“Hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước,
để nhổ, để lật, để huỷ, để phá, để xây, để trồng.” (Gr 1,10)
để nhổ, để lật, để huỷ, để phá, để xây, để trồng.” (Gr 1,10)
“Xây đời, trồng người” là một sứ vụ
đến từ chính Thiên Chúa.
Người cũng trao phó sứ vụ ấy cho người tông đồ hôm nay. Người muốn sứ vụ ấy được thể hiện cho mọi người.
Người cho thấy cùng đích của sứ vụ là “xây” và “trồng”.[1]
Người cũng trao phó sứ vụ ấy cho người tông đồ hôm nay. Người muốn sứ vụ ấy được thể hiện cho mọi người.
Người cho thấy cùng đích của sứ vụ là “xây” và “trồng”.[1]
Nữ tu Maria Diễm
Trinh, FMA.
Một ngôi nhà xây nên từ
những viên gạch. Tuổi trẻ được xây nên từ những ngày tháng nỗ lực, với cái ý
chí và khao khát sống một lần.
Tôi gọi đó
là những viên gạch của đời mình. Một cô gái 20, đang tự xây gạch cho đời mình,
nhiều va vấp nhưng khao khát trưởng thành, và biết rằng, tuổi trẻ đã trải qua
với khát khao, chăm chỉ rèn luyện, khôn ngoan học hỏi chính là cách để giữ cho
ngọn lửa nhiệt huyết của mình luôn rực cháy, làm nên bản thân ta, tự tin đón
nhận gió bão cuộc đời mà không đổ vỡ.
Đầu mùa
trời rất lạnh, sương vẫn chưa tan. Nhưng phía ngõ xóm tôi giờ này, nắng đã kịp
bung màu, kéo vội những tàn sắc hanh hao của mùa giá rét vừa đi qua cuối ngõ.
Những công trình xây dựng ở xóm tái định cư đã lanh canh lên đèn, chuẩn bị cho
một ngày làm việc mới, với những viên gạch còn dở dang...
Một buổi
sớm như thế năm tôi mười chín tuổi, đi ngang qua khu xây dựng ấy. Có cái nhà cũ
mới bị đập phá ngày hôm qua, đống sắt vụn vẫn còn nguyên lởm chởm những viên
gạch bể. Có cái đã đắp xong nền. Cũng có cái tường đã xây đến tận cửa sổ, tôi
chui đầu vào chỉ thấy loảng thoảng mùi vôi vữa xi măng còn chưa phai. Nhưng
cũng có cái, gạch đã xây đến tận nóc, chỉ còn chờ ngày đổ mê trần. Nhà càng to,
gạch phải càng nhiều, tay thợ càng phải vững. Nhà càng phức tạp, gạch phải càng
phù hợp, tay thợ không những phải vững, mà còn phải khéo...
Cuộc đời
con người cũng vậy, tuổi thanh xuân là những năm tháng góp nhặt từng viên gạch
cho cuộc kiến tạo tương lai, là khởi đầu. Dù cho sau này lớn lên hay già đi,
những ngôi nhà thuộc về từng cá thể chỉ có thể vững chắc nếu như họ có được
những viên gạch khởi đầu tốt đẹp, một nền móng kiên cố.
Năm tháng
tuổi trẻ là viên gạch của một đời người, để rồi dậy sóng làm nên một cộng đồng,
qua năm qua tháng, qua mỗi mùa xuân lại càng mạnh mẽ hơn. Tuổi trẻ, là những
viên gạch của sáng tạo, biết đắp đập nên những cột mốc, để vượt qua giới hạn
của tư duy, góp tay xây dựng cho sự nghiệp riêng chung, thấy sự trưởng thành
của mình trong thế đi lên của đất trời Việt Nam.
Nhưng gạch
muốn chắc, muốn vững cũng phải nung mình dưới ngọn lửa đỏ rực, để không mềm
yếu, dễ đổ vỡ như trong một sớm kia...
Một cô gái
20 tuổi như tôi, như bao cô gái trên đời. Học một trường đại học, làm thêm một
quán ăn. Đi học đi làm ngày hai buổi, tối về tự giấu mình với những cô đơn và
loay hoay từng ngày buộc phải lựa chọn cách sống cho mình. Lựa chọn nghề
nghiệp, lựa chọn con đường, lựa chọn cách đi và cả cách hít thở dưới bầu trời
mấy triệu con người.
