Tất cả chúng ta đều được
kêu gọi nên thánh
qua việc sống cuộc đời yêu thương và làm chứng
trong mọi việc ta làm, và bất cứ ở đâu
qua việc sống cuộc đời yêu thương và làm chứng
trong mọi việc ta làm, và bất cứ ở đâu
(ĐTC Phanxicô).
Lasan Ngô Văn Vỹ,
O.Cist.
Một số người nghĩ rằng chỉ có những người sống
đời thánh hiến như Đức giáo hoàng, các giám mục, linh mục, tu sĩ mới có ơn gọi
và mới có bổn phận phải nên thánh. Thật ra, dù sống trong ơn gọi thánh hiến hay
ơn gọi hôn nhân gia đình, tất cả chúng ta đều được mời gọi và có bổn phận nên
thánh. Lời mời gọi Kitô hữu nên thánh là lời
mời gọi tha thiết, thường xuyên nhất trong toàn bộ Kinh Thánh, trong giáo huấn
của các Giáo Phụ và trong Huấn Quyền của Giáo hội.
Ngay từ những trang đầu tiên của Kinh Thánh, bằng nhiều
cách thức khác nhau, Thiên Chúa đã kêu gọi Dân Người nên thánh: “Hãy bước đi
trước nhan Ta, và hãy sống hoàn hảo” (St 17,1); “Hãy nên thánh vì Ta là Đấng
thánh” (Lv 11,44; 19,2; 20,26). “Trước khi tạo
nên ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi người chào đời, Ta đã
thánh hiến ngươi” (Gr 1,5).
Bằng lời giảng dạy đầy uy quyền, bằng đời sống thánh
thiện, Đức Giêsu đã thúc giục các môn đệ: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha
anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Lại nữa: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán
tài sản của anh và đem cho người nghèo... Rồi hãy đến theo Tôi” (Mt 19,21).
Thấm nhuần giáo huấn của Thầy Chí Thánh, các thánh Tông
Đồ cũng truyền lại cho các tín
hữu cùng một giáo lý tinh tuyền: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết
ở để nên giống Đấng thánh đã kêu gọi anh em, vì có Kinh Thánh chép: Hãy sống
thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh” (1Pr 1,16)
Vị Tông Đồ Dân Ngoại còn mạnh mẽ diễn giải cho mọi người
biết kế hoạch của Thiên Chúa là: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước khi
tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người ta trở nên tinh tuyền thánh thiện,
nhờ tình thương của Người” (Ep 1,4). Và: “Ý
muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1Tx 4,3).
Tác
giả thư Do Thái cũng nhắn nhủ chúng ta: “Anh em phải cố gắng ăn ở hòa thuận với
mọi người, phải gắng trở nên thánh thiện; vì không có sự thánh thiện thì không
ai sẽ được thấy Thiên Chúa” (Dt 12,14). Nhưng chúng ta sẽ đi trên con đường nào
để đến cùng đích sự thánh thiện?
3. Giáo Phụ
Không chỉ kêu mời nên thánh,
các Giáo Phụ còn vạch ra một lộ trình khả dĩ giúp Kitô hữu đạt được sự thánh
thiện, đó là sống Đức ái. Thánh
Clêmentê viết: “Mọi kẻ Chúa chọn đều hoàn hảo trong đức ái, vì ngoài đức ái
không có gì có thể đẹp lòng Thiên Chúa được” (Thư gửi giáo đoàn Côrintô đ. 49).
Còn thánh Grêgôriô dạy: “Chúa tỏ cho ta con đường hoàn hảo nhất và phúc lộc đem
tới phần rỗi là con đường thực thi bằng đức ái” (Bài giảng về Diệu Ca). Và
thánh Augustinô bàn về sự thánh thiện với những lời như sau: “Khởi đầu đức ái
là khởi đầu công chính, đức ái tiến triển là sự công chính được lớn lên, đức ái
càng cao thì sự công chính càng cao cả, và đức ái trọn hảo thì sự công chính
cũng hoàn hảo” (Bàn về Tự nhiên và Ân sủng 70, 84)[1].
Các Giáo Phụ cũng đồng ý
với thánh Augustinô khi quả quyết rằng: “Trên đường hoàn thiện, đường tiến tới
Thiên Chúa, không tiến tức là lùi, không thể chỉ đứng yên một chỗ”. Thánh Bênađô còn quả quyết mạnh hơn
nữa: “Người ta bắt buộc phải tiến hoặc lùi; muốn dừng lại thì nhất định sa ngã”[2].
Như thế, nên thánh là một ơn gọi quan trọng
nhất, đồng thời cũng là sứ mạng cao cả đối với mọi Kitô hữu. Chính vì thế, Giáo
hội luôn thao thức khích lệ mọi Kitô hữu mình vươn cao và tỏa sáng sự thánh
thiện của con cái Chúa nơi trần gian.
4. Huấn Quyền
Giáo hội xác tín rằng nên thánh là ơn gọi chung và là ơn
gọi cao quý nhất cho tất cả mọi người, dù là Giáo dân, Tu sĩ, Linh mục, Giám mục, hay Giáo hoàng... Công đồng Vatican
II nhiều lần nhắn nhủ Kitô hữu về ơn gọi nên thánh: “Tất cả các Kitô hữu, dù
trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi
cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành”
(LG 11; x. GLCG 825). Công đồng nhắc lại lời
mời gọi nên thánh trong tương quan với đức ái: “Tất cả mọi Kitô hữu, bất cứ
trong bậc sống hay địa vị nào, đều được mời gọi vươn đến đời sống Kitô hữu viên
mãn và đức ái trọn hảo” (LG 40; x. GLCG 826). Cũng trong văn kiện này, một lần nữa Công đồng quả quyết cách mạnh mẽ
rằng: “Tất cả các tín hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và theo đuổi sự trọn lành của bậc sống mình” (LG 42).
Đức Piô XI khi chú giải câu Tin Mừng nói về giới răn quan
trọng nhất (Lc 10,27), ngài nhấn mạnh rằng: “Sự hoàn thiện được hàm chứa trong
điều răn như là mục đích mà chúng ta hết thảy đều phải nhắm tới, mỗi người theo
cảnh sống của mình”[3]. Ngài lên án “Thứ ý kiến
cho rằng sự thánh thiện đích thực như giáo huấn của Giáo hội dạy, vượt quá tầm
mức cố gắng của con người, hoặc ít ra khó đạt được đối với phần đông các tín
hữu, mà chỉ thích hợp cho một số ít người có nghị lực hiếm hoi và tâm hồn vươn
cao cách phi thường. Đó thực là một thiên kiến sai lầm nguy hại”[4].
Ngài tái khẳng định: “Trong bất cứ hoàn cảnh hay bậc sống nào, mọi người đều có
thể và phải bắt chước mẫu gương hoàn hảo về sự thánh thiện mà Chúa đã tỏ ra
trước mắt mọi người là Đức Giêsu Kitô, và với ơn Chúa trợ giúp, họ đạt tới đỉnh
hoàn thiện Kitô giáo, như biết bao vị thánh đã minh chứng bằng gương đời mình”[5].
Đức Piô XII cũng kêu gọi mọi Kitô hữu: “Hết mọi tín hữu
đều phải cố gắng nên hoàn thiện không trừ một ai... Cần thiết phải tiến tới đời
hoàn thiện, nếu không sẽ đánh mất cùng
đích”[6].
Còn Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII lặp lại lời mời
gọi của thánh Phanxicô Salêsiô: “Tất cả chúng
ta đều có thể đạt tới nhân đức và sự thánh thiện Kitô giáo dù ở địa vị hay cảnh
sống nào”[7].
Trong Tông huấn về Gia đình, Đức Thánh Giáo
hoàng Gioan Phaolô II nhắc lại ý hướng của Công đồng Vatican II: “Ơn gọi mọi
người nên thánh cũng được ngỏ với các vợ chồng và cha mẹ Kitô hữu. Đối với họ,
ơn gọi này được nêu bật trong việc cử hành bí tích Hôn phối và được thực hiện
cách cụ thể trong thực tế riêng của cuộc sống hôn nhân và gia đình…” (số 56).
Ngỏ lời với 80.000 bạn trẻ tại sân vận động
Milanô (Italia) ngày 2-6-2012, Đức Bênêđictô XVI nói: “Sự thánh thiện không chỉ được dành riêng
cho một số người, mà đó là con đường bình thường của người Kitô hữu. Mọi người
đều có thể nên thánh, với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, dưới sự hướng
dẫn của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu… Xin Đức Nữ Trinh gìn giữ lời xin vâng tươi
sáng mà chúng con đã thưa với Chúa Giêsu, Con của Người, cũng là Bạn tín trung
của đời sống chúng ta”[8].
Ngày 19-03-2018, Đức
Phanxicô đã công bố Tông huấn Gaudete et Exsultate (Vui Mừng Hoan Hỷ) nhằm
“Tái đề nghị lời mời gọi nên thánh thiện một cách thực tế cho thời đại chúng
ta, với mọi rủi ro, thách thức và cơ hội. Vì Chúa đã chọn mỗi chúng ta “để nên
thánh và vô tỳ tích trước nhan Ngài trong tình yêu” (Ep 1,4)” (số 2).
Như vậy, nên thánh là bổn phận quan trọng cấp bách đối với
mọi Kitô hữu chúng ta trong thời đại hôm nay: “Nên thánh là thành công lớn
nhất của một đời người”[9],
dù đang sống trong ơn gọi thánh hiến hay ơn gọi hôn nhân
gia đình. Khi lãnh Bí tích Rửa tội chúng ta được làm con Thiên Chúa chí thánh,
được gia nhập đoàn “Dân Thánh” nên có sứ mạng quang tỏa sự thánh thiện đó qua
cách sống thường ngày. Nên thánh không đòi chúng ta phải trở nên khác thường
hay lập dị, như thánh
Anphongsô đã viết: “Mọi
Kitô hữu đều có thể nên thánh theo cương vị của mình: tu sĩ như là tu sĩ, giáo
dân như là giáo dân, linh mục như là linh mục, người lập gia đình như là người
có gia đình, thương gia như là thương gia, binh sĩ như là binh sĩ, và cứ như thế
đối với mọi giai tầng xã hội khác”.
Công đồng Vatican II nhắn nhủ: “Tất
cả mọi người trong Giáo hội - hoặc thuộc hàng Giáo phẩm, hoặc được hàng Giáo phẩm
dìu dắt - đều được kêu gọi nên thánh” (LG 39).
Đức Phanxicô chỉ cho chúng ta một linh đạo thực hành để đạt
sự thánh thiện:
Tất cả chúng ta đều được kêu gọi nên thánh qua việc
sống cuộc đời yêu thương và làm chứng trong mọi việc ta làm, và bất cứ ở đâu. Bạn
được gọi vào đời sống thánh hiến ư? Hãy thánh bằng cách sống cam kết của mình với
niềm hân hoan. Bạn là người lập gia đình ư? Hãy thánh bằng cách yêu thương và
chăm sóc cho vợ cho chồng, như Đức Kitô đã yêu thương và chăm sóc Hội thánh. Bạn
đang phải làm việc để mưu sinh ư? Hãy thánh bằng cách lao động với sự chính trực
và khả năng để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ, ông bà ư? Hãy thánh bằng
cách kiên trì dạy dỗ con cháu để chúng biết đi theo Đức Kitô. Bạn là người có
quyền ư? Hãy thánh bằng cách làm việc cho công ích và từ bỏ các lợi lộc bản
thân[10].
Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn
Văn Thuận cũng cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu: “Muốn nên thánh, con hãy
làm những việc thường, có khi xem ra vô ý nghĩa nhất. Nhưng con đặt vào đó tất
cả niềm mến yêu của con”[11].
Dù ở trong cảnh tù đày nhưng ngài không buông xuôi thất vọng, trái lại chọn “sống
giây phút hiện tại, lấp đầy nó với tình yêu”. Ngài quyết định: “Tôi sẽ tận dụng
mọi cơ hội có được mỗi ngày; tôi sẽ chu toàn các việc thường ngày của tôi một
cách phi thường”[12].
Thơ - Lasan Ngô
Văn Vỹ, O.Cist.
Chiều tím màu loang lổ
Cây Thánh
Giá dương cao
Từng hơi
thở thì thào
Khát!
Khát! Khát! Ta khát…!
Bọt biển thấm giấm chua
Này, ngậm
cho đỡ khát
Nào hết
khát được chăng?
Khát!
Khát! Khát! Ta khát…!
Khát trái tim trắc ẩn
Khát chia
sẻ nồng nàn
Khát hiến
trao tình Trời
Khát tình
con thơ dại
Khát nên
một trong nhau
Ta khát
hoài khát mãi
Khát
chiên lạc về đàn
Khát tâm
hồn mê muội
Khát ai
mang gánh nặng
Khát tặng
trao Nguồn Sống
Con ơi!
mau về, múc ơn cứu độ thỏa thuê!
Đăng nhận xét