Giới trẻ với sứ mạng của Giáo hội


Ngày nay, Giáo hội nhìn đến giới trẻ 
với lòng đầy tín cẩn và yêu thương.
Nhờ vậy, Giáo hội trở nên sự trẻ trung thực sự của thế giới. Giáo hội mang vốn liếng
làm nên sức mạnh và vẻ đẹp của tuổi trẻ:
đó là khả năng biết hoan hỷ trước những khởi đầu mới,
biết cho đi mà không mong trả lại,
biết tự đổi mới và ra đi trao chuyển những giá trị vĩnh cửu.
[1]
Ts. Giuse Vũ Công Danh, OP.

Trong Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho ngày Giới trẻ Thế giới năm 2019 diễn ra tại Panama, với chủ đề:Này tôi là tôi tớ Chúa : xin làm cho tôi như lời Sứ thần truyền” (Lc 1,38)”, ngài đã viết như sau :

Lời thưa của Đức Maria là một tiếng ‘Xin vâng’ đầy can đảm và quảng đại. Đó là câu trả lời của một người hiểu được bí quyết của ơn gọi: ra khỏi mình và đặt mình phục vụ tha nhân. Thật vậy, cuộc sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Có nhiều người trẻ, là các tín hữu hay người không tin, khi kết thúc một giai đoạn học tập, đã bày tỏ mong muốn giúp đỡ người khác, mong muốn làm một điều gì đó cho những người đau khổ. Đó là sức mạnh của người trẻ, sức mạnh của tất cả các bạn; sức mạnh có thể thay đổi thế giới; đó là cuộc cách mạng có thể đánh bại các thế lực lớn của thế giới này: “cuộc cách mạng” của phục vụ. Đặt mình phục vụ người thân cận không chỉ có nghĩa là sẵn sàng hành động; nhưng còn là đi vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa với thái độ lắng nghe, như Đức Maria đã làm. Mẹ lắng nghe điều sứ thần nói với Mẹ rồi sau đó đáp lời. Khởi đi từ mối tương quan này với Thiên Chúa, trong thinh lặng của tâm hồn, chúng ta khám phá căn tính riêng của chúng ta và ơn gọi mà Chúa kêu gọi chúng ta; ơn gọi ấy có thể biểu lộ bằng nhiều hình thức khác nhau: trong hôn nhân, trong đời sống thánh hiến, trong thiên chức linh mục. Đó là tất cả những lối cách theo Chúa Giêsu. Điều quan trọng nhất là khám phá điều Chúa mong đợi nơi chúng ta và can đảm thưa “xin vâng”.
Phục vụ là một đặc sủng của Chúa Thánh Thần. Đó là một đặc sủng được trao tặng cho mỗi người theo những cách thế khác nhau. Và đối với giới trẻ, đặc sủng phục vụ này luôn có một sự sung mãn diệu kì trong mối tương quan với Giáo hội.
Thật thế, giới trẻ ngày nay tuy đang sống trong một thế giới yêu chuộng vật chất và các trào lưu thế tục; thế nhưng, trong số đó, vẫn có những người trẻ hết sức mạnh mẽ; họ luôn mang trong mình một con tim chân thành, nhiệt huyết và hăng say phục vụ Giáo hội và tha nhân. Bởi thế, khi nhìn vào những thực trạng tục hóa có vẻ rất đáng báo động trong xã hội ngày nay, cách riêng nơi giới trẻ trong Giáo hội, một mặt chúng ta không khỏi lo lắng cho những thách đố mà họ sẽ đối diện; nhưng mặt khác, chúng ta cũng không nên quá lo lắng về sự cộng tác và dấn thân phục vụ của những người trẻ đó trong việc xây dựng Giáo hội và xã hội.
 Giới trẻ trước lời mời gọi của Thiên Chúa
Những người trẻ trong xã hội hôm nay đang phải đối diện với nhiều nỗi lo sợ. Trong đó, nỗi lo sợ “căn bản” mà nhiều người thường gặp phải đó là việc thấy bản thân của họ không được yêu thương, hay không được đón nhận. Bởi thế, họ đã không ngừng quảng bá hình ảnh của mình đằng sau những lớp vỏ bọc của sự giả dối và ảo tưởng. Và thậm chí, họ còn khiến bản thân mình trở nên một con người sống trong những cái tôi ảo vọng.
Bên cạnh nỗi sợ kia, một số bạn trẻ khác lại sợ họ không thể tìm được sự an toàn về tình cảm và sợ phải sống trong nỗi cô đơn. Rồi cũng có nhiều người đối diện với tình cảnh bấp bênh trong công việc. Họ lo sợ khi không thể tìm thấy một vị trí chuyên môn và một mức lương tương xứng.
Trong tất cả những khoảnh khắc, những nỗi hoài nghi và sự sợ hãi tràn ngập trong tâm hồn người trẻ, hơn bao giờ hết, họ cần có được một sự phân định phù hợp theo một định hướng nhất định. Bởi khi có được sự phân định cụ thể trong cuộc sống, người trẻ sẽ dễ dàng lập lại được trật tự trong cuộc sống, trong hành động, trong suy nghĩ và điều hướng đời sống đó đến một ý nghĩa đích thực.
Thật vậy, việc phân định có một vị thế quan trọng nhằm giúp người trẻ tìm kiếm lý tưởng sống cho cuộc đời, và cụ thể với mỗi tín hữu, đó là tìm thấy ơn gọi mà Thiên Chúa mong muốn họ bước theo. Ơn gọi là một lời gọi đến từ bên trên, và việc phân định nhằm mục đích hướng bản thân mỗi tín hữu biết mở lòng trước Đấng đang kêu mời họ. Một khi mở rộng cánh cửa cuộc đời trước Thiên Chúa, mỗi người trẻ sẽ có được những thao thức cống hiến cho Giáo hội và xã hội. Và cũng chính lúc họ biết đặt thời gian, không gian của mình trong mối tương quan nghĩa thiết với Thiên Chúa, với những con người chân thực, và với những người mà họ chia sẻ kinh nghiệm cụ thể về cuộc sống hàng ngày, họ sẽ biết cách đào luyện bản thân để trở nên những chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa và sự hiện diện sống động của Chúa Thánh Thần như lời mời gọi của Người.
Sự hiện diện của giới trẻ trong Giáo hội
Trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa đặt tên cho muôn loài thụ tạo. Có một ý nghĩa ẩn sau mỗi cái tên, đó là việc nói lên mối dây thân hữu giữa Thiên Chúa với muôn loài. Mối dây thân hữu đó luôn được Thiên Chúa quan tâm và nuôi dưỡng đến độ, Người đã chia sẻ một phần quyền năng thần linh đó cho con người, để họ cùng Người cai quản vạn vật. 
Khi kêu gọi một người, Thiên Chúa cũng đồng thời bày tỏ cho họ hiểu về kế hoạch thánh thiện của Người. Nhờ vậy, họ trở nên quà tặng đối với tha nhân. Cũng thế, sự hiện diện của giới trẻ trong Giáo hội cũng được xem như một món quà thần linh. Giới trẻ hoạt động và biểu tỏ cho mọi người thấy giá trị của họ qua nhiều công việc trong Giáo hội như bác ái, tông đồ,… Họ hiện diện trong Giáo hội như là dấu chỉ của phẩm giá cao cả trong mắt Thiên Chúa, và là dấu hiệu tình yêu Thiên Chúa dành tặng cho Giáo hội. Thiên Chúa kêu gọi mỗi loài theo tên và Người cũng mời gọi giới trẻ sống theo đúng căn tính của họ trong sự trẻ trung, nhiệt huyết và hăng say dấn thân. Họ chính là những người “bạn” được Thiên Chúa gửi đến cho Giáo hội, họ luôn quý giá trong ánh mắt của Người, đáng tôn trọng và yêu thương.
Ngày nay, Giáo hội nhìn đến giới trẻ với lòng đầy tín cẩn và yêu thương. Nhờ vậy, Giáo hội trở nên sự trẻ trung thực sự của thế giới. Giáo hội mang vốn liếng làm nên sức mạnh và vẻ đẹp của tuổi trẻ: đó là khả năng biết hoan hỷ trước những khởi đầu mới, biết cho đi mà không mong trả lại, biết tự đổi mới và ra đi trao chuyển những giá trị vĩnh cửu.
Bởi đó, sự hiện diện của giới trẻ trong Giáo hội cho ta thấy ân sủng của Thánh Thần luôn ban xuống đầy tràn trên toàn thể Giáo hội. Họ là những chứng tá cho sự tươi mới trong Giáo hội, là một Giáo hội của bác ái, bình an, và hoan lạc.
Giới trẻ và tương lai của Giáo hội
Việc khẳng định nhu cầu giáo dục Kitô giáo và việc nhắc nhở các mục tử về nghĩa vụ cao cả của họ nhằm chuyển trao cho tất cả mọi người, như Công đồng Vaticanô II đã nhận định rằng, giới trẻ “... là niềm hy vọng của Giáo hội” (Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo Gravissimum Educationis số 2). Lý do của niềm hy vọng này là gì ?
Trước nhất, chúng ta có thể nói rằng đó là một trật tự dân số học. Giới trẻ, “tại nhiều quốc gia trên thế giới chiếm một nửa dân số, và thường cũng là một nửa số của Dân Chúa trong các quốc gia đó” (CL 46). Nhưng có một lý do khác thậm chí còn mạnh hơn một hình thức tâm lý, tâm linh và Giáo hội. Ngày nay, Giáo hội nhận ra sự quảng đại của giới trẻ, ước muốn của họ làm cho thế giới nên tốt đẹp hơn và làm cho cộng đoàn Kitô giáo phát triển (x. CL 46). Do đó, Giáo hội đặc biệt lưu ý đến giới trẻ, và nhìn thấy nơi họ một sự tham gia đặc thù vào niềm hy vọng mà Chúa Thánh Thần tặng ban cho Giáo hội.
Ân sủng hoạt động trong những người trẻ mở đường cho sự tiến bộ của Giáo hội liên quan đến cả sự lớn mạnh và đặc trưng của Giáo hội. Quả thật, chúng ta có thể nói về Giáo hội của giới trẻ, và cần nhớ rằng, Chúa Thánh Thần tái sinh trong mọi người -ngay cả ở người già, miễn là họ vẫn cởi mở và đón nhận- sự lay động của ân sủng.
Xác tín này bắt nguồn từ nguồn gốc thực tế của Giáo hội. Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ và việc thiết lập Giáo hội vào khoảng ba mươi tuổi. Để tận hiến cho Giáo hội, Người đã chọn một số người trẻ. Với sự cộng tác của họ, Người mong muốn mở ra một thời đại mới, nhằm đưa ra hướng đi mới cho lịch sử cứu độ. Người đã chọn và huấn luyện họ bằng một tinh thần tươi trẻ, với nguyên tắc : “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ” (Mc 2,22). Đây là một phép ẩn dụ về đời sống mới khởi nguồn từ sự vĩnh cửu và kết hợp với mong muốn thay đổi và mới lạ, là nét đặc trưng của tuổi trẻ. Giáo hội được sinh ra từ những xung lực trẻ trung xuất phát từ Chúa Thánh Thần, ngự trong Chúa Kitô và được Người thông truyền cho các môn đệ và Tông đồ, rồi đến các cộng đoàn đã quy tụ từ ngày Lễ Ngũ Tuần.
Ngay từ lúc khởi nguồn của những xung lực đó, Giáo hội đã nhìn nhận giới trẻ với cảm thức tin cậy và thân hữu. Điều này có thể được suy luận từ lời của Tông đồ Gioan -người mà Chúa Kitô gọi lúc còn trẻ, mặc dù ông viết lời sau vào lúc tuổi già:
Hỡi anh em là những người con thơ bé, tôi đã viết cho anh em: anh em biết Chúa Cha... Hỡi các bạn trẻ, tôi đã viết cho anh em: anh em là những người mạnh mẽ; lời Thiên Chúa ở lại trong anh em và anh em đã thắng ác thần (1 Ga 2,14).
Điều đáng quan tâm này liên hệ đến sức sống tuổi trẻ. Những người trẻ thường đề cao sức mạnh thể chất, chẳng hạn như được dùng trong thể thao. Tuy nhiên, thánh Gioan muốn nhận ra và ca ngợi sức mạnh trong tinh thần được những người trẻ trong cộng đoàn Kitô hữu mà thánh nhân đã gửi thư đến thể hiện. Sức mạnh này đến từ Chúa Thánh Thần và đạt được thắng lợi nhờ sự chiến thắng những thách đố và cám dỗ. Chiến thắng về mặt luân lý của người trẻ là một biểu hiện cho sức mạnh của Chúa Thánh Thần, là điều Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ. Điều đó thôi thúc các Kitô hữu trẻ ngày nay tham gia tích cực vào đời sống của Giáo hội như những người trong thế kỷ đầu.
Đây là một thành tố bất biến, không chỉ về tâm lý, mà còn về tâm linh của tuổi trẻ, là điều mà họ không hài lòng trong việc thụ động tuân giữ đức tin. Những người trẻ mong muốn đóng góp tích cực cho sự phát triển của Giáo hội, cũng như của xã hội dân sự. Điều này, thể hiện rõ nơi nhiều thanh thiếu niên nam nữ đạo đức ngày nay, họ muốn trở thành “chủ nhân tích cực tham dự vào việc truyền bá Tin Mừng và canh tân xã hội. Tuổi trẻ là thời điểm khám phá đặc biệt sâu đậm về ‘bản ngã’ cá biệt và về một ‘dự án cuộc đời riêng của mình’” (CL 46). Ngày nay, hơn bao giờ hết, Giáo hội cần giúp những người trẻ biết phân định để họ có thể hiểu hơn về bản thân, về những giá trị tốt đẹp và đáng hứa hẹn trong họ. Phẩm chất và năng lực sáng tạo của tuổi trẻ cần được hướng đến mục đích cao nhất nhằm mời gọi và truyền thông cho họ sự nhiệt thành: với việc tốt của xã hội, sự đoàn kết đối với tất cả anh chị em của họ, truyền rao lý tưởng Tin Mừng về cuộc sống và cam kết cụ thể với tha nhân, tham gia vào những nỗ lực của Giáo hội nhằm cổ võ việc thiết lập một thế giới tốt đẹp hơn.
Như các nghị phụ của Thượng hội đồng 1987 nói:
Sự nhạy bén của những người trẻ ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức của họ về các giá trị của công lý, bất bạo động và hòa bình. Trái tim của họ luôn sẵn sàng với tình hiệp thông, bằng hữu và đoàn kết. Họ bị lay động sâu sắc bởi nhiều nguyên nhân liên quan đến chất lượng cuộc sống và việc bảo tồn thiên nhiên (Ench. Vat., 2206).
Những giá trị này chắc chắn phù hợp với giáo huấn Tin Mừng. Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu tuyên bố một trật tự mới về công lý và tình yêu. Khi tự khẳng định là “hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29), Người đã khước từ mọi điều bạo lực, và mong muốn mang đến cho con người bình an của Người, một thế giới chân thật, kiên định và bền lâu hơn (x. Ga 14,27). Đây là những giá trị nội tâm và tinh thần. Nhưng chúng ta biết rằng chính Chúa Giêsu đã khuyến khích những người theo Người bày tỏ con người họ trong tình yêu trao hiến, hiệp thông, bằng hữu, đoàn kết, tôn trọng con người và chính thiên nhiên, đó là công việc của Thiên Chúa và là phạm vi Người mời gọi con người cộng tác. Như vậy, những người trẻ tìm thấy trong Tin Mừng một nguồn trợ lực quan trọng, chân thành nhất để họ cảm thấy phù hợp với nguyện vọng và kế hoạch của mình.