Tôi một cô gái 20, là những lần chới với trước những lựa chọn, mơ hồ vô
định trước mọi ngã rẽ cuộc đời. Những trách nhiệm sẽ phải gánh thêm, những phiền
não từ đó mà lớn dần. Tuổi trẻ đã dạy cho tôi rằng, không thể mãi là đứa trẻ.
Tôi, đôi
lần thấy hụt hẫng vì nụ cười nhàn nhạt của cô bạn thân thuở nhỏ lúc trưởng
thành gặp lại. Tình bạn cứ thể bắt đầu vì những lý do gì đó mà xa dần, bản thân
mình dù làm bất cứ chuyện gì cũng phải đứng độc lập. Để rồi phải học cách một
mình đối diện với tất cả các vấn đề, không dựa dẫm. Dẫu cho khoảng trống xung
quanh, phải tập coi như một thói quen.
Tôi, lần đầu tự sức kiếm ra đồng tiền đầu tiên, đã học cách nuốt nhọc nhằn
vào trong, để chỉ thở ra nụ cười, học cách chịu đựng bằng những suy nghĩ cứng
cỏi, học cách bước qua mọi thứ mà không than van vãn hay ấm ức, kêu ca.
Tôi lớn
lên, bà Tiên, ông Bụt bắt đầu trở nên xa xỉ, chỉ có hiện thực là ở ngay trước
mắt. Tuổi trẻ va vấp sẽ dạy cho tôi nhiều thứ, nhưng tôi tin, rồi tôi sẽ học
được cách để không cảm thấy tuyệt vọng, trong những lúc khó khăn nhất.
Bởi ngọn
lửa sục sôi nhiệt huyết của những cung đường vàng nắng, những chiều rào mưa,
mùa tuyết rơi ở Sa Pa, mùa cải vàng ở Mai Châu còn cuốn hút tôi đến thế. Nấc
thang cuộc sống phía trước vẫn còn thách thức tôi đến thế. Ngọn gió “Trẻ” vẫn
vẫy gọi bước chân tôi rong ruổi đến những miền đất lạ. Uớc mơ tuổi trẻ vẫn còn
đấy, nếu không thực hiện, thì ai sẽ thực hiện giúp tôi đây?
Tôi, một
cô gái 20. Cũng như một sớm kia khi nhìn những ngôi nhà mới xây, bỗng thấy mình
cũng là viên gạch nhỏ trong nền móng ấy, và tôi biết, tuổi trẻ đã trải qua với
khát khao, chăm chỉ rèn luyện, khôn ngoan học hỏi chính là cách để giữ cho ngọn
lửa nhiệt huyết của mình luôn rực cháy, làm nên bản thân ta, tự tin đón nhận
gió bão cuộc đời mà không đổ vỡ.
… tới một
vài suy tư về đồng hành thiêng liêng và phân định ơn gọi
Nếu người bạn trẻ đã tự ví mình như “viên gạch nhỏ” thì những người đồng
hành thiêng liêng, đồng hành phân định ơn gọi phải là những người thợ xây.
Nếu “tuổi thanh xuân là những năm tháng góp nhặt từng viên gạch cho cuộc
kiến tạo tương lai, là khởi đầu” thì những người đồng hành thiêng liêng và đồng
hành phân định ơn gọi là những thợ xây “vững tay”, giúp người trẻ “có được
những viên gạch khởi đầu tốt đẹp”.
Nếu “năm tháng tuổi trẻ là viên gạch của một đời người” thì những người
đồng hành thiêng liêng và đồng hành phân định ơn gọi là những thợ xây “khéo tay”, giúp người trẻ trở nên
“những viên gạch của sáng tạo”.
Để có những ngôi nhà to – chắc – đẹp
– tốt nhất thiết phải có hai yếu tố đi đôi. Trước hết, cần có nhiều gạch và
phải là những viên gạch dám “nung mình dưới ngọn lửa đỏ rực, để không mềm yếu,
dễ đổ vỡ”. Đồng thời, cần có những thợ xây với tay nghề vững vàng và khéo léo.
Cũng thế, để có những con người trưởng thành toàn diện từ thể lý, tâm lý, văn
hóa đến tâm linh và phân định ơn gọi[3], cần có những nhà đồng hành biết “xây dựng con người”.
“Xây dựng con người” trong hai lĩnh vực thiêng liêng và phân định ơn gọi có
thể được xem là sứ vụ đỉnh điểm và đầy thách thức đối với những người đồng
hành. Theo nghĩa rộng, “đồng hành thiêng liêng” là một sự dẫn dắt đến sự trưởng
thành tâm linh[4] và “phân định ơn gọi” có thể được xem đồng nghĩa với “phân
định tâm linh”, tức giúp “lựa chọn giữa điều tốt và điều tốt hơn” [5]. Theo hướng này, sứ vụ đồng hành hướng đến mọi người, vì
con người, cách riêng các bạn trẻ, đều “tuyên bố
là đang tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời và bày tỏ sự quan tâm của các em đến đời
sống tâm linh”.[6] Thật vậy, sứ vụ “xây dựng con người” của những
nhà đồng hành luôn thiết thực và thật bao la.
Dưới ánh sáng Lời Chúa, bài viết ước mong làm sáng lên bản chất, vai trò và
đặc tính của những người đồng hành thiêng liêng, đồng hành phân định ơn gọi, mà
từ ngôn ngữ Thánh Kinh đã được sánh ví như những “thợ xây nhà”. “Nhà” gì? “Thợ” nào? “Xây” ra sao?
“Nhà” gì?
Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, hạn từ “nhà” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa.
Sự hội tụ của các ý nghĩa phong phú này có thể được tìm thấy trong tường thuật
về lời hứa của Thiên Chúa dành cho vua Đavít qua miệng ngôn sứ Nathan:
“… Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít: Đức Chúa phán thế này: Ngươi mà
xây nhà cho Ta ở sao?... Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài
đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Ít-ra-en. Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở
với ngươi; mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi. Ta sẽ làm
cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất .… Đức
Chúa báo cho ngươi biết là Đức Chúa lập cho ngươi một nhà. Khi ngày đời của
ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng
lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương
quyền của nó được vững bền…” (2Sm 7,1-17).
“Nhà” – một nơi định cư
Trước hết,
cũng như cách hiểu thông thường, “nhà” là một nơi để cư ngụ mang tính vững chắc
và cố định[7];
chính vì thế, Đavít cảm thấy “áy náy” vì mình đang được ở “nhà bằng gỗ bá
hương” còn Hòm Bia Thiên Chúa thì vẫn đang ở trong “lều vải”.
“Nhà” – một gia đình
Thế nhưng,
để có thể “giữ chân” con người thì không phải chỉ cần một chỗ ở, nhưng quan
trọng hơn là một tương quan làm cho con người cảm thấy thực sự ở “nhà” của
mình, tức cảm thấy mình thuộc về một tập hợp những người có quan hệ thân thiết,
thuộc về một “gia đình”. Đây chính là ý nghĩa mà Đa-vít nói đến khi thực hiện
“phút hồi tâm” trước nhan Đức Chúa: “Vua
Đa-vít vào ngồi chầu trước nhan Đức Chúa và thưa: ‘Lạy Đức Chúa Chúa Thượng,
con là ai và nhà của con là gì, mà Ngài đã đưa con tới địa vị này?’”.[8]
“Nhà” – một tâm hồn
Nghĩ về
nguồn gốc của bản thân, Đa-vít không chỉ ý thức về gia đình bình dị của mình
nhưng về cả con người đơn thường của ông: “con là ai”. Thiên Chúa đã đến trong
đời Đavít, làm cho ông “từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ” trở thành “người
lãnh đạo”. Chính Người còn hứa sẽ làm cho “tên tuổi”[9]
ông nên lẫy lừng. Điều ý nghĩa và an ủi hơn cả là Người đã luôn ở cùng ông
“Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi”. Tâm hồn của Đavít trở thành nơi được
Thiên Chúa cư ngụ, yêu thích[10] và
thánh hóa - như đã xảy ra cho Dakêu: “Này
ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!... Hôm nay, ơn cứu
độ đã đến cho nhà này”.[11]
“Nhà” – một dòng tộc
Nghĩa kế
đến của khái niệm “nhà” trong Kinh Thánh liên quan đến ý tưởng về gia đình. Bởi
lẽ, khi một gia đình theo huyết thống có sự tiếp nối từ đời này sang đời khác
thì tạo thành một “dòng dõi”. Với não trạng bộ tộc, gia tộc của người Do Thái,
ý nghĩa này rất quan trọng. Dòng dõi càng đông, càng dài đời là niềm hãnh diện
trước mọi người, là dấu chỉ phúc lành của Thiên Chúa:
Cha ông của anh em chỉ có bảy mươi người khi xuống
Ai-cập, mà bây giờ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em nên nhiều
như sao trên trời”.[12] “Triều thiên của người
già là đàn con cháu, vinh dự của con cái là chính người cha.[13]
“Nhà” – một triều đại
Thiên Chúa
không chỉ hứa cho Đavit một dòng dõi, Người còn hứa cho ông một “vương quyền
vững bền”, tức một dòng dõi vương đế trường tồn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, đối với dân
Israel, vị “vua” không mang tính “thần linh hóa” như trong các nền văn minh hay
trong các tôn giáo lân cận. Địa vị của vua đến từ việc được Thiên Chúa xức dầu
thánh hiến, vua được Thiên Chúa nhận làm nghĩa tử và là người đại diện dân thi
hành một số việc phượng tự đối với Đức Chúa.[14]
Ý nghĩa của “vương quyền” được thành toàn trong mạc khải bằng lời nói và
bằng đời sống của Ngôi Lời Nhập Thể:
Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống
trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì
không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh
em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến
không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm
giá chuộc muôn người.[15]
“Thợ”
nào?
Những ý nghĩa của khái niệm “nhà” trong Kinh Thánh không xa lạ với cuộc
sống ngày nay; bởi lẽ, là con người, ai không ước muốn được “an cư
lạc nghiệp”; ai không khao khát một nơi “vương vấn bước chân ra đi, ấm áp trái
tim quay về”[16]; ai
không mong được “công thành danh toại”; ai không thích có “con đàn cháu đống”;[17] ai không ôm ấp lý tưởng của một “cuộc đời sống vì mọi
người”.[18]
Chính để
thực hiện những khát khao, để đáp trả cho những nỗi khắc khoải của con người mà
những tông đồ của Chúa được mời gọi tham dự vào công trình “xây nhà”: “nhà” đời
mình và cả “nhà” đời người.
Các bản
văn Thánh Kinh trực tiếp nói về bản chất của sứ vụ “xây nhà” đều diễn tả vai
trò của “người thợ” trong tương quan với Thiên Chúa. “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công”.[19]
Theo ngôn từ tiếng Việt, “thợ nề” còn được gọi là “thợ hồ”
là những người xây gạch, đá trong các công trình xây dựng. Nhìn chung, họ là
những người làm từ các công việc nặng nhọc đến những việc nhỏ nhặt trong các
công trình.[20]
Kinh Thánh nhìn nhận công việc “vất vả” của những người thợ của Thiên Chúa. Tuy
nhiên, trọng tâm mà sứ điệp Thánh Kinh hướng đến lại là: Thiên Chúa không để
những người thợ của Người làm một mình, Người làm cùng và làm hơn họ.
Do đó, những người thợ khôn ngoan thì luôn vững tâm làm với Chúa và để tâm làm
cho Chúa, như thế, họ sẽ không thấy mình “vất vả uổng công”.
Những lời
Thánh Vịnh không có ý tạo sự phân biệt, tựa như Thiên Chúa là “thợ chính”, con
người là “thợ phụ”, nhưng chỉ muốn nhấn mạnh yếu tố hướng thiêng trong sứ vụ
“xây nhà, trồng người”. Các đối tượng được đồng hành có thể là những người vô
tín (không có đức tin) nhưng những người đồng hành phải là những người sống đức
tin và để tâm vun trồng đức tin nơi Thiên Chúa cho người khác. Ý tưởng này được
Thánh Phaolo làm sáng tỏ hơn:
Theo ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi đặt nền móng như một kiến trúc sư
lành nghề, còn người khác thì xây trên nền móng đó. Nhưng ai nấy phải coi chừng
về cách mình xây cất. Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng
đã đặt sẵn là Đức Giê-su Ki-tô. Người ta có thể dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ,
rơm mà xây trên nền đó. Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh
sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng
trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. Công
việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn
công việc của ai bị thiêu huỷ, thì người ấy sẽ phải thiệt.[21]
Trong ánh nhìn về sứ vụ đồng hành, bản văn cho thấy, trước hết, sự đóng góp
của con người tựa như công việc của “kiến trúc sư” – là “người chuyên thiết kế”
các công trình xây dựng[22], lẫn của “thợ xây” là người thực hiện các công trình đó.
Như vậy, để công trình xây dựng được thành hình và có sự tiếp nối, cần có sự
cộng tác của nhiều người, mỗi người theo khả năng và nhiệm vụ của mình. Điều
quan trọng là tất cả đều hiệp nhất và thống nhất trong một công trình duy nhất,
dựa trên duy một “nền móng đã đặt sẵn”.
Phần thứ hai của bản văn, có lẽ ít được nhắc đến, cho thấy mọi nỗ lực của
những người thợ của Thiên Chúa đều được ghi nhận và đáp trả. Thật ra, không cần
phải đợi một ai đó hay chính Thiên Chúa thưởng công, phạt tội, chính phẩm chất
và sự bền vững của những cuộc đời được đắp xây đã cho biết mức độ đầu tư và sự cố
gắng của từng “thợ xây”. Người “thợ xây” chân chính vững tâm rằng: Chính nghĩa bạn, Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình
minh, công lý bạn, Người sẽ cho huy hoàng như chính ngọ.[23]
“Xây” như thế nào?
Cách thức của những người được Thiên Chúa mời gọi “xây đời, xây người” gắn
liền với những gì mà con người, cách riêng những người trẻ, muốn dựng xây. Cách
“xây” tốt nhất là dõi theo gương mẫu của Đức Giêsu Kitô – vị Thầy cao cả.
Cống hiến sự tiếp nhận
Nếu người trẻ cần “nhà” để “định cư” thì những người đồng hành cần “đi ra”
để đón mời, đón tiếp, đón nhận, vì trải nghiệm rằng chính bản thân đã được
Thiên Chúa yêu thương trước:
Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng biết rằng Chúa đã có sáng kiến, Ngài đã yêu
chúng ta trước (xem Ga 4:19), và vì thế chúng ta có thể dấn bước, mạnh dạn có
sáng kiến, đến với người khác, tìm kiếm những người sa ngã, đứng ở các ngả
đường để đón mời những người bị gạt ra bên lề.[24]
Tông huấn Christus Vivit cho thấy
rõ hơn thái độ cần có của những người đồng hành đối với giới trẻ:
Toàn thể cộng đoàn phải ý thức trách nhiệm, đón nhận, động viên, khích lệ
và thúc đẩy người trẻ. Điều đó hàm nghĩa chúng ta nên nhìn người trẻ với sự
thông cảm, trân trọng và thương yêu, đừng cứ mãi phán xét họ hay đòi hỏi họ
phải hoàn hảo trước tuổi.[25]
Chung tay xây mái ấm
Nếu người
trẻ cần “nhà” như một “gia đình” để trải nghiệm hơi ấm tình người, để thắng
vượt “cảm thức mồ côi” thì những người đồng hành cần “dựng nhà” cho và với họ:
Đó là học cảm
nhận mình được liên kết với người khác qua một mối quan hệ liên đới vượt trên
sự thực dụng hay sự vụ, cảm nhận được đời sống của mình đượm “tình người” hơn.
Dựng “nhà” là để cho sấm ngôn mặc lấy xác phàm và để những ngày giờ đời ta bớt
lạnh lẽo, bớt thờ ơ và vô danh. Đó là tạo lập những mối dây liên kết bằng những
hành động hằng ngày đơn giản ai cũng làm được. Một mái nhà, như mọi người chúng
ta biết rất rõ, cần được chung tay dựng xây. Không ai được phép thờ ơ hay đứng
ngoài cuộc, vì mỗi người là một viên đá cần thiết để xây nên ngôi nhà ấy.[26]
Chính Đức
Giêsu, trong đời sống nơi trần thế, đã “lập
Nhóm Mười Hai để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng”.[27]
Và khi Người sắp về cùng Cha, Người lại mở ra cho các ông viễn ảnh của sự hiệp
thông viên mãn:
Thầy sẽ không để
anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. Chẳng bao lâu nữa, thế gian
sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và
anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy,
anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.[28]
Đây cũng
chính là bước chuyển tiếp tiệm tiến mà những người đồng hành cần thực hiện với
những người trẻ: dựng “nhà” nơi trần thế nhưng luôn hướng về “nhà” nơi trời
cao.
Chăm sóc “nhà tâm hồn”
Nếu người trẻ cần làm cho “nhà
tâm hồn” nên sạch – đẹp – mới – tốt, những người đồng hành cần tận dụng mọi cơ
hội để rót vào tai và vào tâm họ những tâm tình và định hướng như của Đức Thánh
Cha Phanxicô:
Cha hy vọng con quý trọng bản
thân mình, thật nghiêm túc với chính mình đến mức cố gắng phát triển bản thân
về đời sống thiêng liêng. Ngoài nhiệt huyết đặc trưng của tuổi trẻ, còn có vẻ
đẹp của việc tìm kiếm “sự công chính, đức tin, đức ái, bình an” (2 Tm
2,22). Điều này không có nghĩa là phải đánh mất đi tính hồn nhiên, tươi trẻ,
nhiệt thành, dịu dàng. Bởi lẽ trở nên người trưởng thành không có nghĩa là phải
từ bỏ các giá trị tốt đẹp nhất của giai đoạn này trong đời sống.[29]
Những giá trị nhân văn và tâm
linh này dành cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho những bạn trẻ Công Giáo.
Nghèo khó, hiền lành, công chính, thương xót, trong sạch… là những gì Chúa
Giêsu đề cao và đề nghị cho tất cả “đám đông” quanh Người.[30]
Mở ra một tương lai có gốc rễ
Nếu người trẻ khao khát thấy
“nhà” đời mình có một tương lai, nhưng “đôi khi họ có khuynh hướng ít để
ý đến ký ức của quá khứ mà mình xuất thân, đặc biệt là những điều
tốt họ đã lãnh nhận được từ ông bà, cha mẹ, và hành trang văn hoá mà
xã hội đã đem lại cho họ”[31]
thì những người đồng hành cần giúp họ xác tín hơn rằng:
Cội rễ không phải là những mỏ
neo cột chặt chúng ta vào quá khứ, ngăn cản không cho ta nhập thể trong thế
giới hiện tại để sáng tạo điều gì đó mới mẻ. Ngược lại, chúng là một căn cứ
điểm xuất phát, cho ta lớn lên và đương đầu với những thách thức mới.[32]
Đây chính là hành trình mà Đức
Kitô Phục Sinh mời gọi các môn đệ thực hiện: trở về Galilê của thuở ban đầu
nhưng là để hướng đến một sự sống mới:
Ga-li-lê địa
lý vẫn là thế nhưng với sự sống mới là sự hiện diện của Đấng Phục Sinh.
Ga-li-lê hiện
sinh ghi dấu bao kỷ niệm, bao tình thương mến Thầy – trò với sức sống mới là
kinh nghiệm sống với Đấng Phục Sinh.
Ga-li-lê tâm
linh vẫn còn đó những mỏng dòn của bản tính nhân loại nhưng với nguồn sống mới
là tác động của Thần Khí của Đấng Phục Sinh.
Ga-li-lê cánh
chung vẫn còn phía trước nhưng với nhựa sống đã toả lan trong hôm nay nhờ Đấng
Phục Sinh đang ngự bên hữu Cha.[33]
Vun trồng ơn gọi phục vụ tha nhân
Nếu người
trẻ cảm thấy “ngọn gió ‘Trẻ’ vẫy gọi bước chân” thì những người đồng hành nên
giúp họ đi trọn hành trình phân định với ‘ba lớp sóng’ của những câu hỏi mà Đức
Thánh Cha Phanxicô đề ra như một lộ trình phân định ơn gọi cho những người trẻ:
Bước I: Nhận biết bản thân: “Tôi có biết bản
thân mình, ngoài vẻ bề ngoài và cảm giác của tôi không? Tôi có biết điều gì làm
trái tim tôi vui hay buồn không? điểm mạnh và điểm yếu của tôi là gì?”
Bước II: Ý thức vai trò của bản thân: “Làm thế nào tôi có thể phục vụ tốt
hơn và hữu ích hơn cho thế giới và Hội Thánh? đâu là chỗ đứng của tôi trên trái
đất này? tôi có thể cống hiến điều gì cho xã hội”
Bước III: Lượng định khả năng của bản
thân: “Tôi có khả năng cần
thiết cho công việc phục vụ này không? hoặc tôi có thể phát triển các kỹ năng
cần thiết hay không?”.[34]
Có như thế, chúng ta nhịp bước cùng người trẻ người trẻ để chuyển điểm nhắm
từ câu hỏi muôn thuở “Tôi là ai?” sang câu hỏi đích thực “Tôi sống cho ai?”[35].
Điều này đồng nghĩa với việc giúp những người trẻ, một cách tiệm tiến, đi từ
tâm tình và vị thế của những người được đồng hành, được chăn dắt sang phong
thái và vai trò của một người mục tử như Thầy Giêsu: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”.[36]
TẠM
KẾT VỚI ĐÔI DÒNG TÂM SỰ
Nếu quả thật,
Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc; thập niên chi
kế mạc như thụ mộc; chung thân chi kế mạc như thụ nhân. Nhất thu nhất hoạch
giả, cốc dã. Nhất thu thập hoạch giả, mộc dã. Nhất thu bách hoạch giả, nhân dã”.
tức là:
Kế hoạch một năm không gì hơn trồng lúa; kế koạch mười năm không gì hơn
trồng cây; kế hoạch trọn đời không gì bằng trồng người. Trồng một, gặt một, là
lúa. Trồng một, gặt mười, là cây. Trồng một, gặt trăm, là người."[37]
thì việc
“xây đời, trồng người” thật đáng để ta làm “hết lòng, hết linh hồn, hết sức
lực, hết trí khôn”[38].
Tuy nhiên, tính quan trọng và sự cao trọng của sứ vụ “xây đời, trồng người”
thật ra hệ tại ở điểm: đây là sứ vụ đến từ Thiên Chúa, được chính Ngôi Lời Nhập
Thể thực thi và trao phó cho tất cả những ai “bước theo sát Người” hơn: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”.[39]
Ngỏ với em
Ngỏ với em vài câu tâm niệm,
Khi cuộc đời chẳng phẳng bước chân.
Bà Tiên, ông Bụt xa dần,
Chỉ có hiện thực lột trần tâm can.
Gạch muốn chắc phải nung lửa đỏ,
Tuổi trẻ xây từ những gian nan.
Trưởng thành từ những phũ phàng,
Tựa như người thợ luyện vàng, thử kim.
Tuổi trẻ qua với nhiều va vấp,
Nhưng cũng bao khao khát trưởng thành.
Trải qua rèn luyện vững vàng,
Khôn ngoan học hỏi trên đàng em đi.
Viên gạch chắc dễ đâu đổ vỡ,
Tự tin trong gió bão cuộc đời.
Tương lai đâu mấy xa vời,
Em ơi hãy chọn từ ngày hôm nay.
Thưa cùng Thầy
Giêsu mạnh mẽ kiên cường
Vượt trên đau khổ, yêu thương đong đầy!
Giêsu, con học với Thầy
Cùng Thầy con muốn dựng xây ngôi nhà.
Nhà người là cõi lòng ta
Khi ta đón nhận, vị tha rạng ngời.
Trước bao ngã rẽ cuộc đời
Đưa lối người bước, rót lời tin yêu.
Khi bao gian khó sớm chiều
Vẫn không tuyệt vọng, tình yêu mở đường.
Thầy ơi, những lúc đau thương
Có Thầy con vẫn can trường bước chân.
Để con kiên nhẫn, ân cần
Bước cùng người trẻ dấn thân xây đời.
Con học say yêu con người
Học để cảm nếm tương quan với Thầy.
Thầy chính là bác thợ xây
Cho con noi bước, hòa tay nhịp nhàng.
Ước mong nhà mới tràn đầy
Niềm vui, hạnh phúc, thiên ân vững bền.
[1] “Nhổ và hủy; xây và trồng sẽ là sứ mạng của tất cả thợ làm vườn nho của Chúa. Không thể
có sự thỏa hiệp giữa cái vẻ bên ngoài của đời sống Ki-tô hữu với đức tin chân
thật; người tông đồ chính danh phải phá hủy để xây dựng”: NPDCGKPV, Lời Chúa cho mọi người, chú thích đoạn
Kinh thánh Gr 1,10.
[2] Trích từ một trang mạng về giáo dục, tác
giả là một bạn trẻ nữ với bút danh Diệu Nhung: https://edu2review.com/news/confession/tuoi-tre-va-nhung-vien-gach-392.html
[3] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chọn đây là chủ
đề của năm mục vụ 2020: “Đồng hành với người trẻ trong tiến trình hướng tới sự
trưởng thành toàn diện”. Xem thêm: “Các
thế hệ trẻ và Mục vụ Giới trẻ” trong Nhịp sống Tin Mừng số 35.
[4] Phêrô Trần Khắc Hoan - Giuse Phạm Thế Hoàn, “Đồng hành thiêng liêng là gì?”: http://baochiaselts.blogspot.com/2018/06/ong-hanh-thieng-lieng-la-gi.html
[6] Tài
liệu Đúc kết của Thượng Hội Đồng Giám Mục về “Người trẻ, đức tin và sự phân
định ơn gọi”, số 49.
[7] Nghĩa đầu tiên của từ “nhà” là “công trình
xây dựng có mái, có tường vách để ở hay dùng vào việc nào đó”: Viện ngôn ngữ
học, Từ điển tiếng Việt, tr. 693.
[8] 2Sm 7,18-19.
[9] “Tên gọi không hẳn nói lên một danh xưng
ước định, nhưng đối với người xưa, nó diễn tả vai trò của một sinh vật trong vũ
trụ. Thiên Chúa hoàn thành công việc tạo dựng khi Ngài gọi tên các thụ tạo,
ngày, đêm, trời, đất, biển (St 1,3-10), đặt tên cho từng vì tinh tú (Is 40,26),
hoặc giao trách nhiệm cho Ađam đặt tên cho mỗi con vật (St 2,20)… Tên đặt khi
sinh thường nói lên số phận hay hoạt động của người mang tên”: Giáo hoàng Học
viện Piô X, Điển ngữ thần học Thánh Kinh
(q.IV), tr. 20.
[10] Đây là chốn Ta nghỉ ngơi đến muôn đời, Ta
sẽ ngự nơi này, vì Ta ưa thích (Tv 132,14)
[11] Lc 19,5.9
[12] Đnl 10,22.
[13] Cn 17,6.
[14] Điển ngữ thần học Thánh Kinh (q.IV), Giáo hoàng Học viện Piô X, tr.
417.
[15] Mc 10,42-45.
[16] Trích từ nhạc phẩm “Ba ngọn nến lung linh”
của nhạc sĩ Ngọc Lễ - Phương Thảo.
[17] Ngay cả các gia đình thiêng liêng trong
đời sống tông đồ - thánh hiến cũng luôn trông mong sự phong phú ơn gọi và sự kế
thừa đoàn sủng.
[18] Trích nhạc phẩm “Một
đời người một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn.
[19] Tv 127,1.
[20] Viện ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Hà Nội 1992, tr. 938-939;
https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BB%A3_h%E1%BB%93
[21] 1Cr 3,10-15.
[22] Viện ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, tr. 522.
[23] Tv 37,6.
[24] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 24.
[25] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số, 243.
[26] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 217.
[27] Mc 3,14-15.
[28] Ga 14,18-20.
[29] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 159.
[30] Đc. Mt 5,1-10.
[31] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 187.
[32] Ibid., số 200.
[33] Lm. Thái Nguyên, Cánh hoa tâm linh 1, tr.18-19.
[34] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 285.
[35] Ibid., số 286.
[36] Ga 10,10.
[37] Đây là tư tưởng của Quản Tử (chương Quyền
Tu, trang 53) - tức Quản Di Ngô hay Quản Trọng là tướng quốc triều vua Tề Hoàn
Công thời Xuân Thu Chiến quốc bên Tàu, sinh trước Khổng Tử độ 200 năm. Ông được
xem là tác giả của kế sách đào tạo con người.
[38] Lc 10,27.
[39] Ga 21,15.
[40] Hai bài thơ là tâm tình của Sr. Maria Kim
Hạnh FMA khi đọc bài viết “Tuổi trẻ và những viên gạch” cũng như khi nghe chia
sẻ ý tưởng của bài suy tư.
Đăng nhận xét