đồng hành rất cần có kinh nghiệm về Chúa thì mới giúp cho người thụ hướng gặp được Chúa.
Cách thức tiến hành qua việc lắng nghe,
phân định và cầu nguyện
Việc đồng hành dựa trên việc lắng nghe, phân định và cầu nguyện, điều đó giúp cho người thụ hướng huấn luyện chính mình để vâng phục ý Chúa. Lắng nghe còn là chấp nhận lời phê bình có tính xây dựng đến từ bên ngoài[12] để có những phân định đúng đắn.
Theo gương của Samuel (1Sm 8,1-22) ta có thể tóm một tiến trình phân định như sau:
Bình thản lắng nghe yêu sách không bày tỏ nỗi bực tức cũng không tự ý đưa ra câu trả lời.
Thời gian chờ đợi bằng cách khẩn cầu Đức Chúa như tư thế sẵn sàng nội tâm.
Câu trả lời cho yêu sách phát sinh từ cầu nguyện. Chấp nhận câu trả lời này, thậm chí có khi câu trả lời xem ra trái với tâm tư tình cảm của mình. [13]
Để phân định đúng đắn theo Thần khí thì điều kiện tiên quyết đó là việc cầu nguyện. Thánh Phaolô khẳng định: “Chính Thần khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,16). Môsê luôn cầu nguyện với Chúa trước khi đưa ra một quyết định; Salômon cầu nguyện cùng Chúa xin ơn khôn ngoan; hay Phaolô nhiệt thành luôn thân tình với Chúa Kitô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi nhưng là Đức Kitô sống trong tôi”.[14]
2.1. Phân biệt tâm lý và tâm linh[15]
Hai chiều kích tâm lý và tâm linh thường đan xen vào nhau trong cùng một con người. Bởi vì con người là một thực thể thống nhất thần trí-xác-hồn, là “tinh thần nhập thể” nên rất khó phân biệt giữa hai chiều kích này. Ân sủng không phá đổ tự nhiên nhưng trở nên nền móng vững chắc giúp tự nhiên vươn lên cao hơn. Tuy nhiên, trong việc phân định Thần khí có những hiện tượng thần bí đích thực bắt nguồn từ tự nhiên nhưng lại mang dáng dấp siêu nhiên. Do đó, cần đến nguyên tắc phân định “bất mâu thuẫn”.
Do con người khó nắm bắt hết được tự nhiên nên khi một người nói có những cảm nghiệm khác thường thì cần phân biệt đâu là tâm lý và đâu là tâm linh. Một số hiện tượng tâm lý thường hay xảy ra như: các nhân tố sinh lý, óc tưởng tượng, suy nhược hay đau bệnh, đặc biệt là rối loạn thần kinh. Người đồng hành phải hết sức thận trọng giúp người được mình đồng hành nhận ra sự thật về mình, nhận ra thánh ý Thiên Chúa, để sống trong tình thương của Thiên Chúa và tha nhân.
2.2. Phân biệt giữa siêu ngã và tâm linh[16]
Siêu ngã là một phần nhân cách của con người, nó kiểm soát và chi phối những hoạt động của con người, mà nhiều khi không thể nào cưỡng lại được. Có những trường hợp bị siêu ngã thống trị chi phối hoàn toàn đời sống của họ. Những người này mất đi khả năng phân định đâu là biểu hiện của siêu ngã, đâu là biểu hiện của đời sống tâm linh đích thực. Nhiều khi do mặc cảm tội lỗi đè bẹp, người thụ hướng không chấp nhận được bản thân mình.
Công việc của người đồng hành là làm sao giúp cho người thụ hướng hòa giải với chính mình, với tha nhân, với Thiên Chúa; hoàn toàn chấp nhận những yếu đuối của bản thân trong thái độ khiêm tốn và bình an. Thánh Phaolô đã nói rằng: “[...] vì chính lúc tôi yếu là lúc tôi mạnh”.[17] Khi nhận ra được và thoát khỏi sự kiềm tỏa của siêu ngã, họ sẽ nhận ra được Thiên Chúa là Cha nhân từ luôn yêu thương, tha thứ. Họ sẽ có một thái độ đáp trả đúng đắn.
2.3. Phân biệt với tư vấn tâm lý hay trị liệu tâm lý[18]
Con người ngày nay chịu rất nhiều áp lực và tình trạng căng thẳng (stress) ngày càng phổ biến. Những biến động của công nghiệp làm cho những sự phân bổ nông thôn và thành thị bị rối loạn, kéo theo sự đổ vỡ của các gia đình. Con người bị xô lệch khó có thể tìm lại được trạng thái quân bình. Do đó, cần rất nhiều sự can thiệp của các chuyên gia tâm lý.
Chúng ta cần xác định rõ, công việc của các chuyên gia tâm lý chính yếu là tư vấn, điều chỉnh những rối loạn cảm súc. Còn đồng hành thiêng liêng là điều chỉnh rối loạn về đời sống tâm linh và luân lý.[19]
Tư vấn tâm lý thỏa mãn yêu cầu về tâm lý, xã hội. Đồng hành thiêng liêng giúp họ tìm ra ý Chúa và đi đúng con đường Chúa muốn.
Những người xin tư vấn tâm lý tìm lời khuyên và những giải pháp cấp thời cho tình trạng căng thẳng của họ. Đồng hành thiêng liêng không chỉ là lời khuyên cấp thời nhưng là một hành trình mà đích điểm là Thiên Chúa.
Trong tư vấn, người tư vấn đóng vai trò vô cùng quan trọng hay có thể nói là quyết định. Trong đồng hành thiêng liêng, người đồng hành là người hướng dẫn hay người đưa đò, còn vai trò chính vẫn là Thiên Chúa.
2.4. Đồng hành thiêng liêng với tư vấn mục vụ[20]
Chúng ta thường lầm tưởng giữa tư vấn mục vụ và đồng hành thiêng liêng là một. Tuy nhiên, mục đích của các nhà tư vấn mục vụ giúp các Kitô hữu giải quyết những vấn đề của họ sao cho phù hợp với tinh thần của Đức Kitô theo như giáo huấn của Tin mừng và của Giáo hội. Việc tư vấn mục vụ được xây dựng trên cơ sở một bên là người giúp đỡ, một bên là người tìm sự trợ giúp. Thật khó có thể phân biệt hai lãnh vực trên vì cả hai đều giả định người tư vấn, đồng hành đều phải có một đức tin, cùng quy hướng về Đức Giêsu có sự am hiểu, kinh nghiệm về Thiên Chúa.
Dựa vào các định nghĩa về tư vấn, chúng ta có thể phân biệt phần nào công việc tư vấn với đồng hành thiêng liêng. Việc đồng hành giúp cho người ta lớn lên trong đời sống thiêng liêng, thông qua mối tương quan sâu sắc với Thiên Chúa, nhận ra kế hoạch Người đang làm trên chính bản thân họ. Việc tư vấn là tương quan giúp đỡ còn việc đồng hành quan tâm đến cách mà người ta tương quan với Thiên Chúa và người khác.
3.1. Sự trưởng thành đời sống tâm linh
Sự trưởng thành ở đây nhắm đến người được đồng hành là chủ yếu, trưởng thành về cả tâm lý lẫn tâm linh trong một cá nhân toàn thể (all person). Việc trưởng thành là kết quả nhận được từ ơn Chúa Thánh Thần qua việc gặp gỡ tâm sự với người đồng hành. Sự trưởng thành này không dựa dẫm vào người khác, mà phải là sự nỗ lực cá nhân trong tự do và trách nhiệm trong mọi hành vi của mình.[21] Cần sự nhận thức rõ về chính mình (biết mình) qua các biến cố, và những gì xảy đến trong tôi. Tôi cần phải “giác ngộ”, chứ không phải chỉ theo người giác ngộ. Cần nhìn mặt trăng chứ không phải cứ đứng đó mà nhìn “ngón tay chỉ mặt trăng”. Biết rõ những chuyển biến trong tâm hồn và học cách điều chỉnh các xung năng trong con người, nhằm làm cho đời sống trở nên cân bằng và khám phá những chân lý.
3.2. Sống ơn gọi và sứ mạng
Trong quá trình đồng hành, người đồng hành đã tiếp cận và đối thoại cách cởi mở, đã dẫn người thụ hướng vào trong bầu khí thoải mái nhất, hầu có thể cầu nguyện cùng Chúa. Người thụ hướng mạnh dạn bộc lộ nỗi ưu tư khắc khoải của mình với vị linh hướng, vị này đã lắng nghe và giúp người thụ hướng gỡ rối tơ lòng, thấy được con người thật của mình, can đảm đối diện với chính mình và tha nhân. Nhưng vị linh hướng không bao giờ giải quyết vấn đề thay, mà chỉ giúp người thụ hướng chấp nhận mình, chấp nhận người khác… dẫn người thụ hướng đến với Chúa Giêsu vị thầy toàn hảo và cũng là Người có khả năng lấp đầy mọi hố sâu trong lòng con người. Như vậy, “biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”, người đồng hành biết mình để trở nên mọi sự cho người khác. Người được đồng hành sẽ xác định được ơn gọi của mình cách chính xác, để sống sứ mạng ấy cách tích cực trong chính hoàn cảnh mình đang sống.
Kết luận
Đồng hành thiêng liêng là công việc khó khăn. Khó khăn không chỉ là sự phức tạp trong những cuộc gặp gỡ, là khả năng giới hạn của người đồng hành, là tâm hồn đầy xáo động và khao khát của người thụ hướng..., mà sự khó khăn còn là làm sao tìm ra ý Chúa. Không dễ dàng để khẳng định đây là ý Chúa, đây không phải là ý Chúa. Như thế, để việc đồng hành thiêng liêng có kết quả, cả người đồng hành và người được đồng hành cần có đời sống cầu nguyện, kết hợp với Chúa trong đức tin. Sau hết, người đồng hành và người được đồng hành hãy để cho Chúa Thánh Thần tác động và hãy mở lòng đón lấy sự tác động của Người. Chính Thánh Thần là Đấng luôn hướng dẫn đời sống chúng ta, giúp chúng ta dõi bước theo Người.


[1] Xc. Từ điển Công giáo của UB Giáo lý Đức tin, thuộc HĐGMVN, tr. 534.
[2] Bộ Giáo Luật 1983, Điều 246 khoản 4.
[3] W. A. Bary- W. J. Connolly, Tập Làm Linh Hướng, tr 20.
[4] Sđd., tr 21.
[5] Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, Số 10.
[6] Sđd., số 76.
[7] Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, Số 169-173.
[8] Phạm Quốc Văn, Trên Đường Emmaus, tr 16-17.
[9] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 17.
[10] Xc. W. A. Bary- W. J. Connolly, Sđd., tr 22.
[11] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 29.
[12] Phạm Quốc Văn, Tự Đào Tạo Và Đào Tạo Khả Năng Phân Định, tr 4.
[13] Sđd., tr 5.
[14] Gl 2,19b-20.
[15] Phạm Quốc Văn, Trên đường Emmaus, tr 20.
[16] Sđd., tr 22.
[17] 2Cr 12,10.
[18] Xc. Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 25.
[19] Sđd., tr 26.
[20] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 27.
[21] Phạm Quốc Văn, Sđd., tr 49-50.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn