Việc Tham Dự Thánh Lễ Của Người Tín Hữu


Nhìn từ khía cạnh lịch sử & thần học
Ngày hôm nay,
50 năm đã trôi qua sau cuộc canh tân của Vantican II,
chúng ta sẽ tự vấn mình rằng
chúng ta đã kinh nghiệm như thế nào về cuộc canh tân này
và đâu là vấn đề đang nảy sinh.
Trước hết, sự khẳng định tính cần thiết
và tầm quan trọng của việc tham dự phụng vụ của các tín hữu
như được Vatican II giải thích,
thật không may, không được hiểu cho đúng đắn lắm.
Nếu không cẩn thận,
thì dễ dẫn đến việc đánh mất đi bản chất thờ phượng
của Giáo hội.
Laurenso Ninh Tú Toàn, OP.

Dẫn nhập

Năm Đức Tin đã đi qua hơn nửa chặng đường kể từ ngày khai mạc 11.10.2012. Ai trong chúng ta cũng biết Đức Giáo Hoàng Benedict XVI công bố toàn thể Giáo hội hướng đến Năm Đức Tin là để kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Chung Vatican II, 20 năm ban hành Sách


Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, là thời gian để toàn thể dân Thiên Chúa tuyên xưng đức tin chân thật, và bày tỏ cách sống trọn vẹn và toả sáng hồng ân đức tin.
Để hòa chung với tinh thần của Giáo hội, người viết muốn nhân cơ hội này chia sẻ những suy tư của mình qua việc tham dự Thánh Lễ của người tín hữu nói chung, và người tín hữu Việt Nam nói riêng. Trong bài viết này, người viết sẽ bắt đầu khởi đi từ bối cảnh đương thời của việc tham dự Thánh Lễ của người tín hữu trong Giáo hội Việt Nam ngày nay để rồi từ đó quay trở lại với bức tranh của lịch sử cũng như đâu là những chiều kích thần học của nó; và cuối cùng là một vài suy tư mang tính cách mục vụ theo tinh thần Vatican II.
I.       Từ bối cảnh đương thời
Trong bối cảnh của Giáo hội Việt Nam, các tín hữu đến nhà thờ để tham dự Thánh Lễ vẫn còn khá đông. Đây cũng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, nếu có dịp rảo qua các nhà thờ mỗi Chúa nhật, đặc biệt các nhà thờ lớn, thì ai cũng dễ nhận ra một kiểu “tham dự Thánh Lễ” của người tín hữu Việt Nam: đó là khá thụ động trong việc cử hành phụng vụ cũng như còn có những thói quen xấu khác nữa chẳng hạn như thường ngồi ngoài nhà thờ, hoặc ngồi trên xe, hoặc ngồi bên kia đường, thậm chí còn ngồi “ôm nhau” trên xe để tham dự Thánh Lễ.
Bên cạnh đó, đang khi Thánh Lễ diễn ra, thì có những tiếng chuông điện thoại bất ngờ reo lên, và người tham dự cũng sẵn sàng lấy ra trả lời hoặc là nhắn tin cho dù là tin đó hay cuộc điện thoại đó có khẩn hay không. Thậm chí, trong một dịp đi lễ tạ ơn của một cha mới, người viết còn chứng kiến “một cha quản hạt” nọ đã ngang nhiên móc điện thoại ra trả lời trong khi cộng đoàn đang cử hành phụng vụ. Điều này khiến cho cả cộng đoàn tham dự bị chia trí.
Với những kiểu tham dự phụng vụ như thế, liệu các tín hữu có ý thức được việc mình đang tham dự hay không? Và liệu họ có cảm nhận được những ý nghĩa của việc cử hành này cũng như ý thức rằng Thánh Lễ là nguồn mạch để nuôi dưỡng đời sống đức tin của họ?
II.    Đến bức tranh lịch sử
1.           Những thế kỷ đầu
Vào những thế kỷ đầu, nhiều tác phẩm Giáo phụ của thời này đã cho thấy rằng các tín hữu luôn có vai trò rất năng động trong việc cử hành phụng vụ. Ở phần Phụng vụ Lời Chúa, theo như thánh Chromatius (345-407), giám mục thành Aquileia, các tín hữu thời này đã hát “Alleluia” trong suốt phần này. Đây chính là lời ca mời gọi mọi người diễn tả hành vi chúc tụng Thiên Chúa và tuyên xưng niềm tin chân thực của mình. Tiếng “Alleluia” còn là một sự chân nhận quyền năng của Thiên Chúa như là Đấng sáng tạo trời đất, và con người, và là Đấng Cứu Độ thế giới. Ở đây cũng cần để ý rằng theo như thánh Chromatius, lời ca “Alleluia” được diễn tả dành cho Thiên Chúa Cha. Cũng theo ngài, đây là một dấu chỉ hiệp nhất giữa những người tín hữu, và đồng thời, một dấu chỉ cho mỗi tín hữu thuộc về Giáo hội duy nhất.[1]
Trong một bức thư gửi Hoàng đế Trajan, Plinius Trẻ, một quan Tổng trấn xứ Bithynia và là người ngoại đạo, đã cho chúng ta biết rằng vào đầu thế kỷ thứ II, các tín hữu đã có thói quen tu tập lại với nhau để hát những bài thánh ca trước lúc mặt trời mọc và tán tụng ông Ki-tô như một vị Thần Linh. Hình thức này cũng được thánh Augustine nhắc tới: vào thời của ngài, trong suốt những nghi thức phụng vụ, các Thánh vịnh sẽ được hát theo kiểu đối đáp khi có sự tham dự của cộng đoàn dân Chúa.[2]
Đến phần Phụng Vụ Thánh Thể, để giúp các tín hữu tham dự phần này cách tích cực và nghiêm trang, Kinh Tiền Tụng được bắt đầu bằng việc chủ tế ngỏ lời với các tín hữu và mời gọi họ nâng tâm hồn lên tới Chúa, như thế là để các tín hữu không bị chia trí hay xao lãng và khơi gợi họ tập trung vào những điều sắp được nói trong Kinh Nguyện Thánh Thể. Để đáp lại lời mời gọi này, các tín hữu sẽ thưa: “Chúng tôi đang hướng về Chúa”, như thánh Cryrian và thánh Cyril thành Giê-ru-sa-lem đã khẳng định. Chủ tế tiếp tục đọc: “Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta”, và cả cộng đoàn tín hữu sẽ đáp lại: “Thật là chính đáng”. Sau lời đối thoại này, cả cộng đoàn phụng vụ hát Kinh “Thánh, Thánh, Thánh” để cùng với các thiên thần trên trời chúc tụng Thiên Chúa. Khi chủ tế kết thúc Kinh Tạ Ơn, tất cả các tín hữu đều đồng thanh thưa: “Amen”.
Tiếp đến là phần Hiệp Lễ, vốn được bắt đầu bằng hai nghi thức: hôn chúc bình an giữa các tín hữu và đọc Kinh Lạy Cha. Đối với văn hoá Việt Nam, thì việc “hôn chúc” được thay bằng việc bắt tay, hoặc cúi chào. Ý nghĩa của việc này được các thánh giáo phụ diễn tả như sau: trong De oratione của Tertullian, ông xem việc hôn chúc bình an như là một dấu ấn của lời cầu nguyện, và vì vậy chẳng có bất kỳ hy tế nào có thể được cử hành mà không có sự bình an. Còn theo thánh Cyril thành Giê-ru-sa-lem, việc hôn chúc này không giống như kiểu bạn bè thông thường trao cho nhau khi gặp gỡ. Việc hôn chúc này hiệp nhất mọi tâm hồn của các tín hữu nhờ việc bỏ qua những suy nghĩ không tốt về nhau. Trước khi tiến ra bàn thờ để nhận Mình Máu Thánh Chúa, các tín hữu đọc Kinh Lạy Cha.[3]
2.  Từ Trung Cổ tới thông điệp “Mediator Dei
Thật đáng buồn, trải qua dòng thời gian, việc tham dự sống động và ý thức của các tín hữu trong Thánh Lễ dần dần bị “mất lửa”. Các tín hữu tham dự vào những cử hành phụng vụ ngày càng ít đi. Họ chuyển từ vai trò chủ đạo, như chúng ta nhìn thấy ở thời kỳ Giáo hội sơ khai, thành những khán giả hoàn toàn thụ động, im lặng trong việc tham dự Thánh Lễ. Chắc chắn có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng này: chính trị, văn hoá xã hội, những luồng tư tưởng và ý niệm thần học của mỗi thời kỳ, … Trước khi đi đến phong trào phụng vụ, thiết tưởng cũng cần nhắc đến Công đồng Trent: vì quá bận tâm để khắc phục những đạo lý sai lầm và tình trạng hỗn loạn trong phụng vụ vào thời này, Công đồng đã đề ra việc thống nhất và kiểm soát. Kết quả là, phần liên quan đến việc tham dự của các tín hữu đã không được để ý tới.
Đến thế kỷ thứ 19, phong trào phụng vụ, vốn làm nền cho việc canh tân phụng vụ của Công đồng Vatican II, đã nhắm đến việc tham dự phụng vụ của các tín hữu. Một vài học giả cho rằng nguồn gốc của phong trào này khởi đi từ Pháp, tại Solesmes, và nổi bật là Prosper Guéranger[4]. Do vậy, bằng các tác phẩm của mình, cùng với sự cổ võ của nhiều người khác, phong trào này lan sang các nước khác. Sau năm 1840, mối quan tâm này ngày càng lan rộng đối với vấn đề tham dự của các tín hữu trong phụng vụ.
Nhưng vấn đề đặt ra là: Đâu là những biến cố quan trọng nhất của phong trào này vốn kéo dài một trăm năm cho tới Công đồng Vatican II? Để có thể trả lời cho câu hỏi này, thiết tưởng cần lượt qua một vài nhân vật tiêu biểu trong Giáo hội. Trong suốt hai mươi lăm năm trị vì của Đức Giáo Hoàng Leo XIII (1878-1903), mặc dù phong trào phụng vụ vẫn cần thời điểm để chín mùi trước khi nó có thể đưa ra những ý tưởng khả thi để tác động đến đời sống phụng vụ của Giáo hội, nhưng việc nghiên cứu về thánh nhạc đã phát triển. Trong giai đoạn này, phong trào phụng vụ vẫn chỉ là công việc của những cá nhân cùng nỗ lực lôi kéo các thẩm quyền trong Giáo hội. Ý định của họ đã được toại nguyện khi Đức Pius X được bầu chọn làm Giáo Hoàng.
Với Đức Pius X[5], phong trào này cuối cùng đã trở thành công việc chung của toàn thể Giáo hội. Một trong những văn kiện gây ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là Tự sắc Những Hướng Dẫn Về Thánh Nhạc được ban hành ngày 22.11.1903 (Tra le Sollecitudini)[6]. Với văn kiện này, Đức Pius X đã đẩy mạnh phong trào phụng vụ. Đối với ngài, Giáo hội và phụng vụ là hai phương tiện nền tảng để thánh hoá tín hữu. Theo ngài, phụng vụ là “sự tham dự sống động trong các mầu nhiệm thánh và trong lời cầu nguyện chung và trọng thể của Giáo hội”[7]; nói khác đi, phụng vụ là “nguồn mạch quan trọng và thiết yếu của đời sống Ki-tô hữu”[8].
Đến thời Đức Pius XII, trước những thúc ép của các vấn đề thần học-phụng vụ, vốn đang đợi câu trả lời của Đức Giáo Hoàng, một sự yêu cầu được đặt ra cho tất cả các cuộc nghiên cứu và giải thích đạo lý Nhiệm thể của Đức Ki-tô liên quan đến những tương quan giữa sùng kính, thực hành trong cũng như ngoài phụng vụ, liên quan đến việc có cần thiết để đưa ra những chỉ dẫn ngôn ngữ chung trong phụng phụ, và vân vân. Sau cùng, việc chờ đợi đã được đáp ứng khi thông điệp Đấng Trung Gian của Thiên Chúa (Mediator Dei, 20.11.1947) được ban hành. Đây là văn kiện quan trọng nhất về phụng vụ trước Vatican II. 
Tiên vàn, thông điệp này mô tả phụng vụ như là việc thờ phượng công khai của toàn thể thân thể của Đức Ki-tô, nghĩa là của đầu và các chi thể[9]. Việc thờ phượng này tác động đặc biệt tới việc thánh hoá các tín hữu. Kế đó, thông điệp này nói về bản chất của việc tham dự sống động trong các nghi thức vì mọi tín hữu đều có chức tư tế phổ quát. Điểm chính yếu mà thông điệp này đóng góp là việc giải thích rõ ràng về khái niệm phụng vụ. Phụng vụ được xem như là “chóp đỉnh và nguồn mạch”. Phụng vụ là chóp đỉnh bởi vì mọi đời sống của Giáo hội, dù trong hay ngoài phụng vụ, đều hướng đến nó; phụng vụ là nguồn mạch bởi vì mọi ân sủng được phát sinh từ đó. Do vậy, phụng vụ là nơi đặc biệt để Thiên Chúa và con người gặp gỡ trong Đức Ki-tô là Đấng Trung Gian. Việc canh tân phụng vụ dưới thời Đức Pius XII đặc biệt khích lệ khía cạnh mục vụ, nhằm mục đích làm cho phụng vụ trở nên dễ hiểu hơn đối với các tín hữu.
Rất nhiều các cuộc canh tân khác được tiếp nối sau thông điệp Mediator Dei, chẳng hạn như việc dùng ngôn ngữ địa phương; cho phép cử hành Thánh Lễ chiều theo những điều kiện đặc biệt; việc làm giảm nhẹ luật lệ liên quan đến việc giữ chay Thánh Thể; và những hướng dẫn cho việc cải cách thánh nhạc để các tín hữu có thể tham dự tích cực và ý thức hơn trong phụng vụ.[10]  
3.      Bước ngoặt của Vatican II:
    Hiến Chế về Phụng vụ Thánh
Sau Đức Pius XII là Đức Gioan XXIII. Ngài tiếp tục công trình canh tân phụng vụ của vị tiền nhiệm. Ngài đã gieo một hạt mầm cho việc khai sinh văn kiện quan trọng nhất về phụng vụ: Hiến Chế về Phụng vụ thánh (the Constitution on the Sacred Liturgy (= SC)[11]. Về mặt lịch sử phụng vụ, trong việc canh tân của Công Đồng Vatican II nổi bật hơn hết các cuộc canh tân khác đó là tính cách mục vụ của nó. Mục đích tối hậu của Công Đồng là Dân Thiên Chúa tham dự có ý thức và hoà mình tích cực vào đời sống phụng vụ của Giáo hội. Thực vậy, các tín hữu luôn luôn là ý tưởng nòng cốt trong lĩnh vực phụng vụ và luôn được nghiên cứu dưới chiều kích mục vụ[12].
Sau đây là một vài điểm chính trong văn kiện này[13]:
- Tính cách cộng đồng, xã hội, trọn vẹn và tương quan giữa cá nhân và cộng đoàn trong phụng vụ.
- Việc tham dự sống động trong phụng vụ của người tín hữu.
- Tính cách tối ưu của Lời Chúa trong phụng vụ.
- Sử dụng tiếng bản xứ.
- Tính cách thích nghi trong phụng vụ cho các nhóm dân tộc, vùng miền, dân nước, đặc biệt nơi những miền truyền giáo.
III.  Chiều kích thần học
Như vậy, người viết vừa rảo qua bức tranh lịch sử trong sinh hoạt phụng vụ của người tín hữu trong Giáo hội cũng như cuộc canh tân của Vatican II về phụng vụ để ngõ hầu cộng đồng dân Chúa có thể tham gia một cách tích cực vào việc cử hành phụng vụ. Trong phần kế tiếp sau đây, người viết sẽ chuyển sang chiều kích nền tảng thần học về việc tham dự này, vốn cũng không kém phần quan trọng, để trả lời cho câu hỏi: Đâu là lý do đặc biệt để các tín hữu cần tham dự tích cực vào phụng vụ? Sau đây là những lý do để giải đáp cho câu hỏi này.
1.   Các tín hữu là con của Thiên Chúa và con của Mẹ Giáo Hội
Trong Sermo LVI của Augustine, ngài giải thích cho các dự tòng hiểu được mối tương quan sâu xa vốn ràng buộc họ với Thiên Chúa và Giáo hội bằng phép rửa. Ngài mô tả họ được sinh ra làm con cái của Thiên Chúa theo nghĩa sinh hạ thể lý và sinh lý, vốn rất thường xảy ra trong xã hội loài người: trước khi được sinh ra, họ được đón nhận hạt mầm của Thiên Chúa Cha, và sau đó phải được sinh ra trong giếng rửa tội, vốn không gì khác hơn là ngoài cung lòng của Giáo hội. Nói cách khác, thánh Augustine hiểu rằng mối dây hiệp nhất giữa các tín hữu với Thiên Chúa và với Giáo hội là mối dây tương quan giống như mối dây ràng buộc huyết nhục theo nghĩa cha mẹ với con cái.
Ý tưởng này cũng tương tự nơi thánh Chromatius. Ngài cho rằng các tín hữu được gọi là con của Thiên Chúa Cha bởi vì mỗi người được cưu mang như một “hạt mầm công lý” và được Giáo hội là Mẹ của họ sinh ra xét như là hoa trái của ơn cứu độ. Ngài giải thích rằng trước khi Đức Ki-tô đến, thì Giáo hội hoàn toàn vô sinh bởi vì Giáo hội chưa đón nhận hạt mầm công lý; sau khi Đức Ki-tô đến, Giáo hội đón nhận lấy hạt mầm là Lời Thiên Chúa. Nhờ đó, Giáo hội đã sinh hoa kết quả và có thể cưu mang và hạ sinh con cái của Thiên Chúa mỗi ngày.
Ở đây có thể nhận thấy sự diễn tả khác nhau của hai vị thánh trên. Trong khi thánh Augustine dùng đến hạn từ “hạt mầm của Chúa Cha”, thì thánh Chromatius dùng đến cả hai hạn từ: hạt mầm công lý và hạt mầm Ngôi Lời Thiên Chúa[14].
2.   Thánh Thể làm nên Giáo hội
Để hiểu được chiều kích thần học này, trong tác phẩm Kinh Lạy Cha, chương 18, thánh Cyrian đã giải thích ý nghĩa của lời van xin: “Xin ban cho chúng con lương thực hằng ngày” ám chỉ Đức Ki-tô chính là lương thực của sự sống và lương thực ấy dành cho chúng ta, nhưng không phải cho mọi người. Chúng ta gọi Đức Ki-tô là lương thực của chúng ta  bởi vì Người là lương thực cho những ai kết hợp với thân thể Người. Vì thế mà chúng ta mỗi ngày cầu xin để được ban cho chúng ta lương thực, tức là Đức Ki-tô, bởi vì nhờ vào việc ở lại và sống  trong Người, chúng ta không thể tách chính chúng ta ra khỏi sự thánh hoá và thân mình của Người”[15].
Từ sự giải thích trên, các tín hữu kết hợp cùng lúc với Giáo hội, là Nhiệm thể của Đức Ki-tô bằng việc tham dự vào cử hành Thánh Thể và đón nhận Mình Máu Chúa Ki-tô. Nói cách khác, theo thánh Cyrian, Thánh Thể làm nên Giáo hội. Vì vậy, chúng ta có thể hiểu được tầm quan trọng của việc tham dự nơi các tín hữu trong cử hành Thánh Thể[16].
3.  Lời Chúa và Thánh Thể là lương thực nuôi dưỡng các tín hữu
Là một vị mục tử chịu trách nhiệm hướng dẫn các thành viên mới trong cộng đoàn của mình, thánh Augustine cố gắng giảng giải cho các dự tòng hiểu được bí tích rửa tội, và một khi họ được tái sinh làm con Thiên Chúa nhờ phép rửa, họ cần có một thứ lương thực đặc biệt bao gồm: Lời Chúa và Mình Máu Chúa Ki-tô.
Thật cần thiết để các tín hữu tham dự vào cử hành phụng vụ bởi vì họ cần một lương thực đặc biệt: Lời Chúa được đọc trong suốt những nghi thức này. Thánh Augustine nói đó là lương thực hằng ngày, mà chỉ có con cái kêu xin. Đó là thứ lương thực vốn không làm no thoả lòng dạ nhưng làm no thoả linh hồn. Thánh Augustine nói tiếp rằng không chỉ các bài đọc mà tín hữu nghe mỗi ngày nơi các nhà thờ là lương thực hằng ngày, mà còn cả những bài giảng và các thánh ca mà họ lắng nghe và hát nữa bởi vì những điều này cần thiết cho cuộc lữ hành trần gian của họ.
Cũng thế, Mình Máu Chúa Ki-tô là lương thực. Đó chính là Thánh Thể. Theo như thánh Giáo phụ Tertullian, ngài cho rằng có hai lý do kép để các tín hữu cần đến thần lương này: để sống vĩnh cửu trong Đức Ki-tô và có sự sống từ chính Mình Máu của Người. [17]
4.   Mầu nhiệp cứu độ được làm mới theo chu kỳ hàng năm
Thiên Chúa của Ki-tô giáo không phải là một Thiên Chúa đã chết, nhưng đúng hơn là một Thiên Chúa sống. Con người mọi thời đại có thể nghe, đụng chạm đến Người. Vị Thiên Chúa được sinh ra cho con người bởi vì Người muốn ở trong họ để cứu họ, bằng cách đưa họ bước vào mầu nhiệm thương khó mà Thiên Chúa đã ký kết. Đây là mạc khải nền tảng mà Kinh Thánh nói cho chúng ta biết. Thiên Chúa mà con người gặp gỡ được tìm thấy cách đặc biệt bằng sự tham dự của mỗi tín hữu trong đời sống phụng vụ. Các tín hữu, ở chiều kích cá nhân và cộng đoàn, mỗi lúc họ tham dự vào những cử hành phụng vụ là một cuộc gặp gỡ Thiên Chúa và làm mới lại mầu nhiệm cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa ban cho họ. Như thánh Leo Cả có nói, mầu nhiệm ơn cứu độ của chúng ta được hứa ngay từ lúc tạo dựng thế giới và đạt được vào thời gian ấn định, kéo dài bất tận và được làm mới lại cho chúng ta theo chu kỳ hàng năm. Từ những bài đọc của các bản văn trong Thánh Lễ, người tín hữu có thể học được những đòi hỏi thực sự cần thiết cho việc tham dự vào phụng vụ của Giáo hội.[18]
Suy tư để kết
Ngày hôm nay, 50 năm đã trôi qua sau cuộc canh tân của Vantican II, chúng ta sẽ tự vấn mình rằng chúng ta đã kinh nghiệm như thế nào về cuộc canh tân này và đâu là vấn đề đang nảy sinh. Trước hết, ra như sự khẳng định tính cần thiết và tầm quan trọng của việc tham dự phụng vụ của các tín hữu như được Vatican II giải thích, thật không may, không được hiểu cho đúng đắn lắm. Nếu không cẩn thận, thì dễ dẫn đến việc đánh mất đi bản chất thờ phượng của Giáo hội. Chưa kể là việc sử dụng khá nhiều phương tiện hiện đại trong nhà thờ chẳng hạn như sử dụng màn hình phẳng nhiều đến độ không cần thiết (mỗi một cột là một màn hình), và ra như đang thể hiện mức độ hoành tráng của mình; hoặc dùng ipad trong việc giảng lễ và thay sách Lễ Rô-ma cũng gây ra những lỗi phiền phức về kỹ thuật. 
Bên cạnh đó, việc tham dự trong Thánh Lễ của các tín hữu ở Việt nam hiện nay dường như vẫn còn thụ động. Các tín hữu chưa ý thức đủ vai trò quan trọng của họ trong việc tham dự. Đối với họ, họ đến nhà thờ chỉ để cho xong, cho qua. Vì thế mà, lễ đã bắt đầu rồi mới đến, hoặc chưa kết thúc thì mau mắn ra về... Và còn nhiều thứ “linh tinh khác” mà ai ai cũng dễ nhận thấy trong suốt thời khắc của phụng vụ.
Để có thể thăng tiến việc tham dự trong phụng vụ của các tín hữu, thiết tưởng cần có hai điều đặc biệt được chú trọng: trang bị cẩn thận về kiến thức phụng vụ cho các ứng sinh linh mục và mở những lớp về phụng vụ cho các tín hữu vốn rất còn khan hiếm ở Việt Nam.
Các linh mục là những người phải sắp xếp và chủ tế toàn bộ phụng vụ; họ cũng có vai trò hướng dẫn các tín hữu của mình, do vậy họ cần được huấn luyện cách đầy đủ và được cập nhật đúng lúc. Họ cần ý thức tốt về những phương tiện và bản chất của các bí tích, đặc biệt là cử hành Thánh Thể, và cũng như các nghi thức khác. Chỉ như thế, họ mới tránh khỏi những sai sót hay gây gương mù cho các tín hữu.
Với các tín hữu, việc mở những lớp về phụng vụ là cần thiết. Vì hầu hết ở các xứ đạo Việt Nam, các tín hữu chưa có điều kiện để học hỏi điều này vì những lý do khách quan. Mục đích của việc mở lớp này là để giúp các tín hữu có thể hiểu được việc tham dự của họ trong các nghi thức cử hành phụng vụ không chỉ là một điều gì đó tự chọn hay tự do. Chính trong niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa mà mỗi tín hữu có thể tìm thấy ý nghĩa tối hậu về sự hiện hữu của mình. Và từ nơi đây, họ có thể kín múc được nguồn mạch cho đời sống đức tin của mình.




[1] Anscar J. Chupungco, Handbook For Liturgical Studies: Fundamental Liturgy (Collegeville, 1998), tr. 145.
[2] Ibid., tr. 146.
[3] Ibid., tr 147. Ở đây, có sự khác biệt về trật tự: các tín hữu thời kỳ đầu hôn chúc bình an trước khi đọc Kinh Lạy Cha, còn ngày nay thì ngược lại.
[4] Prosper Guéranger (1805-1875) là viện phụ của Đan Viện Biển Đức. Hai tác phẩm của người được biết đến nhiều nhất là Institutions Litugiques L’Annee Liturgique (xc http://en.wikipedia.org/wiki/Prosper).
[5] Đức Pius X đã ban hành ba văn kiện có tầm ảnh hưởng lớn đến phụng vụ: (1) Tra le Sollecitudini (1903); (2) Divino afflatu (1911); và Ad hinc duos annos (1913). Nhưng trong bài viết này, tự sắc Tra le Sollecitudini được dùng để dẫn chứng cho vấn đề tham dự phụng vụ của Dân Thiên Chúa (xc. Anscar J. Chupungco, ibid., tr. 149). 
[6] Xc. Pope Pius X, Tra le Sollecitudini (22.11.1903), có trên http://www. adoremus.org/TraLeSollecitudini.html.
[7] Anscar J. Chupungco, ibid., tr. 149
[8] Ibid.
[9] Pope Pius XII, Mediator Dei (Vatican: Libreia Editrice Vaticana, 20.11.1947), số 20.
[10] Anscar J. Chupungco, ibid., tr. 150-151.
[11] Pope Paul VI, the Constitution on the Sacred Liturgy (Vatican: Libreia Editrice Vaticana, 04.12.1963), số 10-12, 19, 21, 30-31, 36, 38, 40, 54.
[12] Anscar J. Chupungco, ibid., tr. 151.
[13] ibid., tr. 151-153.
[14] Ibid., tr. 153-154.
[15] Cyrian, on The Lord’s Prayer [dữ liệu], có trên http://www.ewtn.com/ library/SOURCES/LORDPRAY.TXT.
[16] Anscar J. Chupungco, ibid., tr. 155.
[17] Ibid., tr. 156.
[18] Ibid., tr. 157.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn