Thực Trạng Đời Sống Đức Tin Nơi Giới Trẻ Công Giáo Hiện Nay

Riêng về lãnh vực giáo dục đức tin Kitô giáo
cần khẳng định lại rằng:
“Gia đình là tế bào đầu tiên của Giáo hội,
là trường dạy đức tin đầu tiên”[1].
Thế mà tại các gia đình trẻ ngày nay việc bố mẹ hướng dẫn, dạy dỗ con cái sống đức tin là điều hiếm có.
Ngay cả việc thực hành sống đạo trong gia đình,
như việc đọc kinh sáng, tối trong gia đình
cũng chẳng mấy ai còn giữ.
Michael Trần Mạnh Cường,
Dòng Thừa Sai Bác Ái

Dẫn Nhập
Khi nghiên cứu đề tài: “Thực trạng đời sống đức tin nơi giới trẻ Công Giáo Việt Nam ngày nay”, tôi có dịp đến một số nhà thờ trong Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh để tham dự thánh lễ, qua tiếp xúc tôi nhận thấy nhiều bạn trẻ sống đức tin rất vững vàng, và họ không những siêng năng tham dự Thánh lễ các ngày Chúa nhật mà cả những ngày thường. Họ không chỉ sống hình thức bề ngoài mà cả tinh thần nội tâm bên trong. Có những bạn vào mỗi thứ Sáu hằng tuần còn ăn chay, dành tiền bố thí cho người nghèo. Một bạn giới trẻ đã chia sẻ: “Hằng tuần, em ăn chay không chỉ để thông phần với Chúa mà còn có cơ hội giúp đỡ người nghèo”.
Hơn nữa, tại các giáo xứ, giới trẻ đã và đang tham gia tích cực vào các hội đoàn, chẳng hạn như sinh viên Công giáo, huynh trưởng, giáo lý viên, ca đoàn… Qua đó, nhiều bạn không chỉ được học hỏi, đào sâu và cảm nghiệm được giá trị của Lời Chúa mà còn đem ra thực hành. Bạn Hằng My – quê Nghệ An, là sinh viên năm thứ nhất Đại học Nông lâm Tp. HCM - cho biết: “Quả thực, từ khi tham gia vào nhóm sinh viên Công giáo, và hát ca đoàn giáo xứ Tam Hải Thủ đức, em cảm thấy đức tin của mình ngày càng vững vàng hơn, nhất là khi gặp khó khăn thử thách, em được các cha và bạn bè trong nhóm chia sẻ, nâng đỡ”. Đồng thời, một số bạn trẻ đã trở thành những cộng tác viên rất đắc lực trong công tác tông đồ và những hoạt động từ thiện của giáo xứ.
Tuy nhiên, vẫn còn một số bạn trẻ ngày nay làm cho chúng ta không khỏi thất vọng và lo lắng cho thế hệ tương lai… Các nhà lãnh đạo tôn giáo đang rất lo ngại trước vấn đề đạo đức của giới trẻ đang trên đà tha hóa và bị sa sút!
Tại một số xứ đạo, các bạn trẻ đi lễ đang giảm dần một cách trầm trọng, nhiều bạn trẻ ngày nay coi việc đi lễ là một gánh nặng. Đi vì bổn phận, hoặc vì gượng ép, rất miễn cưỡng. Họ đến nhà thờ là do cha mẹ thúc giục, không đi không được, hoặc không đi vì sợ mắc tội chứ không vì niềm tin và lòng mến Chúa. Họ có mặt ở nhà thờ nhưng không hề ý thức mình đang hiện diện ở đó để làm gì, chỉ mong sao giờ lễ mau kết thúc. Một số bạn đi tham dự Thánh lễ, cha xứ hỏi bài Tin mừng mới đọc xong Chúa Giêsu nói gì? Họ không sao trả lời được! Bởi vì, họ không chú ý lắng nghe, ngồi trong nhà thờ nhưng tâm trí lại lang thang bao chuyện thế sự bên ngoài. Thậm chí, một số khác còn đi lễ “ôm”, một cách gọi hơi lạ nhưng nói lên được thực trạng hiện nay của một số bạn trẻ. Điển hình tại nhà thờ Tam Hà Thủ đức, tôi đã chứng kiến nhiều buổi lễ Chúa nhật, họ đứng ngoài đường dự lễ và từng cặp ngồi trên xe gắn máy thân mật quá trớn nơi công cộng, đùa giỡn, chuyện trò, chơi game trên điện thoại di động… chẳng quan tâm Thánh lễ đang đến đâu và chủ tế đang làm gì, chỉ biết có người ra về là họ nổ máy chạy thẳng…
Và còn những điều đáng buồn khác, nhiều bạn trẻ ngày nay sống đức tin rất hời hợt. Có dịp tiếp xúc với các bạn trẻ đang học lớp giáo lý hôn nhân, tôi thật ngỡ ngàng về một số đông không biết gì về giáo lý căn bản, ngay cả những kinh đọc hằng ngày họ cũng không thuộc. Họ mang danh nghĩa là đạo gốc nhưng dường như họ theo đạo chủ yếu làm cho cha mẹ vui lòng, không ý thức mình là người Kitô hữu. Một bạn trẻ nói: “Những việc như đi nhà thờ, đọc kinh và cầu nguyện chỉ là do thói quen, cũng như do áp lực của những người thân”. Như vậy, hơn bao giờ hết, đức tin của giới trẻ Công giáo ngày nay đang xuống dốc trầm trọng. Ở một vài giáo xứ thuộc giáo phận Phan Thiết, số lượng người trẻ đi học giáo lý ngày càng ít. Hàng tuần người ta không còn thấy bóng dáng các bạn trẻ đi tham dự Thánh lễ ngày thường. Nếu có đi, thì ghế ngồi của họ là “xe ôm”, hoặc tụ tập thành nhóm đứng ngoài lề trò chuyện, hút thuốc cho qua giờ lễ… Một người mẹ chia sẻ: “Mỗi lần tôi nhắc nhở đứa con trai đi tham dự Thánh lễ, nó trả lời rằng: thời đại này, đến nhà thờ làm gì hả mẹ? Chỉ cần mình tin có Chúa là đủ. Mẹ thử nghĩ xem, mấy đứa bạn con có đi lễ đâu mà nhà nó vẫn giàu có đấy thôi”.
Đứng trước thực trạng giới trẻ ngày nay, cùng với nỗi lo chung của Giáo hội địa phương về đời sống đức tin của giới trẻ và với lòng thao thức của một tu sĩ thừa sai, tôi xin đề cập đến vấn đề: “Thực trạng đời sống đức tin nơi giới trẻ Công Giáo Việt Nam ngày nay”.
I. Đời sống đức tin
    và thực trạng của giới trẻ Công giáo ngày nay
1. Đời sống đức tin của giới trẻ Công giáo ngày nay
Thật vậy, giới trẻ thường được coi là tương lai của đất nước, là tinh hoa của dân tộc, là tầng lớp thể hiện nét đẹp văn hoá, tôn giáo và truyền thống dân tộc. Song, nhìn vào thực trạng giới trẻ ngày nay, chúng ta không khỏi thất vọng và lo lắng cho một thế hệ tương lai. Nhiều sách báo đã lên tiếng cảnh báo về sự suy đồi trong đời sống luân lý và đạo đức của giới trẻ ngày nay. Quả thật, giới trẻ ngày nay đang đứng trước cơn khủng hoảng về các giá trị luân lý và đạo đức, đánh mất nhân cách và lý tưởng. Chúng ta có thể thấy được điều này trong các mối liên kết với hàng loạt các hiện tượng tiêu cực khác như: Tỷ lệ người nhiễm HIV tăng cao và ngày càng trẻ hoá, học sinh, sinh viên không những sử dụng mà còn buôn bán ma tuý, con số nữ sinh phá nạo thai ngày càng nhiều. “Theo thống kê của Hội kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cho thấy, tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên tăng cao. Mỗi năm có 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15 - 19, trong đó 60% - 70% là học sinh, sinh viên. Phải nói là Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á và xếp thứ năm thế giới về tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên”[2]. Điều này cũng phản ảnh lý tưởng và giá trị sống của người trẻ; họ sống buông thả, chạy theo tiền tài và hưởng thụ để thỏa mãn những dục vọng và đam mê.
Về mặt tôn giáo, các nhà lãnh đạo tôn giáo hiện nay rất lo lắng, trước sự ý thức đạo đức của người trẻ đang sa sút, niềm tin bị khủng hoảng, phải nói là trên đà xuống dốc. Tại các xứ đạo, số người trẻ đi lễ đang giảm sút trầm trọng, nhiều người trẻ ngày nay coi việc đi lễ là một gánh nặng và vô bổ; đi vì trách nhiệm mang danh Kitô hữu, hoặc vì ép buộc. Có nhiều người trẻ đến nhà thờ là vì cha mẹ thúc ép không đi không được, hoặc vì không đi sợ mắc tội chứ không vì niềm tin và lòng mến của họ đối với Chúa. Họ có mặt ở Nhà thờ nhưng là một bổn phận, một món nợ phải trả, vì thế họ cố gắng miễn cưỡng chịu đựng và chỉ mong sao giờ lễ mau kết thúc. Thậm chí một số khác thì còn đi lễ “ôm” một danh từ hơi lạ trong cách gọi, nhưng nói lên được thực trạng hiện nay của các bạn trẻ nam nữ. Họ đứng ngoài đường dự lễ và từng cặp ngồi trên xe gắn máy ôm nhau, đùa giỡn, chuyện trò… Họ chẳng quan tâm Thánh lễ đang đến đâu và Chủ tế đang làm gì, chỉ biết có người đi ra là họ nổ máy dọt lẹ. Ngày nay, số người trẻ có mặt tại các lớp giáo lý của các xứ đạo ngày một ít đi. Thay vì đi học giáo lý, các em ở nhà xem truyền hình, lên mạng internet với những thú riêng hay chơi game, hoặc lấy xe đi dạo chơi la cà nơi các quán xá. Tại một giáo xứ thuộc giáo phận Phan Thiết mà chúng tôi có dịp phục vụ, số người trẻ của giáo xứ có cả hàng trăm em, thế nhưng chỉ có độ vài ba chục em là còn theo học giáo lý. Phần lớn trẻ em tại các xứ đạo ngày nay chỉ theo học giáo lý là để được lãnh các bí tích bắt buộc, sau khi đã lãnh các bí tích khai tâm thì phần đông các em từ giã luôn môi trường giáo lý. Mãi cho đến lúc lập gia đình lại vội vàng, học qua loa vài ba tháng để được cưới nhau. Thế nên, kiến thức về giáo lý là nền tảng đức tin Kitô giáo nơi họ rất yếu kém, hầu hết các người trẻ ngày nay không thuộc kinh bổn, không hiểu biết nhiều về đạo. Hơn nữa, vì cuộc sống, công việc cũng như vì ảnh hưởng của xã hội thực dụng và hưởng thụ, nên nhiều người trẻ ngày nay đã lãng quên đời sống đức tin.
2. Nền tảng đức tin của giới trẻ ngày nay liên quan đến vấn đề giáo dục
Điểm quy chiếu cần thiết, nền tảng cho mọi hành động, quy chuẩn cho từng suy nghĩ chính là nền tảng giáo lý đối với mỗi người Công giáo. Đây là yếu tố căn bản nhất, ảnh hưởng nhất đến đời sống Đức Tin của mỗi Kitô hữu. Việc học giáo lý ngày một sa sút, không những ở thành thị mà cả nông thôn. Ngày nay, không còn tiếng vang của những giờ học giáo lý như xưa, những câu thưa, câu đáp dần dần đi vào dĩ vãng; tiếng trẻ con đọc kinh, học bổn nay cũng hiếm dần. Dường như việc học giáo lý cũng dần biến chuyển theo “mốt” của thời đại.
- Trước tiên chúng ta xét đến
             vấn đề giáo dục trong gia đình
:


Từ bao đời, người ta vẫn coi việc giáo dục con cái là bổn phận hàng đầu của cha mẹ trong gia đình, cha mẹ có trách nhiệm dạy cho con cái mình không những về nhân bản, văn hoá và cả đạo lý nữa. Nhưng hoàn cảnh hiện nay, làm cho việc giáo dục trong gia đình mất đi nhiều tính cách tốt đẹp và tích cực. Lý do đầu tiên là


vì hoàn cảnh xã hội và điều kiện lao động ngày một khó khăn, phức tạp. Thường ngày cha mẹ phải đầu tắt mặt tối với công việc, nên không còn thời giờ dạy dỗ cho con cái. Hầu hết, các bố mẹ trẻ phải gởi con mình vào các nhà trẻ từ sáng sớm, rồi chiều tối mới đón con về. Và tối đến lại phải bận rộn với bao công việc nhà, nên không có thời gian dành cho con cái. Lý do thứ hai là do cha mẹ yếu kém về kiến thức văn hoá, không nắm bắt được những kiến thức và nhu cầu xã hội cần thiết để dạy dỗ con cái. Vì thế, việc giáo dục hầu như phó mặc cho thầy cô giáo ở trường lớp học.
Riêng về lãnh vực giáo dục đức tin Kitô giáo cần khẳng định lại rằng: “Gia đình là tế bào đầu tiên của Giáo hội, là trường dạy đức tin đầu tiên”[3]. Thế mà tại các gia đình trẻ ngày nay việc bố mẹ hướng dẫn, dạy dỗ con cái sống đức tin là điều hiếm có. Ngay cả việc thực hành sống đạo trong gia đình, như việc đọc kinh sáng, tối trong gia đình cũng chẳng mấy ai còn giữ. Quả thật, việc giáo dục đức tin, và ngay cả việc học kinh học bổn để lãnh nhận các bí tích cần thiết trong đạo của con em nơi các gia đình ngày nay, cũng được phó mặc cho xứ đạo, cho cha xứ, các sơ dạy được gì làm được gì thì làm. Cho nên, khi mà giáo lý không còn là “sơ cấp, căn bản” thì những hiểu biết cơ bản về Đức Tin, về Thiên Chúa bị mờ nhạt như là một hậu quả tất yếu. Thử hỏi khi bước vào một môi trường mới, hoà nhập vào xã hội với đầy rẫy những ngã rẽ hấp dẫn của thế gian, giới trẻ còn giữ được bản thân mình không? Còn giữ vững được cái nền tảng của Đức Tin Kitô giáo không?
- Thứ đến là việc giáo dục trong nhà trường:
Chúng ta tạm gác vấn đề chất lượng giáo dục, để nói đến những lãnh vực có liên quan tới vấn đề niềm tin và đạo đức. Đành rằng, việc giáo dục cũng là một cái nghề, nhưng từ lâu cha ông ta đã đưa ra chuẩn mực về người “hành nghề giáo” phải là: “Sách vở một trương, kỷ cương một tủ, mới đủ làm thầy”[4]. Thế mà, vấn đề “sách vở” hay học vấn của giáo viên gần đây chúng ta cũng nghe nhiều về chuyện thầy thật bằng giả, hoặc học giả bằng thật… Còn vấn đề “kỷ cương” tức là vấn đề kỷ luật, lương tâm và đạo đức của giáo viên ngày nay thì quá nhiều điều phải nói  là yếu kém và giảm sút: Trước hết, phải nói rằng: ngày nay người ta ít nói đến “lương tâm nhà giáo”, đây là một điều cao quý đáng được trân trọng, nhưng dường như trong thời buổi thực dụng ngày nay người ta đã coi nhẹ nó. Học trò có tỏ vẻ quý mến thầy là để thầy thương cho điểm tốt, phụ huynh có quan tâm đến thầy cô giáo là để thầy “rộng tay nâng đỡ” con mình. Còn thầy giáo thì chỉ lo chạy theo thành tích và tranh thủ kiếm tiền bằng mọi cách, không màng chi đến đạo đức, nhân bản.
Chưa hết, báo chí còn đưa tin đó đây có những thầy cô giáo phải ra hầu toà vì hành vi hối lộ trong thi cử, hoặc ngay cả những chuyện đồi bại với chính học sinh, sinh viên mình. Điển hình “Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Tân Bình – Tp. HCM, thường xuyên nhắn tin, gọi điện đề nghị một số nữ sinh khối 10, 11, 12 của trung tâm này đi nhà nghỉ để được “giúp đỡ” nâng điểm môn học”[5]. Tình trạng này đã làm cho nhiều học sinh mất tin tưởng, tín nhiệm vào những người hướng dẫn đời mình. Và không ít những trường hợp học sinh chửi rủa thầy cô giáo ngay trong trường, hoặc chặn đánh thầy cô giáo ngoài đường. Với môi trường giáo dục như thế, ắt sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nhân cách và đạo đức giới trẻ, điều này cũng ảnh hưởng tới việc sống đạo, tới niềm tin của bao người trẻ là tín đồ của các tôn giáo, đặc biệt là giới trẻ Công giáo chúng ta.
   - Kế đến là giáo dục ngoài xã hội:
Nói đến việc giáo dục ngoài xã hội, chúng ta không thể không lưu tâm đến môi trường văn hoá hiện nay. Môi trường này có thể nói là đang bị đầu độc bởi những người thiếu trách nhiệm, vô lương tâm, luôn chạy theo lợi nhuận tiền bạc mà quên đi đạo đức của dân tộc. Cụ thể là những người kinh doanh sách báo, phim ảnh đồi trụy, những kẻ buôn bán ma tuý… Về vấn đề sách báo, một số nhà xuất bản chạy theo thị hiếu thấp kém của độc giả, đã in không biết bao nhiêu các tiểu thuyết hình sự, những vụ án khơi động bạo lực hay loại tình cảm xã hội ướt át khơi động dục tính. Ấy là chưa kể các loại kiếm hiệp võ lâm, kinh dị hàng tuần, hàng tháng luôn có những ấn bản mới. Các sách báo ấy đã tác hại không nhỏ, làm cho người trẻ càng ngày càng sống buông thả, lười biếng, kém cỏi về đạo đức và nhân bản. Hơn thế, trước mắt là tiến bộ kỹ thuật của công nghệ thông tin, như: điện thoại và máy tính là phương tiện gần gũi để giới trẻ tiến gần với những nhu cầu thị hiếu và lạm dụng. Bấy nhiêu đó cũng đủ để cho chúng ta lo ngại về nền đạo đức và nhân bản của người trẻ ngày nay, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc sống đạo của những người trẻ Công giáo.
3. Thực trạng và những yếu tố ảnh hưởng đức tin của giới trẻ Công giáo ngày nay
- Lối sống thực dụng và trụy lạc ảnh hưởng đến đời sống đức tin giới trẻ:
Phải nói rằng: giới trẻ ngày nay có rất nhiều thuận lợi về phương tiện học hành và phát triển con người. Tuy nhiên, cũng có những khó khăn, thách đố và nguy hiểm khác. Thế hệ giới trẻ Việt Nam hôm nay được coi là thế hệ đột biến, một thế hệ chuyển tiếp từ một xã hội khép kín sang xã hội mở của thời toàn cầu hoá. Chính toàn cầu hoá và những biến đổi của khoa học kỹ thuật đã mang lại cho người trẻ những thuận lợi: Nhờ mạng internet người trẻ có thể nối kết với thế giới đại đồng, đối thoại trực tiếp, công khai và bình đẳng với những người đồng lứa tuổi ở bất cứ góc bể chân trời nào. Nhờ đó, người trẻ có thêm nghị lực, tự tin và tạo nhiều ước mơ cho tương lai. Nhưng thực tế ở đất nước chúng ta, chỉ có một số nhỏ người trẻ thành công nhờ công nghệ thông tin: Nghĩa là rất ít người sử dụng công nghệ thông tin để nghiên cứu học tập, cũng như làm phương tiện cầu tiến cho sự nghiệp. Đại đa số người trẻ đến các tiệm internet là để chơi game, tán gẫu, nghe nhạc hay chạy trốn thực tế. Gần gũi hơn, bây giờ phương tiện điện thoại di dộng là tiến bộ hóa trong việc truy cập mạng bất cứ nơi đâu … Quả thật, họ lãng phí thời gian trên mạng, có nguy cơ chìm đắm trong thế giới ảo. Chưa hết, rất nhiều người trẻ lên mạng để truy cập những trang đồi trụy, những trang tin vô bổ và kích động xấu.
Thật vậy, giới trẻ ngày nay quá bận tâm, đua đòi với thời trang hào nhoáng, chạy theo những lối ăn chơi trác táng và lao đầu vào những lối sống trụy lạc. Đi ngược với những tư tưởng và ý nghĩ khách quan của khách du lịch Phương Tây, họ vẫn thường hình dung Việt Nam là một quốc gia bị chiến tranh tàn phá và đời sống nhân dân luôn bị ám ảnh bởi những kinh nghiệm về chết chóc và tang thương. Nhưng thực tế điều đó hoàn toàn trái ngược nơi giới trẻ Việt Nam hôm nay, vì những gì về chiến tranh đã bị các bạn trẻ cho đi vào quên lãng cùng với các bài học lịch sử mà họ đã “trả hết” cho các thầy cô giáo ngay khi rời khỏi mái trường phổ thông. Nhiều vị khách Tây phương trước khi đến Việt Nam còn mang những hình ảnh lãng mạn về những cậu bé nhà quê ngồi trên lưng trâu ngoài đồng, những cậu bé quần đùi chân đất đang đánh khăng hoặc tung tăng thả diều. Thế nhưng, vừa đặt chân đến Việt Nam, ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất hay Nội Bài, họ đã không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh tượng các cậu ấm cô chiêu đang cỡi những chiếc xe máy đắt tiền của Nhật, với những trang phục rất model. Tới quán bar, nhà hàng nào cũng gặp thấy những gương mặt trẻ, họ không hiểu được tại sao giới trẻ Việt Nam lại có thời gian rảnh để ngồi thoải mái suốt ngày nơi các quán cà phê, quán nước như thế.
Chưa hết, tại các vũ trường quán bar tụ tập rất đông những thanh niên nam, nữ tìm cảm giác mạnh bất cứ đêm nào trong tuần. Ở đây, rượu bia được phục vụ đầy bàn, với những bản nhạc Techno, Rave, Hiphop cập nhật nhất, được mở với công suất cực mạnh, phát ra từ những giàn loa khổng lồ, với những ánh đèn lấp lánh trên những cô cậu phô trương những bộ trang phục hàng hiệu chính mác, cùng với những điệu nhảy uốn éo gợi tình. Chưa kể đến những bạn trẻ vào đây còn sử dụng thuốc kích thích, ma túy để gây thêm cảm hứng. Và hậu quả của những cuộc ăn chơi trác táng và lối sống đồi trụy đã để lại những con số thật kinh động về tình trạng xì ke ma tuý dẫn đến HIV-AIDS, tình trạng quan hệ tình dục sớm và nạo phá thai nơi người trẻ ngày một tăng cao và trẻ hoá. Tình trạng này không chỉ dừng lại ở các thành phố, nhưng ngày một lan mạnh đến các thôn quê. Những bằng chứng, dấu chỉ về lối sống thực dụng và trụy lạc đã làm cho nhiều người phải lo lắng về nền tảng đạo đức và luân lý, cùng những gì cho xã hội mai ngày. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đức tin của những người trẻ Công giáo, đang cùng sống, sinh hoạt, lao động và học hành với “tuổi trẻ thời đại”.


- Tình trạng di dân ảnh hưởng trên đức tin giới trẻ:
Trước tiên là tình trạng người trẻ thoát ly gia đình để đi học, hàng năm có cả hàng ngàn người trẻ rời quê hương, xứ đạo lên đường theo đuổi con đường học vấn. Điểm đến của họ là các thành phố lớn trong nước hoặc nước ngoài. Vấn đề là khi người trẻ tới sống một nơi khác, tiếp xúc với một nền văn hoá khác và đối đầu với lối sống mới thì chắc chắn họ sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách. Điều muốn nói ở đây, là sự chênh lệch về văn hoá và kiến thức giữa người trẻ ở nông thôn và thành thị, giữa nước Việt Nam và các cường quốc khác, buộc họ phải nỗ lực hết mình, tận dụng mọi thời gian có thể để học tập hầu theo kịp bạn bè. Vì thế, họ chẳng có thì giờ cho đời sống văn hoá và tôn giáo, việc tham dự Thánh lễ Chúa nhật đối với họ lúc này là một khó khăn, đừng nói chi đến việc học hành giáo lý, đào sâu kiến thức đạo lý. Hơn nữa, ngày còn ở nhà họ thường được cha mẹ hoặc các tổ chức đoàn thể động viên nhắc nhở việc thiêng liêng, đạo đức, còn giờ thì chẳng còn ai nhắc nhở động viên họ, ngược lại họ còn bị bạn bè không Công giáo rủ rê, nên việc đi lễ là cả một việc làm khó khăn cho họ.
Chưa hết, những người trẻ thật thà chất phát, những người con ngoan đạo này còn phải đấu tranh với bao cám dỗ thử thách khác. Họ phải đối mặt với bao tệ nạn của thời đại, với những nhu cầu hưởng thụ… liệu họ có thắng được sức mạnh ma lực của tệ nạn? Nhiều người đã phải bỏ mọi sự để bước vào cuộc chơi trước ma lực của đồng tiền, trước sự quyến rũ của ma men, ma tuý và ma tình. Để rồi những con ma này sẽ dẫn họ đến chỗ “thân tàn ma dại”, đưa họ đến các trại giam, trại cai nghiện và thậm chí ngay cả nghĩa địa (do nhiễm AIDS, hoặc tai nạn vì đua xe). Khi đã lìa đời dĩ nhiên những con người này sẽ không có mặt ở nhà thờ, hoặc không được hỗ trợ trong những tổ chức tôn giáo để thực thi bổn phận của người sống đức tin Công giáo.
Thứ đến là những người trẻ đi tìm việc làm: Mỗi năm có hàng triệu người trẻ từ các miền xa xôi, hẻo lánh đổ xô về các thành phố lớn để kiếm công ăn việc làm. Họ làm đủ thứ nghề, không kể khổ cực nặng nhọc, không phân biệt sang hèn, có người còn làm cả những nghề bị xã hội lên án, hoặc bị lương tâm cắn rứt. Do nhu cầu và áp lực cuộc sống cũng như nôn nóng kiếm tiền để trang trải cuộc sống hiện tại và hy vọng thoát khỏi cảnh nghèo đói. Nên các bạn trẻ đã lao vào công việc, tận dụng hết mọi thời gian có thể hầu kiếm thêm thu nhập. Còn về phía các ông chủ của những công ty xí nghiệp mà các người trẻ đang làm việc, thì họ tận dụng bóc lột sức lao động của những người quê mùa chất phát này; họ luôn bắt ép công nhân phải làm thêm giờ, làm thêm việc. Nhiều nơi công nhân phải làm việc từ 7 giờ sáng đến 9, 10 giờ đêm, có khi còn tăng ca đến 11, 12 giờ đêm, lắm lúc họ còn phải làm luôn cả Chúa nhật và ngày lễ nghỉ [6]. Như thế, thì giờ đâu để họ sinh hoạt tôn giáo, làm sao họ có thể nghĩ đến việc đạo đức thiêng liêng.
Mặt khác, những người trẻ thôn quê sau một thời gian sống ở môi trường thành thị, nơi được coi là môi trường tự do và nếu khống muốn nói là “phóng túng”, họ rất dễ bị lôi kéo vào những lỗi đua đòi ăn chơi trác táng và tệ nạn xã hội. Gần đây, tại các khu nhà trọ của các công ty xí nghiệp thuộc tỉnh Bình Dương, xảy ra nạn những người trẻ công nhân nam nữ sống chung với nhau. Và họ không tránh khỏi việc quan hệ tình dục bừa bãi với nhau, như thế hậu quả là có nhiều trẻ sơ sinh bị vất bỏ và nạn phá thai. Điều đáng nói là số đông người trẻ ở các khu nhà trọ này xuất thân từ những giáo xứ đạo gốc, đạo dòng ở ngoài miền Trung, miền Bắc, nhưng một khi đã vượt ra khỏi “lũy tre làng”, họ không còn ý thức đạo lý làm người, thì còn đâu nữa là sống đức tin và giữ đạo.
Quả thật, trước những tình trạng như thế, nếu chúng ta đổ hết lỗi lầm cho họ thì cũng quá đáng. Vì suốt cả thời gian sống xa nhà, ngoài công việc họ không có thời gian, điều kiện để sinh hoạt văn hoá tôn giáo, khung trời của họ chỉ còn lại công ty - nhà trọ. Vì ở các khu công nghiệp thì xa các trung tâm văn hoá và rất ít nhà thờ, nhà nguyện. Thế nên, nhiều người muốn đi lễ cũng rất là khó. Sống lâu trong sự quên lãng, dần dần họ đánh mất đức tin lúc nào không hay, họ không còn áy náy với việc bỏ lễ Chúa nhật và quên luôn mình là người có đạo.
Đơn cử một vài vấn đề, để chúng ta thấy được sự khó khăn của việc sống đức tin  nơi người trẻ trong lãnh vực di dân. Trong thực tế có nhiều vấn đề còn bi đát và nguy hại đến đức tin người  trẻ như; việc du học nước ngoài, việc các cô gái trẻ miền quê đua nhau lấy chồng ngoại… Điều đó cũng báo động cho chúng ta về thực trạng đức tin của người trẻ ngày nay. Đức tin nơi người trẻ đã bị đẩy xuống bậc thứ yếu trong cuộc sống, sau tiền tài, danh vọng và các nhu cầu hưởng thụ khác trong lẽ sống thực tại.
II. Nguyên nhân giảm sút đức tin
     và những ý hướng củng cố
      Ngày hôm nay, một phần đông giới trẻ Công giáo không những quá xem thường giáo lý mà Hội thánh đề ra, mà còn xem đó là một mớ lý thuyết hỗn độn không đáng quan tâm. Trong khi đó, Giáo hội vẫn luôn khẳng định: “Giáo lý của Hội Thánh Công giáo là một công cụ nâng đỡ Đức Tin, đặc biệt trong môi trường xã hội tục hoá và khoa học kỹ thuật hôm nay”.[7] Như vậy, trong thời kỳ toàn cầu hoá này, chúng ta cần một nền tảng giáo lý vững chắc để có thể đứng vững và làm quy chiếu cho mọi hành động và suy nghĩ trong cuộc sống hằng ngày.
1. Nguyên nhân dẫn đến giảm sút đức tin của giới trẻ
- Nguyên nhân bản thân:
Do ảnh hưởng của các “căn bệnh chủ nghĩa”: Lo lắng hơn, “căn bệnh chủ nghĩa” cũng đang dần ăn sâu vào những người trẻ, để rồi xem thường những giá trị của con người, lương tâm con người bị bán rẻ, đạo đức được đưa ra cân đo đong đếm bằng đồng tiền, và bằng cấp đánh đổi bằng tiền bạc... Quyền lực, danh vọng, tiền bạc đã trở nên những ông chủ đích thực quyết định sự “công bằng” cho luân lý và đạo đức. Thật vậy, “căn bệnh chủ nghĩa” khiến người trẻ ngày nay trở nên ích kỷ, thờ ơ, vô cảm với đồng loại, chai lì tình thương với anh em mình, mờ mắt trước nỗi đau của tha nhân, câm lặng trước bạo lực, bất công... và điều nguy hiểm hơn là vô cảm trước tội lỗi. Hơn nữa, chủ nghĩa tự do (thích làm gì thì làm), chủ nghĩa cá nhân (chỉ biết sống cho mình mà không cần quan tâm đến những người khác), chủ nghĩa hưởng thụ (thích tiêu xài, hưởng lạc thú, thỏa mãn bản thân, tận hưởng sung sướng), chủ nghĩa duy lợi (lợi dụng người thân bạn bè, cái gì tốt thì giữ cho mình còn cái gì xấu thì trút lên người khác, đánh giá cuộc sống theo những món lợi), chủ nghĩa tương đối (tất cả chỉ là tương đối: con người cũng tương đối thôi, học cũng tương đối thôi, tình yêu cũng chỉ tương đối thôi, Thiên Chúa cũng tương đối thôi, đạo nghĩa cũng tương đối thôi…).
thế, mọi giá trị trên đời đang bị xem thường khi chủ nghĩa tương đối đang ăn sâu vào lối nghĩ, cách nhìn của mỗi người. Không có một thước đo chuẩn mực nào cho cuộc sống, không có một điểm quy chiếu nào cho suy nghĩ và hành động. Những yếu tố đó cũng đã thâm nhập vào tâm trí của giới trẻ Công giáo trong lối sống, gặm nhấm những suy nghĩ tích cực dẫn đến niềm tin bị phai nhạt, Đức Tin bị lu mờ. Chính vì thế mà tính tương thân tương ái, việc sẻ chia trong cuộc sống của họ đang dần mất đi. Giờ đây, vật chất đối với họ là trên hết, nên hậu quả là họ dễ dàng chểnh mảng, bỏ bê việc chăm lo đời sống thiêng liêng, là bổn phận rất cần thiết cho đời sống tâm linh của người mang danh Kitô hữu. Đồng thời, do giới trẻ sống xa gia đình, xa người thân, nên không có ai dạy dỗ bảo ban. Khác với khi còn ở nhà, họ thường được cha mẹ động viên nhắc nhở việc thiêng liêng như đi lễ, chịu các phép bí tích, còn bây giờ thì không những chẳng có ai nhắc nhở, mà còn bị bạn bè lôi kéo rủ rê vào chỗ vui chơi, giải trí; hoặc các bạn phải sống xa nhà thờ nên việc đi lễ trở nên khó khăn, nặng nề. Vậy đâu là điểm quy chiếu để mỗi người trẻ Công giáo chúng ta sống xứng đáng với tư cách là con Thiên Chúa, và để trở nên những người Công giáo tốt, sống Đức Tin và là chứng nhân đích thực của Đức Tin Kitô giáo trong xã hội hôm nay?
- Nguyên nhân từ gia đình:
Chúng ta thường được nghe nói: “Gia đình là Giáo hội tại gia, là trường học tự nhiên và căn bản trong nền giáo dục Kitô giáo”[8]. Thế mà nhiều gia đình trẻ ngày nay, việc cha mẹ dạy dỗ con cái sống đức tin là điều hiếm có. Ngay cả việc đọc kinh sáng, tối cũng chẳng mấy ai giữ. Việc giáo dục đức tin cho con cái phó mặc cho nhà thờ, giáo xứ. Có những cha mẹ vì quá nhiều việc nên không có thời gian nghĩ đến Chúa; thậm chí, một số cha mẹ còn không muốn cho con đi học giáo lý mà bắt con đi học thêm hay ở nhà học bài vì lý do bài vở quá nhiều. Cũng có một số cha mẹ cho con đi học giáo lý nhưng không quan tâm con học ra sao, nhiều khi con nói đi học giáo lý nhưng lại trốn đi đến các tụ điểm internet chơi game, đi chơi với bạn bè…
Hẳn thật, “gia đình là tế bào căn bản của xã hội và Giáo hội”, đó là câu nói mà nhiều người đã biết. Nhưng xem ra nhiều gia đình ngày nay không những không chú trọng điều này mà còn chẳng quan tâm đến việc xây dựng nếp sống trong gia đình, cha mẹ thiếu gương mẫu về đạo đức, về lối sống và không lo dạy bảo con cái biết Chúa, biết cách làm dấu, đọc kinh; thậm chí, một số cha mẹ còn không thuộc kinh. Theo thạc sĩ tâm lý nữ tu Hồ Thị Hạnh cho biết: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm sút đức tin ở giới trẻ là do sự giáo dục của gia đình còn quá lỏng lẻo, ít quan tâm tới các em”. Hơn nữa, nhiều gia đình không có thói quen dành thời gian để đọc kinh hay cầu nguyện chung.
Vì thế, con cái không ý thức được tầm quan trọng của việc cầu nguyện cũng như việc đọc kinh chung. Nhớ lại thuở xưa những lời kinh sáng tối vang lên nơi gia đình, trong nhà thờ, nay đã không còn? Tiếng kinh, lời nguyện thưa dần trong đêm vắng? Những thánh lễ sáng, giờ Chầu Thánh Thể ban tối hằng ngày nay có còn tham dự thường xuyên, hay chỉ với một Thánh lễ Chúa Nhật là đủ, xem như “hoàn thành nhiệm vụ”. Nếu gia đình thiếu vắng những nền tảng giáo dục đức tin căn bản như thế, thì khi các em xa nhà và mang trên mình tên gọi sinh viên thì đồng nghĩa với việc phải đi đến một môi trường mới, xa gia đình, làng xóm với một cuộc sống hoàn toàn tự lập. Từ chỗ xung quanh là những người có đạo, gần nhà thờ, bên người thân, được hướng dẫn, thúc đẩy về đời sống thiêng liêng, thì nay bước vào môi trường “đa chiều”, phải sống giữa những bạn bè không cùng tôn giáo, nơi trường học, trong xóm trọ, và xa vắng bóng dáng của những ngôi thánh đường. Hơn thế nữa, môi trường mới dễ làm ta xa Chúa và bị “hoà tan” trong cả tư tưởng, lối sống khi ngày lại ngày ta tiếp xúc với những người nơi xóm trọ, giảng đường, phố thị... Thật khó để giữ được một Đức Tin tinh ròng như những ngày còn bên cha, bên mẹ, bên những người anh em, nơi giáo họ, giáo xứ…
- Nguyên nhân từ giáo xứ:
Có thể nói, một số giáo xứ chưa quan tâm việc giáo dục đức tin cho các bạn trẻ. Có những giáo xứ chỉ có phòng học giáo lý sơ sài, không trang thiết bị học tập, cha xứ chưa quan tâm đến giáo dục đức tin cho các bạn trẻ một cách đúng mức. Đồng thời, giáo xứ không tạo điều kiện cho các bản trẻ có cơ hội tham gia vào các hoạt động trong giáo xứ. Thực tế ở giáo xứ Cù Mi, Mân Côi thuộc giáo phận Phan Thiết, nơi mà tôi đã từng đến phục vụ.
Kinh nghiệm cho thấy rất rõ những thiệt thòi do việc giới trẻ không được huấn luyện đức tin một cách kỹ càng trong giáo xứ, vì thiếu vắng linh mục trong một thời gian dài. Giáo xứ chỉ có thể tổ chức các lớp giáo lý, đủ “lẽ đạo” cho các em xưng tội và rước lễ lần đầu. Vì thiếu giáo lý viên, việc dạy giáo lý cho trẻ em được phó thác cho những ông trùm, ông câu. Việc huấn luyện đức tin dừng lại sau khi các em đã xưng tội và rước lễ lần đầu. Đối với các bạn trẻ nhập ngũ hoặc thoát ly gia đình, vốn kiến thức ít ỏi về giáo lý sẽ bị mai một rất nhanh. Đó là lý do tại sao nhiều bạn trẻ bỏ đạo sau một thời gian ngắn rời khỏi giáo xứ.
Mặt khác, giới trẻ không chỉ chú trọng về kiến thức xã hội, mà còn cưu mang những ưu tư, thao thức xây dựng giáo xứ, Giáo hội theo cách trẻ trung và ao ước dấn thân thực hiện sứ vụ tông đồ của mình. Tuy nhiên, lòng can đảm lãnh nhận trách nhiệm này, không được các vị chủ chăn, các bậc làm cha mẹ lắng nghe và đón nhận. Xin trích dẫn thư của một bạn trẻ như sau: “Cha muốn nghe người trẻ, nhưng lại chẳng hề tạo cho người trẻ một cơ hội để nói. Cha đối với người trẻ, xa lạ và uy quyền lắm. Cha muốn chúng con cộng tác, nhưng lại ngại tuổi tác và kinh nghiệm non trẻ của chúng con. Con thiết nghĩ rằng, không thử một lần, không té ngã, sẽ chẳng bao giờ có kinh nghiệm, và rồi người trẻ mãi mãi vẫn chỉ đứng ngoài lề mà thôi.”[9]
Hơn nữa, một số cha xứ không có sự đồng cảm với giới trẻ, chỉ biết dùng uy quyền của mình để nói, thì chính nơi tòa giảng, vị trí cao trọng của các vị linh mục đã làm cho người trẻ cảm thấy các ngài thiếu gần gũi, cách biệt không chút thân thiện, còn bản thân người trẻ bị lạc lõng ngay trong nhà của cha mình. Song, tôi từng được nghe rằng: các cha dòng và cha xứ ở miền nam rất gần gũi, dễ mến, hòa đồng … còn các cha ở miền trung điển hình là giáo phận Vinh, rất quan quyền với chức vụ của mình. Phải nói, trái ngược với Chúa Giêsu là người thầy chí Thánh của các linh mục. Như thế, thì sao tạo cho giới trẻ sự thân thiện và nhiệt tâm trong việc tham dự lễ và các phong trào xứ đạo …  
- Nguyên nhân từ xã hội:
Phải nói là: giới trẻ ngày nay đang bị thử thách bởi những cám dỗ của phong trào, của một nhóm người. Họ chạy đến Đức Mẹ hay các Thánh khi gặp đau khổ, họ nghe ở đâu có dấu lạ hay Đức Mẹ hiện ra là họ tò mò chạy đến xem bằng được, nhưng tại nhà thờ, nơi có Chúa đang ngự trên bàn Thánh, trong nhà Tạm là nơi nhận được ơn phúc dồi dào, thì họ lại không đến?
Bên cạnh đó, do khoa học phát triển làm cho con người trở nên thực dụng hơn, và họ cũng đòi những gì họ tin phải sờ được thấy được, kiểm chứng được mới tin. Họ đã quên hay không hề biết lời Chúa Giêsu đã nói sau khi thánh Thomas cứng tin rằng: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (x. Ga 20, 29). Trái lại, khi họ cầu nguyện cứ đòi phải được Chúa nhận lời ngay, Chúa chưa đáp ứng thì bỏ nhà thờ. Đồng thời, do ảnh hưởng của thời đại toàn cầu hóa, giới trẻ hôm nay dường như đang khao khát chờ đợi một điều gì đó khác hơn so với những lối cử hành Thánh lễ buồn tẻ. Điều này có thể thấy rõ vào những lễ Chúa nhật, một số bạn trẻ thường đi tới các giáo xứ có Thánh lễ long trọng, bài giảng thật hấp dẫn, sống động, và ngắn gọn cũng như ca đoàn hát hay… dễ thu hút họ. Linh mục Anphongsô Phạm Gia Thụy, CSsR cho biết: “Do đời sống tục hóa làm cho giới trẻ đánh mất cảm thức về đời sống tâm linh, nên họ không thiết tha đến với Chúa nữa”.
Có thể nói, lối sống của thời toàn cầu hóa là lối sống mở. Quan niệm về luân lý cũng biến đổi nhiều so với sự đổi thay của môi trường sống, là nơi diễn ra những khác biệt về kinh tế xã hội, chủng tộc, văn hóa và giới tính… tạo nên những thách đố khác nhau, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đức tin của giới trẻ chúng ta. “Một Giám mục Á Châu có lý khi ví toàn cầu hóa như một luồng gió mát lạnh đem đến nhiều lợi ích và thoải mái, mà chúng ta cần mở rộng cửa để đón nhận. Mặc dù, đôi khi nó cũng mang chứng khí, bão tố và một vài con muỗi”.[10]


2. Những ý hướng củng cố trong nhiệm vụ giáo dục đức tin
Để giúp giới trẻ sống đức tin, trước hết là phải giáo dục đức tin cho họ. Hơn bao giờ hết, giới trẻ ngày nay cần có một niềm tin vững mạnh, lập trường vững chắc để phân biệt lành dữ, phải trái trong môi trường xã hội đa văn hoá với mọi thứ cám dỗ, phỉnh gạt của những con người luôn chạy theo hưởng thụ tiền tài và danh vọng. Trong thời buổi tục hoá này, người ta đang đẩy mạnh việc phủ nhận truyền thống Kitô giáo, phủ nhận niềm tin và nghi ngờ khả năng nhận thức chân lý của lý trí. Vì thế, cần phải giáo dục đức tin để con người ngày nay có một lương tâm cá nhân không thiên lệch, không hùa theo tính đoàn lũ hay những hào nhoáng của thời cuộc.
- Về phía bản thân:
Để củng cố đức tin, bản thân các bạn trẻ không chỉ cố gắng học hỏi trau dồi về giáo lý, Kinh Thánh mà còn phải sống đức tin một cách sung mãn và nhiệt tâm. Chính Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã nói: “Các bạn thân mến, tôi mời gọi các bạn giới trẻ hãy tăng cường con đường đức tin của các bạn nơi Thiên Chúa, là Cha của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”[11].
Hơn nữa, giới trẻ siêng năng đến với Chúa, nhất là đến với bí tích Thánh Thể và bí tích Giải Tội, chúng ta sẽ gặp gỡ được Đấng mà chúng ta ngày đêm tôn thờ và hết lòng yêu mến, tha thứ cho chúng ta. Chân phước Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Hỡi các bạn trẻ thân mến, hãy học “nhìn thấy”, “gặp gỡ” Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, tại đó Ngài hiện diện và gần gũi đến độ trở nên lương thực cho hành trình của chúng ta; trong bí tích Thống hối, qua đó Chúa biểu lộ lòng từ bi của Ngài bằng cách ban ơn tha thứ”. Ngài còn nói: “Các bạn trẻ thân mến, các con hãy tự dấn thân làm nên Giáo hội. Vì thế, các con càng đi sâu vào hiệp thông với Chúa Giêsu: nhờ phụng vụ, giáo lý đời sống huynh đệ trong cộng đoàn. Các con hãy khiêm tốn và quảng đại tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, các đoàn thể”[12].
Bên cạnh đó, giới trẻ hãy noi gương các Thánh là những người đã đổ ra đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ đức tin của mình. Chẳng hạn như Chân Phước Anrê Phú Yên đã dâng hiến cả tuổi trẻ của mình để bảo vệ đức tin. Trong hạnh các thánh, chúng ta có nhiều tấm gương của các thánh đã xây dựng cuộc sống của họ trên Lời Chúa. Tổ phụ Abraham là người đầu tiên trong số những người ấy. “Cha chúng ta trong đức tin” đã vâng phục Thiên Chúa, Đấng đã yêu cầu ông rời bỏ quê hương để tiến bước về một xứ xa lạ. “Abraham đã tin Thiên Chúa, và điều này làm cho ông được coi là công chính, và ông được gọi là bạn của Thiên Chúa” (Gc 2,23).
Vì Thiên Chúa là Tình Yêu cho nên “tin” là phải “yêu”, yêu người như Chúa yêu ta. Mời các bạn giới trẻ cùng nhìn vào con người thật của Stêphanô: Khi chấp nhận bị người ta xử tử bằng cách ném đá để làm chứng cho niềm tin vào Đức Giêsu, trước lúc trút hơi thở cuối cùng, thánh nhân đã ngước mắt lên trời mà nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7, 60). Mời các bạn trẻ hãy chiêm ngắm cô thiếu nữ Maria Goretti, sau khi bị kẻ cuồng dâm 20 tuổi Alexandro đâm nhiều nhát dao vào người vì chống trả, đã nói: “Vì tình yêu Chúa Giêsu, tôi tha thứ cho anh ấy và muốn anh ấy sẽ ở trên Thiên Đàng với tôi.” Mời các bạn giới trẻ nhìn vào con người linh mục Maximilian Kolbe đã tình nguyện chịu chết thay cho một người tù không hề quen biết trong trại tập trung Đức Quốc Xã năm 1941. Cuối cùng, mời các bạn giới trẻ chứng kiến hình ảnh Chân Phước Đức Gioan Phaolô II, đích thân xin nhà cầm quyền Ý tha cho người đã ám sát mình là Mehmet Ali Agka và vào tù thăm anh ta để nói với anh rằng: “Tôi tha thứ cho bạn.”
Không những thế, Giáo hội còn mời gọi chúng ta là những chứng nhân Tin Mừng giữa đời như lời Đức Thánh Cha gửi gắm: “Ngày nay, Giáo hội phải dấn thân một cách thuyết phục hơn nữa qua công cuộc Tân Phúc Âm hoá, để tái khám phá niềm vui Đức Tin và tìm lại niềm hăng say thông truyền Đức Tin. Việc dấn thân truyền giáo của các tín hữu, vốn không bao giờ được thiếu, sẽ nhận được sức mạnh và tinh thần hăng hái qua việc hằng ngày nhận ra tình yêu của Thiên Chúa”[13]. Quả thật, một tình yêu thật sự phải xuất phát từ trái tim, và chỉ mong muốn điều tốt lành hạnh phúc cho tha nhân. Đó là cách giới trẻ sống đức tin và thể hiện niềm tin cho thế giới hôm nay. Hãy để lời Chúa triển nở trong lòng chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
- Về phía gia đình:
Phải nói: gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp giới trẻ sống đức tin một cách sung mãn. Một gia đình mà trong đó cha mẹ và mọi người sống đạo đức, thánh thiện biết yêu thương lẫn nhau thì con cái sẽ noi gương cha mẹ. Hơn nữa, con cái cần được lớn lên trong bầu khí đức tin sống động của gia đình: “Thường xuyên nghe những lời cầu nguyện của cha mẹ, được cha mẹ dạy dỗ cầu nguyện, được nhắc nhở về những ơn lành thánh và sự hiện diện của Chúa, được động viên học hỏi giáo lý, tham dự Thánh lễ, sinh hoạt hội đoàn, được chứng kiến đời sống đức tin cụ thể qua những chọn lựa yêu thương và hy sinh cho nhau mỗi ngày, con cái sẽ thấm nhuần lối sống đức tin đó vào cuộc sống của riêng nó trong xã hội. Nhiều người trưởng thành hiện nay rất xúc động khi nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu của mình được cha mẹ dạy cúi đầu trước bàn thờ, bắt tay dạy làm dấu thánh giá: “Khi con đặt tay trên trán, con hãy nghĩ đến Chúa là Cha dựng nên con, khi con đặt tay trên ngực là chỗ trái tim con dục lòng mến Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người, khi con đặt tay bên trái và bên phải, con nghĩ đến Chúa Thánh Thần, xin Ngài ban sức mạnh phù hộ con, khi đọc Amen, con xếp hình Thánh Giá và hôn lấy ơn cứu độ của con. Lòng đạo đức bình dân đã tạo nên bầu khí đức tin bao trùm cả một ngày sống của gia đình”[14].
Bên cạnh đó, cha mẹ không chỉ có bổn phận giáo dục đời sống đức tin cho con mình, mà còn giúp con cái nhận ra hạnh phúc được làm con Thiên Chúa. Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Nếu các bạn trẻ, các con của chúng ta chưa nhận ra hạnh phúc được làm con Thiên Chúa, được sống dưới sự hiện diện của Ngài, và chưa cảm nghiệm được tình yêu cứu độ của Đức Kitô thì bổn phận cha mẹ chưa hoàn thành. Vì thế, các bậc cha mẹ cần khuyên bảo, tạo điều kiện cho con cái đào sâu đức tin qua các lớp giáo lý”[15]. Hơn nữa, trong sứ điệp ngày Quốc tế Giới trẻ 2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI có nói: “Học hỏi giáo lý bằng niềm đam mê”. Ngài thúc giục giới trẻ vì họ phải được bén rễ sâu trong đức tin của cha mẹ để chống lại sự cám dỗ của thời đại và tránh dùng những vết thương mới nhất gây ra cho cộng đồng các tín hữu bằng sự ác và tội lỗi bên trong, thậm chí trong trái tim của Giáo hội, như là một nguyên cớ để chạy trốn Thiên Chúa”.
- Về phía giáo xứ:
Giáo xứ đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và hun đúc đời sống đức tin cho giới trẻ. Nhiều bạn trẻ mong muốn giáo xứ nên quan tâm và nâng đỡ các bạn trẻ nhiều hơn. Đồng thời, giáo xứ nên tổ chức các lớp giáo lý cho giới trẻ. Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1992 có nói: “Ngoài ra, cần có những lớp giáo lý cho người trẻ để họ phát triển đời sống đức tin phù hợp với đà tiến của họ trong cuộc sống, và những khóa dự bị hôn nhân để giúp họ xây dựng những gia đình Công giáo gương mẫu. Phải đặc biệt chú ý đến những người học lên bậc đại học, để giúp họ phát triển sự hiểu biết và đời sống đức tin cho phù hợp với trình độ trí thức của họ”.
Hơn thế nữa, giáo xứ nên có những buổi học hỏi, hội thảo, thuyết trình về đời sống đức tin hoặc những cuộc thi tìm hiểu về giáo lý. Thiết nghĩ qua những buổi này, các bạn sẽ có cơ hội không những củng cố đức tin của mình mà còn là cơ hội cho các bạn học hỏi giao lưu với nhau.
Mặt khác, cha xứ nên quan tâm tạo điều kiện cho giới trẻ trong việc sống và làm chứng cho đức tin. Tôi được biết một số cha xứ đã có những sáng kiến rất hay, ngài liên lạc với cha xứ nơi các bạn trẻ di dân trong giáo xứ đang học tập và làm việc ở đó để nhờ cha xứ nơi đó giúp đỡ, thỉnh thoảng cha xứ ghé thăm và động viên các bạn. Hơn nữa, để việc tổ chức sinh hoạt có hiệu quả, cha còn thành lập nhóm để cho các bạn tiện liên lạc và nâng đỡ nhau.
- Về phía Giáo hội:
Phần Giáo hội nên tạo mọi điều kiện cho giới trẻ có môi trường sinh hoạt về tôn giáo và văn hóa. Mặt khác, Giáo hội cũng ý thức rằng, để có một cộng đồng nhân loại như lòng mong ước, sự quan tâm giáo dục cho thế hệ tương lai phải đứng hàng đầu; bởi giới trẻ như là tương lai của của Giáo hội. Đồng thời, giới trẻ cũng là chủ nhân tương lai của nhân loại, “Vì thế mà cả xã hội cũng như Giáo hội đều phải quan tâm đến giới trẻ, để giúp họ đảm nhận lấy vai trò hôm nay và ngày mai của họ trong xã hội và Giáo hội” (Thư Chung 1992).
Bên cạnh đó, muốn đạt được một nền giáo dục mục vụ giới trẻ tốt, chúng ta cần hiểu biết người trẻ; nhất là muốn lãnh đạo người trẻ, chúng ta cần đi sâu vào đời sống người trẻ hơn, vì “vô tri bất mộ”. Và như thánh Gioan Don Bosco nói: “Hãy làm bạn trẻ hiểu rằng chúng ta yêu mến họ, rồi họ sẽ thực hành điều chúng ta muốn”. Và chúng ta vui mừng và hy vọng vào một lớp trẻ, lớp tuổi teen năng động, nhiệt thành, có thiện chí và yêu mến Chúa Giêsu, thần tượng của giới trẻ mọi thời. Trong niềm vui và hy vọng ấy, chúng ta cần thêm sáng kiến để có cơ hội giới thiệu gương mặt Đức Kitô - một người trẻ hôm qua, hôm nay và mãi mãi cho giới trẻ.
Kinh nghiệm rõ các vấn đề trên, các giám mục đã khuyến khích giới trẻ chăm lo trau dồi kiến thức và đạo đức, như một điều kiện cần thiết để bước vào tương lai với những đóng góp hữu hiệu cho xã hội và Giáo hội: “Giới trẻ hôm nay thế nào thì Đất nước và Giáo hội Việt Nam ngày mai sẽ như vậy... Để xây dựng tương lai cho Đất nước và Giáo hội, các bạn cần trau dồi đạo đức và trí thức hầu tích cực phục vụ hơn. Các bạn nên nhớ rằng khi cầu tiến trong lãnh vực học thức, thì cũng phải cầu toàn trong lãnh vực nghề nghiệp để có thể phục vụ với tinh thần khiêm tốn vô vị lợi. Thời nào cũng cần đến những con người tài đức và trung hiếu, luôn biết coi trọng chữ tín” (Thư Chung 1998).

3. Đức tin là động lực làm phong phú cuộc đời
Trước hết, chúng ta phải giúp cho những người trẻ gạt bỏ quan niệm tiêu cực về đức tin của thời đại ngày nay; xem đức tin như là một ảnh hưởng tiêu cực, một sự vi phạm tự do con người. Ngược lại, hãy dạy cho họ biết rằng đức tin là một động lực tích cực và phong phú, đức tin đóng góp một cách to lớn vào cuộc sống của chúng ta hơn bất cứ một điều nào khác. Phải nói là giới trẻ hiện nay thường quá tự tin và cố chấp, đến nỗi họ cho là mất tự do, mất giá trị cuộc sống khi nhìn nhận sự hiện diện quyền năng của Thiên Chúa. Đây là ranh giới giữa đức tin và không có đức tin. Quả thật, chúng ta chỉ có thể làm cho đời mình nên hoàn hảo bằng cách chấp nhận sự giúp đỡ mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thế nên, chúng ta không hiểu điều này như một đòi hỏi ô nhục tự áp đặt trên chúng ta, nhưng đây là quan hệ tự nhiên giữa Đấng Tạo Hoá và các tạo vật mà Người tiếp tục giữ cho tồn tại. Không nhìn nhận sự lệ thuộc của chúng ta, không biết giá trị  những hồng ân cao quý của Thiên Chúa là nhắm mắt lại trước sự thật và thực tế, đó là một hành động phi lý và khờ dại. Thật vậy, đức tin đem lại cho chúng ta sự tự do, mà tự do theo nghĩa Kitô giáo là có khả năng để sống một cuộc sống tốt đẹp hơn và không còn làm nô lệ tội lỗi nữa[16].
Và phương cách cuối cùng để giúp người trẻ sống đức tin, là chúng ta hãy trở thành những chứng từ đặc biệt cho tình yêu Thiên Chúa trong thế giới ngày nay, nơi mà những người trẻ đang sống. Đây là nhiệm vụ quan trong và thiết thực, vì chúng ta chỉ có thể thay đổi xã hội nhân loại và thế giới mình đang sống nếu ta thực sự trở thành những chứng từ đặc biệt cho tình yêu Thiên Chúa. Dĩ nhiên, tình yêu này không bắt nguồn từ trái tim nhỏ bé của chúng ta, nhưng là tình yêu của Thiên Chúa chuyển thông vào trong mỗi con người chúng ta. Và chúng ta chỉ có thể làm nhân chứng tình yêu khi chúng ta cảm nhận được tình yêu ấy trong con người mình, cũng như trong thế giới và có thể biểu lộ được tình yêu ấy trong cuộc sống thường ngày. Cũng vậy, để giúp người trẻ sống đức tin, thì chúng ta cũng phải trở thành những chứng nhân đức tin, vì thế giới ngày nay cần chứng nhân hơn thầy dạy.
Kết Luận
Nhìn lại việc sống đức tin của giới trẻ Việt Nam ngày nay, đi từ thực trạng giới trẻ nói chung và đời sống đức tin của giới trẻ Công giáo nói riêng, chúng ta sẽ không tránh khỏi sự thất vọng và lo lắng cho một thế hệ tương lai. Đã nhiều sách báo lên tiếng cảnh báo về sự suy đồi của người trẻ ngày nay, như là tiếng chuông báo động cho thế hệ con người. Hẳn thật, giới trẻ ngày nay đang đứng trước cơn khủng hoảng về các giá trị luân lý và đạo đức, đánh mất nhân cách và lý tưởng, gạt bỏ khái niệm tôn giáo và tâm linh ra khỏi cuộc sống. Trong xu thế đó, tình hình đời sống đức tin của giới trẻ Công giáo cũng đang đi vào giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng. Giới trẻ Công giáo ngày nay không quan tâm đến đời sống tâm linh, chẳng áy náy khi bỏ quên những bổn phận phải thực hành của người Kitô giáo, họ đã lãng quên tiếng nói của lương tâm, chai lì với thói hư tật xấu và không còn ý thức về tội phúc nữa. Điều này cũng dễ nhận thấy nơi các giáo xứ, khi nhìn vào sinh hoạt của giới trẻ. Quả vậy, ngày nay tại các xứ đạo số người trẻ đi lễ đang giảm sút rất nhiều và số lượng người trẻ học giáo lý ngày một ít đi.
Mục tiêu của công việc giáo dục đức tin là điều cần thiết, song cũng cần phải được thực hiện cách cụ thể. Thế nhưng trong hoàn cảnh ngày nay, chúng ta không thể có được các tổ chức, các chương trình cách quy mô và mang tính chuyên môn được. Mà chỉ dừng lại ở các buổi giáo lý ngắn gọn tại các xứ đạo, và hình thức này không thể đáp ứng cho mọi thành phần giới trẻ Công giáo. Nên nhu cầu đòi hỏi chúng ta phải có những dấn thân đặc biệt hơn; như việc chủ động đến với và sống giữa những người trẻ, để trong những sinh hoạt thường nhật ta có thể lồng vào những bài học về đức tin, hay ít ra chúng ta cũng hiện diện giữa họ như một chứng nhân. Vì thế, người thực hiện công việc giáo dục đức tin ngoài kiến thức, khả năng chuyên môn, cần phải có tinh thần hy sinh dấn thân và lòng yêu mến thực sự, thì mới mong mang lại hiệu quả. Trong tình hình đất nước ngày một thăng tiến và bình đẳng như hiện nay, chúng ta cũng có quyền nghĩ đến một tương lại sáng sủa hơn cho công việc giáo dục giới trẻ nói chung và giáo dục đức tin nói riêng. Thế nên, công việc chuẩn bị nhân sự, hay tự đào luyện chính mình là việc làm cần thiết đối với các linh mục và tu sĩ trẻ ngày nay. Nhìn lại trước năm 1975, có rất nhiều trường của Giáo hội Công giáo từ mẫu giáo đến đại học, đã vang tiếng một thời như: Trường Taberd, trường Nguyễn Bá Tòng, trường Thiên Phước… những trường này thường do các linh mục, tu sĩ đảm nhiệm. Ngày ấy, trong công tác giáo dục còn có nhiều đoàn hội và phong trào như: Nghĩa Binh Thánh Thể, Hùng Tâm Dũng Chí, Thanh Sinh Công… Những tổ chức này với những kinh nghiệm hoạt động trong các môi trường khác nhau của đời sống giới trẻ, đã góp phần không nhỏ vào việc giáo dục giới trẻ Công giáo và còn lan rộng đến cả những người trẻ không Công giáo khác nữa. Nhìn lại như thế không phải là chỉ để nuối tiếc một thời, nhưng là để mỗi người chúng ta, đặc biệt là những linh mục, tu sĩ trẻ tự nhìn lại mình và đặt mình trước câu hỏi: “Nếu thời cơ cho phép, thì liệu chúng ta có thể làm được những điều như cha anh đã làm không và chúng ta sẽ làm như thế nào?”.
Quả vậy, Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người, cách riêng là giới trẻ hãy nhìn lại hành trình Đức Tin một cách rõ ràng và tổng quát. Qua đó, chúng ta cần chuẩn bị, trau dồi và bồi dưỡng cho Đức Tin của mình ngày một vững chắc, sống động, hài hoà với thời đại và xã hội. Để đạt được điều đó, trước hết mỗi chúng ta hãy quy chiếu mọi sự về Đức Kitô, hãy “bén rễ và được xây dựng trên Chúa Kitô, nhờ đó chúng ta được củng cố trong Đức Tin”[17]. Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta hướng lòng lên Mẹ Maria, học nơi Mẹ một Đức Tin vững mạnh, một niềm tin tuyệt đối ngang qua hai tiếng “Xin Vâng”, để Mẹ hướng dẫn, củng cố ta trong Đức Tin và thúc đẩy ta loan truyền tình thương cứu độ của Chúa.
Xin mượn lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong Tự sắc Porta Fidei - Cánh cửa Đức tin để thay cho lời cuối cùng muốn nói: Mỗi chúng ta hãy “tái khám phá hành trình Đức Tin để luôn làm nổi bật niềm vui và lòng hăng say mới của việc gặp gỡ Đức Kitô”, đồng thời “khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng Đức Tin trong sự toàn vẹn và với niềm xác tín được đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng” và “ước gì Năm Đức Tin này làm cho tương quan của chúng ta với Chúa Kitô vững chắc thêm mãi, vì chỉ trong Ngài chúng ta mới vững lòng nhìn về tương lai và được bảo đảm về một tình yêu đích thực và bền lâu”[18].

       







[1] Xc. ĐGH Gioan Phao Lô II, Tông Huấn Familiaris Consortio (Bổn Phận Của Gia Đình Kitô Hữu Trong Thế Giới Ngày Nay), Bản dịch, (Rôma, 2006), số 60, tr. 163.
[3] Xc. ĐGH Gioan Phao Lô II, Tông Huấn Familiaris Consortio (Bổn Phận Của Gia Đình Kitô Hữu Trong Thế Giới Ngày Nay), Bản dịch, (Rôma, 2006), số 60, tr. 163.
[4] Nguyễn Quốc Tăng, Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam, (Thuận Hoá, 1999), tr. 102.
[6] Xc. Lê Nhân Tâm, Giới trẻ Việt nam trong thời kỳ đổi mới, (TP. HCM, 2004), tr. 84.

[7] X. Tòa Tổng Giám mục TP. HCM: Tài liệu về Năm Đức Tin, 8.9.2012.

[8] Thư chung/HĐGMVN, 2007, số 28.
[9] X. Người trẻ mong gì nơi Thánh Lễ-giáo lý-linh mục, truy cập ngày 02/05/2013. www.vietcatholic.net.
[10] X. Chia sẻ, số 46, liên tu sĩ TPHCM, tr. 53.
[11] Sứ điệp ngày quốc tế giới trẻ 2011 của Đức Thánh Cha Benedicto 16.
[12] ĐGH Gioan Phaolô II, Giải đáp thắc mắc các bạn trẻ ở Slovenia, ngày 15/08/1996.
[13] X. ĐGH Bênêđictô XVI, Tự Sắc Porta Fidei, số 7.
[14] X. Giáo phận Phú Cường, Tài liệu học hỏi năm mục vụ, 2008, tr. 22.
[15] X. Đức tin và cuộc sống, truy cập 03/05/2013. www.tgpsaigon.net
[16] Xc. Đức Cha William Philbin (Gm Ái  Nhĩ Lan), Ý Nghĩa Của Đức Tin, chuyển ngữ Phạm xuân Khôi, tủ sách Hỏi Đáp Về Đạo, (TPHCM, 2006,) tr. 51.
[17] X. Bài Giáo lý 2 cho giới trẻ Việt nam tại Ngày Giới trẻ Thế giới 2011 - Gm. Vũ Văn Thiên.
[18] X. ĐGH Bênêđictô XVI, Tự Sắc Porta Fidei, số 2.9.15).

1 Nhận xét

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn