Quy Luật Vàng mà
Tin Mừng nói đến (Mt 7,12, = Lc 6,31)
Vital-Luca Nguyễn Hữu Quang, FSC
Dẫn Nhập
Khi
các sứ giả loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô đến bán đảo hình chữ S nằm bên bờ
Thái Bình Dương, họ không thấy nơi đây một mảnh đất vô tôn giáo, nhưng là một
vùng, mà toàn dân, mặc nhiên hay minh nhiên đã sống một tôn giáo tự nhiên được quen gọi là đạo ông bà hay tổ tiên,[1]
và trong vô thức thâm sâu còn ẩn chứa một tam
giáo đồng nguyên[2]
và đồng quy.[3]
Thật vậy,
con người Việt Nam từ vua quan đến thứ dân với nền văn hóa hòa hợp, kết quả của
niềm tin vào truyền thống tổ tiên, ngay từ đầu Công Nguyên, đã vui vẻ tiếp nhận
Phật giáo từ Ấn độ đến. Tiếp theo đó, họ đã đón nhận hai tôn giáo theo chân các
quan lại từ Trung Hoa đến dưới thời Bắc Thuộc: Nho giáo vào tk I tCN và Lão
giáo từ cuối tk II sCN. Trong thực tế, dân tộc Việt Nam đã dung hòa ba tôn
giáo này qua thái độ sống chứ không phải hòa trộn chung Phật, Khổng và Lão với
nhau.[4]
Triết lý Tam giáo
đã thấm vào chiều sâu của mỗi người dân Việt một cách tự nhiên như hơi thở,
không cần phải quyến rũ, không cần phải mời mọc, không cần đem danh lợi ra để
khuyến dụ...[5]
Nhưng trong thực tế, lễ tắc của Nho giáo hàng ngàn năm qua được chắt lọc và dần Việt
hóa, đã ăn sâu vào văn hóa xã hội Việt Nam qua các nghi thức định hướng cuộc
sống[6]
(ví dụ hôn nhân, tang chế) và đạo nghĩa giúp con người ứng xử trong việc “tề
gia, trị nước, bình thiên hạ.”
Trong bài
tiểu luận ngắn ngủi này về chữ nhân từ góc độ Kitô giáo, tác giả sẽ
lưu ý những ảnh hưởng từ Tam giáo, đặc biệt từ Nho giáo với tư tưởng “nhân ái”
trải rộng qua cuộc sống con người Việt Nam. Thật vậy, Đức Khổng Tử mà từ Ngài
Nho giáo xuất hiện, suốt đời đã cố đem hết tài năng sở học, cùng lý tưởng của
mình để cổ vũ cho thuyết “Chính Danh Quân Tử” và dùng nó làm nền tảng thiết lập
trật tự tốt lành cho xã hội. Trong Ngũ
Thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín,[7]
ngài đặt đức tính đầu tiên là Nhân (仁).[8] Theo nghĩa đen, nhân
tức là nhân đạo, là lòng thương yêu con người qua sự thể hiện lòng “cung kính,
khoan dung, thành tín, cần mẫn và ơn huệ,”[9]
và đồng thời có trách nhiệm với giang sơn, một con đường mà bất cứ ai cũng nên
bước theo để trở thành”Chính Nhân Quân Tử.”
Chữ Nhân và Chữ Agapè
Ta biết Quy Luật Vàng mà Tin Mừng nói đến (Mt
7,12, = Lc 6,31)
“… Tất cả những gì anh em muốn người ta làm
cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các
ngôn sứ là thế đó” đã ở dưới dạng phủ định của Khổng Tử (55tCN - 479tCN) trong
Luận Ngữ[10]
(15,23): “Điều gì mình không muốn thì chớ làm cho người khác.”[11]
Sách Mạnh Tử (VII. A.4) cũng nhấn mạnh
rằng việc cố áp dụng chữ Thứ vào đời sống thì không có gì gần đức Nhân bằng.
1. Nhân như là Một Đức Hoàn Thiện
Trong viễn tượng của Khổng Tử, "Nhân"
không chỉ là "yêu người," "thương người," mà còn là đức
hoàn thiện của con người. Vì thế, nếu “Đạo” được hiểu như là Con Đường, Chính
Đạo, Con Đường của Thiên Nhiên, thì "Nhân” chính là đạo làm người, sống
với bản thân, sống với người. Với ông, nếu thịnh đức của trời - đất là sinh
thành, bắt nguồn từ đạo trung hoà, trung dung thì cái gốc của đạo lý con người
là "trung thứ" và đạo đức, luân lý con người là "Nhân,"
người có đạo nhân là bậc quân tử, nước có đạo nhân thì bền vững như núi
sông. Cho dù cũng có nhà tư tưởng hiểu
ngược với Khổng Tử, nhưng tư tưởng "Nhân" của nhà hiền triết vẫn đi
vào lòng của nhiều người đương thời và thúc đẩy họ sống đời
“chính-nhân-quân-tử."[12]
Chữ "Nhân" trong học thuyết của
Khổng Tử được đề cập ở rất nhiều tác phẩm, đặc biệt trong sách Luận Ngữ.[13]
Trong Luận
ngữ, khái niệm này được ông nhắc đến nhiều lần như là một nguyên tắc đạo đức trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.[14]
Thông qua các Tứ Thường khác (= lễ, nghĩa, trí, tín) ông giải thích bản tính
con người và quy định quan hệ giữa người và người từ trong gia tộc đến ngoài xã
hội. Ngoài ra, theo ông "Nhân" còn có thể hiểu là "trung thứ,"[15]
tức là đạo đối với con người, nhưng cũng là đạo đối với bản thân mình nữa.
“Trung" ở đây là tận tâm, làm hết sức mình, còn "thứ" là suy từ
lòng mình ra mà biết lòng người: “Điều gì mình không muốn thì chớ làm cho người
khác,” vì tha nhân cũng không muốn điều đó. Vì thế, "trung thứ" là
sống đúng với bản thân mình và mang điều đó ứng xử tốt với người. Và ông xem
đây chính là đức hạnh của người ”nhân.”[16]
Trong
thiên "Nhan Uyên” của Luận Ngữ “Nhân” có thể là có tính chất bao quát hơn
cả. Không sợ sai, có thể nghĩ ở đây chữ "Nhân" theo Khổng Tử là "yêu
người"[17] được hiểu khá tổng quát.
Vì đi liền với "Nhân" ông phân biệt các khái niệm
"thiện nhân," "đại nhân," "thành nhân,"
"nhân nhân," "thánh nhân.” Nhưng đừng tưởng Khổng Tử không biết
dùng chữ “ghét”cho bậc chính nhân
quân tử. Theo ông: "Duy có bậc nhân mới thương người và ghét người một
cách chính đáng mà thôi."[18]
Ghét kẻ "tiểu nhân," vì họ có tính cách thấp hèn, trong khi kính trọng và yêu mến “thánh nhân" vì là
người có đạo đức cao siêu. Nhưng nói cách chung theo ông, “ái nhân” là yêu
thương mọi người, không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội của họ.
Trong Luận Ngữ,
có chỗ nhà hiền triết không dùng trực tiếp chữ "Nhân" (yêu người),
nhưng nội dung thể hiện ở đó lại thấm đẫm tình yêu thương bao la. Khi ông dùng
chữ “Hiếu” ví dụ với cha mẹ, thì ông giải thích chính là lòng nhân (yêu thương
cao cả) đi kèm với lòng kính trọng sâu xa.[19]
Hoặc nó còn được thể hiện trong mối quan tâm đến con người hơn các giống nòi
khác, vì con người cao cả hơn[20]
là sự sống còn của ngựa (tức là của cải). Tư tưởng "Nhân" là
"yêu người" của ông thực sự đã được thể hiện ra mọi nơi, mọi lúc.
Coi
"Nhân" là "yêu người", trong Luận ngữ, Khổng Tử đã
dành không ít lời để nói về đạo làm người. Khi Nhan Uyên hỏi Khổng Tử về
"Nhân", Khổng Tử đã nói:
“Sửa mình
theo lễ là nhân. Ngày nào cũng khắc kỷ phục lễ, ngày đó mọi người trong thiên
hạ tự nhiên cảm hoá mà theo về đức nhân. Vậy nhân là do mình, chớ há do người
sao?”[21].
Nói tóm
lại, Nhân có thể được xem như là nguyên lý đơn thuần với ba chiều kích: một sự
thống nhất giữa con người-vũ trụ, một lòng nhân luân lý-siêu hình, một tình yêu
thiết thực-phổ quát.
2. Chữ Nhân Kitô Giáo Như Là Agape
Khái
niệm Kitô giáo về chữ nhân-agapè xuất hiện không quá phức tạp như chữ nhân của
Nho giáo.
Trước
tiên nó nói đến tình yêu giữa con người và Thiên Chúa, và yêu thương giữa con
người với con người trong nhân loại. Tình yêu Người-Người chỉ mang ý nghĩa khi
nó là biểu lộ của tình yêu Thiên Chúa-Người.
Sống chữ Nhân-Agapè là sống và
thực hành giới luật hàng đầu của Kitô giáo, nền tảng của Kitô giáo.[22]
1)
Nhân-Agapè Đó Là Tình Yêu-Tự Hiến
Cho dù tình yêu này đi từ Thiên Chúa đến Con
Người hay Con Người đến Thiên Chúa, hay từ Con Người đến Con Người, nó mang tất
cả sức mạnh của lệnh truyền của Đức Giêsu ”yêu với tất cả tâm hồn, tâm trí,
linh hồn và sức mạnh.” (Mt 22,37-39).
Bởi vì Thiên Chúa không muốn gì cho bản
thân mình, tình yêu (= nhân-agapè) của Ngài là hoàn toàn hiến dâng. Một cung
cách vô cùng quan trọng thể hiện con người đáp
trả tình yêu này với Thiên Chúa, đó là yêu mến toàn nhân loại, không loại
trừ ai, cho dù đối với kẻ thù của mình, đến mức độ Đức Giêsu xem lệnh truyền
yêu người cũng giống như lệnh truyền thứ nhất, yêu Chúa (Mt 22,39), và Ngài xem
“Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ (nghĩa là toàn bộ Cựu Ước) đều tuỳ thuộc
vào hai lệnh truyền này.” (Mt 22,40)
Có
lẽ định nghĩa hay nhất của chữ Nhân-Agapè
đó là thư thứ nhất của Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô:
Đức mến (= nhân-agapè) thì nhẫn nhục, hiền
hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính,
không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự
gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.
(1Cor 13,4-7)
Trong một cái nhìn, agapè tổ hợp một lòng thương cảm siêu nghiệm từ
Thiên Chúa đến con người; một sự quí mến tôn giáo từ người đến người; và một
mối quan tâm luân lý từ người đến tha nhân. Agapè là tất cả những điều
trên.
Đàng khác, khi Đức Giêsu xem “Tất cả
Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai lệnh truyền này” (Mt 22,40),
Ngài đã chỉ ra sự công chính của Mười Giới Răn chỉ có ý nghĩa trọn vẹn bởi tình
yêu-agapè. Thật vậy, tình yêu Chúa mang tất cả sức mạnh của cá vị và ngôi vị,
không chỉ dựa trên tổ tiên và chủng tộc, liên quan hơn đến đức tin, lòng thương
cảm đối với nỗi khổ đau và tha thứ tội lỗi con người. Chính vì thế ơn cứu rỗi
trước tiên chính là thái độ của niềm tin vào Thiên Chúa: “Anh có tin là Ta có
thể chữa lành cho anh không” như lời Đức Giêsu nói với người bị bệnh tật (thể
xác và tâm hồn).
2) Ngoài ra Nhân-Agapè
Như là Vượt Mọi Dạng Chữ Nhân Khác
Đối với Kitô giáo, sống
chữ Nhân-Agapè cách hoàn hảo
nhất, đúng đắn nhất, đó là bước vào con đường cũng là đích điểm: Chúa
Kitô, cội nguồn Kitô giáo, tôn giáo của cái Nhân-Agapè, cái “đạo” đề cao yêu
thương, nhân danh bác ái, và chỉ sống chết cho tình yêu.
Chính vì thế, Đức Giêsu đòi hỏi tình yêu
Ngài vượt quá mọi tình yêu nhân loại cho dù nó chính đáng đến đâu: "Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng
với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. (Mt
10,37). Đó là một tình yêu tuyệt đối cá vị đối với Ngài. Và nếu lệnh truyền của
Ngài là yêu thương cả kẻ thù, đó là vì mọi ranh giới của con người với nhau (ở
đây ranh giới thù nghịch) chỉ là nhỏ nhoi, phải vượt qua để xứng đáng với tình
yêu của Ngài; chỉ vì tình yêu-cứu độ của Ngài bao trùm tất cả mọi người không
trừ ai, cho dù người đó là kẻ thù của ta.
Do đó,
như ta sẽ xem chữ Nhân-Kitô giáo khác
nhiều với chữ Nhân-Nho giáo. Mọi dạng tình yêu phải xuất phát từ Thiên Chúa,
và đáp lại, mọi tình yêu là sự đáp trả tình yêu của Ngài. Trong Kitô giáo,
chuỗi Tin, Cậy, Mến định hướng con người Kitô hữu, nhưng “cao trọng hơn cả là đức mến (=
nhân-agapè).”(1Cor 13,13).
3) Nhân-Agapè vượt trào Nhân-Quân Tử,
Nhân-Vô Vi, Nhân-Từ Bi
Chính
vì là hiện thân của Tình Yêu–Agapè tuyệt đối, Đức Kitô dạy con người vượt
trào tình yêu nhân loại để đến mức “Yêu như Chúa yêu.” Giáo phụ Augustinô đã
chỉ ra mức độ của tình yêu này là yêu
không mức độ. Trong bữa tiệc giã biệt, trước khi bước vào con đường biểu
lộ tình yêu vô biên đối với Cha của Ngài, và đối với nhân loại, Ngài hé lộ mức
độ chữ Nhân-Agapè này:
Thầy ban cho các
con một điều răn mới: là hãy yêu mến nhau. Như Thầy đã yêu mến các
con, các con cũng phải yêu mến nhau… Các con hãy yêu thương nhau như
Thầy yêu thương các con. (Gioan 13,14. 34).
“Yêu như Thầy”! Đó là lời mời gọi đến cái Nhân-Agapè của Đấng, phận là
vì Thiên Chúa đã vâng phục Thiên Chúa Cha đến hóa mình ra không và chết trên
thập giá vì con người, (Philip 2,6-8) để con người được ơn cứu độ. Nói cách
khác, cho dù tình yêu nhân loại cao quí đến đâu, tình yêu-người quân tử, tình
yêu-người vô vi, tình yêu-từ bi thì phải được vượt trào để đến tình yêu-Thiên
Chúa-Làm-Người.
Chữ
Nhân-Agapè thúc đẩy người Kitô hữu đi đến tận cùng của tình yêu này. Đó là một
tình yêu như là một sự “lụy vì tình,”[23]
”đầu hàng vô điều kiện,”[24]
một tình yêu không còn để phải nói “I’m sorry.”[25]
Nơi tình yêu này, mỗi nhân vị không
còn lấy mình làm trọng tâm nữa, nhưng bị thúc bách bắt chước gương của
Thầy mình như Phaolô đã nói. Thật vậy, chữ Nhân của người Kitô hữu đó là chữ
Nhân to lớn của Đức Giêsu Kitô, chuẩn mực của mọi chữ Nhân của nhân loại.
3. Nhân-Agapè Như Một Mối Phúc
Trong
bài diễn từ trên núi, Đức Giêsu đã gọi lòng Nhân-Agapè hay lòng thương cảm, là
một trong tám phúc (Mt 5,7.4):
Phúc
thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.”
Phúc thay ai hiền
lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Thật
vậy, lòng thương cảm con người hay tính hiền lành (phúc hậu) thường xuyên trong
cuộc sống, đã được Đức Giêsu nâng lên thành “phúc” bởi vì chính Ngài đã sống
điều này:
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến
cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và
hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu
và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng." (Mt 11,27-29)
Trong dụ ngôn Người Cha Nhân
Hậu (Lc 15,11-20) Đức Giêsu hé mở cho chúng ta thấy lòng Thiên Chúa giàu
tình thưong xót như thế nào và vui sướng để tha thứ cho người con hoang đàng.
Chính Ngài cũng cho con người nghiệm ra lòng khoan dung tha thứ rất nhân bản
nơi bản thân của Ngài trong câu chuyện người phụ nữ ngoại tình “Tôi không lên
án chị đâu. Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. (Gioan 8,11).
Kết
Sách Trung Dung (20,5) nhìn nhận: “Có lòng Nhân là làm
Người,” và trong Luận Ngữ, chữ Nhân là một phẩm tính đạo đức vừa để tu dưỡng
bản thân, vừa để thương yêu tha nhân, vì từ Nhân phát sinh cũng như hội tụ các
đức khác.
Đạo Đức Kinh thì hiểu rằng, chữ Nhân
Ái (Ch
48) được thể hiện tri nhân giả trí, tự tri giả minh, nghĩa là biết người khác chỉ
mới là trí, nhưng tự biết mình thì mới là sáng.
Theo tác giả, con người cần phải biết
sống Vô Vi để sống thanh thản hòa nhập với tiểu vũ trụ và vũ trụ tự
nhiên.
Qua tuyệt tác Cốt Tủy của Tâm Kinh, Đức Dalai Lama hiểu rằng, theo Phật giáo, từ bi
là nguyện vọng, trạng thái của tâm thức muôn người khác thoát khỏi khổ đau. Nó
không tiêu cực, không là sự đồng cảm cô đơn, hơn là hành động cảm thông vị tha,
hành động phấn đấu nhằm giải thoát khổ đau cho người khác. Từ bi thật sự hội tụ
đủ hai yếu tố: Trí tuệ và tình thương. Điều này muốn nói rằng: Người hiểu biết
về bản chất của sự đau khổ mới có ước muốn giúp người khác thoát khỏi khổ đau.
Tân Ước của Kitô giáo xác tín chữ
Nhân-Agapè chỉ có thể được hiểu tận căn cơ, khi chúng ta quy chiếu nó về con
người Giêsu, một nguyên mẫu yêu thương Thiên Chúa và trọn vẹn yêu mến con
người. Vì thế chữ Nhân-Agapè đưa con người chạm Đấng Siêu Việt. Nó vượt trào
mọi diễn tả chữ Nhân của nhân loại.
[1] Lý do vì Việt Nam là một nước nông nghiệp. Ngay bây
giờ vào thế kỷ XXI, Việt Nam vẫn gần như là hơn 60% là nông nghiệp.
[2] Ba tôn giáo cùng xuất phát từ một gốc.
[3] Ba tôn giáo cùng quy về một mục đích.
[4] Tuy
khác nhau về quan điểm nhưng cùng ý hướng vào mục đích chung, bởi thế mà
chúng có thể bổ túc cho nhau thành một thế giới quan đầy đủ về3 phương diện đòi hỏi của con người: ý chí, tình cảm
và lý trí tức là Chân Thiện Mỹ. Cf.
(http://truclamyentu.ifrance.com/tamgiaodongnguyen.htm).
“Cùng một người VN, khi trai trẻ thì học Nho để giúp
nước, khi khổ ải trầm luân thì cầu khấn Phật Trời phù hộ, khi đau yếu thì mời
đạo sĩ trừ tà hoặc tập luyện dương khí an thần.” Trần Ngọc Thêm 1997, tr. 299).
Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam. Tp HCM: NXB
Giáo Dục
[5] Minh Liên. Cf.
(http://daitangkinhvietnam.org/phat-giao-va-doi-song/van-hoa-giao-duc/527-hoa-ng-ton-giao-va-tam-giao-ng-nguyen.html).
Sự hòa hợp nhuần nhuyễn của Tam giáo, một
thời đã tạo nên một nền văn minh Đại Việt rực rỡ và tinh hoa.
[6] Được thể hiện qua các truyền thống “huấn luyện” (=
những định hướng cận kề với cuộc sống) và truyền thống “đức tin” (= những định
hướng mang tính cùng đích).
[8] Trần Trọng Kim viết rằng: “Chữ nhân 仁 gồm
có bộ nhân (亻) và bộ nhị (二) hợp lại là một chữ hội ý, nghĩa là nói tới cái thể
và cái đức chung của mọi người đều có với nhau như một. Bởi vậy hiểu
rõ nghĩa chữ nhân, thì hiểu rõ cái tông chỉ nhất thể của Khổng giáo.” Cf. Trần
Trọng Kim (1971, tr. 44). Việt Nam sử
lược. Quyển Thượng. Sài Gòn: Nxb Trung Tâm Học Liệu.
[9] Cung kính thì không khinh nhờn; khoan dung thì được
lòng mọi người; thành tín thì được người tín nhiệm; cần mẫn thì nên công; có ơn
huệ thì dễ sai khiến người.” (Luận Ngữ, XVII: 6).
Trong nền văn hóa Việt Nam, chữ Nhân xuất hiện từ rất
lâu đời và mang nhiều ý nghĩa. Theo lối viết tượng hình, Nhân có nghĩa là
người. Vì thế, Nhân còn có nghĩa là
lòng khoan dung từ ái, đức độ lượng và tình thương người. Người Việt Nam ngộ ra
cái đạo làm người từ những khắc khoải âu lo, những nỗi đau và những va chạm
trong cuộc sống.
[10] Luận Ngữ là sách sưu tập ghi
chép lại những lời dạy của Khổng Tử và những lời nói của người đương thời. Sách
có thể do chính Khổng Tử và
những đệ tử của mình biên soạn sau khi ông qua đời. Nó là một quyển thuộc Tứ Thư.
Các quyển khác là Đại Học, Mạnh
tử và Trung Dung.
Luận Ngữ được viết từ đời Tiền Hán tới
đời Hậu Hán, và là một chủ đề học
vấn chủ yếu trong Khoa
Cử Trung Hoa. Sách Luận Ngữ gồm 20 thiên, mỗi thiên đều lấy chữ đầu
mà đặt tên, và các thiên không có liên hệ với nhau. Các bài giảng của Khổng Tử được
nghiên cứu chủ yếu qua tập hợp những "mẩu chuyện cách ngôn ngắn."
[11] Khi
Tử Cống (học trò người nước Vệ) hỏi ông: “Có một lời nói nào mà có thể trọn đời
thực hành không?” Khổng Tử đáp: Đó là chữ THỨ nghĩa là “Điều gì mình không muốn thì chớ làm cho người khác.” (= Kỷ sở bất
dục vật thi ư nhân).
[12] Thực tế cho chúng ta thấy, "từ đời Hán trở đi,
suốt trên hai nghìn năm đạo Khổng được độc tôn, Vua Chúa đời nào cũng ráng áp
dụng nó. Nó thực tế hơn đạo Mặc, đạo Lão, nhân bản hơn thuyết của Pháp gia.
[13] Khái niệm "Nhân" được
nhắc trong Luận Ngữ 109 lần; "Người quân tử"- 107 lần; "Lễ"
- 74 lần; “Đạo" - 60 lần. Do đó, nội dung của các khái niệm này được đánh
giá rất khác nhau trong giới nghiên cứu. Cf. Lê Ngọc Anh (Th. 8, 2006). “Nhân” trong Luận Ngữ của Khổng
Tử. Tạp Chí Triết Học OnLine:
Cf.. (http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/Nhan _trong_luan_ngu_cua_Khong_Tu/). Nếu phần đông cho
rằng "Nhân" là nội dung cơ bản của Luận Ngữ và là tư tưởng chủ đạo
của Khổng Tử, cũng không ít người xem "Lễ" mới là nội dung chính của
tác phẩm, và lại cũng có người nhìn cả "Nhân" và "Lễ" đều
là nội dung nền của tác phẩm. Cũng cần
phải nói thêm rằng, trong Luận ngữ, tư tưởng "Nhân" của Khổng Tử còn
bao gồm nhiều đức khác, như: Trực (ngay thẳng, không giả dối), Kính (nghiêm
trang, cẩn trọng, cẩn thận trong công việc), Nghĩa, Lễ..
[14] Theo ông, "Nhân" có quan hệ chặt chẽ với
các phạm trù đạo đức khác, nên có người cho rằng, nếu coi các phạm trù đạo đức
trong triết học Khổng Tử như những vòng tròn đồng tâm thì "Nhân" là
tâm điểm, bởi nó đã chỉ ra cái bản chất nhất trong bản tính con người.
[15] Trong một cuộc nói chuyện với các học trò Khổng Tử đã
nói: Đạo của ta chỉ có một lẽ mà thông suốt cả. Do đó, Tăng Tử, một
môn đệ của Khổng Tử cho rằng, Đạo của Khổng Tử là "trung thứ."
[16] Cf. Luận Ngữ, Nhan Uyên, 2.
[17] = “ái nhân.”Luận Ngữ, Nhan Uyên, 21.
[18] Luận Ngữ, Lý Nhân, 3.
[19] Khổng
Tử đã trả lời cho môn đệ Tử Tư đâu là sự khác biệt giữa nuôi nấng cha mẹ thể
hiện qua chữ “Hiếu” và nuôi loài thú vật.
[20] Một
lần khi xong việc ở triều đình về, nghe nói chuồng ngựa cháy, câu đầu tiên ông
hỏi là: có ai bị thương không và không nói gì tới ngựa cả. Điều đó cho thấy,
ông quan tâm đến sinh mệnh con người (dù đó là những người hầu hạ) hơn là của
cải. Chu văn An, một nhà nho, đại quan trong triều nhà Trần cũng từng có thái
độ như thế, khi một nữ tỳ bưng tách nước nóng làm đổ trên áo triều của ông, ông
chỉ hỏi con có bỏng tay không mà không lý sự gì đến áo chầu.
[22] Vì thế, nền giáo
dục Kitô giáo, hiểu
cơ bản là giáo dục con
người về đức ái-nhân. Đức ái này dựa trên Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô.
[23] Nhà thần học B. Lonergan, SJ.
[24] Theo nhà thần học K. Rahner, SJ
[25] Cf. Phim Love
Story khi cậu Barret gục trên người yêu Jenny và nói “I‘m sorry” nhưng
Jenny đã trả lời tuyệt vời không kém: “Love is what never you have to say I’m
sorry.”
Đăng nhận xét