Như Tam Vị
Thiên Chúa
hiện diện trong hoạt động của mỗi Ngôi vị:
công trình sáng tạo không phải chỉ của Cha;
công trình cứu chuộc không phải chỉ là của Con;
và công trình thánh hóa không chỉ là của Thánh Linh;
Gia đình Kitô hữu cũng được mời gọi hiệp thông
các thành viên ngôi vị trong gia đình với nhau,
cùng thi hành một sứ vụ được trao ban.
hiện diện trong hoạt động của mỗi Ngôi vị:
công trình sáng tạo không phải chỉ của Cha;
công trình cứu chuộc không phải chỉ là của Con;
và công trình thánh hóa không chỉ là của Thánh Linh;
Gia đình Kitô hữu cũng được mời gọi hiệp thông
các thành viên ngôi vị trong gia đình với nhau,
cùng thi hành một sứ vụ được trao ban.
Sóng
Biển
Dẫn nhập
Khi tìm hiểu
về mầu nhiệm Thiên Chúa, qua dòng lịch sử
chúng ta biết có hai lối tiếp cận: thứ nhất - theologia khi nói đến đời sống nội tại của Thiên Chúa; thứ hai - oikonomia khi nói đến kế hoạch cứu độ
của Thiên Chúa. Khía cạnh nội tại của Tam Vị (Trinitas immanens) tức là tìm hiểu nguồn gốc của sự phân biệt cũng
như tương quan giữa “Cha - Con - Thánh Linh”; còn khía cạnh nhiệm cục
của Tam Vị (Trinitas immanens) lại
thường được diễn tả qua công trình tạo dựng - cứu độ - thánh hóa của Tam Vị.
Dẫu rằng, các hoạt động riêng biệt này đều là chung cho tất cả Ba ngôi, nhưng
chúng ta vẫn thường thấy thần học (cổ điển) gán ghép mỗi công trình cho một
Ngôi vị: Chúa Cha Đấng sáng tạo, Chúa con Đấng cứu chuộc, và Thánh Linh Đấng
thánh hóa. Dựa vào cách tìm hiểu này, xin được đặt mầu nhiệm Thiên Chúa trong
khung cảnh của gia đình; tức là gia đình được bí tích Hôn phối làm cho “nên
giống” nhiệm cục của Tam Vị (Trinitas
immanens). Khi tuyên xưng Chúa Cha là Đấng tạo thành, gia đình Kitô hữu
được mời gọi tham dự vào quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa; khi tuyên xưng
Chúa Con là Đấng cứu chuộc, gia đình được mời gọi phản ánh Mầu nhiệm Nhập thể
của Đức Kitô; và khi tuyên xưng Chúa Thánh Linh là Đấng thánh hóa, gia đình
được mời gọi trở nên cộng đoàn của tình yêu.
1. Vợ chồng cùng
tham dự vào quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa
Khi tuyên
xưng Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành, công đồng Nixêa đã phát biểu: Chúng tôi tin kính một Thiên Chúa duy nhất,
Cha toàn năng, Đấng tạo thành muôn vật hữu hình và vô hình.” Lời tuyên xưng
đó, người Kitô hữu vẫn còn lặp lại trong mỗi thánh lễ Chúa nhật và lễ trọng.
Tuyên xưng Thiên Chúa là Cha không có nghĩa rằng, Người là “đàn ông”, mà thực
sự Thiên Chúa cũng chẳng phải là “mẹ”; tuyên xưng như thế là Giáo hội muốn dạy
con cái mình rằng mọi sự trên trời dưới đất, hữu hình và vô hình đều hiện hữu
nhờ Thiên Chúa, đều được sinh ra từ Thiên Chúa.
Chúng ta không
dừng lại ở niềm tin vào Thiên Chúa tạo dựng, nhưng tiếp tục suy tư về việc
“cộng tác” mà Thiên Chúa vì yêu thương đã mời gọi con người bước vào công trình
tạo dựng của Người. Việc cộng tác vào công trình tạo dựng được thể hệ trong ơn
gọi hôn nhân của người nam và người nữ, điều này được Đức Gioan Phaolô II chia
sẻ với các gia đình như sau:
Bài đọc
trích từ sách Sáng Thế, nhắc lại sự thật về việc tạo dựng. Đặc biệt, sự thật về
việc tạo dựng con người ‘theo hình ảnh và giống Thiên Chúa’ (x. St 1,27). Như người
nam và người nữ, con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống chính Thiên
Chúa ‘Ngài sáng tạo con người có nam có nữ’. Trong họ khởi đầu sự hiệp thông
của con người. ‘Người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành
một xương một thịt’. Trong sự hiệp nhất ấy, họ truyền lại sự sống cho những con
người mới: trở thành cha mẹ. Họ tham dự vào quyền năng tạo dựng của chính Thiên
Chúa. Ngày nay tất cả những ai làm cha mẹ, được dự phần vào mầu nhiệm sáng tạo,
đều tuyên xưng Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Đấng Tạo Thành…[2]
Mục đích của
hôn nhân là để người nam và người nữ yêu thương nhau và sản sinh giáo dục con
cái.[3] Đặc tính này của hôn nhân
diễn tả ý định yêu thương của Thiên Chúa. Vì thế, qua ơn gọi hôn nhân, người
nam và người nữ kết hợp với nhau thành một gia đình chính là thể hiện tình yêu
nhiệm mầu của Thiên Chúa, mời gọi con người tham dự vào việc “sản sinh” của
Thiên Chúa. Công đồng Vatican II đã khẳng định điều này:
Hôn nhân và
tình yêu vợ chồng, tự bản tính, quy hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái.
Con cái là ơn huệ cao quý nhất của hôn nhân và đóng góp rất nhiều vào niềm hạnh
phúc của cha mẹ. Thiên Chúa đã phán: ‘Đàn ông ở một mình không tốt’ (St 2,18).
Ngài là Đấng ‘… từ buổi đầu, đã dựng nên con người là nam là nữ’ (Mt 19,4), vì muốn
cho con người được dự phần đặc biệt vào công trình tạo dựng, nên đã chúc lành
cho người nam và người nữ khi phán: ‘Các ngươi hãy sinh sản và tăng số thêm
nhiều’ (St 1,28). Từ đó, thái độ thực sự trân trọng tình yêu vợ chồng, cũng như
tất cả định hướng của đời sống gia đình phát xuất từ thái độ ấy, đều nhằm giúp
đôi vợ chồng, trong khi vẫn không đánh giá thấp các mục đích khác của hôn nhân,
biết sẵn sàng cộng tác cách can đảm với tình yêu của Đấng Tạo Hóa và Cứu Thế,
Đấng đang muốn nhờ họ làm cho gia đình Ngài ngày càng phát triển và phong phú
hơn.[4]
Chính vì
thế, “khi thực thi bổn phận truyền sinh
và giáo dục với nhận thức đó chính là sứ mệnh của riêng mình, đôi vợ chồng nhận
ra họ là những người đang cộng tác và diễn đạt tình yêu của Thiên Chúa Tạo Hóa.”[5]
Tình yêu đó là Thiên Chúa hằng muốn cho con người được sống; vì thế khi
bước vào ơn gọi hôn nhân, người nam và người nữ cũng được mời gọi luôn mở cửa
để sự sống của Thiên Chúa bước vào hoạt động trong gia đình họ; không ai có
quyền ngăn cản sự sống, dù là chính người cha, người mẹ, những người trực tiếp
can thiệp vào sự sống đó:
Bảo vệ quyền
sống, quyền căn bản của con người: Trước hết cần phải tìm cách khẳng định về
quyền căn bản của con người là quyền sống. Không thể làm cho quyền này trở nên
vô ích, chẳng hạn như hợp pháp hóa việc chà đạp sự sống con người, đặc biệt sự
sống của những con người chưa được sinh ra.[6]
Như vậy,
Từ việc
chiêm ngắm về Chúa Cha, chúng ta có thể suy diễn trước hết một sự khẩn thiết
cách đặc biệt trả lời cho những thách đố của giây phút lịch sử hiện nay. Nhìn
vào Chúa Cha có nghĩa là nhận biết gia đình như nơi đón tiếp và cổ võ sự sống,
nơi gây tình huynh đệ, với sự trợ giúp của Thần Khí Đức Kitô, tạo nên giữa con
người ‘một tình huynh đệ và tương trợ mới, phản chiếu thực sự về mầu nhiệm trao
ban và đón nhận hỗ tương của chính Ba Ngôi Cực Thánh’ (Evangelium vitae, số 76).[7]
Thiên Chúa là Đấng vẫn luôn hoạt động: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga
5,17). Khi đã mời gọi con người đi
vào sự hiện hữu với Người, Thiên Chúa là Cha cũng mời gọi con người tiếp tục đi
sâu vào công trình tạo dựng đó, tức là sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa.
Chính vì thế, dù ông bà Nguyên tổ sa
ngã, Thiên Chúa đã không bỏ mặc, nhưng tiếp tục mở đường để người nam và người
nữ đầu tiên đó đi vào mầu nhiệm yêu thương của Người:
Với người
đàn bà, Chúa phán: ‘Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai
nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và
nó sẽ thống trị ngươi.’ Với con người, Chúa phán: ‘Vì ngươi đã nghe lời vợ và
ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: ‘Ngươi đừng ăn nó’, nên đất đai bị
nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm
được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ
trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi
trán mới có bánh ăn.[9]
Đây không
đơn thuần là một sự trừng phạt dành cho con người, nhưng là cách biểu lộ tình
yêu của Thiên Chúa là Cha. Con người được đi sâu vào công trình lao động của
Thiên Chúa. Hai người nam nữ không chỉ được mời gọi bước vào đời sống chung với
nhau, nhưng còn phải làm việc cùng nhau; không chỉ “một túp lều tranh hai trái
tim vàng”, nhưng còn phải ra công làm việc; vì thế, “lao động thường là phương thế để con người nuôi sống bản thân và gia
đình, để liên kết với anh em và phục vụ họ, để có thể thực thi bác ái đích thực
và cộng tác vào việc hoàn tất công trình sáng tạo của Thiên Chúa.” [10]
Và nữa,
Thiên Chúa còn ban cho con người khả năng tự do tham dự vào sự quan
phòng của người khi trao cho họ trách nhiệm làm chủ trái đất và thống trị nó;
như thế con người trở nên những nguyên nhân thông minh và tự do để hoàn tất
công trình sáng tạo, làm cho công trình ấy được hài hòa trọn vẹn hầu mưu ích
cho mình và cho tha nhân.[11]
Thánh Tôma
quả quyết rằng, sự quan phòng của Thiên Chúa chính là sự tạo dựng kéo dài,[12] Người tiếp tục săn sóc
những gì Người đã làm nên. Thiên Chúa là Cha không chỉ nơi việc “sinh ra” các
thọ tạo, nhưng Người còn là Cha nơi việc hằng chăm lo cho mọi nhu cầu của con
cái Người (Mt 10,30); lắng nghe mọi lời khẩn cầu của con cái và hằng mong điều
tốt lành cho con cái (Mt 7,11; Lc 11,13). Giáo lý Hội thánh nhấn mạnh điều này
rằng:
Công trình
sáng tạo có sự tốt lành và hoàn hảo riêng, nhưng chưa hoàn tất khi được dựng
nên. Vạn vật đang ở trong một ‘tiến trình’ hướng đến mọi sự trọn hảo tối hậu do
Thiên Chúa định sẵn. Sự quan phòng của Thiên Chúa chính là những đường lối xếp
đặt để đưa vạn vật tới sự trọn hảo đó. [13]
Vì thế,
người nam và người nữ không chỉ được mời gọi sinh sản con cái theo nghĩa thể
lý, nhưng còn được mời gọi bước vào đường lối quan phòng của Thiên Chúa qua
việc giáo dục và nuôi dưỡng con cái.
Sự phong
nhiêu của tình yêu vợ chồng không giản lược vào nguyên việc sinh ra con cái
ngay cả khi việc này được hiểu theo nghĩa hết sức nhân bản của nó. Sự phong
nhiêu được nới rộng và làm giàu bằng tất cả mọi kết quả của đời sống luân lý
thiêng liêng và siêu nhiên mà người cha và người mẹ đều được mời gọi trao ban
cho con cái họ, và qua chúng, cho Hội thánh và thế giới.[14]
Vì thế, khi
sống ơn gọi hôn nhân cao cả đó, nơi việc vất vả sớm hôm cho con cái, nơi việc
sống gương lành nhằm giáo dục con cái,
Họ tuyên xưng Thiên Chúa như người Cha, bởi vì nơi Người họ có được vinh
dự làm cha làm mẹ. Và trong khi tuyên xưng đức tin của mình, họ phó thác nơi
Người, “là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3,15), vì bổn phận lớn
lao liên hệ đến họ cách riêng như là cha mẹ: công trình giáo dục con cái. ‘Làm
cha - làm mẹ’ có nghĩa là ‘có bổn phận giáo dục’: sinh sản theo nghĩa thiêng
liêng.[15]
2. Hôn nhân
phản ánh mầu nhiệm nhập thể
Hôn nhân là một mầu nhiệm cao cả phản ảnh mầu nhiệm Nhập thể. Thật thế,
theo Chúa Giêsu mạc khải cho biết, “Nước
Thiên Chúa có thể được ví như ông vua kia tổ chức một bữa tiệc cưới cho con
trai của mình” (Mt.22:2). “Ông vua” tổ chức tiệc cưới đây là ai, nếu không
phải là Chúa Cha, “con trai” của vua đây là ai, nếu không phải là Chúa Giêsu
Kitô, và “bữa tiệc cưới” đây là gì, nếu không phải là mầu nhiệm Nhập thể, mầu
nhiệm “Thiên Chúa là Thần Linh” (Ga 4,24) mặc lấy nhân tính loài người nơi “Lời
đã hoá thành nhục thể” (Ga 1,14). “Bữa tiệc cưới” này, trước hết, được bắt đầu
bằng lễ nghi đính hôn nơi cung dạ trọn đời tuyền vẹn của Trinh nữ đầy ơn phúc
Maria trong ngày Thiên sứ truyền tin cho Người, sau đó đã được tổ chức tại hang
đá Bêlem vào một đêm đông lạnh buốt, với khách được mời đại diện là nhóm mục
đồng Do Thái nghèo hèn (x. Lc 2,8-18) cùng với nhóm vương gia chiêm tinh dân
ngoại (x. Mt 2,1-11).
Ý nghĩa “cả
hai trở nên một xương một thịt” (St 2,24; Mt19,5) nơi đời sống hôn nhân vợ
chồng, như ý định của Thiên Chúa khi dựng nên con người theo hình ảnh Người, có
nam có nữ, không thể nào thực hiện được về phương diện thể lý hay sinh lý, bằng
khả năng tự nhiên của loài người. Thế nhưng, trong mầu nhiệm nhập thể, ý nghĩa
“cả hai trở nên một thân thể” nơi đời sống hôn nhân vợ chồng này đã được hoàn
toàn và trọn vẹn hiện thực khi Lời đã hoá thành nhục thể, mầu nhiệm Thần tính
và nhân tính được kết hợp trong ơn Ngôi Hiệp nơi Chúa Giêsu Kitô. Chính vì
“Nước Thiên Chúa có thể được ví như một bữa tiệc cưới” như thế mà, theo Tin
mừng thánh Gioan, Chúa Giêsu đã mở màn cho công cuộc rao giảng của Người bằng việc
“tỏ vinh quang của Người ra” (Ga 2,11) ở tiệc cưới Cana. Đức Gioan Phaolô II nhấn còn mạnh điều này:
Sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người được hoàn tất vĩnh viễn nơi Đức
Giêsu Kitô, vị Hôn Phu yêu thương và hiến mình làm Đấng cứu độ nhân loại bằng
cách kết hiệp nhân loại với Người như chính thân mình Người. Người mạc khải sự
thật nguyên thủy của hôn nhân, sự thật của “thuở ban đầu” (Mt 19,5) và khi giải
phóng con người khỏi tâm hồn chai đá, Người làm cho con người có khả năng thực
hiện sự thật này trọn vẹn. Mạc khải này đạt đến sự viên mãi dứt khoát của nó
trong việc trao ban tình yêu mà Ngôi Lời Thiên Chúa ban cho loài người khi
Người mặc lấy bản tính nhân loại và trong việc hy sinh mà Đức Giêsu Kitô đã
hiến mình trên thập giá cho hiên thê của Người là Hội thánh. Sự hy sinh ấy biểu
lộ trọn vẹn ý định mà Thiên Chúa đã ghi khắc vào trong nhân tính của người nam
và người nữ từ khi tạo dựng họ (Ep 5,32-33).[17]
Hôn nhân là
một mầu nhiệm cao cả phản ảnh mầu nhiệm Nhập thể, tức là mầu nhiệm Thiên Chúa
tỏ mình ra, nên hôn nhân gia đình không phải chỉ là “một túp lều tranh hai trái tim vàng” tầm thường vậy thôi, mà còn là chính cung thánh thần linh, nơi “Thiên Chúa ở giữa chúng sinh” (Mt 1,23) ngự trị và tỏ mình ra, qua những
thăng trầm của cuộc sống vợ chồng, để cuộc sống hôn nhân gia đình của họ trở
thành một Tin mừng soi chiếu vào những vùng văn hóa sự chết duy nhân bản hiện nay, một thứ văn hóa chỉ tôn sùng con người như
thần tượng tối cao của mình, và chỉ phụng sự quyền làm người bất khả xâm phạm
của mình, hoàn toàn loại bỏ lề luật tự nhiên cũng như lề luật luân lý bất biến
của Ðấng Tối Cao, là những gì đòi hỏi họ phải tận trung vợ chồng với nhau với
bất cứ giá nào, cũng như phải sử dụng chính đáng khả năng truyền sinh của mình
và tôn trọng sự sống bởi đó mà ra. Chính vì thế,
dưới mái ấm gia đình, người nam người nữ luôn được mời gọi phải thể hiện sự kết
hợp ban đầu của Thiên Chúa dành cho họ:
Sự hiệp thông đầu tiên là sự hiệp thông được thiết lập và phát triển giữa
đôi bạn: nhờ khế ước của tình yêu vợ chồng, người nam và người nữ ‘không còn phải là hai nhưng là một xác thịt’ và được mời gọi lớn lên không ngừng trong sự hiệp thông
với nhau qua việc trung thành mỗi ngày với lời cam kết hôn nhân là trao hiến
trọn vẹn cho nhau.[18]
Khi thịnh vượng
cũng như lúc gian nan…
Mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa không chỉ là mầu nhiệm của sự kết hợp giữa thần tính
với nhân tính, nhưng còn là thái độ vâng lời thực thi thánh ý Cha:
Con Thiên Chúa ‘từ trời xuống, không phải để làm theo ý
Người, nhưng để làm theo ý Đấng đã cử Người’ (Ga 6,38), ‘khi vào trần gian, Người nói: … Lạy Thiên
Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Người… Chính theo ý đó của Thiên Chúa,
mà chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế,
chỉ một lần là đủ’ (Hr 10,5-10). Ngay từ phút đầu tiên khi nhập
thể, Chúa con sống chết với ý định cứu độ của Thiên Chúa trong sứ vụ cứu thế
của mình: ‘Lương thực nuôi sống Thầy là thi hành ý muốn
của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất tốt đẹp công trình của Người’ (Ga 4,34). Lễ hy sinh của Đức Giêsu ‘đền bù tội lỗi thế gian’ (1 Ga 2,2) là cách diễn tả sự thông hiệp tình yêu với Chúa Cha: ‘Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, chính vì tôi hy sinh mạng
sống mình’ (Ga 10,17). ‘Thế gian phải biết rằng tôi yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã
truyền cho tôi’ (Ga 14,31).[19]
Điều này thật gần gũi với ơn gọi mà người nam và người nữ
được mời gọi khi bước vào đời sống hôn nhân; giờ đây họ phải sống cho nhau,
không phải người đàn ông nói với vợ mình “em là của anh” nhưng là “anh là của
em”; và người phụ nữ không nói với chồng mình
“anh là của em” nhưng là “em là của anh”; giờ phút nói lên lời thề ước trung
thành với nhau mãi mãi, dù thịnh vượng hay nghèo đói, dù đau khổ hay vui sướng
là lúc đôi bạn tỏ rõ quyết tâm sống cho nhau.
Như xưa, Thiên Chúa đến với dân Ngài trong một giao ước yêu thương và trung
thành, ngày nay, Đấng Cứu Thế, Bạn Trăm Năm của Giáo hội cũng đến với đôi vợ chồng qua bí tích Hôn Phối. Người
còn ở lại với họ để hai vợ chồng mãi mãi trung thành yêu thương nhau bằng sự tự
hiến cho nhau, nhưng Người đã yêu thương Giáo hội và nộp mình vì Giáo hội.[20]
Đức Kitô canh tân ý định nguyên thủy mà Đấng Tạo Hóa đã ghi khắc trong lòng
người nam và người nữ, và trong lúc cử hành bí tích Hôn Phối, Người ban cho họ
“một tấm lòng mới”: như thế, không những đôi bạn có thể vượt lên được khỏi sự
“cứng lòng” (Mt 19,8), mà nhất là họ còn
có thể dự phần vào tình yêu toàn diện và dứt khoát của Đức Kitô, là Giao ước
mới và vĩnh cửu đã trở thành xác phàm. Cũng như Chúa Giêsu là vị “chứng nhân trung thành”, là tiếng “có” của
những lời Thiên Chúa hứa, và đó là sự thể hiện tối cao của lòng trung tín vô
điều kiện mà với sự trung tín ấy Thiên Chúa đã yêu thương dân Ngài, thì đôi bạn
Kitô hữu cũng được mời gọi để thực sự dự phần vào sự bất khả phân ly không thể
thu hồi đang kết nối Đức Kitô với Hội thánh là hiền thê mà Người yêu mến đến
tận cùng.[21]
Sự tận hiến trọn đời cho nhau là một đòi hỏi tuyệt đối
của hôn nhân Kitô giáo, họ phải trung thành với nhau đến chết, đó là một sự
trao hiến trọn vẹn:
Bắt nguồn từ trong sự trao ban trọn vẹn và đích thân giữa hai vợ chồng,
cũng như do lợi ích của con cái đòi hỏi, sự bất khả phân ly của hôn nhân dựa
trên nền tảng là ý định Thiên Chúa đã bày tỏ trong mạc khải của Người: chính Người muốn hôn nhân phải bất khả phân ly và Người ban cho nó ơn này như kết quả, dấu chỉ và đòi hỏi của tình yêu tuyệt đối
trung thành mà Thiên Chúa đã có đối với con người và là tình yêu mà Chúa Giêsu
đã tỏ ra đối với Hội thánh.[22]
3. Gia đình:
cộng đoàn của tình yêu
Tín biểu chúng ta vẫn hằng đọc vào các Chúa nhật và lễ trọng tuyên xưng Thánh Linh: “Tôi tin kính
Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng Ban sự sống, Người bởi Đức Chúa
Cha và Đức Chúa Con mà ra.” Thánh Linh phát xuất từ tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Thánh Linh được coi như tình
yêu liên kết giữa Chúa Cha và Chúa Con, tình yêu trao ban hỗ tương. Tình yêu ấy không
khép kín lại trong nội tại của Thiên Chúa nhưng tiếp tục trao ban dạt dào ra
ngoài. Tất cả những gì Thiên Chúa đã thực hiện đều bắt nguồn từ tình yêu dạt
dào vô biên của Người, tức là đều bởi Thánh Linh, tình yêu trao ban đón nhận giữa Chúa Cha và Chúa Con.
Chính vì thế, khi đôi bạn thể hiện tình yêu dành trọn cho nhau qua bí tích Hôn phối, là lúc đôi bạn nhìn nhận tình yêu đó phát xuất từ Thánh
Linh. Thánh Gioan đã xác nhận điều này: “Anh
em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên
Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu”
(1 Ga 4,7-8).
Vì thế, Hôn nhân là một mầu nhiệm cao cả phản ảnh mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Thật vậy, theo sách Sáng Thế, mạc khải cho thấy: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh
mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng
tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Việc sáng tạo đó khởi đi từ ý định
của Ðấng Tạo Hoá: “Chúng
ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St
1,26). Chính vì thế, con người được dựng nên có nam có nữ đã phản ảnh cộng đồng
“chúng ta” nơi Thiên Chúa Ba Ngôi.
Có một tác giả đã lập luận rằng, con người được dựng nên có nam có nữ đã phản
ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi ở cả hữu thể và phái tính của mình. Về hữu thể, không
phải hay sao, ngay từ ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên chỉ có một con người duy
nhất (x. St 2,7), “hình ảnh” chỉ có một Thiên Chúa duy nhất (x. Ga 17,3). Về
phái tính, con người duy nhất được Thiên Chúa dựng nên ngay từ ban đầu ấy được
biểu hiệu nơi Ađam, “tương tự như” Thiên Chúa Ngôi Cha; để rồi từ con người duy
nhất này Thiên Chúa làm nên một “đồng bạn cân xứng” (St 2,18), “tương tự như” Thiên Chúa Ngôi Con nhiệm sinh từ Thiên Chúa Ngôi Cha;
và tình yêu đã phát hiện từ việc Ađam nhận biết xương thịt của mình rồi cả hai
trở nên một thân thể (x. St 2,23-24), “tương tự như” Thiên Chúa Ngôi Ba nhiệm
xuất từ Thiên Chúa Ngôi Cha và Thiên Chúa Ngôi Con. [23]
Thánh Linh không chỉ là nguyên khởi cho tình yêu của đôi
bạn, nhưng còn là “ân ban” để giúp đôi bạn sống hành trình yêu thương nữa. Thật
vậy,
Kim chỉ nam và quy luật của họ (đôi vợ chồng) là Thần Khí Đức Giêsu, đã
được đổ xuống trong lòng họ nhờ việc cử hành bí tích Hôn phối. Tiếp nối với
phép rửa trong nước và Thần Khí, bí tích Hôn nhân nêu lên một lần nữa luật tình
yêu của Tin Mừng và nhờ ơn Thần Khí, nó khắc sâu luật ấy
vào lòng đôi bạn Kitô hữu: tình yêu của họ được thanh tẩy và cứu độ, là một hoa
quả của Thần Khí, Đấng đang tác động trong lòng các tín hữu và đồng thời đang
tự bộ lộ như lệnh truyền căn bản cho đời sống luân lý, một đời sống đang được
đặt ra trước sự tự do hữu trách của họ.[24]
Gia đình là nơi tập họp những con người có nam có nữ. Ngày xưa khi
đứng trước cộng đoàn Dân Chúa, đôi bạn đã thề hứa: “Giữ lòng
chung thủy với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan khi bệnh hoạn cũng
như lúc mạnh khỏe để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời”. Sự tôn trọng
và yêu thương nhau suốt đời không phải phát xuất từ con người của đôi bạn, mà
từ Tam Vị Thiên Chúa. Tam Vị Thiên Chúa tôn trọng và yêu thương nhau để rồi
chính đôi vợ chồng lại tiếp tục sự tôn trọng và yêu thương đó trong mọi lãnh
vực, mọi khía cạnh của cuộc sống trong đời sống gia đình.
Ở trong gia đình có chồng, có vợ, đứng về ngôi vị là hai
người, sinh ra đứa con nữa là có ba người, nhưng ba người này không thành một
như chính Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể, vì đó là một mầu nhiệm. Nhưng ba người đó
có thể thành một nếu ba người này sống trong tình yêu Thiên Chúa. Ba người này
hợp nhất lại thành một gia đình là Gia đình Chúa, có Chúa ngự trị, bởi vì họ ý
thức được rằng, ở nơi đó Chúa Cha đang tiếp tục sáng tạo từ chính trong tâm hồn
mỗi người, Chúa Con đang cứu chuộc, Thánh Linh đang thánh hóa.
Tình yêu chia sẻ
Nơi con
người, tình yêu thường mang tính cách chiếm đoạt; còn nơi Thiên Chúa, tình yêu
thông ban. Thánh Linh tình yêu không tỏ mình xuất hiện nhưng âm thầm tác động
làm vai trò môi giới liên kết - mối dây liên kết Chúa Cha với Chúa Con. Tình
yêu đó duy trì cho các ngôi vị được tự lập chứ không bị xóa nhòa tiêu diệt.
Thánh Linh tình yêu bảo đảm cho sự thông hiệp giữa Ba ngôi Thiên Chúa thì cũng
trở thành nguyên tố và mẫu mực cho sự thông hiệp các gia đình, rộng lớn hơn là
toàn thể Hội thánh.
Tình yêu gia
đình, tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa cũng được Thánh Linh mời gọi bước vào sự
nối kết đó.
Gia đình,
được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là một cộng đồng
các ngôi vị: đôi bạn là nam và nữ, cha mẹ và con cái, họ hàng. Bổn phận đầu
tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông, trong một cố
gắng bền bỉ nhằm thăng tiến một cộng đồng đích thực gồm các ngôi vị.[25]
Gia đình vẫn
thường được định nghĩa là hạt nhân của xã hội, là một Giáo hội thu nhỏ; điều
này nói lên vai trò sứ mạng của gia đình hạt nhân đối với đại gia đình thế
giới, tức là sự thông dự trách nhiệm của gia đình vào sự thăng tiến của xã hội,
Giáo hội.
Sự tham dự
của gia đình vào sứ mạng của Hội thánh, được Đức Gioan Phaolô II chỉ ra qua ba
khía cạnh, mà thực ra chỉ là một, tức là quy chiếu vào Đức Giêsu Kitô, trong tư
cách là tiên tri, là tư tế và là vương đế, bằng cách trình bày gia đình Kitô
hữu như là: Cộng đồng tin và loan báo Tin mừng; Cộng đồng đối thoại với Thiên
Chúa; Cộng đồng phục vụ con người.[26] Đây không phải là một
công tác nhiệm ý, tức là muốn làm hay không cũng được; nhưng là sứ mạng hệ tại
bản chất của bí tích mà hai người đã lãnh nhận.
Nhờ bí tích
Hôn phối trong bậc sống và trong lãnh vực của họ, đôi bạn và cha mẹ Kitô hữu
cũng có được ơn riêng dành cho họ trong lòng dân Thiên Chúa. Do đó, không những
họ ‘nhận được’ tình yêu của Đức Kitô để trở nên một cộng đồng ‘được ơn cứu
rỗi’, mà còn được mời gọi ‘truyền đạt’ cho anh chị em của họ chính tình yêu của
Đức Kitô, để như thế họ trở nên một cộng đồng, ‘cứu rỗi’ người khác.[27]
Giáo hội mà
người Kitô hữu đang hiệp thông không phải là một Giáo hội vô hình, nhưng là Giáo
hội nằm trong lòng thế giới. Điều đó cũng muốn nói lên sứ mạng của Giáo hội là
biến đổi thế giới; theo nghĩa đó, gia đình Kitô hữu cũng được mời gọi thông dự
vào sứ mạng đó của Giáo hội phổ quát. Đây vừa là ân sủng nhưng cũng vừa là
trách nhiệm của gia đình Kitô hữu:
Các gia đình
Kitô hữu đã ăn rễ sâu trong đức tin và đức cậy chung của mọi người và được sinh
động nhờ đức ái, nên sự hiệp thông tinh thần của họ kết thành một năng lực bên
trong từ đó sự công bình hòa giải, huynh đệ và hòa bình giữa mọi người được
phát sinh, lan rộng và tăng trưởng. Như một Hội thánh “nhỏ”, gia đình Kitô hữu
được mời gọi theo hình ảnh của Hội thánh “lớn”, để làm một dấu chỉ hiệp nhất
cho thế giới và để theo chiều hướng ấy mà thực hiện, vai trò tiên tri, làm
chứng cho vương quốc và cho hòa bình của Đức Kitô mà cả thế giới đang tiến tới.[28]
Gia đình Kitô hữu được mời gọi làm chứng cho mọi người thấy sự tận tâm
quãng đại và vô vị lợi của mình đối với những vấn đề xã hội, mà ưu tiên là lo
cho những người nghèo và những người bị bỏ rơi. Chính vì thế, khi bước theo
Chúa trong một tình yêu thương đặc biệt đối với tất cả mọi người nghèo, gia
đình Kitô hữu phải lưu tâm riêng đến những ai đói khát, túng thiếu, già cả,
những ai bị đau ốm, nghiện ngập hoặc không có gia đình.[29]
Như Tam Vị
Thiên Chúa hiện diện trong hoạt động của mỗi Ngôi vị: công trình sáng tạo không
phải chỉ của Cha; công trình cứu chuộc không phải chỉ là của Con; và công trình
thánh hóa không chỉ là của Thánh Linh; Gia đình Kitô hữu cũng được mời gọi hiệp
thông các thành viên, ngôi vị trong gia đình với nhau cùng thi hành một sứ vụ
được trao ban. Tương quan này là một tương quan đan xen giữa cha mẹ với nhau,
giữa cha mẹ với con cái và giữa gia đình với toàn thể Giáo hội, xã hội.
Nếu gia đình
Kitô hữu là một cộng đồng mà các liên hệ của nó đều đã được Đức Kitô canh tân
nhờ đức tin, và các bí tích, thì việc nó tham dự vào sứ mạng của Hội thánh phải
được thực hiện một cách cộng đồng; vợ chồng phải phục vụ Hội thánh và thế giới
với tư cách là đôi bạn, cũng như cha mẹ và con cái phải phục vụ Hội thánh và
thế giới với tư cách là gia đình.[30]
Kết luận
Người Kitô
hữu, từ lúc thiếu thời đến khi trưởng thành, vẫn phải luôn ghi nhớ bài giáo lý
đơn sơ này: có một Thiên Chúa duy nhất là Cha - Con - Thánh Linh. Các nhà Thần
học dẫu suy tư cao siêu bao nhiêu đi nữa vẫn phải dựa trên bài giáo lý đơn sơ
đó. Trời đất muôn vật hữu hình và vô hình đều do Chúa Cha tạo thành, nhưng
trong công trình đó không vắng bóng Chúa Con và Thánh Linh; xuống thế cứu chuộc
con người, mặc lấy xác phàm nhân là chính Chúa Con, nhưng cũng không thể trình
bày ra khỏi tình yêu duy nhất của Cha - Con - Thánh Linh; nhiệm vụ thánh hóa
con người là chính Thánh Linh, Đấng luôn đổ tràn đầy hồng ân cho con người,
nhưng ta cũng không thể diễn tả ra khỏi sự hiệp nhất của Chúa Cha - Chúa Con -
Chúa Thánh Linh. Làm sao hiểu được? Đó là mầu nhiệm! Khi diễn tả điều
này vào trong “môi trường” cụ thể của gia đình không phải là nhằm để làm sáng
tỏ mầu nhiệm đó; nhưng để thấy được Tình Yêu “khó hiểu” (mầu nhiệm) đó tuôn
chảy vào mỗi gia đình, giúp gia đình sống nhiệm cuộc Yêu Thương của Thiên Chúa:
tham dự vào Tình Yêu Tam Vị qua việc sản sinh và giáo dục con cái, qua việc gắn
kết nên một và chung thủy trọn đời với nhau, qua việc lãnh nhận tình yêu từ
Thiên Chúa và trao ban tình yêu đó cho mọi người trong môi trường sống của gia
đình.
[1] St 1,28.
[2] Gioan Phaolô II, Bài giảng trong cuộc gặp gỡ lần thứ nhất với các gia đình
(9.10.1994).
[3] Xc. Giáo
lý Hội thánh Công giáo, số 1601.
[4] Vatican II, Gaudium et Spes, số 50.
[5] Ibid., số 50.
[6] Gioan Phaolô II, Giáo lý về Thông điệp Veritatis
Splendor (12.06.1994).
[7] Gioan Phaolô II, “Gia Đình Cộng tác với Đấng Tạo Hóa”, triều yết chung (1.12.1999).
[8] Ga 6,27.
[9] St 3,16-19.
[10] Vatican II, Gaudium et Spes, số 67.
[11] Giáo
lý Hội thánh Công giáo, số 307.
[12] xc. T. Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I, q.104, a.1.
[13] Giáo
lý Hội thánh Công giáo, số 302.
[15] Gioan Phaolô II, Bài giảng trong cuộc gặp gỡ lần thứ nhất với các gia đình
(9.10.1994). Nguyễn Văn Dụ, Gia đình
trong trái tim và trong vai trò ngôn sứ của Đức Gioan Phaolô II, tr.449.
[16] Mt 19,5.
[17] Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, số 13.
[18] Ibid.,
số 19.
[19] Giáo
lý Hội thánh Công giáo, số 606.
[20] Vatican II, Gaudium et Spes, số 48.
[21] Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, số 20.
[22] Ibid.,
số 20.
[23] Xc. Cao Tấn Tĩnh, Mái Ấm Yêu Thương, Cao Bùi, 1994, trang 47-63.
[24] Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, số 63.
[25] Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, số 18.
[26] Xc. Ibid., các số 51-64.
[27] Ibid.,
số 49.
[28] Ibid.,
số 48.
[29] Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, số 47.
[30] Ibid.,
số 50.
Đăng nhận xét