Lược Sử Hội Thừa Sai Việt Nam

 Lm. Giuse Alberto Nguyễn Mai Thành

1.      Chuyện ngày trước

Ngày 24-11-1960: qua sắc chỉ Venerabilium Nostroum, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã thiết lập hàng Giáo phẩm Công giáo, đánh dấu sự trưởng thành của Hội Thánh tại Việt Nam.

- Năm 1964, Hội đồng Giám mục Việt Nam chính thức được thành lập. Các giám mục Việt Nam bàn thảo và nhận thấy việc thành lập một hội truyền giáo là nhu cầu cấp bách, cần tiến hành.

- Tháng 11-1970, lần đầu tiên 180 giám mục tại châu Á, trong đó có Đức tổng giám mục Philiphê Nguyễn Kim Điền, đã quy tụ tại Manila, Philippines, để hội họp và chào đón Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Cuộc họp này đã khởi đầu cho việc hình thành tổ chức “Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu” (FABC).

- Sự kiện trên đã tác động mạnh đến dự định thành lập Hội TSVN mà các giám mục Việt Nam đã ấp ủ. Thế nên, trong phiên họp thường niên của HĐGMVN tại Trung tâm Công giáo Sài Gòn, từ ngày 06 đến 10 tháng 01 năm 1971, HĐGMVN đã đồng ý xin Toà Thánh để thiết lập một HỘI TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM chuyên lo truyền bá Phúc Âm cho đồng bào quốc nội và các nước Đông Dương.

- Hội Truyền Giáo này được thành lập với 3 lý do:

   + Để tỏ lòng tri ân Thiên Chúa vì đã ban đức tin cho dân tộc Việt Nam,

   + Để tăng cường đời sống đức tin của chính Giáo hội ở Việt Nam,

+ Để tích cực tham  sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội hoàn cầu cho đồng bào quốc nội và các dân tộc lân bang.

- Đức Tổng Giám Mục Tgp. Huế PHILIPHÊ NGUYỄN KIM ĐIỀN được HĐGMVN ủy thác cho việc thành lập Hội và làm giám mục Đặc trách tiên khởi.

- Ngày 19-3-1971,  ĐGH Phaolo VI ký thư chuẩn thuận việc thiết lập HỘI THỪA SAI VIỆT NAM, trao nhiệm vụ truyền giáo cho Hội không chỉ ở Đông Dương mà cho cả lục địa Châu Á.

- Ngày 25-7-1972, Hội thành lập Trụ sở tại Lái Thiêu. Cơ sở này vốn là Trung tâm bác ái do cha Giacôbê Huỳnh Văn Của, Tổng Đại diện giáo phận Phú Cường, xây dựng năm 1968. Nay qua sự đồng ý của đức cha giáo phận Giuse Phạm Văn Thiên,  hiến tặng cho Hội làm nơi quy tụ và huấn luyện.

- Ngày 23-8-1972 , Hội Ðồng Giám mục phê chuẩn Quy Chế của Hội Thừa Sai Việt Nam. Linh đạo của Hội là “Ad Gentes”: được sai và ra đi đến với lương dân.

- HTSVN một cách nào đó, tiêu biểu tính chất truyền giáo của toàn thể Hội Thánh, nên thành viên của Hội có đầy đủ đại diện các thành phần Dân Chúa: giáo sĩ, tu sĩ nam nữ, giáo dân (độc thân hoặc có gia đình).

- Thành viên của Hội gồm 2 thành phần: chính thức và cộng tác.

Ø  Thành viên chính thức là những người do Hội tuyển chọn, đào tạo, có lời cam kết trung thành với ơn gọi thừa sai.

Ø  Thành viên cộng tác là những linh mục, tu sĩ thuộc giáo phận hoặc dòng tu được Bề trên sai đến cộng tác theo sự hướng dẫn và sai đi của Hội.

-   Năm 1973: Hội thành lập 4 cộng đoàn: Cđ. Cây Sung Q.7 (nay là giáo xứ Bình Minh, Q.8), cđ. Tân Quy Đông (nay là giáo xứ An Phú, Q.7), cđ. Cộng Hòa, cđ. Bình Hưng Hòa (nay là giáo xứ Gò Mây, Bình Tân)

-   Ngoài ra, Hội còn sai các gia đình (gồm cha mẹ - con cái) đến khu vực Bà Hom, khu vực Vĩnh Lộc – Bình Chánh và khu vực Lái Thiêu để truyền giáo như men trong bột.

-   Đức Tổng Philiphe Nguyễn Kim Điền cũng thiết lập cộng đoàn Nữ Tá Thừa Sai tại khu vực cầu Bình Lợi, vừa lao động vừa truyền giáo.

-   Năm 1974, anh em được sai đi thực tập truyền giáo vùng Năm Căn – Cà Mau.

-   Tòa Thánh thật sự quan tâm đến Hội Thừa Sai Việt Nam mới thành lập còn non trẻ, nên ngày 10-6-1974,  Đức Hồng y Agnelo Rossi, Tổng Trưởng Bộ Truyền Bá Phúc Âm, đã đích thân đến thăm từng cộng đoàn thừa sai để quan sát, khích lệ và biểu tỏ sự hài lòng của Tòa Thánh đối với Hội.

-   Ngày 7-8-1974, Hội thành lập Đại Chủng viện Thừa sai nhằm đào tạo những nhà thừa sai chuyên biệt, phục vụ cho công tác truyền giáo. Đại Chủng viện Thừa sai được đặt tại xã Bình Hưng Hòa, tỉnh Gia Định (nay là quận Bình Tân).

-   Lửa truyền giáo bùng lên từ các cộng đoàn thừa sai qua việc thăm viếng, dạy học, cùng “đồng lao cộng khổ” với bà con trong vùng. Số thành viên gia nhập lúc này có tới 74 người (6 linh mục, 3 gia đình thừa sai, 3 nữ tu và 62 nam tu).

-   Biến cố 4/1975 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Hội: cơ sở bị lấy, nhân sự thì tản mác.

-   Năm 1978, vì việc đi lại bị ngăn trở, Đức tổng Philipphê Nguyễn Kim Điền xin trao Hội TSVN cho Đức tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tgm. Sài Gòn. Nhưng do nhiều việc, Đức tổng Phaolô giao cho các cha thừa sai tự quản.

-   Các anh em thừa sai phần lớn lui về gia đình sinh sống; phần còn lại thì quy tụ thành cộng đoàn nhỏ hoặc sống trong cơ sở các giáo xứ để lao động và duy trì ơn gọi.

-   Tại Trung tâm Công Giáo, ngày 19-3-1992, được Đức tổng Phaolo Nguyễn Văn Bình ủy quyền, Đức cha Tổng Thư ký Emmanuel đã tổ chức cuộc họp để xem xét nguyện vọng của Hội. Sau khi trao đổi, Đức cha Emmanuel tuyên bố Hội không được hoạt động gì nữa: không được thâu nhận ơn gọi, còn các thành viên của Hội phải về giáo phận gốc của mình. Thế là Hội Thừa Sai Việt Nam chìm vào giấc đông miên.

2.   Chuyện ngày nay

-   Năm 1998, với thao thức và nhiệt huyết, cha Tổng Phụ tá GioanKim Nguyễn Văn Hiếu cùng với vài thành viên còn sót lại đã mạnh dạn nộp đơn lên HĐGMVN, xin cho Hội được tái hồi phục và hoạt động. Đơn này được Đức Hồng y Phaolô Phạm Đình Tụng, Chủ tịch HĐGM, tiếp nhận.

-   Tháng 10-1999, trong phiên họp thường niên, HĐGM VN quyết định cho Hội Thừa Sai Việt Nam được hoạt động trở lại, đồng thời trao việc đặc trách Hội cho Ðức cha Phêrô Trần Ðình Tứ, giám mục giáo phận Phú Cường.

-   Thành viên của Hội lúc này chỉ còn 2 linh mục gần 80 tuổi, 3 thầy và một vài ứng sinh.

-   Bằng sự quảng đại và tình thương, Đức cha Phêrô bắt đầu gầy dựng lại Hội từ nhân sự đến cơ sở vật chất. Về việc đào tạo, anh em được gửi theo học tại Trung tâm Học vấn Đaminh hoặc Học viện Liên Dòng. Cũng có nhiều anh em đã hoặc đang học thần học ở nơi khác, xin gia nhập Hội.

-   Kỳ họp thường niêntháng 10-2020, HĐGM VN trao việc đặc trách Hội cho Ðức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, giám mục giáo phận Vinh, Chủ tịch UBLBTM. Đức cha đã dành nhiều thời gian để lắng nghe và giúp anh em thừa sai phân định ơn gọi cũng như khơi lên tinh thần truyền giáo. Cùng cộng tác với Đức cha trong việc điều hành Hội là cha Tổng Phụ trách Giuse Anbeto Nguyễn Mai Thành, MSV.

-   Hiện nay Hội có 88 thành viên (43 linh mục) sống trong 7 cộng đoàn và phục vụ trong 8 giáo phận: Hưng Hóa, Ban Mê Thuột, Phú Cường, Xuân Lộc, Sài Gòn, Vĩnh Long, Cần Thơ và Long Xuyên.

-   Bên cạnh việc nỗ lực canh tân thì Hội chú trọng đến việc đào tạo nên đã gửi các thành viên của mình tu học tại các Đại Chủng viện: Xuân Bích – Huế và Thánh Giuse – Sài Gòn, cũng như huấn luyên chuyên biệt về truyền giáo, nhằm đào tạo những nhà thừa sai ra đi loan báo Tin Mừng.

-  Hội đang tiến hành soạn thảo Hiến pháp, thay cho Quy Chế năm 1972, sao cho phù hợp với giáo luật và hoàn cảnh hiện tại.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn