Tâm linh & sự phát triển tích cực của người trẻ dưới góc nhìn tâm lý – xã hội hiện đại


Tâm linh chi phối các mối bận tâm lớn nhất của cá nhân và cộng đồng, những động lực chính yếu, mục tiêu phát triển, chuẩn mực luân lý, các ý tưởng về hạnh phúc và công lý,
những cách thức để nối kết với bản thân, với người khác,
với thế giới rộng lớn hơn và với cả vụ trụ.
Ts. Gioan Long Quân, OP.

MỞ ĐẦU
Số báo này được dành để suy tư về vấn đề đồng hành tâm linh và phân định ơn gọi cho người trẻ. Trong địa hạt Kitô giáo, tâm linh và tôn giáo đi liền với nhau. Chúng ta biết rằng, chữ “spiritualité” trong tiếng Pháp là một danh từ trừu tượng và có liên hệ tới “spirituel”.
1/ Spirituel có nghĩa là “thiêng liêng, linh thiêng”, đối lại với matériel (vật chất). Theo nghĩa này, vie spirituelle là cuộc sống của những hữu thể tâm linh và cũng là đối tượng nghiên cứu của khoa tâm lý học (psychology).
2/ Spirituel cũng có thể áp dụng một cách hạn chế hơn để chỉ về “đời sống đạo đức” của một cá nhân. Theo nghĩa này, mục tiêu của các tôn giáo là phát triển chiều kích tâm linh của con người, giúp con người vượt lên trên thế giới vật chất để tìm gặp các thực tại thánh thiêng.
3/ Còn trong Kitô giáo, spirituel (gốc từ tiếng Hy-lạp: pneumatikos) được thánh Phaolô sử dụng để nói về sự hiện diện của Thánh Linh trong đời sống Kitô hữu. Nói cách khác, đời sống tâm linh (vie spirituelle) là sống theo Thánh Linh, và đó chính là bản chất của người Kitô hữu.[1]
Tuy nhiên với các tác giả ngoài Kitô giáo, đặc biệt là dưới góc nhìn của khoa học xã hội hiện đại, spirituality có xu hướng được tách biệt với tôn giáo (religion). Điều này cũng không có gì khó hiểu vì vào thời Trung cổ, tôn giáo (religio: Latin, religion: Anh, Pháp) ám chỉ chính Kitô giáo chứ không phải là Phật giáo, Ấn giáo hay một tôn giáo nào khác. Religio mang hai nghĩa:
1/ nhân đức thờ phượng Thiên Chúa. Thiên Chúa nhìn xuống con người là mặc khải, con người hướng lên Thiên Chúa là religio.
2/ Tổ chức Giáo hội với đạo lý, cơ cấu, lễ nghi. Dĩ nhiên trong lĩnh vực tâm lý-xã hội hiện đại, spirituality còn được hiểu theo rất nhiều nghĩa, tùy vào quan điểm nghiên cứu của mỗi tác giả. Hơn nữa, ngày nay khi một nghiên cứu gắn spirituality với religion thì cần phải xem tác giả muốn nói đến tôn giáo nào.
Như đã nói, vie spirituelle là bản chất của người Kitô hữu. Đồng hành với một người, dù trẻ tuổi hay già cả, về đời sống tâm linh của họ cũng chính là việc giúp họ “phân định ơn gọi”. Nói cách khác, đồng hành tâm linh và phân định ơn gọi dường như chỉ là một, vì đều hướng đến Thánh Linh như là nguyên ủy. Tuy nhiên, dưới góc nhìn hiện đại của lĩnh vực khoa học xã hội (tâm lý học, xã hội học, nhân học, …) yếu tố tâm linh trong đời sống vẫn là một chiều kích tối quan trọng, dù nó có bị tách biệt khỏi tôn giáo hay không. Bài viết này muốn trình bày một cái nhìn tổng quan về yếu tố tâm linh trong đời sống người trẻ dưới góc nhìn của lĩnh vực tâm lý-xã hội hiện đại, qua một số nghiên cứu chuyên ngành. Nội dung gồm có:
1/ Định nghĩa về tâm linh,
2/ Nhu cầu tôn giáo và tâm linh nơi ngươi trẻ,
3/ Vai trò của tâm linh trong sự phát triển và chất lượng cuộc sống của người trẻ,
4/ Thúc đẩy yếu tố tâm linh nơi người trẻ.
Ở phần kết luận, chúng tôi sẽ giới thiệu 12 việc thực hành nhằm giúp người trẻ Kitô giáo xây dựng đời sống tâm linh, theo quan điểm của Giáo sư Arthur David Canales.
1. Định nghĩa về tâm linh (spirituality),
         phân biệt với tôn giáo
Dưới góc nhìn của các nhà tâm lý-xã hội hiện đại, tâm linh và tôn giáo cần được phân biệt với nhau (Faiver et al., 2001; Hill et al., 2000; Koenig, 2007; Lerner et al., 2008; Oser, Scarlett, & Bucher, 2006)[2] để có thể tiện cho việc nghiên cứu và làm việc với người trẻ.
Tâm linh liên quan đến việc con người tìm kiếm một cảm thức về ý nghĩa, mục đích và luân lý trong mối liên hệ với chính mình, người khác, vũ trụ và thực tại tối hậu. Tâm linh có thể được liên kết với thế giới quan dựa vào nền tảng hữu thần, vô thần, đa thần hay các khả thể khác (Canda, 2008; Canda & Furman, 2010; Lerner et al., 2008; Sheridan, 2003).[3]
Tâm linh chi phối các mối bận tâm lớn nhất của cá nhân và cộng đồng, những động lực chính yếu, mục tiêu phát triển, chuẩn mực luân lý, các ý tưởng về hạnh phúc và công lý, những cách thức để nối kết với bản thân, với người khác, với thế giới rộng lớn hơn và với cả vụ trụ.
Tâm linh thường bao gồm các trải nghiệm siêu việt vượt quá những giới hạn của cơ thể và bản ngã cá nhân, thông qua ý thức được mở rộng, sự gần gũi với người khác và với thế giới tự nhiên, mối quan hệ với điều thánh thiêng (Carroll, 1998; Roeser, Isaac, Abo-Zena, Brittian, & Peck, 2008).[4]
Tâm linh mang đến một lực đẩy phát triển hướng đến cảm thức về sự trọn vẹn, sự nguyên vẹn, ý nghĩa, sự nối kết và thái độ quan tâm đến hạnh phúc của người khác.
Thật ra có rất nhiều định nghĩa khác nhau về tâm linh. Ông Markow và Klenke chỉ ra hơn 70 định nghĩa về tâm linh.[5] Ông Scott[6] cho rằng các định nghĩa có thể phân bổ trên chín lĩnh vực khác nhau:
(1) sự kết nối hay mối liên hệ;
(2) quá trình đóng góp vào sự kết nối ở cấp độ cao hơn;
(3) sự phản ứng đối với điều thánh thiêng và thế tục;
(4) niềm tin hoặc tư tưởng;
(5) những cấu trúc mang tính thể chế truyền thống;
(6) tình trạng vui thích, hài lòng;
(7) niềm tin vào một hữu thể thánh thiêng hay cao hơn;
(8) sự siêu việt cá nhân;
(9) các vấn đề và mối quan tâm đến hiện hữu.
Còn tôn giáo thì thường được định nghĩa là một hệ thống chính thức và có tổ chức về các giá trị, niềm tin và hành vi có liên hệ đến tâm linh vốn được tổ chức và chia sẻ trong cộng đồng, được chuyển trao qua thời gian (Canda & Furman, 2010). Tôn giáo bao hàm một phạm vị rộng lớn của những quan điểm về thế giới tâm linh, chẳng hạn: thuyết vật linh và sự hòa hợp với trái đất giữa nhiều dân tộc bản địa, thuyết hữu thần (Dothái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo), thuyết phi nhị nguyên vô thần (Tống Nho, Phật giáo, Ấn giáo-Vêđanta), v.v…
Như vậy, trong sự phân biệt này, mọi người dường như đều có tâm linh (theo nghĩa là mọi người đều mang tính thể lý và tính xã hội), nhưng không phải ai cũng là tín đồ của một tôn giáo hoặc tin vào cõi siêu nhiên. Các cá nhân có thể thể hiện tâm linh của mình trong hoặc ngoài bối cảnh tôn giáo. Hầu hết cá nhân ở các quốc gia có nền tôn giáo phát triển cao như Hoa Kỳ, đời sống tâm linh của họ thường được thể hiện ít là qua một tôn giáo nào đó, hoặc có thể họ cũng không tách biệt giữa tâm linh và tôn giáo. Tuy nhiên ở các quốc gia thế tục hơn, chẳng hạn Anh quốc và Nauy, thì tôn giáo không phải là phương tiện phổ biến để diễn đạt tâm linh (Canda & Furman, 2010; Zahl, Furman, Benson, & Canda, 2007)[7]
Pargament[8] cho rằng tôn giáo là “việc tìm kiếm ý nghĩa quan trọng theo những cách thức liên quan tới sự thánh thiêng”, trong khi tâm linh là “việc tìm kiếm điều thánh thiêng”. Worthington và các cộng sự[9] định nghĩa tôn giáo là “tuân thủ một hệ thống niềm tin và thực hành gắn liền với truyền thống mà ở đó có sự đồng thuận về những gì được tin và được thực hành”, trong khi tâm linh là “một cảm giác mang tính phổ quát hơn về sự gần gũi và liên hệ với điều thánh thiêng.” Như vậy, tôn giáo thì liên quan tới những niềm tin mang tính thể chế và sự thánh thiêng, và một tôn giáo như thế thì không nhất thiết liên quan đến định nghĩa về tâm linh. Theo Worthington, có 4 loại tâm linh:
1) tâm linh tôn giáo (sự gần gũi và kết nối với điều thánh thiêng được xác nhận bởi tôn giáo; chỉ có loại này liên quan đến tôn giáo),
2) tâm linh nhân bản (sự gần gũi và kết nối với nhân loại),
3) tâm linh tự nhiên (sự gần gũi và kết nối với tự nhiên),
4) tâm linh vũ trụ (sự gần gũi và kết nối với toàn thể thụ tạo).[10]
Các học giả còn đưa ra định nghĩa rộng và hẹp về tâm linh. Myers[11] đưa ra định nghĩa rộng về tâm linh như sau: tâm linh là “những niềm tin cá nhân và riêng tư vượt trên các khía cạnh vật chất của đời sống, và mang lại cảm thức sâu sắc về sự toàn vẹn, sự kết nối và sự mở ra với cái vô biên” (tr. 265). Như vậy theo quan điểm này, tâm linh sẽ bao gồm: a) niềm tin vào một quyền năng vượt trên chính mình, b) hành vi liên quan đến cái vô hạn, chẳng hạn: cầu nguyện, c) ý nghĩa và mục đích của cuộc sống, d) hy vọng và lạc quan, e) tình yêu và lòng từ bi, f) các chỉ dẫn về luân lý và đạo đức, g) kinh nghiệm siêu việt.
Với Lewis, tâm linh tựa như một cuộc sống được xác nhận trong mối liên hệ với Thiên Chúa, bản thân, cộng đồng và môi trường dẫn đến sự nuôi dưỡng và tôn vinh cái trọn vẹn.[12] Trong bối cảnh này, nhu cầu tâm linh bao gồm: ý nghĩa, mục đích và niềm hy vọng, những sự kiện siêu việt, tính chính trực và sự xứng đáng, việc tham gia vào tôn giáo, lòng yêu thương và phục vụ người khác, nuôi dưỡng lòng biết ơn, tha thứ và được tha thứ, việc chuẩn bị cho giờ hấp hối và cái chết.
Mặt khác, cũng có những định nghĩa về tâm linh tương đối hẹp hơn, chẳng hạn: việc tập trung vào các vấn đề hiện sinh và siêu việt, chú ý đến các giá trị nền tảng bên dưới mọi khía cạnh của cuộc sống, và hành vi tự phản tỉnh. Ví dụ, học giả Worthington[13] quan niệm tâm linh là “cảm giác chung về sự gần gũi và sự nối kết với điều thánh thiêng” (tr. 205).
Như vậy, trong các định nghĩa về tâm linh trên đây, chúng ta có thể thấy một số điểm chung như: mục đích và ý nghĩa của cuộc sống, ý nghĩa và sự phản ứng đối với những giới hạn của cuộc sống như sự hấp hối và cái chết, việc tìm kiếm điều thánh thiêng hay cái vô hạn (tôn giáo, sự hy vọng và nỗi thất vọng, lòng tha thứ,…).[14] Học giả Lau chỉ ra ba yếu tố chính yếu của tâm linh[15]: thứ nhất là các mối quan hệ hàng ngang cũng như hàng dọc trong sự hiện hữu của con người. Trong khi các mối quan hệ hàng ngang có liên quan tới chính mình, người khác và tự nhiên; thì mối quan hệ hàng dọc bao gồm mối quan hệ siêu việt với một hữu thể cao hơn. Yếu tố thứ hai là những niềm tin và giá trị cần phải có để trả lời cho những câu hỏi về tâm linh, chẳng hạn: sống và chết. Yếu tố thứ ba là ý nghĩa của cuộc sống.
2. Nhu cầu tôn giáo và tâm linh nơi người trẻ
Các nghiên cứu tại Hoa Kỳ gần đây cho thấy tôn giáo và tâm linh là những chiều kích quan trọng trong sự phát triển của người trẻ. Nhà nghiên cứu Gallup và Bezilla báo cáo rằng, có tới 95% người trẻ ở Hoa Kỳ tin vào Thiên Chúa.[16] Căn cứ trên dữ liệu của “The Project Teen Canada”, Bibby nhận thấy khoảng 75% số người được phỏng vấn coi mình là thành viên của một tôn giáo, 60% xem tâm linh là điều quan trọng, 48% cho biết họ có các nhu cầu về tâm linh.[17] Còn trong một nghiên cứu trên mẫu 112,232 sinh viên năm nhất tại 236 trường cao đẳng và đại học tại Hoa Kỳ, ông Astin và các cộng sự cho biết có 77% số sinh viên đồng ý rằng họ là “những hữu thể tâm linh” và khoảng 4/5 trong số này cho biết có quan tâm đến vấn đề tâm linh và tin vào sự linh thánh (sacredness).[18] Điều này cũng phù hợp với quan điểm của ông Benson và Roehlkepartain[19] vốn cho rằng “hầu hết người trẻ coi sự phát triển về tâm linh là một phần quan trọng trong cuộc đời của họ” (tr. 14).
Chúng ta biết rằng, một khi đạt tới sự trưởng thành về mặt nhận thức, người trẻ có xu hướng suy tư qua các thuật ngữ trừu tượng và khám phá những khả năng của mình trong tương lai. Họ thường đặt ra các câu hỏi về cuộc sống, chẳng hạn: Đâu là ý nghĩa cuộc sống? Thế nào là một cuộc sống có ý nghĩa? Tại sao tôi hiện hữu? Tôi nên đạt tới điều gì trong đời sống của tôi? Sau cuộc sống này còn có thực tại nào nữa chăng? v.v… Tầm quan trọng của ý nghĩa cuộc sống nơi hành vi người trẻ đã được phản ánh rõ nét trong lịch sử nhân loại. Ví dụ, vào khoảng những năm 1930, người trẻ đã hết lòng ủng hộ Hitler tại Đức quốc xã vì họ tin rằng việc xây dựng một dân tộc Đức trổi vượt là sứ mạng cuộc đời của họ. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa của Cộng sản Trung Hoa những năm 1960, Hồng vệ binh đã chiến đấu quyết liệt chống lại kẻ thù của những người vô sản vì họ nhận thấy rằng, việc xây dựng một chủ nghĩa cộng sản không tưởng (utopia) là mục tiêu thiêng liêng. Còn trong thế giới đương đại, nhiều người trẻ ở Phi châu đã tham gia vào các hoạt động quân sự để tìm cách thay đổi đất nước của họ.
Đáng tiếc, mặc dù không thể chối cãi tầm quan trọng của tâm linh trong sự phát triển của người trẻ, nhưng thực tế cho thấy rằng không đến 1% các tài liệu về trẻ em và thanh niên có xem xét đến vấn đề tâm linh và tôn giáo.[20] Theo nhận xét của King và Boyatzis[21], “vấn đề tâm linh và tôn giáo của thanh niên đã bị lãng quên trong các ngành khoa học phát triển” (tr. 2). Thêm vào đó, có một khoảng cách lớn trong các nghiên cứu về tâm linh nơi những tài liệu lâm sàng.[22]
Sawatzky và các cộng sự[23] nhận thấy có rất ít nghiên cứu về tâm linh và chất lượng cuộc sống nơi thanh niên, và các cơ chế bên dưới mối liên hệ này thì ít được biết đến. Nhóm nghiên cứu nhận xét như sau: “Có không nhiều nghiên cứu xem xét mối quan hệ giữa tâm linh với chất lượng cuộc sống của thanh niên, mặc dù các tài liệu do quan sát và thực nghiệm cho thấy tôn giáo và tâm linh là điều rất quan trọng đối với thanh niên” (tr. 6).
Đây quả là điều đáng tiếc và thật đáng để suy nghĩ.
3. Vai trò của tâm linh trong sự phát triển và chất lượng cuộc sống của người trẻ
Tâm linh là khía cạnh rất quan trọng đối với sự phát triển tích cực của tuổi trẻ. Tâm linh đóng vai trò trung tâm trong nhận thức và xây dựng ý nghĩa cuộc sống của người trẻ (Garbarino & Bedard, 1996). Yếu tố tâm linh nơi người trẻ được coi là nguồn năng lượng phục vụ cho sự phát triển con người. Nguồn năng lượng này giúp người trẻ xây dựng những sự nối kết, tìm kiếm ý nghĩa và tiếp cận với những gì là quan trọng sống còn đối với cuộc đời của họ; nó mở ra cho người trẻ một cuộc sống trưởng thành về ý nghĩa cá nhân và trách nhiệm xã hội (Lerner et al., 2008).
Trong một nghiên cứu xã hội về mối liên hệ giữa tâm linh và chất lượng cuộc sống, học giả Daniel T. L. Shek cho thấy có bốn khả năng: 1/ tâm linh là nguyên nhân của chất lượng cuộc sống, 2/ tâm linh là một yếu tố đi đôi với chất lượng cuộc sống, 3/ tâm linh là hệ quả của chất lượng cuộc sống, 4/ tâm linh và chất lượng cuộc sống bị giảm nhẹ bởi các yếu tố khác, hoặc là nhân tố trung gian hòa giải của các yếu tố khác. Đã có các nghiên cứu được thực hiện để đo lường hai khả năng đầu tiên, nhưng gần như không có nghiên cứu nào cho hai khả năng sau.[24]
Quả vậy, không thiếu những quan điểm học thuật cho rằng tâm linh là tiền đề của chất lượng cuộc sống (khả năng đầu tiên). Học thuyết về Liệu pháp ý nghĩa (logotherapy) được đề xuất bởi ông Frankl[25] khẳng định rằng, khi có “khoảng trống hiện sinh” (existential vacuum) thì các vấn đề về tâm thần (mental) sẽ xuất hiện để lấp đầy khoảng trống ấy. Quan niệm về bản chất con người của ông Frankl dựa trên tiền đề “will to meaning” (mong muốn tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống). Khi một người không tìm thấy ý nghĩa nơi cuộc sống và không nhận thức được ý nghĩa nơi hiện hữu cá nhân của mình (existential vacuum) thì người ấy phải đối mặt với sự “thất vọng hiện sinh” (existential frustration), biểu hiện rõ rệt là cảm giác chán nản.[26] Mặc dù khoảng trống hiện sinh không nhất thiết sẽ dẫn đến các chứng rối loạn thần kinh[27], nhưng người ta cho rằng khoảng trống hiện sinh là nhân tố căn nguyên của tâm bệnh (psychopathology). Dựa vào lý luận này, có thể đưa ra giả định rằng, mục đích cuộc sống có liên quan nhân quả tới những tác động phát triển của thanh niên. Khi xem xét các mối liên hệ giữa ý nghĩa cuộc sống với sự mãn nguyện, tâm bệnh và tâm linh, người ta thấy rằng những người có trải nghiệm cuộc sống tốt hơn sẽ mãn nguyện nhiều hơn, ít tâm bệnh và có nhiều kinh nghiệm tích cực về tâm linh hơn.[28] Học giả Emmons cũng cho rằng tôn giáo mang đến các mục tiêu, còn hệ thống giá trị đóng góp cho ý nghĩa cuộc sống, chính ý nghĩa này cuối cùng sẽ định hình các chiều kích khác nhau của đời sống cá nhân.[29]
Các nhà nghiên cứu Rew và Wong đã xem xét mối liên hệ giữa tôn giáo/tâm linh với thái độ và hành vi lành mạnh của thanh niên.[30] Khoảng một nửa các nghiên cứu của họ chỉ ra rằng tôn giáo/tâm linh có tác động tích cực đến thái độ và hành vi lành mạnh của thanh niên. Hầu hết những nghiên cứu của Wong và các cộng sự[31] đều chỉ ra mối liên hệ tích cực giữa tôn giáo/tâm linh với sức khỏe tâm thần.
Ngày nay, vai trò của sự hỗ trợ tâm linh với mục đích điều trị hoặc phục hồi và cải thiện chất lượng cuộc sống ngày càng được lưu tâm nhiều hơn. Bệnh nhân mong muốn được hỗ trợ giải quyết các nhu cầu tâm linh từ các chuyên gia[32], và các đơn vị có chuyên môn khác nhau cũng ý lưu tâm hơn đến việc chăm sóc về tâm linh. Ví dụ, “The National Consensus Project for Quality Palliative Care” xem các khía cạnh chăm sóc tâm linh, tôn giáo và hiện sinh là những lĩnh vực của chăm sóc giảm nhẹ (palliative care) trong y khoa. Ngoài ra, ngày 29/01/2001, tổng thống George W. Bush (Hoa Kỳ) thành lập “The White House Office of Faith-Based and Community Initiatives”, viết tắt là OFBCI, nay đổi thành “The White House Office of Faith-Based and Neighborhood Partnerships” với mục đích xây dựng cầu nối giữa chính phủ liên bang với các tổ chức phi lợi nhuận, cả tổ chức thế tục lẫn tổ chức dựa trên đức tin, để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân Hoa Kỳ.
Trong một phân tích tổng hợp trên 51 mẫu từ 46 nghiên cứu xem xét các liệu pháp tâm lý vốn kết hợp các niềm tin tôn giáo hoặc tâm linh (R/S), Worthington và các sộng sự[33] đã rút ra một số kết luận như sau:
1/ So với bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp tâm lý tạm gọi là thế tục, bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp tâm lý R/S có sự cải thiện tốt hơn qua các kết quả về tâm lý và tâm linh. 2/ Trong các trường hợp có những kết quả về tâm linh đáng kể, các liệu pháp tâm lý với R/S thường được chọn lựa để điều trị. 3/ Các nhà chuyên môn có thể xem xét việc cung cấp các liệu pháp tâm lý với R/S cho các bệnh nhân có đời sống tôn giáo và tâm linh cao.
Trong sự đối chiếu đặc biệt với văn hóa Trung Hoa, có những nghiên cứu cho thấy mục đích cuộc sống có liên quan một cách tiêu cực với các triệu chứng về tâm lý, bao gồm các vấn đề tâm lý chung: lo âu, trầm cảm, tuyệt vọng. Hơn nữa, những người có cấp bậc hiện sinh trong xã hội khác nhau cũng biểu thị các cấp độ khác nhau về triệu chứng tâm lý. Nhà nghiên cứu Shek[34] cho biết, điểm số của yếu tố tâm linh trong Thang đo về sự phát triển tích cực của người trẻ Trung Hoa (Chinese Positive Youth Development Scale) có liên quan tới những cấu trúc phát triển tích cực khác nơi người trẻ: sự ràng buộc, khả năng phục hồi, năng lực về xã hội, năng lực về cảm xúc, năng lực về nhận thức, năng lực về hành vi, năng lực về luân lý, sự tự quyết, sự tự tin, niềm tin vào tương lai, căn tính rõ nét và tích cực, sự nhận thức về hành vi tích cực, sự tham gia tích cực vào hoạt động xã hội (prosocial involvement), và các chuẩn mực hành vi xã hội tích cực (prosocial norms). Điều này cũng phù hợp với quan điểm của nhà nghiên cứu Ryff và Singer[35] vốn cho rằng ý nghĩa và cảm thức về sự hiện thực hóa bản thân (self-realization) là hai thành phần chính của sức khỏe tâm thần tích cực, trong đó, ý nghĩa cuộc sống cung cấp các nguồn lực nội tại cần thiết để thúc đẩy sự hoạt động tối ưu.
4. Thúc đẩy yếu tố tâm linh nơi người trẻ
Vì thấy được tầm quan trọng của yếu tố tâm linh nơi đời sống người trẻ, nên các học giả tâm lý-xã hội cũng đưa ra một số chiến lược để thúc đẩy yếu tố này. Trước hết là tìm hiểu các hình thức tôn giáo và tâm linh khác nhau thông qua các phương tiện truyền thông, bao gồm cả truyền thống bằng báo chí và truyền thông nghe nhìn.
Cần nâng cao sự hiểu biết để thấy được sự nối kết giữa niềm tin tôn giáo và niềm tin tâm linh. Tuy nhiên nếu chỉ hiểu biết mà thôi thì chưa đủ. Cần có thêm suy tư phản tỉnh và kinh nghiệm vì đây là các tiến trình quan trọng trong sự phát triển của tâm linh. Tại sao tôi hiện hữu? Tôi đang tiến về đâu? Liệu có cuộc sống nào sau cái chết? Tôi nên làm điều gì khi vẫn còn ý thức? Đó là những câu hỏi quan trọng về tâm linh cần được suy tư một cách có ý thức.
Bên cạnh việc nâng cao kinh nghiệm và suy tư cá nhân, việc tham gia vào các nhóm tôn giáo, các hoạt động tại nhà thờ và các buổi hội họp mang tính tâm linh cũng mang lại nhiều cơ hội tốt để phát triển đời sống tâm linh cá nhân. Bruce và Cockreham đề xuất phương pháp làm việc nhóm để thúc đẩy đời sống tâm linh nơi các bạn trẻ là nữ giới.[36] Bên cạnh đó, những người quan trọng khác xung quanh người trẻ (cha mẹ, thầy cô, bạn bè đồng trang lứa) cũng có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống tâm linh của người trẻ. Làm thế nào để định hình một đời sống tâm linh nơi người trẻ thông qua các mối quan hệ cá nhân này là điều cần được xem xét.
Cũng có thể dùng các chương trình giảng dạy chính khóa để thúc đẩy tâm linh nơi người trẻ. Ví dụ, hai nhà nghiên cứu Hui và Ho[37] đã lượng giá một chương trình đào tạo về lòng vị tha thông qua các phương pháp định tính và định lượng, và nhận thấy những người tham gia có quan niệm tốt hơn về lòng vị tha cũng như có thái độ tốt hơn khi tha thứ cho người khác. Hai vị kết luận rằng, “một chương trình hướng dẫn trong lớp học vẫn có thể thúc đẩy lòng vị tha” (tr. 447).
Kết luận: có nên tách rời tâm linh và tôn giáo?
Đây là câu hỏi không dễ trả lời, vì còn tùy vào quan điểm giáo dục. Tuy nhiên, như đã phân tích trên đây, dù tâm linh có bị tách biệt khỏi tôn giáo thì nội dung của nó cũng không thể nằm ngoài những câu hỏi mang tính siêu việt liên quan đến: ý nghĩa cuộc đời, sự sống và cái chết, hạnh phúc và sự viên mãn, thực tại tối hậu… Những câu hỏi này sẽ được trả lời thế nào nếu bị tách khỏi niềm tin siêu việt? Thiết nghĩ một khi đã tách biệt tâm linh khỏi tôn giáo, dù chúng ta có cố đi tìm lời đáp cho những câu hỏi này thế nào đi nữa thì tất cả cũng đều “hỏng chân” vì thiếu chiều kích siêu việt. Lúc đó, tâm linh có nguy cơ rơi vào con đường của triết học vô thần, sớm muộn cũng đi đến ngõ cụt, vì lý trí không thể nào giúp giải đáp mọi thắc mắc của thực tại. Lý trí có giới hạn của nó, và một khi đứng trước cái siêu việt, lý trí cần phải tìm đến đức tin để được kiện toàn.
Tóm lại, chúng ta biết rằng yếu tố tâm linh nơi người trẻ là điều rất dễ bị dao động và khó nắm bắt. Nó cũng thường bị cuốn vào sự căng thẳng giữa cái thiêng và cái phàm. Câu hỏi làm thế nào để nâng cao đời sống tâm linh nơi người trẻ sẽ thật khó trả lời nếu tâm linh bị tách biệt khỏi tôn giáo.
Để kết thúc bài này, chúng tôi xin giới thiệu 12 việc thực hành nhằm giúp người trẻ Kitô giáo xây dựng đời sống tâm linh. Đây là kinh nghiệm của Giáo sư Arthur David Canales[38] qua 25 năm mục vụ giới trẻ. Theo ông, có thể xem 12 việc thực hành này như 12 nhân đức, đặc tính hay phương pháp rèn luyện có kỷ luật. 12 thực hành này cũng có tác dụng làm phong phú và sinh động đức tin nơi người trẻ trong hành trình tìm kiếm Thiên Chúa Ba Ngôi.[39]
1/ Dành thời gian đọc Kinh thánh
Kinh thánh là cuốn sách quý giá nhất trong Kitô giáo và có tác động tích cực đối với tâm linh. Thánh Phaolô nói: “Tất cả những gì viết trong Sách thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2Tm 3,16-17).
Dành thời gian đọc Kinh thánh một cách có kỷ luật là phương thế tuyệt vời để nâng cao đời sống tâm linh nơi người trẻ. Người trẻ có thể góp nhặt được sự khôn ngoan về tâm linh và những hướng dẫn thực tế từ việc dành thời gian đọc Lời Chúa. Đây còn là cơ hội cầu nguyện và đào sâu giáo lý, cả hai điều này đều cần thiết cho việc nâng cao đời sống tâm linh.
2/ Chiêm niệm
Triết gia Sören Kierkegaard (1813–55) từng nói, “cuộc đời của chúng ta là một cuộc đời được sống khi hướng về phía trước, nhưng được hiểu khi hướng về phía sau”. Nhận định này quả phù hợp với việc chiêm niệm. Đừng quên Thiên Chúa hoạt động trong sự tĩnh lặng của tâm hồn con người. Delio khẳng định: “Chiêm niệm là một cái nhìn thấu suốt, đi thẳng vào con tim của thực tại. Chiêm niệm là nhìn vào chiều sâu của sự vật bằng đôi mắt tâm hồn và nhìn thấy sự vật trong mối quan hệ đúng đắn của chúng với Thiên Chúa”.[40]
3/ Trung thực
Trung thực là một trong những đức tính quan trọng đầu tiên mà con cái học được từ lời dạy của cha mẹ. Trung thực với chính mình và với người khác là một phần của chiều kích siêu hình của tri thức, chiều kính này dẫn đến cái nhìn sâu sắc về bản thân và cộng đồng xã hội. Thực hành đức tính trung thực cũng là một cách thế tuyệt vời để khuyến khích người trẻ tự phản tỉnh. Shelton (1983) nhận định: “Bởi vì trung thực là một khía cạnh quan trọng của nhân loại, cho nên nó cần được khám phá trong nhiều vai trò và nhiều mối quan hệ khác nhau nơi người trẻ.”[41]
4/ Nội quan (tự xem xét nội tâm)
Thánh Phaolô từng nhắc nhở cộng đoàn Êphêsô: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24).
Nội quan có thể là một lối suy tư mới mẻ và linh thiêng đối với người trẻ. Việc thực hành sự nội quan ở dạng đơn giản nhất là đánh giá cuộc sống của mình: cách đứng ngồi, lối suy nghĩ, suy tư về cách thế để thay đổi cuộc sống sao cho được tốt hơn, với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Nội quan là quá trình mà Kitô hữu đi sâu vào nội tâm của mình, và nhận ra imago Dei đã được tạo dựng nơi mình.
Học giả Zagano đề xuất phương pháp “kiểm điểm lương tâm” gồm năm bước để giúp Kitô hữu trẻ tiến gần hơn đến Thiên Chúa: a) hãy nhớ Thiên Chúa luôn hiện diện trong bạn, b) nhìn vào một ngày sống với lòng biết ơn, c) xin Thánh Linh trợ giúp, d) kiểm thảo lại một ngày đã qua, e) hòa giải và giải quyết những vấn đề.[42]
5/ Viết ra điều mình cảm nghĩ
“Cây bút mạnh thế hơn thanh kiếm” là một câu tục ngữ thời trung cổ rất phù hợp với lối thực hành này. Việc viết ra ý nghĩ hay lời cầu nguyện thì rất khác biệt so với chỉ nói lên bằng lời. Viết ra suy nghĩ cá nhân của mình theo kiểu nhật ký là một phương pháp tuyệt vời giúp người trẻ phát triển tâm linh. Điều này giúp người trẻ có dịp để soi chiếu và từ đó khám phá ra các mô hình mà Thiên Chúa hoạt động trong cuộc đời của họ. Tác giả đề nghị hãy viết mọi thứ: suy nghĩ, hành động, sự kiện, biến cố cá nhân, cảm xúc, và cả những điều tiêu cực như: những ức chế, kích thích cũng như hệ quả của các trải nghiệm này.
6/ Nguyện ngắm, suy niệm (meditation)
“Tâm hồn chúng con không ngừng khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa” là một câu nói nổi tiếng đã trở thành ngạn ngữ của thánh Augustinô (354 - 430), và nó tiêu biểu cho việc nguyện ngắm. Thực hành này nhấn mạnh đến việc quay về với tâm hồn và rất quan trọng để đạt được sự tiến bộ về mặt tâm linh.
Các kỹ thuật liên quan đến nguyện ngắm dành cho người trẻ có thể bao gồm sự suy tư về các chủ đề như: “Lạy Thiên Chúa, con ngợi khen Ngài”, “Lạy Chúa, con yêu mến Ngài”, “Thiên Chúa thật vĩ đại”, hoặc suy tư về một đoạn Tân ước nào đấy, hoặc suy niệm đàng thánh giá, hay một bức ảnh về tôn giáo. Kỹ thuật này được gọi là “cầu nguyện trung tâm” bởi vì nó tập trung cầu nguyện trong sự nguyện ngắm. Những thực hành này nên bắt đầu với thời gian ngắn, rồi tăng lên dần. Ví dụ lúc đầu chỉ cần 1 phút, rồi từ từ tăng lên 5 phút, 10 phút mỗi ngày.

7/ Âm nhạc
“Hát là hai lần cầu nguyện”. Đây cũng là câu nói đã trở thành ngạn ngữ của thánh Augustinô. Quả vậy, âm nhạc thật phù hợp để nâng cao đời sống tâm linh, bởi vì đó là một phần của cuộc sống và văn hóa người trẻ. Điều quan trọng là cần tìm hiểu kỹ càng về phong cách âm nhạc, giai điệu, thể loại và ngôn từ phù hợp.
Học giả Strommen và Hardel tin rằng, “âm nhạc là điều quan trọng đối với thế hệ trẻ ngày nay hơn bất kỳ thế hệ nào khác; những bài hát đụng chạm đến người trẻ thường là những bài nói lên thực tại trong đời sống người trẻ: đau khổ, cô đơn, hay những kinh nghiệm”. Âm nhạc có sức mạnh biến đổi và mang người trẻ đến một cấp độ tâm linh sâu sắc hơn.
8/ Cầu nguyện
“Hãy cầu nguyện luôn luôn và bằng mọi cách” là slogan đã thu hút sự chú ý của nhiều Kitô hữu trong mười năm qua, và nó nói lên ý nghĩa của việc cầu nguyện. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta hãy “cầu nguyện không ngừng” (1Tx 5,17) và “theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi” (Ep 6,18). Kiên trì cầu nguyện sẽ giúp người trẻ có thể kết hợp đời sống đức tin và tâm linh với nhau.
9/ Tĩnh tâm
Đây là cách thực hành tâm linh rút khỏi nhịp sống và thói quen hằng ngày để vun bồi đời sống nội tâm. Tĩnh tâm là một phần của truyền thống Kitô giáo và là điều rất quan trọng đối với sự phát triển tâm linh nơi người trẻ. Mục đích của những cuộc tĩnh tâm là thúc đẩy người trẻ tìm gặp Thiên Chúa. Học giả Canales nhận định: “Cuộc tĩnh tâm làm gia tăng yếu tố tâm linh nơi con người, cho phép họ hiểu biết sâu sắc và đúng đắn hơn về Thiên Chúa, và về mối quan hệ cá nhân giữa họ với Thiên Chúa dựa trên những kinh nghiệm mà họ có về Người.”[43] Học giả East thì cho rằng: “Những cuộc tĩnh tâm dành cho người trẻ có khả năng chạm đến tâm hồn của họ. Cuộc tĩnh tâm có sức mạnh làm thay đổi cuộc sống người trẻ, mời gọi họ bước vào tương quan môn đệ một cách sâu sắc hơn.”[44] Hầu như các vị đặc trách giới trẻ Kitô giáo đều nhận ra sức mạnh biến đổi to lớn nơi người trẻ qua các cuộc tĩnh tâm.
10/ Lần hạt Mân côi
Đức Piô X từng nói, trong mọi lời cầu nguyện, chuỗi Mân côi là lời cầu nguyện đẹp nhất và giàu ân sủng nhất. Còn Đức Gioan Phaolô II thì xem chuỗi Mân côi là tâm điểm của lời cầu nguyện quy về Chúa Kitô. Chuỗi Mân côi có toàn bộ chiều sâu của thông điệp Tin mừng và có thể xem là bản tóm tắt Tin mừng. Nơi người trẻ, mục tiêu tối hậu của chuỗi Mân côi là mang người trẻ đến gần hơn với Thiên Chúa thông qua sự nội quan và việc suy tư về cuộc đời Chúa Kitô.
11/ Linh hướng
Sách Huấn ca nói: “Nếu thích nghe, con sẽ học được nhiều, nếu biết lắng tai để ý, con sẽ trở nên khôn.” (Hc 6,33). Linh hướng là một công việc lâu đời diễn ra giữa môn sinh và vị hướng dẫn. Vị hướng dẫn này chắc hẳn là một người đang thực hành nghệ thuật lắng nghe thánh, chứ không phải chỉ lắng nghe bình thường. Linh hướng là một phương pháp mục vụ tuyệt hảo để trợ giúp người trẻ làm phong phú đời sống tâm linh của họ.
Đối với vị linh hướng, những nghiên cứu hiện thời về việc linh hướng cho người trẻ cho thấy có ba thứ tự như sau: 1/ quá trình được Thánh Linh chỉ dẫn để vị linh hướng trở nên chủ động trong việc trao đổi, trò chuyện; 2/ quá trình liên quan đến việc “chạm đến” các đặc điểm về tinh thần có trong tâm trí, trái tim, linh hồn và thể xác của người trẻ muốn tìm đến sự linh hướng; 3/ quá trình cố gắng tạo nên một nét đặc biệt của việc lắng nghe thánh.[45]
12/ Quản lý thời gian
Sử dụng thời gian hiệu quả là một đức tính, nghĩa là người trẻ cũng như người trưởng thành đều cần phải học cách quản lý thời gian, cân bằng thời gian nơi các hoạt động của họ: việc ở trường, các mối quan hệ, các việc bán thời gian và đời sống tâm linh. Việc sử dụng thời gian là một yếu tố phải được quản lý hiệu quả và từ đó sẽ giúp nuôi dưỡng tâm linh nơi các Kitô hữu trẻ tuổi. Trong một nền văn hóa bận rộn ngày này, mục tiêu của việc trợ giúp tâm linh cho người trẻ không chỉ là giúp họ đụng chạm đến Thiên Chúa, mà còn cho phép họ có thời gian để hiệp thông với Người.



[1] X. Phạm Quốc Văn, Thần học Tâm linh, Học viện Đaminh, 2009, tr. 21-23 ; Phan Tấn Thành, Nhập môn Thần học, Học viện Đaminh, 2017, tr. 183-184.
[2] Jeong Woong Cheon & Edward R. Canda, “The Meaning and Engagement of Spirituality for Positive Youth Development in Social Work,” Familes in Society, vol. 91, no. 2, pp. 121–126, 2018.
[3] Ibid..
[4] Ibid..
[5] F. Markow and K. Klenke, “The effects of personal meaning and calling on organizational commitment: an empirical investigation of spiritual leadership,” International Journal of Organizational Analysis, vol. 13, no. 1, pp. 8–27, 2005
[6] P. C. Hill, K. I. Pargamnet, R. W. Hood Jr. et al., “Conceptualizing religion and spirituality: points of commonality, points of departure,” Journal for the Theory of Social Behaviour, vol. 30, no. 1, pp. 51–77, 2000.
[7] Jeong Woong Cheon & Edward R. Canda, ibid.
[8] K. I. Pargament, “The psychology of religion and spirituality? Yes and no,” International Journal for the Psychology of Religion, vol. 9, no. 1, pp. 3–16, 1999.
[9] E. L. Worthington, J. N. Hook, D. E. Davis, and M. A. McDaniel, “Religion and spirituality,” Journal of Clinical Psychology, vol. 67, pp. 204–214, 2011.
[10] Ibid..
[11] J. E. Myers, T. J. Sweeney, and J. M. Witmer, “The wheel of wellness counseling for wellness: a holistic model for treatment planning,” Journal of Counseling and Development, vol. 78, no. 3, pp. 251–265, 2000.
[12] M. M. Lewis, “Spirituality, counseling, and elderly: an introduction to the spiritual life review,” Journal of Adult Development, vol. 8, no. 4, pp. 231–240, 2001.
[13] E. L. Worthington, J. N. Hook, D. E. Davis, and M. A. McDaniel, “Religion and spirituality,” Journal of Clinical Psychology, vol. 67, pp. 204–214, 2011.
[14] D. T. L. Shek, “The spirituality of Chinese people,” in Oxford Handbook of Chinese Psychology, M. H. Bond, Ed., pp. 343–366, Oxford University Press, New York, NY, USA, 2010.
[15] P. S. Y. Lau, “Spirituality as a positive youth development construct: conceptual bases and implications for curriculum development,” International Journal of Adolescent Medicine and Health, vol. 18, no. 3, pp. 363–370, 2006.
[16] G. Gallup and R. Bezilla, The Religious Life of Young Americans: A Compendium of Surveys on the Spiritual Beliefs and Practices of Teenagers and Young Adults, G. H. Gallup International Institute, Princeton, NJ, USA, 1992.
[17] R. W. Bibby, The Boomer Factor: What Canada's Most Famous Generation is Leaving Behind, Bastian Books, Toronto, Canada, 2006.
[18] A. W. Astin, H. S. Astin, J. A. Lindholm, A. Bryant, K. Szelenyi, and S. Calderone, The Spiritual Life of College Students: A National Study of College Students' Search for Meaning and Purpose, Higher Education Research Institute, UCLA, Los Angeles, Calif, USA, 2005.
[19] P. L. Benson and E. C. Roehlkepartain, “Spiritual development: a missing priority in youth development,” New Directions for Youth Development, vol. 2008, no. 118, pp. 13–28, 2008.
[20] P. L. Benson, E. C. Roehlkepartain, and S. P. Rude, “Spiritual development in childhood and adolescence: toward a field of inquiry,” Applied Developmental Science, vol. 7, no. 3, pp. 205–213, 2003.
[21] P. E. King and C. J. Boyatzis, ibid.
[22] P. T. P. Wong and P. S. Fry, Eds., The Human Quest for Meaning: A Handbook of Psychological Research and Clinical Applications, Erlbaum, Mahwah, NJ, USA, 1998.
[23] R. Sawatzky, A. Gadermann, and B. Pesut, “An investigation of the relationships between spirituality, health status and quality of life in adolescents,” Applied Research in Quality of Life, vol. 4, no. 1, pp. 5–22, 2009.
[24] D. T. L. Shek, “The spirituality of Chinese people,” in Oxford Handbook of Chinese Psychology, M. H. Bond, Ed., pp. 343–366, Oxford University Press, New York, NY, USA, 2010 ; D. T. L. Shek, “Life meaning and purpose in life among Chinese adolescents: what can we learn from Chinese studies in Hong Kong?” in The Human Quest for Meaning: Theories, Research, and Applications, P. T. P. Wong, Ed., Routledge, London, UK, 2012.
[25] V. E. Frankl, Psychotherapy and Existentialism: Selected Papers on Logotherapy, Simons and Schuster, New York, NY, USA, 1967.
[26] J. C. Crumbaugh, “Cross-validation of purpose-in-life test based on Frankl's concepts,” Journal of Individual Psychology, vol. 24, no. 1, pp. 74–81, 1968.
[27] Ông Frankl dùng thuật ngữ “Noögenic neuroses” để nói về các chứng bệnh rối loạn thần kinh xảy ra do sự thất vọng hiện sinh (existential frustration). Thuật ngữ Noögenic liên quan đến chiều kính tâm linh hay hoạt động tinh thần trong con người.
[28] P. T. P. Wong, Ed., The Human Quest for Meaning: Theories, Research, and Applications, Routledge, London, UK, 2012.
[29] R. A. Emmons, “Striving for the sacred: personal goals, life meaning, and religion,” Journal of Social Issues, vol. 61, no. 4, pp. 731–745, 2005.
[30] L. Rew and Y. J. Wong, “A systematic review of associations among religiosity/spirituality and adolescent health attitudes and behaviors,” Journal of Adolescent Health, vol. 38, no. 4, pp. 433–442, 2006.
[31] Y. J. Wong, L. Rew, and K. D. Slaikeu, “A systematic review of recent research on adolescent religiosity/spirituality and mental health,” Issues in Mental Health Nursing, vol. 27, no. 2, pp. 161–183, 2006.
[32] S. Sinclair, J. Pereira, and S. Raffin, “A thematic review of the spirituality literature within palliative care,” Journal of Palliative Medicine, vol. 9, no. 2, pp. 464–479, 2006.
[33] E. L. Worthington, J. N. Hook, D. E. Davis, and M. A. McDaniel, “Religion and spirituality,” Journal of Clinical Psychology, vol. 67, pp. 204–214, 2011.
[34] D. T. L. Shek, A. M. H. Siu, and T. Y. Lee, “The Chinese positive youth development scale: a validation study,” Research on Social Work Practice, vol. 17, no. 3, pp. 380–391, 2007.
[35] C. D. Ryff and B. Singer, “The contours of positive human health,” Psychological Inquiry, vol. 9, no. 1, pp. 1–28, 1998.
[36] M. A. Bruce and D. Cockreham, “Enhancing the spiritual development of adolescent girls,” Professional School Counseling, vol. 7, no. 5, pp. 334–342, 2004.
[37] E. K. P. Hui and D. K. Y. Ho, “Forgiveness in the context of developmental guidance: implementation and evaluation,” British Journal of Guidance and Counselling, vol. 32, no. 4, pp. 477–492, 2004.
[38] Arthur David Canales là Giáo sư dự bị về Thần học Mục vụ và Thừa tác vụ tại Đai học Marian, Indianapolis, Indiana. Ông được coi là một trong những học giả và nhà giáo dục thanh niên hàng đầu tại Hoa Kỳ.
[39] Arthur David Canales, “A noble quest: cultivating Christian spirituality in Catholic adolescents and the usefulness of 12 pastoral practices,” International Journal of Children’s Spirituality, vol. 14, no. 1, pp. 63–77, 2009.
[40] Delio, The humility of God: A Franciscan perspective (Cincinnati, OH: Saint Anthony Messenger Press, 2005), p. 132.
[41] Shelton, C. 1983, Adolescent spirituality: Pastoral ministry for high school and college youth, Chicago, IL: Loyola University Press, p. 61.
[42] Zagano, P. 2003, Examen of consciousness: Finding God in all things, Catholic Update (March): p. 2–4.
[43] Canales, A. 2002, “The spiritual significance of the Nicodemus narrative to youth ministry,” The Living Light 38, no. 3: p. 21.
[44] East, T. 2004, Effective practices for dynamic youth ministry, Winona, MN: Saint Mary’s Press, p. 49.
[45] Gratton, C. 1993. Spiritual direction, In The new dictionary of Catholic spirituality, ed. Michael Downey, p. 915. Collegeville, MN: The Liturgical Press ; Baker, D. 2005, “Evoking testimony through holy listening: The art of interview as a practice in youth ministry,” Journal of Youth and Theology 4, no. 2: p. 54.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn