Huấn Luyện Đức Tin Cho Người Tín Hữu Việt Nam, Một Việc Rất Cần Tihết!


Cách sống đạo, đức tin của người tín hữu Việt Nam
còn có nhiều điều đáng phải bàn, lưu tâm cách đặc biệt, 
khi phần đông, trong cách sống đức tin cho thấy
một đức tin hời hợt, không căn bản;
 sống đạo chỉ mang hình thức đạo của sinh hoạt,
đạo dựa trên tình cảm, dựa trên lễ hội,
thiếu chiều sâu dẫn dắt đến tâm linh đích thực,
gắn kết và tin thật vào Thiên Chúa.
Do đó, rất cần đến một sự huấn luyện đức tin…
Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, OP.


Từ dăm ba câu chuyện thực…
1.      “Một giám mục đến thăm một giáo họ có khoảng 300 giáo dân, được Ban hành giáo dẫn đi thăm nhà thờ mới xây hết 5 tỷ. Giám mục hỏi: “Ít giáo dân mà sao xây nhà thờ lớn thế? Chắc bà con ở đây hăng say truyền giáo?” – “Thưa Đức Cha, ông trùm trả lời, giáo họ chúng con toàn tòng, không có một thằng lương nào lọt vào đây” – “Sao lại gọi người lương bằng thằng ? Vậy chắc là ở đây sinh sản nhiều?” – “Thưa Đức Cha, đám trẻ bây giờ chỉ sinh một hai con thôi” – “Vậy thì cần gì phải xây nhà thờ lớn tốn nhiều tiền như thế ?” – “Nhà thờ giáo họ chúng con so với nhà thờ giáo họ bên cạnh còn thua 2 tỷ”. Giám mục hỏi tiếp: “Nghe nói ở giáo họ này, mỗi gia đình có một cuốn Tân Ước?”. Ông trùm hỏi lại: “Cuốn Tân Ước là cuốn gì, thưa Đức Cha? Chúng con chỉ học kinh bổn thôi” !!!
2.      Một giáo xứ kia, khi đón giám mục đến thăm, đã làm một cái kiệu và mời giám mục lên ngồi trên kiệu. Giám mục không lên kiệu mà đi dưới đất. Sau lễ, Hội đồng Giáo xứ phàn nàn: “Làm kiệu tốn tiền mà Đức Cha không lên ngồi!”. Giám mục hỏi: “Tại sao các ông muốn tôi ngồi trên kiệu?” – “Thưa Đức Cha, để cho người ta thấy vinh quang của Giáo hội”…![1].
3.      Tại nhiều giáo xứ, trong những giờ chầu Thánh Thể, ca đoàn và cộng đoàn thay nhau hết hát lại đến đọc kinh liên tục… Không có lấy vài phút thinh lặng trước Thánh Thể hay cầu nguyện riêng cá nhân, vì vốn dĩ nhiều giáo dân đã quen kinh kệ, không biết cầu nguyện riêng tư, chiêm ngắm.
4.      Trong một đại hội truyền giáo ở nơi nọ, có lẽ, để muốn có một dấu ấn đậm nét, nhắc nhớ đến sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội và của mỗi người, ban tổ chức đã thiết kế một con thuyền rất to, được trang hoàng lộng lẫy với cờ hoa… Và dù không muốn, nhưng cuối cùng, một vài vị chủ chăn cũng phải bước lên và đứng trong “con thuyền vĩ đại” ấy để đoàn rước được bắt đầu.
5.      Các hình thức rước sách ngoài thánh lễ như một lễ hội chiếm thời gian ngang bằng một thánh lễ nhằm tạo bề nổi, rình rang với trống phách, cờ xí, chú ý cái bên ngoài. Đi đàng Thánh Giá trọng thể ngoài trời với đội trắc vừa đánh vừa múa, cùng với dàn trống to đùng, đánh cật lực làm cho người tham dự cứ ngỡ như ngày hội trống, khoe tài, tìm vui… hơn là sầu đau cùng Chúa trên cây Thánh giá.
Để ngẫm nghĩ…
Cách sống đạo, đức tin của người tín hữu Việt Nam còn có nhiều điều đáng phải bàn, lưu tâm cách đặc biệt,  khi phần đông, trong cách sống đức tin cho thấy một đức tin hời hợt, không căn bản, sống đạo chỉ mang hình thức đạo của sinh hoạt, đạo dựa trên tình cảm, của những lễ hội, thiếu chiều sâu dẫn dắt đến tâm linh đích thực, gắn kết và tin thật vào Thiên Chúa. Do đó, rất cần đến một sự huấn luyện đức tin, để đức tin, đời sống đạo của người tín hữu Việt Nam đạt đến sự trưởng thành, một đức tin sâu sắc vượt ra khỏi những kiểu cách sống đạo hình thức, rầm rộ hoạt động tổ chức, phô trương, sáo ngữ, tranh giành vị thế…
Nhưng để có một cái nhìn sơ lược nguyên nhân dẫn đến những kiểu cách sống đạo chăng hay chớ, hời hợt, của một đức tin còn non yếu, thiết nghĩ, cần nhìn lại những tác động của một nền văn hóa ở trong một vài nét đặc trưng làm nên con người Việt Nam, mà nơi đó, có những kiểu cách, thói quen đã ăn sâu vào trong nhận thức, lối sống của người Công Giáo Việt Nam, mà không có hành trình biến đổi hóa văn hóa cho phù hợp với Tin Mừng.
   I.    Con người và văn hóa
Giữa con người và văn hóa có một sự hòa quyện nào đó trong vận hành của xã hội, trong các hoạt động đặc thù của con người, làm nên những bản sắc riêng biệt mang tính cộng đồng.  Ở góc độ nào đó, người ta có thể nhận ra rằng, con người sáng tạo ra văn hóa nhưng cũng chính từ văn hóa lại có một vận hành ngược trở lại để chi phối nhận thức, hành vi của con người. Quá trình sáng tạo văn hóa cũng chính là quá trình thể hiện bản chất của con người. Trong quá trình sáng tạo văn hóa, con người dần dần hoàn thiện chính mình trong các chức năng và giá trị của văn hóa mà con người tạo ra. Điều này được minh chứng trong thời gian cùng với lịch sử của sự phát triển đời sống con người qua những giá trị chân- thiện- mỹ.
Khi sự sáng tạo văn hóa ngày càng phong phú, con người ngày càng khác xa với các sinh vật khác, tự tạo cho mình một thế giới đặc thù riêng biệt, mà trong đó, chức năng và giá trị đang tồn tại trong văn hóa. Ngay trong sự sáng tạo mang tính tiếp diễn, đã có một sự chuyển mình của văn hóa, khi chức năng và giá trị tồn tại trong văn hóa đó tác động lên cơ chế tâm sinh lý của con người, hình thành kết cấu tâm lý và sinh ra những quan niệm giá trị.[2] Vì thế, sẽ có lý để nói rằng con người là hữu thể của văn hóa, là tác giả, chủ thể của văn hóa, khi văn hóa đó bao hàm nhiều mô hình, có thể thấy được hay ẩn giấu, của các hành vi, biểu tượng, của lối sống tạo nên nét đặc trưng, một giao thoa giữa văn hóa và cộng đồng, giữa văn hóa và cá nhân. Dù con người sáng tạo ra văn hóa, con người vẫn bị văn hóa chi phối khi sống trong chính môi trường văn hóa mà mình tạo ra. Và văn hóa đó sẽ cho con người có những ý tưởng, quan niệm…từ đó hình thành những quan niệm giá trị, ý thức giá trị khi có sự tác động của văn hóa lên con người thông qua một quá trình mà chức năng giá trị của văn hóa tác động lên tâm sinh lý của con người.
Tuy nhiên, con người còn là đối tượng của văn hóa, bởi vì con người còn được định dạng bởi cái văn hóa đang bao trùm lên toàn bộ cuộc sống của mình. Do đó, có một tương quan hai chiều giữa con người và văn hóa, làm nên một hành trình chuyển động, đẩy tới một sự chuyển biến khi văn hóa định dạng con người, chi phối nhận thức, hành vi, ứng xử của cộng đồng, cá nhân trong môi trường văn hóa đang tồn tại.
Trong Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội, Công đồng Vatican II đã chỉ ra rằng có một sự hòa nhập giữa bản tính văn hóa trong cuộc sống nhân loại, vì thông thường con người thường nối kết bản tính và văn hóa lại với nhau trong mối ràng buộc khá chặt chẽ. Do đó, để giúp con người đạt tới nhân vị đích thực, cần có yếu tố văn hóa, qua việc trau dồi những ưu phẩm và giá trị của bản tính[3].
Nhưng văn hóa đó là gì?
Có rất nhiều nghiên cứu để định nghĩa về văn hóa, để cho thấy văn hóa không hệ tại ở một vài lãnh vực nhưng nó bao trùm lên cuộc sống dính dáng đến con người.  Dưới lăng kính của triết học, văn hóa không nằm trong tự nhiên, vì nếu đã thuộc về tự nhiên, nó sẽ không phải là văn hóa, nhưng triết học cũng khó để chỉ ra được văn hóa là gì, bao gồm những gì và được thể hiện ra sao. Sẽ rất phiến diện, thiếu bao quát  dù chỉ ra được nhiệm vụ của văn hóa ở trong lãnh vực hẹp như nghệ thuật, tri thức, học vấn. Chúng ta có thể tiếp cận văn hóa dưới nhiều góc độ như triết học, tiếp cận theo hệ thống giá trị vật chất và tinh thần, tiếp cận theo tính xã hội của văn hóa… Khi tiếp cận văn hóa dưới nhiều lăng kính khác nhau, ta sẽ thấy khuôn mặt của văn hóa thật đa dạng trong cả hình thức lẫn nội dung, và nhận ra rằng văn hóa là tổng thể hệ thống những giá trị, chuẩn mực, thói quen, khả năng, hoạt động có ý thức, mang tính  hội và sáng tạo trong thực tiễn của một cộng đồng người nhất định trong lịch sử nhằm thỏa mãn nhu cầu của cuộc sống và thể hiện bản sắc riêng của cộng đồng đó.[4]
Định nghĩa và nhìn nhận về văn hóa, ta thấy văn hóa có các đặc trưng cơ bản: tính hệ thống, tính giá trị, tính nhân sinh và tính lịch sử. Ở tính hệ thống, nghiên cứu về văn hóa cho rằng mọi hiện tượng, sự kiện về văn hóa đều có một sự liên kết với nhau. Sự liên kết này không hiểu theo phép cộng đơn giản nhưng là một phức hợp, một tập hợp bao gồm nhiều giá trị. Nhờ có tính hệ thống, văn hóa có chức năng tổ chức xã hội để đối phó với môi trường tự nhiên và xã hội của mình, trong tư cách là đối tượng bao trùm mọi hoạt động của xã hội, nhờ đó làm tăng độ ổn định của xã hội. Nơi tính giá trị, ta nhận ra nghĩa của “văn hóa” khi phân tích để chỉ ra “văn” là vẻ đẹp, là giá trị, và hóa là “trở thành”. Nên ta có thể hiểu rằng, “văn hóa” có nghĩa là “làm, trở nên đẹp, có giá trị”. 
Khi nói đến cái đẹp, giá trị của văn hóa, người ta cũng chia giá trị của văn hóa theo mục đích : giá trị vật chất và giá trị tinh thần; theo ý nghĩa : giá trị sử dụng, giá trị đạo đức và giá trị thẩm mỹ; và theo thời gian. Theo thời gian, người ta lại có thể phân loại giá trị vĩnh cửu và giá trị nhất thời. Trong giá trị nhất thời, ta lại chia nhỏ ra thành các loại giá trị đã lỗi thời, giá trị hiện hành và giá trị đang hình thành. Do đó, khi đánh giá hiện tượng hoặc sự vật có giá trị về mặt văn hóa hay không, người ta lại còn xét thêm dưới góc độ “giá trị” và “phi giá trị” của hiện tượng, sự vật đó trong nghĩa văn hóa của nó. Vì thế, người ta tránh không áp đặt quan niệm một  phẩm chất của giá trị cho mọi không gian và thời gian.
Nhờ có tính giá trị và thường xuyên xem xét lại giá trị của văn hóa, xã hội có thể đạt đến một trạng thái cân bằng động, luôn tự hoàn thiện và thích nghi và có thể tồn tại được trước những biến đổi của môi trường. Do đó, văn hóa có chức năng  điều chỉnh xã hội. Từ chức năng điều chỉnh xã hội này, văn hóa có chức năng bộ phận điều chỉnh chuẩn mực, điều chỉnh cách ứng xử của con người. Chức năng phái sinh là một chức năng khác nữa của văn hóa, bắt nguồn từ việc điều chỉnh xã hội, là động lực cho sự phát triển của xã hội, mà chính Unesco đã nhấn mạnh: văn hóa chiếm vị trí trung tâm và đóng vai trò điều tiết của phát triển.
Một đặc trưng khác nữa của văn hóa chính là tính nhân sinh. Từ đặc trưng này, nó cho phép ta phân biệt loài vật bản năng và loài người sáng tạo, phân biệt văn hóa với những giá trị tự nhiên chưa mang dấu tích, dấu ấn sự sáng tạo của con người. Nơi nét đặc trưng của tính nhân sinh này nơi văn hóa cho ta nhìn thấy chức năng giao tiếp của văn hóa, mà hình thức của giao tiếp là ngôn ngữ và nội dung của giao tiếp chính là văn hóa.
Đặc trưng thứ tư của văn hóa là tính lịch sử và nét đặc trưng này được duy trì qua truyền thống văn hóa, mà truyền thống văn hóa này tồn tại được là nhờ giáo dục. Vì vậy, chức năng giáo dục lại là một chức năng khác nữa của văn hóa. Tuy nhiên, chức năng giáo dục này thực hiện được là nhờ cả giá trị đã ổn định và giá trị đang hình thành của văn hóa. Và từ giá trị đã ổn định và giá trị đang hình thành đó tạo ra hệ thống chuẩn mực mà con người hướng tới . Từ chức năng giáo dục này, văn hóa có chức năng phái sinh là đảm bảo tính kế tục của lịch sử.[5]
Từ một thoáng nhìn về văn hóa, ta thấy giữa con người và văn hóa có một sự liên kết khá chặt chẽ, một mối quan hệ có tương tác giữa con người và văn hóa và như thế, ta có thể hiểu tại sao nhận thức, lối sống, ứng xử, hoạt động của con người ở một nơi kia, thời điểm đó sẽ như thế này,  nhưng cùng thời điểm, thì cách nhìn, quan niệm, hoạt động của những con người, cộng đồng nơi vùng miền khác lại có những điểm không tương đồng, có nét đặc trưng, đặc thù khác.
