Ts.
Phêrô Lâm Phước, OP.
DẪN NHẬP
Sống trong thế giới hôm
nay, chúng ta thấy rõ ràng có sự thăng tiến theo cấp số nhân về khoa học kỹ
thuật, về vi tính, về điện thoại, về phương tiện vật chất phục vụ cho cuộc
sống: từ một điện thoại Nokia cầm tay (ban đầu mà người ta hay gọi là “cục
gạch”) đến Iphone 4, 5, X… Rồi máy điện toán, computer, laptop, Ipad, v.v…
Thường khẩu hiệu của họ trong việc sử dụng phương tiện truyền thông: nhanh hơn, tiện hơn, fashion hơn.
Tương
tự trong lãnh vực thể thao cũng có khẩu hiệu: nhanh hơn, cao hơn, xa hơn hoặc
trong y tế: nhanh hơn, chính xác hơn và
hiệu quả hơn.
Sự
thăng tiến này ai cũng mong muốn. Nhưng cũng có cái tăng mạnh mà không ai mong
muốn bao giờ: đó là tăng số người chết, người nhiễm trong đại dịch Côrôna. Tính
tới nay (ngày 13/05): hơn 4 triệu người lây nhiễm, hơn 280 ngàn người tử vong,
hàng trăm ngàn người phải cách ly… Không một ai mong muốn con số này tăng cả.
Thế nhưng đó là thực tế phũ phàng: cuộc sống hiện đại càng tiến, số người chết
vì thiên tai nhân họa cũng tăng theo, nhất là chết vì dịch bệnh Corona.
Để
giảm bớt tính nguy hiểm của siêu vi trùng Corona, mỗi người cần tăng sức đề
kháng cơ thể. Đó là chìa khóa vàng trong giai đoạn này. Trong số hơn 4 triệu
người nhiễm, hơn 1,5 triệu người khỏi bệnh. Đa số họ là nhờ sức đề kháng họ cao
cùng với thuốc hỗ trợ.
Thế
còn sự thăng tiến trong đời sống Kitô hữu thì thế nào? Tiếp tục chủ đề “Đồng
hành với giới trẻ trong việc thăng tiến toàn diện”, xin gởi đến quý độc giả
chút chia sẻ tâm tình như một gợi ý trong việc mục vụ giúp cho giới trẻ; cũng
có thể nói giúp cho chính chúng ta, những tu sĩ cũng cần thăng tiến về mặt tâm
linh, đó là: thăng tiến trong đời sống Nhân bản, sống Nhân đức và sống Nhân
chứng.
THĂNG TIẾN TRONG ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN
Đó
là quy tắc ứng xử nơi công cộng: không nói chuyện bô bô, lớn tiếng nơi đông
người, không đi ngăn lối của người ta, không vứt rác bừa bãi, khạc nhổ lung
tung, không chửi tục, chửi bậy, thái độ lịch sự, nhường người già, trẻ em, phụ
nữ mang thai… Luôn nói lời cám ơn, xin lỗi, lịch sự, không thô lỗ, thóa mạ…
cách nói chuyện trong điện thoại nơi công cộng, lúc ăn, hội họp, lúc giải trí,
v.v… Nó là một khóa học giáo dục nhân bản. Phương châm trong quy tắc ứng xử
nhân bản “ba công”: công thiện, công hảo, công cộng. Ứng xử nhân bản cần làm
cho cuộc sống văn minh hơn, đơn giản hơn, Trong câu chuyện tử tế thời nay có
viết: “Cuộc sống hóa ra thật đơn giản”
Chuyện
kể về: một người đi tìm việc làm, đi trên hành lang thuận tay nhặt mấy tờ giấy
rác dưới đất và bỏ vào thùng. Vị phụ trách tuyển người vô tình nhìn thấy, thế
là anh được nhận vào làm việc. Hóa ra để được tưởng thưởng thật là đơn giản,
chỉ cần tập
tành thói quen tốt là được.
Hoặc có một cậu bé tập
việc trong tiệm sửa xe, một người khách đem đến chiếc xe đạp hư, cậu bé không những sửa
xe, lại lau chùi xe đẹp như mới, bạn bè cười nhạo cậu đã làm một việc thừa. Hai ngày sau, khách đến
lấy xe đạp, liền đón cậu về làm việc trong hãng của ông ta.
Hóa
ra để thành công cũng đơn giản, hãy chứng tỏ mình thích làm nhiều hơn điều phải
làm. Hay,
lời đối đáp sau đây để nói về việc giáo dục nhân bản cao quý như thế nào:
Có
ông chủ bắt con trai làm việc vất vả ngoài đồng. Bạn bè nói với ông ta:
- “Ông không cần
phải bắt con trai khó nhọc như thế, giống cây này tự nhiên cũng phát
triển.” Ông chủ nói:
- “Tôi dạy dỗ con cái chứ đâu phải tôi chăm cây
công nghiệp.”
Hóa
ra răn dạy con cái rất đơn giản, để chúng nó chịu khổ chút xíu là có thể được.
Thì
ra, thăng tiến trong đời sống nhân bản không chỉ dừng lại những quy tắc ứng xử
(điều này cũng cần thiết, vì cơ bản mà), mà còn hành xử nó bằng tấm lòng chân
thật, chân chính và vì lợi ích của cộng đồng: công thiện công hảo. Giống như,
việc cách lý xã hội trong thời đại dịch Côrôna: không tiếp xúc, hoặc giữ khoảng
cách xã hội (2m), hoặc thường xuyên rửa tay… là để tôi tránh lây nhiễm người
khác, hoặc để tôi đừng bị nhiễm.
Quả thật, như lời Chúa Giêsu nói: “Lòng đầy
miệng nói ra”, những hành vi ứng xử nhân bản thể hiện con
người có giáo dục, có nhân bản, lịch sự văn minh. Những ứng xử đó đôi khi trở
thành gương sáng… cho người khác, trước khi trở thành nhân chứng sống động của
Tin mừng (Mt 5, 16). Còn ngược lại, bên trong tâm hồn con người bất an, tâm
không ổn định, ý hướng không ngay lành, trong sáng thì cái bên ngoài sẽ bộc lộ
ra thái độ ứng xử bất nhân.
Cái gì từ trong con người, cái đó mới làm con người ra ô
uế. Vì từ…, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết
người, ngoại tình tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu
ngạo… (Mc 7, 20-22).
Thánh
Phaolô khuyên: “Anh em chớ làm phiền lòng
Thánh Thần của Thiên Chúa. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nẩy, giận hờn
hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác...” (Êp 4, 29-32), thì cuộc sống xã hội sẽ văn minh hơn, một thứ văn minh của tình
thương đầy tính nhân bản, đầy tình người.
Tựu
trung, thăng tiến trong đời sống Nhân bản Kitô giáo là: có hiểu biết và tôn
trọng người khác. “Điều gì anh muốn người
khác làm cho mình thì hãy làm cho người ta.” (Mt 7, 12). Đó chính là khuôn vàng thước ngọc cho
đời sống của mỗi người Kitô hữu chúng ta.
THĂNG TIẾN TRONG VIỆC SỐNG NHÂN ĐỨC
Nhân
đức là thể hiện phẩm giá của một con người, của Kitô hữu. Có thể nói Nhân đức
chính là hình ảnh của Thiên Chúa. "Mục
đích của đời sống đức hạnh là nên giống Thiên Chúa" (Thánh Ghê-gô-ri-ô
thành Ni-xê, các mối phúc 1).
Quả
thật, thánh Phaolô đã nói: “Những gì là
chân thật, cao quý, những gì là chính trực, tinh tuyền, những gì đáng mến và
đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em
hãy để ý” (Pl 4,8).
Theo
định nghĩa của Giáo hội, nhân đức là
một xu hướng thường xuyên và kiên định để làm điều thiện, không những giúp thực
hiện những hành vi tốt, mà còn cống hiến hết khả năng của mình. Người nhân đức
hướng về điều thiện với tất cả năng lực thể xác và tinh thần. Họ cố gắng theo
đuổi điều thiện và dứt khoát thực hiện bằng những hành động cụ thể (x. GLHTCG
1733, 1804).
Có
bốn đức tính "căn bản", gọi là nhân đức trụ: khôn ngoan, công bình,
can đảm và tiết độ (x. GLHTCG 1805).
Khôn ngoan
Khôn Ngoan
sản sinh các nhân đức khác. Quả vậy, Khôn Ngoan dạy cho biết sống tiết độ, khôn
ngoan, công bình và can đảm" (Kn 8,7). Các đức tính này còn được Kinh
Thánh khen ngợi dưới nhiều tên gọi khác.
Sách GLCG
số 1806 nói rằng: Khôn ngoan là đức tính giúp lý trí thực tiễn trong mọi hoàn
cảnh nhận ra điều thiện đích thực và chọn lựa những phương thế tốt để đạt tới.
"Người khôn ngoan thì đắn đo từng bước" (Cn 14,15) Như Aristote,
thánh Tôma cũng viết: "khôn ngoan là quy tắc đúng đắn để hành động"
(x. S. Th 2-2, 47,2). Không nên lầm lẫn đức tính khôn ngoan với tính nhút nhát
và sợ sệt, tráo trở hay giả hình. Khôn ngoan là người dẫn đường cho các đức
tính, hướng dẫn các đức tính khác bằng cách vạch ra quy tắc và mức độ phải giữ.
Ðức khôn ngoan trực tiếp hướng dẫn phán đoán của lương tâm. Dựa theo phán đoán
này, người khôn ngoan chọn cách ứng xử của mình. Nhờ đức tính này, chúng ta áp
dụng đúng đắn các nguyên tắc luân lý vào từng trường hợp cụ thể, và không còn
do dự về điều thiện phải làm và điều ác phải tránh.
Sống khôn
ngoan là luôn chuẩn bị cho mình ngọn đèn luôn có dầu như 5 cô khôn ngoan trong
dụ ngôn “10 cô trinh nữ đón chàng rễ (Mt
25,1-13).
Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Đức Khôn Ngoan sáng
chói, và không hề tàn tạ. Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan dễ
dàng cho chiêm ngưỡng. Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp.
Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho
biết (Kn 6,12-16).
Công bằng
Sách
GLHTCG minh định (1807, 2095): Công bình
là đức tính luân lý thể hiện qua quyết tâm trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về
Thiên Chúa và trả cho tha nhân những gì thuộc về tha nhân. Công bình đối với
Thiên Chúa được gọi là "nhân đức thờ phượng". Ðối với con người, công
bình là tôn trọng quyền lợi của mỗi người và sống hài hòa bằng cách đối xử minh
chính đối với mọi người và thực thi công ích. Theo Kinh Thánh, người công chính
sống ngay thẳng trong mọi tư tưởng và cư xử chính trực với tha nhân. "Các
ngươi không được thiên vị người yếu thế, cũng không được nể mặt người quyền
quý, nhưng hãy xét xử công minh cho đồng bào" (Lv 19,15). "Người làm chủ hãy đối xử công bằng và đồng
đều với các nô lệ, vì biết rằng cả anh em nữa cũng có một Chủ trên trời"
(Cl 4,1).
Can
đảm
Đối với lập trường của Giáo hội (x. GLHTCG 1808, 2848, 2473): Can đảm là đức tính luân lý giúp chúng ta
kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những khó khăn trong đời. Ðức can đảm giúp ta cương quyết chống lại các
cơn cám dỗ và vượt qua các chướng ngại trong đời sống luân lý. Nhờ can đảm, ta
thắng được sợ hãi, ngay cả cái chết, đương đầu với thử thách và bách hại, sẵn
sàng hy sinh mạng sống vì chính nghĩa. "Chúa là sức mạnh tôi, là Ðấng tôi
ca ngợi" (Tv 118,14). "Trong
thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó, nhưng can đảm lên, Thầy đã thắng
thế gian"(Ga 16,33).
Thời đại ngày nay, sự can đảm đôi khi chấp nhận sự thiệt
thòi, mất mát chứ không chịu thỏa hiệp với điều sai trái. Mới đây theo Vatican
News, Bộ Giáo lý Đức tin đã ra lệnh cho 15 bệnh viện tâm thần ở Bỉ thuộc Tu Hội
các Sư Huynh Bác Ái của Bỉ không được xưng mình là tổ chức Công Giáo nữa sau 3
năm đối thoại bất thành với ban quản lý các bệnh viện này, từ khi họ cho phép
thực hiện các ca an tử và trợ tử cho các bệnh nhân vào năm 2017.
Trong một tuyên bố đáp lại quyết định của Bộ Giáo Lý Đức
Tin, Sư huynh René Stockman, Bề Trên Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái nói rằng “với
một trái tim nặng nề”, tu hội “phải từ bỏ các trung tâm tâm thần của mình ở
Bỉ.” Sư Huynh Stockman chỉ ra rằng “thật
đau đớn” khi các trung tâm tâm thần của Tu Hội ở Bỉ đã mất tư cách Công Giáo,
trước một thực tế lịch sử là tu hội “là một trong những người tiên phong trong
lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Bỉ.” Lý do, theo lời sư huynh Stockman
nói “Tu Hội các Sư Huynh Bác Ái không có lựa chọn nào khác ngoài việc trung
thành với đức bác ái, là điều không thể tương hợp với việc thực hành trợ tử cho
các bệnh nhân tâm thần.”
Tiết độ
Cuối cùng
qua sách GLHTCG 1809, 2341, 2517, Giáo hội phát biểu rằng: Tiết độ là đức tính
luân lý giúp ta điều tiết sức lôi cuốn của những lạc thú và sử dụng chừng mực
những của cải trần thế. Tiết độ giúp ý chí làm chủ các bản năng và kềm chế các
ham muốn trong giới hạn chính đáng. Người tiết độ hướng các thèm muốn giác quan
về điều thiện và luôn thận trọng, "không chiều theo những đam mê của lòng
mình" (Hc 5,2). Cựu Ước thường khen ngợi đức tiết độ: "Con đừng buông
theo các tham vọng của con, nhưng hãy kềm chế các dục vọng" (Hc 18,30).
Tân Ước gọi tiết độ là "chừng mực" hay "điều độ", chúng ta
phải sống "chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này" (Tt
2,12).
Sống tốt lành không gì khác hơn là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh
hồn và hết sức lực mình. Chúng ta dành cho Người một tình yêu trọn vẹn (nhờ
tiết độ), không gì lay chuyển nổi (nhờ can đảm), chỉ vâng phục một mình Người
(nhờ công bình), luôn tỉnh thức để khỏi sa vào cạm bẩy của mưu mô và gian dối
(nhờ khôn ngoan).[1]
THÁCH ĐỐ TRONG VIỆC THĂNG TIẾN
Sống thăng tiến trong đời sống nhân đức, luôn có những
thách đố. Đó là tình trạng sống buông thả từ các bạn trẻ, lối sống tháo thứ từ
nơi tu sĩ trong đời tu. Mới đây ở Mỹ có trình chiếu bộ phim được coi là bom tấn
trong năm 2018-2019: “Fast and Furious 8”. Quá
nhanh và nguy hiểm! Tương tự, tình trạng lối sống thực dụng ngày nay cũng
quá nhanh và nguy hiểm về mặt đạo đức, tâm linh. Nó xâm nhập và làm xói mòn
cách trầm trọng trong cách, lối suy nghĩ, hành động mà trước đây tưởng chừng là
điều cấm kỵ, nay hoàn toàn công khai. Thí dụ vấn đề liên quan đến đồng giới,
tình dục, nạo phá thai… Nhìn vào thực tế như vậy, phải chăng đó là thực trạng
xã hội thế giới nói chung, cách riêng ở Việt Nam giá trị đạo đức, nhân bản
xuống cấp. Rồi nạn tham nhũng, đặt vật chất, tiền bạc lên trên trong tất cả mọi
ngành nghề, lãnh vực trong xã hội: giáo dục, y tế, nơi công
cộng, trong gia đình, thậm chí trong cộng đoàn tu trì.
Nhiều người quên mất
một điều: giá trị nhân phẩm của con người, của Kitô hữu chỉ thật sự đúng nghĩa
khi sống thăng tiến về mặt nhân đức và tâm linh chứ không phải là tăng trưởng
kinh tế, vật chất (x. SGLHTCG 1810, 1266)
Rất khó!
Kinh nghiệm cho ta thấy thăng tiến con người chẳng dễ dàng. Tuy nhiên, một khi
biết dựa vào ơn Chúa, con người có thể đạt đến sự thành toàn và trở nên chứng
nhân cho lòng Chúa xót thương.
THĂNG TIẾN TRONG ĐỜI SỐNG NHÂN CHỨNG
Một
Kitô hữu trưởng thành đích thực trong đời sống đức tin luôn là người sống theo
Lời Chúa dạy. Thánh Giêrônimô nói: “Không biết
Kinh thánh là không biết Đức Kitô”. Vì sao vậy? Thưa, vì,
Thánh kinh dạy sự thật
Các sách được linh hứng dạy sự thật (x. SGLHTCG,
107). Sách đó bởi “những lời của Chúa Thánh Thần, nên phải công nhận rằng Thánh
Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, những chân lý mà
Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại để cứu độ chúng ta" (DV 11).
Thánh kinh là lương thực thiêng liêng
"Hội Thánh vẫn luôn tôn kính Thánh Kinh như từng tôn kính chính
Mình Thánh Chúa” (x. DV 21): cả hai nuôi dưỡng và chi phối toàn diện đời sống
Ki-tô hữu. "Lời Ngài là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường
con đi" (Tv 119, 105).
Thánh kinh là lẽ sống của hội thánh
"Lời Chúa còn có sức mạnh và quyền
năng có thể nâng đỡ và tăng cường Hội Thánh, ban sức mạnh đức tin, là lương
thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái
Hội Thánh" (DV 21). Cần phải "mở rộng đường cho các Ki-tô hữu đến với
Thánh Kinh" (DV 22 – SGLHTCG 131).
Nhưng Lời Chúa không phải là một bùa chú, một biểu vật phù hộ chúng ta
có được khi cần, mà là Lời thấm nhập, lời trở thành máu huyết lưu thông trong
cơ thể. Chính Lời đó biến đổi và giúp người đón nhận bộc phát cách cụ thể qua
lời, qua cử chỉ, qua hành động sống. Nên có thể nói: Lời Chúa giúp ta thăng
tiến rất nhanh trong việc nên thánh. Hãy thánh thiện hơn, nhân đức hơn và nhiệt
tình tông đồ hơn. Sống Lời Chúa là thăng
tiến sống nhân chứng. Các chuyện sau đây minh họa:
Như chúng ta đã biết, trận đại dịch Vũ Hán, Trung Quốc, các đội ngũ
bác sĩ, y tá, thiện nguyện viên là những người ở tuyến đầu trong trận chiến
này. Họ đã làm việc cho đến kiệt sức. Họ cố gắng từng ngày, từng giờ, từng phút
giành sự sống con người. Nếu không có cái tâm, không có tinh thần hy sinh, một
ý hướng chiều kích cõi nhân sinh thì “dại gì vào chốn sa trường”. Trường hợp
của bác sĩ Lý Văn Lượng, người Trung Quốc là điển hình. Bác sĩ Lượng bác sĩ đầu
tiên cùng với 7 bác sĩ khác tại bệnh viện Vũ Hán, lên tiếng việc con virut lây
sang người… Nhưng bị chính quyền quản thúc, cấm ngặt việc thông tin.
“Nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ
lên tiếng!”, đó là tiêu đề của cuộc
phỏng vấn cuối cùng của bác sĩ Lý Văn Lượng với Báo Thanh niên Trung Quốc diễn
ra vào ngày 31/1, khi anh đã ở trong bệnh viện 19 ngày. Bác sĩ Lý Văn Lượng đã chết ngày 7/2/20. Bài thơ sau đây cho thấy ông
là một chứng nhân của Chúa Kitô:[2]
Tôi không muốn là một người hùng,
Bởi còn đó cha mẹ già, vợ dại, con thơ,
Còn đứa con sắp chào đời chẳng bao giờ gặp mặt bố;
Còn đó bao bệnh nhân ánh mắt kêu van, hoảng sợ.
Tôi tiếc rằng sự thật và lòng tốt chẳng song hành,
Nên đường tôi đi đã vào ngõ cụt,
Nhưng nẻo đăng trình cứ mời tốt tiếp bước,
Chẳng ai bắt tôi chọn đất nước này, chọn gia
đình này cả!
Biết bao đau khổ tang thương
Khi trận chiến này kết thúc,
Tôi ngước nhìn trời mà suối lệ
tuôn rơi.
Tôi không muốn là một người
hùng,
Tôi chỉ là một bác sĩ,
Lẽ nào tôi lặng yên khoanh tay
đứng nhìn,
Để đồng nghiệp tôi bị quấn vào cơn
dịch tễ
Để bao người vô tội bị virus
hoành hành.
Khi thần chết trực chờ trong
cuộc giao tranh,
Bao đôi mắt bệnh nhân nhìn tôi
cầu cứu,
Còn phép mầu nào cho họ niềm hy
vọng nữa không?!
Tôi hình dung lúc mình lìa cõi
thế,
Hồn ở thiên đàng nhìn xuống
trần gian
Trên chiếc giường trắng thân
xác tôi bất động.
Cha mẹ tôi đâu? Rồi vợ con tôi
nữa?
Một tia
sáng cuối chân trời như niềm hy vọng viễn miên,
Nơi thiên đàng, cõi phúc thần
tiên,
Nhưng tôi chỉ muốn mình là
người trần thế.
Tôi muốn trở về quê hương tôi,
Vũ Hán,
Nơi tôi mua căn nhà chưa trả nợ
hết nhà băng,
Nơi cha mẹ già đang khóc thương
tôi,
Đứa con độc nhất của ông bà nay
không còn nữa,
Mắt sầu vương giăng mắc trên
khung cửa,
Tôi ra đi rồi, thử thách trăm bề phủ kín tương lai.
Tôi ra đi rồi, thử thách trăm bề phủ kín tương lai.
Tôi thấy họ lấy thi thể tôi đặt
vào trong cái túi,
Bện cạnh nhiều đồng bào cùng số
phận như tôi,
Sức nóng lò thiêu tiêu hủy
chúng tôi rồi,
Lúc ánh bình minh vừa báo hiệu
ngày mới.
Xin tạm biệt những người tôi
yêu mến,
Xin chia tay Vũ Hán, quê hương
tôi.
Tôi hy vọng rằng sau cơn thảm
họa,
Có ai đó sẽ một lần nhớ đến,
Từ rất sớm đã có người cho họ
biết sự thật,
Một sự thật đã bị chôn vùi.
Tôi hy vọng rằng sau cơn thảm
họa,
Người ta học biết đứng thẳng,
ngẩng cao đầu
Đừng đẩy bao người tử tế suống
vực sâu
Bị vùi dập trong thương đau sợ
hãi.
Phần tôi, tôi đã hiên ngang
bước đi vững trãi,
“Tôi đã thi đấu trong trận đấu
cao đẹp
Đã chạy đến cùng đường và đã
giữ vững đức tin.
Giờ đây tôi
chỉ còn đợi vòng hoa
dành cho người công chính.” (2 Tm4:7-8a)
dành cho người công chính.” (2 Tm4:7-8a)
Thăng tiến trong đời
sống nhân chứng là có được một lối sống, một cách sống chứng tá hùng hồn cho
đạo lý của Đức Kitô là Đạo lý sống động, chân thực, và có sức cứu độ. Chứng tá
này sẽ vượt qua mọi qui tắc, mọi luật lệ, mọi khẩu hiệu. Chứng tá đó đôi khi
rất nhỏ, rất bình thường nhưng bởi vì nó chất chứa một con tim nhân ái, yêu
thương. Nên dù gì đi nữa, mọi chứng tá luôn diễn tả nhân chứng của lòng thương
xót của Chúa. Sau đây là dòng chia sẻ giữa dòng chảy siết của dịch Côrôna tại
thành phố Sài Gòn:
Giữa đại dịch Corona, tôi cố gắng làm việc văn
phòng trong khoảng cách an toàn. Việc xong rồi nhưng bỗng muốn lái vòng quanh
thêm chốc nữa. Thả ga chậm, đi qua những ngả đường quen. Những cửa hiệu đóng
kín. Lác đác góc đường đôi ba người bán hàng vẫn cố mưu sinh vài chai nước
suối, ít đồ lặt vặt. Vài gánh hàng rong vẫn khấp khểnh đi dù chẳng có ai gọi
lại. Trên vỉa hè, dáng những người bán vé số đi thất thểu. “Chẳng ai ra đường, bán cho ai được cô ơi chú
ơi!” Tự dưng ứa nước mắt.
Đã đi tới cuối đường ra khỏi Q.1 để về Q.2
rồi, mà cầm lòng không được, quay đầu xe lại. Rồi thì gặp đâu dừng đấy. Đeo
kính, bịt khẩu trang, hạ kính xe nói với ra. “Bán cho con chai nước suối. Bán cho em tờ vé số. Bán cho cháu mấy củ
khoai.” Bán cho con... ! Chỉ là cái cớ để đưa trọn tờ 100k và nói nhỏ
"khỏi thối nhé, con tặng". Cầm lấy những món đồ mà không chắc mình có
dùng không, để vào 1 góc, rồi đóng vội cửa kính, nhấn ga đi, sợ họ thấy cái cô
khách uỷ mị kì dị này.
Sài Gòn ơi, thương quá, những dáng nhỏ mưu
sinh giữa mùa bệnh dịch. Tặng hết mấy thứ mua được cho chú bảo vệ ở dưới tầng
hầm, bước vội về nhà. Bạn tôi ơi, nếu bây giờ bạn bị buộc phải ở trong nhà mà
vẫn có cái để ăn và không phải lo chạy ăn từng bữa ít nhất trong vài ngày vài
tháng tới, kể ra là bạn may mắn lắm rồi. Ngoài kia còn bao người lang thang
mong kiếm chút gì sống từng ngày. Bệnh dịch đáng sợ, nhưng đói cũng đáng sợ
chẳng kém. Sức mình nhỏ, giúp được mấy. Không biết rồi những người trên cao có
nghĩ ra cách gì giúp những thân phận nhỏ bé ấy không….?!
Thế đấy, thăng tiến
trong việc nhân chứng hay chứng tá có gì xa xôi, cao siêu đâu.
Chỉ cần để cho lòng
nhân ái, tình yêu thương đụng chạm đến là biết cần phải làm gì. Con người chúng
ta sao cũng được, theo nghĩa hèn mọn, yếu đuối, mong manh, dễ vỡ, đam mê, tội
lỗi, v..v miễn sao để cho Tình người, Tình Chúa chiếm đoạt, tràn ngập, và tỏa
ra. "Chính anh em là muối cho đời.
Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? (Mt 5,13-14)
TẠM KẾT
Bạn và tôi dù sống trong
bậc ơn gọi nào, đều chung một ơn gọi: nên Thánh! Vậy đừng bằng lòng với chính
mình trong việc thăng tiến này. Đừng chấp nhận một lối sống xoàng xỉnh, tầm
thường (Tông huấn Gaudete et Exsultate
của đức thánh cha Phanxicô), vì phẩm giá Kitô hữu là phải nên thánh.
Phẩm giá của con người
chỉ thật sự đúng nghĩa khi tin vào Người Con của Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô.
Chẳng những thế, bất cứ ai tin vào Người Con này sẽ được sự sống đời đời. Xin
cho chúng ta không chỉ tin và còn làm chứng cho niềm tin này, để mọi người cùng
chung hưởng phúc đời đời, và có ứng xử đầy tình người.
Thăng tiến về nhân bản,
nhân đức với trái tim rộng lượng, với niềm tin vào Thiên Chúa, thì sẽ thăng
tiến về mặt nhân chứng.
Đăng nhận xét