Giáo hội luôn phải giới thiệu cho giới trẻ sứ điệp Tin Mừng với những hứa hẹn và đòi buộc của nó. Đổi lại, những người trẻ tuổi phải bày tỏ nguyện vọng và kế hoạch của họ cho Giáo hội.
Cuộc đối thoại song phương này phải được tiến hành một cách đầy nhiệt tâm, rõ ràng, và can đảm, để xúc tiến việc gặp gỡ giữa các thế hệ và những cuộc trao đổi giữa họ với nhau, và sẽ là một nguồn suối trong mát làm phong phú và trẻ trung cho Giáo hội và xã hội (CL 46).
Chính nhờ vào mối tương quan gắn kết đó, giới trẻ sẽ góp phần không nhỏ vào tương lai và sự phát triển của Giáo hội.
Kết luận
Giới trẻ chính là một quà tặng tuyệt vời mà Thiên Chúa trao ban cho Giáo hội. Họ luôn có những khát vọng và thao thức của riêng mình, muốn thúc đẩy cuộc sống được tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, trong một thế giới luôn biến chuyển, nhiều khi họ bị lạc đường, lạc mất niềm tin. Đối với những người trẻ là Kitô hữu, khi gặp gỡ Chúa Kitô cách thân tình, họ nhận ra Giáo hội chính là nơi họ nương ẩn. Họ tìm đến Giáo hội như một người mẹ luôn quan tâm, chia sẻ, và hướng dẫn họ chứ không phải để thấy một vị quan tòa chỉ nhìn vào những khiếm khuyết hay yếu đuối của người khác. Họ có quyền đòi hỏi điều đó nơi người mẹ của họ - là Giáo hội, về những đáp ứng tốt hơn, hiệu quả hơn trong đời sống đức tin.
Thêm nữa, người trẻ ước muốn có một Giáo hội gần gũi hơn. Chính vì nhận thức được ước muốn này nơi người trẻ, Giáo hội đừng đặt ra quá nhiều rào cản, cấm đoán để khiến họ cảm thấy xa lánh hoặc xa lạ với người mẹ thân yêu của họ. Giáo hội mà những người trẻ ước mơ và mong muốn, khởi nguồn và gắn kết với chân lý đến từ Lời Chúa và trong tình yêu nơi Chúa Kitô. Đó là một Giáo hội không nói lời yêu thương trên môi miệng, nhưng là bằng những hành động cụ thể, bằng “sự đụng chạm” với niềm cảm thông. Thêm nữa, Giáo hội mà những người trẻ ước mong phải là nơi quy tụ mọi tâm hồn, mọi con tim và trong sự hợp nhất, nơi con người tôn trọng phẩm giá của nhau, nơi của niềm hoan hỷ và hy vọng, nơi không có tranh giành, phân biệt, nơi của tình huynh đệ, nơi người sa ngã yếu đuối được nâng đỡ và trợ lực, nơi không có sự ngờ vực nhưng là tin tưởng và chân thành, và là nơi mỗi người trẻ cảm nhận được sự bổ trợ của tình yêu Thiên Chúa.
Cuối cùng, Giáo hội phải là nơi mà mọi người được hiệp nhất trong lời cầu nguyện, bởi sự gắn kết trong bình an và tình yêu của Thiên Chúa. Chính khi được sống trong một Giáo hội như thế, người trẻ sẽ thêm vững tin hơn để thi hành sứ mạng mà mỗi người đã đón nhận trong ơn gọi của mình để phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội.


[1] Bài viết có trích từ nguồn: http://www.totus2us.com/vocation/jpii-catechesis-on-the-church/young-peoples-involvement-in-the-lay-postolate


Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn