Đức tin và hy vọng
là những yếu tố không thể tách rời
trong trái tim của những người di dân,
những người có một khao khát thẳm sâu
về đời sống tốt hơn lên và cố gắng để bỏ lại sau lưng mình sự vô vọng của một tương lai không hứa hẹn.
là những yếu tố không thể tách rời
trong trái tim của những người di dân,
những người có một khao khát thẳm sâu
về đời sống tốt hơn lên và cố gắng để bỏ lại sau lưng mình sự vô vọng của một tương lai không hứa hẹn.
(Sứ điệp của Đức
nguyên Giáo Hoàng Bênêdictô XVI
nhân ngày thế giới di dân lần thứ 99)
nhân ngày thế giới di dân lần thứ 99)
Mary
Nguyễn Hòa – MTG Quy Nhơn
Dẫn
nhập
Toàn cầu hóa đang thổi luồng gió mới vào
thế giới đương đại, mang lại cho con người những cơ hội để vươn lên và thăng
tiến, nhưng cũng kéo theo nhiều vấn đề nhân sinh nan giải. Chúng ta đang sống
trong xã hội đầy sức sống trẻ với nhiều biến đổi và biến đổi không ngừng, những
biến đổi này khiến con người phải thích nghi liên tục tạo nên làn sóng di
chuyển rộng lớn mà chúng ta tạm gọi là làn sóng di dân.
Ngày nay có lẽ di dân đang trở thành một
chuyển động dân chúng lớn nhất trong lịch sử đương đại. Trong vài thập niên gần
đây, di dân đang trở thành một vấn đề thực tế làm nên xã hội hiện đại. Di dân đang trở nên một vấn đề
ngày càng phức tạp dưới các khía cạnh xã hội, văn hóa, chính trị, tôn giáo,
kinh tế và mục vụ. Đây là một hiện tượng mà Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêdictô
XVI đã đề cập đến trong Thông
Điệp “Bác ái trong chân lý” (Caritas
in Veritate). Các anh chị
em di dân chính là những người nông dân từ các làng quê nghèo nàn lên thành phố
để kiếm kế sinh nhai; họ là các sinh viên xa nhà đang tập trung đến các khu đô
thị, thành phố để học tập và làm việc; họ là những công nhân làm việc tại các
nhà máy, xưởng thợ, các khu công nghiệp; họ là những người đang phải tị nạn nơi
khác vì chiến tranh, áp bức, bóc lột…
Trong một bối
cảnh vàng thau lẫn lộn, tranh tối tranh sáng này, người di dân Công Giáo, trong
đó đa phần là các bạn trẻ phải rời bỏ
quê hương để học tập và làm việc, bôn ba trong môi trường đầy phức tạp và cạm bẫy, thử hỏi cuộc
sống của họ sẽ ra sao? Ai sẽ
lo cho đức tin của họ? Liệu khi phải chạy vạy với miếng cơm manh áo, họ có còn giữ vững niềm
tin truyền thống nữa không hay đã đánh mất đức tin giữa cuộc sống xô bồ này? Tưởng
rằng di dân chỉ là chuyện đơn thuần của những người có trách nhiệm, của một
người, một giáo xứ hay một giáo phận nữa nhưng đó lại là chuyện toàn cầu,
chuyện của toàn xã hội và Giáo Hội, có liên quan đến nhiều lãnh vực của cuộc
sống. Đây quả là một đề tài rộng lớn nhưng có lẽ lại là công tác mục vụ rất mới
mẻ với Giáo Hội Việt Nam chúng ta.
Vì thế trong bài viết này, người viết chỉ
nêu lên một vấn đề nhỏ trong việc mục vụ di dân là đời sống Đức tin của sinh
viên di dân và ưu tư của Giáo Hội cho việc sống Đức tin của thành phần này thế
nào để giữa cuộc sống hào nhoáng, xô bồ và đầy cạm bẫy, họ vẫn kiên trung sống
vững niềm tin của mình và còn lan tỏa cho mọi người chung quanh.
I. Tình
trạng sống Đức Tin của Sinh viên di dân
1.
Cuộc sống mong manh
của những con người trong thế giới “di động”
Ai đã từng
sống cảnh xa gia đình, xa quê hương để học tập hay tìm việc mưu sinh, mới có
thể hiểu được cảm giác lạc lõng, bấp bênh của những con người trong hoàn cảnh
này. Họ phải sống trong thế giới “di động”, thế nên bấp bênh, thiếu an toàn và
bền vững là điều đương nhiên. Họ phải tự thân vận động, bươn chải, thậm
chí giành giật, tận dụng từng cơ hội nhỏ
nhoi để có thể tồn tại trong cuộc sống. Cuộc đời của họ là thế đấy! Xin được
mượn lời bài hát “ Bạn tôi” của Võ
Thiện Thanh như một minh họa về cuộc đời sinh viên:
Bạn tôi sáng nhịn ăn lên giảng đường. Bạn tôi
sáng đạp xe 20 cây số. Thằng đi dạy thêm, đứa làm tiếp thị, thằng làm quán cơm,
tối về một gói mì tôm. Tối về kể chuyện nhau nghe, chuyện buồn chuyện vui ngày
tháng xa nhà. Tối về giọng Bắc, Trung, Nam, chia cùng điếu thuốc sớm chuyện vui
buồn. Miền Tây nước lớn, đứng ngồi không yên, Miền Trung lũ lụt suốt đêm không
ngủ. Chúng tôi vào Đại học niềm vui chưa dứt, bao nỗi âu lo, dáng Mẹ gầy hơn
trước, tóc Ba thêm sợi bạc. Chiều nay tin bão phương xa, lòng con chua xót. Con
chưa về, chưa về lòng thắt cơn đau.
Từ các tỉnh
lẻ, các sinh viên hăng hái, phấn khởi khăn gói lên đường mang theo trong mình
bao hoài bão lớn, ai cũng trông mong ngày nào đó mình có dịp đến các thành phố
lớn để học, để tìm cơ hội tiến thân và vươn xa hơn nữa là tìm cơ hội để có thể
gặp gỡ, học tập cùng với bạn bè khắp năm châu. Niềm vui đó, khát khao đó thật
lớn lao và cao cả nhưng cũng không thiếu những băn khoăn lo lắng canh cánh bên
lòng. Ngoài sự thiếu vắng nâng đỡ của gia đình, họ phải tự lo lấy cuộc sống của
mình: nào là phải tìm nơi ở, tiền học phí, tiền thuê nhà... và bao nhiêu khoản
lo khác. Biết gia đình không thể lo đủ cho mình trang trải các chi phí, ngay từ
những ngày đầu năm học, họ đã phải nghĩ tới chuyện tìm việc làm thêm ngoài giờ
học (dạy thêm tại tư gia, làm tiếp thị, bồi bàn, bán hàng tại các cửa tiệm, hay
làm bất cứ việc gì miễn là kiếm được tiền lo việc học...). Có những em Tết
không dám về quê vì muốn ở lại để làm thêm kiếm tiền và không phải mất một
khoản tiền lớn cho chuyện tàu xe, để dành tiền trang trải cho học phí, tiền ăn,
tiền nhà và những chi phí khác trong năm.
Vâng, sinh
viên xa nhà là một trong các đối tượng mà Giáo Hội đang đặc biệt quan tâm. Tại
sao lại quan tâm các bạn đến như thế? Dễ hiểu thôi. Các bạn ấy rời gia đình ở
tuổi vừa lớn, chưa đủ bản lĩnh, kinh nghiệm cũng như khả năng thích ứng với môi
trường xa lạ. Môi trường xã hội và cả học đường không đủ nghiêm túc cùng với
nền kinh tế mở cửa ngày càng khó khăn và chật vật hơn có thể khiến cho họ mất
phương hướng… Cuộc sống sinh viên dễ trở thành miếng mồi ngon cho cơn lốc suy
đồi về nhân phẩm và đạo đức. Biết bao bạn sinh viên đã từng chia sẻ :
Mới năm 1, năm 2 còn lạ lẫm nhiều thứ, chưa
có bạn bè và các mối tương quan nhiều nên việc học vẫn là vấn đề ưu tiên, đến
những năm cuối thì các mối tương quan càng trở nên nhiều hơn, nhiều bạn đã
không ý thức được mục đích của mình là gì và tương lai của mình sẽ thế nào nên
đã hoang phí thời gian và tiền bạc, sức khỏe cho những cuộc ăn chơi thác loạn,
vô bổ…
Tệ hại hơn,
họ muốn tôn thờ chủ nghĩa duy lý, khuynh hướng duy thế tục nên đang cố chối bỏ
và loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, khỏi suy nghĩ và khỏi trần gian này
mà quên rằng sẽ là một thách đố lớn đối với họ; những đôi chân còn non trẻ,
những con người không đủ vững vàng để hòa mình vào xã hội giữa chốn đô thị phồn
vinh đầy xu hướng đam mê và hưởng thụ mời mọc.
1.
Thách đố trong việc phát triển và biểu lộ niềm tin
Thừa hưởng
truyền thống đạo đức nơi gia đình, xóm đạo, nhiều bạn trẻ sinh viên đã sống đức
tin rất vững vàng. Họ không những siêng năng tham dự thánh lễ Chúa nhật mà cả thánh
lễ ngày thường, tham dự với cộng đoàn những buổi Chầu Thánh Thể, đọc kinh Thần
Vụ, gẫm Đàng Thánh Giá vào thứ 6 hằng tuần. Một điều có thể khiến tôi ngạc
nhiên là có những giáo xứ thánh lễ ngày thường ít thấy giáo dân giáo xứ đi lễ,
đa phần là các bạn sinh viên di dân. Nếu
vào những dịp Tết hay nghỉ hè, các bạn trở về quê nhà thì những thánh lễ ngày
thường thưa thớt bóng người. Ngoài việc học, các bạn đã dành thời gian cho việc
thực hành niềm tin của mình, cụ thể là
tham dự thánh lễ mỗi ngày. Hơn nữa, tại các giáo xứ, giáo phận mà các bạn đến,
các bạn đã tham gia tích cực vào các hội đoàn chẳng hạn như sinh viên Công
giáo, huynh trưởng, giáo lý viên, ca đoàn, gia đình ơn gọi…, các bạn đã trở
thành những cộng tác viên và thiện nguyện viên đắc lực cho công tác xã hội của
Giáo Hội tại nhiều nơi.
Chính khi dấn
thân trong những môi trường tích cực như thế, các bạn không những chỉ được học
hỏi, đào sâu về Lời Chúa, Giáo Lý mà còn có được những kinh nghiệm thiêng liêng
trong cuộc đời: biết áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống, biết can đảm vượt
qua khó khăn thử thách và vươn lên, biết tin tưởng và phó thác vào Chúa khi gặp
những thử thách, khó khăn. Có được như vậy, nhiều bạn đã từng chia sẻ :
Khi tham gia vào Sinh viên Công giáo, em cảm
thấy vui và tự tin, nơi đây như gia đình của mình, được những người có trách
nhiệm như Quý Cha, Quý tu sĩ nam nữ và bạn bè đồng hành và chia sẻ, nâng
đỡ. Đức tin dường như được củng cố vững
vàng hơn.
Thế nhưng,
không ít những bạn sinh viên ngày nay khiến cho nhiều người thất vọng và lo
ngại về tình hình sa sút về nhiều mặt của họ, đặc biệt là niềm tin. Nếu di dân
trở nên hiện tượng phổ biến trên thế giới ngày nay đang đặt ra cho xã hội bao
vấn đề gai góc thì nó cũng đang trở thành thách đố lớn và tác động sâu rộng cho
Giáo Hội, cách riêng Giáo Hội Việt Nam. Thật vậy, con người xã hội hiện nay
đang phải đối diện gay gắt với sự bành trướng của chủ nghĩa vô thần duy vật
chất và chủ thuyết tương đối, thì đời sống đức tin của các bạn trẻ sinh viên càng trở nên bấp bênh hơn bao giờ
hết. Trong bối cảnh xã hội phức tạp như thế không thể nghi ngờ rằng đã ảnh
hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bao thế hệ sinh viên đã và đang đi qua. Biết bao vấn đề khó khăn đặt ra như những
thách đố cho việc phát triển và biểu lộ niềm tin của họ. Thách đố từ ý thức hội
nhập, thách đố về sự tự do chạy theo xu hướng hưởng thụ vật chất của tiến trình
toàn cầu hóa, tự do hôn nhân làm phát sinh nhiều tệ nạn xã hội. Những thách đố
này là bài toán nan giải cho chính đương sự và cho những người có trách nhiệm.
Ø Thách đố từ ý thức hội nhập
Vì đã quen
với nếp sinh hoạt ở gia đình, mọi thứ đều đã được người khác lo sẵn, mình chỉ
có việc sử dụng thôi nên khi bước vào cuộc đời sinh viên, những sinh viên chưa
quen sống tự lập có nguy cơ bị khủng hoảng, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và
tinh thần. Sinh viên N. V.B (Đại học Sư phạm Tp. HCM) cho biết:
Những ngày bước vào giảng đường em phát bệnh
triền miên, từ chỗ gia đình lo liệu toàn bộ thì nay em phải học cách tự chăm
sóc mình, nào là cơm nước, giặt giũ quần áo, chi tiêu… sau vài tháng em mới có
thể ổn định.
Đứng dưới góc
độ của người quan sát, có lẽ chúng ta cũng cảm thấy lúng túng khi đối diện với
những thách đố mà các bạn này đang gặp phải. Lỗi cũng chẳng phải ở họ nhưng là
qui luật tất yếu của xã hội, một xã hội đa nguyên cùng lúc phát sinh nhiều giá
trị, nhiều thái độ, quan niệm sống, cách nhận thức…, thật không dễ để tìm được
giá trị đích thực. Họ đang lúng túng để hòa hợp giữa giá trị của thôn quê với
giá trị của thành thị.
Thật thế,
mang theo những truyền thống văn hóa, tập tục, ngôn ngữ địa phương đến một vùng
đất mới lạ, để có thể hòa nhập những nét văn hóa của mình vào trong cộng đồng
xã hội hiện tại mà không bị mất gốc, lai căng cũng như không mặc cảm tự ti quả
là một vấn đề cũng không kém phần khó khăn đối với các bạn. Em Siu N. (một sinh
viên dân tộc thiểu số) đã từng chia sẻ:
Khi bước chân đến Đà Nẵng để học tập, một
điều em cảm thấy ngại ngùng và lo nhất, mọi sinh hoạt giờ đây cùng với người
Kinh hết: nói tiếng Kinh; học với người Kinh; ở chung Lưu xá với người Kinh; tham gia các hội đoàn
như ca đoàn, sinh viên Công Giáo, cộng đoàn di dân với người Kinh..., không
biết em có thể dễ dàng sống được không, các bạn trong Lưu xá có thể nào chấp
nhập em với những nét rất riêng của người dân tộc không”?
Một vài tâm
sự đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, liệu
tôi có thể làm gì để giúp em giải tỏa những khúc mắc, lo lắng đang gặp phải. Và
đó là điều tôi phải trả lời...
Quả thật việc
thay đổi môi trường là một khó khăn nhưng việc hội nhập vào xã hội lại là một
điều còn khó hơn. Làm thế nào để ngôn ngữ, sinh hoạt ở nơi đến làm cho các em
sinh viên di dân này không cảm thấy lạc lỏng, bơ vơ và bị bỏ rơi. Tuy nhiên,
điều đáng lo ngại là môi trường tiếp nhận họ liệu có đủ “trong sạch” để giúp họ ổn định cuộc sống không? Với sinh
viên, họ có thể hòa nhập xã hội rất nhanh nhưng có lẽ việc hòa nhập của họ lắm
khi đã bị “hòa tan” mất rồi. Họ không đủ
khả năng để làm chủ được mình trước dòng xoáy của lối sống mở toàn cầu hóa, dễ
dàng bị nó điều khiển họ rơi vào nạn nhân của những trò yêu thử, sống thử, hút
chích, nghiện ngập, mại dâm, phá thai…
Bên cạnh đó,
với xu thế hội nhập vào vòng xoáy của nền
kinh tế thị trường, quan niệm học cho nhiều để được bằng cấp cao, thăng
quan tiến chức làm ra được nhiều tiền nên biết bao bạn sinh viên đã lao đầu vào
học, học ngày học đêm, dẫn đến những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe và tinh
thần. Cũng không thiếu những sinh viên thiếu năng lực, chạy thầy, lót tay để
được điểm tốt, điểm cao hay nhận được văn bằng xuất sắc nhưng đấy chẳng phải là
thực chất của mình. Những lối rẽ hấp dẫn này đang dẫn đưa một số các bạn sinh
viên đi vào con đường tội lỗi, đánh mất Đức Tin. Một khi những giá trị đạo đức,
nhân bản và cả luân lý cũng đang giảm sút đến mức trầm trọng như thế thì Đức
tin làm sao có thể được bảo đảm và giữ vững. Có Đức tin họ sẽ không hành động
như thế. Đây là một yếu tố cơ bản khiến nhiều sinh viên không những bỏ đạo, bỏ
nhà thờ mà còn vong thân nữa..
Ø Thách đố
về nhu cầu hưởng thụ
Nhịp sống của
xã hội đang lao đi như một cơn lốc mang theo cả hệ thống chủ nghĩa: chủ nghĩa
duy vật chất, hưởng thụ khoái lạc, chủ nghĩa tương đối… đã kéo theo không ít
những bạn sinh viên trẻ lún sâu vào vũng lầy của cơn cám dỗ. Đời sống kinh tế
tăng cao, con người có điều kiện giải trí, nghỉ ngơi sau những giờ lao động mệt
nhọc. Vì thế, rảo qua các tụ điểm ăn chơi tại các thành phố lớn, chúng ta có
thể bắt gặp đủ mọi hình thức nào là các quán nhậu, café, karaokê đến các vũ
trường, quán Bar... thâu đêm suốt sáng. Minh họa điển hình: “Cả năm mới có cái sinh nhật lại của mình. Tụ tập
là phải cho tươm, không thì kém vui lắm”. Với suy nghĩ này, Hưng (ĐH Mở Hà
Nội) chi khá mạnh tay vào vụ sinh nhật tới gần hết 2 triệu tiền ăn của tháng.
Sau cuộc nhậu nhẹt tại quán, Hưng cùng bạn bè lại kéo nhau đến một quán hát
quen trên đường Vĩnh Hưng (Hoàng Mai) để tiếp tục tiệc sinh nhật[1].
Các bạn đang
trong thời gian đi học, phải nhận từ gia đình những đồng tiền gom góp được,
tiền đâu, thời gian đâu để học tập mà các bạn lại tham gia vào những cuộc ăn
chơi thế này? Các bạn lại cho rằng rất bình thường trong việc sống thử, quan hệ
tình dục trước hôn nhân nên trong thời gian này không ít bạn đã “góp gạo thổi cơm
chung” rồi vì cho rằng như thế thì tiết kiệm biết bao nhiêu thứ. Quả thật, dần
dần họ xem thường các giá trị luân lý và biết bao hệ lụy của tội ác đứng đằng
sau những giây phút nông nổi của các bạn: mại dâm, HIV, phá thai, giết người…
Sự thay đổi
môi trường cùng với việc thích nghi môi trường sống mới khiến con người phải
đương đầu với nhiều cám dỗ về : tiền bạc, tình yêu, tình dục…
Ø Thách đố về niềm tin
Dưới chiều
kích Đức Tin, sự di chuyển, thay đổi môi trường sống ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin Kitô giáo của mỗi
sinh viên. Trước khi rời khỏi gia đình để bước chân vào giảng đường Đại học,
các sinh viên này đã từng gắn bó cuộc sống yên bình nơi những giáo xứ có truyền thống đạo
đức, ngày ngày với những
tràng chuỗi Mân Côi, thánh lễ, các buổi đọc kinh chung với nhau trong giáo xứ,
nơi gia đình. Từ chỗ xung quanh là những người có đạo, gần nhà thờ, luôn được
nhắc nhở về đời sống thiêng liêng, giờ đây bước vào môi trường đa tôn giáo, đa
văn hóa, sống chung với những bạn không
cùng tôn giáo, nhà thờ cũng ở xa nơi trọ, họ biện minh cho sự lười biếng của
mình với vô vàn lý do: nào là bận học, không có thời gian; vừa đi học vừa đi
làm thì làm gì còn giờ để mà đi lễ nhưng họ có thể dành vài ba tiếng đồng hồ,
thậm chí cả buổi để ngồi tán gẫu ở các quán café, quán nhậu, game online....
Hơn nữa, với ảnh hưởng của những kiến thức họ tiếp nhận được, các triết thuyết
vô thần đã phần nào làm lung lạc Đức tin của họ. Nhiều bạn thiếu vốn giáo lý
căn bản, cho rằng thời này mà còn học giáo lý là lãng phí thời gian, thiếu thực
tế.
Càng tiếp thu
kiến thức càng cao, họ càng lơ là, dửng dưng với những giá trị thánh thiêng.
Nhiều bạn coi việc đi lễ là
một gánh nặng, đi vì bổn phận, vì sợ trọng tội hoặc vì sự cưỡng ép của gia
đình. Đến nhà thờ cái xác không hồn, xác ở đó nhưng tâm hồn thì suy nghĩ ở đâu
đâu. Họ đi lễ chỉ là hình thức bên ngoài, cặp đôi trên những chiếc xe máy để
nói chuyện, hút thuốc, nghe điện thoại chẳng có một chút gì hiệp thông, quan
tâm thánh lễ đến đâu, chủ tế đang làm gì. Mang danh là đạo gốc, đạo dòng nhưng
vốn liếng Giáo lý căn bản và Kinh Thánh họ chẳng nắm bắt được gì. Giờ đây, bước
vào đời với cuộc sống tự lập, khi không còn sự quản lý của gia đình, bóng dáng
của những ngôi thánh đường cũng như những hội đoàn đã từng tham gia cũng dường
như khuất dần, nhường chỗ cho các cuộc vui chơi khác. Liệu lửa Đức tin trong họ
có còn đủ cháy sáng không hay lịm tắt khi gặp những chướng gió?
Những thách
đố đang đặt ra cho Giáo Hội những đường hướng giải quyết, đường hướng không
phải có tính cách chữa cháy tạm thời nhưng có hệ thống, bền vững lâu dài. Cùng chung nhịp đập của Giáo Hội, chúng ta
không được cho phép mình khoanh tay đứng nhìn mà không thể làm gì. Những thao
thức ngày đêm của từng vị mục tử và những người có trách nhiệm trong Giáo Hội
cũng chính là những thao thức của từng người con trong Giáo Hội, để cùng cảm
thông, tìm cách nâng đỡ anh chị em mình giúp nhau sống cuộc sống hạnh phúc hơn
về mọi phương diện.
II. Giáo Hội đồng hành với di dân trong cuộc
lữ hành Đức tin
1. Ưu tư của Giáo Hội
Huấn thị Erga Migrantes Caritas Christi, số 14 tái xác nhận di dân ngày nay
vẫn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Giáo Hội trong việc phục vụ và
loan báo Tin Mừng: “Hiện tượng di dân là
một dấu chỉ thời đại đầy ý nghĩa, là một thách đố cần khám phá và sử dụng trong
công tác canh tân nhân loại và loan báo Tin Mừng bình an”. Các anh chị em
di dân là những người chịu thiệt thòi nhiều mặt như xã hội, gia đình, tâm lý và
niềm tin tôn giáo. Trong số thành phần di dân, có thành phần cần phải được
đặc biệt chú ý, đó là thành phần sinh viên từ các quốc gia, thành phần xa nhà,
không đủ kiến thức về ngôn ngữ, có những lúc chẳng có bạn bè và thường có một
học bổng không đủ cho các nhu cầu của họ.
Thật vậy,
giới trẻ rời bỏ quê hương, gia đình của mình
để học hành gặp phải nhiều vấn để và nhất là nguy cơ bị khủng hoảng về căn
tính. Giáo Hội cần dồn mọi nỗ lực để cung cấp việc hỗ trợ làm bớt khổ đau cho
tình trạng thiếu vắng gia đình nơi những sinh viên trẻ trung này. Giáo Hội giúp
họ hội nhập vào các thành phố tiếp nhận họ bằng cách giúp họ liên hệ với các
gia đình có thể sẵn sàng tiếp đón họ và giúp họ dễ dàng hiểu biết nhau.[2] Họ cần được chuẩn bị nơi Giáo Hội họ xuất phát và cần được đón tiếp nơi
Giáo Hội họ đến để có thể thích nghi với môi trường mới đồng thời vẫn giữ được
lòng đạo đức truyền thống cũng như tăng trưởng thêm đời sống đức tin.
Giáo Hội là
mầu nhiệm Thiên Chúa ở giữa con người, mầu nhiệm tình yêu mà Người Con duy nhất
đã tỏ lộ đặc biệt qua các chết và Phục sinh của Ngài, để cho mọi người “được sống và sống dồi dào”[3]. Giáo Hội
thấy cả thế giới khổ đau và bạo lực này qua con mắt của Chúa Giêsu, Đấng đã
động lòng thương khi thấy đám đông lang thang như đàn chiên không người chăn
dắt (x. Mt 9,36). Hy vọng, can đảm, yêu thương và “tính cách sáng tạo của đức ái” cần phải làm là những gì làm phấn
khởi những nỗ lực cần thiết của con người và của Kitô hữu trong việc giúp đỡ
những anh chị em đau khổ của mình. Các Giáo Hội bản xứ của họ bày tỏ mối quan
tâm của mình bằng việc gửi các tác nhân mục vụ có cùng ngôn ngữ và văn hóa đến
với họ, bằng cuộc trao đổi đức ái với Giáo Hội riêng là nơi tiếp đón họ.[4]
“Người di dân là một người có những quyền căn bản bất khả nhượng phải được trân
trọng nơi mọi người và trong mọi hoàn cảnh”[5]
2. Đồng hành để thắp sáng niềm tin và hy vọng
Có lẽ các bậc
cha anh đi trước sẽ có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ về chương trình mục vụ di
dân này. Đây không phải là vấn đề mới của Giáo Hội hoàn vũ nhưng với Giáo Hội
Việt Nam, có thể nói chỉ là những bước dò dẫm, mới mẻ, đáp ứng nhu cầu thực tế
còn trong giới hạn, khiêm tốn. Không thể
phủ nhận công tác mục vụ di dân tại các Giáo Phận như Sài Gòn, Phú Cường, Xuân
Lộc, Đà Nẵng… rất tốt, mạnh mẽ nhưng có lẽ chưa có tính cách đồng bộ và thống
nhất cũng như chưa đi sâu đi sát với cuộc sống thực tế của các đối tượng mình
phục vụ. Theo suy nghĩ cá nhân, thiết nghĩ để công tác này được phát triển tốt
và hiệu quả thì cần có sự cộng tác của tất cả mọi người, nhiệt tâm không chưa
đủ mà cần có chút đặc sủng của công tác này, từ những người có trách nhiệm đến
những vị linh hướng, những người chuyên môn, những người đang đồng hành với các
em sinh viên để dấn thân phục vụ cho công tác được tiến triển tốt… và cần hoạch định chương trình cụ thể.
Ø Xin được đưa lên suy nghĩ của cá nhân
- Giới thiệu cho các em nhà trọ giá rẻ và ổn định để các em có thể yên tâm
học tập và sinh hoạt Đức tin.
- Tạo điều kiện, quan tâm cho các em tham gia sinh hoạt trong giáo xứ: Sinh
viên Công Giáo, ca đoàn, các hội đoàn… cũng như giúp các em sớm thích nghi, hội
nhập với việc đạo đức của môi trường mới.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các em có những Lưu xá để cùng sống tập thể
chung với nhau, sẽ giúp các em bớt đi những cám dỗ, cạm bẫy đồng thời các em sẽ
đồng cảm, nâng đỡ nhau, cùng giúp nhau trong học tập, phát triển đời sống luân
lý và Đức tin. Đây là hình thức mà nhiều Dòng tu đã làm trong việc mục vụ di
dân này, đặc biệt Dòng Don Bosco, với đặc sủng riêng, Dòng đã làm rất tốt công
tác này.
- Mời gọi, động viên, khuyến khích các em tham gia các phong trào: sinh
viên Công giáo, linh hoạt viên, Giáo lý viên… để sau những ngày tháng học tập,
các em trở về quê nhà mang theo những điều học hỏi được giúp cho đời sống Đức
tin được phát triển tại quê nhà của các em.
- Phúc Âm hóa phòng trọ (lưu xá): Các sinh viên Công giáo nếu được hấp thụ
nền đạo đức nơi gia đình, giáo xứ thì khi đến môi trường mới này các em sẽ là
những chứng nhân sống động và cụ thể cho Tin Mừng. Xin được chia sẻ kinh nghiệm
nho nhỏ trong khi đồng hành với các em nơi lưu xá nữ sinh viên của Hội Dòng Mến
Thánh Giá tại Đà Nẵng. Các em sinh viên Công giáo rủ nhau cả phòng đi tham dự thánh
lễ mỗi ngày tại Giáo xứ Hòa Khánh, trong đó có vài em là Phật giáo. Thoáng thấy
rất ngạc nhiên vì chiều nào các em cũng đi tham dự thánh lễ cùng với các em
sinh viên Công giáo. Chỉ sau gần một tháng, các em này đã có thể đối đáp được
các câu trong thánh lễ. Về phòng các em Công giáo cùng nhau ngồi chép ra giấy
Kinh Lạy Cha cho các em Phật giáo học thuộc và cả phòng lấy làm vui lắm. Sau nhiều lần quan sát, cùng chơi với các em
thì được biết, đó là ý muốn của các bạn ấy, các bạn muốn học thuộc những kinh
đó để khi tham dự thánh lễ có thể đọc được với mọi người. Thời gian sau, các em
lại hỏi mượn sách Thánh Ca để tập hát cho các bạn này. Bây giờ các em này có
thể hát thuộc bài hát “Lời thiêng” và nhiều bài hát Thánh Ca khác nữa, có nghĩa
là Lời của Chúa cũng đang dần dần có người lắng nghe rồi. Ước mong rằng rồi đây
các em cũng sẽ ham thích đọc Tin Mừng, nếu các em có dịp tiếp cận Tin Mừng. Rất
ước mơ mỗi em sinh viên trong lưu xá đều có quyển Tin Mừng, và hy vọng hạt
giống Đức Tin sẽ vươn lên mạnh mẽ.
- Cần yêu mến và hiểu các em. Muốn như thế cần tìm hiểu lứa tuổi, tâm lý,
nghề nghiệp, môi trường giáo dục, cách suy nghĩ, cách diễn tả của các em, kinh
nghiệm cũng như những nỗ lực mà các em vươn tới, thái độ, phản ứng của các em
trước những điều xảy ra trong cuộc sống, sở thích, nhu cầu cũng như lý tưởng
các em. Vì thế rất cần những nhà tư vấn tâm lý hoặc những người am hiểu vấn đề
của các em để giúp các em giải tỏa những
khủng hoảng và vượt qua khó khăn thử thách. Cần chuẩn bị không những chỉ giai
đoạn sinh viên mà còn hậu sinh viên. Những em trong thời gian sinh viên nếu
được định hướng tốt sẽ có thể mang lại cho Giáo Hội nhiều ơn gọi thánh hiến tốt
và nhiệt thành.
Ø Ước mong của các bạn sinh viên di dân
Được sự nâng đỡ, đồng hành của các Giám mục địa phương, các linh mục và nam
nữ tu sĩ, cũng như các thiện nguyện viên, các em thật sự cảm thấy rất hạnh
phúc, yên tâm học tập và sống Đức tin. Các em mong muốn đằng sau những sinh
hoạt của sinh viên Công giáo là cả chiều sâu nội tâm chứ không phải là những
hình thức sinh hoạt bề ngoài.
Các em đến với môi trường mới như những người cô đơn và lạc loài nên việc
chia sẻ, cảm thông với nhau là những động lực rất lớn để giúp nhau vững tin
hơn, nhất là những lúc gặp khó khăn thử thách trong niềm tin, trong khi phải
chọn lựa cho phù hợp ý Chúa, khi phải chịu thiệt thòi vì không chấp nhận thỏa
hiệp với những bất công, dối trá. Vì thế, cần tạo cho các em có những thời gian
thuận tiện để có thể ngồi lại chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm sống.
Bạn C. T. Đ (sinh viên trong nhóm Sinh Viên Công Giáo Đà Nẵng) đã nói lên
suy nghĩ của mình :
Con ước mong những người
đồng hành với chúng con chỉ đạo, hướng dẫn là cần thiết nhưng điều chúng con
muốn hơn là hãy cùng hành trình với chúng con, cùng sống thật sự với chúng
con,cùng chung tâm tình với chúng con để có thể hiểu chúng con hơn.
Thay lời kết
Việc mưu cầu lợi ích cho từng thành phần trong Giáo Hội là nghĩa vụ chung
của mọi người con trong Giáo Hội, trong đó có mục vụ cho sinh viên di dân. Chắc
chắn rằng đây là một việc làm không dễ dàng nếu không có ai chịu mở đôi tay,
trải rộng lòng để cộng tác với nhau cho công việc được hiệu quả tốt như lòng
Chúa mong muốn. Nhờ việc đón nhận giới trẻ như một phần chi thể trong nhiệm thể
Chúa Kitô, Giáo Hội có thể tuyên bố với con người thời đại rằng Giáo Hội thực
sự là tuổi trẻ của thế giới vì đang phản chiếu khuôn mặt tươi trẻ của Đức Kitô.[6] Giáo Hội
đang đi vào hành trình mà Đức Giêsu đã đi để thắp sáng niềm tin và hy vọng cho
những ai đang mong niềm tin và hy vọng sẽ được hạnh phúc bên Nước Trời vĩnh
cửu. Sứ điệp của Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêdictô XVI nhân ngày thế giới di dân lần thứ 99 nhắc nhở
chúng ta:
Đức tin và hy vọng là những yếu tố không thể
tách rời trong trái tim của những người di dân, những người có một khao khát
thẳm sâu về đời sống tốt hơn lên và cố gắng để bỏ lại sau lưng mình sự vô vọng
của một tương lai không hứa hẹn
Vì thế hãy dùng mọi phương thế tốt nhất để Đức Tin và hy vọng được triển nở
nơi tâm hồn mỗi người di dân, đặc biệt các bạn sinh viên.
Xin gởi lại
tâm tình của Đức cha Phụ tá
Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Tổng giáo phận Sài Gòn, nhắn nhủ các bạn sinh viên, giới trẻ trong dịp Đại Hội
giới trẻ hạt Gia Định:
Giới trẻ chúng con nên sống có ý thức và trân
trọng giữ gìn đức tin, dưới tác động của
Chúa, tất cả mọi người cố gắng sống tốt hơn, góp phần tích cực vào công cuộc
loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho mọi người như lời Thánh Phaolô: chúng tôi
không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Giêsu Kitô là Chúa (2 Cr 4,
5). Các con hãy dùng hết năng lực của mình để cố gắng học tập, trau dồi đời
sống đức tin để mai này là những trụ cột của Giáo Hội và xã hội.
Đăng nhận xét