Gia Đình Là Một Nhà Nguyện Nhỏ

Ngày hôm nay, 

giữa trăm ngàn hình thức khủng hoảng các giá trị văn hóa, đạo đức và tâm linh bị lâm vào cảnh tứ bề thọ địch: 
kẻ thù “tục hóa”, kẻ thù “cào bằng tôn giáo”, 
kẻ thù “mất cảm thức tội lỗi”, và kẻ thù “đa nguyên cứu độ”, cộng đoàn Kitô hữu vẫn có lý do chính đáng 
để vẫn hy vọng vào một tương lai huy hoàng 
nhờ biết dựa vào sức mạnh sống đức tin và thực thi đức ái một cách kỳ diệu của “Hội thánh tại gia”. 

Lm. P.X. Nguyễn Văn Nhứt, OP.
Trong những ngày đầu của Hội thánh tại Giêrusalem, “nghe giáo huấn của các tông đồ, cử hành lễ Bẻ Bánh - một danh xưng khác của Thánh Lễ Tạ Ơn - và liên tục cầu nguyện” là hoạt động chính của các Kitô hữu.[1]
Trong bầu khí vui mừng, phấn khích cực độ do Mầu Nhiệm Phục Sinh mang đến, ai nấy đều gác bỏ mọi bận tâm cơm áo, bạc tiền thường nhựt - những thứ lo âu chộn rộn vốn bị coi là đặc trưng của con người trần tục - để chỉ chăm lo “một việc cần thiết”.[2] Theo bối cảnh lúc bấy giờ, “việc cần thiết” được hiểu là biến cố Chúa Kitô sắp trở lại trong phút chốc.  Khắp Hội thánh vang lên lời kêu gọi của Thánh Phaolô: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến.”[3]
Tuy nhiên, một thực tế lịch sử và xã hội thời bấy giờ là các Kitô hữu chưa có được tổ chức nhân sự, cơ chế đoàn thể, và cơ sở vật chất riêng biệt của họ cho các sinh hoạt thờ phượng. Phần lớn việc tập họp nghe đọc và giải thích Sách Thánh, cũng như việc cầu nguyện, đều phải nhờ vả hội đường của người Do Thái,[4] và Kitô hữu cũng thường lên Đền Thờ Giêrulem cầu nguyện.[5]  
Trong ánh mắt dò xét tin ít ngờ nhiều của giáo quyền và xã hội Do Thái thời bấy giờ, cộng đoàn Kitô hữu vẫn không tỏ ra một triệu báo nào gây quan ngại cho tôn giáo chính truyền của dân tộc. Các nhà giảng thuyết Kitô hữu thậm chí còn được phép sử dụng diễn đàn cửa các hội đường,[6] và nhiều lần còn được thẩm quyền hội đường chính thức mời phát biểu.[7] 
Mặc dầu chưa hoàn toàn thoát ra khỏi cái khung văn hóa và xã hội truyền thống của người Do Thái, thế hệ Kitô hữu đầu tiên vẫn xây dựng một nét đặc trưng của cộng đoàn Hội thánh, đó là việc cử hành lễ Bẻ Bánh nhứt thiết phải diễn ra tại tư gia của Kitô hữu,[8] chứ không thể tại một hội đường Do Thái, càng không thể thực hiện trong Đền Thờ Giêrusalem. Tại sao? Có hai lý do: một là vì giáo quyền Do Thái không bao giờ cho phép một nghi thức ngoại đạo nào được cử hành trong hội đường của họ; hai là giáo lý Kitô Giáo về tính thánh thiêng của Thánh Lễ và việc hiệp thông Bí Tích Thánh Thể chỉ dành riêng cho tín hữu đã được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.
Không ai được phép ăn hoặc uống Thánh Thể Tạ Ơn này, trừ phi đó là những người đã được thánh tẩy nhân Danh Chúa, bởi vì chính Chúa đã dạy về vấn đề này khi Người phán: “Chúng con đừng trao điều thánh thiêng cho loài khuyển”.[9]
Việc cử hành nghi thức Bẻ Bánh tại tư gia Kitô hữu càng lúc càng được tổ chức phong phú về hình thưc và hoàn thiện về nội dung. Về hình thức, một bộ nghi lễ hình thành, quy định lời đọc và cử điệu của vị chủ sự, của các vị phụ lễ, và của cộng đoàn.
Lúc chạm đến Thánh Thể Tạ Ơn, con hãy dâng lời tri ân như thế này. Trước hết, dành cho Chén Thánh: “Lạy Cha chúng con, chúng con tạ ơn Cha vì rượu thánh của con Cha là Đa-vít, rượu thánh Cha tiết lộ cho chúng con thông qua Chúa Giêsu là Thánh Tử Cha.  Vinh quang thuộc về Cha muôn thuở muôn đời”.   
Rồi đối với tấm bánh đã bẻ ra: “Lạy Cha, chúng con tạ ơn Cha, vì ơn đời sống và hiểu biết Cha đã chỉ dạy cho chúng con nhờ trung gian Chúa Giêsu Thánh Tử của Cha. Vinh quang thuộc về Cha muôn thủa muôn đời. Vì tấm bánh đã bẻ ra này được phân tán trên khắp núi đồi, và được thu góp vào vương quốc của Cha từ khắp mọi chân trời góc biển. Vì vinh quang và uy quyền thuộc về Cha nhờ Chúa Giêsu Kitô muôn thủa muôn đời.[10]  
Trong phần hình thức, trang trọng hơn cả là việc công bố bài tường thuật Chúa Kitô đã cử hành Bữa Tiệc Ly và giảng dạy ý nghĩa việc hiệp thông với Mình và Máu Chúa ra sao.[11] Về nội dung, giáo lý về Hiện Diện Đích Thực của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể được triển khai sâu rộng hơn, dẫn tới những quy định nghiêm cẩn trong việc tôn kính Thánh Thể và Thánh Lễ.  
Vào đúng Ngày Của Chúa, xin anh chị em quy tụ lại với nhau để bẻ bánh và dâng lời tạ ơn. Trước tiên, anh chị em hãy xưng thú những lỗi phạm của mình, có như vậy lễ tế của anh chị em mới được tinh tuyền. Không một ai đang còn có chuyện cãi vã với người đồng đạo được phép tham dự, cho tới khi phải hòa giải với nhau trước đã, có như thế lễ tế của anh chị em mới không bị hoen ố, bởi vì đây chính là lễ tế Chúa đã từng dạy: “khắp mọi nơi mọi lúc các con phải dâng lên Ta một lễ tế tinh khiết, vì Ta là Đức Vua vĩ đại, và Danh Ta thật diệu kỳ giữa muôn dân muôn nước.”[12]
Qua những chứng từ lịch sử vừa trích dẫn,[13] việc cử hành Bẻ Bánh bao gồm việc huấn giáo cho anh chị em dự tòng và tân tòng, đào sâu đạo lý đức tin cho các tín hữu, hướng dẫn thực hành các nghi thức phụng tự. Tất cả những công việc rất thiết yếu của đời sống Hội thánh đều diễn ra tại tư gia các Kitô hữu.  
Ngoài ra, khi tụ họp tại một tư gia mỗi Chúa Nhựt, các tín hữu còn có dịp thực thi nghĩa cử bác ái huynh đệ, chia sẻ cho nhau phước lộc vật chất Chúa ban, để không ai bị lâm cảnh túng cực.[14] Có trường hợp gia chủ còn hào phóng đến nỗi chẳng những thường xuyên tiếp đón các đồng đạo tụ họp sinh hoạt  tôn giáo, mà còn tài trợ cơm ăn áo mặc cho nhiều người trong cộng đoàn.[15] Sự kiện này mặc nhiên nói lên mối dây liên kết của cộng đoàn những tín hữu hiểu biết nhau, thân quen nhau, tín nhiệm nhau, vượt qua thói thường thiên hạ ưa câu nệ, sĩ diện, giữ kẽ với hàng xóm, với người ngoài, sợ chê cười, dị nghị, để có thể thực hiện nghĩa cử tương thân tương trợ như anh chị em trong một gia đình.
Nét độc đáo khác nữa trước con mắt người ngoại cuộc, đó là tất cả mọi tín hữu đều cùng nhau tham dự một Bữa Ăn agape vui tươi và đượm thấm nghĩa tình, trước khi chính thức cử hành Bữa Tiệc Của Chúa.[16] Có lẽ tập tục này phát sinh từ một nhu cầu rất thực tế. Như đã trình bày, với bao nhiêu sinh hoạt vừa tôn giáo vừa bác ái xã hội dồn dập, sôi nổi, cuộc họp cộng đoàn mỗi Chúa Nhựt phải kéo dài hầu như, chí ít, trọn cả một ngày.[17] Do đó, không thể không nghĩ đến việc cơm nước bồi bổ sức khỏe cho cả chủ chăn lẫn đàn chiên. Trong khi cánh thiện nam quay quần bên ấm trà, cùng vị mục tử bàn bạc kế hoạch truyền giáo, công tác mục vụ của cộng đoàn, thì nhóm tín nữ khéo léo trổ tài gia chánh, chuẩn bị bữa cơm Agape.  Phía trong, tại một gian phòng thoáng rộng, lớp giáo lý dành cho thanh thiếu niên rộn rã tiếng hỏi thưa kinh bổn, hoặc lời ca tiếng nhạc du dương của nhóm thanh niên thiếu nữ ôn tập các thánh vịnh thánh ca cho cuộc cử hành Lễ Bẻ Bánh.
Đó là những nét phác họa tuyệt đẹp của “Hội thánh tại gia”[18] từ những ngày đầu của Kitô Giáo.
Tuyệt đẹp bởi vì “Hội thánh tại gia” là nơi mọi thành phần Kitô hữu, giáo sĩ và giáo dân, nam và nữ, giàu và nghèo, trí thức và bình dân, đều chung vai sát cánh trong việc phụng thờ Thiên Chúa trong cùng một đức tin và phục vụ lẫn nhau trong tình bác ái huynh đệ.
Tuyệt đẹp bởi vì “Hội thánh tại gia” là nơi mọi khác biệt văn hóa, xã hội, màu da, ngôn ngữ không còn là lý do cản trở cộng đoàn Kitô hữu sống và làm việc với nhau như anh chị em trong một gia đình.
Tuyệt đẹp vì “Hội thánh tại gia” đem lại cho mọi tín hữu Chúa Kitô cảm nghiệm ứng trước về cuộc sống mai sau trên Nước Trời, nơi muôn dân, muôn nước sẽ chỉ còn chung một ngôn ngữ để cùng chung tiếng chung lòng chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa.
Tuyệt đẹp bởi vì “Hội thánh tại gia” là hạt giống bền bỉ, mãnh liệt sức sống, kiên trì chịu đựng bao thời tiết khắc nghiệt nhứt của thế lực ác tà thù nghịch với Tin Mừng Chúa Kitô, âm thầm ẩn dật trong cơn thử thách dữ dội, để rồi hiên ngang vươn dậy, nẩy mầm, đươm hoa kết trái vô cùng sung túc.
Thật vậy, nhờ sức mạnh tiềm tàng của “Hội thánh tại gia” mà sau ba trăm năm chịu đàn áp, triệt hạ, truy sát dưới bàn tay sắt của Đế Quốc Rôma, Hội thánh vẫn có thể bật dậy như truyền thuyết chim phượng hoàng tái sinh từ đống tro tàn.[19]
Cũng chính vì nhờ có sức sống dai bền của “Hội thánh tại gia” nên cho dầu bị đàn áp, tù đày bất công và giết hại dã man dưới các triều đại vua chúa thù nghịch, các chế độ duy vật vô thần tàn ác, Hội thánh chẳng những có thể sống sót, mà còn tiếp tục hiện diện như chứng từ về Tình Thương tha thứ và hòa giải của Thiên Chúa.
Ngày hôm nay, giữa trăm ngàn hình thức khủng hoảng các giá trị văn hóa, đạo đức và tâm linh, bị lâm vào cảnh tứ bề thọ địch: kẻ thù “tục hóa”, kẻ thù “cào bằng tôn giáo”, kẻ thù “mất cảm thức tội lỗi”, và kẻ thù “đa nguyên cứu độ”, cộng đoàn Kitô hữu vẫn có lý do chính đáng để vẫn hy vọng vào một tương lai huy hoàng nhờ biết dựa vào sức mạnh sống đức tin và thực thi đức ái một cách kỳ diệu của “Hội thánh tại gia”. 
Công Đồng Vatican II tiết lộ bí quyết của niềm hy vọng nói trên:
Nhờ sức mạnh của Bí Tích Hôn Phối, các đôi vợ chồng Kitô hữu biểu thị và chia sẻ mầu nhiệm tình yêu hiệp nhứt và chung thũy giữa Chúa Kitô và Hội thánh, họ giúp nhau đạt tói đức thánh thiện trong đời sống hôn nhân cũng như trong việc đón nhận và giáo dục con cái, và họ cũng nhận được những ơn riêng trong bậc sống và vai trò của họ giữa đoàn Dân Thiên Chúa.  Mối liên kết của các đôi vợ chồng đã làm nên gia đình, trong đó những công dân mới của xã hội loài người được sinh ra và được trở nên con cái Thiên Chúa nhờ ơn Thánh Thần nhận được trong Bí Tích Thánh Tẫy, để Dân Thiên Chúa tồn tại mãi qua các thế hệ.  Trong gia đình như là Hội thánh tại gia, nhờ lời dạy dỗ và gương lành, cha mẹ hãy là những người rao giảng đức tin đầu tiên cho con cái, và phải giúp phát huy ơn gọi riêng cho từng đứa con, đặt biệt chăm sóc cho ơn gọi tiến tới thánh chức.[20] 
Cho dầu bị phá hủy các thánh đường cổ kính, nguy nga; cho dầu bị chiếm đoạt các cơ sở giáo dục và từ thiện; cho dầu bị ngăn cấm đào tạo giáo sĩ và tu sĩ; cho dầu bị giải thể các hội đoàn giáo dân, Dân Chúa vẫn không sợ bị triệt tiêu, bị nhổ tận gốc, nếu vẫn còn các “Hội thánh tại gia” tuy nhỏ bé, khiêm tốn, âm thầm, nhưng hăng say và kiên trung thi hành sứ vụ vĩ đại đã thành truyền thống từ thời các tông đồ: nuôi dưỡng cho ngọn đèn đức tin luôn rạng rỡ, và bầu lửa đức mến luôn hừng hực trong tâm trí tất cả và từng thành viên trong gia đình.




[1] Xin coi Cv 2:42.
[2] Xin coi Lc 10:42.
[3] Pl 4:4-5.
[4] Xin coi Cv 13:5.14;14:1.
[5] Xin coi Cv 2:46;3:1.
[6] Xin coi Cv 13:5.
[7] Xin coi Cv 13:15.
[8] Xin coi Cv 2:46.
[9] Sách Didache, chương 9.
[10] Sách Didache, chương 9.  
[11] Xin coi 1Cr 11:23-27.
[12] Sách Didache, chương 14; xin coi 1 Cr 11:28-32.
[13] Sách Didache được trước tác vào cuối thế kỷ I.
[14] Xin coi Cv 2:44; 4:32.34.
[15] Xin coi Cv 9:36-39.
[16] Xin coi 1 Cr 11:17-22.33-34.
[17] Xin coi Cv 20:7-9.
[18] Cụm từ “Domestic Church” xuất hiện trong Hiến Chế tín lý về bản tính của Hội thánh Ánh Sáng Muôn Dân.
[19]Theo một truyền thuyết, chim phượng hoàng có tính bất tử.  Khi về già, chim bỗng nhiên tự phát hỏa và tự thiêu hủy thành tro. Nhưng rồi ngay lập tức phượng hoàng lại tái sinh từ đống tro tàn ấy, tươi trẻ, tràn trề sức sống như thủa nào.
[20] Ánh Sáng Muôn Dân, số 11.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn