Toàn bộ
đời sống Kitô giáo
mang dấu ấn của tình yêu hôn nhân giữa Đức Kitô và Hội thánh. Trong ý nghĩa này, phẩm giá và vẻ đẹp của đời đôi bạn
thật sáng ngời và đáng trân quý biết bao.
Chính phẩm giá và vẻ đẹp này phản ánh tình yêu của Thiên Chúa, “cứu độ” cộng đồng nhân loại
và đang kiến tạo cho thế giới nền văn minh tình thương và sự sống.
mang dấu ấn của tình yêu hôn nhân giữa Đức Kitô và Hội thánh. Trong ý nghĩa này, phẩm giá và vẻ đẹp của đời đôi bạn
thật sáng ngời và đáng trân quý biết bao.
Chính phẩm giá và vẻ đẹp này phản ánh tình yêu của Thiên Chúa, “cứu độ” cộng đồng nhân loại
và đang kiến tạo cho thế giới nền văn minh tình thương và sự sống.
Quốc
Văn, OP.
Dẫn Nhập
Câu chuyện hôn nhân và
gia đình là câu chuyện dài nhiều tập. Nghe câu chuyên này, có người đã khôi hài
thốt lên: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” Đúng là ai cũng biết, nhiều người khổ,
và cũng tốn biết bao giấy mực cho đề tài này rồi, nhưng nói mãi cũng chẳng hết
được! Trong bài viết này, chúng tôi xin bàn đến phẩm giá và vẻ đẹp của đời sống đôi bạn. Phẩm giá và vẻ đẹp này
ngày càng trở nên lu mờ trong xã hội hiện đại của chúng ta. Công đồng Vaticanô
II đã dạy thật chí lý rằng:
Sự lành mạnh của con người cũng như xã hội nhân loại và Kitô
giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đoàn hôn nhân và gia
đình. Do đó, cùng với tất cả những ai tán dương các cộng đoàn hôn nhân và gia
đình, người Kitô hữu thành thực vui mừng trước những trợ lực khác nhau giúp con
người ngày nay tiến tới trong việc cổ võ cộng đoàn yêu thương ấy cũng như trong
sự tôn trọng đời sống; những trợ lực ấy còn giúp đỡ các đôi vợ chồng và các bậc
làm cha mẹ trong sứ mệnh cao cả của họ. Người Kitô hữu còn mong đợi và nỗ lực
thực hiện những thành quả tốt đẹp hơn.
Nhưng phẩm giá của định chế ấy không phải ở đâu cũng sáng tỏ
như nhau, vì đã bị lu mờ bởi chế độ đa thê, nạn ly dị, bởi cái mà người ta gọi
là tự do luyến ái, cùng những hình thức lệch lạc khác. Hơn nữa, tình yêu hôn
nhân rất thường bị hoen ố vì lòng ích kỷ, khoái lạc chủ nghĩa và những lạm dụng
bất hợp pháp cản trở sự sinh sản. Ngoài ra, các hoàn cảnh hiện tại về kinh tế,
xã hội, tâm lý và chính trị đang gây cho gia đình những xáo trộn trầm trọng.
Sau hết, tại một vài nơi trên thế giới, người ta không khỏi lo lắng nhận thấy
những vấn đề được phát hiện do sự gia tăng dân số. Tất cả những điều ấy đang
làm khắc khoải lương tâm con người.[1]
Cùng với niềm vui mừng và cả nỗi âu lo, chúng ta tái khám phá phẩm
giá và vẻ đẹp của đời sống hôn nhân và gia đình, đồng thời tìm mọi phương cách
để kiến tạo và gìn giữ phẩm giá và vẻ đẹp thánh thiêng đó.
Phẩm
giá và vẻ đẹp
của đời sống hôn nhân và gia đình
của đời sống hôn nhân và gia đình
Đâu là phẩm giá và vẻ
đẹp của đời sống hôn nhân và gia đình? Để khám phá phẩm giá và vẻ đẹp này,
trước hết chúng ta trở về với những mặc khải căn bản của Kinh thánh, thứ đến
chúng ta khám phá phẩm giá và vẻ đẹp của hôn nhân gia đình như một bí tích; và
sau cùng, theo giáo huấn của Công đồng Vatican II, chúng ta cần xác định rằng
hôn nhân gia đình là một nẻo đường nên thánh.
Một khóe nhìn từ Kinh
thánh
Kinh thánh đã đề
cập đến hôn nhân và gia đình ngay từ những trang đầu (x. St 1,27-28;
2,18-25). Điều này cho thấy, hôn nhân không chỉ là một định chế thuần
túy của con người, mà trước hết hôn nhân còn nằm trong chương trình
của Thiên Chúa, khi Người dựng nên con người có nam có nữ, và mời gọi
họ: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều,
đầy mặt đất, và thống trị nó” (St 1,28).[2]
Đón nhận mặc khải của
Thánh kinh, Giáo hội Công giáo luôn trân trọng các gia đình và xác tín rằng gia
đình là một đơn vị thánh, đơn vị xã hội căn bản được chính Thiên Chúa tạo dựng
và chúc lành:
Lúc khởi đầu
công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế,
người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương
một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy,
sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly (Mc 10,6-9).
Không phải đến thời
Chúa Giêsu hôn nhân và gia đình mới được thành lập và chúc phúc; thực ra, kể từ
ông Ađam và bà Evà, thuở tạo thiên lập địa, gia đình đã được thành lập và chúc
phúc! Bởi đó, dù trải qua bao thăng trầm lịch sử, gia đình vẫn luôn là nền tảng
căn bản để nâng đỡ và xây dựng cuộc sống nhân loại trong cảm thông và yêu
thương. Hơn bất cứ điều gì, gia đình phải chính là tổ ấm tình yêu để đặt nền
tảng cho mọi thứ tình yêu khác.
Thật thế, qua Kinh
thánh chúng ta khám phá ra rằng người nam, người nữ được tạo dựng cho nhau, như
chính lời Chúa phán: “Con người ở một
mình thì không tốt”. “Vì thế, người
nam lìa cha mẹ mình mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt”
(St 2,24). Người nữ là “xương thịt bởi
xương thịt” người nam, bình đẳng và gần gũi với người nam. Sự kết hợp bền
vững giữa hai người nam nữ được Đức Kitô nói rõ khi Người nhắc lại ý định “từ
nguyên thủy” của Đấng sáng tạo: “Họ không
còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.” (Mt 19,6).
Qua những trình thuật
Kinh thánh ở trên, chúng ta nhận ra phẩm giá và vẻ đẹp của đời đôi bạn được
diễn tả qua kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, sự bình đẳng, sự bổ túc và kiện
toàn cho nhau giữa vợ với chồng. Xu hướng người nam và người nữ tìm đến nhau
chính vì bên này thấy bên kia là một phần thân thể của riêng mình. Sự diễn tả
của Kinh thánh làm nổi bật mối dây ràng buộc tình yêu vợ chồng bền chặt keo sơn
hơn cả tình ruột rà máu mủ; một mối dây thủy chung son sắt vẹn toàn không thể
tách rời, chia ly. Chính vì thế, Thiên Chúa đã dùng hình ảnh hôn nhân để diễn
tả tình yêu của Người đối với nhân loại chúng ta. Hệ quả của mối tương quan
nhân-thần này diễn tả qua hành vi thờ phượng Thiên Chúa, hành vi này được ví
như một cuộc hôn nhân chính thức, không bao giờ khoan nhượng cho bất cứ hình
thức hôn nhân bất hợp pháp hay thất trung nào khác. Thiên Chúa đã đón nhận dân
Israel làm dân riêng của Người qua Giao ước Sinai. Vì thế, Người không chấp
nhận dân ấy đi “đàng điếm với các tà thần”:
“Ngươi sẽ không thờ lạy thần nào khác” (Xh
34,14).
Ngôn sứ Hôsê đã diễn
tả thảm kịch thất trung của Israel bằng chính kinh nghiệm cuộc hôn nhân của
mình. Giavê đã trách dân Israel: “Nó đã
không còn là vợ Ta và Ta không còn là chồng nó” (Hs 2,4). Người vợ ở đây
tượng trưng cho dân Israel, một cộng đồng nhân loại vô ơn, bội nghĩa, ngoại
tình, nghĩa là bỏ Chúa mà đi lạy tà thần. Dù vậy, Giavê vẫn một mực yêu nó,
luôn luôn tha thứ và thi ân giáng phúc cho nó; lại còn “quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs
2,16). Hôsê đã giới thiệu Thiên Chúa như một người tình có giàu kinh nghiệm yêu
đương. Người luôn quên hết mọi tội lỗi của con người, quên đi cơn giận của mình
và tìm lại sự hòa giải với người vợ bất trung, tái lập lại nơi nàng một mối
tương quan thân mật và sự thông hiệp mà không một sức mạnh nào trên trần gian
này có thể phá đổ đi được.[3]
Trong sách Tôbia, hôn
nhân cũng được trình bày như một diễm phúc. Sách Tôbia trình bày đời sống đôi
lứa lý tưởng, thủy chung, tin tưởng và kính sợ Thiên Chúa. Đây là một mô hình
đời sống hôn nhân và gia đình hoàn toàn phó thác vào bàn tay Đấng Quan Phòng.
Chính mô hình này hoàn thiện cuộc hôn nhân lý tưởng được trình bày trong sách
Sáng Thế chương 1 và 2.
Khi nói đến những mặc
khải của Thánh kinh về tình yêu đôi lứa, ta không thể không nhắc đến Sách Diễm
Ca. Tác phẩm này diễn tả tình yêu hôn nhân của đôi nam nữ như là giấc mơ của cả
nhân loại, trong đó mọi người đều cảm thấy mình gần gũi và thắm tình huynh đệ
qua kinh nghiệm của người nam và người nữ, kinh nghiệm của cuộc tình đầy vui
thú, sáng tạo và mộng mơ. Đối với Sách Diễm Ca, đời sống lứa đôi là dấu chỉ của
việc xóa tan tính cô đơn và là nguồn mạch của mọi tương quan chân thực với
những người anh chị em của mình.[4]
Vào thời Tân ước, Tin
mừng không nói nhiều đến hôn nhân, hay nói đúng hơn là không dùng những hình
ảnh như trong Cựu ước; nhưng Chúa Giêsu thường gán cho mình danh xưng Chàng rể mà xưa kia các ngôn sứ thường
gán cho Đức Giavê: “Chẳng lẽ khách dự
tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày
chàng rể đã bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay” (Mt 9,15). Khi bắt đầu
đời sống công khai, Chúa Giêsu đã có mặt trong buổi tiệc cưới tại
Cana và đã làm dấu lạ đầu tiên, biến nước thành rượu để niềm vui của
tiệc cưới được nên trọn (xc. Ga 2,1-11). Sự hiện diện này của Đức Giêsu
được Hội thánh hiểu như là một chứng thực của Người đối với giá
trị hôn nhân, đồng thời cũng tiên báo sự hiện diện thường xuyên của
Người trong đời sống hôn nhân và gia đình của nhân loại.
Trong lời rao giảng,
Chúa Giêsu dạy rõ ràng về ý nghĩa nguyên thủy của việc phối hợp
giữa người nam và người nữ như thuở ban đầu Đấng Tạo Hóa đã muốn.
Sự phối hợp này là bất khả phân ly. Mặc dầu, Luật Môsê cho phép rẫy
vợ, nhưng đó chỉ là một biện pháp sư phạm bất đắc dĩ đối với tình trạng luân
lý sa sút của con người, chứ không phải là chính bản chất của luật hôn nhân.[5]
Khi tái lập trật
tự ban đầu của công trình sáng tạo đã bị tội lỗi làm xáo trộn,
Chúa Giêsu đã ban sức mạnh và ân sủng để các đôi vợ chồng sống đời
hôn nhân trong chiều kích mới của Vương quốc Thiên Chúa. Ân sủng của hôn
nhân Kitô giáo là hoa quả của Thánh Giá Đức Kitô, nguồn mạch mọi đời
sống Kitô hữu. Thánh Phaolô cho thấy điều đó khi nói: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ như Đức Giêsu Kitô đã yêu
thương Hội thánh, và hiến mình vì Hội thánh để thánh hóa Hội
thánh” (Ep 5, 25-26). Ngài còn nói thêm: “Bởi thế, người ta lìa bỏ cha mẹ mình mà kết hợp với vợ
mình và cả hai nên một thân xác. Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi
muốn nói về Đức Kitô và Hội thánh” (Ep 5,31-32).
Theo những gì được
trình bày trên thì hôn nhân trong Cựu ước chính là hình ảnh sống động diễn tả
giao ước giữa Thiên Chúa với dân Người; giao ước này được ví như một
cuộc hôn nhân thủy chung, duy nhất (x. Hs 1-3; Is 54; 62; Gr 2-3; 31; Ed 16;
23). Trong Tân ước, hôn nhân được coi là hình ảnh sự kết hợp giữa Đức
Kitô và Hội thánh (Ep 5, 22-23). Đức Kitô được ví như chàng rể của
giao ước mới (Mc 2, 19), còn Hội thánh như cô dâu xinh đẹp, đã được Đức
Kitô yêu thương đến hy sinh mạng sống của mình (Ep 5, 25).
Như vậy, toàn bộ
đời sống Kitô giáo mang dấu ấn của tình yêu hôn nhân giữa Đức Kitô và
Hội thánh. Trong ý nghĩa này, phẩm giá và vẻ đẹp của đời đôi bạn thật sáng
ngời và đáng trân quý biết bao. Chính phẩm giá và vẻ đẹp này phản ánh tình yêu
của Thiên Chúa, “cứu độ” cộng đồng nhân loại và đang kiến tạo cho thế giới nền
văn minh tình thương và sự sống.
Hôn nhân gia đình,
một bí tích
Công đồng Trentô
khẳng định rằng hôn nhân là một bí tích. Hiến Chế Phụng Vụ của Công đồng
Vaticanô II cho chúng ta hiểu rằng: hôn nhân là một bí tích, nghĩa là một
phương thế thần diệu chuyển thông ơn cứu độ, một dấu tích tình yêu của Đức
Kitô, một con đường dẫn đến sự hoàn thiện. Hiến Chế về Hội thánh cũng gọi hôn
nhân là giây tình yêu liên kết hai người và tình yêu này phản ánh tình yêu mầu
nhiệm giữa Chúa Kitô và Hội thánh. Do đó, ta có thể nói hôn nhân Kitô giáo là một
ơn gọi thánh thiện, đồng thời là sứ mệnh cao cả. Điều này có được là nhờ Đức
Kitô. Người nhắc nhở cho ta biết phẩm giá của con người, của tình yêu. Người
chỉnh đốn thánh hóa hôn nhân và đem đến cho hôn nhân vẻ đẹp tôn quý.[6]
Khi một người nam và
một người nữ cùng đến trước bàn thờ Chúa và với sự chứng giám của cộng đoàn Dân
Chúa để kết hôn với nhau, để khởi đầu cuộc sống đôi lứa của mình với phép lành
của Chúa và của Giáo hội, thì tất nhiên điều ấy có nghĩa là họ muốn bày tỏ tình
yêu của họ một cách công khai, và đồng thời họ cùng thiết lập với nhau một giao
ước tình yêu, ngang qua lời thề hứa là sẽ trọn đời yêu thương và tôn trọng
nhau. Chính vì vậy, hôn nhân không chỉ là một khế ước mang tính xã hội, nhưng
còn là một thực tại thánh thiêng.[7]
Quả vậy, khi nói về
hôn nhân, Hiến Chế Phụng Vụ diễn tả hôn nhân Kitô giáo không phải chỉ là một
nghi thức nhưng là một bí tích, nghĩa là một phương thế thần diệu chuyển thông
ơn cứu độ, một dấu tích tình yêu của Đức Kitô, một con đường dẫn đến hoàn
thiện.
Khi hai người lương
kết hôn, hôn nhân của họ có giá trị trước mặt Thiên Chúa ở bình diện tự nhiên
như một giao kết, nhưng chưa phải có giá trị và ân sủng bí tích. Trái lại, khi
hai người Công giáo kết hôn, ngoài tính cách giao kết tự nhiên, hôn nhân của họ
trở thành bí tích và mang lại ơn sủng cứu độ. Ơn sủng này nâng đỡ đôi bạn trong
việc hoàn thành sứ mạng và bổn phận của mình
trong đời sống vợ chồng vừa ở chiều kích tự nhiên, vừa ở chiều kích siêu nhiên.[8]
Giáo hội dạy rằng hôn
nhân được Chúa Giêsu nâng lên hàng bí tích thánh - dĩ nhiên, việc nâng nhắc hôn
nhân lên hàng bí tích thánh không hề làm biến mất tính chất chủ yếu của hôn
nhân; trái lại, tính cách bí tích càng hoàn thiện và thánh hóa tất cả lãnh vực
thuộc hôn nhân, cả đến tình yêu và các sinh hoạt vợ chồng – từ nay, hôn nhân
trở nên một dấu chỉ linh nghiệm nhất định của ơn thánh, đến nỗi giữa những
người tín hữu Công giáo sẽ tuyệt đối không bao giờ có một hôn nhân hữu hiệu và
thành sự, nếu hôn nhân đó không phải là một bí tích. Và chính đôi tân hôn cùng
trao cho nhau bí tích thánh này khi họ công khai kết hôn trước bàn thờ Chúa và
trước sự chứng giám của Giáo hội qua sự hiện diện của thừa tác viên và cộng
đoàn các tín hữu.
Về điểm này, Đức Piô
XII nói với các đôi tân hôn rằng:
Chính các
con là những người ban cho nhau bí tích hôn nhân. Các con tín thác hoàn toàn
nơi Chúa để Người phối hợp các con lại với nhau thành một cộng đồng bất khả
tháo gỡ và tuôn đổ các ơn thánh của Người xuống trên tâm hồn các con, hầu giúp
các con chu toàn các bổn phận của mình một cách bền vững và trung thành.[9]
Không sợ quá lời khi
chúng ta khẳng định rằng hôn nhân Kitô giáo làm bừng sáng lên mầu nhiệm sự kết
hợp giữa Đức Kitô và Giáo hội Người. Nhiệm tích hôn nhân làm cho tình yêu vô
hình và dấu ấn của Đức Kitô đối với dân Người trở thành hữu hình và có thể chạm
tới được. “Sự kết hợp của Đức Kitô với Giáo hội” là mẫu mực của sự kết hợp giữa
hai vợ chồng. Mối dây liên kết mang tính bí tích giữa vợ và chồng phản ánh thực
tại sâu thẳm của tình yêu liên kết giữa Đức Kitô và Giáo hội.[10] Thánh
Phaolô viết trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô: “Mầu
nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Giáo hội” (Ep 5,32).
Thật vậy, hôn nhân Kitô giáo không chỉ là phản ánh của sự hợp nhất của Con
Thiên Chúa với bản tính nhân loại, sự tự hiến tế mình của Đức Kitô trên thập
giá và trong Phép Thánh Thể cũng như sự kết hợp của Người với Giáo hội, nhưng
còn là sự tham phần vào chính tình yêu Thiên Chúa và vào sự hiện diện của tình
yêu ấy trong vũ trụ.
Cũng như tất cả các
bí tích thánh khác, bí tích hôn nhân cũng đã được Đức Kitô giao phó cho Giáo
hội gìn giữ và bảo tồn. Do đó, việc kết hôn giữa một người nam và một người nữ
luôn luôn phải có sự tham gia của Giáo hội; hay nói cách khác, hai người tín
hữu nam nữ Công giáo muốn kết hôn với nhau, thì họ cần kết hôn trước sự chứng
giám của Giáo hội. Và Giáo hội không những cùng đồng hành với đôi tân hôn trong
khi họ cử hành bí tích hôn phối bằng lời cầu nguyện và phép lành của mình,
nhưng Giáo hội còn canh phòng và chứng nhận cho sự hiệu lực của sự kết hôn ấy.
Nhờ hiệu lực của bí
tích Hôn nhân, những đặc điểm chủ yếu của hôn nhân Công giáo là đơn hôn, tức
một vợ một chồng, và sự bất khả tháo gỡ sẽ có được nội dung và vẻ huy hoàng rực
rỡ mới. Đời hôn nhân phản ánh tình yêu vô biên giữa Đức Kitô và Giáo hội, hôn
nhân Công giáo thành sự, tức đã trở thành bí tích, sẽ là một sự phối hợp bền
vững và bất khả tháo gỡ giữa một người nam và một người nữ.
Trong
bài giáo huấn của Đức Piô XII cho các đôi tân hôn ngày 29.4.1942, ngài nói:
Vì hôn nhân
là biểu tượng cho sự hợp nhất giữa Đức Kitô và Giáo hội, nên hôn nhân không thể
khác hơn là bất khả tháo gỡ và luôn bền vững (…). Vì thế, tính chất bất khả
tháo gỡ của hôn nhân chỉ là sự hiện thực điều mà một trái tim tinh tuyền và
lành mạnh hằng khao khát hướng tới, tâm hồn Kitô giáo, và chỉ sự chết mới chấm
dứt được tính cách bất khả tháo gỡ ấy của hôn nhân.[11]
Như thế, hôn nhân
giữa hai người đã được thanh tẩy, được Đức Kitô nâng lên hàng bí tích: “Từ đó tất cả đều được biến đổi”. Thánh
Phaolô nói với những người Kitô hữu muốn thành hôn với nhau rằng: “Anh em đâu còn thuộc về mình nữa” (1Cr
6,19). Là phần tử của Đức Kitô, người này và người kia “trong Chúa”, sự kết hợp
của họ được thực hiện trong Chúa như sự kết hợp của Giáo hội, và đó là “một mầu nhiệm cao cả” (Eph 5, 32), một
dấu chỉ không những chỉ nói lên mầu nhiệm hiệp nhất của Đức Kitô với Giáo hội,
nhưng còn chứa đựng và chiếu ngời điều ấy qua ơn huệ của Chúa Thánh Thần là
linh hồn sống động của mầu nhiệm ấy.[12]
Chúng ta có thể khẳng định rằng hôn nhân
Kitô giáo là bản phác họa hay tiền dự án của Tiệc Cưới Vĩnh Cửu mai hậu trên
Nước Trời, vì thế nó luôn sống trong sự mong đợi Tiệc Cưới Vĩnh Cửu ấy. Nói
cách khác, hôn nhân Kitô giáo mang trong mình tính chất cánh chung. “Quả thế, trong ngày sống lại, người ta
chẳng còn lấy vợ lấy chồng nữa, nhưng trở nên giống như các thiên thần trên
trời” (Mt 22,30). Để sáng tỏ thêm điều này, ta nhớ lại giáo huấn của Đức
Piô XII:
Sợi dây chắc chắn của tình yêu đã ràng buộc các tâm hồn lại với Chúa và
với nhau, thì trong sợi dây tình yêu ấy các đôi vợ chồng cũng sẽ tiếp tục tồn
tại trong cuộc sống mai hậu, cũng giống như chính các linh hồn – mà trong đó
tình yêu đã từng cư ngụ khi sống ở đời này – vẫn tồn tại.[13]
Như vậy, ta có thể
nói, Thiên Chúa đã thiết lập khế ước hôn nhân ngay trong vườn địa
đàng, giữa người nam và người nữ đầu tiên. Còn Chúa Giêsu, Ngài đã
nâng hôn ước đó lên hàng bí tích. Qua bí tích hôn phối, tình yêu của
hai vợ chồng được Thiên Chúa đóng ấn; họ nhận được những ơn siêu nhiên
giúp họ sống ơn gọi hôn nhân và gia đình, và trở nên dấu chỉ mầu
nhiệm Đức Kitô kết hiệp với Hội thánh.[14]
Khi bàn về bí tích
hôn phối, trong một bài giáo huấn của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dạy rằng:
Bí tích hôn phối là một hành động đức
tin và tình yêu to lớn: nó minh chứng cho lòng can đảm dám tin vào vẻ đẹp của
hành động tạo dựng của Thiên Chúa và sống tình yêu đó vốn luôn thúc đẩy đi xa
hơn, xa hơn cả bản thân và còn xa hơn cả gia đình riêng tư của mình. Ơn gọi
Kitô giáo yêu thương không hạn chế và không bến bờ là điều mà với ân điển của
Đức Kitô, nằm trong nền móng của sự ưng thuận tự nguyện làm nên hôn nhân.
Trong một bài giáo huấn khác ngày 6/5/2015, Đức Thánh Cha cũng nhận định rằng:
Đời sống của Giáo hội được phong phú
thêm bởi vẻ đẹp của giao ước hôn nhân này, và bị nghèo nàn đi bất cứ khi nào
giao ước đó bị biến dạng. Giáo hội cần lòng trung thành dũng cảm của các cặp vợ
chồng để cống hiến cho tất cả mọi người quà tặng đức tin, đức cậy và đức mến.
Dân Chúa cần phải đi trong cuộc hành trình đức tin, đức cậy và đức mến
hàng ngày bằng tất cả niềm vui và khó khăn mà con đường này đòi hỏi trong hôn
nhân và gia đình.[15]
Hôn nhân gia đình,
một ơn gọi nên thánh
Công đồng Trentô
khẳng định hôn nhân là bí tích, còn Công đồng Vaticanô II trình bày hôn nhân
như một ơn gọi. Khẳng định hôn nhân là một ơn gọi nên thánh theo cách thế riêng
là điều mới mẻ của Công đồng. Trước đó đã có lúc người ta nghĩ sự thánh thiện
là đặc ân chỉ dành cho một số ít được đặc tuyển mà thôi.
Như vậy, Vaticanô II
muốn chỉ cho đôi bạn thấy một con đường, một linh đạo riêng biệt của hôn nhân
gia đình. Con đường này giúp đôi bạn ý thức
cuộc sống mình đã chọn không phải là tiến trình sinh trưởng của cấp sinh
vật, nhưng là đời sống có chọn lựa, chọn lựa một đời sống cao quý mà tự bản
chất con người nhận thức được điều này, nhưng có khi bị lãng quên. Công đồng đã
nhìn ra phẩm tính thiêng liêng của hôn nhân. Hôn nhân không bị xem là một tiến
trình tự nhiên mù quáng của bản năng, nhưng
là một bậc sống đòi hỏi một chọn lựa giữa những chọn lựa của các bậc
sống khác. Công đồng trình bày hai ý nghĩa nhân loại và thiêng thánh của hôn
nhân trong cùng một thực tại hôn nhân. Linh đạo của đời sống hôn nhân là con
đường phù hợp và thuộc về đời sống của vợ chồng. Công đồng chỉ ra sự cao cả
ngay trong khi đôi bạn chu toàn những bổn phận hằng ngày như đời sống đôi bạn,
con cái, xã hội... Và như thế, ơn gọi bậc hôn nhân cùng được sánh vai với những
ơn gọi khác trong những trợ giúp của ân sủng và ý nghĩa giá trị riêng của nó.
Quả vậy, các bản văn
của Công đồng về ơn gọi hôn nhân được trình bày như ơn gọi nên thánh.[16]
Hiến chế Lumen Gentium trình bày khái
quát về việc nên thánh của bậc sống hôn nhân:
Nhờ sức
riêng của bí tích Hôn Phối, các đôi vợ chồng Kitô giáo biểu hiện và tham dự
mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong
phú giữa Chúa Kitô và Giáo hội; họ giúp
nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục
con cái nên thánh.[17]
Về ý tưởng “cùng nhau nên thánh” trong bậc hôn
nhân, Gaudium et Spes cũng diễn giải
thêm:
Vợ chồng
Kitô hữu được củng cố và như được thánh hiến bằng một bí tích riêng để được
lãnh nhận các bổn phận và phẩm giá của bậc sống hôn nhân. Nhờ sức mạnh của bí tích này, họ được thấm nhuần tinh thần
Chúa Kitô để chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình của họ, nhờ đó, tất cả đời
sống của họ được thấm nhuần đức tin, cậy, mến và càng ngày họ càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của họ và sự
thánh hoá lẫn nhau.[18]
Công Đồng Vaticanô II
khẳng định và xác tín một cách rõ ràng rằng vợ chồng có một ân sủng và một
trách nhiệm riêng về đời sống thiêng liêng cho mình như một con đường nên thánh
riêng. Chúng ta có thể đọc thấy ý tưởng này trong hiến chế Lumen Gentium số 56, 57, 58 khi giới thiệu đôi bạn vào chức tư tế
cộng đồng, đã dạy rằng: nhờ sức riêng của bí tích hôn phối, các đôi vợ chồng
Kitô hữu biểu hiện và tham dự mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa
Chúa Kitô và Giáo hội, họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong
việc đón nhận và giáo dục con cái nên thánh; cũng vì đó họ được những ơn riêng
cho bậc sống của mình trong Dân Chúa.[19] Ngoài
ra, Công đồng cũng đưa ra ánh sáng nguồn mạch bí tích của ơn gọi nên thánh đối
với vợ chồng. Ơn gọi này xuất phát từ bí tích hôn phối và một cách nào đó đã
được công bố khi hai người quyết định thành hôn với nhau qua bí tích ấy.[20]
Tuy nhiên, ơn gọi hôn
nhân không hẳn là một lời mời gọi hưởng hạnh phúc, mà hơn hết là một sự dấn
thân nhận lãnh trách nhiệm. Bên cạnh đó, hôn nhân Kitô giáo đòi hỏi phải xây
dựng một ơn gọi siêu nhiên đích thực; do đó, vợ chồng có thể và
phải tìm kiếm thánh thiện trong việc chu toàn bổn phận của mình.
Công đồng còn nói thêm:
Mọi người
đều thấy rõ ràng tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều
được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành
của đức ái; ngay trong xã hội trần thế sự thánh thiện này cũng giúp người ta
sống nhân đạo hơn.[21]
Như vậy, ơn gọi này
soi chiếu tất cả mọi hành động của vợ chồng, mạc khải cho họ ý nghĩa chân thực
và ban cho họ sức mạnh bằng những phương thế mà Đức Kitô đã trao ban và được
gìn giữ trong Giáo hội.
Sau hết, cũng cần
phải lưu ý rằng đây là một ơn gọi cao cả để xây dựng cộng đồng Giáo hội, và để
huấn luyện trong Giáo hội tất cả những ơn gọi khác, như trong hiến chế Lumen Gentium số 41 nhắc tới:
Còn bậc vợ
chồng và cha mẹ Kitô hữu, khi theo đuổi lối sống riêng của mình, […] xây dựng
tình bác ái huynh đệ, làm chứng và cộng tác vào việc sinh sản của Giáo hội, Mẹ
chúng ta, trở nên dấu chỉ và thông phần vào tình yêu Chúa Kitô đối với Hiền Thê
Người: bởi yêu thương, Người đã hiến mạng sống vì Hiền Thê.[22]
Tóm lại, hôn nhân và
gia đình Kitô giáo, nhờ bí tích hôn nhân ban ân sủng, bậc sống này tìm thấy một
cách thế riêng để nên thánh theo đúng ơn gọi mình chọn cũng là ơn gọi Thiên
Chúa đã đặt để nơi chính đôi bạn.[23]
Kiến
tạo và gìn giữ
phẩm giá và vẻ đẹp của đời sống hôn nhân và gia đình
phẩm giá và vẻ đẹp của đời sống hôn nhân và gia đình
Gia đình là môi
trường sống, là cái nôi của nhân loại. Nhân loại chỉ tồn tại và phát triển khi
có một môi trường gia đình lành mạnh, có một cái nôi gia đình êm ấm, an bình.
Muốn được thế, cần phải kiến tạo và gìn giữ phẩm giá và vẻ đẹp của hôn nhân và
gia đình. Trong giới hạn của bài viết này, chúng ta chỉ bàn tới việc kiến tạo
và gìn giữ phẩm giá và vẻ đẹp của đời sống hôn nhân và gia đình ngang qua nẻo
đường giáo dục.
Trách nhiệm giáo dục
của các gia đình
Khi đến trước bàn thờ cử hành hôn lễ, đôi tân
hôn được thẩm vấn về trách nhiệm giáo dục này: “Anh chị có sẵn sàng đón nhận con cái Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo
luật Chúa Kitô và Hội thánh không?” Việc giáo dục con cái, trước hết thuộc
về các gia đình. Nhờ giáo dục gia đình, con cái được chuẩn bị để thành nhân và
được trang bị hành trang cần thiết để bước vào đời. Trong gia đình, con cái được nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục; đó là nền móng
đầu tiên cho sự hình thành nhân cách và phẩm giá của con người. Những
người sống đời đôi bạn đừng quên lời giáo huấn của mẹ Hội thánh:
Cha mẹ là
người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái... Mái ấm gia đình là nơi thích
hợp cho việc giáo dục các đức tính… Cha mẹ phải dạy cho con cái biết coi trọng
các chiều kích tâm linh hơn là những gì thuộc về thể lý và bản năng.[24]
Công đồng Vaticanô II
trong Tuyên Ngôn về Giáo dục Kitô giáo
đã viết như sau:
Vì là người
truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng phải giáo
dục chúng, và vì thế, họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu
của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót sẽ khó lòng bổ
khuyết được.[25]
Thánh Giáo hoàng
Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng: ngày nay, phương thế mục vụ trong việc giáo dục
gia đình là rất cần thiết, làm sao giúp các đôi vợ chồng chu toàn nghĩa vụ theo
mẫu gương gia đình Nazaret. Đồng thời, cho họ thấy được bổn phận và trách
nhiệm, cũng như thấy được tương lai của thế giới và Giáo hội sẽ đi qua gia đình
của họ khi mà hoàn cảnh xã hội đang có nhiều biến đổi và những hiện tượng tiêu
cực đang rình rập họ và con cái họ.[26]
Để hôn nhân và gia
đình được bền vững trong tương lai, trước hết chúng ta cần nhắm đến việc giáo
dục lương tâm cho các thế hệ trẻ. Đây không phải là công việc riêng của một
người, nhưng là của toàn thể cộng đồng, những người có trách nhiệm giảng dạy,
hướng dẫn, đặc biệt là các bậc làm cha mẹ phải có bổn phận hoàn thành trách
nhiệm giáo dục con cái nên người. Việc giáo dục con cái không phải chỉ là một
bổn phận quan trọng, mà còn là một vinh dự lớn lao của các bậc làm cha mẹ, bởi
vì được cộng tác với Thiên Chúa trong việc kiến tạo nên những con người mới,
những người con của Thiên Chúa. Chính nhờ việc trồng người này, các gia đình đã
tạo nên những con người có ích cho xã hội, có ích cho Hội thánh, đồng thời tạo
cũng nên những bậc vĩ nhân và thánh nhân nữa. Vì thế, giáo dục con cái không
phải là một việc tùy hứng, nhưng cần có đường hướng, kế hoạch và phương pháp
nữa.[27]
Ngày nay, nhân loại
đang sống trong một thời đại toàn cầu hóa với sự phát triển đỉnh cao của khoa
học và bùng nổ thông tin, nhất là cơn lốc kinh tế thị trường, đồng tiền được
phong thần và chi phối tất cả mọi lãnh vực. Trước một trào lưu như vậy, lương
tâm con người dễ bị che khuất và lu mờ bởi những sự hào hoa thế tục. Do đó,
giáo dục lương tâm cho mọi người nhất là giới trẻ là một chiến lược lâu dài cho
sự bền vững hạnh phúc gia đình và trật tự xã hội.
Tất cả chúng ta, nhất
là các gia đình, phải làm sao cổ võ một nền giáo dục có thể giúp mọi người,
nhất là thanh thiếu niên ý thức và làm chủ được những nguồn năng lực trong họ,
đồng thời giúp họ biết hướng những nguồn năng lực ấy vào việc phát triển nhân
cách, nhằm đạt được sự trưởng thành đầy đủ về mặt cảm xúc cũng như tính dục,
trong đó huấn luyện lương tâm họ biết nhạy bén trước mọi hành động với tinh
thần đạo đức và trách nhiệm… Nền giáo dục đó được khởi đi ngay từ trong chính
gia đình. Trong vai trò giáo dục, gương sáng của cha mẹ khi trung thành với
trách nhiệm sẽ gợi ra trong con cái họ ước muốn noi gương theo điều chúng nhìn
thấy nơi cha mẹ. Chúng sẽ có khả năng học lòng thảo kính, sự tôn trọng và vâng
lời cha mẹ tốt hơn.[28] Đồng
thời, cha mẹ giúp con cái biết ý thức được cái tốt, cái đẹp, cái đúng để làm và
quyết tâm tránh những điều xấu, điều ác… Môi trường gia đình là nơi nảy sinh và
ươm mầm, còn môi trường xã hội lại chính là mảnh đất quyết định đến sự phát
triển nhân cách của chúng.
Mặt khác ngoài gia
đình ra, nhà trường và xã hội cũng cần lưu ý tới việc rèn luyện nhân cách cho
các em, nhất là cần có những trung tâm hướng dẫn về giáo dục đức tin và luân lý
Kitô giáo liên hệ đến các vấn đề xã hội, nhân cách, tính dục, hôn nhân và gia
đình cho các em, tùy từng đối tượng theo độ tuổi. Người ta ít nghĩ tới một khía
cạnh rất quan trọng trong chuẩn bị hôn nhân gia đình là giáo dục nhân cách con
người ngay từ tấm bé, để trong quá trình trưởng thành, chúng có khả năng làm
chủ được chính mình: chúng biết yêu thương đúng chỗ và đúng mức, biết chia sẻ
nhường nhịn, và sống có trách nhiệm ngay từ trong gia đình. Những câu hỏi về
giới tính, tình dục, cha mẹ không nên tránh né mà phải giải thích sự thật cho
con một cách tế nhị, tiệm tiến với độ tuổi. Một nhân quan lành mạnh về tính
dục, tình yêu, lý tưởng sống là nền tảng cho một sự chọn lựa người bạn đời bảo
đảm tính bền vững của hôn nhân mà giới trẻ sẽ chọn lựa sau này.[29] Trong
việc giáo dục không những dạy các em vâng lời ngoan ngoãn mà còn giúp các em
biết tự chủ, tự lực, sống có trách nhiệm, sống có mục đích, có định hướng, sống
một cuộc đời phù hợp với luân thường đạo lý.
Việc giáo dục tiền
hôn nhân
Làm việc gì cũng phải học.
Học để biết cách làm vợ làm chồng, làm mẹ làm cha, lại là việc học quan trọng
và cần thiết hơn nữa. Các bạn không chỉ học vài buổi về giáo lý hôn nhân, nhưng
các bạn còn phải được hướng dẫn để biết sống có lý tưởng; biết nhận ra chính
mình; biết cảm thông và chia sẻ với người khác, nhất là người bạn đời của mình;
biết tôn trọng những nét riêng tư, sở thích riêng của nhau; biết chia sẻ công
ăn việc làm, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống; biết quản trị gia đình, giáo dục
con cái; biết thích nghi những khác biệt, giải quyết những xung khắc trong đời
sống...
Những đứa con được
sinh ra trong bầu khí của một gia đình êm ấm và đã được chuẩn bị kỹ như thế,
được thương yêu đúng mức, sẽ có nhiều cơ hội phát triển nhân cách, trưởng thành
và tự tin bước vào cuộc sống.
Lý tưởng là cần cung
cấp cho các bạn trẻ một nền giáo dục toàn diện về nhân bản, luân thường đạo lý,
kỹ năng sống đời gia đình, kỹ năng giáo dục con cái...; tuy nhiên, trong thực
tế, “cái khó bó cái khôn”, có rất nhiều điều còn bất cập, khó khăn chưa khắc
phục được. Trong bản đúc kết thảo luận của nhóm các tu sĩ Giáo phận Hưng Hóa
bàn về việc chuẩn bị hôn nhân cho các bạn trẻ (09.02.2017), hàng loạt những khó
khăn được nêu ra như:
- Giới trẻ ngày nay chú trọng đến học văn hóa
nhiều hơn học giáo lý.
- Giới trẻ bị ảnh hưởng bởi lối sống hưởng thụ,
sống thử trước hôn nhân, có bầu rồi hối thúc cha mẹ, cha xứ và những người dạy
giáo lý rút ngắn thời gian học giáo lý, học cấp tốc, học cho có lệ, học không
có chất lượng.
- Thời gian tiếp xúc, gặp gỡ, chia sẻ, ít hoặc
không có.
-
Nếu phải đi làm ăn xa, các bạn trẻ không được sống trong môi trường nuôi dưỡng
đức tin, ít tham gia những sinh hoạt tôn giáo.
- Nhiều
khi do lệ thuộc về thời gian, công việc tại các công ty, xí nghiệp, nên không
có thời giờ học giáo lý, chuẩn bị hôn nhân cho tốt.
- Người đỡ đầu không đồng hành với họ.
-
Tại nhiều giáo xứ, nhất là nơi vùng cao, bạn trẻ ở quá xa, khó quy tụ.
- Tỷ lệ kết hôn với người lương dân hoặc người
khác tôn giáo cao, phía những người này hay xem ngày, xem giờ, sau đó thúc ép
cha xứ, người dạy giáo lý phải nhanh chóng dạy sao cho phù hợp ngày của họ, xin
giảm miễn thời gian trình diện, thời gian học giáo lý… Khi ép không được, họ
cưới trước, rồi sửa hôn nhân sau.
- Chỉ
mới dạy giáo lý cho người dự tòng, chứ chưa có kế hoạch chăm sóc mục vụ, giúp
họ lớn lên trong đức tin sau khi lãnh nhận bí tích.
-
Cũng chưa có kế hoạch chăm sóc mục vụ, đồng hành để nuôi dưỡng đức tin cho
những người khô khan nguội lạnh mới trở lại.
-
Tình trạng ly dị ngày càng nhiều.
-
Trình độ hiểu biết giáo lý và sư phạm của người dạy ở nhiều nơi còn hạn chế.[30]
Bên
cạnh những khó khăn nêu trên, tại nhiều giáo phận, giáo xứ, các vị chủ chăn luôn
ý thức việc giúp cho các bạn trẻ có sự chuẩn bị kỹ càng để bước vào đời sống
hôn nhân. Mong rằng việc giáo dục này ngày càng được phát huy, nhân rộng và gặt
trái được những hoa thơm trái ngọt trong đời sống hôn nhân gia đình của các bạn
trẻ.
Việc
giáo dục
sau khi kết hôn
Như tất cả mọi bậc
sống khác, đời đôi bạn cũng đầy thách đố, nhất là 5 năm đầu đời của các gia
đình trẻ. Rất cần sự quan tâm mục vụ cho các gia đình, nhất là những gia đình
gặp phải những hoàn cảnh khó khăn. Tùy theo hoàn cảnh của mỗi cộng đoàn, mỗi
giáo xứ mà có những sáng kiến mục vụ cho phù hợp. Chẳng hạn ngày nay, một số
phong trào “canh tân đời sống hôn nhân và gia đình” đang giúp cho rất nhiều gia
đình gặp hoàn cảnh chao đảo đã tìm lại được thế quân bình và biết cách lèo lái
con thuyền gia đình vượt qua sóng gió trong cuộc sống.
Thật vậy, vì lợi ích
của gia đình, xã hội cũng như Giáo hội, việc mục vụ đời sống gia đình phải làm
sao giúp các thành viên trong gia đình có được một đời sống yêu thương, đoàn
kết với nhau, không những trong gia đình mà còn đoàn kết với nhau trong gia
tộc, trong cộng đồng xã hội, đồng thời giúp họ khám phá ra ơn gọi và sứ mệnh
trong đời sống hôn nhân, đặc biệt là giúp đỡ họ đón nhận con cái và yêu mến
chúng như ân huệ sự sống được lãnh nhận từ Thiên Chúa, để họ vui vẻ chấp nhận
vất vả nuôi dưỡng chúng lớn lên về mọi mặt.[31] Để
đường hướng mục vụ đó có kết quả cao, trước hết phải làm sao giúp cho các bậc
cha mẹ biết yêu thương tôn trọng lẫn nhau, biết yêu quý con cái như là một sứ
mạng Thiên Chúa ủy thác. Họ không những trao ban sự sống thể lý cho con cái mà
còn giúp đỡ chúng nên những người con tốt lành, đầy nghị lực, có trách nhiệm,
đồng thời là mối dây tương quan giữa cha - mẹ - con cái được bình đẳng trong
tình yêu thương để tạo cho gia đình một bầu khí ấm cúng, thuận hòa, ấm êm, con
cái ngoan hiền[32].
Trong đời sống, cha mẹ là khuôn mẫu, là tấm gương sáng cho con cái từ lời nói
đến việc làm. Chính gương sáng của cha mẹ là bài học cho con cái của họ.
Mặt khác, trong đường
lối mục vụ hiện nay, làm sao cho mọi người thấy rằng, thời gian là vốn quý, là
sợi dây gắn kết mọi thành viên trong gia đình. Không biết dành thời gian cho
nhau, các gia đình khó có được niềm vui và hạnh phúc sung mãn. Do đó, chương
trình mục vụ cần giúp mọi thành viên trong gia đình biết tận dụng tối đa thời
gian để có bữa ăn chung với nhau, có thời gian bên nhau dầu ngắn ngủi trong
ngày để cùng nhau chia sẻ, động viên, để cùng nhau cám ơn Chúa sau giấc ngủ đêm
hay sau một ngày dài làm việc vất vả. Ngoài ra, cha mẹ luôn quan tâm đến con
cái bằng tình yêu, đồng thời tăng cường mối tương quan giữa gia đình và nhà
trường, đừng bao giờ khoán trắng việc giáo dục cho nhà trường; đừng quên rằng
cha mẹ phải trả lẽ trước Thiên Chúa về trách nhiệm giáo dục con cái của họ.
Tóm lại, thông qua
nẻo đường giáo dục, các gia đình góp phần làm sáng lên phẩm giá và vẻ đẹp của
đời sống hôn nhân và gia đình, một đời sống vốn bắt nguồn từ Thiên Chúa, đã và
đang triển nở trong thế giới này, và mỗi ngày đang tiến về thành đô Giêrusalem
Thiên quốc.
Tạm kết
Để kết luận, chúng
tôi xin được trích đăng một đoạn giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sáng
thứ tư 06/5/2015 trong bài giáo lý thứ 13 về gia đình với chủ đề "nét đẹp
của hôn nhân Kitô giáo":
Lộ trình đã được ghi dấu luôn mãi, đó
là lộ trình của tình yêu: người ta yêu nhau như Thiên Chúa yêu, luôn mãi. Chúa
Kitô đã không ngừng lo lắng cho Giáo hội: Người yêu thương Giáo hội luôn mãi,
Người giữ gìn Giáo hội luôn mãi như chính mình. Chúa Kitô không ngừng lấy đi
trên gương mặt nhân loại các vết nhơ và các nếp nhăn đủ loại. Thật là cảm động
và xinh đẹp biết bào việc giãi toả sức mạnh và sự hiền dịu đó của Thiên Chúa,
được thông truyền từ cặp vợ chồng này sang cặp vợ chồng khác, từ gia đình này
sang gia đình khác. Thánh Phaolô đã có lý: đây thật là một mầu nhiệm cao cả!
Các người nam nữ này khá can đảm để mang theo kho tàng này trong các bình “bằng
đất” nhân loại tính của chúng ta, các người nam nữ can đảm như thế là một tài
nguyên nòng cốt cho Giáo hội cũng như cho toàn thế giới. Xin Thiên Chúa chúc
lành cho họ hàng ngàn lần về điều đó.[33]
Ước chi phẩm giá và
vẻ đẹp của đời sống hôn nhân và gia đình hằng chiếu tỏa trên thế giới chúng ta
hôm nay!
[3] Xc. Nguyễn Văn Dụ, Mục Vụ Và Linh Đạo Về Hôn Nhân Và Gia Đình. Trung
Tâm Mục Vụ Việt Nam -Italia,
2007, tr. 247-248.
[4] Xc. Sđd, tr. 254.
[5] Xc. Nguyễn Hữu Thy, Những Suy Tư Đúng Đắn Về Hôn Nhân Và Gia
Đình Công Giáo. TTMV CGVN Giáo Phận Trier, CHLB Đức, 2012, tr. 100.
[6] Xc.
Nguyễn Công Vinh, Tình Yêu Hôn Nhân.
Nxb Phương Đông, 2009, tr. 8.
[7] Xc. Nguyễn Hữu Thy, Những Suy Tư Đúng Đắn Về Hôn Nhân Và Gia
Đình Công Giáo. TTMV CGVN, Giáo PhậnTrier, CHLB Đức, 2012, tr. 94.
[8] Xc.
Nguyễn Công Vinh, Tình Yêu Hôn Nhân.
Nxb Phương Đông, 2009, tr. 7-8.
[10] Xc. Nguyễn Văn Dụ, Mục Vụ Và Linh Đạo Về Hôn Nhân Và Gia Đình.
Trung Tâm Mục Vụ Việt - Italia, 2007, tr. 507.
[11] Trích lại trong Nguyễn Hữu Thy, Những Suy Tư Đúng Đắn Về Hôn Nhân Và Gia Đình Công Giáo. TTMV CGVN, Gp Trier,
CHLB Đức, 2016, tr. 85.
[12] Xc. Nguyễn Văn Dụ, Hướng Dẫn Mục Vụ Gia Đình. Tòa Tổng Giám
Mục TP.HCM, AD 2007, tr. 34-35.
[13] Trích lại trong Nguyễn Hữu Thy, Những Suy Tư Đúng Đắn Về Hôn Nhân Và Gia Đình Công Giáo. TTMV CGVN, Gp Trier,
CHLB Đức, 2016, tr. 84.
[14] Xc. Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin
Trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam , Giáo Lý Hôn Nhân và Gia Đình. Nxb Tôn giáo, 2004, tr. 19-21.
[16] Xc.
Garcia De Haro Ramon, Hôn nhân và gia đình trong các tài liệu của Huấn quyền; bản dịch: Nguyễn Văn Dụ, trang 279.
[17] Vat.
II, Lumen Gentium, số 11.
[18] Vat.
II, Gaudium et Spes, số 48.
[20] Xc. Nguyễn Văn Dụ, Mục Vụ Và Linh Đạo Về Hôn Nhân Và Gia Đình.
Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam -Italia,
2007, tr. 60 - 61.
[27]Xc. Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin
trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam , Giáo Lý Hôn Nhân và Gia Đình. Nxb Tôn giáo, 2004, tr. 169.
[28]Xc. Nguyễn Văn Dụ, Mục Vụ Và Linh Đạo Về Hôn Nhân Và Gia Đình.
Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam
– Italia, 2007, tr. 532.
[29]Xc. Nguyễn Thị Oanh, Sách Tâm Lý Xã Hội, Gia Đình Việt Nam Thời Mở Cửa.
Nxb Trẻ, tr. 20.
[30]
http://www.giaophanhunghoa.org
[31]Xc. Nguyễn Văn Dụ, Hôn Nhân và Gia Đình Trong Các Tài Liệu Của
Huấn Quyền. tr. 490.
[32]Xc. Bùi Đình Châu, Tuyển chọn
và Biên soạn, Văn Hóa Gia Đình, Nxb
Văn Hóa - Thông Tin, tr.43-44.
Đăng nhận xét