Chính trong một thế giới đầy dẫy những khủng hoảng
mà người trẻ phải đối mặt,
phải tìm kiếm con đường sự thật
và hạnh phúc đích thực cho riêng mình,
họ cần phải được trợ giúp,
cần phải được đồng hành về tinh thần,
đặc biệt là đồng hành về đời sống tâm linh.
phải tìm kiếm con đường sự thật
và hạnh phúc đích thực cho riêng mình,
họ cần phải được trợ giúp,
cần phải được đồng hành về tinh thần,
đặc biệt là đồng hành về đời sống tâm linh.
Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Khi theo dõi chương trình đại hội giới trẻ của một
giáo tỉnh nọ được phát trực tuyến, những người xem quả là bị ấn tượng bởi con
số rất đông bạn trẻ tham gia. Có đến hàng chục ngàn bạn trẻ tham dự với đủ màu
sắc đồng phục, cùng với những vũ điệu và tiếng hô vang đáp lại quả là một bức
tranh dường như đầy sự hứa hẹn cho tương lai Giáo hội. Nhưng, chỉ đến khi đi
vào những cử hành thiêng liêng, người xem chắc hẳn sẽ bị giảm cảm xúc hy vọng
về những các bạn trẻ khi ban tổ chức liên tục mời gọi họ hãy nghiêm túc tham dự
giờ Chầu Thánh Thể. Những góc máy không đủ để “soi” thấy nhiều bạn trẻ đã “tự
do” ra sao, nhưng những lời nhắc nhở cho thấy có đó những bạn trẻ chỉ thích
những sôi động bên ngoài, và chẳng mặn mòi gì với những gì liên hệ đến đời sống
thiêng liêng, tâm linh. Dường như họ cũng bị ảnh hưởng của một xã hội chỉ chú
trọng đến những cái gì bên ngoài, thiếu vắng việc huấn luyện và nuôi dưỡng đời
sống tinh thần, những gì thuộc nội tâm.
Dù có
thể là họ không mặn mà hay không có đời sống tâm linh sâu xa, nhưng phần nhiều,
những bạn trẻ Công Giáo đang sống tại Việt Nam vẫn còn chịu khó đi tham dự
Thánh Lễ hằng tuần, chí ít thì cũng vì cha mẹ nhắc nhở hay còn có đó những
khoảng sáng cho chúng ta hy vọng để giúp họ trưởng thành trong đời sống tâm
linh.
Vào cuối năm 2019 vừa qua, một người quen sống tại Mỹ đã chia sẻ với tôi
về một số người trẻ Công Giáo, sinh ra tại Việt Nam, nhưng lớn lên tại Mỹ, đã
không còn đến nhà thờ, xem ra rời bỏ Giáo hội. Những người trẻ này cho rằng,
chính những mảng tối hay góc khuất của một số mục tử đã khiến cho họ không còn
tin tưởng vào Giáo hội. Và rồi, họ dần xa các Thánh Lễ, và từ chối mình là
người Công Giáo.
Hay những lần đứng lớp
giảng dạy những khóa giáo lý, giảng tĩnh tâm hay trình bày một đề tài nào đó
cho những nhóm giới trẻ Công giáo của Giáo hạt hay giáo xứ…, xem ra có đó một
bức tranh tổng thể khi nhìn chung về các bạn trẻ này: họ thụ động, ít thể hiện
sự tương tác, hay biểu tỏ sự hứng thú… như thể họ đang phải làm một điều mà họ
không muốn.
Thực
tế này cho chúng ta không khỏi băn khoăn để đặt vấn đề rằng: làm thế nào để thu
hút người trẻ đến với nhà thờ, đến với những cử hành phụng vụ, những sinh hoạt
tinh thần đỡ nâng và nuôi dưỡng đời sống tâm linh của họ?
Giáo hội trong cái nhìn của người trẻ
Với
nhiều người trẻ Công Giáo hiện nay, Giáo hội không phải là nơi mà họ muốn tìm
đến, dù bản thân họ cảm thấy trống vắng. Không phải xã hội có quá nhiều nơi hấp
dẫn với họ, khiến họ quên lãng Giáo hội, nhưng nhiều người trẻ đã quay lưng lại
với Giáo hội, vì họ không có sự kỳ vọng nào dành cho Giáo hội nữa. Họ cảm thấy
bị phiền toái khi Giáo hội “đụng” đến họ. Họ cảm thấy Giáo hội không có ý nghĩa
trong đời sống của họ. Họ muốn rời xa, hoặc đã thực sự bước ra khỏi căn nhà của
Giáo hội. Và Giáo hội nhận định rằng, những thái độ này hay cái nhìn này của
người trẻ không phải luôn luôn xuất phát từ sự bồng bột bức xúc, nhưng có đó
những nguyên nhân khiến họ muốn thoát ly ra khỏi Giáo hội.
Trong cuốn Return - How to draw
your child back to the Church[1]
– Trở về - Làm thế nào để lôi kéo con cái
của bạn trở về với Giáo hội, tác giả Brandon Vogt - sau khi tổng kết những
phiếu khảo sát về đề tài này, đã cho biết những lý do tại sao ngày nay có nhiều
bạn trẻ Công Giáo rời bỏ Giáo hội. Mặc dù tác giả thừa nhận bản khảo sát không
hoàn hảo, nhưng ít ra nó cho thấy người trẻ Công Giáo – đã từng được lãnh nhận
Bí tích Rửa Tội - đã và đang biện hộ cho việc họ rời bỏ Giáo hội với những lý
do được liệt kê. Lý do coi là nặng ký nhất, chiếm 68% là vì họ không được đáp
ứng nhu cầu tâm linh, 67% phiếu khảo sát cho thấy nguyên do họ rời bỏ là do đã
mất đi sự hứng thú trong Giáo hội, và 65% cho thấy họ đã thôi không còn tin vào
những giáo huấn, giảng dạy về tôn giáo của Giáo hội nữa.
Giáo hội nhìn về thực trạng người trẻ
Trong
Thông điệp Đức Kitô Đang Sống – Christus Vivid,
Giáo hội nhận rõ những thách đố của người trẻ hiện nay đang phải đối đầu, phải
sống với. Ngày hôm nay, người trẻ đang phải sống trong một thế giới khủng
hoảng.[2]
Sự khủng hoảng của thế giới hiện nay đa dạng về hình thức và nặng nề trên mọi
cấp độ. Người trẻ đang bị ảnh hưởng bởi những hình thức bạo lực, nô lệ mới.[3]
Họ cũng bị những ý thức hệ áp đảo, khiến
họ mất đi sự tự do, và không để cho sự phân định có cơ hội làm việc.[4]
Họ bị khủng hoảng và dễ bị tổn thương, khi bị xã hội bở rơi vì tôn giáo của họ,
bị gia đình, bỏ rơi vì nhiều lý do khác
nhau.[5]
Chưa hết, chính nền văn hóa mà họ đang sống cùng, đã khai thác bóc lột người
trẻ hôm nay.[6]
Và, người trẻ đó cũng đang bị ngột ngạt trong bầu khí gia đình, khi có sự đối
nghịch giữa truyền thống và hiện đại[7]…
Giáo hội biết phải làm gì cho người trẻ
Chính
trong một thế giới đầy dẫy những khủng hoảng mà người trẻ phải đối mặt, phải
tìm kiếm con đường sự thật và hạnh phúc đích thực cho riêng mình, họ cần phải
được trợ giúp, cần phải được đồng hành về tinh thần, đặc biệt là đồng hành về
đời sống tâm linh.
Thông
điệp Đức Kitô Đang Sống – Christus Vivid là thành quả của Thượng Hội Đồng về Người trẻ
năm 2018. Trong Thông điệp này Giáo hội cho chúng ta một cái nhìn và hướng đi
rõ ràng về đường hướng mục vụ của Giáo hội với người trẻ. Chính trong toàn bản
văn này, “đồng hành” và “phân định” là hai từ then chốt xuất hiện gần hết toàn
bộ tài liệu. Hai từ chìa khóa này cho thấy Giáo hội đã quan tâm, suy nghĩ nhiều
hơn để tìm ra những cách thức mới, nhằm lôi cuốn, dẫn dắt người trẻ đến với
chân lý, đến với sự thật, đến việc gặp gỡ với Đức Kitô trong tương quan cá nhân
của họ. Nhờ sự đồng hành này, người trẻ đi tới sự khám phá ra Đức Kitô và sống
với Người như là điều trọng yếu cho sự sống còn của đời họ, như là chọn lựa căn
bản chỉ dẫn hướng đi ơn gọi của chính họ trong tương quan cá vị với Đức Giêsu,
dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần.
Giáo
hội xác định rằng, việc đồng hành với người trẻ là điều quan trọng, vì họ không
chỉ là tương lai của thế giới, của Giáo hội, nhưng họ còn là hiện tại của Giáo
hội và thế giới hôm nay.[8]
Vì thế, việc đồng hành với người trẻ hôm nay đang là một lựa
chọn ưu tiên trong mục vụ của Giáo hội, và của những người có trách nhiệm trên
họ, cụ thể nơi từng Giáo hội địa phương, của các mục tử, và của chính những bậc
phụ huynh.
Rượu mới trong bầu da cũ?
Thực ra vấn đề đồng hành không mới. Chúng ta có thể tìm thấy
sự đồng hành tâm linh đã có ngay từ trong những trang Kinh Thánh, đặc biệt nơi
Tin Mừng Luca là một ví dụ. Đức Giêsu đã đóng vai trò vị đồng hành với hai môn
đệ trên đường Emaus (x. Luca 24, 13-35). Và trong lộ trình đồng hành này, Đức
Giêsu Phục Sinh đã dẫn dắt họ từ sự nghi nan, chán nản, thất vọng đến việc khám
phá ra chân lý, sự thật trong cái chết và phục sinh của chính Ngài, khởi điểm
cho niềm tin vững chắc và ra đi loan báo niềm vui Phục Sinh mà họ đã được trao
ban.
Cũng thế, trải qua biết bao giai đoạn của Giáo hội trong việc
khơi dậy, dưỡng nuôi và làm cho đức tin con cái được phát triển, bám rễ sâu
trong Đức Kitô, Giáo hội luôn có đó những con đường đồng hành, những chỉ dẫn,
mời gọi những người có khả năng tham gia vào trong vai trò đồng hành này cho từng
đối tượng khác nhau. Chẳng hạn như trong Tông huấn Niềm vui Tình Yêu, Giáo hội
cũng đưa ra những viễn ảnh mục vụ như đồng hành với các cặp đôi hôn nhân gia
đình.[9]
Tuy nhiên, khi đề cập đến việc đồng hành tâm linh cho người
trẻ hôm nay, phải chăng chúng ta có cần tìm “bầu da mới cho rượu mới” khi thực
hiện sứ vụ này với người trẻ chúng ta hôm nay?
Xem ra một cách thức chế biến “rượu” cho ra mùi thơm hơn,
ngon hơn, hấp dẫn hơn và có bầu đựng rượu cũng mới hơn, có lẽ là cần!
Thực tế hiện nay là gì?
Ở đâu đó, vẫn có những chương trình mục vụ xoay quanh nhiều
hơn về việc dạy, giáo điều, cung cấp kiến thức đời sống tâm linh cho người trẻ,
mà bỏ quên việc đồng hành thiêng liêng với họ.
Hình như chúng ta chú trọng đến việc “dẫn” người trẻ đi, mà
quên việc cùng đi với họ trên hành trình thiêng liêng của họ. Hình ảnh “dắt”
tay người trẻ xem ra dễ hơn, và quen thuộc hơn là “cùng đi” với họ.
Trong khi đó, nếu muốn dành cho người trẻ một sự đồng hành về
mặt tâm linh, chúng ta cần phải đi cùng với họ, như Đức Giêsu đi bên cạnh hai
môn đệ trên đường Emaus. Đức Giêsu “không đi trước”, nhưng là cùng đi, hỏi,
nghe họ nói, và rồi trả lời họ. Từ ngữ “đồng hành” mang tính cá nhân, đi bên
cạnh và trên cùng một con đường.
Vì thế, nếu có những chương trình mục vụ dành cho người trẻ,
xem ra chúng ta thường đóng vai trò chủ động, hướng dẫn, nói nhiều hơn, và đôi
khi mang tính áp đặt.
Thế nên, lắng nghe được xem như là bước đầu tiên của việc
đồng hành với người trẻ của chúng ta trong hành trình làm môn đệ Đức Giêsu của
họ. Nếu chúng ta muốn giúp họ nhận ra con đường ơn gọi của họ, muốn giúp họ
nhận ra kế hoạch của Chúa trong cuộc đời của họ, chúng ta phải lắng nghe họ, để
biết họ đang tìm kiếm cái gì, đang ở đâu trong hành trình cuộc đời của họ. Lắng
nghe, được xem như là điều quan trọng mà bất cứ ai muốn đồng hành với họ.[10]
Đồng hành với người trẻ ở đâu?
Thực ra, để có thể đồng hành với người trẻ, chúng ta phải đi
và gặp họ tại “nơi” họ ở. Nếu chúng ta không đi, không đến nơi họ ở, chúng ta
không thể đồng hành. “Nghiêm túc khảo sát hoàn cảnh giới trẻ”[11]
để đi tới việc trợ giúp, hướng dẫn hay đồng hành với giới trẻ là điều cần
thiết. Đây chính là một trong những điều kiện cần để chúng ta có thể đáp ứng
được nhu cầu thiêng liêng, tâm linh của người trẻ trong việc đồng hành với họ.
Giáo
hội đã chỉ cho chúng ta thế giới nơi người trẻ đang sống, những thách đố và
khủng hoảng họ đang gặp phải. Nếu chúng ta không bước chân vào thế giới, nơi họ
đang sống, chúng ta không biết đời sống tâm linh của họ thế nào và cần những
gì.
Người
ta nói rằng, một trong những điều đáng lo ngại về những người trẻ của chúng ta
là sự mong manh dễ vỡ của họ, thứ mà xem ra có phần nào đối lại với tính độc
lập mà họ thể hiện. Vì thế, ngoài lớp bề mặt xem ra mạnh mẽ, thì có đó một sự
ẩn giấu của sự bất ổn và yếu đuối trong đời sống tinh thần.
Nếu
ngày hôm nay, chúng ta không hiểu được người trẻ của chúng ta dễ dàng rơi vào
trạng thái lo âu, hoảng sợ, - căn bệnh ảnh hưởng nặng nề trên họ - chúng ta sẽ
không biết họ cần chúng ta đi bên cạnh ra sao khi mà họ bị hụt hẫng trong đời
sống tinh thần.
Đức Giêsu bước đi với hai môn đệ vốn không hiểu ý nghĩa của tất cả những
gì đã xảy ra cho Người, và họ đang bỏ Giêrusalem và cộng đoàn lại đằng sau.
Muốn đồng hành với họ, Người đến với họ trong hành trình. Người hỏi họ những
câu hỏi và kiên nhẫn lắng nghe cách họ tường thuật các biến cố, bằng cách này
Người giúp họ nhận ra những gì mà họ đang kinh nghiệm. Rồi, với tình thương và
với uy lực, Người giảng lời cho họ, hướng dẫn họ diễn dịch các biến cố mà họ đã
kinh nghiệm trong ánh sáng của Thánh Kinh. Người chấp nhận lời họ mời Người ở
lại với họ khi ngày đã sắp tàn; Người đi vào trong đêm tối của họ. Khi họ lắng
nghe Người nói, lòng họ bừng cháy lên và tâm trí họ mở ra; và họ nhận ra Người
khi Người bẻ bánh. Chính họ quyết định lên đường ngay lập tức, nhưng theo hướng
ngược lại, trở về với cộng đoàn và chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Phục Sinh.[12]
Đừng đồng hành với người trẻ theo kiểu thế gian!
Tôi sẽ không thể nói như vậy, nếu thực tế tôi chưa từng chứng
kiến!
Trong môt lần tham dự đại hội giới trẻ của một giáo hạt nọ,
ngoại trừ Thánh Lễ và bài giảng của Đức Giám Mục Giáo phận, thì toàn bộ chương
trình còn lại của ngày hôm đó thật “mỏng te”! Mỏng vì người tham dự chẳng thấy
gì ngoài những vũ điệu, bài hát vui nhộn. Chẳng biết sau đó, còn gì để lại cho
các bạn trẻ tham dự. Không chỉ một nơi, một chương trình đâu đó… nhưng còn
nhiều lắm những chương trình cho người trẻ Công giáo na ná kiểu như thế. Buồn!
Hoặc có vị xem ra là khá nổi tiếng khi được mời giảng nhiều
nơi cho giới trẻ, những có khi nào chúng ta có giật mình với những bài giảng họ
dành cho người trẻ của mình? Thú thực, hay thì có hay, và đề tài thì thật hấp
dẫn, nhưng nếu bài nói chuyện ấy dành cho các bạn trẻ ngoài xã hội thì phù hợp
và đạt mục đích hơn. Bởi lẽ, những đề tài hay nội dung kèm theo phần lớn chỉ là
nâng tầm những kỹ năng sống, sống có ý nghĩa mà bất kỳ người trẻ nào cũng nghe
được. Còn với người trẻ Công Giáo của chúng ta, họ cần có một điều quan trọng
hơn nhiều: đó là đưa họ lên cao, đi vào thế giới của đời sống tâm linh của việc
gặp gỡ với một Đấng là Chúa của họ.
Thêm nữa, có đôi khi trong những bài giảng hay bài nói chuyện
với người trẻ, có ai đó đã vô tình đưa người trẻ rơi vào một thứ chủ thuyết
Pêlagiô hiện đại, mặc cho mục đích ban đầu là giúp người trẻ hướng tới sự hoàn
thiện các giá trị của Tin Mừng. Đây là một cám dỗ nguy hiểm mà chúng ta, những
người có trách nhiệm hướng dẫn hay đồng hành, khi giảng dạy đã quá đề cao sức
mạnh của trí năng, của ý chí, của sự nỗ lực riêng của người trẻ, mà làm lu mờ
hay bỏ qua mầu nhiệm và ân sủng của Thiên Chúa trên hành trình đi tới sự trưởng
thành tâm linh, con đường nên thánh của người trẻ chúng ta.[13]
Trong khi đó, trách nhiệm của chúng ta, những người có trách
nhiệm hướng dẫn, đồng hành với người trẻ không phải chỉ là giúp họ hoàn thiện
kỹ năng sống,… nhưng là phải làm sao đưa họ dần đi đến sống tròn đầy, phong phú
hơn hơn về đời sống thiêng liêng, chỉ cho họ con đường dẫn đến gặp Đức Kitô, và
nhận ra Người đang sống trong cuộc đời họ và cùng đi với họ.
Vậy nên, hãy cẩn thận, đừng họa lại nguyên bản những mô hình
mang tính xã hội đi vào lộ trình đồng hành với người trẻ Công Giáo của chúng
ta.
Đồng hành về đời sống thiêng liêng cho người trẻ
ở đâu? khi nào? và thế nào?
Sẽ
chẳng có một câu trả lời chung cho tất cả.
Chắc là
vậy. Bởi để có được kế hoạch đồng hành thiêng liêng, hay đồng hành về đời sống
tâm linh cho người trẻ tùy thuộc rất nhiều
vào kế hoạch mục vụ cho giới trẻ của từng Giáo hội địa phương, của mỗi giáo xứ,
của mỗi vị mục tử, và của tất cả những ai có trách nhiệm trên họ.
Dự án hay dự phóng, hoặc kế hoạch đồng hành tâm linh cho
người trẻ còn phải phụ thuộc vào hoàn cảnh mà người trẻ đang sống, những ý thức
hệ, nền văn hóa…mà người trẻ đang bị ảnh hưởng.
Đề xuất ra một con đường hay cách thức đồng hành tâm linh cho
người trẻ còn lệ thuộc vào sự sáng tạo, năng động và sự cởi mở của những người
có trách nhiệm với họ.
Nhưng cho dẫu có sự khác biệt, thì xem ra vẫn có đó một tiến
trình của đồng hành với người trẻ về đời sống tâm linh của họ khi chúng ta lưu
ý đến những bước trong kế hoạch, hay dự phóng của chúng ta về việc đồng hành
này.
Một tiến trình, hay để thực hiện sự đồng hành tâm linh với
người trẻ của chúng ta, người ta đề cập đến một tiến trình bao gồm 4 chữ “C” –
trong tiếng Anh- contact, converstation,
connection và commitment, nghĩa là kết
thân, trò chuyện, liên lạc và cam kết
dấn thân
Một lộ trình đồng hành có thể
sử dụng
Kết thân
Ở nơi người trẻ ở: Điều này có nghĩa là chúng ta hãy dành thời gian để tạo nên
một mối tương quan cá nhân với người trẻ, dùng đến những kỹ năng để có cuộc trò
chuyện “small talk” – kiểu nói chuyện không đề cập đến những điều quan trọng,
dành cho những người chưa biết về nhau- với người trẻ.
Phải biết: Thêm nữa, để đi tới sự kết thân với người trẻ, chúng ta cần phải trang bị cho mình sự đón tiếp thân
tình với họ, để họ cảm thấy được thoải mái và nhận ra mình được đón tiếp như họ
là. Bên cạnh đó, muốn đồng hành với người trẻ 4.0, hay còn gọi là Gen Z - của
chúng ta hiện nay, chúng ta cần phải trang bị cho mình những điều cần biết về
họ, về những gì mà họ đang “đắm” vào trong đó, như là hiểu biết về công nghệ
4.0, để có thể tiếp cận với người trẻ.
Sẵn sàng chủ động: Dù người trẻ muốn đến hay họ không thể, hay không muốn tiếp
cận, đến với chúng ta, thì sự chủ động đi ra và tìm kiếm người trẻ luôn là điều
cần thiết để chúng ta có thể gặp gỡ họ. Chúng ta có thể đến gặp họ trong những
hoàn cảnh hay sự kiện như chương trình tĩnh tâm, bệnh viện, nơi những trung tâm
phục hồi nhân phẩm, hay tang lễ. Đối với những người trẻ có tiềm năng lãnh đạo,
chúng ta có thể gặp gỡ họ khi cung cấp cho họ sự đào tạo và những khả năng cần
thiết để họ phát triển năng lực trong sự ý thức cộng tác với kế hoạch của Thiên
Chúa và phục vụ cộng đoàn.
Trò chuyện như đồng hành
Trong không gian “an toàn”, người trẻ cảm thấy tin tưởng để
mở tâm hồn của họ ra trong những câu chuyện họ kể mà được người khác lắng nghe
cách chân thành và hiểu họ. Nơi đó, những vấn đề, những bối rối, nghi ngờ của
người trẻ sẽ được họ bộc bạch nếu họ nhận ra không có đó sự phán xét, chỉ trích
hay lên án họ. Trong không gian an toàn này, cả hai sẽ cởi mở, chân thành, ngay
thẳng, và bày tỏ sự yêu mến. Khi mà người trẻ bắt đầu đặt ra những câu hỏi, đó
là dấu hiện của một tiến trình đồng hành đang được đi xa hơn, tạo điều kiện cho
chúng ta cùng đi với người trẻ trên con đường tâm linh của họ.
Liên hệ, kết giao
Những người trẻ của chúng ta cần được mời đến với những cử
hành Phụng vụ, tham dự và sống với bầu khí phụng vụ của Giáo hội trong bầu khí
chung và cũng riêng tư của họ với Chúa. Bên cạnh đó, chúng ta đừng quên mời họ
tham gia và trong những hoạt động mục vụ, những sinh hoạt của giới trẻ, cũng
như những chương trình huấn luyện dành riêng cho họ.
Điều này đòi hỏi các
chủ chăn, các bậc lãnh đạo cần cung cấp hay sắp xếp những chương trình huấn luyện
thích hợp với người trẻ. Đồng thời, khuyến khích và thúc đẩy những người trẻ
không chỉ tham gia một mình, nhưng còn là những cánh tay nối dài để gọi mời
những người trẻ khác cùng đi với họ trên hành trình tâm linh, gặp gỡ chính Đức
Giêsu, Đấng làm cho họ sống và sống dồi dào.
Để rồi, trong mối liên hệ này, người trẻ cần phải được song
hành đi tới điều thiết yếu sống còn của cuộc đời họ là gặp gỡ với Đức Giêsu. Và
đó là mục tiêu của sứ vụ của chúng ta.
Cam kết
Thực ra, không có con đường, hay tiến trình nào “đúng”, hay
một khuôn mẫu cố định rập khuôn. Cam kết đức tin là đi trên một hành trình,
không có điểm đến. Cam kết đó đến từ trái tim, và đó là con đường của riêng mỗi
người, mỗi hoàn cảnh khác nhau.
Và sự đồng hành tâm linh cho người trẻ, cuối cùng là chính họ
nhận ra, đáp trả lại lời mời gọi của Đức Giêsu và cam kết dấn thân trên con
đường làm môn đệ của Người, là đi vào một cuộc phiêu lưu vĩ đại, tuyệt vời nhất
trong cuộc đời của họ.
Tạm khép lại những suy tư
Quả là hữu ích khi đọc lại một vài ý tưởng về việc đồng hành
với người trẻ đã đươc đề cập trong Tông Huấn Đức Kitô Đang sống mà Giáo hội nhắc nhở cho những ai đã, đang và sẽ
đóng vai trò người đồng hành tâm linh cho giới trẻ.
Bởi vì “thời gian quan trọng hơn không gian”, chúng ta cần khích lệ và
đồng hành với các tiến trình, mà không áp đặt các bản đồ lộ trình của chúng ta.
Vì những tiến trình ấy liên hệ đến những con người luôn mãi độc đáo và tự do.
Không hề có công thức dễ dàng, ngay cả khi mọi dấu hiệu dường như tích cực, “vì
chính các yếu tố tích cực cũng cần được phân định kỹ, để chúng không trở thành
cô lập và mâu thuẫn nhau, trở thành những cái hoàn toàn rời rạc và không ăn
khớp với nhau.[14]
Và
Nếu bạn muốn
đồng hành với những người khác trên con đường này, bạn phải là người đầu tiên
bước đi trên con đường, ngày này qua ngày khác. Đó là điều Đức Maria đã làm,
trong tuổi trẻ của ngài, khi đối diện với những dấu hỏi và những khó khăn của
riêng mình.[15]
[1] Vogt Brandon, Return - How to draw your child back to the Church, 2015, printed
in USA
[2] x. Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông Điệp Christus Vivid, 2019, chương 3
[3] x. Ibid., s. 72
[4] x. Ibid., s. 73
[5] x. Ibid., s. 74
[6] x. Ibid., s. 79
[7] x. Ibid., s. 80
[8] x. Đức Thánh Cha
Phanxicô, Thông Điệp Christus Vivid, 2019, ch. 3.
[9] X. Đức Thánh Cha Phanxicô,
Tông huấn Amoris
Laetitia, 2016, ch. 6
[10]x.
Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông Điệp Christus
Vivid, 2019, s. 230
[11] x. .
Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông Điệp Christus
Vivid, 2019, s. 103
[12] Đức
Thánh Cha Phanxicô, Thông Điệp Christus
Vivid, 2019,s. 230
[13] x. ĐTC Phanxicô, Tông huấn Gaudete et Exsultate, 2018, s. 47-48
[14] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông Điệp Christus Vivid, 2019, s. 297
[15] Ibid., s. 298
Đăng nhận xét