Đức Nhân Trong Nho Giáo

Đức Nhân trong Nho Giáo 
được người xưa quan niệm với một chiều kích cao rộng,
có tầm mức từ thấp lên cao, từ gần ra xa.
Tuần tự phát triển đức Nhân,
người ta có thể từ bỏ con người tiểu nhân
tiến lên bậc quân tử, thánh hiền, thậm chí “phối Thiên”.


 Lý Minh Tun


Nho giáo là cột trụ của nền đạo lý Viễn Đông bao gồm các quốc gia: Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Nền đạo lý này, có nguồn gốc từ trước Đức Khổng, chi phối tất cả mọi sinh hoạt của con người trước Công Nguyên cả ngàn năm cho đến ngày nay. Trong Nho giáo có 5 đức căn bản để duy trì sự ổn định thường xuyên cho gia đình, xã hội, gọi là Ngũ Thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Đứng đầu Ngũ Thường là đức Nhân. Đức Nhân quan trọng đến nỗi Nho Giáo khẳng định: Phải có đức Nhân, người ta mới được gọi là con người đúng nghĩa. Sách Trung Dung viết: “Nhân giả nhân dã: Kẻ có đức Nhân là con người vậy”. Bốn đức kế tiếp (Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) cũng thoát thai từ đức Nhân mà ra.
Vì vậy, không bao giờ người sống trong Nho giáo có thể bỏ đức Nhân. Mặc dầu, chủ trương hành động tùy thời, tùy cảnh, Đức Khổng không chấp nhận bỏ đức Nhân trong bất cứ trường hợp nào: “Quân tử vô trung thực chi gian vi nhân, tháo thứ tất ư thị, điên bái tất ư thị: Người quân tử trong khoảng bữa ăn không được trái đức Nhân, vội vàng cũng phải như thế, hoạn nạn cũng phải như thế.” (Luận Ngữ: Lý Nhân 5). Người quyết tâm giữ đạo lý phải giữ đức Nhân mà không có luật trừ, nếu cần phải chấp nhận cái chết để thành tựu đức Nhân: “Chí sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân: Người có chí hướng về đức nhân, không cầu được sống mà hại đức nhân, có khi chịu chết để thành tựu đức nhân.” (Luận Ngữ: Vệ Linh Công 8).
Tuy đức Nhân quan trọng và cần thiết như thế, nhưng chính bậc thầy giảng dạy đức Nhân cho các đệ tử là Đức Khổng lại chưa thành tựu được hoàn toàn. Ngài nói với các đệ tử: “Nhược thánh dữ nhân tắc ngô khởi cảm!: Ví bằng bậc thánh và bậc nhân thì sao ta dám!” (Luận Ngữ: Thuật Nhi 33). Thế thì đức Nhân rộng rãi, cao xa đến mức nào?
I.     Đường lối giáo dục đức Nhân trong Cửa Khổng:
Vì rộng rãi, cao xa, đức Nhân không có một định nghĩa rõ rệt. Đức Khổng giảng dạy đức Nhân cho các đệ tử không theo một giáo trình định sẵn; Ngài chỉ tùy theo trình độ, khuynh hướng của mỗi đệ tử, mỗi tình huống, mỗi hoàn cảnh mà dạy về đức Nhân cho thích hợp.


1.    Đức Nhân ở trình độ phổ thông:
Phàn Trì là một đệ tử có trình độ bình thường, hay đánh xe cho thầy trong mỗi chuyến đi. Khi Phàn Trì hỏi về đức Nhân, Đức Khổng đáp vắn tắt: “Ái nhân: Yêu người” (Luận Ngữ: Nhan Uyên 21).
Đây là định nghĩa ngắn nhất, có thể dùng chung cho mọi người, mọi nơi. Đối với cao đệ Tử Cống, Đức Khổng nói: “Phù nhân giả, kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân: Phàm, người nhân là mình muốn nên thì nên cho người, mình muốn thành tựu thì thành tựu cho người.” (Luận Ngữ: Ung Dã 28). Nhân là đức hạnh nền tảng trong đạo làm người. Đó là yêu thương, giúp đỡ, cứu vớt mọi người. Đức Nhân được thi hành trọn vẹn thì nên bậc thánh. Bậc nhân lý tưởng là người coi mọi người chung quanh như mình, yêu mọi người như yêu mình; mình muốn điều gì tốt thì thi hành cho mọi người như thế; không có sự phân biệt giữa ta và người. Lấy đó làm ví dụ gần gũi, người ta sẽ biết phương cách thực hành đức Nhân. Cứ thực hành liên tục như thế không mệt mỏi, không thay đổi thì trở nên bậc thánh.
Trọng Cung, một đệ tử đã từng được Đức Khổng khen là người có khả năng làm vua, hỏi về đức Nhân. Câu trả lời của Đức Khổng có ý hướng về việc chính trị để dạy cho ông cách vận dụng đức Nhân trong tư cách một nhà cai trị: “Xuất môn như kiến đại tân; sử dân như thừa đại tế; kỷ sở bất dục vật thi ư nhân. Tại bang vô oán, tại gia vô oán: Ra cửa như thấy khách lớn; sai khiến dân như đảm đương lễ lớn; điều gì mình không muốn chớ đem cho người. Trong nước không có điều gì oán giận, trong nhà không có điều oán giận.” (Luận Ngữ: Nhan Uyên 2). Khi ra cửa, người nhân phải có dáng nghiêm trang kính cẩn như đón tiếp quan khách ở cương vị lãnh đạo. Khi sai khiến dân làm việc gì, người nhân phải thận trọng như đang đảm đương lễ tế lớn, không được coi thường, khinh rẻ dân. Những điều gì mình không muốn, chớ đem làm cho dân. Ví như mình không muốn bị đàn áp, bóc lột thì đừng đàn áp, bóc lột dân. Nếu biết tôn trọng dân như vậy, ắt trong nước sẽ không có điều oán giận. Với cách cư xử ấy, đối với vợ con trong gia đình cũng không có điều oán giận. Con người làm cho cả trong nhà, ngoài nước được an vui, cởi mở, không có điều oán giận, ắt phải là bậc đại nhân rồi.
Tư Mã Ngưu hỏi về đức Nhân. Đức Khổng nói: “Người Nhân, nói năng phải thận trọng”. Lại hỏi: “Nói năng phải thận trọng, như thế gọi là nhân được chăng?” Đức Khổng nói: “Làm thì khó, vậy chứ nói năng mà không nên thận trọng sao?” Tư Mã Ngưu vấn Nhân. Tử viết: “Nhân giả, kỳ ngôn dã nhẫn.” Viết: “Kỳ ngôn dã nhẫn, tư vị chi nhân hĩ hồ?” Tử viết: “Vi chi nan, ngôn chi đắc vô nhẫn hồ?” (Luận Ngữ: Nhan Uyên 3).
Có lẽ Tư Mã Ngưu là đệ tử hay bồng bột, nóng nảy trong lời nói; cho nên Đức Khổng dạy: “Người Nhân, nói năng phải thận trong.” Nói năng thận trọng nghĩa là trước khi nói phải nghĩ ngợi đắn đo thấu đáo. Có thì nói có; không thì nói không. Và cũng có những điều không nên nói ra, hay không nên nói hết. Lại có những điều nói được ở nơi này, lúc này mà không nên nói ở nơi kia, lúc kia. Biết thận trọng trong lời nói là biết căn nhắc xem lời nói của mình có đem ơn ích cho người nghe không, có làm phật lòng người nghe không, có gây những hậu quả tai hại không. Một người biết cân nhắc lời nói như vậy hẳn là người nhân, tức là người có những đức tính tốt ở trong lòng, lại thêm có kinh nghiệm xử thế.
Chưa hiểu hết ý của thầy, Tư Mã Ngưu nghi ngờ, hỏi lại. Đức Khổng mới giải thêm: Làm thì khó. Người thiếu nhân không lường được cái khó trong việc làm, cho nên mở miệng ra là nói cho thỏa thích, không nghĩ rằng sau này mình có làm được như lời đã nói không. Vì thế, tập làm người nhân, trước hết là phải thận trọng (nhẫn nhịn) lời nói của mình, liệu mình có làm được hãy nói.
Tử Trương là một đệ tử có ý hướng ra làm quan cai trị để hưởng lộc nước. Khi ông hỏi về đức Nhân, Đức Khổng đáp: “Năng hành ngũ giả ư thiên hạ, vi nhân hĩ.“Thỉnh vấn chi”. Viết: “Cung, Khoan, Tín, Mẫn, Huệ. Cung tắc bất vũ; Khoan tắc đắc chúng; Tín tắc nhân nhậm yên; Mẫn tắc hữu công; Huệ tắc túc dĩ sử nhân: Hay thi hành năm điều đối với thiên hạ là nhân vậy.” Xin hỏi những điều ấy. Trả lời: “Cung (cung kính), Khoan (tha thứ), Tín (giữ lới hứa), Mẫn (siêng năng), Huệ (ban ơn). Cung kính thì không bị khinh nhờn; tha thứ thì được lòng mọi người; giữ lời hứa thì được người tín nhiệm; siêng năng thì thành công; ban ơn thì đủ để sai khiến được người.” (Luận Ngữ: Dương Hóa 6).
Quả thực, năm điều trên đã triển khai đầy đủ đức Nhân dành cho một viên quan cai trị:
-          Làm quan mà có thái độ cung kính nghiêm trang trong khi giao tiếp với dân thì không bị dân khinh nhờn; đồng thời cũng ít bị cấp trên lấn áp vì không luồn cúi, nịnh bợ.
-          Có sự rộng lượng tha thứ thì được mọi người yêu mến, tòng phục.
-          Nói ra điều gì thì giữ lời hứa trước sau như một ắt được mọi người tín nhiệm, sẵn sàng tuân giữ và tin theo.
-          Siêng năng gắng gỏi trong công việc thì dễ thành công vì được nhiều người giúp đỡ.
-          Hay ban ơn cho người dưới thì được người nhớ ơn, cho nên dễ sai khiến người làm công kia việc nọ.

2.    Đức Nhân dành cho bậc thánh hiền



      
                                                                  
Đối với những người có khuynh hướng trở nên bậc thánh hiền, không tha thiết với những thành công thế tục, muốn trở nên con người lý tưởng luôn an vui trong thiên đạo, Đức Khổng có lời dạy cao hơn. Đó là trường hợp dành cho Nhan Uyên.


Tử viết: “Khắc kỷ, phục lễ vi nhân. Nhất nhật khắc kỷ, phục lễ, thiên hạ qui nhân yên. Vi nhân do kỷ, nhi do nhân hồ tai?Nhan Uyên viết: Thỉnh vấn kỳ mục. Tử viết: Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”: Khắc chế lấy mình, trở lại theo khuôn phép là làm điều nhân. Một ngày khắc chế lấy mình, trở lại theo khuôn phép, mọi người sẽ trở về điều nhân. Làm điều nhân do mình, chứ do người ư?
Nhan Uyên nói: “Xin hỏi về điều mục.” Đức Khổng nói: “Chẳng hợp khuôn phép chớ nhìn, chẳng hợp khuôn phép chớ nghe, chẳng hợp khuôn phép chớ nói, chẳng hợp khuôn phép chớ hành động.” (Luận Ngữ: Nhan Uyên 1).
Đa số người đời thường cho rằng đức Nhân là đạo lý hướng về người khác như: yêu thương, tha thứ, nâng đỡ… Tuy nhiên, trước hết Nhân phải hướng về chính mình; mình có Nhân tức là có trở nên tốt mới đem cái tốt đến cho người khác được. Vì thế, đối với Nhan Uyên là đệ tử có thiện chí, Đức Khổng dạy về cách làm điều Nhân nơi chính mình.
Làm điều Nhân là: khắc chế những tật xấu, thói hư của mình, đánh đổ những dục vọng riêng tư của mình. “Khắc kỷ” còn có nghĩa là chinh phục lấy mình; đó là tìm lại bản tính thuần nhiên mà Trời đã trao cho con người vào thuở ban sơ, không buông thả mình theo những nhu cầu tầm thường thế tục, không thượng tôn vật chất mà đánh mất Thiên mệnh.
Song song với việc khắc chế, đánh đổ, chinh phục, chính mình lại trở về với những khuôn phép tốt đẹp (phục lễ) của các thánh hiền xưa để lại mà cha mẹ, họ hàng, thầy giáo… đã dạy bảo mình. “Phục lễ” ở đây không phải là tuân theo những hình thức lễ nghi gò bó do xã hội áp đặt một cách nhân tạo. Lễ theo nghĩa cao cả là những tiết điệu uyên nguyên tốt đẹp làm nên sinh mệnh con người lý tưởng. Có tuân theo những tiết điệu uyên nguyên tốt đẹp thì con người mới có thể phát triển “Minh đức” (năng lực sáng láng) sẵn có của mình. Thực hiện đức Nhân ở mức độ này là đem con người ra khỏi sự lệ thuộc vào thế tục, cho con người được thở bầu khí tự do siêu nhiên thanh thoát. Như vậy, làm điều Nhân là hoàn thiện chính mình, khiến cho mình trở nên một bậc thánh hiền.
Trong phạm vi thuộc về ảnh hưởng của mình – chữ “thiên hạ” trong câu nói của Đức Khổng chỉ thị mọi người nằm trong ảnh hưởng của mình –, nếu một ngày khắc chế lấy mình, trở lại khuôn phép, thì mọi người thuộc phạm vi của mình sẽ bắt chước mình về điều nhân (Thiên hạ qui nhân yên).
Trong gia đình, người cha làm điều nhân sẽ khiến vợ con bắt chước theo. Trong một tỉnh, vị quan cai trị làm điều nhân sẽ khiến cho dân trong tỉnh bắt chước theo. Trong một nước, ông vua làm điều nhân sẽ khiến cho các quan và toàn dân bắt chước. Đức nhân là điều tốt đẹp nhất của con người cho nên có sức cuốn hút mãnh liệt như vậy.
Làm điều nhân chủ ở nỗ lực tự giác của chính mình, chẳng ai có thể khiến mình làm điều nhân được. Chính mình không khắc chế tật xấu, không trở lại khuôn phép, ai có thể giúp mình được? Người ta có thể giúp mình cơm áo, tiền bạc, nhưng không thể giúp mình hoàn thiện nếu chính mình không muốn. Đó là yếu chỉ về đức Nhân. Còn các chi tiết (điều mục) để thực hành là:
-       Điều gì chẳng hợp khuôn phép chớ nhìn.
-       Điều gì chẳng hợp khuôn phép chớ nghe.
-       Điều gì chẳng hợp khuôn phép chớ nói.
-       Điều gì chẳng hợp khuôn phép chớ hành động.
Người ta phải biết tránh né những điều trái lễ, những điều xấu như tránh một con thú dữ (tránh voi chẳng hổ mặt nào!). Nếu nhìn, nghe, nói, hành động những điều chẳng hợp khuôn phép, tâm ta sẽ vọng động, cả con người ta sẽ đi theo đường trái, làm những điều xấu xa, tai hại ngay. Tâm ta đã hướng về đường trái thì chẳng khác gì con trâu hung dữ phá phách trong đồng hoang, khó kềm giữ lại được.
  II.     Nền tảng của đức Nhân:
Trong Kinh Dịch, cuốn cổ thư nói về cả thiên đạo lẫn nhân đạo, phần Văn Ngôn quẻ Càn, tương truyền do Đức Khổng viết, có đoạn mở đầu như sau:
Nguyên giả, thiện chi trưởng dã; Hanh giả, gia chi hội dã; Lợi giả, nghĩa chi hòa dã; Trinh giả, sự chi cán dã. Quân tử thể nhân túc dĩ trưởng nhân; gia hội túc dĩ hợp lễ; lợi vật túc dĩ hòa nghĩa; trinh cố túc dĩ cán sự. Quân tử hành thử tứ đức giả, cố viết: Càn, Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh: Nguyên là đầu mối điều thiện; Hanh là hội tụ mọi điều tốt lành; Lợi là hòa hợp các điều nghĩa; Trinh là gốc các việc. Bậc quân tử lấy đức Nhân làm bản thể đủ để làm cho con người được trưởng thành, gom góp mọi điều tốt lành đủ để hợp với lễ nghi, phép tắc; làm ích lợi cho mọi vật đủ để điều hòa các điều nghĩa; bền vững chắc chắn đủ để làm gốc các việc. Bậc quân tử thi hành bốn thứ đức ấy, cho nên nói rằng: Càn, Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. (Quẻ Bát Thuần Càn, Văn Ngôn).
Thế thì, theo Nho Giáo, đức Nhân có nền tảng là đức Nguyên trong thiên đạo. Đức Nguyên là năng lực tốt lành của Trời, là đầu mối các điều thiện, thì đức Nhân là năng lực tốt lành của con người. Con người do Trời sinh ra thì đức Nhân của con người cũng thoát thai từ đức Nguyên của Trời. Vì vậy, muốn làm cho con người được trưởng thành ắt phải lấy đức Nhân làm bản thể.
Trong gia đình, năng lực tốt lành của con người hướng về cha mẹ, anh em gọi là nết hiếu, nết đễ. Do đó, Hữu Tử, một môn đệ của Đức Khổng nói: “Quân tử vụ bản; bản lập nhi đạo sinh. Hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bản dư?: Người quân tử chuyên chú vào gốc; gốc lập thì đạo sinh. Nết hiếu đễ phải chăng là gốc của đức Nhân.” (Luận Ngữ: Học Nhi 2).
III.     Đức Nhân: nền tảng của mọi sinh hoạt tốt đẹp.
Vì đức Nhân có nền tảng là đức Nguyên, đầu mối các điều thiện, cho nên tất cả mọi sinh hoạt tốt đẹp của con người, từ các thuần phong mỹ tục cho đến các hành vi văn hóa như lễ nhạc đều có nền tảng là đức Nhân. Do đó, Đức Khổng khuyên người ta hãy chọn xóm có đức Nhân mà ở. Ngài nói: “Lý nhân vi mỹ, trạch bất xử nhân, yên đắc trí?: Xóm có đức Nhân thì tốt đẹp, chọn lựa mà không ở nơi có nhân, sao được gọi là sáng suốt?” (Luận Ngữ: Lý Nhân 1).
Xóm có đức Nhân là nơi có nhiều người nhân hậu cư trú. Ở đó, thường có các thuần phong mỹ tục, có sự yên ổn, không trộm cắp; mọi người sinh hoạt lành mạnh theo đạo lý và cư xử tốt đẹp với nhau. Là người sáng suốt, khôn ngoan thì phải biết chọn lựa nơi cư trú cho mình được sống yên ổn, thảnh thơi, có cơ hội học tập đức Nhân và nhất là cho con cháu mình có một môi trường tốt đẹp, thuận lợi để thăng tiến. Nếu người nào đó không quan tâm đến nơi ở có đức Nhân mà chỉ chọn lựa nơi thuận tiện cho công việc làm ăn, dễ phát triển lợi lộc, đến nỗi sau này gia đình sinh ra hư hốt, thoái hóa, sao có thể gọi là người sáng suốt được?
Về vấn đề hành lễ và tấu nhạc là những hành vi văn hóa trong sinh hoạt của con người, Đức Khổng cho rằng cũng cần có đức Nhân làm nền tảng. Ngài nói: “Nhân nhi bất nhân, như lễ hà? Nhân nhi bất nhân, như nhạc hà?: Người mà không có lòng nhân, hành lễ được sao? Người mà không có lòng nhân, tấu nhạc được sao?” (Luận Ngữ: Bát Dật 3).
Theo quan niệm của Nho Giáo, Lễ không phải chỉ là hình thức lễ nghi bên ngoài; căn bản của Lễ là sự tôn kính, sự từ nhượng ở trong lòng. Cũng vậy, Nhạc không phải là những giai điệu tiết tấu của âm thanh phát ra từ các nhạc khí. Nhạc là sự hòa mục trong lòng, sự hòa mục với tha nhân, với thiên nhiên vạn vật.
Với quan niệm lý tưởng như vậy về Lễ Nhạc, thì Lễ Nhạc là sự phát tiết của tâm tình tôn kính, từ nhượng, hòa mục ra bên ngoài, biểu hiện trên hình thức tương giao và trên cung bậc âm thanh. Thế mà tâm tình tôn kính, từ nhượng, hòa mục chỉ ở con người có đức Nhân. Còn ở người bất nhân chẳng có những tâm tình ấy. Vì vậy, người bất nhân không thể hành lễ đúng nghĩa được, không thể tấu nhạc cho nên được. Người bất nhân dù có hành lễ, đó chỉ là lễ giả dối với những chi tiết rườm rà, nhưng y phục lòe loẹt, những dáng điệu gượng gạo, chứ không phải thực lễ. Người bất nhân dù có tấu nhạc, đó chỉ là sự kết hợp của các nhạc khí; giai điệu âm nhạc chỉ là sự pha trộn các cung bậc bổng trầm một cách rối loạn, chứ không phải thực nhạc. Thực lễ tạo nên niềm tin, tạo nên sự hòa ái sâu xa. Thực nhạc tạo nên niềm an vui, giao cảm tốt lành. Còn lễ nhạc giả dối thiếu đức Nhân làm nền, gây nên sự khó chịu, sự chia rẽ, bất bình, sự khắc khoải, bất an.
Bởi vì đức Nhân là nền tảng của mọi sinh hoạt tốt đẹp, vốn tiềm tại trong lòng mỗi người, cho nên đức Nhân đâu có ở xa xôi gì! Nếu ta muốn Nhân thì Nhân ắt đến lập tức. Trong ý nghĩa này, Đức Khổng nói:
Nhân viễn hồ tai? Ngã dục nhân, tư nhân chí hĩ: Đức Nhân có ở xa chăng? Ta muốn Nhân thì Nhân đến vậy.” (Luận Ngữ: Thuật Nhi 29). Muốn đức Nhân xuất hiện, chỉ cần xoay hướng lòng muốn. Nếu lòng muốn hướng về ngoại vật, chạy đuổi theo những tham vọng thế tục như: tiền tài, sản nghiệp, danh vọng, địa vị, quyền bính, sắc đẹp, tiện nghi vật chất… ắt đức Nhân dần dần bị chôn vùi mất. Phát triển lòng muốn hướng ra ngoại vật, ấy là khuếch đại lòng Tham. Lòng Tham sẽ kéo theo sự sân hận khi lòng Tham không được như ý. Tham và Sân cấu kết khiến cho lòng Si (mê muội) bao trùm tất cả tâm thức con người. Bấy giờ, đức Nhân như nàng Tiên trong huyền thoại ngủ thiếp trong rừng rậm, không thể tỉnh dậy được. Bây giờ, muốn Nhân, người ta chỉ việc giải trừ dần dần những dục vọng hướng ngoại như chặt bỏ những tàn cây rậm rạp trong rừng. Lúc ấy, đức Nhân sẽ tự hồi tỉnh như nàng Tiên được giải mê. Đức Nhân không phải từ đâu đến mà chỉ xuất hiện tại tâm con người. Khi đức Nhân hiển hiện thì Chân lý sẽ tỏa sáng trong người ấy, khiến cho người ấy được an vui và làm bất cứ điều gì cũng trúng đạo.
IV.     Đức Nhân với triết thuyết Tam Tài:
Trong Nho giáo, chữ Nhân là đức Nhân được viết thế này:
 



Chữ Nhân được lập thành bởi bộ Nhân (   ) và chữ Nhị
(      ). Bộ Nhân chỉ thị con người đứng trong không-thời-gian. Chữ Nhị chỉ thị hai tầng ý nghĩa:
*          Ý nghĩa xã hội:
Con người đích thực phải giao hòa tốt đẹp với tha nhân (chữ nhị chỉ thị ta và tha nhân). Giao hòa với tha nhân tức là thân yêu mọi người (thân dân). “Thân dân” là hiện thực cương lĩnh thứ hai trong ba cương lĩnh của sách Đại Học: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện: Đường lối của bậc đại học ở tại làm sáng lên năng lực sáng láng, ở tại thân yêu mọi người, ở tại nhắm tới trọn lành.” (Đại Học: chương Kinh). Ở phần trên, chúng ta đã nói đức Nhân có nền tảng là đức Nguyên theo Kinh Dịch; thế mà đức Nguyên là đầu mối điều thiện, cho nên sống trong đức Nhân chẳng những hiện thực “thân dân” mà còn “chỉ ư chí thiện” nữa.
*          Ý nghĩa siêu hình nền tảng:
Con người đích thực là nơi hội thông nối kết cả hai năng lực: trời và đất (chữ Nhị chỉ thị thiên địa). Để trở nên con người lý tưởng đích thực, ngoài việc thân yêu mọi người, ta còn phải sống thích hợp với qui luật thiên nhiên, ứng hợp với hai năng lực thiên địa, điều phối tốt đẹp hai năng lực thiên địa để xứng đáng trở nên Tài Nhân trong triết thuyết Tam Tài.
Tam Tài là ba tài năng: Thiên Địa Nhân (Trời, Đất, Người).
Tài năng Trời là: năng lực của ánh sáng và dưỡng khí.
Tài năng Đất là: năng lực sinh dưỡng vạn vật (bao gồm đất và nước).
Tài năng Người là: khả năng điều phối tài năng Trời và tài năng Đất để làm cho mọi người, mọi vật được phát triển phong phú, tốt đẹp.
Con người muốn thực hiện được chức năng Tài Nhân phải có tấm lòng bao la yêu thương mọi người, mọi vật với ý hướng tốt đẹp là biến đổi cả xã hội và thiên nhiên trở nên một môi trường thiện hảo. Với cứu cánh lý tưởng hoàn mỹ như thế, con người tồn dưỡng đức Nhân mới trở nên bậc Vương. Bấy giờ chữ Nhân biến thành chữ Vương (bộ Nhân di chuyển vào giữa chữ Nhị biến thành chữ thập nối kết hai nét thiên địa thành chữ Vương).
 






Vương là ông vua, là con người đích thực, tồn dưỡng đức Nhân, hiện thực chức năng Vương đế, thành tựu sứ mạng Con Trời (con Thiên Chúa).
Như thế, đức Nhân có liên hệ mật thiết với triết thuyết Tam Tài. Muốn trở thành Tài Nhân để sánh với Tài Thiên và Tài Địa, con người phải dồi dào đức Nhân, phát huy đức Nhân tối đa.
  V.     Nhà Minh Đường: Thể chế minh triết để thành tựu đức Nhân cao cả
Đức Nhân cao cả đưa con người tiến lên bậc thánh nhân. Đó là điều rất khó khăn; tuy nhiên các tiên vương ngày xưa đã cố gắng tạo nên một thể chế để khuyến khích người ta, nhất là bậc vua quan ở cương vị trị nước, bằng cách minh họa những bước thăng tiến trong việc hiện thực đức Nhân ở mức cao cả. Thể chế đó là xây dựng một ngôi nhà đặc biệt mang ý nghĩa biểu trưng: nhà Minh Đường.
Ý nghĩa và hình thức của ngôi nhà này đã có từ lâu, khoảng trên 2.000 năm trước Công Nguyên. Đời Nghiêu Thuấn gọi nhà đó là Ngũ phủ. Đời nhà Hạ gọi là Thế Thất. Đời nhà Ân gọi là Trùng Ốc. Đời nhà Chu gọi là Minh Đường (ngôi nhà sáng láng); được xây tại chân núi Thái Sơn. Minh Đường gồm có năm căn:


Minh Đường

Thanh Dương
Thái Thất
Tổng Chương

Huyền Đường

-  Căn Bắc: Huyền Đường.
-  Căn Nam: Minh Đường.
-  Căn Đông: Thanh Dương.
-  Căn Tây: Tổng Chương.
-  Căn Trung Ương: Thái Thất.
Ngôi nhà này được bố trí theo mô thức Lạc Thư nhưng đồng thời thể hiện khuôn mẫu Ngũ hành (Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ). Ngôi nhà biểu tượng cho sự thăng tiến tâm thức con người trong đức Nhân, chỉ thị bằng ba bước, tương ứng với ba căn phòng ở giữa: Huyền Đường, Minh Đường, Thái Thất.
Ba căn ở giữa thể hiện triết thuyết Tam Tài: Thiên Địa Nhân.
Huyền Đường: Chỉ thị tâm thức con người bắt đầu bước vào cõi đạo, phát triển đức Nhân, dần dần trút bỏ những tư ý, tư dục của cá nhân, xóa bỏ sự xa cách giữa người với người (ta và tha nhân), tập luyện nhân đức trở nên người quân tử.
Theo sách Luận Ngữ, đây là trình độ của thầy Tử Lộ. Đức Khổng nói: “Do dã thăng đường hĩ; vị nhập ư thất dã: Trò Do (Tử Lộ) đã bước lên nhà (Huyền Đường) rồi; nhưng chưa vào được căn phòng Thái Thất.” (Luận Ngữ: Tiên Tiến 14).
Minh Đường: Chỉ thị tâm thức con người đã sáng tỏ, tiến xa trong đức Nhân, trở nên bậc hiền nhân (trình độ của thầy Nhan Hồi: Nhan Uyên), xứng đáng làm mẫu mực cho thiên hạ, xứng đáng ở chức vụ cai trị đất nước. Bậc này không còn bị thoái chuyển trở lại con người phàm tục nữa.
Trong sách Luận Ngữ, Đức Khổng đã nhận xét về Nhan Hồi bằng những câu sau:
- “Hồi dã, kỳ tâm tam nguyệt bất vi nhân: Trò Hồi, ba tháng lòng không lìa đức Nhân.” (Luận Ngữ: Ung Dã 5).
- “Hiền tai Hồi dã, nhất đan dự, nhất biều ẩm, tại lậu hạng. Nhân bất kham kỳ ưu; Hồi dã, bất cải kỳ lạc. Hiền tai Hồi dã: Đức hạnh thay trò Hồi, một giỏ cơm, một bầu nước, ở ngõ hẹp. Người ta không chịu đựng được lo buồn; trò Hồi thì không đổi niềm vui. Đức hạnh thay trò Hồi.” (Luận Ngữ: Ung Dã 9).
Thái Thất: Chỉ thị con người đã trở nên bậc thánh nhân, tâm thức huyền đồng với Trời (Thượng Đế), trở nên Tài Nhân trong Tam Tài. Con người ở trong căn phòng này là con người đúng nghĩa, con người lý tưởng, có tâm thức siêu việt, đạt tới trình độ phi không–thời–gian. Vào căn phòng này được gọi là “Nhập thất” (vào nhà Thái Thất); người ấy đã đến mức cuối cùng trong chặng đường tiến hóa. Nói theo quan niệm của L.M. Teilhard de Chardin, người ấy đã đạt tới đích điểm Oméga.
Để đạt tới mức này, tâm thức cần đi qua hai căn hỗ trợ là Thanh Dương và Tổng Chương.
Thanh Dương: Thanh lọc tinh luyện tâm hồn.
Tổng Chương: Thấu tỏ vạn vật.
Qua lại hai căn Thanh Dương và Tổng Chương là điều kiện thiết yếu để đạt tới chỗ hội thông “Trời Đất Người” (thiên nhiên và con người).
Các vua nhà Chu thiết kế nhà Minh Đường tại chân núi Thái Sơn với thâm ý rằng nền chính trị phải được đặt nền trên đức Nhân vững vàng như núi. Hiểu được ý nghĩa đó, cho nên Đức Khổng mới nói: “Nhân giả nhạo sơn: Người nhân vui ngắm núi.” (Luận Ngữ: Ung Dã).
*  *   *

Đức Nhân trong Nho Giáo được người xưa quan niệm với một chiều kích cao rộng, có tầm mức từ thấp lên cao, từ gần ra xa. Tuần tự phát triển đức Nhân, người ta có thể từ bỏ con người tiểu nhân tiến lên bậc quân tử, thánh hiền, thậm chí “phối Thiên”. Đức Nhân có thể khiến cho gia đình an vui, xã hội ổn định và nhân loại thái hòa. Với nghĩa phổ thông: “Nhân là yêu người” thì người tầm thường ít học nhất cũng có thể thực hành được; nhưng đạt đến mức cao cả, thì đến Đức Khổng là bậc thầy trong Nho Giáo cũng chưa hiện thực nổi. Tuy nhiên, Kinh Dịch của Nho Giáo có nói tới “Thiên hựu” (ơn Trời). Nhờ Thiên hựu và sự quyết tâm, nhiệt thành của những con người thiện chí, đức Nhân có thể thành tựu trong cõi đời ./.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn