Tiến sĩ
Thomas Richstatter, OFM
Trong mỗi bí tích, một cánh cửa được mở ra
và chúng ta có thể thoáng thấy mầu nhiệm của Thiên Chúa
và kế hoạch cữu rỗi nhân loại của Người.
Trong hôn nhân Kitô giáo, chúng ta thấy rằng,
Thiên Chúa không để cho con người phải ở một mình,
nhưng muốn cho họ cùng nhau thiết lập một dự án cuộc sống mới.
và chúng ta có thể thoáng thấy mầu nhiệm của Thiên Chúa
và kế hoạch cữu rỗi nhân loại của Người.
Trong hôn nhân Kitô giáo, chúng ta thấy rằng,
Thiên Chúa không để cho con người phải ở một mình,
nhưng muốn cho họ cùng nhau thiết lập một dự án cuộc sống mới.
Trúc
Bạch, OP., chuyển ngữ
Hôn nhân là gì? Một linh mục như tôi có vẻ như không phải là
người trả lời câu hỏi đó vì tôi chưa kết hôn, chưa bao giờ lập gia đình và
cũng không có ý định lập gia đình. Tất nhiên, đó không phải là những điều kiện
thiết yếu để có thể nói về hôn nhân.
Ngày nay,
hôn nhân chắc chắn là một chủ đề đáng để đưa ra thảo luận, một chủ đề cần phải
được hiểu rõ hơn. Với người Công giáo, hôn nhân không đơn thuần chỉ là
giao ước mà còn là bí tích. Mặc dù tôi không kết hôn, nhưng tôi đã có một số
hiểu biết về bí tích Hôn nhân. Tôi đã nhiều lần chứng hôn cho thân hữu và
giáo dân. Tôi đã tham dự lễ cưới nhiều lần. Trên thực tế, bí tích Hôn
nhân là bí tích đầu tiên mà tôi trải nghiệm, vì trước khi tôi chịu phép Thánh
Tẩy, tôi được sinh ra trong cuộc hôn nhân Công giáo.
Những gì tôi
sẽ nói về bí tích này được rút ra từ kinh nghiệm của tôi về cha mẹ tôi và nhiều
cặp vợ chồng mà tôi đã có dịp thảo luận về ý
nghĩa bí tích Hôn nhân, những người từ Phong trào Gia đình Công giáo và gặp gỡ
trong hôn nhân, và hàng trăm cặp vợ chồng mà tôi đã giúp chuẩn bị cho hôn nhân
của họ. Những cặp vợ chồng này thường nói với tôi về ý nghĩa mà họ tìm
thấy trong bí tích này. Khi tôi suy niệm về những đoạn Thánh kinh mà các
cặp vợ chồng đã chọn để đọc trong lễ cưới của họ, tôi đã đi đến kết luận sau
đây: Hôn nhân là việc dấn thân vào một dự án cuộc sống
mới.
Dự án cuộc sống mới
Ai thì cũng
đều có một mục đích nào đó để hướng tới trong cuộc sống: một cái gì đó họ muốn
trở thành. Có thể mất một thời gian để tìm ra nó là cái gì, nhưng chắc chăn
cuối cùng là một dự án cuộc sống sẽ hình thành, cách vô tình hay hữu
ý. Mọi người thường theo đuổi mục tiêu nào đó, chẳng hạn: trở thành bác sĩ
phẫu thuật chuyên môn cao, trở thành giáo viên mẫu giáo giỏi, làm chủ một trang
trại hoặc những thứ khác nữa,… Nhưng rồi, trên đường đời tấp nập, có lúc họ gặp
một người nào đó mà họ bị cuốn hút, và tình yêu dành cho người ấy có thể thay
thế những dự định, mục đích mà họ đang theo đuổi. Họ cam kết cho một dự án cuộc
sống mới.
Họ quyết
định sẽ trở thành hạnh phúc, điều thiện hảo cho người kia, thể hiện rõ qua
những việc làm cụ thể trong chương trình sống của họ. Họ ưu tiên cho điều ấy
hơn cả những mục đích và những ước mơ của riêng mình. Và khi người kia
cũng đưa ra một quyết định tương tự, rồi cùng nhau, cả hai sẽ dấn thân vào một
cuộc phiêu lưu hoàn toàn mới. Đối với tôi, dường như đó là ý nghĩa căn bản
của bí tích Hôn nhân.
Bí tích này
tiết lộ chiều kích tôn giáo của hôn nhân. Ngoài khía cạnh con người, xã hội và pháp luật của hôn nhân, dấu
hiệu công khai mà một người hoàn toàn trao hiến cho một người khác, thì bí tích
Hôn nhân còn là một tuyên bố công khai về Thiên Chúa. Việc lãnh nhận bí
tích nào cũng đều cho thấy một thực tại tối hậu này: Thiên Chúa là ai và Người
có vai trò gì với chúng ta.
Trong Thánh
kinh, mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người thường được diễn tả dưới hình
thức một cuộc hôn nhân. Những Kitô hữu đầu tiên cũng đã sử dụng hình ảnh
này khi suy gẫm về tình yêu của Chúa Kitô đối với nhân loại. Chúa Kitô và
Giáo hội được kết hợp trong tình yêu hy hiến, trao dâng như tình yêu vợ chồng
(Xc. Ep 5, 21-33). “Vì thế, người
đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một
thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội thánh”(Ep
5, 31-32).
Hôn nhân Công giáo
Hôn nhân đã
được hình thành một thời gian dài trước khi Chúa Giêsu giáng sinh. Cha mẹ
Người đã lập gia đình, và ít nhất một số các Tông đồ cũng thế, chẳng hạn trong
Tin mừng Nhất lãm, chúng ta đọc thấy cụm
từ “mẹ vợ của ông Phêrô” (Xc. Mt 8,14; Mc 1,30, Lc 4, 38). Trong Giáo hội
sơ khai, các Kitô hữu đã kết hôn như bất cứ ai khác trong nền văn hoá nơi họ
sống. Dần dần, các Kitô hữu bắt đầu thấy rằng, mối liên kết thương yêu
chồng vợ không chỉ thể hiện những giá trị gia đình mà còn về vai trò của Thiên
Chúa.
Theo dòng lịch sử, mãi cho đến thế kỷ XII, các cuộc hôn nhân đã
diễn ra theo những nghi thức khác mà giờ đây chúng ta hiểu là bí
tích. Trong suốt thời Trung Cổ không có nghi lễ cưới thống nhất cho người
Kitô hữu. Nghi thức lễ cưới Công giáo mà chúng ta thấy như ngày nay chủ
yếu thình thành từ thế kỷ XVI.
Các nghi
thức của bí tích Hôn nhân cũng có một “bộ khung” giống như những bí tích khác,
bao gồm: các tín hữu quy tụ lại, có các bài đọc Thánh kinh, các công thức phụng
vụ… Tín hữu quy tu lại như việc tham dự thánh lễ Chúa nhật, mặc dù nghi thức
rước cô dâu chú rể vào nhà thờ có thể phức tạp hơn (đôi khi, những nghi thức
phụ như vậy lại làm xao nhãng những điều chính yếu, nhưng tôi không muốn nói về
sự lạm dụng ở đây). Đã có thời thân phụ cô dâu dẫn con mình đi để “đổi lấy” một
khoản tiền (sính lễ) của nhà trai. Thời nay, khi mà không còn có hình thức
“bán” như vậy nữa thì hiểu như là “trao tặng”.
Tất nhiên,
ngày nay, các cặp đôi sẽ chẳng chấp nhận nổi kiểu “đổi chác” trong quá khứ,
nhưng muốn đám cưới của mình là sự hợp tác của họ hàng đôi bên. Các cặp đôi
thường sắp xếp để những người tham dự đều có tâm tình hiệp thông với mình: chú
rể sẽ đi cùng cha mẹ, họ hàng của mình và cô dâu cũng vậy. Rồi, đến trước nhà
thờ, họ sẽ “rời bỏ” cha mẹ để đến với nhau,
đồng thời cũng là ra mắt cộng đoàn và
mời gọi mọi người cùng nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho việc mình
đang làm. Người dẫn lễ sẽ có nhiệm vụ sắp xếp các phần sao cho ăn khớp. Sau khi
nghi thức nhập lễ kết thúc, cộng đoàn sẽ ngồi xuống và lắng nghe những bài đọc
trong Thánh kinh, hai bài đọc tựa như thánh lễ Chúa nhật. Đôi bạn sẽ được chọn
các đoạn Thánh kinh theo theo ý nghĩa mà họ muốn cho lễ cưới của họ. Vì
vậy, các bài đọc Thánh kinh đôi khi sẽ đề cập đến “sự sáng tạo,” vì cặp vợ
chồng mới đang muốn làm ra những điều
mới mẻ, chẳng hạn: một dự án cuộc sống mới, một mối tương quan mới, một gia
đình mới. Họ là dấu chỉ của “chương trình yêu thương” mà Thiên Chúa thực hiện khi sáng tạo thế giới. Hoặc
các bài đọc sẽ đề cập đến ý nghĩa của sự hợp nhất: chồng và vợ sẽ trở nên một
xương một thịt.
Hôn nhân
Kitô giáo diễn tả ý muốn của Thiên Chúa để hợp nhất với chúng ta. Cặp đôi sẽ
đến trước cộng đoàn Giáo hội để thề hứa chung thủy suốt đời, dấu chỉ của tình
yêu vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã, đang và sẽ dành cho nhân loại. Và rồi, cộng đoàn
sẽ cùng cầu nguyện cho đôi bạn, cho lời thề hứa được vững bền. Linh mục, những
người tham dự và cộng đoàn Giáo hội sẽ là chứng nhân cho giao ước của đôi bạn.
Đôi bạn sẽ trao nhẫn cho nhau như một dấu hiệu của tình yêu và lòng chung thủy
và đóng dấu lời thề với một nụ hôn. Nghi thức thề ước sẽ được diễn ra trong
khung cảnh của bí tích Thánh Thể. Bữa tiệc Thánh Thể sẽ làm cho hôn nhân
thêm hoàn thiện, diễn tả rõ nét tình yêu của Thiên Chúa và mong muốn của Người
được hợp nhất với chúng ta. Khi bánh và rượu được đưa đến bàn thờ, linh mục đọc
lời ngợi khen và tạ ơn (Kinh nguyện Thánh Thể); và rồi sau đó, cộng đoàn sẽ
tiến lên để hiệp lễ, một dấu chỉ sống
động về ý muốn của Thiên Chúa để nên một với con người. Cuối thánh lễ, vị chủ
tế sẽ chúc lành cho cô dâu, chú rể và toàn thể cộng đoàn Kitô hữu để họ ra làm
chứng cho tình yêu của Thiên Chúa dành cho toàn cõi nhân sinh.
Điều gì làm nên hôn nhân?
Đôi khi ta
có thể học biết được rất nhiều về một cái gì đó bằng cách nhìn vào mặt trái của
nó. Chúng ta có thể tìm hiểu về bí tích Hôn nhân bằng cách xem xét những
chỉ dẫn của Giáo hội, trong trường hợp “tiêu hôn,” nhìn nhận rằng đôi bạn chưa
bao giờ thực sự kết hôn.
Tôi đã nghe
nhiều người, trong những hoàn cảnh khác nhau nói rằng, việc tiêu hôn chỉ là một
cách ly hôn của người Công giáo. Mới nghe qua thì cũng có vẻ hữu lý, tuy nhiên,
tôi vẫn tin rằng việc tiêu hôn là một điều rất khác với ly hôn: ly hôn là sự giải thể, sự chấm dứt
của một cuộc hôn nhân, còn tiêu hôn là tuyên bố rằng chính thức của Giáo hội
rằng bí tích hôn nhân đã không thành.
Để có thể
tiến tới hôn nhân Công giáo, người nam và người nữ phải có khả năng dấn thân,
khả năng trao tặng. Khi còn nhỏ, cha mẹ có lẽ đã từng dạy chúng ta từng
bước để sống rộng lượng. Chúng ta có lẽ đã được dạy để chia sẻ búp bê, đồ chơi,
rồi bánh sinh nhật… Từng chút một, chúng ta được học cách chia sẻ thời gian và
những gì bản thân có. Việc học để biết trao ban bản thân là rất cần thiết cho
sự chuẩn bị hôn nhân. Một người mà không đủ trưởng thành và hào phóng trên con
đường trao hiến thì khó lòng có một cuộc hôn nhân thành công, mặc dù người đó
cũng có thể sẻ chia với người khác một căn hộ hoặc cưu mang con cái.
Có nhiều lý
do khiến đôi bạn khó có thể hòa nhập đời sống, và tất nhiên không phải lúc nào
cũng là do thiếu sự rộng lượng. Tuyên bố công khai rằng hôn nhân không bao
giờ tồn tại là những gì người Công giáo gọi là tiêu hôn. Giáo hội không muốn nói
rằng một cuộc hôn nhân của đôi bạn chấm dứt bởi vì tình yêu của chồng vợ là dấu
hiệu tình yêu bất diệt của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tình yêu Thiên Chúa
dành cho chúng ta thì không kết thúc trong sự phân ly. Thiên Chúa thì luôn
thành tín dù cho con người có bất trung. Giáo
hội mong muốn rằng thậm chí khi một người phối ngẫu không tin vào mối dây liên
kết của hôn nhân, thì người còn lại, bằng đức tin kiên định của mình, sẽ trở
nên lời chứng cho toàn thể cộng đồng về con đường tình yêu của Thiên Chúa.
Giao ước hôn nhân của chúng ta với Thiên Chúa
Trong mỗi bí
tích, một cánh cửa được mở ra và chúng ta có
thể thoáng thấy mầu nhiệm của Thiên Chúa và kế hoạch cữu rỗi nhân loại của
Người. Trong hôn nhân Kitô giáo, chúng ta thấy rằng, Thiên Chúa không để cho con
người phải ở một mình, nhưng muốn cho họ
cùng nhau thiết lập một dự án cuộc sống mới. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã tạo
dựng chúng ta và mọi thứ; Người luôn tín trung và mở rộng vòng tay chờ
đón chúng ta, cho dù có chuyện gì xẩy ra đi nữa, cho dù chúng ta có trung thành
hay bội phản; cho dù chúng ta có lạc lối trong tội lỗi hay vẫn ở trong vòng tay
yêu thương của Người. Đây là dấu chỉ bí tích mà người chồng người vợ có thể
trao tặng cho nhau và cho toàn thể cộng đoàn tín hữu.
Tôi cũng đã có những cam kết với Thiên Chúa và chính Người cũng
có những cam kết với tôi. Lắm lúc tôi tự hỏi: liệu rằng Thiên Chúa có phải là
Đấng trung tín? Tôi chưa bao giờ thấy Thiên
Chúa, nhưng tôi có thể thấy lòng chung thủy của những người chồng, người vợ
Kitô hữu. Tình yêu của họ dành cho nhau là dấu hiệu bí tích và là lời
chứng về tình yêu Thiên Chúa dành cho tôi. Tôi tin rằng, cuộc sống của mỗi
người chúng ta được kết nối với nhau như vải được dệt nên bằng nhiều “sợi chỉ
cam kết.” Sự trung thành trong cam kết của tha nhân tăng cường cho cam kết của
riêng tôi. Đây thật sự là một mầu nhiệm vĩ đại. Nó luôn chạm vào đáy lòng tôi,
mỗi khi tôi tham dự một đám cưới Công giáo và mỗi lần tôi cảm nghiệm về mầu
nhiệm tình yêu giữa người chồng và người vợ.
Đám cưới của ai?
Hôn nhân là
một giao ước “theo đó người nam và người nữ làm thành một cộng đoàn cho cả cuộc
đời.”[1] Thông thường, chúng ta sẽ
nghĩ về giao ước là cái gì đó lạ lẫm hơn là đặt trong một bối cảnh giữa hai
người cụ thể nào đó. Một cách đơn giản, hôn nhân là nhằm mưu ích cho đôi bạn
cũng như cho con cái của họ. Đôi khi, chúng ta cũng thường nghĩ rằng đám cưới
chỉ dành cho đôi bạn, như thể chỉ có họ. Họ có thể mời bất cứ ai họ muốn, hát
những bài hát họ ưa thích, sắp đặt tiệc cưới nơi họ thấy thích hợp…
Công đồng
Vatican II nhắc nhở chúng ta rằng, giao ước hôn nhân tồn tại không chỉ cho lợi
ích của các đôi bạn và con cái họ, mà còn vì lợi ích của Giáo hội và xã hội.
Trong những năm sau Công đồng Vatican II, sự hiểu biết của chúng ta về bí tích
đã có một sự thay đổi, đó là chúng ta ngày càng nhận ra rằng, các bí tích “không phải riêng lẻ, nhưng là của cả toàn
thể Giáo hội. Các hoạt động Phụng vụ thuộc về toàn thân thể Giáo hội, bày tỏ
Giáo hội và tác động trên Giáo hội…”[2].
Rõ ràng, đám
cưới có liên hệ mật thiết với cô dâu chú rể, bởi vì dầu sao đó là đám cưới của
họ. Nhưng một đám cưới Kitô hữu cũng là một sự kiện Giáo hội; đó là lý do tại
sao nó được cử hành trong thánh lễ. Mỗi cuộc hôn nhân đều quan trọng đối với
toàn thể giáo xứ.
Trong nghi
lễ Latinh, bí tích Hôn phối giữa hai người tín hữu Công giáo thường được cử
hành trong thánh lễ do mối liên hệ của tất cả các bí tích với mầu nhiệm Vượt
qua của Chúa Kitô. Trong thánh lễ diễn ra cuộc tưởng niệm của Giao ước mới,
trong đó Chúa Kitô phối hiệp đến muôn đời với Giáo hội, Hiền thê yêu dấu của
Người, đã được Người hy sinh cho họ, cũng như cho toàn thể nhân loại. Cho nên
việc hai người phối ngẫu đóng dấu ấn của sự ưng thuận hiến thân trọng đời cho
nhau, được kết hiệp với việc Chúa Kitô hiến dâng cho Giáo hội là điều hợp lý và
họ rước lấy Mình và Máu Thánh Chúa Kitô để “làm nên một thân thể” trong Chúa
Kitô.[3]
Trong tương
lai, sẽ có thể khó khăn để cử hành lễ cưới Công giáo cho đôi bạn. Tại sao? Ở
Phương Tây hiện nay số linh mục đang giảm đi đáng kể và thường thì chỉ có thánh
lễ vào cuối tuần mà thôi, cụ thể là ngày thứ Bảy. Có ít nhất hai giải pháp cho
tình huống này. Thứ nhất, vị chứng hôn không phải là linh mục. Ở nhiều nơi, có
những phó tế đã được phép làm điều này. Hoặc có nên cho những người không có
chức thánh cũng có thể chứng hôn? Vì Giáo lý Công giáo có ghi: “vợ chồng, với
tư cách là thừa tác viên của ân sủng của Chúa Kitô, sẽ ban bí tích cho nhau
bằng cách bày tỏ sự ưng thuận của mình trước mặt Giáo hội”[4]. Tuy nhiên, sẽ không có
thánh lễ trong những tình huống này, vì để cử hành thánh lễ thì cần phải có
linh mục. Một giải pháp khác, đang được thử nghiệm trong một số giáo xứ ở nước Mỹ, là tổ chức lễ
cưới vào Chúa nhật. Thoạt tiên, đây có thể là một giải pháp hoàn toàn không thể
chấp nhận. Tuy nhiên, ngẫm nghĩ kỹ hơn, chúng tôi thiết nghĩ cũng có những yếu
tố tích cực.
Phải thừa
nhận rằng, vào ngày cưới có rất nhiều nghi lễ văn hoá khác nhau: lễ trong nhà
thờ, nghi thức tiếp nhận, cắt bánh, ném bó hoa cưới của cô dâu, nhảy múa… Nhưng
trung tâm của tất cả các nghi thức này chính là cử hành bí tích với sự ưng
thuận giữa cô dâu và chú rể. Qua đó, hai con người (một nam, một nữ) sẽ thề hứa
trung thành với nhau như Thiên Chúa đã luôn trung tín với con người. Đây là một
nghi thức thánh thiêng khác với những thứ khác trong lễ cưới, vì nó ảnh hưởng
đến cả toàn thể Giáo hội, đặc biệt là cộng đoàn giáo xứ. Ở các giáo xứ, nếu việc trao nhau lời thề hứa được diễn ra
trong sự hiện diện của cộng đoàn vào Chúa nhật thì chiều kích bí tích của hôn
nhân có lẽ sẽ được dễ nhìn thấy và đánh giá cao hơn. Những gì cặp vợ chồng nói
với nhau không phải là cho riêng họ. Lời thề hứa của họ cho chúng ta biết
Thiên Chúa là ai đối với chúng ta.
Đăng nhận xét