Đáp lời mời gọi
chính là đi vào tương quan mật thiết
cá nhân và tình yêu với Thiên Chúa.
Trong tương quan đó,
người ta sẽ phải vất vả “đối thoại”, “đối mặt”
và chịu rất nhiều “phiền phức” với Thiên Chúa để có thể
“đồng lao cộng khổ” với Người,
tham dự vào hoạt động “sáng tạo” thế giới ,
và duy trì “trật tự” của dân Chúa.
chính là đi vào tương quan mật thiết
cá nhân và tình yêu với Thiên Chúa.
Trong tương quan đó,
người ta sẽ phải vất vả “đối thoại”, “đối mặt”
và chịu rất nhiều “phiền phức” với Thiên Chúa để có thể
“đồng lao cộng khổ” với Người,
tham dự vào hoạt động “sáng tạo” thế giới ,
và duy trì “trật tự” của dân Chúa.
Thành Duy, OP
Trong tiếng Dothái cổ, từ עָנָה (anâ) – được sử dụng để diễn tả việc đáp lời giữa Thiên Chúa với con
người, giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Tuy nhiên từ
“anâ” này diễn tả nhiều chiều kích và tầng ý nghĩa[1]
liên quan, chúng tôi xin trình bày một số ý nghĩa chính khai mở lời đáp trả
trước lời mời gọi (của Thiên Chúa) dựa trên cuộc đời ngôn sứ Giêrêmia.
Từ một lời đáp trả trong thâm sâu
Ngôn sứ Giêrêmia hẳn là một người rất đạo đức và chuyên chăm lắng nghe
tiếng của Thiên Chúa, cũng như thường xuyên “đàm đạo” với Người. Thật vậy, ơn
gọi của ngôn sứ phát xuất từ việc lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa trong thâm
sâu lòng mình rồi có những “mặc cả” với Thiên Chúa “Có lời Đức
Chúa phán với tôi rằng "Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã
biết ngươi […] Ôi! Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không
biết ăn nói!” (Gr 1,1-6). Điều này chứng
tỏ ngôn sứ có đời sống rất mật thiết với Thiên Chúa. Và chính mối tương quan
gắn bó mật thiết này mà Thiên Chúa đã “gây” quá nhiều “phiền hà” cho cuộc đời
ông. Thật vậy chỉ có tương quan vợ chồng, cha con hay mẹ con, hoặc chí ít là
anh em ruột thịt, người ta mới thực sự cậy nhờ hoặc “làm phiền” nhau một cách
“tự tin” và tự nhiên mà thôi.
Thực tế, ai cũng thích sống cuộc đời an nhàn, vui khỏe và hưởng thụ và
nếu được gọi đi làm việc gì đó, người ta vẫn thường chọn những chỗ nào yên
bình, ít biến động. Thế nhưng, Thiên Chúa không gọi người ta, đặc biệt những
người được Người yêu thương, đi làm việc cho Người ở những nơi yên ổn, nhưng là
vào những nơi đầy chông gai khổ ải. Ông Giêrêmia cũng không ngoài trường hợp
đó. Khi được gọi làm ngôn sứ, ông chối lấy chối để “Ôi!
Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!” (Gr 1,6).
Quả thật, lúc này ông còn rất trẻ. Bối cảnh lúc đó vào cuối thế kỷ thứ 7 đầu
thế kỷ thứ 6 (TCN), Đế quốc Babilon thay thế Đế quốc Assyria cai trị miền Cận
Đông. Sự chuyển trao quyền lực này cho phép miền Giuđa có được một quảng thời
gian tự do để sống đời sống tôn giáo dưới thời vua Josiah. Nhưng việc tái hợp
sức mạnh thế giới cùng với sự phản đối chương trình cải cách ở Giuđa sau khi
vua Giosiah băng hà, đã làm cho chương trình chấn hưng quốc gia Israel không
thể thực hiện[2].
Đáp lời Thiên Chúa là trở nên nghèo hèn
Từ anâ – (answer, reply: đáp trả) - cũng đồng thời có nghĩa là to
humiliate, humble[3].
Humiliate gốc từ tiếng Latin: humiliare, humilis nghĩa là (low, lowly) thấp bé,
hèn mọn. Trước hết, ông Giêrêmia thấy mình quá hèn mọn, thấp kém vì ông còn
‘trẻ người non dạ’, khoảng chừng 24 tuổi. Do đó, ông phản ứng ngay “Ôi! Lạy ĐỨC
CHÚA là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!” (Gr 1,6).
Nhưng Đức Chúa phán với ông:
Đừng nói ngươi còn trẻ!
Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ
đi;
Ta truyền cho ngươi nói gì,
ngươi cứ nói (Gr 1,7).
Ơn gọi không đến từ sự chủ động của ông Giêrêmia nhưng như là một sự bất chợt chụp xuống cuộc đời đang yên ổn của ông.
Nhưng đối với Thiên Chúa, nó đã được chuẩn bị từ lâu “Trước khi cho ngươi
thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã
thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1,5). Vậy đâu là
sự tự do đích thực của con người? Phải chăng ông Giêrêmia không có tự do lựa
cho cuộc sống của mình, ông không có tự do để sống theo những gì ông muốn? Chắc
hẳn đây là một điều khó hiểu, thế nhưng tự do là gì nếu không phải là điều mang
đến hạnh phúc và niềm vui đích thực? Tự do thật sự không thể nào đến trong một
lúc hay được nhận biết trong ngày một ngày hai như chính Thiên Chúa phán với
ông Giêrêmia “Ta đang ngắm nhìn lời của ta để thi hành nó” (Gr 1,12). Lời mà sau này Giêrêmia đã
có cảm nghiệm rất riêng với niềm vui sướng:
Gặp được lời Chúa, con đã
nuốt vào,
lời Ngài làm cho con hoan hỷ,
làm vui thoả lòng con, vì con được mang danh Ngài,
lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các đạo binh (Gr 15,16).
lời Ngài làm cho con hoan hỷ,
làm vui thoả lòng con, vì con được mang danh Ngài,
lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các đạo binh (Gr 15,16).
Ông đã “ăn” lời mà Thiên Chúa đã đặt vào miệng ông “Rồi ĐỨC CHÚA giơ tay
chạm vào miệng tôi và phán: “Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi” (Gr 1,9).
Do vậy lời của Thiên Chúa đã được ứng nghiệm khi ông Giêrêmia chấp nhận lời mời
gọi của Người để ra đi thực hiện điều Thiên Chúa muốn. Thiên Chúa “quyến rũ”
ông bằng lời của Người và ông đã “để cho Thiên Chúa quyến rũ”
và rồi không ai có thể chối từ được sức mạnh
của Thiên Chúa “và Ngài đã chiến thắng” (Gr 20,7). Cuộc đời Giêrêmia thay
đổi hoàn toàn khi bị lời Thiên Chúa quyến rũ. Đó là một thảm kịch xảy ra liên
miên trong tâm hồn làm cho ông không thể nào sống yên ổn được.
Ngôn sứ Giêrêmia không phải là người cứng rắn hay mạnh mẽ, nhưng là
người nhút nhát, sống cảm tính, nắng mưa thất thường và có lẽ cũng không có tài
cán gì đặc biệt, thế mà Thiên Chúa lại cất nhắc ông lên đứng đầu muôn dân nước,
muốn ông làm những việc thật mạnh mẽ “Coi, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các
dân các nước, để nhổ, để lật, để huỷ, để phá, để xây, để trồng” (Gr 1,10). Một người nhút nhát
kém tài mà nay Thiên Chúa lại muốn ông “nhổ, lật, hủy, phá, xây, trồng” thì
thật là khủng khiếp và “tai họa” cho người ấy. Thật vậy, nỗi khổ của ông trước
hết chắc hẳn là sự sợ hãi vì thấy mình bất tài, rồi sau đó lại vì sứ mạng quá
lớn “nhổ, lật, hủy, phá, xây, trồng” đó mà khiến cho toàn thể dân chúng
xa lánh, cười chê “Suốt ngày con đã trở nên trò cười cho thiên
hạ, để họ nhạo báng con” (Gr 20, 7).
Ông quả là kẻ nghèo hèn, nghèo vì không có tài cán, thông minh, không
ngoan, không tự tin vào bản thân. Tuy nhiên, một khi đặt niềm tin vào tay Thiên
Chúa thì Người sẽ bệnh vực, làm cho giàu có và luôn nhớ đến cảnh khốn cùng
tuyệt vọng của ông như Người đã làm cho bao kẻ nghèo hèn, khốn khổ khác “người
túng thiếu không mãi bị bỏ quên, kẻ nghèo khổ chẳng tuyệt vọng bao giờ” (Tv 9, 19);
vì đối với những ai trở nên nghèo hèn, kém cỏi trước mặt Thiên Chúa, thì Người
luôn bênh vực để cứu họ “khi Chúa Trời đứng lên xét xử,
cứu mọi kẻ nghèo hèn chốn dương gian” (Tv 76,9); và làm cho họ an lòng vì ước vọng của họ luôn
được Người ưu ái “Ngài nghe thấy ước vọng của kẻ nghèo hèn; Ngài
cho họ an lòng và lắng tai nghe họ” (Tv 10,17); chỉ những người nghèo mới được Thiên Chúa dạy bảo và
chỉ cho con đường của Người “dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công
chính, dạy cho biết đường lối của Người” (Tv 25,9); tất cả để nhắm đến hỗ
trợ người nghèo và làm cho họ rực rỡ vẻ đẹp của Thiên Chúa với ơn cứu độ “ban
cho kẻ nghèo hèn được vẻ vang chiến thắng” (Tv 149,4). Người nghèo cuối
cùng sẽ là người chiến thắng và do đó họ sẽ được sở hữu lời hứa của Thiên Chúa
về một miền đất “Còn kẻ nghèo hèn được đất hứa làm gia nghiệp và vui hưởng
cảnh an lạc chan hoà” (Tv 37,11) và cuộc đời của người nghèo sẽ ngập tràn
niềm vui, hạnh phúc. Ngôn sứ Giêrêmia trở nên nghèo hèn, không thể tự quyết
định đời mình, nhưng là phụ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa.
Đáp lời Thiên Chúa là trở nên người ít giá trị
Đáp lời (anâ) trong tiếng Hipri cũng có nghĩa là trở nên ít giá trị
(devalue), ít quan trọng (less important), hay nói đúng hơn là mất giá trị và
không còn quan trọng. Sống trong bất kỳ một xã hội nào, điều làm cho người ta
tự hào đó là giá trị bản thân. Giá trị bản thân có cao thì người đời mới trọng,
càng ít giá trị, càng làm ra ít của cải vật chất, càng trở nên thấp kém, càng
bị xem thường và trở nên không quan trọng. Có những người bị coi là mất giá trị
đến nỗi họ như kẻ vô hình, vô tiếng và vô hữu. Một khi đáp lời Thiên Chúa (anâ
Yaweh), con người ta cũng phải chấp nhận việc trở nên thấp kém, ít giá trị,
không còn quan trọng.
Thật vậy, muốn trở thành ngôn sứ loan báo lời của Đức Chúa, người ta
buộc phải bỏ cái tôi đi, bỏ cái ý riêng đi mà làm theo ý thánh “Mỗi lần nói năng là con phải la lớn, phải kêu
lên: "Bạo tàn! Phá huỷ!" Vì lời ĐỨC CHÚA mà con đây bị sỉ nhục và chế
giễu suốt ngày” (Gr 20,8). Đây là
điều đau khổ của con người vì nó ngược với tính tự nhiên ham muốn sở hữu, ham
muốn chứng tỏ của họ. Ngôn sứ Giêrêmia đã nhiều lần tuyệt vọng muốn từ bỏ “Có lần con tự nhủ: "Tôi sẽ không nghĩ đến
Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa”. Tuy nhiên, lời Thiên Chúa như mệnh lệnh
tuyệt đối thôi thúc ông “Nhưng
lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu
đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20,9). Để loan báo lời Đức Chúa, ông phải nén chịu mọi khổ
đau dằn vặt trong tâm can. Thực ra những khổ đau đó là sự giằng co, tranh đấu
giữa cái tôi nhỏ bé và cái bao la, giữa cái tôi ích kỷ, cái tôi đáng ghét, đầy
tham sân si và cái tôi quảng đại, giữa những gì xã hội muốn và những gì lời nói
với tôi.
Vậy, trở nên ít giá trị là ít giá trị đối với người đời, đối với não
trạng của thế gian. Ông không được bám vào và chiều theo những gì người đời cho
là giá trị dù bị khinh chê và loại trừ “Con nghe biết bao người vu cáo: “Kìa, lão "Tứ phía
kinh hoàng! hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi! Tất cả những bạn bè thân thích đều
rình xem con vấp ngã. Họ nói: ‘Biết đâu nó chẳng mắc lừa, rồi chúng ta sẽ thắng
và trả thù được nó!’ (Gr 20,10). Thế nhưng “Nhưng ĐỨC CHÚA hằng ở bên con như một trang
chiến sĩ oai hùng” (Gr 20,11) để cứu sống và
giải thoát (x. Gr 15,20). Thiên Chúa cho ngôn sứ Giêrêmia
biết rằng giá trị không nằm ở những lời thiên hạ ban cho hay tôn vinh ông. Gái
trị đích thực không được đánh giá bằng việc làm hài lòng người đời, nhưng là
làm hài lòng Thiên Chúa và có Người ở cùng.
