Người di dân Việt Nam
hiện nay
phần lớn là di dân vì lý do kinh tế.
Nỗi lo lắng về cuộc sống
chiếm hết những sức lực, thời giờ, quan tâm của họ.
Do đó, sự chểnh mảng về đời sống đức Tin
cũng là tình trạng phổ biến…
Sự kiện này buộc Giáo hội Việt Nam
phải nhìn lại phẩm chất đức Tin của mình.
phần lớn là di dân vì lý do kinh tế.
Nỗi lo lắng về cuộc sống
chiếm hết những sức lực, thời giờ, quan tâm của họ.
Do đó, sự chểnh mảng về đời sống đức Tin
cũng là tình trạng phổ biến…
Sự kiện này buộc Giáo hội Việt Nam
phải nhìn lại phẩm chất đức Tin của mình.
Giuse Nguyễn Trọng
Viễn, OP.
1. Đức tin
trong tầm mức toàn cầu
Thế giới toàn cầu hoá, đó là một thực trạng, một thực
trạng đang từng bước xác lập vị trí của nó. Toàn cầu hoá đang hiện thực trong
lãnh vực thông tin, trong lãnh vực văn hoá, trong lãnh vực kinh tế, trong lãnh vực chính
trị...;
Di dân là
chuyện muôn thuở. Đó là tình trạng một người hoặc một nhóm người phải di chuyển
chỗ ở của mình đến một môi trường khác; di dân vì rất nhiều lý do, lý do chiến
tranh, lý do kinh tế, lý do tôn giáo, lý do chính trị... Tuy nhiên, ngày hôm
nay, thực trạng di dân lại nằm trong vấn đề toàn cầu hoá nói chung, và đó là
một hiện thực rộng lớn có nhiều ảnh hưởng trên mọi lãnh vực. Ngày xưa, cha ông
ta căn dặn đúng đắn rằng: “an cư lạc nghiệp”. Cần phải ổn định chỗ ở trước thì
mới có thể ổn định việc làm được. Hiện nay chân lý đó không còn hoàn toàn đúng
nữa. Với nhiều người, thứ tự tầm quan trọng đã đảo ngược, cần “lạc nghiệp”
trước rồi mới “an cư”; nghĩa là ngày nay, chuyện quan trọng hơn cả là tìm được
việc làm, việc làm ở đâu thì ta sắp xếp chỗ ở theo đó, chứ không phải mua nhà,
đóng chốt ở nhà rồi tìm việc làm quanh quẩn xung quanh chỗ ở của mình... Thực
tế đó càng ngày càng lan rộng; càng ngày càng có nhiều người trở thành di
dân... thực tế đó tạo nên một sự xáo trộn lớn trong mọi xã hội hôm nay.
Điều kèm theo
tình trạng di dân là sự xuất hiện càng ngày càng rõ rệt hơn một thế giới pha
trộn, cào bằng... Thế giới phẳng, đó là lời tiên tiên báo của Thomas Friedman.
Những biến động trong vấn đề di dân cũng là những bước đi đến một thế giới
phẳng. Diễn biến của vấn đề di dân được cắt nghĩa theo qui luật cân bằng giữa
trung tâm của ngoại biên, theo đó, trung tâm luôn là cột trụ để đón nhận để hoá
giải và tìm ra những thích nghi hợp lý trong mối tương tác với ngoại biên. Khi
di dân là một hiện tượng bình thường và tương đối ít so với khối dân định cư,
thì, bên cạnh yếu yếu tố tiêu cực luôn luôn có, di dân cũng có thể mang lại
những giá trị tích cực. Tuy nhiên, khi di dân lại là một tình trạng càng ngày càng
trở nên tình trạng chung, hoặc liên quan đến phần lớn con người thì những giá
trị truyền thống, những nền văn hoá truyền thống chắc chắn sẽ bị đặt lại vấn
đề, thậm chí bị đảo lộn. Khi đó sẽ xuất hiện những thách đố nghiêm trọng, có
thể tốt mà cũng có thể là một sự tàn phá. Di dân trong xu thế toàn cầu hoá lại
đưa tới tình trạng ngoại biên có sức tác động rộng lớn và mạnh mẽ, đến độ có
khả năng xác lập một thế giới phẳng, có nhiều khả năng phá đổ những truyền
thống của cái trung tâm[1].
Trong bầu
không khí ấy, chắc chắn những yếu tố quen thuộc của đời sống đức Tin Kitô giáo
cũng không thể thoát khỏi những tương tác, tiêu cực hay tích cực của tình trạng
di dân. Chẳng hạn các giáo xứ truyền thống, nề nếp sẽ khó chấp nhận được tình
trạng lôn xộn về giấy tờ, về hôn nhân, ma chay; chẳng hạn vấn đề những luật lệ
của Giáo hội gắn với lãnh địa của giáo phận, giáo xứ...
Mặt khác, tâm
trạng của người di dân là thích nghi, một thứ thích nghi nhằm ưu tiên cho mục
tiêu lợi ích trước mắt chứ không phải thứ thích nghi như một sự thông hiệp các
giá trị. Thái độ thích nghi bên ngoài ấy sẽ đặt dần dần phá đổ những giá trị
truyền thống hoặc gạt bỏ những tâm tình thân thương bên trong. Người thích
nghi, một cách nào đó, chọn lập trường “bán anh em xa mua láng giềng gần”.
Khuynh hướng này sẽ đặt lại vấn đề tất cả mọi sự, đặt lại giá trị, đặt lại ý
nghĩa, đặc biệt là duyệt xét lại theo tiêu chuẩn lợi ích thực dụng. Điều đó sẽ
khiến cho nhiều vấn đề, nhiều cách suy nghĩ, nhiều truyền thống phải đối diện
với một “thử nghiệm” mới…
2. Dưới ánh sáng đức tin
Có lẽ nhiều
vị hữu trách và cả nhiều người Kitô hữu chỉ nhận thấy những rắc rối cụ thể
trước tình trạng di dân. Ở Sàigòn chẳng hạn, những ngày lễ nghỉ, ngày Tết, khi
mà di dân trở về quê, thành phố tìm lại được khung cảnh êm ả, thông thoáng và
người dân thành phố thoát được cảm giác ngại ngần, khổ sở mỗi khi dắt xe ra
khỏi nhà. Rồi khi mà những ngày lễ nghỉ đang qua đi, di dân trở lại mỗi ngày
mỗi tấp nập, người dân Sàigòn lại sẽ cảm giác như đếm từng ngày mất đi sự thanh
thản ấy; từng ngày thêm ngại phải đối diện với đường phố trở lại tình trạng
chật chội, đầy bụi bậm và ngột ngạt khói xe; và người đi đường lại phải bước
vào cuộc chiến trường kỳ … cuộc chiến trước mỗi ngã tư, mỗi vòng xoay, cuộc
chiến khi gặp lô cốt, cuộc chiến vào mỗi giờ cao điểm…và cuộc chiến với tâm
trạng bực bội vì những kẻ đi ẩu, sai tuyến, lấn đường, những kẻ giành giựt từng
mét đường hơn thua khi kẹt xe; cuộc chiến trong các bãi giữ xe, trong con hẻm
nhỏ…. Những cảm giác đó, rất thật và tái đi tái lại, khiến cho người ta chỉ
thấy tình trạng di dân như một sự kiện rắc rối, gây căng thẳng, tạo phiền muộn
cho cuộc sống.
Thế nhưng
Giáo hội lại cho chúng ta thấy tình trạng di dân là một dấu chỉ thời đại; một
dấu chỉ có thật nhiều ý nghĩa dưới ánh sáng đức Tin. Văn kiện “Tình yêu đức
Kitô dành cho di dân”[2] cho chúng ta
thấy cách nhìn của đức tin và cách nhìn này giúp ta đón nhận vấn đề di dân
không phải theo những cảm quan tự nhiên, cũng không phải chỉ như một tình huống
cụ thể cần giải quyết, nhưng có khả năng hé lộ những phẩm tính có thể giúp cho
đời sống đức tin của người Kitô hữu nói chung được chân chính và phong phú hơn.
Đức Benedicto XVI, trong sư điệp ngày quốc tế di dân thứ 99 đã nói :
Họ (di dân) cũng sẽ là những chứng nhân cho
đức tin, một sự làm chứng mang lại một nguồn năng lượng và một sức sống mới cho
các cộng đoàn Ki-tô hữu truyền thống, đồng thời mời gọi người khác gặp gỡ Đức
Kitô và tiến tới việc biết đến Giáo hội.
2.1 Tính lữ hành của đức tin
Điều khá kỳ
cục mà con người chúng ta thường hay vấp phải, đó là thái độ không biết nhìn
lại bản thân mình. Lấy khung cảnh của thành phố Sàigòn chẳng hạn, ta thấy có
những người “bắc kỳ 54” tỏ ra khó chịu vì làn sóng di dân của những người “bắc
kỳ 75” mà không hề nghĩ rằng, cách đây mấy chục năm, chính mình cũng đã từng là
di dân và cũng gây không ít khó khăn cho người dân “nam kỳ”. Cũng vậy, chắc hẳn
có những người dân “nam kỳ” đã khó chịu vì những làm sóng di dân 54 và 75 mà
không hề nhớ rằng cách đây mấy trăm năm, chính cha ông mình cũng từng là những
người di dân như vậy. Có những người chỉ mới định cư ở nơi nào đó năm bẩy năm
lại quên đi gốc gác của mình để rồi tỏ ra bực mình với những người đến sau mình
một thời gian chẳng bao lâu… Với một tầm nhìn lịch sử, ta thử điểm lại xem có
mấy ai lại không phải là di dân, đã từng mong ước được người khác đón nhận; thế
mà chính những người được đón nhận ấy lại không muốn đón nhận những anh chị em
khác có cùng hoàn cảnh như mình…
Sách Thánh
nhắc nhở người dân Israen :
“Anh em
phải yêu thương ngoại kiều, vì anh em đã từng là ngoại kiều ở đất Ai-cập”
(Dnl 10,19).
Lời nhắc nhủ
đó cũng đúng với mỗi người Kitô hữu Việt Nam hôm nay. Không phải chỉ như một
bài học luân lý, nhưng còn là một bài học về đức Tin. Chính những anh chị em di
dân sẽ nhắc nhở người Kitô hữu về thực trạng của mình, về ý nghĩa của hành
trình đức Tin mà Chúa đã dẫn dắt gia tộc, gia đình và bản thân mình. Hơn nữa,
trong khung cảnh lịch sử ơn cứu độ, hiện tượng di dân cần phải đưa lòng trí
người Kitô hữu về một thực trạng sâu xa hơn nhiều. Cuộc đời con người là một
cuộc lữ hành, không ai là kẻ “định cư vĩnh viễn” ở trần gian này. Trịnh Công
Sơn diễn tả ý nghĩa đó trong bài hát khá thú vị “ Ở Trọ” :
“1/ Con chim ở đậu cành tre.
Con cá ở trọ trong khe nước
nguồn……
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối
trời …
(…)
5/ Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh
nỗi buồn …
Ô hay là một vòng xinh
Tôi như người bỗng lênh đênh
giữa đời …”
Cũng như
người ta mau quên thân phận di dân của mình, của cha ông mình, thì người ta lại
càng dễ quên hơn nữa thực trạng “ở trọ trần gian” của mình. Nếu biết thông cảm
với anh chị em di dân, biết suy gẫm từ những dấu chỉ của thời đại, người Kitô
hữu sẽ có cơ may hiểu ra ý nghĩa sâu xa “cuộc lữ hành đức Tin” của đời mình.
Thực sự khung cảnh nền tảng của ơn cứu độ chính là một cuộc lữ hành. Tất cả ý
nghĩa của ơn cứu độ trong Sách Thánh đều diễn ra trong khung cảnh lịch sử, và
đó là lịch sử của một Dân lữ hành. Ý nghĩa đó thật căn bản, thiết yếu đến độ,
dưới ánh sáng công đồng Vatican II, sống đức Tin thiết yếu là sống lịch sử đời
thường của mình như một lịch sử ơn cứu độ.
Khi Thiên
Chúa muốn khởi đầu nhiệm cục cứu độ, Ngài đã chọn Abrahaham, và đưa dẫn ông vào
một hành trình đức Tin qua một cuộc “xuất hành” để trở thành một người di dân
trong đức tin. Hành trình đó kéo dài suốt lịch sử ơn cứu độ :
Nhờ đức
tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được
lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức
tin, ông đã tới cư ngụ tại Đất Hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong
lều cũng như ông I-xa-ác và ông Gia-cóp là những người đồng thừa kế cũng một
lời hứa, vì ông trông đợi một thành có
nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng. (…) Tất cả các ngài đã chết,
lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa ; nhưng
từ xa các ngài đã thấy và đón chào các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều,
là lữ khách trên mặt đất. (…) Nhưng thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt
đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. Bởi vậy, Thiên Chúa đã không hổ thẹn để cho
các ngài gọi mình là Thiên Chúa của các ngài, vì Người đã chuẩn bị một thành
cho các ngài (Dt 11, 8-10, 13.16… ).
Tính cách lữ
hành có thể mở ra chân trời đích thực của đức Tin. Đức Tin đưa người tín hữu
vào một cuộc hành trình, mời gọi một tấm lòng tha thiết mong chờ một quê hương,
mong chờ “đất hứa”; rồi từ đó mà hiểu ra quê hương đích thực ở trên trời. người
Kitô hữu không phải là người khinh chê trần gian, nhưng là người không bám rễ
vào trần gian. Người Kitô hữu trân trọng và khám phá những hạt men của Nước
Trời trong trần gian; và không để lòng mình ra mê muội để đắm đuối trong những
thực tại giới hạn của trần gian. Như thế, đời sống đức Tin gắn liền thiết yếu
với một phẩm tính lữ hành và thái độ thiết yếu của người tín hữu là sống tâm
trạng bấp bênh giữa trần gian… Tình trạng bấp bênh là dấu chỉ về tính mỏng dòn
của thực tại trần gian mà người Kitô hữu không bao giờ được bỏ quên. Huấn thị
Tình yêu Đức Kitô dành cho di dân viết :
Đức tin nhận ra nơi di dân cuộc hành trình
của các Tổ phụ, dựa vào lời hứa, đang di chuyển tới đất tổ tương lai, và dân
Hipri sau khi thoát khỏi kiếp nô lệ, hành trình Exodus vượt qua Biển Đỏ để trở
thành Dân của Giao ước. Hơn nữa, đức tin nhìn thấy nơi di dân một cuộc lưu đầy,
trong đó mọi mục tiêu đạt được thực tế chỉ là tương đối (số 13.)
Chính khi tìm
lại một cảm nhận rõ rệt về tính lữ hành của Giáo hội, người Kitô hữu mới có
thể, cùng với Công đồng Vatican II, tìm lại được ý nghĩa của đức Cậy. Đức Cậy
không còn chỉ là trông cậy được vào Nước Thiên đàng mai sau, mà còn là có Chúa
đồng hành trên hành trình trần gian. Đức tin thiết yếu là tin-cậy; vì đức cậy
mang lại “da thịt”, mang lại ý nghĩa “thật”
cho sự sống đức tin. Kitô giáo không phải là một thế giới bay bổng, cao
xa ở trên mây, nhưng là đón nhận tất cả mọi biến cố, đảm nhận mọi thách đố của
cuộc sống này, và xử lý chúng trong nhãn giới đức tin. Sống đức tin thiết yếu
là sống lịch sử đời thường của mình như một lịch sử ơn cứu độ; và lịch sử ấy
luôn nhắc nhớ về niềm hy vọng Nước Trời.
Hơn nữa, tính
cách lữ hành còn bao hàm một ý nghĩa quan trọng, theo đó, con người không phải
là kẻ có thể hoàn thành vận mạnh đời mình bằng cái-gì (nơi chốn chẳng hạn)
nhưng luôn luôn là hành trình thể hiện khát vọng sống với-ai. Thái độ “hiếu
khách” là một lựa chọn con người thay vì sự vật; lựa chọn ưu tiên cho tình
nghĩa hơn là sự an ổn; lựa chọn có khả năng giải gỡ khuynh hướng ích kỷ nằm sâu
trong mỗi người. “Hiếu khách” cũng là một đường nét trong linh đạo của lịch sử
ơn cứu độ. Văn kiện “Tình Yêu Chúa Kitô dành cho di dân” viết:
Theo Đức Kitô có nghĩa là dõi theo bước ngài
để trở thành quá cảnh trong thế giới, bởi vì “trên đời này chúng ta không có
thành trì bền vững” (DT 13:14).
Tín hữu luôn mãi là paroikos, người
tạm cư, khách trọ ở bất cứ đâu (cf. 1Pr
1:1; 2:11; Ga 17:14-16).
Điều đó có nghĩa là đối với Kitô hữu nơi chốn cư trú không thật sự quan trọng,
trong khi tính hiếu khách lại phải là điều tự nhiên nơi họ (Huấn thị,
Sdd, s. 16).
2.3 Tính phổ quát
Giáo hội mang
đặc tính công giáo, đó là một trong bốn phẩm tính căn bản. Phẩm tính ấy, trước
tiên, không phải là một sự nối kết bên ngoài nhưng là phẩm chất của chính sự
sống đức Tin. Sự liên kết bên ngoài của một giáo xứ với giáo phận, với Giáo hội
toàn cầu là hệ quả của phẩm chất công giáo trong chính sự sống đức Tin. Một
giáo xứ, trong ý nghĩa thần học, chính là Giáo hội toàn cầu đang hiện diện tại
giáo xứ. Từ phẩm chất “bên trong” của sự sống ấy, đời sống kitô giáo luôn phải
thể hiện tính “công giáo”, nghĩa là luôn phải có khả năng mở ra với thế giới,
mở ra cho mọi người. Người Kitô hữu không thể sống đức tin chân chính mà lại
không liên đới với anh chị em của mình. Một giáo xứ không thể chỉ gắn bó với
giáo phận và Giáo hội toàn cầu mà lại không rộng mở với những người Kitô hữu di
dân đang sống bên cạnh mình. Sự sống của giáo xứ mang phẩm chất giáo hội toàn
cầu ấy thiết yếu phải đón nhận mọi anh chị em của mình đến từ khắp phương trời.
Quả thật, khi
đối diện với tình trạng di dân, mỗi người Kitô hữu, mỗi giáo xứ và giáo phận sẽ
được chất vấn về tính công giáo của mình; sẽ phải “trả lời” bằng việc tuyên
xưng phẩm tính công giáo trong thái độ của mình. Hiến chế tín lý về Hội thánh
nói :
Như vậy, mọi người đều được mời gọi vào sự
hợp nhất mang tính công giáo này của Dân Thiên Chúa, sự hợp nhất tiên báo và
làm tăng tiến nền hoà bình trên khắp thế giới, và các tín hữu công giáo, những
ai tin vào Đức Kitô, và kể cả toàn thể nhân loại đều đang thuộc về hay đang
hướng tới sự hợp nhất đó theo những cách thức khác nhau, vì tất cả mọi người
đều được mời gọi lãnh nhận ơn cứu độ nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa (GH 13).
Giáo hội là
Dân Thiên Chúa, đi qua dòng lịch sử, tiến về ngày Cách Chung. Hành trình ấy
cũng là hành trình thu họp mọi dân trở nên một Dân duy nhất là Giáo hội Chúa
Kitô. Một giáo xứ hoặc giáo phận truyền thống dễ tạo nên tình trạng đóng chốt,
đưa đến thái độ cục bộ và chỉ bằng lòng với một sự hiệp nhất bên ngoài, hiệp
nhất như là “bỏ tất cả những thứ hổ lốn vào một bao bì”. Ngược lại, tình trạng
di dân sẽ có khả năng đưa người Kitô hữu vào một hành trình, gỡ mình ra khỏi mọi
thứ ổn định, an toàn; giúp khám phá lại phẩm chất công giáo bên trong, để sống
mầu nhiệm Giáo hội như một hành trình thu họp muôn dân, hướng tới một Giáo hội
duy nhất của đức Kitô đang hình thành trong dòng lịch sử.
3. Vài vấn đề cụ thể trong phẩm chất đức Tin
3.1 “Đạo tại tâm” hay “đạo sinh hoạt”
Trong tình
trạng di dân, khi mà nề nếp sống đạo không còn được sự hỗ trợ của hoàn cảnh bên
ngoài nữa; đồng thời lại có nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính, người ta sẽ
đối diện với một vấn đề cụ thể : “đạo tại tâm” hay “đạo sinh hoạt”. Người Kitô
hữu có thiết yếu cần phải đi lễ, cần phải tham dự phụng vụ chung với giáo xứ
hay chỉ cần “có lòng” với Chúa, chỉ cần tin vào Chúa là được ?
Từ trong Cựu
ước, Thiên Chúa giáo đã vượt qua thứ đạo thuần tuý là hình thức bên ngoài. Điều
răn thứ Hai cấm người Dân giao tiếp với Chúa bằng những công thức bùa chú hoàn
toàn có tính ma thuật bên ngoài. Xưa kia, người tín hữu thờ các thần không phải
vì kính yêu chính bản thân của vị thần, mà chỉ muốn lợi dụng sức mạnh của vị thần.
Khi đó, người ta cần tìm một công thức bùa chú, thường bao gồm tên của thần, để
đọc lên một cách máy móc, nhằm để bắt ép thần thực hiện yêu cầu của mình. Mười
điều răn của giao ước trên núi Xi nai là một đòi hỏi của một cấp độ tôn giáo
khác, vượt qua cấp độ của những thứ tôn giáo “giành giựt”. Mười điều răn của
giao ước bao hàm trong ý nghĩa căn bản của điều răn thứ nhất : thờ phượng và
kính mến Chúa trên hết mọi sự… Đồng thời, điều răn này cũng loại bỏ một thứ đạo
thuần tuý tâm với điều răn thứ ba : “Ngươi
hãy nhớ ngày Sa-bát mà coi đó là ngày thánh…” (Xh 20,8). Điều răn thư Ba
đòi buộc phải diễn tả đức tin. Đức tin cần được diễn tả, cần được biểu lộ một
cách hữu hình (với Kitô giáo, cần được biểu lộ khi có điều kiện). Như thế, điều
răn thứ Nhất, thờ phượng và kính mến Chúa trên hết mọi sự, vừa không cho phép
người Dân biến tôn giáo thành một thứ đạo sinh hoạt thuần túy, lại cũng không
cho phép người tín hữu thu mình vào một thứ đạo tại tâm. Đức Tin khởi đi từ
trong “tâm”, những đồng thời phải được biểu lộ trong sinh hoạt; đó mới là nếp
sống đức tin chân chính. Truyền thống ấy bao gồm những đường nét căn bản của
đức tin mà Tân Ước hoàn trọn chứ không hề phá bỏ.
Trong tình
hình hiện nay, chắc chắn nề nếp đức tin ở các giáo xứ truyền thống có phần
nghiêng ngả nhiều về đạo sinh hoạt; và ta có thể thấy rằng những nơi nào có
khuynh hướng biến đạo Chúa thành đạo sinh hoạt sẽ khó có thể vượt qua được
những xáo trộn do tình trạng di dân. Một khi quá nhấn mạnh đến những điều kiện
bên ngoài của một tổ chức có nhiều tính sinh hoạt, thì một cách ngược lại, các
giáo xứ ấy sẽ dễ đẩy người tín hữu di dân, hoặc là bỏ đạo, hoặc nếu còn một
chút lương tâm nhà đạo, sẽ phải chọn lập trường thuần tuý đạo tại tâm.
3.2 Đạo cho chiên ngoan hay đạo cho chiên lạc ?
Một nghịch lý
khác của Tin Mừng cũng lộ ra trong tình trạng di dân hiện nay, đó là tình trạng
biến Kitô giáo thành đạo cho chiên ngoan, trong khi mà chủ đích của đức Giêsu
thì đã quá rõ ràng :
Đức Giê-su nói : "Người khoẻ mạnh không
cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này :
'Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế’. Vì tôi không đến để kêu gọi người công
chính, mà để kêu gọi người tội lỗi." (Mt 9, 12-13)
Môi trường
hoạt động của đức Giêsu không phải nơi những người đạo đức, những người pharisêu,
sa đốc, nhưng là những người nghèo, những người tội lỗi, những người bệnh tật
đau khổ cách này cách khác. Nếu đức Giêsu chọn những “con chiên ngoan” là những
người đạo đức thời đó, thì có lẽ đích điểm của hành trình trần gian của ngài
không phải là thập giá mà là ngai vàng. Chỉ cần trở nên một đấng Mêsia của
những người danh giá đạo đức thời đó, cuộc đời của ngài đã “lên hương” rồi…
Kitô giáo một
khi từ bỏ những con chiên ghẻ, chắc chắn sẽ bị biến chất, sẽ biến Kitô giáo
thành con đường của những người ưu tuyển như các tôn giáo và triết học khác.
Nhưng chính nơi những người nghèo mà đức Giêsu đã tỏ bày nổi bật phẩm tính cao
quý nhất của Giavê Thiên Chúa, phẩm tính lòng thương xót. Điều này quan trọng,
hết sức quan trọng, đến độ chỉ người nào nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa
thể hiện nơi con người Giêsu thì mới nhận ra ngài chính là Đấng Mêsia được
Thiên Chúa hứa.
Đồng thời,
khi trở thành đạo của chiên ngoan, thì Kitô giáo sẽ biến đạo cứu độ trở thành
đạo luân lý; nghĩa là thay vì công bố lời yêu thương của Chúa, những hành động
cứu độ của Chúa, thì Kitô giáo chỉ còn biết nhắc đi nhắc lại những việc con
người phải làm, những thái độ của con người phải sống. Dĩ nhiên, ơn cứu độ của
Thiên Chúa sẽ biến đổi con người, nhưng tình yêu và ơn sủng của Chúa đi bước
trước, thông ban một cách quảng đại cho con người. Một khi ai đó biết lãnh nhận
với lòng tri ân, thì đời sống luân lý sẽ được thay đổi. Ở đẳng cấp này, hành vi
luân lý của con người không còn phải là một sự đổi chác để được ơn cứu độ, mà
là nghĩa tình xuát phát từ thái độ tri ân vì đã được lãnh nhận ơn cứu độ “tặng
không” của Thiên Chúa.
3.3 Đạo nhà thờ hay đạo trong hành trình cuộc sống ?
Một khía cạnh
khác cũng không kém phần quan trọng được lộ ra trong vấn đề di dân, đó là vấn
đề của đời sống đức Tin, trong chiều hướng sống lịch sử đời mình.
Trong truyền
thống do thái Kitô giáo, sống đức tin chính là sống lịch sử đời mình trong sự
vâng phục thánh ý của Chúa. Ơn cứu độ thiết yếu diễn ra trong môi trường lịch
sử, lịch sử đời thường của con người. Những thị kiến, những ơn huệ xuất thần,
đỉnh núi Thabor,… không phải là mục đích của đời sống đức tin, mà chỉ là những
giây phút hé lộ sự sống đích thực Thiên Chúa, nhằm tăng thêm sức mạnh của niềm
tin cho hành trình lịch sử. Trong khía cạnh này, Hosê là mẫu gương đích thực
của đời sống đức Tin, Hôsê đã vâng lệnh Chúa để cưới bà Gomer, vâng lệnh Chúa
để tha thứ cho Gomer nhiều lần phản bội, vâng lệnh Chúa để giữ một thời gian
khiêng cữ vợ chồng nhằm thanh luyện… Với tất cả những chuyện tình yêu đời
thường ấy, đời sống của Hôsê trở thành dấu chỉ tình thương của Chúa với Dân; và
người ta có thể nói rằng hành trình nên thánh của Hôsê không ở nơi đỉnh núi cao
sang thánh thiện nào cả, mà là con đường “nên thánh trên giường ngủ”… Hôsê, dĩ
nhiên, là một trường hợp đặc biệt. Nhưng phương thưc sống đức tin của Hôsê bộc
lộ đường nét căn bản của một người Israen chân chính, đó là cách sống đức tin
trong lịch sử thật của cuộc đời mình.
Nhờ hồng ân
của Chúa, nhờ những giọt máu của các thánh tử đạo Việt Nam, đời sống đức tin trong
Giáo hội Việt Nam vẫn còn khá phong phú. Sinh hoạt đạo rất phong phú và không
hẳn chỉ là một thứ đạo bề ngoài mà thôi. “Nhờ ơn” xã hội chủ nghĩa, Giáo hội
Việt Nam đang trở thành “lò” cung cấp ơn gọi cho cả Giáo hội; và mặc dù còn có
nhiều điều cần phải được thanh luyện, ta vẫn có thể có một tầm nhìn lạc quan về
Giáo hội Việt Nam. Tuy nhiên, có lẽ điều lệch lạc lớn của đời sống đức tin
trong giáo hội Việt Nam, đó là sự tách biệt đời sống đức tin với cuộc sống hằng
ngày. Hiến chế Mục vụ công
đồng Vatican II nói :
Công
đồng khuyến khích các Kiô hữu, công dân của cả hai thành đô, hãy nỗ lực để
trung thành chu toàn những bổn phận trần thế, và luôn hành động theo tinh thần
Tin Mừng. Thật là sai lầm nếu nghĩ rằng, vì chúng ta không có một quê hương
trường tồn ở trần thế và đang kiếm tìm quê hương đời sau, nên có thể không cần
quan tâm đến cách bổn phận trần thế, như vậy là không nhận thấy rằng chính đức
tin buộc mỗi người, tuỳ theo ơn gọi của mình, phải chu toàn các bổn phận đó
cách hoàn hảo hơn. Ngược lại, cũng sai lầm không kém nếu cứ dìm mình trong các
công việc trần thế, như thể hoạt động ấy hoàn toàn xa lạ với đời sống tôn giáo,
vì cho rằng tôn giáo chỉ giới hạn trong những hành vi phụng tự và một vài bổn
phận luân lý phải chu toàn. Sự phân cách giữa đức tin được tuyên xưng và cuộc
sống thường ngày của nhiều người phải kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất
của thời đại chúng ta….
(MV 43).
Người di dân Việt Nam hiện nay phần lớn là
di dân vì lý do kinh tế. Nỗi lo lắng về cuộc sống chiếm hết những sức lực, thời
giờ, quan tâm của họ. Do đó, sự chểnh mảng về đời sống đức
Tin cũng là tình trạng phổ biến… Sự kiện này buộc Giáo
hội Việt Nam phải nhìn lại phẩm chất đức Tin của mình. Khi mà
những người nghèo, những người lao động, những người đang phải lao đao giữa
cuộc chiến kinh tế không tìm được sức mạnh, không tìm được ánh sáng, không tìm
được sự đồng hành nơi đời sống Giáo hội, thì chắc chắn người ta sẽ ngả về những
hoạt động trần thế để đáp ứng chuyện cơm áo hằng ngày.
Tạm kết
Khi đức Giêsu nói : “lúa chín đầy đồng”,
thì đó chưa hẳn là một “cánh đồng” đầy những người đạo đức như người ta thường
nghĩ, nhưng có lẽ đúng hơn là cánh đồng những người khao khát ơn cứu độ, đặc
biệt nơi những người nghèo mà hình ảnh người di dân ngày nay cho chúng ta một
kinh nghiệm sống động :
Đức
Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao
giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đức Giê-su thấy
đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không
người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng : Lúa chín đầy đồng, mà thợ
gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về (Mt 9, 35-38).
Đối diện với tình trạng này, người mục sẽ
bị chất vấn về tinh thần mục tử của mình. Tác vụ linh mục cũng không phải là
công việc quản trị nhưng là mục tử. Người quản trị thì bận tâm nhiều đến tổ
chức chung, đến nề nếp trật tự…, trong đó có những con chiên ghẻ bị loại trừ.
Ngược lại, mục tử thì phải biết chiên, biết từng con chiên một. Kỷ luật, trật
tự bao giờ cũng cần thiết, nhưng nếu trật tự đè bẹp sự sống cá nhân của một con
chiên, dù là “chiên ghẻ”, thì vị mục tử sẽ phải biết chọn giải pháp nào đúng
với Tin Mừng của Chúa.
Cũng thế, những người giáo dân đang an ổn
trong giáo xứ nề nếp cũng bị chất vấn. Người Kitô hữu không được quyền “hợp
pháp hoá” tình trạng khốn khổ của những anh chị em mình bằng một một thái dộ
dửng dưng. Di dân chính là một cuộc thanh luyện cho đời sống đức tin của người
tín hữu Việt Nam hôm nay vậy.
Đăng nhận xét