Tình yêu, yếu tố căn bản làm nên Giao ước Hôn nhân


Sự dấn thân trong tình yêu
sẽ nâng phẩm giá của hôn nhân đến mức độ tuyệt hảo
vì tất cả những chuyện bình thường và đều đặn trong cuộc sống đều diễn tả “mầu nhiệm cao cả”,
mầu nhiệm cứu độ trong tình yêu và bằng tình yêu.
Nét Bút Chì, MTG Bà Rịa
Giao ước hôn nhân không phải chỉ là “giấy phép” để hai người sống chung với hau mà không ly dị, nhưng đó là bước khởi đầu để xây đắp đời sống hôn nhân. Để Giao ước hôn nhân được bền vững, điều đầu tiên và quan trọng nhất đôi bạn phải trang bị cho mình là: tình yêu. Bởi tình yêu là yếu tố căn bản làm nên Giao ước Hôn nhân.
Tình yêu luôn mỉm cười và hân hoan đến với mọi nhà, vấn đề là ở chỗ chúng ta có biết trân trọng đón chào và bảo vệ hay không. Người ta nói rằng, không có gì đẹp bằng tình yêu mà cũng chẳng có gì dễ dàng tan vỡ bằng tình yêu. Thế nên, để giao ước hôn nhân của mình được bền vững theo năm tháng, đôi bạn cần giữ mãi tình yêu thuở ban đầu.
 “Thiên Chúa là tình yêu”[1] và là nguồn phát xuất tình yêu. Vì muốn cho con cái mình luôn sống trong tình yêu, Thiên Chúa đã thiết lập giao ước hôn nhân. Bởi hôn nhân Công giáo, phản ánh sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội thánh, được thực hiện một cách trọn vẹn trong sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, họ hiến thân cho nhau trong một tình yêu độc hữu và trung thành trong tự do, họ thuộc về nhau cho đến chết[2]. Một khi có “thiên thần tình yêu” trong đời sống hôn nhân thì mọi khó khăn, trắc trở của cuộc sống trở nên nhẹ nhàng. Chính tình yêu làm cho hôn nhân được vững bền.
Hôn nhân không phải là một hợp đồng có điều kiện để nếu người này làm điều này thì người kia làm điều nọ cách tương xứng. Trong đời sống hôn nhân cũng không có mệnh đề điều kiện để: nếu chồng yêu vợ thì vợ sẽ tiếp tục hợp tác với chồng hay nếu vợ yêu chồng thì chồng sẽ tiếp tục ở lại trong hôn nhân. Thực ra, hôn nhân đúng nghĩa là sự dấn thân trong tình yêu và cả hai không đòi hỏi điều kiện. Bởi khi dấn thân trong tình yêu thì họ làm cho nhau thỏa ước nguyện: trung tín và tôn trọng nhau suốt đời. Bên cạnh đó, dấn thân trong tình yêu thì cả hai vợ chồng giúp nhau thay đổi chính mình, cả hai cùng hợp tác với nhau và thay đổi nhau. Bằng cách đó, không những vợ chồng Kitô giúp nhau nên thánh, mà còn trở thành dấu hiệu và công cụ cho tình yêu của Đức Kitô trong thế giới.[3]
Sự khác biệt
           giữa hôn nhân Công giáo và hôn nhân dân sự
Sự khác biệt chính yếu giữa hôn nhân dân sự và hôn nhân Công giáo là:
Hôn nhân dân sự thì không đòi hỏi vợ chồng phải kết ước vĩnh viễn và vô điều kiện với nhau. Thế nên, khi đối diện với những khăn của của sống cũng như khi không chấp nhận được những khuyết điểm của người bạn đời thì người ta dễ dàng đưa nhau ra tòa để ly dị.
Đối với hôn nhân Công giáo: theo quan điểm của Thánh kinh, hôn nhân là một giao ước thánh giữa một người nam và một người nữ. Thế nên,  hôn nhân không phải là sự thỏa thuận giữa con người với nhau, cũng không phải là kết quả của những quy định pháp lý, nhưng là chương trình yêu thương của Chúa dành cho con người.[4] Bởi thế, Giao ước hôn nhân mang những nét đặc thù. Trước tiên đó là sự toàn vẹn, tức là vợ chồng hiến thân cho nhau trong mọi khía cạnh của con người mình, về thể lý cũng như tinh thần; tiếp đến là sự hợp nhất để hai vợ chồng trở nên “một xương, một thịt”;[5] sau đó là sự bất khả phân ly và trung tín như việc dứt khoát hiến thân cho nhau, thuộc về nhau.[6] Như vậy Giao ước hôn nhân Công giáo quả là một giao ước vô điều kiện và mang tính vĩnh viễn.
Nếu như hôn nhân dân sự không nhất định đòi hỏi điều kiện con cái, thì hôn nhân Công giáo lại hướng tới sự sống mới, nghĩa là sự kết hợp trong hôn nhân đem lại cho việc chân thành tự hiến một sức sống sung mãn, và kết quả của sự tự hiến ấy là con cái.[7] Bởi lẽ, tình yêu vợ chồng tự bản chất luôn mở ra để đón nhận sự sống.[8] Ngay trong ngày lễ thành hôn, trước mặt vị đại diện Hội thánh và cộng đoàn Dân Chúa, đôi bạn trẻ hứa đón nhận con cái là “quà tặng” Chúa ban và trở trở nên bậc cha mẹ có trách nhiệm. Thế nên, khi vợ chồng mở ngõ đón nhận sự sống thì vợ chồng được cộng tác đặc biệt vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.[9] Vì thế, vợ chồng không được viện cớ trách nhiệm ấy nặng nề để biện minh cho sự khép kín ích kỷ, mà phải dựa vào đó để hướng dẫn các quyết định của vợ chồng, quảng đại đón nhận sự sống. Những động cơ hướng dẫn vợ chồng thi hành việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm bắt nguồn từ chỗ họ đã nhìn nhận đầy đủ các nghĩa vụ của mình đối với Chúa, đối với bản thân, đối với gia đình và xã hội theo đúng các giá trị Tin mừng.[10]
Chính sự hiện diện của Thiên Chúa như một phần tử có thật và có ảnh hưởng trong hôn nhân mà đôi vợ chồng có thể yêu thương nhau cùng mức độ và mãnh liệt như Đức Kitô đã yêu thương Hội thánh. “Người làm chồng hãy yêu thương vợ như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh.”[11] “Người làm vợ hãy phục tùng chồng như phục tùng Chúa.”[12] Quả thế, hôn nhân Công giáo là một giao ước thánh. Chính Chúa Giêsu đã nâng hôn nhân giữa hai người Công giáo lên hàng bí tích. Tình yêu vợ chồng phản ánh tình yêu của Thiên Chúa đối với Hội thánh.
Một thoáng nhìn qua hôn nhân dân sự và hôn nhân Công giáo để thấy rõ giao ước hôn nhân Công giáo mạnh hơn cả mọi sự cam kết trên môi miệng. Do đó, nó không bị ràng buộc bởi hệ thống luật lệ hay pháp luật của một quốc gia nào, cũng chẳng bị phá vỡ bởi những thủ tục trần gian; nhưng trên hết đó là một giao ước mà cả hai cùng trao cho nhau tình yêu trên nền tảng vững chắc của tình yêu Thiên Chúa.
Giao ước hôn nhân bắt nguồn từ tình yêu
Hôn nhân là món quà Thiên Chúa trao tặng cho loài người. Chính Thiên Chúa thiết lập Giao ước hôn nhân cho hai con người đầu tiên là Adam và Eva, với những mục đích cao đẹp: để hai vợ chồng sống chung trọn vẹn, nương tựa lẫn nhau, chung hưởng cuộc sống hạnh phúc bên nhau. Thế nên, hôn nhân được xem như biểu tượng hết sức ý nghĩa của sự hiệp thông tình yêu giữa Thiên Chúa và con người, và như là chìa khoá tượng trưng giúp chúng ta hiểu các giai đoạn khác nhau trong lịch sử giao ước vĩ đại giữa Thiên Chúa và dân Người. Chủ đề này ta dễ thấy trong suốt dòng lịch sử cứu độ. Tại trung tâm mạc khải kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta thấy món quà Thiên Chúa trao cho nhân loại là Con của Người, Đức Giêsu Kitô, vị Lang quân yêu thương và tự hiến mình làm Đấng Cứu Chuộc nhân loại, kết hợp nhân loại với mình như thể đó là thân thể mình. Người mạc khải cho thấy sự thật nguyên thuỷ của hôn nhân, sự thật của “thuở ban đầu”, và sau khi giải thoát con người khỏi sự cứng lòng, Người làm cho con người có khả năng thực hiện sự thật ấy cách trọn vẹn.[13] Tính bí tích của hôn nhân có được là do tình yêu phu thê mà Đức Kitô dành cho Giáo hội, tình yêu ấy đạt đến mức viên mãn khi Người tự hiến trên thập giá. Ơn bí tích này sẽ giúp cho tình yêu của vợ chồng trở nên giống tình yêu của Đức Kitô đối với Giáo hội. Hôn nhân là giao ước trong tình yêu giữa một người nam và một người nữ.[14]
Thật vậy, hôn nhân Công giáo được xây dựng dựa trên chính bản tính của tình yêu vợ chồng, một tình yêu được xem như một sự trao tặng toàn vẹn và “độc quyền” mà người này dành cho người kia; khiến hai bên dứt khoát dấn thân cho nhau, và điều này biểu lộ qua việc hai bên bày tỏ sự ưng thuận với nhau cách công khai và không thể rút lại.[15]
Khởi đi từ tình yêu Thiên Chúa, đôi bạn bước đi trong giao ước tình yêu mà cả hai trao cho nhau. Vì lẽ đó, người ta không thể cân, đo, đong, đếm hay tính toán thua thiệt với tình yêu. Trái lại, sống giao ước tình yêu là biểu lộ sự tôn trọng phẩm giá mỗi người, chấp nhận nhau thật lòng, gặp gỡ và đối thoại, sẵn sàng cống hiến vô vị lợi, phục vụ quảng đại và liên đới sâu xa.[16]
Một khi có tình yêu hiện diện trong ngôi nhà của đôi bạn thì dù có đối diện với trăm ngàn khó khăn, thử thách vẫn không có tiếng thở than, trách móc, cũng chẳng tồn tại sự đánh giá hơn thua. Trái lại, nơi ngôi nhà tình yêu ấy, chúng ta bắt gặp hình ảnh của người chồng với sự xả thân hy sinh trong mọi công việc để lo toan về kinh tế của gia đình. Còn người vợ thì lam lũ với đàn con để chuyên chăm dạy chúng nên người. Cũng có khi ta bắt gặp hình ảnh của người vợ với trọng trách nặng nề cho việc mưu sinh trong gia đình còn người chồng thì vất vả để vun đắp một tổ ấm tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Quả thật, tình yêu của họ thật mãnh liệt vượt trên mọi toan tính, chẳng thướt đo nào đo được tình yêu họ dành cho nhau.
Tình yêu là chiếc cầu dẫn đôi bạn đến bến bờ hạnh phúc viên mãn. Đó là yếu tố căn bản làm nên giao ước hôn nhân. Nhưng làm sao để giao ước hôn nhân được bền vững theo năm tháng? Tình yêu là bí quyết và là phương pháp duy nhất để giao ước hôn nhân của đôi bạn vững bền theo theo dòng thời gian. Tình yêu làm cho đôi bạn lướt thắng mọi cảm dỗ và vượt thắng bản thân mình. Tác giả Livre de la Prière-Cerf nói rằng:
Vì họ yêu thương nhau, họ biết rằng
sự trìu mến đem lại cho cuộc sống ý nghĩa không ngờ,
và họ vui mừng chia sẻ niềm hạnh phúc có được
khi họ yêu thương.
Bởi vì họ đã nếm cảm hạnh phúc
Họ biết rằng tình yêu mạnh hơn thời gian.
Giữ được ngọn lửa tình yêu trong đời hôn nhân là cả hai làm cho người bạn đời của mình luôn được tận hưởng giây phút thuở ban đầu và cả hai luôn làm cho giao ước hôn nhân của mình tràn đầy sắc màu hạnh phúc.
Dấn Thân trong tình yêu
Hành trang cần thiết để sống Giao ước hôn nhân là sự dấn thân trong tình yêu. Dấn thân trong tình yêu là một khế ước vượt trên những cảm xúc tạm thời, đồng thời là một ước nguyện dẫu cho đường đời có trăm vạn khó khăn, trở ngại vẫn chung vai sánh bước như lời thề hứa trong ngày lễ thành hôn: Tôi là… nhận (anh/ em) làm (chồng/ vợ) và hứa sẽ giữ lòng trung thủy với (anh/ em), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng (anh/ em) mọi ngày suốt đời tôi.[17] Như vậy, sự dấn thân trong tình yêu làm cho tâm hồn đôi bạn được thỏa nguyện.
Dấn thân trong tình yêu đòi hỏi mỗi người phải bỏ đi ý riêng để không bắt người bạn đời của mình chiều theo những sở thích hay đáp ứng cách vô điều kiện những đòi hỏi của bản thân. Nhưng dấn thân trong tình yêu là sự đón nhận nhau cả ưu lẫn khuyết để thay đổi nhau ngày càng tốt đẹp hơn. Tục ngữ Việt nam có câu: “yêu nhau một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Thật vậy, dấn thân như là một sự đầu tư để cùng nhau xây đắp mối tương quan vợ chồng.
Dấn thân trong tình yêu còn là sự ảnh hưởng trên nhau. Quan sát các cặp vợ chồng thương yêu và gần gũi nhau, thì ngày càng trở nên giống nhau, không những trong thói quen, cách suy nghĩ mà ngay cả tư cách, tính tình và khuôn mặt cũng trở nên giống nhau. Một nghiên cứu khoa học mới đây thậm chí còn đưa nhận thức này đi xa hơn: các cặp vợ chồng theo thời gian không chỉ “sao chép” ngoại hình hay hành vi, mà còn giống nhau ở cấp độ tế bào.[18] Như vậy, bổ sung về thể lý, luân lý và tinh thần, giữa người nam và người nữ nhằm hướng đến những lợi ích hôn nhân và làm thăng hoa đời sống gia đình. Vợ chồng được hòa thuận và xã hội được hài hòa phần nào tùy thuộc vào cách người ta trải nghiệm những sự bổ sung, thỏa mãn các nhu cầu và sự tương trợ giữa hai giới tính.[19]
Sự dấn thân trong tình yêu sẽ nâng phẩm giá của hôn nhân đến mức độ tuyệt hảo vì tất cả những chuyện bình thường và đều đặn trong cuộc sống đều diễn tả “mầu nhiệm cao cả”, mầu nhiệm cứu độ trong tình yêu và bằng tình yêu.


Kết luận
Khi một người nam và một người nữ kết hợp với nhau trong giao ước hôn nhân, họ phản ánh hình Thiên Chúa nơi mình; Thiên Chúa đánh dấu họ bằng những đặc điểm của Người và căn tính hôn nhân mang hình ảnh Thiên Chúa không thể xóa nhòa được.[20] Như vậy, tình yêu là cửa ngõ để bước vào đời sống hôn nhân và cũng là yếu tố căn bản làm cho đời sống hôn nhân được bền vững.
Một khi có Chúa trong đời hôn nhân thì đôi bạn sẽ dễ dàng dấn thân trong tình yêu. Khi đôi bạn dấn thân trong tình yêu không những họ giúp nhau trung tín và tôn trọng nhau trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, mà còn tạo nên sự ảnh hưởng trên nhau cũng như giúp nhau thay đổi chính mình để tương quan vợ chồng ngày một thăng tiến và tốt đẹp hơn. Bằng cách đó, không những vợ chồng Kitô giáo giúp đỡ nhau trên đường nên thánh, mà còn trở thành dấu chỉ tình yêu của Đức Kitô trong thế giới. Qua chính cuộc sống của mình, đôi bạn được mời gọi làm chứng cho tình yêu bền vững, một giao ước thánh thiện, một sự “bất khả phân ly”, điều mà xã hội ngày nay ngày càng thiếu vắng, nhất là khi xã hội ấy chấp nhận những quan điểm theo chủ nghĩa tương đối và chính nền tảng tự nhiên của định chế hôn nhân.[21]


[1] 1Ga 4, 8
[2] ĐGH Phanxicô, Tông Thư Amoris Laetitia, số 292
[3] Xc. Tóm Lượt Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, số 220.
[4] Xc. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1663.
[5] St 2, 24.
[6] Xc. Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio, số 13.
[7] Xc. Gioan Phaolô II, Thư gởi các Gia đình Gratissimam Sane, số 11.
[8] Xc. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1652.
[9] Xc. Vat II, Hiến chế Mục Vụ Gaudium et Spes, số 50.
[10] Xc. Tóm Lượt Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, số 232.
[11] Ep 5,25.
[12] Ep 5,22.
[13] Xc. St 2,24; Mt 19,5.
[14] Ibid, số 219.
[15] Xc. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1639.
[16] Xc. Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio, số 43.
[17] Xc. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1663.
[18] http://kul.vn/su-that-thu-vi-cac-cap-vo-chong-se-ngay-cang-giong-nhau.html
[19] [19] Xc. Tóm lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, số 244.
[20] Xc. Bài Giáo Lý của Đức Giáo Hoàng Phaxico ban hành ngày 2/4/2014 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng trường Thánh Phêrô
[21] Xc. Tóm Lượt Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, số 220.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn