Giáo Hội Với Vấn Đề Di Dân

                                         Hiện tượng di dân là một vấn đề rất quan trọng, 
nhưng trong thực tế thì rất nhiều người
trong Giáo hội tại Việt Nam lại chưa quan tâm đúng mức, 
thậm chí có nhiều vị mục tử coi chuyện di dân
như là chuyện tốn công phí thời gian,
là chuyện của người ta
chứ không phải là chuyện của mình!
Fx. Trần Kim Ngọc, OP.


 Dẫn nhập
Chúng ta đang sống trong một xã hội có nhiều biến đổi và biến đổi không ngừng. Những biến đổi đó làm cho con người phải thích nghi liên tục, tạo nên một làn sóng di chuyển rộng lớn. Mục vụ di dân tại Việt Nam là một điều rất mới mẻ và lạ lẫm đối với nhiều người và thậm chí là đối với nhiều vị mục tử. Di dân không đơn thuần là chuyện của một người, một giáo xứ hay một giáo phận; di dân là chuyện toàn cầu, là chuyện của toàn xã hội, là chuyện của toàn Giáo hội và là chuyện liên quan đến nhiều lãnh vực của cuộc sống. Trong bối cảnh toàn cầu hoá này, người làm mục vụ không thể không biết đến hiện tượng di dân. Trong bài viết này, người viết thử nêu lên đôi nét tổng quát trong giáo huấn của Giáo hội về mục vụ di dân dưới nhiều khía cạnh khác nhau; nhờ đó, công việc mục vụ của mỗi người sẽ thêm phong phú và tốt đẹp hơn.
1. Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân
Theo Huấn thị Erga Migrantes Caritas Christi - Tình yêu Đức Kitô dành cho Di dân - của Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân, hiện tượng di dân nêu lên những khía cạnh như sau:
1.1. Dấu chỉ thời đại


Di dân là một hiện tượng mang tính toàn cầu và phức tạp; là một hiện tượng đặt ra cho Giáo hội những trách nhiệm và bổn phận cần phải hành động cho lợi ích của các linh hồn.


Hiện tượng di dân sẽ là một cơ hội tốt hay là một dấu chỉ thời đại nếu Giáo hội nắm bắt và thích ứng kịp thời những đòi hỏi của hiện tượng này; nếu không thì đó là một thách đố cho Giáo hội. “Như thế chúng ta có thể coi hiện tượng di dân hiện nay là một ‘dấu chỉ thời đại’ đầy ý nghĩa, là một thách đố cần khám phá và sử dụng trong công tác canh tân nhân loại và loan báo tin mừng bình an.”[1] “Qua di dân đức tin lại tái khám phá sứ điệp phổ quát của các tiên tri khi các ngài tố cáo kỳ thị, áp bức, lưu đày, phân tán và bắt bớ như chống lại kế hoạch của Thiên Chúa.”[2]2
1.2. Thách đố
Huấn thị nêu lên tinh thần của Gaudium et Spes của Vatican II là: vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người hôm nay cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của người môn đệ theo Đức Kitô;[3] không nắm bắt cơ hội về hiện tượng di dân thì đó là một thách đố đặt ra cho Giáo hội nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến đời sống luân lý, đức tin và truyền giáo. “Hoàn cảnh của di dân thách đố niềm tin và đức ái của các tín hữu.”[4] Không dễ dàng để giải quyết những vấn đề do di dân đặt ra:
Thách đố chúng ta phải đương đầu trong vấn đề di dân ngày nay thật không dễ dàng vì nó liên quan tới quá nhiều lãnh vực: kinh tế, xã hội, chính trị, ý tế, văn hoá và an ninh. Mọi Kitô hữu đều phải chấp nhận giáp mặt thách đố này. Đây không chỉ đơn thuần là công việc của thiện chí, hay dành cho một ít người có đặc sủng riêng.[5]
1.3. Truyền giáo
Hiện tượng di dân xảy ra ồ ạt và mang tính toàn cầu; do đó, truyền giáo ngày hôm nay mang một sắc thái mới, đó là  “sắc thái di dân”. Trong thời Giáo hội sơ khai, nhóm Dothái kiều ly tán đã góp phần vào việc truyền giáo rất nhiều, họ đi đâu là mang Tin Mừng tới đó.[6] 
Nhiệm vụ truyền giáo/đối thoại thuộc về hết mọi phần tử của Nhiệm thể. Người di dân cũng phải thi hành nhiệm vụ ấy trong sứ vụ tam diện của Đức Kitô Ngôn sứ, Linh mục và Vương đế. Do đó cần xây dựng Giáo hội và làm cho Giáo hội được lớn lên trong  với di dân, hầu cùng nhau tái khám phá và tỏ hiện các giá trị Kitô hữu, đồng thời hình thành một cộng đoàn bí tích chân chính của đức tin, phụng vụ, đức ái và hy vọng.[7]
1.4. Ưu tư của Giáo hội
Giáo hội rất quan tâm đến di dân là những người chịu nhiều thiệt thòi về nhiều mặt như xã hội, gia đình, tâm lý... và tôn giáo. Giáo hội qua Huấn thị này mời gọi các thành phần Dân Chúa dấn thân làm việc mục vụ cho người di dân:
Vì thế toàn thể Hội Thánh trong quốc gia chủ nhà cần cảm thấy mình thật sự quan tâm và nhập cuộc để lo cho di dân. Điều đó có nghĩa là các Giáo hội địa phương phải xét lại mục vụ chăm sóc, lên chương trình thế nào để giúp các tín hữu sống đức tin cách chân chính trong bối cảnh mới, đa văn hoá và đa tôn giáo ngày nay.[8]


2. Các Đức giáo hoàng
2.1. Đức Phaolô VI


 Đức Phaolô VI qua hai văn kiện là Tự sắc Pastoralis Migratorum Cura (Ban hành 1969) và Huấn thị De Pastorali Migratorum Cura, đã đề cập tới trách nhiệm và đường hướng mục vụ di dân.


2.2. Đức Gioan Phaolô II


 Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, thông qua các sứ điệp Ngày Quốc tế Di dân và Di cư, nói nhiều đến các quyền lợi và những mối liên quan đến người di dân.


2.3. Đức Benedictô XVI

Tiếp bước các vị tiền nhiệm, Đức Benedictô XVI cũng rất quan tâm đến những người di dân và hoàn cảnh sống của họ. Ngài mời gọi người Kitô hữu niềm nở đón nhận anh chị em di dân như chính Đức Kitô.


Đức Kitô xưa kia, hơn ai hết, cũng là một người di dân khi mới lọt lòng mẹ. Ngài cũng mang trong mình thân phận nay đây mai đó như “con chồn không có hang, chim trời không có tổ”.
Cha hướng đặc biệt tới các giáo xứ và các hiệp hội Công giáo đầy lòng tin tưởng và yêu mến, đang bỏ rất nhiều công sức để đáp ứng các nhu cầu của anh chị em của chúng ta. Đang lúc Cha bầy tỏ lòng biết ơn với tất cả mọi người đã làm các việc này với lòng quảng đại lớn lao, Cha muốn mời mọi Kitô hữu hãy nhạy bén với những thách đố về mục vụ và xã hội phát sinh ra trong hoàn cảnh người di dân và tị nạn vị thành niên.
Lời của Chúa Giêsu luôn vang vọng trong con tim của chúng ta: ‘Ta là khách lạ, các ngươi đã đón tiếp’ (Mt 25,35), cũng giống như lệnh truyền trọng tâm mà Ngài đã để lại: Chúng ta hãy yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức, và hãy liên kết tình yêu này với tình yêu thương đồng loại (x. Mt 22,37-39).
Điều này phải giúp chúng ta nhận ra là bất kỳ một sự can thiệp cụ thể nào chúng ta làm cũng cần được nuôi dưỡng trước tiên bởi đức tin, trong tác động của ân sủng và sự quan phòng của Chúa. Sống như thế, lòng hiếu khách và sự liên đới với những anh chị em xa lạ, nhất là với các trẻ em, trở thành sự công bố Tin Mừng về tình liên đới. Giáo hội loan báo điều này khi Giáo hội mở rộng vòng tay và tranh đấu để quyền lợi của người di dân và tị nạn được trân trọng, để thôi thúc các nhà lãnh đạo các quốc gia, và những người có trách nhiệm trong các tổ chức và cơ chế quốc tế nhằm cổ võ những đề xuất thích đáng nâng đỡ người di dân.[9]
Tất cả mối ưu tư mục vụ của Giáo hội đều nhắm tới mỗi người và mọi người đang trên đường lữ khách. Giáo huấn của Giáo hội đều nhắm tới con người là trọng tâm trong sứ mạng của Giáo hội. “Những tuyên bố mới gần đây nhất của Giáo hoàng cũng đã nhấn mạnh và mở rộng thêm tầm nhìn cũng như nhãn quan mục vụ về di dân, phù hợp với định hướng: con người là con đường của Hội thánh.”[10]
3. Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu
Châu Á là một châu lục với nhiều tôn giáo lớn và cổ kính, tại lục địa này rất nhiều người phải sống kiếp tha hương cầu thực. Cái nghèo và cái khổ, cái lầm lũi và cái long đong đang đeo đuổi rất nhiều người tại châu lục đông dân số nhất thế giới này. Làm sao Giáo hội có thể làm ngơ trước bao nhiêu thân phận của người Á Châu đang chịu cảnh đói nghèo và dốt nát? Các nghị phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã vạch ra những mặt tích cực và tiêu cực đối với hiện tượng di dân.
Các Nghị Phụ Thượng hội đồng nói về những thay đổi nhanh chóng xảy ra trong các xã hội Á Châu và nói về những khía cạnh tích cực và tiêu cực do những thay đổi đó mang lại. Trong số đó có hiện tượng đô thị hoá và sự xuất hiện những khối đô thị khổng lồ, thường có những khu vực rộng lớn gây ngã lòng, nơi mà các tội ác có tổ chức, khủng bố, mại dâm và sự bóc lột những phần tử yếu kém hơn trong xã hội đang lớn mạnh. Việc di dân cũng là hiện tượng lớn xã hội, đặt hàng triệu người vào những hoàn cảnh khó khăn về mặt kinh tế, văn hoá và luân lý. Dân chúng di cư nội trong khu vực Á Châu và từ Á Châu đến các lục địa khác vì nhiều lý do, chẳng hạn nghèo đói, chiến tranh và xung đột sắc tộc, sự chối bỏ nhân quyền và những quyền tự do cơ bản. Việc thiết lập những liên hiệp công nghiệp khổng lồ là một lý do nữa của sự di dân nội và ngoại, kèm theo những hậu quả tàn phá đời sống và các giá trị của gia đình.[11]
4. Công đồng Vatican II
4.1. Di dân – một hiện tượng quan trọng
Ngày hôm nay hơn bao giờ hết, hiện tượng di dân đang đặt ra nhiều thách đố cho xã hội cũng như Giáo hội.
Các cộng đoàn cổ truyền địa phương, như gia tộc, ‘thị tộc’, bộ lạc, xóm làng, các tập thể khác và các liên hệ trong cộng đoàn xã hội đều thay đổi mỗi ngày mỗi sâu xa hơn.
Tổ chức xã hội theo khuôn mẫu kỹ nghệ dần dần bành trướng, đưa một số quốc gia tới mức thịnh vượng kinh tế và thay đổi tận gốc rễ những quan niệm và hoàn cảnh đời sống xã hội đã cố định từ lâu đời. Sự ham chuộng theo đuổi đời sống thị thành cũng gia tăng, vì các thành phố càng ngày càng mọc lên nhiều, dân cư càng ngày càng đông, và vì cách sống thị thành đang lan rộng tới cả thôn quê (...).
Một hiện tượng không kém quan trọng khác: biết bao người bởi nhiều lý do phải di cư, và vì di cư đã thay đổi cả cách sống.[12]
4.2. Cần đảm bảo cuộc sống cho người di dân
Thành phần di dân đóng góp vào việc phát triển cho xã hội tại địa phương rất nhiều, nhưng họ lại không được hưởng những thành quả do công mình làm ra cho xứng đáng. Công đồng mời gọi xã hội dân sự đảm bảo công bằng cho người di dân. Đó không những là một đòi hỏi cần thiết, nhưng đó là một phận vụ công bằng của xã hội dân sự.
Sự di chuyển là điều cần thiết đối với nền kinh tế đang phát triển, tuy nhiên, sự công bằng và quân bình đòi hỏi phải tổ chức sự di chuyển ấy thế nào để đời sống cá nhân cũng như gia đình không bị xáo trộn và bấp bênh. Những công nhân từ một quốc gia hay một miền khác đến, cũng là những người góp công vào việc phát triển kinh tế của một nước hay một miền, nên cần phải cố gắng tránh mọi dị biệt về điều kiện lương bổng và việc làm. Hơn nữa, mọi người, nhất là chính quyền, phải coi họ như những nhân vị, chứ không phải chỉ như những công cụ sản xuất; phải giúp đỡ để họ có thể đưa gia đình đến và có thể kiếm được một nơi nương thân đàng hoàng; cũng phải cho phép họ dễ dàng gia nhập đời sống xã hội của quốc gia hay miền đất nào đón tiếp họ. Tuy nhiên, nếu có thể, nên tạo cho họ có công ăn việc làm ngay tại nguyên quán của họ.[13]
4.3. Di dân góp phần vào công cuộc truyền giáo
Để đáp ứng những nhu cầu nơi thành thị cũng như ở thôn quê, họ không chỉ hạn hẹp sự cộng tác của mình trong giới hạn giáo xứ hay giáo phận nhưng họ cố gắng mở rộng phạm vi tới cả các lãnh vực liên xứ, liên giáo phận, quốc gia hay quốc tế. Hơn nữa, việc di dân mỗi ngày một nhiều, những mối tương giao gia tăng, và việc giao thông dễ dàng đã không để một thành phần xã hội nào sống đóng kín cho riêng mình. Vì thế người giáo dân phải quan tâm đến những nhu cầu của dân Thiên Chúa ở rải rác trên khắp địa cầu. Nhất là họ phải coi những công cuộc truyền giáo như việc của chính mình, bằng cách đóng góp về vật chất hay về cả nhân sự. Vì chưng nhiệm vụ và vinh dự của người Kitô hữu là trả lại cho Thiên Chúa phần của họ đã nhận nơi Ngài.[14]
4.4. Nhận thức những tác động của hiện tượng di dân
Hiện tượng di dân tác động rất nhiều lên đời sống xã hội. Công đồng mời gọi ý thức tầm quan trọng của hiện tượng này. Công đồng cũng đặc biệt kêu gọi các Kitô hữu ý thức về hiện tượng di dân và nhận ra các tác động của nó lên đời sống con người.[15]
4.5. Quyền và phẩm giá của người di dân
Di dân cũng là con người như ai khác, vì thế họ cũng có các quyền lợi và phẩm giá. Ngày nay, giới di dân bị thua thiệt nhiều điều. Họ là người dễ bị bỏ quên. Họ là những người dễ bị tổn thương. Họ là những người bị khinh mệt nhiều. Công đồng khẳng định các quyền và phẩm giá của người di dân.[16]
4.6. Điều tiết dòng chảy di dân
Hiện tượng di dân đang là vấn đề nóng của xã hội thời đại thông tin và toàn cầu hoá. Hiện tượng di dân hầu như xảy ra khắp nơi. Xã hội nếu không điều tiết nổi dòng chảy của hiện tượng này thì sự phát triển bền vững và ổn định chắc chắn sẽ khó mà đạt được. Công đồng nhìn nhận những quyền hạn của công quyền trong việc điều chỉnh dòng chảy di dân. Công đồng đánh giá cao quyền hạn của công quyền trong việc điều tiết dòng chảy di dân để đảm bảo sự ổn định của cộng đồng quốc gia cũng như quốc tế, của cá nhân cũng như tập thể.[17]
4.7. Cột mốc quan trọng cho mục vụ di dân
Sau chiến tranh thế giới II, trật tự thế giới được sắp xếp lại. Cuộc sống của con người xem ra dễ thở hơn, người ta có thể dễ dàng di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Hơn nữa, khoa học kỹ thuật phát triển làm cho công việc đi lại của con người cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn. Với bối cảnh xã hội như thế, Giáo hội qua Công đồng Vatican II đã sớm nắm bắt được nhịp thay đổi của xã hội con người.
Như thế Công đồng Vatican II đã là một cột mốc đáng nhớ của mục vụ chăm sóc di dân và người lữ hành, khi nêu lên ý nghĩa quan trọng đặc biệt của tính di chuyển và công giáo, của các Giáo hội địa phương, nhận thức về giáo xứ, và nhãn quan Hội thánh như mầu nhiệm hiệp thông.[18]
5. Giáo Luật
5.1. Di dân là đối tượng chăm sóc của cha xứ
Bộ giáo luật khẳng định và thể hiện mong muốn của Công đồng khi buộc các linh mục quản xứ phải đặc biệt quan tâm tới những người sống xa quê hương.[19]
5.2. Một chọn lựa cần được ưu tiên
Giáo hội mong muốn và đòi hỏi có những chăm sóc cho người di dân.[20]
5.3. Cần có mục vụ chuyên biệt cho di dân
Giáo luật cũng tiên liệu thiết lập những tổ chức mục vụ chuyên biệt cho người di dân.[21]
6. Giáo hội tại Việt Nam với Mục vụ Di dân
6.1. Đề cương chuẩn bị Năm Thánh 2010
- Một bận tâm trong dịp đặc biệt
Giáo hội tại Việt Nam đang đối diện với một hiện tượng vừa mới mẻ, vừa phức tạp và cũng vừa đa dạng. Di dân không đơn thuần là chuyện đi lại, công ăn việc làm hay nhà ở nhưng còn liên quan đến nhiều khía cạnh khác của cuộc sống con người.
Đất nước cũng đang chứng kiến sự bùng phát về di dân. Vì gặp thiên tai bão lụt thường xuyên, vì không có việc làm và sinh sống khó khăn, nên nhiều người trẻ từ nông thôn đổ xô vào các thành phố lớn để kiếm kế sinh nhai. Làn sóng di dân làm thay đổi nhanh chóng khung cảnh sinh hoạt xã hội. Không những thế, môi trường sống cũng bắt đầu phát sinh những vấn đề không nhỏ. Các đô thị trở nên quá tải đến độ nghẹt thở; nhiều băng đảng nảy sinh từ tình trạng hỗn độn không được dự phòng và không sao kiểm soát. Đất nước mở ngỏ có thể trở thành miếng mồi ngon cho buôn bán ma túy, trẻ em và phụ nữ. Nếp sống buông thả dường như có khuynh hướng gia tăng. Bạo lực cũng xảy ra thường hơn nơi những nhóm vị thành niên. Tệ nạn xã hội cũng như ‘du lịch tình dục’ đang làm mất đi hình ảnh một xã hội Việt Nam trong sáng đã từng là niềm tự hào của cả dân tộc. Vì thế, cùng với toàn cầu hoá kinh tế, còn có thể nói tới một thứ toàn cầu hoá tội phạm, và Giáo hội chắc chắn phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề đạo đức và luân lý trong tiến trình toàn cầu hoá.[22]
- Hiện tượng di dân làm thay đổi xã hội và Giáo hội
Làn sóng di dân tại Việt Nam, trong nước cũng như ngoài nước, đang làm thay đổi bộ mặt đất nước, tại cả nơi đi lẫn nơi đến. Một đàng chính những biến động xã hội đã tạo nên làn sóng di dân từ nông thôn lên thành thị hoặc đi lao động tại nước ngoài; đàng khác, tình trạng di dân lại tạo nên nhiều phức tạp về môi trường, xã hội, văn hoá. Dù thế nào chăng nữa, trong tiến trình hội nhập, anh chị em di dân luôn chịu nhiều áp lực về tâm lý, tình cảm, kinh tế, xã hội và cả trong đời sống luân lý đức tin. Họ thật sự cần đến tình thương hiền mẫu của Giáo hội. Để làm dịu đi những cơ cực của họ và để giúp họ sớm hội nhập vào xã hội cũng như cộng đoàn Giáo hội địa phương, Hội đồng Giám mục Việt Nam nên đi đến sự thống nhất về một số nguyên tắc và tiêu chuẩn trong phương sách mục vụ, nhất là mục vụ hôn nhân và dự tòng. Đồng thời các Giáo hội địa phương tiếp nhận anh chị em di dân cũng cần đề ra một kế hoạch để hội nhập họ vào trong sinh hoạt đức tin. Nhờ đó, họ cảm nghiệm thật sự Giáo hội là mầu nhiệm hiệp thông, là mẹ hiền nâng đỡ, yêu thương và là vị thầy hướng dẫn khôn ngoan.[23]
- Một cơ hội loan báo Tin Mừng
Công cuộc loan báo Tin Mừng ngày hôm nay đang đòi hỏi nhiều nỗ lực của người tín hữu trong bối cảnh đa phức của hiện tượng di dân. Di dân là một thách đố lớn, nhưng đồng thời cũng là một cơ hội. Giáo hội khi gặp bắt bớ, các tín hữu bị phân tán khắp nơi, khi họ tới đâu là mang Tin Mừng tới đó. Trong cái nhìn đức tin, di dân là một hồng ân Thiên Chúa ban để Giáo hội có thể mang sứ điệp cứu độ ra khỏi miền đất có truyền thống đức tin lâu đời đến nơi xa khác.
Lịch sử làm chứng rằng việc di dân cũng mang theo nhiều cơ hội cho việc loan báo Tin Mừng. Được chuẩn bị cách thích đáng, chính anh chị em di dân trở thành những nhà truyền giáo tại nơi họ đến và làm cho cộng đoàn Giáo hội đón tiếp có khuôn mặt mới mẻ hơn. Vì thế, chăm sóc mục vụ cho anh chị em di dân là trách vụ gắn liền với sứ mạng truyền giáo, và cần được lưu tâm đặc biệt trong bối cảnh ngày nay.[24]
6.2. Hội nghị Toàn quốc về Mục vụ Di dân
Dưới đây là bản đúc kết các ý kiến của Hội nghị Toàn quốc về Mục vụ Di dân diễn ra trong hai ngày 08-09/01/2010 tại Học Viện Phan Sinh - Q.9 - TP.HCM do Uỷ ban Mục vụ Di dân thuộc HĐGMVN tổ chức:
1/ Về hội nghị: nhiều người tỏ ra ngạc nhiên, phấn khởi, vui mừng vì hội nghị được triệu tập. Có rất nhiều kỳ vọng nhiều vào kết quả hội nghị. Có nhiều ý kiến mong được triển khai sau Hội nghị, chẳng hạn như nên tổ chức hội nghị thường xuyên hơn, có thể là hàng năm hay ít là 02 năm một lần.
2/ Mục vụ di dân trong tình hình hiện nay là quá cần thiết và cấp bách. Phải làm ngay không thể chần chừ, vì lợi ích các linh hồn.
3/ Mong UBMVDD/HĐGMVN sớm ra những hướng dẫn cụ thể để ứng dụng toàn quốc, cần tạo thông tin liên lạc tốt hơn.
4/ Mọi người đều nhận ra Giáo hội phải quan tâm tới lãnh vực mục vụ di dân vì chính bản chất mục tử và truyền giáo của mình. Tầm cỡ và sự quan trọng của hiện tượng di dân tại Việt Nam và trên thế giới là điều không thể chối cãi. Có điều ý thức thì lại chưa đồng bộ.
5/ Lý do cần có sự cộng tác chăt chẽ giữa các Giáo hội xuất phát và Giáo hội tiếp nhận là quá rõ: chính vì lợi ích thiêng liêng của người di dân. Một nơi đã quen biết họ, nhất là trong các biểu hiện cuộc sống đức tin, nơi kia đang phải nâng đỡ đức tin của họ gặp hiểm nghèo.
6/ Có sự khác biệt sâu sắc về mục vụ di dân giữa nơi xuất phát và nơi tiếp nhận.
* Nơi xuất phát phải giúp di dân chuẩn bị đối phó với tình thế sống đạo mới. Chăm sóc những người ở lại cách đặc biệt vì nhiều khó khăn tinh thần có thể xảy ra. Tiếp nhận và thông cảm với họ khi trở về. Giúp họ tái hội nhập.
* Nơi tiếp nhận: rộng lượng tiếp nhận và nâng đỡ họ về mọi mặt. Giúp họ hội nhập. Tạo cho họ có dịp phát huy truyền thống đức tin của họ.
7/ Trong tình hình hiện nay của Giáo hội Việt Nam các vấn đề cấp thiết nhất của mục vụ di dân là:
* Thoát khỏi não trạng cục bộ trong mục vụ. Cần thông tin và liên kết.
* Các chủ chăn cấp giáo phận và giáo xứ cần nắm bắt tình hình qua hiểu biết tình hình và thống kê chính xác.
* Cụ thể cần sớm có một ‘Cẩm nang Mục vụ Di dân’ áp dụng trên toàn quốc được mọi giáo phận chấp nhận. Cẩm nang chứa đựng các nét chính về giáo lý di dân, các qui định về mục vụ và quản lý di dân, các hướng dẫn thống nhất về cử hành bí tích, đặc biệt là hôn phối…
* Cũng cần sớm thiết lập ‘văn phòng’ hoặc ‘ủy ban’ di dân cấp giáo phận hoặc giáo xứ có đông di dân.
* Cũng cần sớm thực hiện việc cấp thẻ di dân là phương tiện quản lý và theo dõi rất hữu hiệu. Cũng cần thống nhất các thủ tục giấy tờ.
8/ Công tác gây nhận thức về tầm quan trọng của mục vụ di dân là rất lớn: bắt đầu từ các cấp lãnh đạo là các giám mục, bề trên dòng và các linh mục quản xứ. Các khóa đào tạo về mục vụ di dân là rất cấp thiết, cần dành ưu tiên, đặc biệt là các chủng sinh và các tu sĩ trẻ. Cần sớm phổ biến các kế hoạch mục vụ di dân tới các cấp Cộng đoàn Dân Chúa.
9/ Nên soạn một cuốn giáo lý thích hợp hơn cho di dân trong đó các khía cạnh tông đồ, truyền giáo, hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn cũng được đề cập tới.[25]
Tạm kết
Giáo hội lấy con người là con đường phải đi qua. Tất cả mọi nỗ lực của Giáo hội là vì con người. Con người là trung tâm của mọi ưu tư và mục vụ của Giáo hội. Giáo hội hoàn vũ đã có đường hướng mục vụ cụ thể cho người di dân. “Không chỉ những qui định của giáo luật, mà nếu học hỏi cách nghiêm túc các tài liệu và hướng dẫn về di dân đã được Giáo hội ban hành cho đến nay, ta sẽ thấy sáng tỏ những khám phá thần học và mục vụ quan trọng tới nay đã đạt được. Đó là: vị trí trung tâm của con người và việc bảo vệ quyền của người di dân, bất luận nam nữ, và con cái họ; chiều kích Giáo hội và truyền giáo của di dân; giá trị của việc tông đồ giáo dân; giá trị của văn hoá trong công tác phúc âm hoá; bảo vệ và tôn trọng của việc đối thoại trong và ngoài Giáo hội; đóng góp độc đáo của di dân cho nền hoà bình thế giới. Các tài liệu này cũng nói lên chiều kích mục vụ trong công tác phục vụ di dân.”[26]
Còn Giáo hội tại Việt Nam thì sao? Giáo hội tại Việt Nam trong những năm qua đã nỗ lực rất nhiều trong vấn đề chăm sóc mục vụ cho người di dân. Nhưng những cố gắng đó chỉ là bước khởi đầu dò dẫm tìm tòi, chưa đi tới đâu cả, khả năng đáp ứng so với nhu câu thực tế đang còn rất khiêm tốn. Giáo hội phải làm thế nào để nắm bắt được nhịp thay đổi của xã hội ngõ hầu thích nghi với công việc mục vụ trong hoàn cảnh mới? Giáo hội tại Việt Nam đã có những thống kê về khả năng chăm sóc mục vụ cho người di dân chưa? Bao nhiêu người Công Giáo phải rời bỏ quê hương để đi tìm kiếm việc làm hay học tập? Họ rời quê nhà, ai sẽ lo cho đời sống đức tin của họ? Có bao nhiêu người, vì phải sống cảnh nay đây mai đó, đã đánh mất đức tin? Những người trẻ Công Giáo khi sống trong một môi trường phức tạp và đầy cạm bẫy, có bao nhiêu người sống trong tình trạng rối hay sống thử? Các vị mục tử có quan tâm đủ đến các con chiên xa đàn của mình không? Giáo hội gốc đã chuẩn bị gì cho con chiên của mình trước khi họ rời quê đi xa? Giáo hội tiếp nhận đã sẵn sàng đón tiếp người di dân với lòng trắc ẩn của Đức Giêsu trước cảnh dân chúng lầm than không người chăn dắt?
Hiện tượng di dân là một vấn đề rất quan trọng, nhưng trong thực tế thì rất nhiều người trong Giáo hội tại Việt Nam lại chưa quan tâm đúng mức, thậm chí có nhiều vị mục tử coi chuyện di dân như là chuyện tốn công phí thời gian, là chuyện của người ta chứ không phải là chuyện của mình! Năm Đức Tin là dịp để đưa vấn đề di dân lên đúng tầm mức của nó, qua đó, mỗi người sẽ nhận ra được những tác động của hiện tượng đa phức này. Xin mượn lời của một tham dự viên Đại Hội Toàn Quốc về Mục Vụ Di Dân để nói thay cho những ưu tư và thao thức của người viết: “Giáo hội nói chung và mỗi Giáo hội địa phương nói riêng (Giáo hội gốc, nơi người di dân xuất phát lẫn Giáo hội nơi tiếp nhận), qua huấn thị Erga Migrantes, đều được mời gọi cảm thấy có liên quan tới và phải dấn thân cho di dân, và giúp mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo hội nhận ra tính phức tạp của vấn đề di dân, và chống lại các ngờ vực vô căn cớ cũng như những thành kiến chống lại các ngoại kiều. Chúng ta không thể đáp ứng lại lời mời gọi này, nếu không cùng một thao thức quan tâm với Giáo hội, không cùng một nhịp đập với ‘con tim chạnh lòng thương của Chúa’ nơi các Đấng thay mặt Chúa đã góp phần tạo ra Huấn thị Erga Migrantes Caritas Christi - Tình Yêu Đức Kitô dành cho Di dân. [27]



[1] Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân, Erga Migrantes Caritas Christi – Tình yêu Đức Kitô dành cho Di dân (Bản dịch Việt ngữ của Uỷ ban Mục vụ Di dân – Hội đồng Giám mục Việt Nam), số 14.
[2] Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân, Sđd, số 13.
[3] Xc. Vatican II, Gaudium et Spes, số 1.
[4] Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân, Sđd, số 12.
[5] Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân, Sđd, số 3.
[6] Xc. Cv
[7] Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân, Sđd, số 38.
[8] Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân, Sđd, số 41.
[9] Đức Bênêđictô XVI, Sứ Điệp Nhân Tuần Lễ Di Dân và Tị Nạn: 3-10/01/2010.
[10] Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân, Sđd, số 29.
[11] Đức Gioan Phaolô II, Giáo hội tại Á châu, số 7.
[12] Vatican II, Gaudium et Spes, số 6.
[13] Vatican II, Sđd, số 66.
[14] Vatican II, Tông đồ Giáo dân, số 11.
[15] Xc. Vatican II, Gaudium et Spes, số 65 và 66.
[16] Xc. Vatican II, Sđd, số 65 và 66.
[17] Xc. Vatican, Sđd, số 87.
[18] Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân, Erga Migrantes Caritas Christi – Tình yêu Đức Kitô dành cho Di dân (Bản dịch Việt ngữ của Uỷ ban Mục vụ Di dân – Hội đồng Giám mục Việt Nam), số 22.
[19] Bộ Giáo Luật 1983, 529 #1.
[20] Sđd, 568.
[21] Sđd, 294; xin coi thêm: Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, Giáo hội tại Mỹ Châu, số 65;Giáo hội tại Âu Châu, số 103.
[22] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đề cương Giáo hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ, Ban tổ chức Năm Thánh 2010, tháng 10/2008, số 4d.
[23] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Sđd, số 43.
[24] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Sđd, số 43.
[25] Xc. Tài liệu tại: http://www.mucvudidan.com.
[26] Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân, Sđd, số 27.
[27] Lm Giuse Nguyễn Hữu An, Hội nghị Toàn quốc về Di dân lần I;  http://www.mucvudidan.com

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn