Thiên Chúa Là Tình Yêu

                      .... Thế bác ái Kitô giáo là bác ái gì 
nếu chẳng phải là bác ái của Tin Mừng:
đại đồng, vị tha và quảng đại.
Đức ái được diễn tả như nền tảng của Kitô Giáo
khi Thiên Chúa được Thánh Gioan phát hiện ra
bản chất Tình Yêu của Ngài “ Thiên Chúa là Tình Yêu”
( 1 Ga 4,8).
         
                                                                                         Mary Nguyễn Hòa – MTG Qui Nhơn


Dẫn nhập                                                                               
 C ó lẽ từ rất xa xưa và cho đến ngày nay, tình tương thân tương ái, tình đồng loại đã là một đặc nét của con người: buồn vui có nhau “chia củ sắn lùi, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu”, hay gian nan thì tận tình giúp đỡ nhau vượt qua khốn khó, thử thách. Đó là những tình cảm đạo đức nảy sinh trên những cơ sở, điều kiện môi trường xã hội, hoàn cảnh lịch sử. Nhìn vào dân tộc Việt Nam, tinh thần tương thân tương ái này có nguồn gốc sâu xa từ trong xã hội nông thôn thời nguyên thủy, buổi đầu dựng nước, với một dân tộc có lịch sử nhiều ngàn năm văn hiến, vừa chống chọi với giặc ngoại xâm, vừa  đối diện với sức tàn phá của thiên tai lũ lụt, tinh thần này càng được phát huy và triển nở rộng rãi hơn như chúng ta đã từng thấy trong các vụ tai nạn, bão lụt, động đất..., con người bằng mọi cách thức và phương thế luôn mong muốn và gắng sức làm sao để giúp người, cứu người hết sức có thể. Theo giòng thời gian, những tình cảm thiêng liêng và quý giá này càng được thể hiện rất rõ hơn qua nghệ thuật, qua dòng thơ văn, ca dao dễ đi vào lòng người:
 “Nhiễu điều phủ lấy giá gương
             Người trong một nước phải thương nhau cùng.”
hay
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
            Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
.
Thêm vào đó, với Dân Việt, truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ sinh trăm con cũng hàm ý cho thấy rằng, người Việt Nam từng được cưu mang trong một bào thai, họ xem nhau  là “đồng bào”, như một hình ảnh thật gần gũi, thân thương nhắc nhớ con dân Việt khi nhớ về cội nguồn của mình thì không thể không thực thi tinh thần tương thân tương ái. Những giá trị tinh tế này phải chăng là nền tảng cho lòng nhân ái vốn được triển nở trong nền văn hóa tâm linh của “Chữ Nhân” trong Nho Giáo, “Từ Bi” trong Phật Giáo và “Bác ái” trong Kitô Giáo. Những giá trị nhân sinh này ảnh hưởng và chi phối không nhỏ đến đời sống con người, nên cần có sự nhìn nhận đúng đắn và hiểu rõ để việc thực hành nhân ái giữa người với người không dừng lại ở những tình cảm vật chất, nhưng giúp con người vươn tới tình yêu tuyệt đối siêu việt theo mẫu gương Thầy Chí Thánh Giêsu. 
I.        Một cái nhìn về chữ “ Nhân” trong Nho Giáo, “ Từ Bi” trong Phật Giáo và “ Bác ái” trong Kitô Giáo.
1.  “Nhân” trong Nho Giáo :
Quan niệm “ Nhân” là nội dung cơ bản, tư tưởng chủ đạo của Khổng Tử. Đức Nhân là đức cao quý nhất trong Nho Giáo và là công lao của Khổng Tử. Đức Khổng đề cao và triển khai các góc độ của Đức Nhân qua sách Luận Ngữ. Nhân có nhiều tình cảm rất hậu nên bao hàm Ái, đó là đức Nhân Ái. Trong Luận Ngữ, ta lại bắt gặp chữ “nhân ái” khá nhiều[1] và đức nhân trở thành điều cao quý nhất, thành “nhân sinh chi đạo”. “Nhân” được coi là cái quy định bản tính con người thông qua “ lễ”, “nghĩa”, qui định quan hệ giữa người và người từ trong gia tộc đến ngoài xã hội. Nếu coi các phạm trù đạo đức trong triết học Khổng Tử như những vòng tròn đồng tâm thì “ Nhân” là tâm điểm, bởi nó đã chỉ ra bản chất trong bản tính con người. “Nhân” trong quan niệm của Khổng Tử là “yêu người” (Luận ngữ, Nhan Uyên 21). Coi Nhân là yêu người trong Luận ngữ, Khổng Tử đã dành không ít lời để nói về Đạo làm người. “Nhân là nhân giả, ái nhân”, nghĩa là thương người (Khổng Tử trả lời Phàn Trì), “Nhân” là coi người như mình, cái gì không muốn thì đừng làm cho người khác “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”, Khi Nhan Uyên hỏi Khổng Tử về “Nhân”, Khổng Tử đã nói : “Sửa mình theo lễ là nhân. Ngày nào cũng khắc kỷ phục lễ, ngày đó mọi người trong thiên hạ tự nhiên cảm hóa mà theo về đức nhân. Vậy nhân là do mình, chớ há do người sao?” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 1).
Nhân còn được nói đến là “Hiếu”, là nuôi nấng, chăm sóc cha mẹ đồng thời tỏ lòng kính trọng, yêu thương cha mẹ hết mực. Nhân còn được đề cập là lòng cảm thông với mọi người, không phân biệt chủng tộc, giống nòi, ngôn ngữ, quốc gia. Đạo nhân phải vượt qua biên giới, kỳ thị, ngăn cách để trở thành: Tứ hải giai huynh đệ. Nhân ái là thương mọi người, không loại trừ một ai. Nhân là gốc rễ dẫn đầu các đức khác, đặc biệt trong Ngũ Thường: Nhân , Lễ, Nghĩa, Trí, Tín vẫn luôn luôn được đề cao và vẫn có giá trị cải thiện nhân sinh và thăng tiến phẩm giá con người.
2. “Từ bi” của Phật Giáo
Dẫu xây chín đợt phù đồ
           Không bằng làm phúc cứu cho một người
“Từ Bi” của Phật Giáo thực chất là lòng thương người rộng lớn, vị tha, vì người khác, không kể đó là ai. Lòng yêu thương nói trên không thuộc lãnh vực đam mê, bởi đam mê là ham muốn, mà Phật Giáo chống lại ham muốn. Lòng từ bi này không hướng về một số người giới hạn nhưng mở rộng đến mọi người, ngay cả đến mọi sinh linh trên cõi thế. Người có lòng từ bi đối với chúng sanh không phân biệt kẻ oán người thân, phải đến với họ bằng tâm từ bi, tâm thương yêu chân thành và tâm thông cảm. Từ bi nói trên cũng đặt trên nguyên tắc bất di bất dịch của Phật Giáo là tôn trọng,  bình đẳng giữa mọi tạo vật, coi mọi chúng sinh như nhau, không phân biệt bạn- thù hay thân-sơ, giai cấp, địa vị, tính tình… Điều quan trọng là làm thế nào“ giải thoát chúng sinh” ra khỏi vòng luân hồi bất tận của Phật Giáo. Đức Phật nói: “Tiếng kêu đau thương của thế giới xé rách màng tai, lòng Từ Bi của ta chỉ muốn xóa bỏ những cảnh khổ đau của nhân loại”. Đây cũng là một lối đi riêng nhưng vẫn dẫn vào khu vườn chung của nhân loại, khu vườn mà tiếng khóc nhiều khi lấn át tiếng cười “ Nước mắt chúng sinh trong ba ngàn thế giới góp lại còn nhiều hơn nước đại dương” ( Lời Phật). Hòa thượng Thích Thiện Hoa định nghĩa: “Từ nghĩa là thương yêu, là làm vui cho người và vật; Bi là thương xót người hay vật, khi thấy họ đau khổ gặp hoạn nạn, và cố cứu họ ra khỏi hoàn cảnh ấy. Từ thuộc phạm vi tích cực (làm thêm vui); Bi thuộc phạm vi tiêu cực (trừ cái khổ)” [2]
Từ bi là bất chấp ngã, không bám víu vào cái “ngã” mà hướng về cái “tha”, biểu hiện bằng sự hy sinh cứu vớt. Đại thừa chủ trương từ bi vô lượng, không giới hạn số sinh linh như đối tượng, cũng như không giới hạn hy sinh về phía mình: người lành thánh hay bồ tát không thể không làm hết cách để cứu chúng sinh khỏi luân hồi nghiệp quả. Lại không chỉ cứu vớt thiêng liêng thôi, mà cứu vớt thể xác nữa: cho kẻ đói ăn, nâng đỡ và cứu vớt kẻ bất hạnh. Cứu vớt dù cho vì thế phải hy sinh. Quả thật, Phật Giáo quen nói đến tứ vô lượng tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Từ bi đi đôi với Hỷ xả. Hỷ nhắm đến sự an định và an lạc sâu xa, vui với hạnh phúc của tha nhân. Xả: bỏ đi, không quyến luyến, vấn vương[3].
Trong sách Cốt Tủy của Tâm kinh Dalai Lama có viết:
Theo quan điểm Phật Giáo, từ bi là nguyện vọng, trạng thái của tâm thức muốn người khác thoát khỏi khổ đau. Nó không tiêu cực, không là sự đồng cảm cô đơn, hơn là hành động cảm thông vị tha, hành động phấn đấu nhằm giải thoát khổ đau cho người khác. Từ bi thật sự phải hội đủ hai yếu tố: trí tuệ và tình thương. Điều này muốn nói rằng: người hiểu biết về bản chất khổ đau mới có ước muốn giúp người khác thoát khổ, đây là trí tuệ, phải có kinh nghiệm sâu sắc về khổ đau mới thật sự cảm thông với tha nhân, đây là tình thương”.
Như thế, từ bi không còn thuộc lãnh vực của Luật nữa mà là Pháp (nền tảng hay nguyên tắc, giáo lý căn bản) mà mỗi một người Phật tử cần phải thực thi trong cuộc đời của mình.
3. “Bác ái” trong  Kitô Giáo
Nếu Nho Giáo nhấn đến “Nhân” là gốc rễ cho những giá trị nhân sinh của con người, Phật Giáo Đại Thừa nhấn vào “Từ Bi” như nền tảng căn bản Phật Pháp, thì Kitô Giáo nhấn vào “Đức Ái”. Tâm lý triết học chia bác ái ra làm nhiều loại: bác ái đối chác, theo nghĩa “bánh ít đi, bánh qui lại”; bác ái ngân hàng là bác ái kiểu cho vay lấy lãi một cách sòng phẳng; bác ái vị tha là bác ái hoàn toàn cho đi vô vị lợi, bác ái quảng đại tức là biết sẵn sàng trao ban hơn cả những gì mà đối tượng chờ đợi.... Thế bác ái Kitô Giáo là bác ái gì nếu chẳng phải là bác ái của Tin Mừng: đại đồng, vị tha và quảng đại. Đức ái được diễn tả như nền tảng của nhân bản Kitô Giáo khi Thiên Chúa được Thánh Gioan phát hiện ra bản chất Tình Yêu của Ngài “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 8). Không phải Ngài chỉ yêu và yêu đến vô tận, một cách dị thường, mà Ngài là chính sự yêu thương, bản chất là yêu thương. Có thể nói rằng, Tin Mừng Đức Giêsu mang đến để dạy cho muôn dân được cứu rỗi và được sống muôn đời được thâu tóm trong 2 điều quan trọng là mến Chúa yêu người. Bản chất của bác ái là Đức Mến, một trong ba nhân đức đối thần. Khi người Kitô hữu thực thi bác ái thì chính là thể hiện đức mến trong đời sống mình.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy: “Đức mến là một nhân đức đối thần làm cho ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và vì bản thân Ngài, và yêu thương tha nhân như bản thân ta vì lòng mến Thiên Chúa” ( GLCG số 1822). Thật vậy, “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”. ( 1Cr 13,13). Vì cội nguồn tuyệt đối của đức yêu thương là chính bản chất của Thiên Chúa tối cao, con người là đối tượng của Tình Yêu phát sinh từ Thiên Chúa, Đức Giêsu đã “nhập thể và nhập thế” vì Tình Yêu, sống vì Tình yêu và chết cũng vì tình yêu.; Đấng vì yêu nhân loại vô vị lợi, tạo dựng và cứu chuộc con người bằng việc tự hiến thân mình làm hy tế dâng lên Chúa Cha đền thay nhân loại. Để có được tình yêu vị tha hoàn toàn đó, con người phải được cải biến từ gốc đến ngọn, đón nhận ân sủng đến với mình để kêu lên “Abba, Cha ơi” (Rm 8, 15). Nơi Đức Kitô, con người trở thành con Cha cũng là nơi tiếp nhận Tình Yêu Đức Kitô để yêu Cha và yêu anh em mình trong Cha: không có yêu Chúa nếu không yêu anh em.
Thiên Chúa là tình thương tuyệt đối, nên yêu thương, bác ái là tiêu chuẩn, thước đo Thiên Chúa dùng để phán đoán con người. Đức ái không dừng lại chỉ ở việc yêu thương những người có thiện cảm, những người mình yêu thương nhưng là yêu thương và cầu nguyện cho cả những người nằm trong đối tượng là kẻ thù, như thế mới xứng đáng là “con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” ( Mt 5, 45).
Phải chăng theo quan niệm như người Do thái? Anh em tôi là người thân, là người đồng bào, là người đồng hương. Với Chúa, anh em tôi là tất cả mọi người: là người ngoại bang Samaria, là người đàn bà ngoại tình, là người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp, là những  người đất Canaan, là tất cả mọi người… Vì Thiên Chúa là Đấng tha thứ mãi mãi, Đấng không bao giờ nhớ hoài sự lỗi của con người, nên tuyệt đối không có sự hận thù, ghen ghét, mà phải là lòng khoan dung, tha thứ vô điều kiện và giới hạn “Thầy không bảo là tha đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” ( Mt 18, 21-22). Chính Chúa Giêsu đã nên gương mẫu đức ái khi Ngài yêu thương và cầu nguyện cho cả kẻ sỉ nhục và đóng đinh Ngài “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” ( Lc 23, 34). Đức ái cũng mời gọi không lên án, xét đoán tha nhân.
 Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy chi anh em. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?”( Mt 7, 1-3).
II. Linh đạo Bác ái Kitô Giáo
    1. Nền tảng bác ái Kitô Giáo
Thiên Chúa là Tình Yêu”( 1Ga 4, 16), nguồn mạch phát sinh tình yêu thương và lòng bác ái Kitô Giáo. Nền tảng Tình Yêu này được xây dựng trên một gương mẫu sống động và cụ thể đó là Đức Giêsu. Ngài không chỉ là 1 bậc thầy tư tưởng, 1 guru, một kinh sư hay một tiên tri. Ngài hội đủ những tư cách ấy và còn hơn thế nữa. Ngài hành xử khác hẳn những bậc thầy tâm linh trước hoặc sau Ngài. Ngài không những thuyết giáo về Tình Yêu Thiên Chúa, mà Ngài còn là chính Tình Yêu. Ngài đến khai mở bộ luật: luật yêu thương của Kitô Giáo với chuẩn mực độc đáo và siêu vượt chưa từng có đến nay. “ Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” ( Mt 22, 39); “ anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Một khi đã được bắt nguồn từ Thiên Chúa, mọi cái phát xuất từ Thiên Chúa dĩ nhiên mang tính chất hoàn hảo. Trong Đức Kitô, đức bác ái Kitô Giáo có tính chất toàn diện vì tóm gọn hết mọi lề luật khác, con người không còn sống theo luật lệ hình thức bên ngoài, hay những điều trói buộc tự do, ý chí và làm chết nghẹt sự phát triển nhân cách con người, nhưng giờ chỉ còn một điều luật độc nhất là yêu mến Thiên Chúa và thương yêu tha nhân như chính bản thân mình.
Bác ái là yêu giống như Chúa yêu. Thiên Chúa là “ lòng mến”, Thiên Chúa là “ Tình Yêu”. Ai yêu thương thì sinh bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa. Nếu chúng ta không yêu thương, thì chúng ta không biết Thiên Chúa và không có sự sống đời đời. Khởi đi từ cuộc gặp gỡ Đức Kitô, con người có thể trao ban tình yêu này cho anh chị em đồng loại qua việc bác ái vì “ tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi”( 2 Cr 5, 14). Vì thế cách nhìn của người môn đệ Đức Kitô về người khác không chỉ xuất phát từ tình cảm tự nhiên, nhưng giúp họ khám phá ra hình ảnh Thiên Chúa nơi những người mình phục vụ, mỗi nhân vị là hình ảnh Thiên Chúa tốt đẹp và sống động “ chỉ có việc phục vụ tha nhân mới mở mắt cho tôi thấy điều Thiên Chúa làm cho tôi và Người đã yêu tôi như thế nào”.[4] Mọi hoạt động bác ái của con người cũng bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa và quy hướng về Thiên Chúa. Như thế, hoạt động bác ái mới có giá trị thật sự và tồn tại muôn đời. [5]
        2. Những mẫu gương đã sống theo Linh đạo Kitô Giáo
Trong lịch sử Giáo Hội Công giáo, ngoài con đường của Đức Kitô, nhiều vị Thánh Nhân đã đi theo con đường của Chúa để sống đức ái với tha nhân: một thánh Martinô đã chia áo choàng của mình cho một người nghèo hay việc phục vụ bác ái đối với tha nhân, Phanxicô Assisi, Inhaxio Loyola, Gioan Thiên Chúa, Vinh Sơn Phaolô, và một vị nổi tiếng trong thời đại ngày nay là Mẹ Têrêsa Calcutta, là những mẫu gương danh tiếng về bác ái xã hội cho mọi người thiện chí. Chính đời sống của các ngài là những dấu chứng hùng hồn của một con người vui với người vui, khóc với người khóc, cảm thông, chia sẻ cho những ai cần đến mình, nâng đỡ cho những anh em bần cùng, đói khổ, những người bị bỏ rơi, những người bị gạt ra bên lề xã hội, những người thấp bé đang bị các thế lực bạo tàn, cường quyền áp đặt. Các thánh nhân là những người đích thực mang ánh sáng của lịch sử, là những con người của đức tin, hy vọng và tình yêu phản chiếu khuôn mặt yêu thương của Đức Kitô với con người.
1.     Đức ái trong cộng đoàn
Yêu thương là hành vi của trái tim, nên cần khởi sự trong tâm tình. Chưa có tâm tình yêu thương thì đừng nói gì đến đời sống bác ái. Trong đó, mức độ tối thiểu để có tâm tình yêu thương là chấp nhận con người tha nhân. Đời tu sẽ không phát  triển đầy đủ nếu mỗi người không thực thi đức ái. Trong đời Dâng Hiến, cộng đoàn là nơi đức ái được biểu lộ cách rõ nhất. Bước vào đời sống cộng đoàn, chúng ta sẽ gặp không ít khó khăn như tính cách, sở thích mỗi người khác nhau, không hợp nhau, cần có một đời sống khiêm nhường, bác ái, chấp nhận và chịu đựng lẫn nhau, giúp nhau vượt qua những khó khăn, thử thách, chia ngọt, sẻ bùi cho nhau để vượt lên chính mình, nếu không mỗi cá nhân sẽ sống khép kín trong vỏ bọc của mình, khó hòa nhập với cuộc sống chung. Thử có một cái nhìn vào cộng đoàn các Tông Đồ do chính Chúa Giêsu gọi và chọn, trước khi làm công việc chọn gọi này Chúa cũng trải qua thời gian cầu nguyện, nhưng đâu có ai là hoàn hảo hết, vẫn còn đấy những khiếm khuyết, bất toàn, kể cả Phêrô. Cái nhìn này giúp ta thoát khỏi những ảo tưởng về một cộng đoàn hoàn hảo, những con người lành thánh để không cảm thấy hụt hẫng và giảm sút nhiệt huyết, tinh thần tu trì của ngày nào. Phải chân nhận mà nói để nhận diện được đức bác ái và thực thi cho trọn hảo quả không đơn giản.
Bác ái là “đừng tỏ ra là người xa lạ với nhau, đừng dửng dưng về số phận của anh chị em mình”, nhưng cần có thái độ quan tâm đến anh chị em bằng mở rộng đôi mắt trước nhu cầu của tha nhân: nhạy bén để nhận ra ước muốn của họ về thể lý, luân lý và tinh thần “điều thiện là điều khơi dậy, bảo vệ và thăng tiến sự sống, tình huynh đệ và sự hiệp thông[6]. Làm thế nào để mỗi thành viên trong cộng đoàn cảm nhận được nơi đây là gia đình đích thực, được nâng đỡ và yêu thương, thấy được sự hiện diện của Chúa ở giữa cộng đoàn, đặc biệt nhận ra Chúa qua lối sống và lối cư xử với nhau. Thế nhưng, lắm lúc những thái độ đó lại được chúng ta sử dụng cách tinh vi bằng những lời biện hộ hay che đậy bằng vẻ tôn trọng “ đời tư” của người khác để cho phép mình dửng dưng, lạnh nhạt với tha nhân. Một điều luôn làm thao thức biết bao người có trách nhiệm khi càng ngày càng thấy con người đang dần dần thiếu mất cái nhìn nhân đạo và yêu thương. Phải chăng sự giàu có vật chất cũng như khuynh hướng đặt lợi ích và các vấn đề của mình lên mọi thứ khác đang chiếm nhiều ưu thế và nhiều thời gian khiến con người không còn thời giờ dành cho nhau.
Một vấn đề cũng liên quan đến đức ái trong cộng đoàn là sửa lỗi cho nhau. Quả thật, đây là vấn đề khá tế nhị, Đức Thánh Cha Benedicto XVI trong sứ điệp Mùa chay 2012 cũng đã nhắn nhủ: “Trong thế giới chúng ta bị thấm nhiễm xu hướng cá nhân chủ nghĩa, cần phải tái khám phá tầm quan trọng của sự sửa lỗi huynh đệ, để cùng nhau tiến bước về sự thánh thiện”. Ngài nhắc nhở người sửa lỗi cũng như kẻ được sửa lỗi : “Tất cả chúng ta đều yếu đuối và bất toàn (x. 1 Ga 1, 8), nên thật là một việc hữu ích khi chúng ta giúp đỡ kẻ khác và để kẻ khác giúp đỡ ta, để mọi người chúng ta có thể thấy rõ tất cả sự thật về bản thân, cải tiến đời sống mình và tiến bước ngay thẳng trên con đường của Chúa.”
Thực chất đời sống người môn đệ là cuộc hoán cải không ngừng để trở nên hoàn thiện, có ai dám cho rằng mình sinh ra đã thành thánh, không cần nỗ lực sửa đổi và tập luyện để ngày nên hoàn thiện như Cha trên trời mời gọi“Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.” ( Mt 5, 48). Việc sửa lỗi bác ái và chân thành không phải là khiển trách hay lên án kết tội “Ta không lên án chị đâu! Chị hãy về bình an, và đừng phạm tội nữa!" (Lc 6,11), cũng không ém nhẹm hay che giấu những lỗi lầm công khai hay kín đáo của anh chị em trong cộng đoàn nhưng một cách nào đó gặp gỡ, góp ý, sửa sai với tình yêu thương và ước muốn người anh em hoán cải thật sự và được biến đổi chứ không ngoài ý tưởng đen tối nào khác. Qua đó, chúng ta xác tín rằng tâm tư của Đức Kitô không như người thế gian luôn khép kín, xét đoán...để rồi gạt bỏ đức ái bên lề đường cuộc sống. Điều này thật đáng cho chúng ta phải suy tư và phải xét lại khi chúng ta có những cái nhìn về người khác.
Mặt khác, việc hoàn thiện cá nhân hay tập thể cũng không loại trừ khỏi đặc tính liên đới, bởi sự thăng tiến đời sống thánh thiện của từng cá nhân trong cộng đoàn cũng cần có sự cộng tác và trách nhiệm của mọi người trong cộng đoàn. Mỗi thành viên có trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ trong cộng đoàn, cộng đoàn thăng tiến thì hành trình ơn gọi mỗi người sẽ tiến triển trong sự thánh thiện. Bên cạnh đó, Đức ái chỉ được lớn lên khi chúng ta sống trong sự thật. Cộng đoàn là nơi sự thật ngự trị. Đức ái và sự thật luôn luôn gắn liền với nhau. Không có yêu thương thật sự, chúng ta sẽ sống giả dối, dùng những vỏ bọc để sống với nhau. Thánh Phaolô nói: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ, anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành, thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình, nhiệt thành không trễ nải.” ( Rm 12, 9-10)
Cộng đoàn là nơi Thiên Chúa hiện diện: “Hai hay ba người trong anh em hợp lại cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy Đấng ngự trên trời sẽ ban cho.” ( Mt 18, 19), cộng đoàn này phải  là nơi diễn tả sự hiệp nhất của Cộng đồng Ba Ngôi, cộng đoàn này phải là nơi an ủi, vồ về cho chị em khi gặp buồn phiền, chán nản hay những thất vọng trong đời Dâng Hiến và công tác mục vụ, cộng đoàn này phải là nơi bênh vực sự thật, bênh vực nhân phẩm con người, nơi tha nhân cảm thấy được chữa lành cả xác và hồn, nơi mà con người cảm thấy được yêu thương, quan tâm, lo lắng, thấy được tôn trọng, được chấp nhận, được kính trọng, được khích lệ để vươn lên trong cuộc sống, là nơi tha nhân tìm thấy được sự giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần. Đặc biệt, việc tìm kiếm vẻ kiều diễm của Thiên Chúa thúc giục những người thánh hiến lưu tâm đến dung nhan của Chúa Kitô bị biến dạng trên gương mặt của anh chị em mình, những gương mặt tiều tụy vì đói khát, những gương mặt thất vọng vì những lời hứa chính trị, những gương mặt tủi hổ của kẻ nhìn thấy nền văn hóa của mình bị khinh miệt, những gương mặt kinh hoàng vì bạo lực mù quáng, những gương mặt trẻ thơ bị hành hạ, những gương mặt phụ nữ bị xúc phạm và bị lăng nhục, những gương mặt mệt mỏi của các người di cư không được ân cần tiếp đón… Như vậy, đời thánh hiến, nhờ ngôn ngữ của các việc làm, chứng tỏ rằng tình yêu Thiên Chúa là nền tảng và là động lực của tình yêu nhưng không và tận tụy.[7]
Nhận định
Sau khi đã thử có cái nhìn về lòng nhân ái trong “Nhân” của Nho Giáo, “Từ Bi” của Phật Giáo, “ Bác ái” của Kitô Giáo, đã cho chúng ta nhận thấy những tư tưởng này được đặt trong mối tương quan với nhau, tất cả đều hướng con người đến lòng nhân ái, cảm thông và yêu thương con người trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, cũng vẫn là việc yêu thương còn quy về con người “quy nhân”, mà trong Đức ái Kitô giáo sẽ có những nét dị biệt với các tôn giáo khác trong việc thực thi bác ái. Dù không dám làm cuộc so sánh nhưng cũng có thể nhận ra được rằng Đức ái Kitô Giáo không dừng lại ở việc thương người theo những tình cảm đạo đức bình thường nhưng đưa con người vươn đến sự hiệp thông thần linh với tình yêu Thiên Chúa, chắc chắn các hành vi nhân nghĩa này được nâng lên bằng thái độ hướng Thượng, “quy Kitô”, đưa anh em mình lên giá trị nhân sinh cao hơn, hoàn thiện hơn. Có thể nói, chỉ có nơi Đức Giêsu, lòng nhân ái hay lòng yêu thương con người mới được trọn vẹn và đồng hóa với Tình Yêu Thiên Chúa.




[1] Luận Ngữ có khoảng 58 chỗ đề cập quan niệm về nhân và có tất cả 109 chữ  nhân.
[2] Tám quyển sách quý – NXB T.p HCM, 2000, tr.530
[3] x. Thích Minh Châu, Từ điển Phật Học Việt Nam.
[4] x. Deus est Caritas, số 18
[5] x. Vat. II, Gaudium et Spes, số 39
[6] Sứ điệp Mùa Chay năm 2012 của ĐTC Benedicto XVI
[7] ĐTC Gioan  Phaolô II, Tông Huấn Đời sống Thánh Hiến, tr. 155.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn