Trúc Bạch, OP
Trong bài
này, người viết muốn dựa trên nền tảng học thuyết của thánh Tôma Aquinô về đức
can đảm để làm rõ sự cần thiết của đức can đảm với đời ngôn sứ qua 3 khía cạnh:
dám là ngôn sứ, dám làm ngôn sứ, dám trung tín trong ơn gọi ngôn sứ suốt đời.
1. Can đảm để dám là ngôn sứ
a.
Dám lãnh trách nhiệm khó khăn
Theo Thánh
Tôma Aquinô, người can đảm là người dám đương đầu với nghịch cảnh, với mối nguy
gây cho mình sợ hãi, không phải là bởi một tham vọng hay sợ bị cười chê, nhưng
bởi yêu mến điều tốt, nghĩa là vì lòng mến Chúa, mến chân lý, chứ không phải vì
không biết sợ sệt.[1]
Các ngôn sứ
vẫn biết sợ nhưng không để cho sợ hãi thúc đẩy đến việc không dám làm điều tốt
và lý trí đã phân định. Khi được gọi để làm ngôn sứ, nhiều người đã sợ hãi
trước những khó khăn, bách hại nên đã tìm cách thoái thác, chẳng hạn: Môsê đã
viện cớ nói ngọng (x. Xh 4,10-11), Giêrêmia viện lý do còn trẻ chưa biết nói
năng gì (x. Gr 1,6), Giôna thì lẳng lặng chạy trốn, Isaia thấy mình chỉ là một
kẻ ô uế (x. Is 6,5)… Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn kêu gọi. Và nhờ ơn
thánh và lòng mến Chúa thôi thúc, các ngôn sứ đã can đảm lãnh nhận nhiệm vụ khó
khăn. Và từ khi nhận mình là ngôn sứ, nhận lãnh sứ vụ Chúa trao, thì cũng đồng
nghĩa với việc họ chấp nhận những khó khăn và bách hại có thể xẩy đến bất cứ
lúc nào.
Qua việc
tuyên khấn ba lời khuyên Tin mừng, những người trẻ cũng đã thể hiện sự can đảm
để dám “đi ngược dòng đời,” ngược lại với xu hướng của bản tính tự nhiên con
người. Tuy nhiên, đó chỉ là điểm khởi đầu cho hành trình dâng hiến.
b. Dám tự ý thức để sống đúng
với căn tính ngôn sứ
Người ta kể
rằng ngôn sứ Amos là luôn ý thức sự
khác biệt giữa ơn gọi của mình khác với những “ngôn sứ chuyên nghiệp” (x. Am 3,3-8);[2]
ông xác định bản thân thi hành sứ vụ từ sự thôi thúc của chính Chúa trong tâm
hồn, chứ không phải tìm một chỗ an thân, một công việc để kiếm sống như bốn
trăm năm mươi ngôn sứ của thần Ba-an và bốn trăm ngôn sứ của thần A-sê-ra (1 V
18,19). Và nhờ sự xác tín bên
trong, ông không chạy theo số đông để có cuộc sống an nhàn sung sướng, nhưng
dám trở nên cô độc, dám khác người để theo một lý tưởng truyền rao Lời Chúa và
kiên bền trong ơn gọi của mình. Nói cách khác, ông đã luôn can đảm ý thức sống
đúng với căn tính của mình.
Trên bức
tường của một đền thờ ở miền Bắc Hy Lạp có khắc một lời khuyên: “Hãy
nhận biết bản thân mình”. Câu châm ngôn này rất sâu sắc, và đặc biệt có ý
nghĩa với đời ngôn sứ. Có triết gia đã từng nhận định hẳn đây là lời
khuyên răn của các bậc thần thánh. Tự ý thức về
mình cũng là một dạng hành động. Người ta “không biết mình là ai,” không phải
vì bản thân không có khả năng biết mà nhiều khi là vì bản thân không dám đối
diện và muốn biết về chính mình trong thực tại. Chỉ những người với tinh thần
can đảm, “dám thực hiện điều tốt cam go,” và “quyết tâm theo đuổi điều thiện
giữa những khó khắn trong đời”[3]
thì mới dám đối diện với chính mình để điều chỉnh lối sống cho phù hợp với chân
lý và lý tưởng ban đầu.
Trên thực tế xã hội, mấy thập niên gần đây, người ta nhận thấy sự sa sút trong tất cả các loại cơ chế đem lại cho
con người một căn tính: làm một nhạc sĩ, một luật sư, một thầy giáo, một linh
mục,… không phải chỉ là có một việc để làm, nhưng còn phải là một người nào đó,
thuộc về một nhóm với những cơ chế xác định một “tư cách” thích hợp.[4]
Người ta nói nhiều về “khủng hoảng căn tính” của đời thánh hiến, nhiều
Linh mục, tu sĩ đã “không còn biết rõ mình là ai và giá trị mà họ theo đuổi là
gì, nên họ bị những trào lưu xã hội lôi cuốn....”[5]
Quả thế,
ngày nay nếu hỏi là tại sao lại muốn đi
tu, thì đa số sẽ nhận được câu trả lời là để làm gì đó chẳng hạn như phục vụ
người nghèo, người bệnh…. Rồi có nhiều tu sĩ chịu trách nhiệm cổ võ ơn gọi cũng
tìm cách lôi cuốn người trẻ bằng cách giới thiệu những công việc của Dòng. Tuy
thế, lịch sử đã chứng minh những khủng hoảng về căn tính của đời tu thường bắt
nguồn từ sự thiên lệch do việc quá nhấn mạnh đến việc mà tu sĩ “làm” chứ không
phải đến bản tính đích thực mà tu sĩ “phải là.”[6]
Tại sao như thế? Dưới nhãn quan của Tâm lý học, nỗi sợ chính mình cũng là một phần bản năng sống còn của con người. Thật
thế, chỉ vì muốn bảo vệ “cái tôi” bé bỏng và dễ vỡ của mình mà người ta thường
tự vệ bằng nhiều cách thức. Đó đó, đã có không
ít người sống đời tu nhưng đã bị cuốn vào vòng xoay của lối sống thực dụng, để
rồi mắc chứng bệnh “suy nhược thiêng liêng” làm cho lo lắng, quy về chính mình,
bận tâm về sự sống còn của mình hơn về sứ mạng loan báo Tin Mừng; bận tâm về
những chương trình phải duy trì, những công trình xây cất hơn là về tính ngôn
sứ phải có trong mình; quan tâm tới sự an toàn xuất phát từ chỗ bám vào những
cái đã quen từ xưa: “xưa nay vẫn làm thế,” hơn là đi tới những biên cương hiện
sinh của xã hội. Do vậy, khi gặp khó khăn thì dễ bị khủng hoảng, cái mà người
ta vẫn gọi là “khủng hoảng căn tính.”
Cuộc sống là những lựa chọn. Người tu sĩ trước hết phải xác
định và thâm tín về căn tính của mình, xác tín mình được chọn gọi để làm ngôn
sứ: Chúa đã gọi
tôi trước khi tôi sinh ra...” (x. Gr
1, 5) và tôi đã đáp lại rằng: “Lạy
Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe” (1 Sm 3,9).
Một khi đã dám can đảm xác định mình là một “tu
sĩ”, một “ngôn sứ,” thì đó là khởi đầu cho những hành động đúng theo căn tính
ấy, chứ không phải chỉ lo sửa chữa “bề mặt,” hoặc tiếc nuối hoài niệm về lịch
sử oai hùng của quá khứ (mà dường như chẳng bao giờ quay lại), hoặc tự che mắt
hay trốn chạy bằng một “chủ nghĩa hoạt động quay cuồng”… Những hành động đúng
theo căn tính là lựa chọn những giá trị làm sao phải đi theo, phù hợp với bản
chất, mục tiêu của lựa chọn căn bản ban đầu.[7]
Khi không dám xác định và kiên tâm đi theo lựa chọn ấy, người tu sĩ sẽ
lấy những phương tiện làm mục đích, và khó lòng để đưa ra một mục đích chính
xác cụ thể để đạt tới, khó phân biệt đâu là giá trị thực của sự việc và đâu là
phương tiện để đạt được giá trị ấy. Rồi như một cái vòng luẩn quẩn, chính lối
sống như thế đã tạo nên những giá trị ảo làm người ta quên mất giá trị đích
thực về mình và cộng đoàn tu trì của mình, để rồi có cái kết như Hemingway nói:
“Cái bi thảm của con người là không biết đi về đâu.” Đó chính là cái kết của
“khủng hoảng căn tính.”
2. Làm ngôn sứ, nghĩa là làm dám đương
đầu với nghịch cảnh
Theo Thánh Tôma thì dám đương đầu với nghịch cảnh còn khó hơn dám lãnh
trách nhiệm khó khăn, vì “ai đương đầu với mối nguy hiểm hiện tại thì gặp nhiều
khó khăn hơn là khi nó chưa đến.”[8]
Cho nên người ta mới nói: “lửa thử vàng, gian nan thử sức,” nhiều người khi khó
khăn chưa xảy đến, hoặc xảy đến với người khác, thì tự tin lớn tiếng, nhưng khi
khó khăn xảy đến với chính mình thì lại không đủ can đảm để vượt qua mà thối
lui. Hiện trạng ấy xảy ra ở nhiều bạn trẻ khao khát chọn đời sống thánh hiến,
ước mong trở thành người ngôn sứ đích thực của Chúa, nhưng rồi khi đối diện với
những khó khăn mà chọn lựa ấy mang lại, nhiều người đã không đủ can đảm để đối
đầu, nhưng đã bỏ cuộc.
Môsê,
Giêrêmia, Gioan Tẩy Giả và tất cả các ngôn sứ đều phải đương đầu với nhiều
chống đối, đều phải chấp nhận việc bị người ta ghét bỏ, thậm chí là giết
chết. Tại sao? “Sự thật thì mất lòng,” các ngôn sứ là những người ra đi để
công bố Lời Chúa, Lời Sự thật, nên các ngài bị thù ghét và phải chịu nhiều cay
đắng (x. Gr 11,18-12,5; 15,10-21…), từ phía những khủng bố do các vua cũng như
hàng tư tế gây nên, có khi bị cả dân hiểu lầm và lãnh đạm. Tuy thế, các ngôn sứ
vẫn luôn thể hiện một niềm xác tín nơi Thiên Chúa: “lòng con ở bên Ngài” (Gr 12,3); vẫn luôn trung thành với Thiên
Chúa, vì chính Chúa là niềm hy vọng: “Lạy
Đức Chúa, niềm hy vọng của Israel là Ngài” (Gr 17,13).
Một điểm
chung của thời các ngôn sứ và thời nay là con người ngày càng lạc xa đường lối
Thiên Chúa: những giá trị đạo đức truyền thống bị xói mòn và luân lý đang bị
đảo ngược bởi chủ nghĩa thực dụng, duy vật chất, kéo theo là cả một hệ lụy thật
là khủng khiếp.[9]
Số lượng người trẻ tuyên bố rời bỏ Giáo hội Công giáo ở các nước Phương Tây
ngày càng nhiều, báo chí đã đưa ra một dự báo đầy thất vọng: Kitô giáo sẽ biến
mất ở Châu Âu trong 100 năm tới! Không chỉ có giáo dân, ngày nay, ở nhiều nơi,
đời sống thánh hiến cũng gặp sự khủng hoảng, với những biểu hiện: thường xảy ra
việc sáp nhập, liên kết, xóa bỏ các Dòng tu; nhiều khiếu nại lên bộ Tu Sĩ hoặc
Tòa án Tối Cao xin hồi tục, thải hồi, sống ngoại vi; và đặc biệt rõ nét nhất
là: số người sống đời sống thánh hiến ngày càng giảm sút nhanh chóng. Dĩ nhiên,
một số ít sau khi suy nghĩ kỹ thì xác tín rằng mình không có “ơn gọi” thật sự.
Tuy nhiên, phần đa vẫn là khó lòng trung thành với lời khấn hứa, không dám
đương đầu với những đổi thay của xã hội, với những thử thách đầy chông gai cho
người thực thi sứ vụ ngôn sứ. Nhưng đáng lưu ý rằng từ xưa, các ngôn sứ cũng đã
chịu nhiều khó khăn thử thách. Tuy vậy, dù sống cô đơn, bị bách hại, nhưng các
ngôn sứ vẫn luôn tỏ lòng trung thành với ơn gọi, và sự liên đới với dân tộc
mình (x. Gr 14,17-22)[10],
nhờ gắn bó với Lời và tương quan mật thiết với Chúa.
Lòng can
đảm của các ngôn sứ là tấm gương cho những người sống đời thánh hiến hôm nay.
Bởi thế, Đức Giáo hoàng Phanxicô, khi mở ra Năm Đời Sống Thánh Hiến 2015, đã
mời gọi những người tận hiến “đánh thức thế giới” bằng chính đặc tính ngôn sứ,
tức là bằng đời sống chứng tá và lời rao giảng của mình. Đời sống chứng tá
trước hết thể hiện ở lòng can đảm đối đầu với nghịch cảnh để trung thành với
“Giao ước ban đầu,” với sứ vụ truyền rao Lời Chúa.
Cha Timothy Raclife, OP., trong một
bài chia sẻ về ý nghĩa đời sống tu trì hôm nay,[11] đã ví xã hội hiện đại như hình ảnh một “con gấu”- con gấu mạnh mẽ tượng trưng sự đấu tranh sinh tồn,
động lực thúc đẩy lịch sử tiến lên, đó là sự cạnh tranh “mạnh được yếu thua”
trong lĩnh vực chính trị hay nền kinh tế thị trường. Đối lập với con gấu giận
dữ cắn xé các đối thủ của nó là hình ảnh “chị đan sĩ” - tượng trưng cho những
người sống đời thánh hiến. Chị đan sĩ
trẻ, với cây đàn, đã can đảm hát lên một bài ca trong đêm tối dưới chân ngọn
nến. Dù trong đêm tối, dù trong tuyệt vọng, người tu sĩ vẫn có thể gặp gỡ Thiên
Chúa. Chị đan sĩ là một chứng nhân, chị kể câu chuyện về một “Người” đã bị
những kẻ mạnh quật ngã bởi những con gấu to lớn của thành Rôma và Giêrusalem,
nhưng Người đó vẫn luôn sống mãi, trong khi những con gấu kia đã lụi tàn theo
năm tháng… Đời sống thánh hiến ngày nay phải là thế, một đời sống có tính ngôn
sứ, đời sống chứng nhân, dù bóng đêm của chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ, của những
học thuyết sai lạc, của những phong trào bài trừ Giáo hội…, nhưng vẫn can đảm để dám trung thành ca hát Tin Mừng
dưới chân ngọn nến “hy vọng.” Người tu sĩ
phải can đảm để “dám chấp nhận đương đầu với gian nan vì biết đó là một điều
tốt có thể đạt được nhờ hy vọng.”[12]
Bởi vì ngôn sứ là người thấy tương lai xuất hiện ngay trong hiện tại (nhờ tin
vào Lời và đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa), như ngôn sứ Khabacúc đã nói: “Thật thế, cây vả không còn đâm bông nữa, cả
vườn nho không được trái nào. Quả ôliu đợi hoài không thấy, ruộng đồng chẳng
đem lại gì ăn… Nhưng phần tôi, tôi nhảy mừng vì Đức Chúa, hỉ hoan vì Thiên
Chúa, Đấng cứu độ tôi!” (x. Kb 3,17-18).
3. Ngôn sứ là dám trung tín với sứ vụ suốt đời
Theo thánh Tôma, “kháng cự” là hành vi đặc thù của đức can đảm. Kháng cự
còn ngụ ý một “thời gian dài chịu đựng. Và kiên trì trong một thời gian dài thì
khó hơn là hành động chớp nhoáng.”[13]
Sống đời ngôn sứ quả là khó khăn vì những thử thách không chỉ là ngày một ngày
hai, mà dường như suốt cuộc đời - sống đời ngôn sứ là một cuộc chiến đấu liên
lỉ suốt đời.
Có thể ví
đời ngôn sứ như hình ảnh câu chuyện lịch sử hành trình 40 năm trường của dân
Itrael trước khi vào được Đất Hứa, vùng đất chảy ra sữa và mật. Câu chuyện cho
chúng ta thấy con đường qua hoang địa quả là gay go, thử thách. Hành trình ấy
có nhiều nỗi sợ, có khi sợ hãi vì “vùng đất đáng sợ” của hoang địa (x. Đnl 1, 19), nhưng có nỗi sợ
khủng khiếp hơn là: mất phương hướng và không cảm nhận được có Chúa đang đồng
hành. Hoang địa là nơi thử thách, mà cũng là nơi dân Chúa được sinh ra, là nơi
dân Chúa đã có lần bất trung và “lẩm bẩm kêu ca” vì không đủ can đảm
và kiên nhẫn để phó thác vào Chúa (x. Xh 14,11). Để chu toàn sứ vụ, suốt cuộc đời, các ngôn sứ đã luôn
liên lỉ chịu đựng những bách hại, khốn quẫn do người đời gây ra, cũng như chính
những thử thách trong tâm hồn của chính bản thân người ngôn sứ. Có lẽ những
bách hại bên ngoài nhiều khi lại không gây đau khổ cho bằng những dằn vặt bên
trong: “Phần chúng con, đã bỏ mọi sự mà theo Thầy,” chúng con sẽ được gì? (x.
Mc 10,29). Tại sao tôi theo Chúa, làm ngôn sứ của Chúa mà lại chịu khổ thế này?
Thay vì được trọng đãi thì lại bị sỉ nhục, bị gọi là thằng “kinh hoàng tứ
phía”? Chúa toàn năng mà thế à, tại sao người công chính thì khổ trong khi
“Chúa không trả cho lũ kiêu căng xứng việc chúng làm?” Tại sao? Và biết bao câu
hỏi tại sao khác nhiều khi dằn vặt người sống đời ngôn sứ, có khi khiến các
ngài đau khổ đến mức muốn buông xuôi tất cả: “Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày... Tôi đã lọt lòng mẹ để làm chi? Phải chăng
chỉ để thấy toàn gian khổ buồn sầu, và thấy cuộc đời qua đi trong tủi hổ?”
(x. Gr 20,7-18).
Và có thể nói đó cũng chính là một cám dỗ muôn thủa của con người, cám
dỗ muốn hiểu được Chúa, muốn Chúa hành động theo suy nghĩ, theo lôgic của bản
thân mình. Quả thế, trong Kinh Thánh, khi nghe Chúa mặc khải về Bí tích Thánh
Thể, nhiều môn đệ của Người đã nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”
(Ga 6,60). Họ không thể chấp nhận những lời lẽ của Chúa, vốn nghịch với những
suy tư của họ, và Kinh Thánh kể “từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi
theo Người nữa” (x. Ga 6,66)
Cám dỗ “đóng khung” Thiên Chúa theo ý mình, phải theo suy tư của mình là
cơ sở để Fiedrich Nietzsche tuyên bố: “Thiên Chúa đã chết,” và ông
là kẻ “ám sát” Chúa bằng những lý lẽ đanh thép. Theo ông, tôn giáo chỉ là sự
phóng chiếu từ cái tâm của con người. Người ta tin Chúa vì họ cần Chúa, không
đủ can đảm để sống mà không có Chúa, họ cần một hy vọng về điều gì đó, họ cần một
thứ thuốc để dìu dắt qua những đau thương của cuộc đời. Hoặc là người ta tạo ra
Chúa để để biện bạch cho những hành động của mình, chẳng hạn như những hành
động của nhóm Hồi giáo quá khích. Lý lẽ của Nietzsche có đúng chăng? Theo một
khía cạnh nào đó thì ông có lý.[14]
Phải thừa nhận rằng về bản chất
con người, ai cũng luôn cố gắng một cách vô thức để hiểu đường lối của Chúa
theo suy nghĩ của mình, khớp với những nhu cầu riêng của bản thân. Các hiền
nhân ngày xưa cũng đã tìm cách “hòa hợp giữa Thiên Chúa và sự khôn ngoan, niềm
tin và lý trí,” để “giam hãm sự can thiệp của Thiên Chúa trong việc đòi hỏi
tình hợp lý thường tình.”[15] Thông
thường, chẳng ai muốn Chúa dắt đến những nơi mà mình không muốn, cũng như chẳng
ai muốn chịu khổ và cũng không hiểu sao mình lại khổ. Mỗi người đều muốn tôn
giáo nhưng phải theo những điều kiện riêng của mình.
Và rồi đến một lúc nào đó,
người môn đệ Chúa sẽ bị rơi vào một “khoảng không,” cái mà các nhà thần bí gọi
là “đêm tối của tâm hồn.” Đó là khi mà mọi nỗ lực nắm bắt Chúa qua trí tưởng
tượng hay qua cảm xúc đều vô ích, kể cả mất cảm giác về sự hiện hữu của Chúa. Các hiền nhân xưa cũng từng thốt lên: “Quả tôi ngu dốt hơn mọi người… không hiểu
biết chi về Đấng Thánh” (x. Cn 30,2-3). Ông Gióp thì nói: “Con đã nói dù chẳng hiểu biết gì về những
điều kỳ diệu vượt quá sức con....” (x.G 42,3). Trong cuốn “Mother Teresa: Come be my
light,” nhiều người đã sốc khi đọc thấy rằng Mẹ Têrêxa, vốn được xem như
là thánh sống, vẫn nhiều lần cảm thấy khô khan, trống rỗng, và nhiều năm cuối
đời không thể cảm nhận được sự hiện hữu của Chúa.... Trong hoàn cảnh
ngày nay mà người sống đời thánh hiến đang sống, đặc biệt trong các nước Phương
Tây, dường như cũng mang dấu ấn của sự hoang vu, sự khô khan thiêng liêng, sự
im lặng của Thiên Chúa và thật không dễ nhận ra được là Người đang cùng đi với
chúng ta (x. G 23,8-9),
đang hành động ngay trong cơn “khủng hoảng” và những lúc tối tăm.
Và ở cái khoảng không đen tối
ấy, người tu sĩ cần can đảm để kiên tâm “nhẫn nại chịu
đựng những nghịch cảnh mà không quỵ ngã vì buồn phiền.”[16]
Bởi vì chính khi trống rỗng và bất lực về trí tưởng tượng để “trói buộc”
Thiên Chúa, hạt mầm của Đức tin bắt đầu nảy nở và trưởng thành, một sự thanh
luyện sâu xa khỏi những hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa, để đến với Thiên Chúa
của lịch sử, Đấng xem ra Ngài đang ngủ, nhưng vẫn cùng đi với chúng ta trên một
con thuyền đang bị bão tố đẩy xô và dường như muốn vùi lấp (x. Mc 4,35). Khi đó, con người
sẽ nhận “biết thân phận thụ tạo của mình
và đón nhận sự dạy dỗ của Chúa” (x. Kn 15,33), và rồi Thiên Chúa xuất hiện
và tạo khuôn cho con người “giống hình ảnh Người.” Lúc ấy, người tu sĩ can đảm,
sẵn sàng để cho mình được Thiên Chúa làm lại, tái tạo, “như đất sét trong tay
thợ gốm” (x. Gr 18,1-6).
Quả thế, chỉ khi nào con người dám can đảm gạt đi cái tôi tự soi
mình, cũng như những “suy tư quy chụp,” thì khi đó Thiên Chúa sẽ đến gần con
người trong một cách mà chúng ta không thể trải nghiệm được, để chúng ta tôn
thờ Thiên Chúa, chứ không tôn thờ chính mình và dám can đảm bước đi với tinh
thần phó thác. Người ta kể về Mẹ Têrêxa, mặc dù qua những năm trường bị cám
dỗ khô khan, và dường như không cảm nhận được sự hiện hữu của Chúa, Mẹ vẫn can
đảm vượt thắng. Mẹ vẫn trung thành với các việc bổn phận, và dù có bận bịu gì
thì mỗi ngày cũng chầu Thánh Thể một tiếng đồng hồ. Hoặc như thánh Rosa Lima,
chỉ sống vỏn vẹn 31 tuổi đời nhưng đã phải trải qua một tình trạng khô khan
nguội lạnh trong đời sống thiêng liêng kéo dài suốt 15 năm, mặc dù chị rất đạo
đức, siêng năng việc nguyện gẫm kinh hạt. Mặc dù bước đi trong tối tăm mịt mù,
như thể bị Chúa bỏ rơi, nhưng chị vẫn luôn can đảm liên lỷ chống trả, và can
đảm phó thác. Nhờ thế, sau cùng chị đã được ban hào quang sáng chói, và trở
thành thánh bổn mạng của toàn thể nhân dân Nam Mỹ.[17]
KẾT LUẬN
Sợ
hãi và mất phương hướng là điều dễ gặp với người sống đời ngôn sứ. Các Tông đồ
cũng đã từng như thế sau cuộc tử nạn của Đức Kitô (x. Lc 24,11),
nhưng những âu lo của họ đã bị xua tan bởi niềm vui khi gặp gỡ Chúa Phục Sinh
(x. Lc 24, 41). Vậy thì những thử thách liên lỉ của đời thánh hiến,
đời ngôn sứ dễ mang đến khủng hoảng, nhưng cũng nói cho chúng ta cơ may và sự
khởi đầu của một cái gì mới. Điều quan trọng là phải có đủ can đảm để tiếp tục
dấn bước, dù cho gian khó trường kỳ, để rồi luôn phó thác đời mình, để cho bàn
tay yêu thương của Thiên Chúa như người thợ gốm nặn hình, tác tạo.
Vậy phải làm sao để thủ đắc
được đức can đảm? Maya Angelou đã nói rất đúng:
“Con người không phải bẩm sinh đã có lòng can đảm, nhưng ắt có tiềm năng từ khi
cất tiếng chào đời.” Vấn đề là luyện tập thế nào? Chỉ cần gõ lên google là có
biết bao nhiêu thông tin, kỹ năng, kỹ thuật, tất nhiên, xét dưới khía cạnh nhân
bản. Trong cuốn sách: How Emotions Are Made: The Secret Life of the Brain,
xuất bản năm 2017, nhà thần kinh học Lisa Feldman Barrett đã lập luận rằng cảm
xúc được xây dựng bởi bộ não và định hình sự hiểu biết của chúng ta về môi
trường xung quanh. Theo đó, con người không sợ hãi bởi điều đó đáng sợ, nhưng
kinh nghiệm về sự sợ hãi đã khiến ta “tưởng” ta sợ. Trên cơ sở ấy, Koga Fumitake đã
đúc rút ra nhận định rằng con người sợ hãi, thiếu can đảm là do suy nghĩ của
bản thân, do mình tự chọn cho mình điều đó, và chúng ta có thể cải thiện bằng
cách chèo lái suy nghĩ của mình. Điều này mới nghe qua thì thấy có vẻ hợp lý
theo lôgic, nhưng thử hỏi làm sao con người có thể xóa bỏ hết những kinh nghiệm
về những điều gây cho mình sợ hãi? Tự kỷ ám thị chăng? Có lẽ chỉ hiệu quả một
phần nào. Nhiều tác giả khác của những cuốn sách khác về những chủ đề như: “tư
duy tích cực,” “thay đổi thái độ sống,” “vượt lên chính mình…” đều có những
phương pháp để rèn luyện đức can đảm, nhưng tựu trung, có thể nói rằng: sức con
người có hạn, vì mỗi phương pháp đều có vẻ thuyết phục về mặt lý thuyết nhưng
rồi luôn có những mặt hạn chế mà chỉ khi con người áp dụng mới thấy được.
Bởi thế, một khía cạnh luyện
tập đức can đảm mà người Kitô hữu, và cách riêng là những người sống đời thánh
hiến, dấn bước trọn vẹn theo ơn gọi ngôn sứ, không thể bỏ qua là cầu nguyện,
bởi vì trong cuộc chiến đấu thiêng liêng, chúng ta không thể chỉ dựa vào sức
riêng, mà còn phải dựa vào sức mạnh của Chúa. Nhất là người sống đời thánh
hiến, chọn nếp sống theo sát Tin mừng bị thế gian coi như “điên rồ,” lại càng
có nhiêu thách đố và khó khăn gấp bội. Tuy nhiên, nhờ ơn Chúa thì người tu sĩ có
thể có đủ can đảm để lướt thắng sợ hãi, ngõ hầu chu toàn sứ vụ ngôn sứ và có
thể đủ tự tin nói rằng: “Tôi có thể làm được mọi sự nhờ Đấng trợ lực cho tôi”
(Pl 4,13).
[2] X. Nguyễn Trọng Viễn, OP., Sứ
vụ ngôn sứ hôm nay. Truy cập ngày 14/12/2019, http://nguyentrongvien. blogspot.com/2014/06/su-vu-ngon-su-hom-nay.html
[3] X. Fr. Phaolô Cao Chu Vũ, OP.,
Bs. Các Nhân Đức Luân Lý. Giáo trình
Giảng dạy Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, 2018, 197.
[4] X. Fr. Timothy Raclife, O.P., “Ơn
Gọi Tu Trì: Từ Bỏ Những Dấu Chỉ Căn Tính Quen Thuộc”. Truy cập
ngày 25/11/2018, http://daminhvn.net
/tai-lieu-jubile/on-goi-tu-tri-tu-bo-nhung-dau-chi-can-tinh-quen-thuoc-10087.html
[5] X.
Nguyễn Văn Thái, “Mục Vụ Khởi Đi Từ Nhận
Thức Về Mình”. Truy cập ngày 25/111/2018,
http://daichungvienvinhthanh.com/muc-vu-khoi-di-tu-nhan-thuc-ve-minh/
[6] X. Ngô Văn Vững, Đời Thánh Hiến theo Công Đồng Vaticano II, (Hà
Nội: Tôn Giáo, 2008), tr 361.
[7] Tông huấn Vita
Consecrata đã viết về những yêu sách của đặc tính ngôn sứ của đời thánh
hiến: đứng đầu là sự kết hiệp thân tình với Chúa (số 74 ; 84); từ đó nảy sinh
nhu cầu phải củng cố đời sống tâm linh, đặc biệt là khổ chế và cầu nguyện (số
38), và các phương thế tu đức cổ điển : đọc Lời Chúa trong tinh thần cầu nguyện
(lectio divina), lãnh các bí tích đứng đầu là Thánh Thể, cử hành các giờ kinh
phụng vụ, sám hối (số 94-95 ; 103).
[8] X.
Fr. Phaolô Cao Chu Vũ, OP. Sđd, tr 201.
[10] X. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh – tập VII, Rôma, 2007,
tr 30.
[11] X. Timothy
Raclife, OP., Con
Gấu Và Chị Đan Sĩ: Ý Nghĩa Đời Sống Tu Trì Hôm Nay. Truy cập
ngày 30/11/2018,
http://daminhvn.net/tai-lieu-jubile/con-gau-va-chi-dan-si-y-nghia-doi-song-tu-tri-hom-nay-10088.html
[12] Vì Đức can đảm điều khiển nộ
dục theo lý trí. Trong các cảm xúc thuộc nộ dục, có “hy vọng,” và “thất vọng”.
Đối tượng của hy vọng là một điều tốt cam go. X. Fr. Phaolô Cao Chu Vũ, OP.
Sđd, tr 207.
[13] X. Fr. Phaolô Cao Chu Vũ, OP.
Sđd, tr 201.
[14]X. Ronald Rolheiser, Of Nietzsche, Feuerbach, and Dark Nights of the
Soul. Truy cập ngày 1/12/2018, http://www.lifeissues.net/writers/ron/
ron_549.html
[16] Liên
hệ đến khía cạnh “kháng cự”, thánh Tôma kể đức “nhẫn nại” và “kiên trì”. X. S.
Th. II-II, q. 136, a.4, ad.2.
[17] X. Hồng y Nguyễn Văn Thuận, Những người lữ hành trên Đường Hy Vọng,
Tài liệu Thư viện Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, tr 342.
Đăng nhận xét