Đáp lời Thiên Chúa là phải chịu nhiều đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần
Nghĩa tiếp theo của từ anâ - đáp lời - là to be misery, to torment,
nghĩa là đau khổ, đau thương, dằn vặt cả thể xác lẫn tinh thần. Thực tế, không
có vị ngôn sứ nào có được cuộc đời êm ái, bình an, nhàn hạ khi mang vác trên
mình sứ vụ loan báo lời Thiên Chúa.
Ngôn sứ Giêrêmia đặc biệt được gọi là người tôi tớ đau khổ, nghĩa là sự
đau khổ, dằn vặt, giày vò lương tâm của ông còn nhiều hơn các vị ngôn sứ khác “Tôi
đã lọt lòng mẹ để làm chi? Phải chăng chỉ để thấy toàn gian khổ, buồn sầu, và
thấy cuộc đời qua đi trong tủi hổ?” (Gr 20,18). Và sự đau khổ này
được ngôn sứ nói đến rất nhiều vì những lời ông nói chẳng ai thèm nghe và ông
cảm thấy Thiên Chúa nhiều lúc cũng gần như bỏ rơi ông, nhưng vì áp lực vâng
phục Thiên Chúa ông phải làm “Con không ngồi chung vui với phường giễu cợt,
tay Ngài đè nặng khiến con phải ngồi riêng một mình. Quả thật, Ngài đã làm cho
con đầy bực tức” (Gr 15, 17). Dù rằng ngôi nhà an cư của ngôn sứ là Logos - lời Thiên Chúa –
vì thật ra chỉ có lời đó mới làm cho ông thỏa mãn “lời Ngài làm cho con hoan
hỷ, làm vui thoả lòng con, vì con được mang danh Ngài” (Gr 15,16), nhưng chính vì lời ấy mà ông phải mang họa vào thân. Chính
lời ấy làm cho người ta hận thù và tìm cách hại ông:
Chúng nói: "Hãy đến đây ta cùng nhau bàn mưu
tính kế hại Giêrêmia. Vì thiếu tư tế, lề luật không chết, thiếu hiền nhân,
không thiếu ý kiến, thiếu ngôn sứ, không thiếu lời dạy bảo” (Gr 18,18).
Người tôi tớ của Thiên Chúa luôn chịu trăm bề thử thách và luôn sống
trong tình trạng bất an “Đến đây, ta hãy dùng lời nó mà hại nó, và phải hết
sức để ý đến mọi lời nó nói”. Như vậy, lời Thiên Chúa là cớ để bọn thù
nghịch vin vào đó mà tố cáo và cướp mạng sống của ông “chúng lại đào hố nhằm
làm con mất mạng” (Gr 18,20). Khi bị dồn vào chân tường, ngôn sứ Giêrêmia cũng sợ hãi và muốn
Thiên Chúa của ông tiêu diệt bọn chúng thay vì tha thứ. Ông kể lể bao lần ông
xin Thiên Chúa bỏ qua lỗi lầm cho dân “con đã từng đứng ra trước nhan Ngài
để nói tốt nói hay cho chúng, để ngăn cơn thịnh nộ của Ngài khỏi giáng lên đầu
chúng”, thế mà họ cứ tìm cách hại ông đẩy ông vào đường cùng khốn quẫn.
Chịu nhiều đau khổ, dằn vặt chắc hẳn là lẽ đương nhiên của người mang
lời Thiên Chúa, vì họ luôn phải thay mặt Thiên Chúa cảnh báo, răn đe, dạy dỗ và
thậm chí nguyền rủa người đương thời về lối sống, tư tưởng và hành vi tôn giáo
ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa. Những lời của ngôn sứ không những làm cho
thiên hạ tức tối, căm thù mà ngay cả những người thân thuộc cũng ghét bỏ ông “ngay
cả anh em ngươi và nhà cha ngươi, chính chúng cũng phản bội ngươi; sau lưng
ngươi, chính chúng nặng lời chỉ trích ngươi” (Gr 12,6).
Quả thật, như sách Châm Ngôn đã dạy bảo “Ai sửa dạy đứa ngoan cố là
chuốc lấy khinh dể vào thân. Ai khiển trách tên gian ác sẽ bị nó chửi rủa”
(Cn 9,7), nhưng ông không thể không vâng lời Thiên Chúa mà không đi công bố ý
định của Người. Tắt một lời, ông buộc phải nói, phải làm điều ông không muốn.
Điều này gây ra sự giằng co, đau khổ, bế tắc tột độ đến nỗi ông cảm thấy quá
bất lực thà đừng sinh ra thì hơn “Con vô phúc quá, mẹ ơi, mẹ sinh con ra làm
gì, để cho người ta chống đối, cho cả nước gây gổ với con?” (Gr 15,10).
Và khi đau khổ đến mức không thể chịu được nữa, ông không những nguyền
rủa cuộc đời và còn nguyền rủa luôn cả sự sống của mình “Tại sao tôi đã
không chết ngay trong lòng mẹ để mẹ tôi nên nấm mồ chôn tôi, và lòng bà cưu
mang tôi mãi mãi?” (Gr 20,17). Ta thấy rằng sự đau
khổ Thiên Chúa dành cho người tôi tớ như là
“món quà” không thể không ban. Có vẻ như có một nghịch lý từ Thiên Chúa rằng
càng yêu thương người tôi trung bao nhiêu, Người
càng ban cho nhiều đau khổ bấy nhiêu. Đau khổ như thể điều tất yếu của người
Cha ban cho người yêu dấu của mình.
Đáp lời Thiên Chúa là hát lên bài ca mới
“Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA, và có ĐỨC CHÚA
làm chỗ nương thân” (Gr 17,7). Thật vậy, từ anâ còn có nghĩa là ca hát. Ca hát vì
chiến thắng vinh quang sau những nỗ lực không biết mỏi mệt của bản thân để vâng
lời Thiên Chúa. Quả thật, Thiên Chúa mà ngôn sứ Giêrêmia loan báo là một Thiên
Chúa của hy vọng, của lời hứa, của sức mạnh, và của một ý chí bất khuất để làm
cho dân Israel thành dân thánh[4].
Lời – logos – của Thiên Chúa là “con đường lai hồi” vừa mang tính chất soi
chiếu cho ngôn sứ Giêrêmia điều ông phải nói, vừa là ánh sáng chỉ đường (qua
ngôn sứ) cho dân Israel điều họ phải thực hiện; đồng thời logos vừa toát lên vẻ
đẹp lung linh vinh quang của Thiên Chúa được thể hiện ra trên cuộc đời ngôn sứ
và trong lịch sử cứu độ dân Israel.
Người rống lên
vang dội
để kết án lãnh địa của Người,
Người cất tiếng reo hò của những người đạp nho để trừng phạt toàn dân cư trên cõi đất (Gr 25,30).
để kết án lãnh địa của Người,
Người cất tiếng reo hò của những người đạp nho để trừng phạt toàn dân cư trên cõi đất (Gr 25,30).
Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ dân Người mãi mãi, nhưng đến thời đến
buổi khi dân đã biết ăn năn hối cải thì Người sẽ chống lại kẻ thù của dân và
cho họ được hoàn toàn chiến thắng. Có Thiên Chúa là có sự sống, có vinh quang
chiến thắng:
Ta sẽ cho một
đoàn người đông như châu chấu,
tràn ngập và chống lại ngươi [Babylon];
chúng cất tiếng hò reo chiến thắng! (Gr 51,14).
tràn ngập và chống lại ngươi [Babylon];
chúng cất tiếng hò reo chiến thắng! (Gr 51,14).
Bước theo Thiên Chúa, nói lời của Người, ngày ngày ngôn sứ dẫn đưa thế giới
về một mối hoàn tất tốt đẹp. Nếu như lúc khởi đầu Thiên Chúa dùng lời của Người
mà tạo tác muôn vật (Xc. St 1,1-31), thì giờ đây Người chia sẻ Lời của mình cho
con người để họ cũng được tham phần vào công trình cứu độ qua việc họ nói Lời Thiên
Chúa. Khởi đầu mọi sự xuất phát từ Thiên Chúa giống như người thợ gieo giống đi
gieo hạt trong vườn, giờ đây Thiên Chúa đi thu gặt gom lại muôn vật về một mối,
nhưng Người không tự mình ra tay mà dùng bàn tay con người dưới sự hướng dẫn
của Lời. Nếu trước đây Lời phát ra bên ngoài để có vạn vật, thì giờ đây Lời
điều khiển tự trong nội tại, trong thâm tâm con người, mà chỉ những ai lắng
nghe Kinh Thánh, hoặc tiếng nói lương của tâm hay nghe ngôn sứ thuyết giảng mới
nhận ra.
Vui mừng hát lên bài ca mới vì Thiên Chúa hứa ban cho một Giao ước mới “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm
khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của
Ta” (Gr 31,33), và quan trọng
hơn nữa dân sẽ được tha hết mọi tội ác, đặc biệt tội phản nghịch và chối bỏ Đức
Chúa của họ “Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của
chúng nữa” (Gr 31,34). Quả như lời Thiên Chúa
đã hứa “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt
mai sau khấp khởi mừng” (Tv 126,5). Như vậy, sự thành toàn cuối cùng trong Thiên Chúa bao giờ
cũng là sự tốt đẹp viên mãn nhất “Thiên
Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1,31) và sự thành toàn đó là một bài ca tuyệt đỉnh của muôn dân nước
và toàn thể vạn vật khắp cùng cõi đất “Họ
ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng
gánh lúa vàng” (Tv 126, 6). Do đó giờ đây, tôi tớ nghèo hèn Giêrêmia có thể cất lên bài
ca tung hô vinh quang Thiên Chúa của ông:
Linh
hồn tôi hãnh diện vì CHÚA
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.
Hãy
cùng tôi ngợi khen ĐỨC CHÚA,
ta đồng thanh tán tụng danh Người.
Tôi đã tìm kiếm CHÚA, và Người đáp lại,
giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.
ta đồng thanh tán tụng danh Người.
Tôi đã tìm kiếm CHÚA, và Người đáp lại,
giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.
Ai
nhìn lên CHÚA sẽ vui tươi hớn hở,
không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi.
Kẻ nghèo này kêu lên và CHÚA đã nhận lời,
cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn (Tv 34, 4-7).
không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi.
Kẻ nghèo này kêu lên và CHÚA đã nhận lời,
cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn (Tv 34, 4-7).
Những tìm hiểu và suy tư hướng ta đến điều gì?
Ngôn sứ chính là “thợ cả” vì được Thiên Chúa ban cho khôn ngoan (x. Cn
8,30) để thực hiện ý định của Người nơi trần thế. Do đó, ngôn sứ nhiều khi một
mình lảo đảo, lang thang, thất thểu bước đi giữa đoàn dân như kẻ xa lạ, không
ai chào đón, chẳng người quan tâm, thậm chí họ còn bị khinh khi, nhưng đó là số
phận tất nhiên của người mang lời - logos - chứ không phải là điều khó hiểu.
Bất cứ khi nào con người sa vào lối sống tôn thờ vật chất và từ bỏ logos, thì
những gì thuộc về Logos đều bị họ báng bỏ, chê cười, và tìm cách tiêu diệt.
Ngôn sứ, hiện thân của Logos - lời, sống gắn kết và mật thiết với lời Chúa,
luôn phải “dàn bày phơi mở” cuộc đời mình trong sự năng động và hoạt động, để
logos trào tràn ra trong lòng thế gian mà ban cho con người sự sống, niềm vui
và hạnh phúc.
Trong thời đại này, con người đang phải đối diện với nhiều vấn nạn như ô
nhiễm môi trường, dịch bệnh, hạn hán. Chắc hẳn người ta sẽ đưa ra nhiều nguyên
nhân, nhưng ta cũng thấy rõ ràng rằng hoàn cảnh ngày nay cũng không khác gì mấy
so với bối cảnh xưa kia vào thời các ngôn sứ.
Miền Giu-đa lâm cảnh sầu
tang,
các thành thị rã rời kiệt quệ,
chúng buồn tủi, mặt cúi gầm xuống đất.
Giêrusalem vẳng tiếng khóc than (Gr 14,2).
các thành thị rã rời kiệt quệ,
chúng buồn tủi, mặt cúi gầm xuống đất.
Giêrusalem vẳng tiếng khóc than (Gr 14,2).
Quả thật, những câu này diễn tả khá đúng với bộ mặt thế giới trong thời
Đại dịch virut Corona: các thành thị rã rời kiệt quệ vì chống dịch, nhiều người
mất mạng sống, nhiều gia đình ly tán, nhiều quốc gia đóng cửa, không tiếp xúc
với thế giới bên ngoài. Con người tự phải “cách ly” và “cô lập” mình với người
khác. Đi đâu họ cũng phải giữ khoảng cách “social distancing”, bịt khẩu trang,
đeo kính che mắt, hạn chế nói năng liên lạc. Ai cũng có thể là “con bệnh” có
nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người khác khi đi ra ngoài. Họ đề phòng nhau “chúng
tủi buồn, mặt cúi gầm xuống đất”. Trong một thế giới vốn dĩ đã đề cao thành
công, thượng tôn tiền tài, sùng bái khoa học, những gì là thấp kém, những ai là
nghèo hèn thường bị khinh chê và quên lãng; thì sự thân mật gần gũi vốn là món
hàng “xa xỉ” nay lại càng “đắt đỏ” hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh dịch bệnh,
ai cũng muốn chạy trốn, thế nhưng chạy trốn đi đâu khi nơi nào cũng tràn lan
virus nguy hại? Thế giới như bị thu hẹp lại, co cụm lại, và trở nên xanh xao
vàng vọt như kẻ bị suy gan, suy thận sắp đến ngày tàn.
Tất cả những điều tồi tệ xảy ra cho con người, dưới cái nhìn của các
ngôn sứ đều là do tội lỗi, tội phản nghịch với Đức Chúa: “Thế mà hôm nay,
lạy Chúa, vì tội lỗi chúng con, chúng con đã thành dân nhỏ nhất, đã nếm mùi ô
nhục trên khắp hoàn cầu” (Dn 3,37). Hơn thế nữa, trong bối cảnh tôn giáo, chúng ta
thấy Giáo hội dường như cũng trở nên bất lực, nhỏ bé và xa lạ hơn rất nhiều.
Đặc biệt, khi các nhà thờ phải đóng cửa, không còn thánh lễ, giáo dân chỉ được
đến nhà thờ viếng Thánh Thể vào những khung giờ nhất định. Không còn được tụ
họp để chia sẻ, không còn thánh lễ, không còn kinh nguyện chung, không còn được
nghe giảng dạy ở các nhà thờ, người giáo dân như đàn chiên không người chăn
dắt; Nhiều gia đình giáo dân, nhiều cộng đoàn tu ở sát ngay bên nhà xứ, dòng
tu, nhưng vẫn không có thánh lễ. Thảm cảnh này làm ta thấy như Thiên Chúa đã bỏ
rơi con người:
Ngày nay chẳng còn vị thủ
lãnh,
chẳng còn bậc ngôn sứ, chẳng còn người chỉ huy.
Lễ toàn thiêu, lễ hy sinh đã hết,
lễ tiến, lễ hương cũng chẳng còn,
chẳng còn nơi dâng của đầu mùa lên Chúa
để chúng con được Chúa xót thương (Dn 3, 38).
chẳng còn bậc ngôn sứ, chẳng còn người chỉ huy.
Lễ toàn thiêu, lễ hy sinh đã hết,
lễ tiến, lễ hương cũng chẳng còn,
chẳng còn nơi dâng của đầu mùa lên Chúa
để chúng con được Chúa xót thương (Dn 3, 38).
Thật là thảm cảnh mà chúng ta hiếm thấy ngay trong thời bình. Càng kinh
khủng hơn nữa, khi chúng ta nghĩ đến cảnh khắp toàn thế giới không còn tiếng
chuông nhà thờ, khi mà tiếng chuông ấy tượng trưng cho tiếng reo mừng phục
sinh. Tiếng reo mừng phục sinh không còn. Thế giới đang đi về đâu? Con người
kiêu hãnh, vì tạo ra bao sự vật tinh vi cũng như nhiều loại vũ khí tối tân,
nhưng lại thất bại trước thứ “không não”, đơn giản nhất, nhỏ bé và tầm thường
nhất. Quả thật, trong bối cảnh này, người ta cũng có cảm tưởng Thiên Chúa thật
xa vời “Phải chăng đối với con, Ngài chỉ là ngọn suối trong ảo mộng, là dòng
nước mơ hồ?” (Dn 15,18). Tuy nhiên, trong thực tế, Thiên Chúa lại trở nên
gần gũi thân mật hơn bao giờ hết mặc dù rằng, đối với con người, sự gần gũi mật
thiết ấy lại là cái gì lẩn trốn lùi xa nhất.
Hơn nữa, cuộc đời ngôn sứ Giêrêmia được xem là hình ảnh của Đức Giêsu.
Tất cả những điều mà ông Giêrêmia cho là “thất bại” khiến ông đau khổ và buồn
sầu, đều đã được lý giải và hóa giải nơi cuộc đời Đức Giêsu. Nhìn vào cuộc đời
của Đức Giêsu, ta thấy rõ ràng tất cả những điều trên (trở nên ít giá trị,
nghèo hèn, đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần, và chiến thắng trong vinh quang)
đều được ứng nghiệm. Trước hết, Đức Giêsu là Ngôi Lời hằng hữu, nhưng đã mặc
lấy thân nô lệ và trở nên giống phàm nhân. Người không những kém giá trị mà còn
hơn thế nữa khi chịu mất địa vị vinh quang vì vâng lời Chúa Cha xuống thế làm
người chuộc tội cho thiên hạ.
Đức Giêsu cũng thừa nhận về nhiều đau khổ Người phải chịu trong công
cuộc thực thi thánh ý Chúa Cha “Người còn nói: "Con Người phải chịu đau
khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày
thứ ba sẽ trỗi dậy" (Lc 9, 22). Do vậy, người môn đệ hay ngôn sứ rao
giảng lời của Đức Chúa cũng được hứa ban cho những điều mà ngôn sứ Giêrêmia và
Đức Giêsu đã hứng chịu. Nhưng những điều họ phải chịu không là tai họa mà là
phúc lộc “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu
khống đủ điều xấu xa” (Mt 5,11). Thật ngược đời, nhưng ngay từ thời các ngôn sứ tất
cả đều phải chịu đựng như thế với niềm tin sắt son vào Thiên Chúa và sự giải
thoát của Người. Điều này được Đức Giêsu nhắc lại và khẳng định “Anh em hãy
vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả
vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như
thế” (Mt 5, 12).
Cuối cùng, suy tư về lời đáp trả cũng là suy tư về ơn gọi. Ơn
gọi được mạc khải nơi Giêrêmia cho thấy nó có nguồn gốc siêu nhiên – từ Thiên
Chúa. Khi người ta “bắt” được tiếng gọi siêu nhiên vô cùng, vô tận, hằng có từ
thuở đời đời ấy, thì kẻ đó không thể nào chối từ được. Lời đáp trả như là một
sự tất yếu trước mãnh lực “quyến rũ” của Lời “lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng
cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm
sao nén được!”. Thật vậy, bất kể người được gọi có nhiều thiếu sót, yếu đuối,
vụng về và thậm chí tội lỗi đến thế nào đi nữa thì vẫn được Thiên Chúa chấp
nhận, gột rửa và giao phó cho những việc lớn lao và quan trọng, vì một khi
trung kiên theo Lời thì sự hoàn tất sẽ được Thiên Chúa thực hiện. Thiên Chúa
cùng con người tạo tác nên lịch sử cứu độ, xây dựng lại bộ mặt thế giới và hoàn
tất những gì còn dở dang. Những người càng được Thiên Chúa tin cẩn, yêu thương
thì càng phải chịu nhiều khổ đau; mà chính lúc người được Thiên Chúa yêu dấu hạ
mình đón nhận chính là khi Thiên Chúa cất lời “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta
hài lòng về Người”(Mt 3,17) và chính lúc ấy người đó thốt lên “Abba, Cha
ơi”. Do đó, tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa định hình tương quan và
thế đứng của người được tuyển chọn và sai đi. Quả thật, người sống thân tình,
sống ân nghĩa với Thiên Chúa là người đầy ân phúc.
Do vậy đáp lời mời gọi chính là đi vào tương quan mật thiết
cá nhân và tình yêu với Thiên Chúa. Trong tương quan đó, người ta sẽ phải vất
vả “đối thoại”, “đối mặt” và chịu rất nhiều “phiền phức” với Thiên Chúa để có
thể “đồng lao cộng khổ” với Người tham dự vào hoạt động “sáng tạo” thế giới và
duy trì “trật tự” (làm cho dân đi đúng con đường Thiên Chúa vạch ra) của dân
Chúa.
[1] X. G.
Johannes Botterwreck, “עָנָה (anâ)”, The Theological
Dictionary of the Old Testament, (Wm. B. Eerdmans Phublishing Co,
2004, Volume XI), 215-230: Từ anâ có nghĩa là
đáp lời và cũng có nghĩa là trở nên mất giá trị (devalue), ít được coi trọng;
trở nên nghèo hèn; đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần.
X. Gregory A.
Lint, M.Div, “anâ”, The Old Testament Hebrew – English Dictionary, (World Library Press INC Springfield,
Missouri), 567-68: Từ anâ còn có nghĩa: amar
(say: nói) và davar (to speak); qara (gọi), testify (kiểm chứng, xác nhận), to
be occupied, to be busy (bận rộn); to be bowed down (cúi mình); theo gốc từ
tiếng Dothái-Aramic: to be humble, to humiliate, to torment (dằn vặt, giày vò,
đau khổ); to sing – nói đến sự chiến thắng.
[2] X. David Noel Freedman, The
Anchor Bible Dictionary, (Doubleday 1992), 685.
[3] Gregory A. Lint, M.Div, “anâ”,
The Old Testament Hebrew – English
Dictionary, World Library Press INC Springfield, Missouri, p 570.
[4] Dianne Bergant, C.S.A, The
Collegeville Bible Commentary, ST Pauls 1989, p 454.
Đăng nhận xét