Với hai định nghĩa về văn hóa theo Unesco và của Công đồng Vatican II, ta sẽ thấy văn hóa có vai trò thế nào trong mọi hoạt động của đời sống con người.
Theo Unesco, trong nghĩa rộng:
 Văn hóa là một phức hệ- tổng hợp các đặc trưng diện mạo về tinh thần, vật chất, tri thức và tình cảm… khắc họa nên bản sắc của một cộng đồng gia đình, xóm làng, vùng, miền, quốc gia, xã hội… Văn hóa không chỉ bao gồm nghệ thuật, văn chương mà còn cả lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống giá trị, những truyền thống, tín ngưỡng…
Và trong nghĩa hẹp “Văn hóa là tổng thể những hệ thống biểu trưng (ký hiệu) chi phối cách ứng xử và giao tiếp trong cộng đồng, khiến cộng đồng đó có đặc thù riêng.
 Dưới cái nhìn của Công đồng Vatican II,
“Văn hoá” chỉ tất cả những gì con người dùng để trau dồi và phát triển các năng khiếu đa dạng của tâm hồn và thể xác; cố gắng chế ngự cả trái đất bằng tri thức và lao động; nhân bản hoá đời sống xã hội, cuộc sống gia đình cũng như toàn thể đời sống gia đình trở thành nhân đạo hơn,  nhờ sự tiến bộ trong các tập tục và định chế; sau hết, diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình của mình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của thời đại, để giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn.
Và ta sẽ đi tới một văn hóa Việt Nam đã chi phối lên nhận thức, lối sống, ứng xử, sinh hoạt tín ngưỡng… của người Việt Nam ra sao.
    II.    Con người Việt Nam với nền văn hóa nông nghiệp, lúa nước.
Đặc trưng của văn hóa Việt Nam chính là văn hóa của một nền nông nghiệp, lúa nước. Chính đặc trưng này đã chi phối rất lớn đến hoạt động, sinh hoạt của con người Việt Nam. Dấu ấn văn hóa lúa nước thể hiện qua ca dao tục ngữ Việt Nam, như trong cuốn Kho tàng tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Xuân Kính chủ biên, có 609 phát ngôn về cây lúa trên 9000 phát ngôn. Còn trong cuốn  Tục ngữ Việt Nam[6], dấu ấn văn hóa lúa nước thấy được rất rõ, khi trong 2400 phát ngôn tục ngữ, người ta thấy có đến 446 phát ngôn chứa các từ ngữ xuất hiện đề cập đến cây lúa, sản phẩm cây lúa cũng như kinh nghiệm trồng lúa như: “Thóc hoa dâu, trầu bó mặt”; “Lớn bát cơm, to bó lúa”; “Đắt lúa tẻ, rẻ lúa nếp”; “No cơm ấm cật”; “Trồng khoai đất lạ, gieo mạ đất quen”; "Lúa mùa thì cấy cho sâu, lúa chiêm thì gửi cành dâu cũng vừa" "Một búi cỏ, một giỏ thóc"; "Tua rua một tháng mười ngày, cấy trốc luống cày cũng được lúa xôi"…
Từ một nền văn hóa lúa nước đó, nảy sinh…
1.   Văn hóa làng xã
Khái niệm về văn hóa làng của Việt Nam được gắn với hình ảnh làng xã cổ truyền ở Việt Nam với ba đặc trưng cơ bản:  ý thức cộng đồng làng, ý thức tự quản và tính đặc thù độc đáo riêng của mỗi làng. Văn hóa làng của Việt Nam được thể hiện qua những biểu trưng văn hóa chứa đựng giá trị truyền thống như cây đa làng, bến sông làng, con đê làng, mái đình làng, giếng nước làng… cho đến cả những bản gia phả, hương ước, tập tục, hội hè, đình đám, tín ngưỡng, nghề truyền thống, và cho đến mảng nghệ thuật khác trong những làn điệu dân ca, dân vũ.
Văn hóa làng phát xuất từ nhu cầu cuộc sống khi làm lúa, làm nông nghiệp. Để đối phó với những thiên tai, thú dữ, ý thức cộng đồng làng xã đã hình thành rất sớm. Con người sống trong làng xã phải cố kết với nhau thành sức mạnh tập thể, lâu dần nó đã trở thành truyền thống văn hóa, sức sống của người Việt. Để làm được vụ lúa, người Việt Nam tụ họp thành làng với tổ chức chặt chẽ và khép kín, thỏa mãn nguyên tắc ổn định để tồn tại của xã hội nông nghiệp lúa nước. Mà muốn ổn định, thì con người, mỗi người không được di chuyển, ở tại chỗ, họp thành một cộng đồng gắn kết ở yên trong một làng, lặp đi lặp lại công việc theo mùa, chọn lối ứng xử sao không mất lòng nhau, bỏ qua những tiêu cực của nhau vì sợ “vạch áo cho người xem lung”, hình thành kiểu “đóng cửa bảo nhau”, và lấy lệ làng, hương ước làm chuẩn mực nên“phép vua thua lệ làng”, lãnh đạo theo kiểu tập thể, coi nhẹ vai trò cá nhân.
Tuy vậy, mọi cái hay, cái dở của Việt Nam cũng phát xuất từ cái văn hóa làng xã đó. Trong điểm ưu của văn hóa làng là đề cao tinh thần cộng đồng, gắn kết với nhau để có sức mạnh tập thể, người ta cũng nhận ra cái nhược điểm  của nó khi văn hóa làng của Việt Nam thiên về âm tính, mang tính ổn định, nhưng lại kém phát triển, phát sinh ra kiểu cách, lối sống cục bộ địa phương, bè phái, tranh giành địa vị …Chính vì không biết chọn lọc ưu điểm của cái văn hóa làng, nhưng quá máy móc, không chỉnh sửa cái khuyết để hoàn thiện, nên để lại những hệ quả không hay, ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách, cuộc sống của con người trong những hoạt động chung với nhóm khác, người khác.
2.  Văn hóa lễ hội
Để có được những vụ mùa tốt đẹp, gặt hái nặng trĩu, vua sẽ đại diện dân để tế tự các thần để cầu an, xin cho mùa màng bội thu. Nhiều lễ hội lớn nhỏ thường diễn ra vào mùa xuân là chủ yếu, khi trời đất giao hòa, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan, và cũng là thời điểm người nông dân nhàn rỗi. Lễ hội cũng chứng tỏ tính cố kết của cộng đồng và cũng là một nét đẹp của văn hóa Việt mà cha ông để lại. Các buổi lễ tế tự thường có hai phần: lễ và hội. Trong các lễ hội, người ta thường thấy các nghi lễ cúng bái, dâng lễ vật, và rước kiệu, rồi sau đó có các trò chơi. Lễ hội nào cũng là dịp thi các thổ sản của  nông nghiệp. Và cũng vì dân Việt chủ yếu làm lúa, nên theo thời vụ, và có những thời gian rảnh nên người Việt xưa cũng sẽ tổ chức các lễ hội vào mùa thu. Khi lễ hội diễn ra, các nghi lễ, tế tự trong phần lễ là sự diễn tả tín ngưỡng, kính nhớ của người Việt Nam với trời, đất, với các thần linh, các anh hùng dân tộc… Vì thế, mỗi lễ hội là một hình thức sinh hoạt cộng đồng, mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng bao giờ cũng hướng tới một đối tượng linh thiêng nào đó trong tâm thức của người vùng miền mang theo, gắn bó với làng xã, địa danh, vùng đất như một thành tố không thể thiếu vắng trong đời sống cộng đồng.
Chính ở điểm này, lễ hội Việt Nam mang tính đa dạng. Đa dạng ngay trong những hình thức của lễ hội, do được tổ chức dựa trên những nét văn hóa riêng biệt, đặc trưng của từng vùng miền. Bên cạnh sự đa dạng, lễ hội Việt Nam còn rất phong phú ở số lượng mà lễ hội được tổ chức. Theo thống kê của Wikipedia,[7] có đến 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%). Ở trong văn hóa lễ hội, người ta thấy được một số đặc điểm của nó bao gồm tính thiêng, tính cộng đồng, tính địa phương, tính cung đình và tính đương đại.
Một chút đi qua “con người và văn hóa”, như là một cái khung để tìm thấy cái gì đã chi phối lối sống đạo của người Công Giáo Việt Nam từ xưa và cho đến hôm nay. Bên cạnh những điểm son, có lẽ, nhiều người cũng đã thấy cái chưa được trong cách sống đạo, sống đức tin của người giáo dân Việt Nam hôm nay. Cái ta thấy chưa được, chính là cái ta sẽ suy nghĩ, và đề nghị một sự thay đổi…
Nhưng trước khi chuyển tiếp để nhìn vào cách sống đạo của người giáo dân Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, có lẽ cần một chút để lược qua “ đức tin và văn hóa” dưới cái nhìn của Giáo Hội để có thể định ra hướng huấn luyện đức tin trưởng thành cho người tín hữu Việt Nam hôm nay thế nào trong sự liên hệ đến văn hóa của chính mỗi người chúng ta.

     III. Đức tin và văn hóa
Để nói đến sự liên hệ đa diện giữa Tin Mừng và văn hóa, Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh rằng “Giữa sứ điệp cứu độ và văn hóa nhân loại có nhiều mối liên hệ… Khi tự mặc khải cùng dân Ngài cho tới khi tỏ mình đầy đủ trong Chúa Con nhập thể, Thiên Chúa đã nói theo văn hóa riêng của từng thời đại”[8]. Do đó, muốn hạt giống Tin Mừng được gieo xuống trên một mảnh đất, Tin Mừng cần đến một nền văn hóa –là mảnh đất -  để Tin Mừng được cắm rễ và phát triển. Tuy nhiên, dù hội nhập trong một nền văn hóa để rao giảng Tin Mừng, “để diễn tả sứ điệp cách tốt đẹp hơn trong các lễ nghi phụng vụ và trong cuộc sống muôn mặt của các cộng đoàn tín hữu”; nhưng “Giáo hội không bị ràng buộc cách độc quyền và bất khả phân ly với một chủng tộc hay quốc gia, với một lối sống đặc thù hoặc một tập tục cũ hay mới nào”. “Giáo Hội có thể hòa mình với nhiều hình thức văn hóa khác nhau, nhờ đó chính Giáo Hội cũng như các nền văn hóa ấy đều được phong phú hơn[9].
Và nơi mình, Giáo Hội ý thức trách nhiệm sứ vụ “góp phần vào công cuộc phát triển văn hóa nhân loại, và nhờ vào hoạt động của mình, ngay cả trong các nghi lễ phụng vụ, Giáo Hội giáo dục cho con người đạt tới tự do nội tâm”[10]
Trong các nguyên tắc đưa ra cho việc phát triển văn hóa, Công đồng Vatican II đã đề cập đến đức tin và văn hóa  và chỉ cho thấy đức tin đóng vai trò thế nào trong việc phát triển văn hóa nhân loại. Công đồng cho thấy rằng, dù trong hành trình tiến về quê trời, tìm kiếm và yêu thích những sự trên trời, người Kitô hữu cần phải đóng góp sức mình trong việc kiến tạo một thế giới nhân đạo.
Thực ra, mầu nhiệm Kitô giáo đã đem đến cho họ nhiều khích lệ và trợ lực quí giá để họ chu toàn bổn phận ấy cách hăng say hơn và nhất là để cho họ khám phá được ý nghĩa trọn vẹn của công việc họ làm. Nhờ đó, văn hóa nhân loại có được một địa vị cao cả trong ơn gọi toàn diện của con người.[11]
Từ giáo huấn của Giáo Hội, ta thấy giữa đức tin và văn hóa có một sự liên kết vững chắc, không thể tách rời như Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã nói “ Đức tin và văn hóa là những thực tại to lớn được gắn liền cách bất khả phân ly”, “Khi sự kết hiệp này bị phá vỡ, nhân loại có khuynh hướng cuộn mình lại và khép kín nơi các khả năng sáng tạo của nó” và “Đức tin là ‘men’ của văn hóa và là ‘ánh sáng” của trí tuệ’.  
Để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đức tin trong sự phát triển của văn hóa, ngài nói thêm: “Đức tin sẽ mở rộng chân trời tư tưởng, là con đường hướng đến chân lý toàn vẹn, dẫn dắt cho một sự phát triển đích thực” và “Không có định hướng đến chân lý, không có thái độ tìm kiếm khiêm tốn và trắc trở, mọi nền văn hóa sẽ sụp đổ, rơi vào chủ thuyết tương đối và tự đánh mất chính mình trong cái thoáng qua”.
Do đó, chúng ta không thể tách đức tin ra khỏi văn hóa, nhưng cần làm cho mối liên kết chặt chẽ giữa đức tin và văn hóa được triển nở theo đúng ý nghĩa của nó. Khi đức tin và văn hóa gặp gỡ nhau, đó chính là một cuộc hội thoại và làm nảy sinh sự biến đổi và thích ứng. Để diễn tả đức tin, văn hóa trở nên công cụ, hình thức để đức tin được biểu lộ. Như vậy, một mặt đức tin cần đến những chất liệu và bản sắc độc đáo của từng miền văn hóa để biểu tỏ, thể hiện , nhưng mặt khác đức tin đóng vai trò dung hòa và làm cho các nền văn hóa gặp gỡ nhau.
Trở lại ý tưởng cử hành phụng vụ, tổ chức các lễ nghi phụng vụ trong nền văn hóa vốn có, Giáo Hội mời gọi chúng ta cần phải cử hành phụng vụ bằng đức tin. Vì khi phụng vụ được đặt nền tảng trên đức tin, thì việc tham dự của người giáo dân, của tất cả chúng ta sẽ trở nên tích cực và các nghi thức phụng vụ sẽ biến đổi con người. Điều này dẫn đến một vấn đề cơ bản rằng chúng ta sẽ không tách rời văn hóa và đức tin, nhưng rất cần đến một sự hội nhập văn hóa đúng nghĩa, để tất cả những gì chúng ta làm sẽ không rơi vào cái hào nhoáng, đình đám, hình thức ở bên ngoài.
 IV.    Giáo dân Việt Nam: đức tin và văn hóa
1.  Một kiểu sống đạo nặng về hình thức, lễ hội
Nếu làm một chuyến từ Nam ra Bắc, ta sẽ thấy những cách tổ chức sống đạo của giáo dân Việt Nam dường như mang dấu ấn của đạo sinh hoạt là chủ yếu và nhiều Kitô hữu dường như chỉ biết sống đạo qua những sinh hoạt nặng về hình thức, tổ chức lễ lạt. Đây là một điều dễ hiểu khi người giáo dân Việt Nam bị ảnh hưởng của một nền văn hóa lễ hội. Văn hóa lễ hội vốn có trong văn hóa Việt. thực sự ăn sâu vào trong nhận thức, trong cách sống đạo của người giáo dân Việt Nam.
Vì thế, chúng ta không lạ gì những cách tổ chức lễ nghi tôn giáo của người Công Giáo mang đậm tính lễ hội, nặng về tính hình thức.  Tuy nhiên, đây là điều cần nhìn lại để thấy rõ đa số người giáo dân Việt Nam hiện nay vẫn có lối sống đạo hình thức, bên ngoài.
Rất dễ nhận thấy điều này nếu có dịp đi đến các giáo xứ có đông người miền Bắc di cư hay nhập cư. Trong các ngày lễ trọng, hay các dịp kỷ niệm mừng biến cố nào đó của giáo xứ, giáo họ… một nghi thức không thể thiếu, và được nhiều sự quan tâm nhất của đại đa số giáo dân: đó là những cuộc rước sách. Lễ càng trọng, thì rước sách càng đình đám, chiếm rất nhiều thời gian. Không chỉ có giáo dân, nhưng ngay cả trong chính những vị có trách nhiệm, đứng đầu coi sóc giáo dân, cũng còn có những vị cũng ưa chuộng hình thức sống đạo, thể hiện đức tin theo kiểu  đạo sinh hoạt, chú ý đến sự thành công cái bên ngoài hơn là đào sâu đức tin cơ bản từ bên trong. Không thiếu những lễ lạt đình đám, tựa như ngày hội của giáo xứ, vì khi nhìn vào, ta chỉ thấy đó là một văn hóa lễ hội dân gian, thay vì phải cử hành đức tin trong phụng vụ trong nền văn hóa vốn có.  Do đó, có khi ta phải giật mình vì sự “hoành tráng” của nó, để tự hỏi, vậy cái chính yếu của đức tin ở đâu, một khi người giáo dân quá câu nệ, đặt nặng vào những cách sống đạo theo kiểu bên ngoài, những sinh hoạt đoàn thể…
Cũng vẫn mang dáng dấp của văn hóa lễ hội, ngày nay, trong ba ngày trọng đại của Tuần Thánh - Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy - vẫn còn nhiều giáo xứ tổ chức các cuộc rước kiệu to lớn, hoành tráng, để diễn tả, thuật lại các diễn biến, câu chuyện Tin Mừng theo tình cảm dân tộc Việt Nam, và có người đã đặt tên cho những nghi thức, cuộc rước này là Lễ hội Tuần Thánh trong văn hóa dân tộc Việt Nam.  Tuy nhiên, dưới góc nhìn cá nhân, tôi vẫn thấy những cuộc rước ấy chỉ là những cái bên ngoài, chỉ tác động lên cảm xúc của người tham dự nhưng khó đi sâu vào chiều kích tâm linh, để cảm nghiệm sâu xa và thấu hiểu tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người qua cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu nơi mỗi người.
Nếu trước đây, để giúp cho người mới theo đạo có điều kiện dễ dàng học biết giáo lý, Tin Mừng, tham dự phụng vụ, các nhà truyền giáo như cha Đắc Lộ đã làm một cuộc hội nhập văn hóa. Các bài vè tích các thánh, những quyển kinh bổn giáo lý có vần điệu, mang âm hưởng ca dao, các bài ngắm (ngắm lễ, ngắm 15 sự thương khó, ngắm dấu đanh, ngắm nhân tài, ngắm sao…) dựa trên giai điệu của ngâm thơ, ngâm vịnh. Các nhà truyền giáo cũng tổ chức các loại ngắm trong phụng vụ như tôn giáo dân gian diễn ra tại đình làng có nghi thức Hèm- nghĩa là nghi thức diễn lại thần tích của vị Thành Hoàng.  Không chỉ tổ chức ngắm, các nhà truyền giáo còn tổ chức thi ngắm trong các giáo xứ (trước 1954), còn gọi là ngắm nhân tài (ngắm thi), tìm xem trong giáo họ nào có người ngắm hay nhất. Tất nhiên, dù là tổ chức ngắm trong ba ngày Tuần Thánh để mọi người cùng tham dự vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu, nhưng nó vẫn nặng tính thi đua, thu hút người tham dự. Vì trong quá trình ngắm, nếu khi viên chức ngân nga hay, giám khảo sẽ điểm trống khen thưởng, nếu ngắm sai, phạm các lỗi… giám khảo sẽ gõ ra tang trống.
Phải nhìn nhận rằng, trong quá khứ, vào những giai đoạn đầu khi Tin Mừng gieo trồng trên mảnh đất Việt, cùng với con người và văn hóa Việt, những nghi thức trong phụng vụ phần nhiều dựa trên văn hóa lễ hội, trọng tình, sống chủ yếu dựa trên cảm xúc… nhằm để giúp người tín hữu mới theo đạo có thể đưa đức tin của mình vào trong cuộc sống cách dễ dàng hơn.
Một điều mà mọi người đều thấy rằng, trong quá khứ, cha ông ta đã thể hiện đức tin của mình rất kiên vững và hào hung qua gương các thánh tử đạo Việt Nam. Đồng thời, thế hệ cha ông xưa, các cụ xưa cũng chỉ sống đạo, sống đức tin qua những cách thức biểu cảm ấy, và đã thể hiện một đức tin trung thành với Thiên Chúa trong những phong ba của cuộc đời. Nhìn ở góc cạnh này, ta phải nhìn ra một cách thức hội nhập văn hóa, cũng như cách diễn tả đức tin qua nền văn hóa của cha ông ta là khá tốt đẹp trong những giai đoạn và hoàn cảnh cụ thể nhất định. 
Tuy nhiên, cuộc sống con người là một hành trình đi tới, và đức tin cũng phải được tôi luyện để lớn lên tựa như việc nuôi dưỡng một con người cụ thể qua từng giai đoạn. Khi còn trong nôi, đứa bé sẽ được cho ăn, bú mớm với những chất dinh dưỡng, khẩu vị, độ mềm dẻo trong thức ăn phù hợp với sinh lý, cơ thể phát triển của trẻ. Nhưng khi lớn lên, tùy từng giai đoạn, chế độ dinh dưỡng trong ăn uống cần phải được tính toán, thiết kế lại cho phù hợp với sự phát triển của con người với những nhu cầu cụ thể. Do vậy, nếu chúng ta mãi bám vào cái “ngày xa xưa” ấy, trong kiểu cách sống đạo của thời mới gieo trồng Tin Mừng, mãi bám vào những chuyện tổ chức, sinh hoạt, nặng về hình thức, thiên về tình cảm…sẽ là chuyện khập khiễng, không hợp lý để giúp người giáo dân có được một đức tin trưởng thành, để họ có thể xây dựng được một nước của Thiên Chúa ngay trong chính văn hóa bằng đức tin của mình.
2.      Một “văn hóa làng” chi phối khá rõ nét trong cách sống đạo
Cái đẹp của văn hóa làng là tình đoàn kết, cộng đồng. Tuy nhiên, cái hệ quả của văn hóa làng cũng dẫn đến sự cục bộ, tính địa phương, tranh giành vị trí… vẫn đang có mặt trong cách sống đạo của người giáo dân Việt Nam.
Từ cái văn hóa làng, đôi khi người giáo dân Việt Nam đã không gạn lọc được những chất cặn bã của cái văn hóa làng ra khỏi nhận thức của mình. Một ví dụ rất điển hình trong một lớp học cầu nguyện với Lời Chúa- trong đó người viết trực tiếp làm giảng viên, tổ chức lớp học- khi đề nghị mọi người đề cử vị lớp trưởng để điều hành lớp, một số giơ tay đề nghị vị này, vị kia… nhưng hầu như tôi vẫn thấy họ đề cử “người nhà, người của giáo hạt” mình là chính. Tính cục bộ, địa phương đó không chỉ nơi người giáo dân, nhưng cũng có cả trong một số tu sĩ, hoặc nơi những vị có trách nhiệm trong Giáo Hội. Đâu thiếu những chuyện “người thật, việc thật” trong cái văn hóa làng khi “tẩy chay”, hoặc chẳng hồ hởi đón nhận nhân sự ở vùng khác, đất khác đến phục vụ, hoạt động tại xứ sở, địa phương mình… Do đó, dù trong thực tế, đã tồn tại một sự không cân đối về nhân sự phục vụ trong Giáo Hội, khi mà chỗ này thì dư, nhưng chỗ khác thì lại rất thiếu các linh mục, tu sĩ phục vụ.
Một điều ta không thể không nói đến một yếu tố khách quan về cách quản lý của nhà nước hiện nay. Nhưng yếu tố này sẽ không đủ sức mạnh để làm cho Giáo Hội Việt Nam gặp khó khăn trong việc điều chỉnh, cung ứng nhân sự cho nhu cầu của Giáo Hội và của giáo dân tại từng vùng miền. Nếu như gạn lọc được những chai sạn trong cái văn hóa làng, có lẽ, người giáo dân, tu sĩ, linh mục Việt Nam của chúng ta đã có thể sống với tinh thần Tin Mừng một cách tốt hơn và xây dựng Giáo Hội Việt Nam cách tích cực hơn nhiều.
Từ văn hóa làng, sức mạnh cộng đồng làng, người Kitô hữu, giáo dân Việt Nam cũng bị ảnh hưởng, cám dỗ từ quyền hành, tranh giành vị trí lẫn nhau trong tập thể. Thay vì quyền hành là để phục vụ như Chúa Giêsu đã sống, nhưng có không ít người Kitô hữu muốn lãnh đạo, có quyền hành như bộ mặt của thế gian. Nếu họ có được sự gặp gỡ với Tin Mừng, có được đức tin sâu sắc, chắc sẽ chẳng có những cuộc vận động, ăn thua lẫn nhau để tranh giành những vị trí trong ban hành giáo của giáo xứ, giáo họ, không có kiểu tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau trong khi làm việc.
Trước những mảng còn chưa sáng trong cách sống đạo, cách thể hiện đức tin của người giáo dân, của mỗi người chúng ta, có lẽ, ta phải thao thức để đặt ra câu hỏi: Làm gì, làm thế nào để đức tin và văn hóa gặp gỡ nhau, để đức tin làm đẹp văn hóa, làm cho văn hóa thấm đẫm giá trị của Tin Mừng trong đời sống của người Kitô hữu Việt Nam, nhất là trong bối cảnh ngày hôm nay? Cần phải làm ngay những gì để người giáo dân, người Kitô hữu Việt Nam có một đức tin trưởng thành trong chính môi trường văn hóa của mình? Làm gì để chúng ta có được một phụng vụ đặt nền tảng trên đức tin, vượt lên trên những “giá trị trần thế”, những cử hành phụng vụ nặng về tính lễ hội, hình thức?
3.      Sống đạo, cử hành phụng vụ, thể hiện đức tin chủ yếu qua kinh kệ
Điều này được nhìn thấy khá rõ nét trong các sinh hoạt tại gia đình, nơi các đoàn thể, và ngay cả trong khi cử hành các nghi thức phụng vụ. Nhiều người giáo dân Việt Nam chúng ta vẫn chỉ biết duy nhất kiểu cầu nguyện với Chúa qua việc đọc kinh. Họ còn quá xa lạ với việc đọc Lời Chúa, suy niệm và cầu nguyện với Lời Chúa mỗi ngày. Nhiều người vẫn dựa trên thang bậc kinh kệ để đánh giá mình và người khác, cho mình đạo đức khi thực hiện đầy đủ các giờ kinh, tham gia các hội đoàn trong các buổi kinh nguyện. Do vậy, họ có thể đọc ra rả hết tất cả các loại kinh, và cảm thấy an tâm chuyện đạo đức. Ngay cả trong cộng đoàn tu trì, không hiếm có những nơi, mà khi một giờ phụng vụ kết thúc, người tham dự không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi vì phải đọc quá nhiều các loại kinh hạt.
Một cách cầu nguyện, chiêm ngắm Chúa trong thinh lặng hình như là điều khó thực hiện, không làm họ an tâm trong lối đạo đức đã ăn sâu trong nhận thức.
 Điều họ không biết phải chăng là một thiếu sót của những người có trách nhiệm trong việc hướng dẫn đời sống tâm linh cho người giáo dân?
Sau hai ngày dạy phương pháp cầu nguyện với Lời Chúa và cho họ có thời gian để tĩnh tâm, cầu nguyện với Lời Chúa tại một giáo phận nọ, một học viên lớn tuổi đã thốt lên một cách ngỡ ngàng và tràn đầy sung sướng  “Từ tấm bé đến giờ, tôi mới biết cầu nguyện ra sao, cầu nguyện với Lời Chúa là thế nào!”.  Đến giờ chia sẻ thiêng liêng sau giờ suy chiêm, cầu nguyện với Lời Chúa, hầu hết các học viên đã thấy mình được Chúa đụng chạm, được gần gũi Chúa và được Ngài biến đổi trong lối nhìn và trong cách sống.
Không biết cầu nguyện với Lời Chúa đã đành; nhưng cũng còn quá nhiều giáo dân Việt Nam, cả già lẫn trẻ, cũng chẳng biết cuốn Thánh Kinh, Tin Mừng là gì, nên mới có chuyện nghe tưởng đùa mà hóa ra lại thật “Cuốn Tân Ước là cuốn gì, thưa Đức Cha? Chúng con chỉ học kinh bổn thôi” !!!
4.  Một đức tin non nớt, nửa vời, với giáo lý lơ mơ
Bên cạnh những giáo dân thể hiện được đức tin sâu sắc của mình trong đời sống, nhưng cũng còn rất nhiều anh chị em giáo dân sống đức tin kiểu chăng hay chớ. Nhìn cách sống của họ, ta sẽ dễ nhận ra cách sống đức tin nửa vời với giáo lý lơ mơ. Nhiều người giáo dân Việt Nam mang tiếng “con nhà có đạo” hay “đạo gốc”, nhưng lại thường xuyên đi xem bói toán, tin vào ma thuật, bùa chú, tìm người giải hạn khi gặp khó khăn, luôn bài trí nhà cửa theo phong thủy, tìm ngày “lành” để mở cửa hàng…
Dù có cả những chương trình dạy giáo lý bài bản theo cấp, tổ chức qui củ … nhưng tại sao còn rất nhiều người giáo dân lại rơi vào những tình trạng “mù mờ” về giáo lý? Có những bạn trẻ dù đã học giáo lý qua các cấp như Khai tâm, Đến Bàn tiệc thánh, Thêm sức, Sống đạo.. nhưng rồi lại không thể trả lời nổi những câu hỏi giáo lý đơn giản về giáo lý, các bí tích… những điều mà lẽ ra, họ đã phải biết từ rất lâu, hoặc đã sống trong đời mình.
Do người giáo dân quá lơ mơ với giáo lý, không biết đến Lời Chúa, không biết trau dồi đời sống tâm linh thì làm sao họ có thể nuôi dưỡng đức tin và có một đức tin sâu sắc và trưởng thành được. Vì thế, khi gặp khó khăn, họ có thể “bái tứ phương”, đặt các thần khác ngang hàng với Thiên Chúa. Gặp cơn bão lũ, đức tin còn non kém kia chắc chắn sẽ bị lũ cuốn trôi và chẳng còn lại gì.
Chính vì đức tin người Kitô hữu chưa trưởng thành, nên họ không thể dám tín thác để đặt trọn cuộc đời và tin thờ vào một Thiên Chúa duy nhất. Hậu quả tất yếu của một đức tin yếu kém ấy chính là việc họ sẽ tự đánh mất ý thức về sự thánh thiêng và tội lỗi. Và sau cùng, cái kinh khủng nhất của đức tin non yếu chính là việc con người chối bỏ Thiên Chúa khi đứng trước những cám dỗ của thế gian, của vật chất. Hệ quả của điều này nằm ở chỗ nào? Đâu là những nguyên nhân khách quan ? Đâu là những nguyên nhân chủ quan? Phần lỗi không của riêng ai?
5.      Một kiểu sống đức tin còn xa Tin Mừng, xa rời cuộc sống
Ngày nay, nhiều người giáo dân của chúng ta đang có một lối sống xa rời Tin Mừng, tách rời đức tin ra khỏi cuộc sống. Các giá trị Tin Mừng, Lời Chúa không phải là kim chỉ nam cho cuộc sống của một số anh chị em tín hữu. Những người này có thể hăng say tham gia rất nhiều các sinh hoạt đoàn thể, giáo xứ, thậm chí vô số các công tác bác ái… nhưng ở góc cạnh nào đó, ta vẫn nhận ra một cách sống đạo còn quá xa với Tin Mừng, với những giá trị mà Tin Mừng đưa ra. Trong gia đình, trong nơi làm việc, trong những mối tương quan, trong những hoạt động cá nhân, không thiếu những cách hành xử đi ngược với Tin Mừng khi người giáo dân cũng sống gian dối, lừa lọc, ganh ghét, đố kỵ, chà đạp lẫn nhau.
Đâu thiếu những lời chỉ trích, chửi bới nhau “Gớm ! Đi lễ hàng ngày mà sao miệng lưỡi điêu ngoa thế!” hay “Này, bà vừa rước Chúa … liệu chừng cái miệng lưỡi hay vu khống của bà nhé!”. Vì thế, không ít anh chị em dự tòng, tân tòng phải bất ngờ về cách sống đức tin của người “đạo gốc” khi mà họ chỉ thấy nơi người Công Giáo một đời sống đạo không tỏ lộ được một sự bác ái, yêu thương, bình an và vui tươi, một lối sống phản chứng Tin Mừng.
Dù xa rời Tin Mừng trong cách sống, nhưng nhiều người vẫn không cảm thấy bị áy náy, nhận ra mình có lỗi. Nơi họ, hình như ý thức xây dựng một nước Trời ngay tại thế không phải là công việc của mình. Đức tin và cuộc sống dường như là hai phạm trù tách rời nhau, chẳng liên hệ gì đến nhau trong cùng thực tại.
Chắc còn nhiều điều đáng để nói, để bàn. Nhưng thôi, người viết xin tạm gác lại. Và để một chút thôi, không với tham vọng để đưa một chương trình, một kế hoạch huấn luyện- vì tự thân cảm nhận mình còn non kém trong suy tư.  Nhưng chỉ xin tổng hợp lại những giáo huấn, những đường hướng mục vụ của Giáo Hội trong Năm Đức Tin … để từ đó, có chăng người giáo dân Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để được huấn luyện và có được đức tin trưởng thành trong đời sống đạo của mình.
    V.    Huấn luyện đức tin trưởng thành
Để giúp người Kitô hữu Việt Nam có được đức tin trưởng thành, chắc chắn phải cần đến một sự huấn luyện đức tin thực sự tại các giáo phận, giáo xứ… và của chính cá nhân mỗi người.
Sự tổng hợp để đưa ra những nội dung liên quan huấn luyện đức tin trưởng thành cho người tín hữu Việt Nam đều trích dẫn từ Tự sắc Cánh cửa đức tin của ĐTC Benedicto XVI, những hướng dẫn mục vụ trong Năm Đức Tin mà Giáo Hội Toàn cầu và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề ra. Việc huấn luyện này bao gồm chương trình giáo dục ở nhiều lãnh vực liên quan đến việc vun trồng, nuôi dưỡng đức tin cho người giáo dân Việt Nam. Một vài ý tưởng được góp nhặt trong các tài liệu của Giáo Hội cho việc huấn luyện  đức tin qua các hoạt động :
1. Học hỏi sách Giáo lý Công giáo
Rất cần một chương trình cho người giáo dân được học hỏi sách Giáo lý Công Giáo một cách kỹ lưỡng, giúp họ có cơ hội vun trồng và nuôi dưỡng đức tin một cách sâu sắc, vững chắc và trưởng thành. Vì khi muốn biểu tỏ đức tin của mình, người giáo dân cần phải có kiến thức giáo lý về tín lý, trong việc cử hành mầu nhiệm Kitô giáo, trong đời sống kết hợp với Đức Kitô và trong kinh nguyện “việc hiểu biết nội dung đức tin là điều thiết yếu để chấp nhận tin, nghĩa là hoàn toàn gắn bó trong tâm trí với những gì Giáo Hội đề nghị. Việc hiểu biết đức tin dẫn vào toàn bộ mầu nhiệm cứu độ được Thiên Chúa mạc khải”[12].  Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã cho thấy nơi sách Giáo lý là nội dung cơ bản về đức tin, có một tổng hợp có một hệ thống .
Ta thấy nổi bật sự phong phú của giáo huấn mà Giáo Hội đã đón nhận, gìn giữ và trao tặng trong hai ngàn năm lịch sử của mình. Từ Kinh Thánh tới các Giáo Phụ, từ các vị Tôn Sư thần học cho đến các Thánh qua các thế kỷ, Sách Giáo Lý cống hiến một ký ức trường kỳ về bao nhiêu cách thức Giáo Hội suy niệm về đức tin và tạo nên sự tiến triển trong đạo lý để mang lại sự chắc chắn cho các tín hữu trong đời sống đức tin của họ.[13]
2. Giúp giáo dân tái khám phá niềm vui  đức tin
Tại Việt Nam, phần đông các tín hữu vẫn trung thành dự lễ Chúa nhật, kể cả ngày thường. Đa số các gia đình công giáo vẫn là cái nôi nuôi dưỡng và thông truyền đức tin cho con cái. Tuy nhiên, nơi một số người, việc giữ đạo chỉ theo tập tục và thói quen, chưa trở thành xác tín cá nhân và động lực cho những chọn lựa quan trọng trong đời sống. Nơi một số người khác, đời sống đức tin quá thiên về tình cảm, chỉ giới hạn vào một số thực hành nghi lễ và luân lý. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời đại đề cao lối sống vật chất và hưởng thụ, nhiều người trẻ công giáo ngày nay cảm thấy bị lung lạc trong đời sống đức tin, nhiều đôi vợ chồng trẻ không còn ý thức trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái.
Vì thế, cùng một nhịp bước với Giáo Hội toàn cầu, Năm Đức Tin phải là cơ hội thuận lợi cho mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam củng cố đức tin của mình, hoán cải và đổi mới đời sống, trở về với Chúa là Đấng Cứu độ duy nhất của thế giới. Khi chúng ta tái khám phá niềm vui đức tin, chúng ta sẽ hăng say dấn thân cho công cuộc Tân Phúc Âm Hóa, loan báo Tin Mừng cho 93% người Việt Nam chưa biết Chúa, đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập mọi lãnh vực đời sống, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh theo những giá trị Tin Mừng và truyền thống văn hoá của dân tộc.[14]
3. Giúp người giáo dân biết tham dự phụng vụ bằng đức tin
Năm Đức Tin này sẽ là một cơ hội thuận lợi để tăng cường việc cử hành đức Tin trong phụng vụ, nhất là trong phép Thánh Thể, vốn là “chóp đỉnh mà hoạt động của Giáo Hội hướng tới, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào sức mạnh của Giáo Hội.[15]
Việc tham dự của giáo dân vào việc cử hành Thánh Thể và những nghi lễ khác của Giáo hội không thể chỉ là một sự hiện diện đơn thuần hay thụ động, nhưng nó phải được coi là một sự luyện tập thật sự của đức tin và của phẩm cách của phép Rửa.[16]
Một đức tin toàn diện phải bao gồm các mặt: tuyên xưng, cử hành, sống và làm chứng. Phải tuyên xưng đức tin Kitô giáo cách trọn vẹn và với niềm xác tín, đồng thời phải cử hành đức tin ấy trong phụng vụ, đặc biệt nơi bí tích Thánh Thể là chóp đỉnh và nguồn mạch đời sống Kitô hữu. Ngoài ra, đức tin ấy còn phải được thể hiện trong cuộc sống, một đời sống phù hợp với nội dung tuyên xưng và có khả năng làm chứng trước mặt mọi người về vẻ đẹp của đức tin.[17]
4. Giúp người giáo dân biết duyệt lại đức tin của mình hàng ngày
Một điều quan trọng trong Năm Đức Tin là duyệt lại lịch sử đức tin của chúng ta, trong đó có một mầu nhiệm khôn lường giữa sự thánh thiện và tội lỗi. Lịch sử thánh thiện cho thấy sự đóng góp lớn lao của những người nam nữ để làm tăng trưởng và phát triển cộng đoàn bằng chứng tá cuộc sống của họ, còn lịch sử tội lỗi phải thúc giục mỗi người hoán cải chân thành và trường kỳ để cảm nghiệm lòng từ bi của Chúa Cha Đấng đến gặp tất cả mọi người. Trong thời điểm này, chúng ta hãy luôn hướng nhìn về Chúa Giêsu Kitô, "là nguồn gốc và là tận điểm của đức tin" (Dt 12,2) : nơi Ngài mọi sóng gió và khát vọng của tâm hồn con người được hoàn tất.[18]
5. Giúp người giáo dân sống đức tin qua đức ái
Hỡi anh chị em, nếu một người nói mình có đức tin mà lại không có việc làm thì ích gì ? Đức tin ấy có thể cứu họ được không ? Nếu một người anh em, chị em, không có y phục và lương thực hằng ngày và một người trong anh chị em nói : "Hãy đi bình an, hãy sưởi ấm và ăn no" nhưng lại không cho họ những gì cần thiết cho thân thể họ, thì hỏi có ích gì ? Đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm đi kèm, thì tự nó là đức tin chết. Trái lại một người có thể nói : "Anh có đức tin và tôi có việc làm ; hãy tỏ cho tôi đức tin không có việc làm của anh, và tôi, qua việc làm tôi chứng tỏ cho anh đức tin của tôi" (Gc 2,14-18).[19]
6. Giúp người giáo dân luôn “tìm kiếm đức tin”
Thánh Phaolô tông đồ yêu cầu môn đệ Timôthê hãy "tìm kiếm đức tin" (x. 1 Tm 2,22)… Chúng ta cảm thấy lời mời gọi này được gửi đến mỗi người chúng ta, để không ai trong chúng ta trở nên lười biếng trong đức tin. Đức tin là bạn đồng hành trong cuộc sống, giúp nhận thức với một cái nhìn luôn mới mẻ về những kỳ công mà Thiên Chúa thực hiện nơi chúng ta. Đức tin nhằm đón nhận những dấu chỉ thời đại trong hiện tại của lịch sử, và thúc đẩy mỗi người chúng ta trở thành dấu chỉ sinh động về sự hiện diện của Đấng Phục Sinh trong thế giới”[20]
Và,
Những thử thách của cuộc sống, trong khi giúp hiểu mầu nhiệm Thập Giá, và tham gia vào đau khổ của Chúa Kitô (x. Cl 1,24), là tiền đề báo trước niềm vui và hy vọng mà đức tin dẫn đến : "Khi tôi yếu đuối, đó là lúc tôi mạnh mẽ" (2 Cr 12,10). Chúng ta mạnh mẽ tin chắc rằng Chúa Giêsu đã chiến thắng sự ác và sự chết. Với niềm tín thác chắc chắn ấy, chúng ta tín thác nơi Ngài : Chúa hiện diện giữa chúng ta, chiến thắng quyền lực của ác thần (x. Lc 11,20) và Giáo Hội, cộng đồng hữu hình của lòng từ bi Chúa, ở lại trong Chúa như dấu hiệu hòa giải chung kết với Chúa Cha.[21]






[1] Bài chia sẻ “Truyền giáo trong những môi trường đặc thù” của ĐC Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục Giáo phận Đà Lạt trong Đại hội Truyền Giáo 2012 của Gp. Xuân Lộc
[2] X. Trần Phú Huệ Quang, Văn hóa và ý thức giá trị con người – đăng trên vanhoahoc.hcmussh.edu.vn
[3] x. Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Phần hai, chương 2, s. 53
[4] X. Phạm Ngọc Trung, “Văn hóa một cách tiếp cận”,  Tạp chí VHNT số 318, tháng 12-2010
[5] X. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Phần I. Văn hóa và cấu trúc văn hóa
[6] Vương Trung Hiếu, Tục ngữ Việt Nam chọn lọc của, Nxb. Văn Nghệ, 1996
[7] Thống kê 2009
[8] x. Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Phần II, chương II, số 58
[9] x. Ibid.
[10] x. Ibid.
[11] x. Ibid., số 57

[12] ĐTC Benedicto XVI, Tông thư Porta Fidei số 10
[13] ĐTC Benedicto XVI, Tông thư Porta Fidei, số 11
[14] X. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Mục vụ Năm Đức Tin, số 5
[15] ĐTC Benedicto XVI, Tông thư Porta Fidei, số 9
[16] Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 37
[17] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Mục vụ Năm Đức Tin, số 6
[18] ĐTC Benedicto XVI, Tông thư Porta Fidei, số 13
[19] Ibid., số 14
[20] ĐTC Benedicto XVI, Tông thư Porta Fidei, số 15
[21] Ibid.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn