Cơn khát tâm linh




Nơi trái tim mỗi người
đều ẩn dấu một cơn khát
mà không giòng nước nào có thể thỏa mãn nổi,
một nỗi khắc khoải
mà không sự thành công nào có thể giập tắt được,
một sự trống rỗng
mà không của cải vật chất nào có thể lấp đầy được.
Điều đó dẫn chúng ta tới kết luận của đoạn Tin Mừng
về người phụ nữ bên bờ giếng Gia-cóp :
Chỉ có Chúa mới thỏa mãn được
cơn khát trong tâm hồn chúng ta.
Hùng Sơn, OP.

DẪN NHẬP
Kể từ kỷ nguyên ánh sáng, khoa học ngày càng tiến bộ và phát triển không ngừng. Những thành tựu của khoa học đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt thế giới. Giấc mơ về một thiên đàng nơi mà trước đây tôn giáo hứa hẹn cho những kẻ đáng thương bởi số phận hẩm hiu trong cuộc đời này, như một sự an ủi bù trừ nay không còn ở một nơi nào xa vời hay ở một thế giới nào khác nữa, nó đã được khoa học kỹ thuật thực hiện ngay ở trần gian này.
Khoa học kỹ thuật đã đem đến một cuộc sống không khác mấy so với thiên đàng mà những kẻ yếu đuối ngưỡng vọng. Những thành tựu của khoa học đã đem đến cho nhân loại một cuộc sống sung túc giàu sang, giải phóng con người khỏi những đau khổ và dốt nát… Khoa học kỹ thuật quả đã làm được những điều lớn lao và vì thế việc con người của thời đại tín nhiệm đặt niềm tin tưởng vào khoa học là một điều chính đáng dễ hiểu. Nhưng ngay khi con người tín nhiệm đặt niềm tin vào khoa học như là cứu cánh của mình thì niềm tin này đã báo trước cho một sự khủng hoảng sâu xa về những giá trị tinh thần. Vì thực tế ngoài cơm áo gạo tiền, danh vọng địa vị, ăn chơi hưởng thụ… thì nhu cầu tinh thần còn có những đòi hỏi lớn lao và phức tạp hơn nhiều.
Khác với sự tiên đoán ngây ngô của nhiều nhà tư tưởng cho rằng thế kỷ XX – XXI tôn giáo sẽ biến mất, con người trở thành thượng đế và làm chủ vận mạng của mình. Tuy nhiên sự thực lại khác. Khi con người đói nghèo lạc hậu thì người ta chỉ lo làm sao để cải thiện cuộc sống, vì thế những nhu cầu tâm linh trong giai đoạn này, còn nặng hình thức sợ hãi, xin xỏ, bù trừ… Nhưng khi cuộc sống cải thiện, con người dường như có mọi thứ và thậm chí là có nhiều là đàng khác, tư tưởng đổi mới nhờ tri thức… con người rời xa niềm tin ấu trĩ của mình trước đây và ta có cảm tưởng tôn giáo không còn hiện hữu nữa, hay thượng đế đã thực sự “thoái vị” để con người được lên ngôi thượng đế. Thế nhưng một số nhà tư tưởng thức thời đã nhanh chóng nhận ra rằng, đây chỉ là “triệu chứng” của một căn bệnh mới, căn bệnh “khủng hoảng tâm linh” một cách sâu sắc của thời đại. Cuộc khủng hoảng này có thể gây nên nhiều hậu quả, và làm biến tướng các giá trị nơi nhân cách con người. Nhưng nó cũng là dấu hiệu đáng mừng, vì những khắc khoải tâm linh thực sự nảy sinh từ giai đoạn này. Khi những ảo tưởng về khoa học kỹ thuật sụp đổ, con người bắt đầu mở rộng lòng mình đến đón nhận một chân trời mới của đời sống tâm linh, có khả năng làm thăng hoa các giá trị nhân sinh và làm cho cuộc sống được trọn vẹn hơn.
Để có thể có một cái nhìn toàn cảnh hơn về đề tài mà người viết muốn trình bày, thiết nghĩ chúng ta cùng nhau từng bước đi vào từng đề mục để tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến “cơn khát tâm linh của con người thời đại”, và làm thế nào mà cơn khát này có thể được giải trừ thực sự? Thứ nước nào sẽ làm “đã khát” cái cơn khát nóng bỏng của con người thời đại? Vậy chúng ta cùng đi vào tìm hiểu những vấn nạn này.

Khoa học đã làm cho con người bơi giỏi hơn cá, bay cao hơn chim và đi bộ trên mặt trăng. . . Nhưng khoa học không thể giúp con người chế ngự tâm mình và cũng không đưa đến sự kiểm soát đạo đức và mục đích của cuộc sống. Mặc dù, khoa học có những sự kỳ diệu của nó, nhưng khoa học vẫn có nhiều mặt hạn chế.
Thường thì người ta nghe quá nhiều về khoa học và về những gì khoa học có thể làm được nhưng ít biết được những gì mà khoa học chưa hoặc không làm được. Kiến thức khoa học bị giới hạn bởi những thông tin nhận được ngang qua các giác quan. Nó không thể nhận thức chính xác những điều vượt quá giới hạn của giác quan. Chân lý khoa học được xây dựng trên các quan sát lo-gíc của các dữ kiện thuộc giác quan mà nó đang biến đổi liên tục. Do đó, chân lý khoa học là chân lý tương đối không có bền vững trước thách thức của thời gian và vì nhà khoa học đã nhận biết được sự thật này, nên luôn luôn sẵn lòng loại bỏ một học thuyết nếu như nó có thể được thay thế bởi một học thuyết khác tốt hơn.
Khoa học nỗ lực tìm hiểu thế giới bên ngoài và đã bới tìm bề mặt thế giới nội tại con người. Ngay cả khoa học về tâm lý cũng không thật sự tìm hiểu hết nguyên nhân sâu xa của các trạng thái bất an của con người. Khi con người nản lòng, chán ghét cuộc sống và thế giới nội tâm bị tràn ngập bởi xáo trộn và bất an, thì khoa học ngày nay không có nhiều phương tiện để giúp đỡ con người. Ðối với môi trường sống xung quanh của con người, khoa học xã hội có thể cung ứng một mức độ hạnh phúc nhất định nào đó. Nhưng không giống như loài vật, con người đòi hỏi nhiều hơn sự tiện nghi thân thể và các nhu cầu giúp đối phó với khổ đau và xáo trộn nảy sinh từ thực tế hằng ngày.
Ngày nay có quá nhiều người bị sợ hãi, bất an và cảm thấy không an ổn. Tuy nhiên, khoa học không thể giúp họ được, khoa học không thể giúp chúng ta chế ngự tâm mình khi mà bản năng đầy thú tính bất chợt nổi lên và đốt cháy trong tâm.
Khoa học có thể làm cho con người tốt hơn không? Nếu có, tại sao các hành động khủng bố và các hành vi phi đạo đức đầy dẫy trong các quốc gia mà các quốc gia đó có nền khoa học tiên tiến? Mặc dù các tiến bộ khoa học đã đạt được và có các lợi thế ban cho con người, thế nhưng khoa học vẫn chưa có thể biến đổi nền tảng nội tâm con người mà khoa học chỉ làm tăng thêm cảm giác của con người về sự phụ thuộc và cảm thấy thiếu thốn? Thêm vào đó, khoa học thất bại trong việc đem sự an toàn đến cho mọi người. Khoa học cũng khiến cho mọi người cảm thấy rất bấp bênh bởi sự đe dọa thế giới có khả năng bị hủy diệt con người trên quy mô lớn. Khoa học không thể cung cấp đầy đủ ý nghĩa của cuộc đời, không thể cung cấp cho con người các lý do rõ ràng chính xác về cuộc sống. Thật thế khoa học là thế tục hoàn toàn trong bản chất và không có liên quan tới mục đích tâm linh của con người. Chủ nghĩa vật chất vốn có tư tưởng khoa học đã chối bỏ các mục tiêu tâm lý cao hơn mục tiêu thỏa mãn vật chất. Bằng những lý thuyết có chọn lọc và các chân lý tương đối, khoa học coi thường các vấn đề cốt lõi nhất và để lại nhiều câu hỏi không thể trả lời được. Ví dụ, khi được hỏi về sự khác nhau giữa tâm hồn và thể xác tồn tại trong con người thì không một sự giải thích khoa học nào có thể đưa ra đối với vấn đề như vậy. Vì vấn đề đó vượt qua các giới hạn chật hẹp của khoa học. Hơn nữa, những tác động của khoa học còn dẫn đến lối sống tục hóa duy thế tục, một căn bệnh của thời đại như sẽ trình bày dưới đây.
2. Trào lưu tục hóa
Trong tiếng việt, thuật ngữ "tục hoá" được dùng để dịch từ "Sécularisation"[1]. Ý nghĩa của từ ngữ này khác nhau tuỳ theo nguyên ngữ của nó:
- Trong trường hợp từ tục hoá phát xuất từ ngữ sécularis trong tiếng La Tinh thời Trung Cổ thì nó chỉ hai nghĩa: một là nhà nước chiếm hữu tài sản của Giáo hội hay cũng gọi là "quốc hữu hoá", hai là Giáo luật, "tục hoá" (sécularisation) có nghĩa là cho phép một tu sĩ đã khấn được ra khỏi dòng: nếu là linh mục thì trở thành linh mục triều, nếu là một tu sĩ không linh mục thì trở thành giáo dân.
- Trong trường hợp từ tục hoá bắt nguồn từ nguyên ngữ "secular" trong tiếng Anh thì lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Nó chỉ một hiện tượng lịch sử được bắt đầu từ thế kỷ VIII, khi xã hội Âu Châu bắt đầu tiến trình tách rời ra khỏi Kitô giáo để trở nên tự trị, độc lập vói Giáo hội và các giới luật tôn giáo cũng như luân lý do Giáo hội đề ra. Tiến trình này kéo dài nhiều thế kỷ và ngày nay trở nên mạnh mẽ hơn.

Tuy tiến trình tục hoá tách rời khỏi Giáo hội là một điều đau thương, nhưng nếu nghiên cứu một cách sâu xa thì nó cũng có những khía cạnh tích cực là đưa tới việc nhìn nhận một sự độc lập đúng đắn của các thực tại trần thế và nhân bản, nghĩa là sự độc lập của nhà nước: văn hoá, chính trị, đời sống xã hội.
Thường thường khi nghĩ đến hai từ tục hóa, chúng ta có những cảm nhận không mấy tích cực về thuật ngữ này. Nhưng xét về mặt tích cực, nó cho chúng ta cái nhìn đúng đắn về thực tại trần thế, những bổn phận và trách nhiệm với thực tại ấy và không lẫn lộn nó với những thực tại thánh thiêng. Con người trần thế có hai bổn phận phải chu toàn: nghĩa vụ trần thế và nghĩa vụ của công dân Nước Trời. Hai nghĩa vụ nay không hề đối đầu với nhau, song cũng không thể lẫn lộn với nhau, nó đều đòi hỏi con người có cái nhìn trung thục về hai thực tại này và phải có trách nhiệm chu toàn sao cho trọn vẹn.
Người ta chỉ có thể bước vào Nước Trời qua con đường trần thế, vì thế, hiểu và sống tốt những giá trị trần thế, con người dọn đường cho Nước Trời đang đến. Tuy nhiên, trong khi tiến bước trong hành trình dương thế, dù phải bước đi trong những thực tại trần thế, con người cũng không được quên đi nhiệm vụ xây dựng Nước Trời mà Đức Giêsu đã gieo vào trần gian. Từ đó ta có thể đi tới nhận định rằng: tiến trình tục hóa làm cho chúng nhận thức rõ ràng hơn về hai thực tại thánh thiêng và trần thế. Hai thực tại nay vừa độc lập vừa hỗ tương cho nhau và mỗi một thực tại đều đòi buộc ta phải có những trách nhiệm chu toàn sao cho hài hòa và sắc nét.
Đối với Giáo hội và các quy luật của Giáo hội: nhìn nhận tính chất đời, sự độc lập của chính trị và không lẫn lộn với tôn giáo; nhìn nhận sự kiện này là các thực tại nhân bản có những giá trị riêng, luật lệ riêng, phương pháp riêng, chứ không lệ thuộc vào tôn giáo.[2]
Đối lại với những khía cạnh gọi là "lành mạnh" và tích cực đó, tiến trình tục hoá có thể bị một số người đưa tới trào lưu gọi là "duy thế tục" (sécularisme) mà Kitô giáo không thể chấp nhận vì trào lưu này coi các thực tại nhân bản hoàn toàn tuyệt đối độc lập khỏi Thiên Chúa và các luật luân lý tự nhiên, vốn là cốt lõi của luân lý Kitô giáo. Người ta tìm cách loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống và sống như thể Thiên Chúa không hề hiện hữu và liên đới trong mọi lãnh vực của đời sống con người (cá nhân cũng như xã hội) cũng như trong các luật lệ của quốc gia.
Trào lưu duy thế tục này đạt tới cao điểm trong đời sống xã hội dân sự và phong hoá. Người ta tục hoá việc thông truyền sự sống bằng cách ban hành những luật lệ cho phép phá thai, hoặc cho dùng những phôi thai người vào những mục đích chữa bệnh. Người ta tục hoá việc hôn nhân nhất phu nhất phụ và bất khả phân ly bằng cách cho phép ly dị và coi những hình thức nam nữ sống chung không kết hôn hoặc những cặp đồng phái tính cũng có giá trị ngang với hôn phối. Tính dục được tục hoá, được "giải phóng" khỏi mọi quy luật luân lý mà người ta cho là có tính chất đàn áp và sợ hãi tính dục. Sự chết cũng được tục hoá bằng cách loại trừ mọi sự trợ giúp người sắp chết, cho phép kết liễu sinh mạng người bệnh nan y theo yêu cầu của đương sự, hoặc trợ tử.
c. Sự tách biệt giữa điều “hợp luân lý” và điều “hợp pháp”
Chính vì sự tục hoá này mà con người đã tạo nên một sự rạn nứt và đổ vỡ hoàn toàn giữa điều “hợp luân lý” và điều “hợp pháp”: đây là một ý tưởng hoàn toàn mới trong lịch sử Âu Châu vì trong những thế kỷ trước đây, luật pháp dân sự vẫn phù hợp với luân lý Kitô giáo.
Chỉ vài thập niên trước, Mười Điều Răn vẫn còn là điểm tham chiếu của các chính phủ và các lề luật xã hội, mọi người hầu như đều nhìn nhận giá trị phổ quát của Mười Điều Răn: luân lý và pháp luật phù hợp nhau. Nhưng ngày nay các giá trị trên đã thay đổi. Sau tôn giáo, đến lượt luân lý không còn ảnh hưởng và chi phối trên xã hội, thay vào đó, người ta chỉ coi nó là một vấn đề lương tâm riêng của mỗi cá nhân mà thôi.[3]
Như vậy luân lý đã bị “tư hữu hoá”, mỗi người có thể tạo cho mình một nền luân lý riêng cũng như một tôn giáo riêng tuỳ ý thích của mình.
Ngoài ra, còn một khía cạnh khác của trào lưu tục hoá cũng nên lưu ý cách đặc biệt, đó là vấn đề thời gian. Trước đây, Chúa nhật và lễ trọng xen kẽ những ngày làm việc và nghỉ ngơi, đời sống xã hội quay quanh lịch phụng vụ. Ngày nay, Chúa nhật được thay thế bằng "week-end", bằng "cuối tuần", bắt đầu từ chiều thứ sáu và kết thúc vào chiều Chúa nhật hoặc sáng thứ hai vì thế một số đông dân chúng tham dự thánh lễ chiều thứ bảy. Việc mở các cửa tiệm vào Chúa nhật cũng làm cho cả ngày của Chúa mất đi tính chất thánh thiêng. Những ngày lễ lớn khác như Giáng Sinh, Phục Sinh, Đức Mẹ Lên trời, lễ các Thánh hoặc lễ Hiển Linh, tuy vẫn còn và có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống con người (cả với những người không tín ngưỡng), nhưng những ngày lễ ấy hầu như đã mất hết ý nghĩa thánh thiêng, và chỉ còn được coi là những dịp nghỉ ngơi, hoặc tổ chức buổi họp mặt gia đình hay là dịp để tiêu xài mà thôi.
Sự tục hoá trong lãnh vực văn hoá có tính cách cực đoan từ thế kỷ XVIII trở đi với chủ thuyết soi sáng: người ta tin tưởng nơi khả năng của lý trí có thể giải quyết mọi vấn đề của đời sống con người và bảo đảm cho nhân loại một sự tiến bộ ngày càng lớn mạnh mà không cần phải nhờ tới tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo. Kitô giáo bị chủ thuyết soi sáng lên án là vô lý, huyền thoại, mê tín, phản khoa học, đối đầu với sự tiến bộ và tai hại.
Sự tục hoá này là đặc tính của nhiều sản phẩm văn chương và nghệ thuật tại Châu Âu cũng như trong việc nghiên cứu khoa học đến độ người ta quả quyết có sự mâu thuẫn hoàn toàn giữa đức tin và lý trí. Đồng thời người ta cũng gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi phạm vi của các khoa học và coi Thiên Chúa là yếu tố gây xáo trộn cho sự nghiên cứu khoa học.
Với quan niệm tục hoá như thế, sự nghiên cứu khoa học chỉ có giá trị nếu nó ở trong phạm vi những gì có thể quan sát được bằng những dụng cụ và phương pháp khoa học, loại bỏ mọi nguyên tắc siêu hình học về nguyên nhân và mục đích. Trong bối cảnh đó, để giải thích nguồn gốc sự sống trên mặt đất này mà không phải nại tới Nguyên Nhân Siêu Việt, người ta chủ chương sự sống là do tình cờ ngẫu nhiên mà có, và do sự tất yếu... và như thế không phải giải thích gì cả.
Cũng trong quan niệm tục hoá, con người không được coi là một thụ tạo được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa vì thế nó cũng không phải là một thân xác có hồn thiêng, có lý tính, có lương tâm, tự do, trách nhiệm luân lý và có một vận mạng là đời sống với Thiên Chúa, Đấng là cùng đích tối hậu và là hạnh phúc tuyệt đối của con người. Trái lại, con người theo quan niệm tục hoá chỉ là một sản phẩm do sự tiến hoá mà thành, nhờ đó con người là một động vật cao cấp. Vì thế, không có lý do gì mà nói về “nhân phẩm”, phẩm giá con người, hoặc sự tôn trọng nhân phẩm và các quyền bất khả nhượng của con người.
Rồi đối với thiên nhiên, quan niệm tục hoá cho rằng thiên nhiên không do Thiên Chúa tạo thành và thiết định với những luật lệ riêng mà con người phải tôn trọng và thích ứng để thiên nhiên phục vụ và mưu ích cho con người về vật chất cũng như tinh thần. Theo quan niệm tục hoá, nguyên tắc duy nhất có giá trị trong việc đối xử với thiên nhiên: con người là chủ thể tuyệt đối của thiên nhiên, vì thế con người có thể làm tất cả những gì mà kỹ thuật có thể làm được mà không cần để ý tới nguyên tắc luân lý nào cả. Theo quan điểm như thế về thiên nhiên thì những gì khả năng con người có thể chế tạo đều là những kỳ công, bất chấp điều đó có chống lại con người hay không.
Như chúng ta biết, chính trào lưu tục hóa này là nguyên nhân góp phần đưa đến cuộc khủng hoảng tâm linh. Đây được coi như một căn bệnh của thời đại. Và chính căn bệnh này đã làm xáo trộn nội tâm và biến thái trong những hoạt động vô thức của con người, dẫn đến việc con người bắt đầu tìm đến niềm tin vào những yếu tố tâm linh một cách không lành mạnh. Đó là lý do xuất hiện rất nhiều giáo phái kỳ bí, thể hiện sự biến thái trong các hoạt động tinh thần của con người và cuối cùng tạo nên cuộc khủng hoảng nghiệm trọng về đời sống tâm linh của con người thời đại.

a. Cuộc khủng hoảng đạo đức và sự biến tướng trong đời sống tâm linh
Trong mấy thập niên trở lại đây, thế giới chúng ta đã chứng kiến những bước tiến bộ phi thường về khoa học kỹ thuật, từ đó đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội, một phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội theo hướng tích cực, nhưng một phần khác cũng tạo nên những khủng hoảng về môi trường sinh thái, đạo đức, đời sống tâm linh, hoài nghi các giá trị truyền thống được đúc kết hàng ngàn năm trước.
Thử nhìn lại những tiện nghi trong đời sống hàng ngày ứng dụng từ những phát triển của khoa học kỹ thuật mà mỗi chúng ta được thụ hưởng. Với các phương tiện như truyền hình vệ tinh, mạng lưới internet toàn cầu, điện thoại vệ tinh, đi lại dễ dàng bằng đường hàng không, v.v…, khái niệm khoảng cách địa lý như trước nay không còn là vấn đề khó khăn. Mở mạng, bật ti-vi…, chúng ta có thể thấy cảm nhận được một cách khá sinh động cuộc chiến ở Libya, hàng đêm chúng ta có thể hoà nhịp đam mê của hàng triệu trái tim yêu thích trái bóng tròn qua những trận đấu đầy kịch tính và luôn ẩn sự bất ngờ ở các giải bóng đá ngoại hạng Anh, Cup C1…
“Hễ khi con bướm vỗ cánh ở bên này đại dương thì bên kia đại dương dậy sóng”, điển tích văn chương – tư tưởng này không còn là khái niệm từ chương ngủ yên trong cổ thư, mà trở nên câu nói cửa miệng của nhiều người, với cảm xúc mỗi khi cảm nhận sự thay đổi của thế giới. Diễn biến mới ở Iraq không phải là vấn đề của Iraq nữa, mà có thể ảnh hưởng rất trực tiếp đến giá cả thị trường thế giới, có thể làm tăng giá gạo, giá các mặt hàng nhu yếu phẩm, vật dụng thường ngày của mỗi người, vì xăng dầu tăng giá. Thế giới dường như trở nên rất nhạy cảm với cách loan tin “thần thông biến hoá”, dường như tức thời. Vậy nên, điều tốt chắc chắn cũng có cơ hội lan truyền nhanh như điều xấu. Một sự thật, nếu không được cân nhắc sự lợi mình, lợi người và lợi cho sự phát triển của môi trường xã hội, nói cách khác, nếu không lương thiện, sẽ có những tác động tiêu cực, huỷ hoại các giá trị đời sống được quy ước từ hàng chục, thậm chí hàng trăm năm trước, tạo nên những khủng hoảng trầm trọng, những phá hoại để lại hậu quả khôn lường. Chẳng hạn như vụ việc Wiki Leaks ngấm ngầm thu thập và đã công bố một phần những thông tin bí mật ngoại giao ngầm của các cường quốc, phơi bày trước sự thật bất chấp lợi hại, gây nên sự mất ổn định xã hội, khủng hoảng xã hội trầm trọng.
Với tình hình trong nước, báo chí cũng như các nhà chức năng về giáo dục và văn hoá đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về sự xuống cấp của đời sống đạo đức, tâm linh, sự khủng hoảng lối sống dẫn đến những lệch lạc thái quá trong một bộ phận giới trẻ - thế hệ tương lai của đất nước.
Trước các hiện tượng tiêu cực của đời sống xã hội hiện nay, ở nước ta cũng như thế giới, các nhà xã hội học đã “chẩn bệnh”, rằng xã hội đang lâm vào những khủng hoảng trầm trọng, đang mang trên mình những căn bệnh trầm kha như hội chứng “sự tha hoá của cái tôi”, hội chứng vô cảm với khổ đau của tha nhân, lòng tham và dục vọng bị kích thích thái quá nên đưa đến nạn tham nhũng, bóc lột và lộng hành tồn tại một cách tinh vi…, những hiện tượng những tưởng sẽ không còn xuất hiện trong một xã hội thời hiện đại.

b. Thời đại khủng hoảng căn tính
Trước đây, mỗi người dân sống trong xã hội có thể tìm thấy ý nghĩa căn bản của cuộc đời mình trong một vai trò hay nghề nghiệp. Vai trò và nghề nghiệp ấy được xã hội công nhận và tôn trọng. Trong xã hội trước đây, ý nghĩa ấy tạo nên một giá trị căn bản về cái mình “là”. Khi đó, người ta cũng có một chút tự hào về bản thân và có một thứ lương tâm nghề nghiệp. Ý nghĩa ấy giúp người ta xác định bản thân, tìm được giá trị con người, ý nghĩa cuộc đời, và có thể tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.
Hiện nay nền kinh tế thị trường và văn hóa tiêu thụ lôi cuốn con người vào vòng xoáy của đồng tiền. Việc có tiền và có nhiều tiền là tiêu chuẩn duy nhất để con người có được những thứ khác. Muốn thăng tiến bản thân phải có tiền, muốn cho con cái học hành nên người, muốn chơi ngang hàng với bạn bè, muốn được người khác kính trọng…, tất cả đều nhờ có tiền. Khi ấy, con người không còn thấy mình “là”, và là gì đi nữa cũng chẳng quan trọng bao nhiêu. Con người chỉ thấy mình “có”, và càng có nhiều thứ là thành công trong vận mạng của mình. Tâm thức ấy ngầm phá hoại căn tính của đời người. Người ta không còn an vui được với bản thân mình, mà luôn lo lắng để có tiền và để được người khác chấp nhận. Khi ý nghĩa căn bản của đời sống con người bị phá hủy, tất cả những tô vẽ rườm rà, cồng kềnh bên ngoài, những danh hiệu, những chức vụ và cuộc sống lại dễ tạo nên những căn bệnh khủng hoảng tâm lý.
Nói chung khủng hoảng căn tính là tình trạng con người không tìm thấy ý nghĩa đích thực, giá trị tích cực và ý nghĩa làm nên nét đẹp của đời sống mình đang sống, trong khi mà, trên bình diện sự kiện, cuộc sống càng ngày càng có nhiều khó khăn, thì trên bình diện ý nghĩa, tâm hồn con người càng ngày càng trở nên rỗng tuếch. Đó là một sự khủng hoảng căn bản của mọi thứ trục trặc khác trong đời sống hiện nay[4].
Trong khi đa số dân chúng sống ở phương Tây không cảm thấy rõ ràng rằng mình như thể đang trải qua cuộc khủng hoảng của văn hoá phương Tây (có thể chẳng bao giờ họ biết được những căn nguyên của cuộc khủng hoảng trầm trọng ấy) thì ít ra, cũng có một thiểu số các nhà quan sát và phê bình trong đó có Erich Fromm đồng ý với nhau về thực tại và bản chất của nó.
Người ta mô tả cuộc khủng hoảng ấy là u sầu, chán nản, căn bệnh của thế kỷ, sa sút sinh lực, tự động hoá con người, lìa xa bản thân, lìa xa đồng loại và lìa xa thiên nhiên. Con người đã và đang đi theo chủ nghĩa duy lý tới điểm mà chủ nghĩa duy lý tự nó chuyển biến thành phi lý hoàn toàn. Kể từ Descartes[6], con người ngày càng tách tư tưởng khỏi cảm xúc; tư tưởng một mình nó được coi là hợp lý — cảm xúc, vì tự bản tính của nó, bị coi là phi lý. Con người, Cái Tôi, bị tách ra thành con người trí năng, cái lập thành bản ngã, và là cái sẽ kiểm soát tôi cũng như nó sẽ kiểm soát thiên nhiên.
Việc tri thức kiểm soát thiên nhiên và việc sản xuất ngày càng nhiều đồ vật đã trở thành mục tiêu tối thượng của cuộc sống. Trong quá trình đó, con người biến bản thân thành đồ vật, cuộc sống trở nên lệ thuộc vào tài sản, "hiện hữu" bị khống chế bởi "sở hữu". Tại những nơi mà gốc rễ của văn hoá phương tây, cả Hy Lạp lẫn La Mã, đều xem mục đích cuộc sống là làm cho con người hoàn hảo, thì người hiện đại quan tâm tới việc làm cho đồ vật hoàn hảo, và tới kiến thức về cách làm cho chúng hoàn hảo.
Trong tình trạng tán loạn tinh thần đó, con người phương Tây không có khả năng nếm trải cảm xúc, vì thế lo âu, phiền muộn và khắc khoải. Miệng vẫn đãi bôi nói tới cứu cánh hạnh phúc, chủ nghĩa cá nhân, sáng kiến, nhưng thật ra hắn sống không có cứu cánh. Cứ hỏi hắn sống để làm gì, mục đích mọi sự phấn đấu của hắn là gì thì hắn sẽ bối rối. Một số người có thể trả lời là họ sống cho gia đình, cho người khác, "sống cho vui", còn một số người khác thì nói sống để kiếm tiền, nhưng trong thực tế không người nào hiểu mình sống để làm gì; hắn sống chẳng có mục đích nào ngoại trừ ước muốn chạy trốn khỏi trạng thái bất an và cô độc.
Thật thế, các nơi thờ phượng tấp nập tín đồ hơn bao giờ hết, sách tôn giáo đang ngày càng là những sách bán chạy nhất, số người nói tới Thượng đế nhiều hơn lúc nào cả. Tuy vậy, loại bày tỏ lòng mộ đạo ấy chỉ là phương cách che đậy thái độ duy vật và phi tôn giáo, và nó được hiểu như một phản ứng mang tính ý tưởng - gây ra do bởi bất an và qui thuận - trước xu hướng của thế kỷ 19 mà Nietzsche[7] đã xác định đặc điểm bằng câu nói nổi tiếng: "Thượng đế đã chết." Câu nói đó như một thái độ tôn giáo chân chính chứ không như một thực tại.
Nhìn từ một góc độ nhất định, sự buông bỏ của các ý tưởng vô thần trong thế kỷ 19 không đạt được thành quả nhỏ nhoi nào. Con người lao mình vào khách quan tính. Quả đất không còn là trung tâm của vũ trụ, con người đánh mất vai trò tâm điểm của một sinh vật được Thượng đế an bài cho làm chủ mọi sinh vật khác.
Nghiên cứu những động lực ẩn mật của con người với khách quan tính mới mẻ ấy, Freud[8] nhận ra rằng đức tin vào một Thượng đế toàn năng và thông suốt mọi sự có gốc rễ nơi tình trạng bơ vơ của con người trong cuộc sống và nơi nỗ lực của con người nhằm đối phó với tình trạng không chốn nương tựa của mình bằng niềm tin vào một người cha và người mẹ phù hộ, được tượng trưng bằng một Thượng đế ngự chốn thiên đường. Freud thấy rằng chỉ có con người mới có thể cứu rỗi hắn; lời giảng của các đại sư, sự giúp đỡ đầy ưu ái của cha mẹ, bằng hữu và những người thân yêu có thể hữu ích cho hắn - nhưng chỉ giúp được nếu hắn dám chấp nhận thách đố của cuộc đời và ứng phó với thách đố đó bằng tất cả nội lực và toàn bộ tâm hồn mình.
Con người buông bỏ ảo giác Thượng đế như một người cha nhân từ, như một đấng phù trợ có tính cách phụ mẫu - nhưng cùng lúc ấy, con người cũng buông bỏ cứu cánh của mọi tôn giáo nhân văn: khắc phục những giới hạn của cái tôi vị kỷ, đạt tới tình yêu, khách quan, khiêm tốn và tôn trọng cuộc sống để cho mục đích cuộc sống là chính cuộc sống và con người trở thành cái mà nó có khả năng trở thành.
Những cái đó là cứu cánh của các tôn giáo lớn phương Tây và cũng là cứu cánh của các tôn giáo lớn phương Ðông. Tuy thế, phương Ðông không nặng gánh khái niệm người cha siêu việt và cứu độ mà trong đó các tôn giáo độc thần biểu lộ những khát vọng của chúng. Lão giáo và Phật giáo mang tính hợp lý và hiện thực cao hơn các tôn giáo phương tây. Hai tôn giáo đó có thể nhìn con người một cách thực tế và khách quan, rằng không có ai cả ngoại trừ những con người "tỉnh thức" tự hướng dẫn mình, và có thể hướng dẫn được mình vì mỗi người đều có bên trong hắn khả năng tỉnh thức và giác ngộ.
Ðó chính là lý do tại sao ngày nay tư tưởng tôn giáo phương Ðông, Lão giáo và Phật giáo - với sự hoà trộn của cả hai trong Thiền Phật giáo - chiếm vai trò quan trọng như thế tại phương Tây. Thiền Phật giáo giúp con người tìm thấy giải đáp cho vấn nạn về sự hiện hữu của hắn, một giải đáp giống một cách cốt tủy với giải đáp được đưa ra trong truyền thống Kitô-Do Thái giáo, và tuy thế, nó không đi ngược lại tính chất hợp lý, hiện thực và độc lập, những cái quí báu mà con người hiện đại đang thành tựu. Nghịch lý là, tư tưởng tôn giáo của phương Đông lại hóa ra thích hợp với tư tưởng luận lý của phương Tây hơn là tư tưởng tôn giáo của chính phương Tây.
1­) Giảm sức ép và sự căng thẳng

Thế giới ngày nay đầy những sức ép và căng thẳng về tâm trí. Con người luôn luôn tất bật mà cũng chẳng có đủ thời giờ để hoàn tất mọi việc mà họ đã hoạch định. Tốc độ và mức hoạt động cao của thế giới hiện đại đang làm tổn hại trí óc và hệ thần kinh nhạy cảm của chúng ta. 
Muốn chống trả hữu hiệu với sức ép và căng thẳng gây ra bởi cuộc sống trong môi trường ngày càng gay gắt này, con người cần phải đạt được sự hiểu biết sâu xa cũng như kiểm soát được trí não của mình. Trí não là trung tâm của mọi suy nghĩ và cảm giác của chúng ta, và nó cũng là một bộ phận của con người bị tác động nhiều nhất bởi những điều kiện của môi trường sống. Muốn giảm thiểu nhưng tác dụng phụ có hại của môi trường gây ra, chúng ta phải biết điều chỉnh cách thức chúng ta liên hệ với môi trường.

Tất cả các tôn giáo trên thế giới dường như tập trung vào ba điều:
- Khám phá chân lý
- Nhận thức được Đấng Tối Cao
- Đạt đến cuộc sống vĩnh cửu hoặc cõi vĩnh phúc.
Tất cả đều nói đến một hình thức hiện hữu cao hơn và họ đã gọi điều đó bằng những cái tên khác nhau, chẳng hạn như thượng giới, thiên đường, cứu rỗi, cõi phúc, Satori, niết bàn, giải thoát… Tôn giáo bắt nguồn từ khát vọng của con người là muốn vượt lên trên cuộc sống vật chất và tâm trí để bước vào thế giới mà chúng ta gọi là cõi tâm linh. Nỗi khát vọng tinh thần này dường như là một nhu cầu căn bản của con người. Như một nhà “duy linh” đã nói, “Con người luôn có một niềm khát vọng về cái vô hạn”. Ngày nay, vấn đề về cõi tâm linh đã gây ra nhiều bối rối và thất vọng. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, đã mất lòng tin vào những truyền thống tôn giáo chính thống và đã không làm cho họ đạt được các mục tiêu. Nhiều vấn nạn đã được đưa ra, không biết các tôn giáo có biểu hiện được những gì mà các người đề xướng đã nêu ra hay không. Có điều gì bị bỏ quên hay không? Có phải đức tin đã trở thành dị đoan hay không? Hoặc nhận thức đã trở thành giáo điều?
Những làn sóng thức tỉnh mới về tôn giáo và tâm linh đã sống dậy từ những đổ nát của nhận thức về các tôn giáo không phù hợp, nhấn mạnh đến chính yếu tính của nhiệm vụ của họ: kinh nghiệm và nhận thức về Chân lý. Trong số những phong trào tâm linh mới thức tỉnh này, khoa học cổ xưa của Yoga và Thiền, bắt nguồn từ phương Đông, ngày càng được phương Tây quan tâm. Một trong những lý do của tình hình này là phương pháp thực tiễn và khoa học của nó. 
Cùng với trào lưu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, giới trẻ ngày nay không sẵn sàng chấp nhận bất cứ lý thuyết hoặc giáo điều nào nếu nó không phù hợp với những khám phá khoa học và không dựa trên luận lý. Yoga nhấn mạnh khía cạnh thực tiễn của con đường tâm linh chúng ta. Nó không cần đến vẻ hào nhoáng bên ngoài, cũng không cần đến những bước lễ nghi hoặc chấp nhận kinh điển nào. Người ta có thể thuộc bất cứ đức tin nào (hoặc không có đức tin nào cả) mà vẫn tham gia vào Yoga và Thiền. Vì thế nên không có tranh chấp giữa Yoga và các tín điều tôn giáo. Thường xuyên luyện tập Thiền giúp cho con người được sáng suốt hơn trong tín điều của mình (hoặc không có tín điều nào) vì chân trời tâm trí dần dần mở rộng và con người sẽ dễ tiếp nhận trạng thái thăng hoa của nhận thức.
4. Người vô thần và “Giáo hội của một chân lý[10]
Trong Giáo hội của Một Chân lý, chỉ có sự duy nhất và chân lý phi thường. Tính phi thường này là cách giải thích cho mọi lúc, mọi nơi, mọi sự và mọi người. Sự thật duy nhất về Giáo hội của Một Chân lý là vũ trụ trong một tổng thể vật chất đơn giản. Mọi thứ đều là vật chất, tự nhiên, khả dĩ quan sát. Nói cách khác, mọi thứ chỉ là một trong hai vật. Mọi thứ hoặc là vật chất hoặc là năng lượng. Mọi thứ hoàn toàn hiển nhiên, hoặc không hề hiện hữu.
“Giáo hội của Một Chân lý” làm giảm mọi phương diện và nét đặc trưng, mọi chiều kích của vũ trụ và những gì nó chứa đựng đối với sự thật vật chất phi thường biểu hiện là vật chất hoặc năng lượng. Vì mọi thứ là vật chất hoặc năng lượng nên tất cả đều hiện hữu, mọi sự sống hình thành, mọi kinh nghiệm con người chỉ là sản phẩm của vật chất hoặc năng lượng, tác động của vật chất trong vũ trụ.
Đối với chúng ta là những con người, điều này nghĩa là mọi tư tưởng, mọi cảm xúc, mọi lý lẽ, ý nghĩa phổ biến và hợp lý không thực sự thực tế. Chúng chỉ là ảo giác. Nhưng những ảo giác mà chúng ta trải nghiệm như thực tế, những ảo giác mà chúng ta khám phá, quản lý và thay đổi môi trường của chúng ta không là một thực tế thực sự. Vì nếu tất cả những gì hiện hữu là vật chất hoặc năng lượng thì những kinh nghiệm này chúng ta phát hiện quá cố hữu đối với đời sống con người là ảo giác đơn giản và sâu sắc, các ảo giác đem lại nhờ hoạt động sinh hóa. Chúng là hoạt động trung tính đơn giản của thiên nhiên và không gì hơn.
Trong “Giáo hội của Một Chân lý”, kinh nghiệm con người trở nên một ảo giác. Đối với Giáo hội này, thực tế cuối cùng và thực sự của các phương diện trong kinh nghiệm con người chỉ là sản phẩm của hoạt động trung tính, các xung động điện tử duy nhất và hoàn toàn sinh hóa, sản phẩm của vật chất hoặc năng lượng.
Trong giáo điều duy nhất này, mọi sự đều mất. Mọi thứ trở thành ảo tưởng. Điều đúng và sai đều biến mất trước tính hợp lý khắc nghiệt của sự hóa sinh. Vẻ đẹp cũng theo qui luật đó. Ngay cả luận lý, lý lẽ và ý nghĩa chung cũng bị hủy diệt bởi sự xâm lấn bất khả cưỡng của sự thật mang tính chủ nghĩa vật chất của vật chất hoặc năng lượng. Tính cao quý và tính trụy lạc của kinh nghiệm con người - yêu thương, trắc ẩn, hy sinh, kể cả thù hận, cừu địch và ích kỷ, tất cả đều bị chế ngự bởi luật sinh hóa. Tín điều phi thường trong Giáo hội của Một Chân lý để cho nhân loại lang thang trong một vùng khô cằn trần tục mà không có lối đi hoặc phương tiện hợp lý hóa kinh nghiệm con người hoặc để tìm ra ý nghĩa thực tế và niềm hy vọng[11].
Cũng vậy, khi kết quả không thể tránh và khắc nghiệt của sự thật mang tính chủ nghĩa vật chất, Giáo hội của Một Chân lý cũng trở thành Giáo hội của những Ảo tưởng Vô tận. Vì nếu mọi thứ theo kinh nghiệm con người là kết quả của sự sinh hóa, mọi thứ trong vũ trụ và trong kinh nghiệm con người trở thành một ảo giác vì thực tế tối hậu chỉ là sinh hóa. Nếu mọi thứ hoàn toàn là vật chất (và năng lượng), mọi thứ phải là vật chất. Tất cả những gì thuộc về con người, hiển nhiên và không hiển nhiên, đều không là chính chúng, không là những gì có vẻ như thế, không là những gì chúng ta trải nghiệm. Chúng chỉ là sinh hóa.
Những thứ xảo quyệt, tính bất khả cưỡng của sự thật khắc nghiệt này đều có những phức tạp nghiêm trọng và thảm khốc đối với xã hội con người. Khi luân lý và lý lẽ chỉ là các vấn đề của hoạt động sinh hóa, luân lý và lý lẽ không thể cung cấp nền tảng thực tế đối với luật pháp và chính phủ. Khi nào luân lý và lý lẽ mất đối với sự tiến bộ của sự thật sinh hóa? Sức mạnh có thể miễn cưỡng bằng cách nào? Sự thận trọng của chính phủ dựa vào thế nào và được lý lẽ và luân lý nâng đỡ bằng cách nào? Chúng tất nhiên phải thoái hóa thành chính trị và tư lợi.
Nhưng ai là những người tin vào Một Chân lý? Các thành viên được thông báo trong Giáo hội của Một Chân lý chủ yếu là người vô thần và người theo thuyết bất khả tri. Người theo thuyết vô thần (atheist) không tin có Thiên Chúa và người theo thuyết bất khả tri (agnostic) không tin có cách hiểu biết nếu có một Thiên Chúa. Cả hai loại người này đều tranh luận từ quan điểm của chứng cớ vật chất và khắc nghiệt, và sẽ không chấp nhận bất kỳ chứng cớ nào khác ngoài các yếu tố của loại này.
Nhiều người theo thuyết vô thần và theo thuyết bất khả tri hành động như thể có sự thực tế nào đó đối với kinh nghiệm con người, nhưng khi bị áp lực bởi một trường hợp hoặc sự tranh luận nào đó, họ thường xác định sự vắng mặt của sự luân lý thật và ảo giác của kinh nghiệm con người. Về vấn đề luân lý và mục đích sống, họ viện dẫn sự hiểu biết riêng, ý thích riêng và thực tế của cuộc sống, trong khi lại từ chối sự hiện hữu và bản chất của trật tự luân lý khách thể và các quy luật thực tế cố hữu của nó.
Nhưng, hầu như không có nhiều người theo thuyết vô thần và theo thuyết bất khả tri bằng những người cố bám vào tư tưởng vô thần chỉ vì họ không khám phá ra những sai lầm trong chủ nghĩa duy vật hoặc vì họ không nhận ra những hạn chế nghiêm trọng của quan điểm duy vật của chủ nghĩa vô thần trong cuộc đời và cách sống. Những người này tin vào tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa duy vật, nhưng họ không nghĩ về những điều trong đó và họ thường sống mâu thuẫn với các niềm tin không phát triển của họ.
Họ cũng ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa của chúng ta, một loại văn hóa dựa trên niềm tin theo chủ nghĩa duy vật hoặc bị chúng ảnh hưởng. Nhiều người sống ngoài niềm tin Kitô giáo sống với một chân trong vũ trụ luân lý và một chân trong thế giới duy vật. Họ sống cuộc đời dao động giữa một quan điểm duy vật của bản chất con người với một quan điểm duy tâm hơn và luân lý hơn. Họ thường lẫn lộn vì sự xung khắc của các tư tưởng mà các quan điểm khác nhau của thế giới nối tiếp. Sự lẫn lộn này rõ ràng trong nhiều cách theo triết học và thực tế.
Họ bỏ lỡ tầm quan trọng của giả thuyết cơ bản và những sai lầm của quan điểm duy vật. Chẳng hạn, sự giới hạn của chủ nghĩa duy vật bắt đầu bằng sự hấp dẫn của chủ nghĩa duy vật đối với lý lẽ. Nên nhớ rằng lý lẽ chỉ là một sự kiện sinh hóa theo Giáo hội của Một Chân lý. Khi Giáo hội của Một Chân lý lôi cuốn theo lý lẽ, nó lôi cuốn theo một ảo giác. Đây là một động thái dựa trên ảo giác đối với người vô thần, vì người này biết lý lẽ chỉ là một chuỗi các sự kiện sinh hóa. Hoặc đó chỉ là một sự thu hút xảo quyệt được thiết kế để thuyết phục người khác.
Khi lý lẽ là sinh hóa thực sự, người vô thần dùng lý lẽ để làm cho trường hợp của mình thành vết nhơ trắng trợn và tai hại khi tranh luận. Đó là cách tranh luận vô hiệu quả vì nó dựa vào thực tế và cách lý luận không hiện hữu trong quan điểm duy vật của chủ nghĩa vô thần về vũ trụ.
Ở mức độ thực tế nào đó, theo Giáo hội của Một Chân lý, trí óc và cảm xúc của chúng ta đều không thật. Chẳng hạn, tình yêu không hiện hữu trong vũ trụ vật chất. Bốn cảm giác của tình yêu thúc giục cử chỉ yêu thương của chúng ta cũng không hề thực tế. Chúng chỉ là những sự kiện sinh hóa. Vì thế, lần sau bạn ôm vợ/chồng, con cái hoặc bạn bè, hãy nhớ thực tế về hành động và cảm giác đó chỉ là sự sinh hóa. Bạn chỉ là một miếng vật chất và năng lượng. Những người được bạn yêu thương cũng vậy, các hình dạng tạm thời của vật chất trong vũ trụ.
Cuối cùng, Giáo hội của Một Chân lý là Giáo hội của những Ảo tưởng Vô tận. Điều này không thể lờ đi, được dựa trên cách mà chủ nghĩa vô thần tự xác định và nhìn vào thực tế. Trong Giáo hội của Một Chân lý, không có luân lý thật, chỉ có các quy luật văn hóa và tính thiết thực xã hội. Không có điều răn, không có quy luật cho cuộc sống cách sống, không có khách thể và các quy tắc luân lý siêu việt làm họ lưỡng lự hoặc phản ánh.
Là người Công giáo, công việc của chúng ta là thu hút kinh nghiệm riêng mỗi cá nhân của những người theo chủ nghĩa vô thần, kinh nghiệm mà họ không chấp nhận. Và, để cho họ biết sai lầm của họ và thuyết phục họ cân nhắc sự thật của đức tin Công giáo, một niềm tin của nhiều chân lý đối với cuộc sống và cách sống, một niềm tin hợp lý hóa kinh nghiệm con người theo đúng ý nghĩa viên mãn nhất, một niềm tin soi sáng trí tuệ và tâm hồn con người, một niềm tin đem niềm hy vọng và tình yêu thương vào mỗi con tim và xã hội loài người[12].

a. “Mối quan tâm tối hậu” của con người trong mọi thời đại
Khi nhìn lại văn học nghệ thuật – lĩnh vực nhạy cảm nhất, mang tính dự báo của xã hội con người – thì tại Âu Mỹ trong thế kỷ XX, chúng ta thấy hình ảnh của con người hiện đại là những con người cô đơn và buồn rầu. Những nhân vật trong tiểu thuyết của Franz Kafka (Hóa thân, Tòa lâu đài, Vụ án…); sau Đại chiến thứ 2 với Albert Camus (Kẻ xa lạ, Dịch hạch, Huyền thoại Sysiphe); André Malraux (Thân phận con người), cũng đã tiên đoán vào giữa thế kỷ XX rằng thế kỷ XXI là thế kỷ tâm linh; Hemingway (Giã từ vũ khí, Chuông nguyện hồn ai, Mặt trời vẫn mọc, Ông già và biển cả…)…;  những vở kịch của Beckert, Ionesco…, tất cả đều nói đến thân phận con người: cô đơn, buồn rầu và lạc lõng. Phong trào tiểu thuyết mới của Pháp cũng nói đến một thế giới không có con người. Ngay cả nền văn học châu Mỹ La-tinh, với các tác giả như J.L. Borges (cũng đưa ra lập luận “tính hư ảo là điều kiện của nghệ thuật”); Marquez (Trăm năm cô đơn)… đưa yếu tố mộng và thần thoại vào tiểu thuyết, nhưng hình như cũng không kéo được con người ra khỏi sự cô đơn buồn bã của chính nó.
Về hội họa, sau những hứng khởi của một số thiên tài như Matisse, Picasso, Paul Klee…, những người đã đưa hội họa đến chủ nghĩa trừu tượng, thì từ sau nửa thế kỷ XX hội họa không còn đà tiến và phát triển thành nhiều trường phái nên đã bước vào ngõ cụt như khuynh hướng ngẫu nhiên, pop art, op art… Thí dụ như chủ nghĩa siêu thực (surréalisme): một khi vượt khỏi (sur) cái thực (réalité) mà không bắt gặp được cái tâm linh thì người ta sẽ trở thành hoang tưởng và mê loạn. Khi không đi vào được chiều sâu của con người, người ta phát triển theo chiều ngang, tạo thêm những môn nghệ thuật mới, như xếp đặt (installation), trình diễn (performance)… nhưng cũng chẳng đi xa hơn được.
Mỹ tự hào là Tân lục địa so với châu Âu là cựu lục địa, nên đã lao vào kỹ thuật và kinh tế, vào tham vọng làm cường quốc duy nhất của hành tinh, trong khi đó, con người cá nhân vẫn không thoát khỏi khủng hoảng. Người ta làm ra những phim đầy bạo lực, đầy dục tính, và tạo ra những nỗi sợ giả tạo: sợ khủng long, sợ những sinh vật ngoài hành tinh và đủ thứ kỳ dị khác để khỏa lấp sự cô đơn và khắc khoải.
Năm 1935, ba năm trước khi chết, Husserl (ông tổ của Hiện tượng luận) đã có những cuộc nói chuyện – trong di chúc triết học của ông – về sự khủng hoảng của con người châu Âu. Cuộc khủng hoảng đó sâu sắc đến độ ông tự hỏi liệu châu Âu có còn sống sót sau ông hay không. Trong cuốn Văn minh và những sự không hài lòng của nó (1930), một trong những tác phẩm sau cùng của Freud (ông tổ Tâm phân học), ông nói rằng văn minh chẳng phải đang thế chỗ cho sự dã man bằng cách tiêu diệt nó, mà khi dồn nén cái dã man vào bên trong thì chính là đang chuẩn bị cho tính dã man thực hiện những đợt phun trào mới.
Thật vậy, Con người đang cô đơn, khủng hoảng, và đang cố giấu tính dã man của mình đi, để rồi nó sẽ bùng phát trong những cuộc chiến tranh… đó là những gì mà triết học, văn học và nghệ thuật hiện đại cho chúng ta hiểu. Chẳng phải là ngẫu nhiên khi sau năm 2000, Nhà xuất bản Khoa học xã hội cho ra đời hai cuốn sách, phản ánh phần nào mối ưu tư của văn hóa thế giới: Trái đất, Tổ Quốc Chung; Tuyên Ngôn Cho Thiên Niên Kỷ Mới của E. Morin, Giám đốc nghiên cứu danh dự thuộc trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học (CNRS) của Pháp viết năm 1993, mà chỉ hai chương cuối Phúc âm về thảm họa tận thế và chương kết Trái đất, Tổ Quốc Chung đã nói lên phần nào nội dung cuốn sách. Cuốn thứ hai là “Trở Lại Với Con Người” do Viện Nghiên cứu con người xuất bản. Cuốn sách tập hợp những bài phát biểu của các học giả Nga, Mỹ, Trung Quốc về nghiên cứu nhân học với những bài như: Tương lai nào cho con người (2000) của S. J. Gould; Con người thế kỷ XXI: bản tính đang mất dần (2001) của Aleksandrovich; Trở lại với con người (Frolov I.T).
Cái cô đơn, buồn bã, trống rỗng bản thân, hiện tượng “con người hiện nay sống ở bên ngoài thân mình về mặt tâm lý và tâm linh” trong cuộc sống con người hiện đại là do nó không thoát khỏi chủ nghĩa cá nhân của nó. Ngay cả sự “phản tỉnh” của con người trong triết học hiện sinh vào giữa thế kỷ XX cũng chỉ là một tự sự soi mình trong gương (như Narcisse, nhân vật của thần thoại Hy Lạp tự yêu mình nên cứ soi gương để ngắm mình mãi) để thấy được tính hữu hạn của đời người nhưng không thoát ra được cái cá nhân hữu hạn đó, nên sự soi ngắm mình chỉ đưa lại những “buồn nôn”, “thừa thãi” (J. P. Sartre) và “phi lý”, “xa lạ”, “lưu đày” (Camus). Sự khủng hoảng của văn học nghệ thuật nói riêng và của con người hiện đại nói chung có nguyên nhân chính là con người không thể thoát khỏi cái tôi hữu hạn và bất toàn của mình, và càng yêu cái tôi, càng quy về cái tôi (self-centered, quy ngã) bao nhiêu thì sự buồn chán và bế tắc càng thêm lớn. Cá nhân chủ nghĩa đưa đến hư vô chủ nghĩa.
Trong khi đó, chủ đề lớn của văn hóa và văn minh phương Đông là thoát ra khỏi cái tôi, từ Ấn Độ tới Trung Hoa, dù sự giải quyết có khác nhau ở mức độ sâu cạn, theo những phương pháp khác nhau phù hợp với từng giống người. Nói đường hướng của văn hóa văn minh phương Đông là giải thoát khỏi cái tôi, giải thoát khỏi cá nhân chủ nghĩa, xem cái tôi là trung tâm vũ trụ thì không có nghĩa là phương Tây không có những con đường nhằm thoát khỏi cái tôi. Phương Tây vẫn có những bậc Thánh, những con người vượt khỏi sự trói buộc trong một cái tôi hạn hẹp và có phần giả tạo. Nhưng khuynh hướng chính và lớn của phương Tây là xác định cái tôi, và tìm chỗ đứng cho cái tôi đó ở trong thế giới. Chính vì thế mà phương Tây giỏi về đời sống, xã giao, thương mại, xã hội cho đến khoa học kỹ thuật. Cái sai lầm không phải là không nên giỏi những lĩnh vực này; cái sai lầm là những lĩnh vực đó đã được sử dụng để củng cố và bành trướng cho cá nhân chủ nghĩa. Cái “tôi” càng lớn thì càng nhiều độc quyền, và nhiều cái tôi càng lớn thì càng có nhiều chiến tranh.
Nhưng thoát khỏi cái tôi – mà theo những triết gia Tây phương thế kỷ XX là hữu hạn, bị ném ra giữa đời sống, luôn luôn mang nỗi bấp bênh và lo âu xao xuyến – để làm gì? Với cả những truyền thống Đông cũng như Tây, thoát ra khỏi cái tôi để sống một đời sống toàn vẹn hơn, hoan hỷ hơn, CON NGƯỜI hơn. Đó là một đời sống mà chúng ta tạm gọi là đời sống tâm linh. Đời sống ấy đã có nhiều người trong nhân loại đã từng sống trọn vẹn như những bậc thánh lớn hay một vài phần trong các nhà thơ, các triết gia, các nhà khoa học, các nghệ sĩ…
Chúng ta thấy tâm linh ở trên văn hóa và sinh ra văn hóa. Lịch sử văn hóa Tây phương đã chứng minh điều đó: văn hóa và văn minh Tây phương khởi nguồn từ những hiền triết Hy Lạp và những ngôn sứ Cựu Ước. Những nhà khoa học, thạc sĩ, nhà văn…(hoặc bất cứ người nào, chính trị gia, kinh tế gia, thương gia, nông dân, v.v…) vĩ đại, đều có những trực giác ló lên từ khoảng giao thoa giữa hai vùng biên cương của ý thức và siêu thức hay tâm linh. Và cũng chỉ có những tôn giáo lớn, đã tồn tại gần ba thiên niên kỷ như Phật giáo với rất nhiều kinh nghiệm mới phân biệt được cái gì là phần cạn của tâm linh, cái gì là thuần túy tâm linh, cái gì chỉ là sự tưởng tượng mơ hồ của ý thức, cái gì là mê tín…
Con người trong bất cứ thời đại nào đều có “mối quan tâm tối hậu” là đạt đến tâm linh, những chiều cao trong tâm thức của nó. Trong huyền thoại nổi tiếng của Platon về cái hang, ông đã nói con người chúng ta là những người sống trong hang, thấy những cái bóng của mình chiếu trên vách mà cho là thực tại, nó phải ra khỏi hang để biết được nguồn sáng đã chiếu qua cửa hang, để biết đời sống thực sự là gì. Cũng trong một huyền thoại khác của Platon, con người luôn luôn đi tìm một nửa của chính mình (ở đây nói đến một sự thiếu thốn tối hậu, một tình yêu tuyệt đối, chứ không phải là đi tìm một nửa của mình là người nam hay nữ như sau này người ta vẫn hiểu), một nửa kia của con người chính là tâm linh hay siêu thức. Và dĩ nhiên, chúng ta phải hiểu thêm, có đạt được nửa kia thì con người mới toàn vẹn, “hợp nhất với chính mình”, mới yên ổn, mới có được sự hài lòng tối hậu. Con người từ ngàn xưa cho đến hiện đại vẫn luôn luôn thiếu cội nguồn tâm linh đó. Có điều ở thời hiện đại, sự thiếu vắng này trở nên khốc liệt, lớn lao hơn bao giờ hết, vì thế giới ngày nay là một thế giới đổi thay nhanh chóng và bất an thường trực. Sự thiếu vắng tâm linh càng làm cho con người bất hạnh và lạc lõng hơn khi đứng trong một thế giới quá nhiều đồ vật, quá nhiều danh vọng, quá nhiều mối ràng buộc. Bởi thế không lạ gì khi Phật giáo được truyền vào những nước Âu Mỹ từ những nước nghèo, nhược tiểu như Tây Tạng, Việt Nam, Myanmar, Thái Lan… lại được người phương Tây hâm mộ như vậy, từ những người có địa vị cao nhất của xã hội Tây phương đến những người thất nghiệp, “ngoài lề”. Bởi vì ít nhất họ thoát được phần nào cái đời sống cá nhân chủ nghĩa và quy ngã khi được sống trong một tập thể, một cộng đồng (trong các trung tâm, các tu viện…) đối xử với nhau bằng tình thương và hướng đến một đời sống vô ngã. Cuối thế kỷ XX, sự đóng góp của phương Đông cho nhân loại không phải là khoa học kỹ thuật, không phải là những thể chế chính trị-kinh tế, không phải là dân chủ và tự do (cái dân chủ và tự do quá đà theo cá nhân chủ nghĩa), mà chỉ duy nhất một điều: đời sống tâm linh.

b. Trống vắng


Một du khách từ thánh địa trở về kể lại rằng: Ngày nọ lúc ông đang ngồi trên một bờ giếng, thì một phụ nữ Ả Rập, vai mang một cái thùng, tay cầm một cuộn dây quấn lại tròn như một quả cầu, với một chiếc gàu nhỏ bằng da. Đến nơi, chị cột dây vào gàu và thả xuống giếng, rồi kéo lên và đổ nước vào thùng. Khi đã đầy thùng, chị liền rời khỏi giếng và trở về nhà. Lúc sau, một người đàn ông xuất hiện. Anh chẳng có gì để múc. Và thế là vì quá khát, anh bèn bò xuống đất, liếm những giọt nước, mà người phụ nữ đã đổ trào ra. Câu chuyện đơn giản trên sẽ giúp chúng ta hiểu điều mà người phụ nữ Samaria đề cập đã được đề cập đến trong Tin Mừng.
Chị ta nói với Đức Giêsu: “Thưa ông, ông không có gàu để múc, mà giếng thì lại sâu, thế thì ông kiếm đâu ra nước hằng sống.”
Và Đức Giêsu đã cắt nghĩa cho chị ta hiểu rằng Ngài không định nói đến thứ nước vật chất, làm dịu đi cơn khát thông thường, mà là thứ nước thiêng liêng, làm dịu đi cơn khát tâm linh. Ngài nói: “Ai uống nước này vẫn còn khát, nhưng ai uống nước Ta ban sẽ chẳng khát bao giờ nữa.”
Như thế Chúa muốn nói: Về mặt thể xác, tất cả chúng ta đều bị khát thế nào, thì về mặt tâm linh, tất cả chúng ta cũng bị khát như vậy.
Tuy nhiên, sự khát tâm linh này là gì? Đâu là sự trống rỗng bên trong mà chúng ta đã từng cảm nghiệm… Các tác giả Cựu Ước đã nói về điều này như là một cơn “khát Chúa”. Chẳng hạn thánh vịnh 42 thì nói:
Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,
hồn con cũng mong được gần Ngài, lạy Chúa.
Ngôn sứ Isaia thuật lại lời Chúa: “Tất cả mọi kẻ khát hãy đến cùng ta.”
Còn ngôn sứ Giêrêmia thì sánh ví Chúa như giòng suối trong. Cơn khát mà tất cả chúng ta đều cảm thấy là cơn khát Chúa. Đây là một cơn khát nội tâm mà mọi người đều có thể cảm nghiệm được như lời thánh Augustinô: “Tâm hồn chúng con được tạo nên cho Chúa và nó sẽ còn khắc khoải cho đến khi nào được nghỉ yên trong Chúa[13]”.
Thế nhưng, nhiều người thời nay đang cố gắng tìm cách thỏa mãn cơn khát tâm linh này bằng những thứ khác không phải là Chúa. Chẳng hạn như tiền bạc, danh vọng, lạc thú. Họ hành động như cho đứa bé đang khóc một cục kẹo để nó nín. Tuy nhiên kinh nghiệm cho hay dùng vật chất để làm thỏa mãn cơn khát thiêng liêng chẳng khác nào dùng muối để giải tỏa cơn khát thể xác. Càng uống lại càng khát thêm. Nơi trái tim mỗi người đều ẩn dấu một cơn khát mà không giòng nước nào có thể thỏa mãn nổi, một nỗi khắc khoải mà không sự thành công nào có thể giập tắt được, một sự trống rỗng mà không của cải vật chất nào có thể lấp đầy được. Điều đó dẫn chúng ta tới kết luận của đoạn Tin Mừng về người phụ nữ bên bờ giếng Gia-cóp[14]. Chỉ có Chúa mới thỏa mãn được cơn khát trong tâm hồn chúng ta. Và chỉ một mình Ngài mới lấp đầy khoảng trống trong cuộc đời chúng ta, bởi vì như lời Ngài đã xác quyết: “Ai uống nước Ta ban thì sẽ chẳng khát bao giờ”.
Như thế, cứ theo lẽ thường, để trưởng thành, người ta cần chấp nhận thực tế để sống "khôn ngoan" để tính toán cuộc đời, để biết dè dặt trong những mối tương quan tình nghĩa, để biết "liệu cơm gắp mắm" trong cách đối xử ở đời… Thế nhưng, trong thực tế, ta lại luôn thấy những mảnh đời đẹp của một lý tưởng dâng hiến trọn vẹn, của một sự phục vụ không tính toán, của một thứ tình yêu vượt qua mọi giới hạn… Đó chính là sự so le của thực tế đời thường và khát vọng tuyệt đối trong đời sống con người. Khát vọng tuyệt đối được biểu lộ trong các tôn giáo, và các tôn giáo đáp ứng khát vọng ấy khi khai mở chiều kích tâm linh của con người. Không có chiều kích tâm linh, người ta không thể tha thứ mãi, không thể bác ái trọn vẹn, không thể yêu thương vô điều kiện, không thể phục vụ vô vị lợi, không thể tìm thấy một tiêu chuẩn vững bền cho mệnh lệnh luân lý, không thể sống trọn niềm tin vào con người…
Thực tế so le đó cho thấy chiều kích tâm linh là điều không thể thiếu đối với đời sống của mỗi cá nhân con người cũng như đối với toàn thể một xã hội. Con người vừa là "nhân sinh sơ tính bản thiện", nhưng lại cũng vừa là "nhân chi sơ tính bản ác"; con người tự nhiên vừa khát khao sự thiện, nhưng lại luôn bị cám dỗ làm điều ác. Hơn nữa, ranh giới của cám dỗ làm sự ác là vô bờ bến và niềm khát khao sự thiện cũng vô bờ bến. Nếu lòng khao khát sự thiện bị biến thành một hệ thống luân lý hợp lý, chiều kích tâm linh sẽ bị tiêu diệt, cuộc sống xã hội sẽ trở nên mất quân bình vì sự hoành hành của sự ác. Một xã hội vô thần sẽ không thể có đủ lực trong cuộc chiến đấu chống sự ác.
Chúng ta cũng có thể tìm thấy một nguyên tắc trong đời sống con người: muốn vượt lên khỏi cái xấu thì không thể chỉ dừng lại ở cái không xấu không tốt. Lựa chọn như thế sẽ làm cho con người “rớt lại” trong thế giới của cái xấu; vì bản thân của con người đã mang sẵn mầm mống của tội. Muốn diệt cỏ dại trên một mảnh đất, thì không thể dừng lại ở việc làm cỏ, nhưng phải trồng hoa trên mảnh đất ấy.
1) “Cái ác” trở thành ”tội lỗi”

Kinh Thánh thì cho thấy cái ác nằm trong bản chất của con người, cái ác là tội nguyên tổ đè nặng trên dòng dõi Adam. Kinh Thánh cho thấy tội lỗi chính là một đường nét quan trọng trong trình tự ơn cứu độ Kitô giáo. Trong hoàn cảnh thực tế của con người có tội, thì chính tội lỗi lại có thể là khung cửa để con người nhận ra mối tương quan với Thiên Chúa. Theo nhãn quan Kinh Thánh, cái ác không phải chỉ là một sự bất toàn mà mình “có gan ăn cắp” thì “có gan chịu đòn”, nhưng cái ác đặt con người đối diện với Chúa và với tha nhân. Như thế, cái ác trở thành tội lỗi, vì tội lỗi không phải chỉ là chuyện giữa ta với sự vật, những là chuyện giữa ta với ai khác. Cái ác không còn chỉ là vô minh, không còn chỉ là ngu dốt, không còn chỉ là lầm lẫn, nhưng là một thái độ bất trung. Chính vì thế, tội lỗi hé lộ cho con người nẻo đường đi vào ơn cứu độ, nghĩa là mời gọi con người tìm lại tương quan với Chúa.

Chính từ nẻo đường của mối tương quan ngôi vị do tội lỗi đặt ra mà người Kitô hữu được mời gọi để đi vào ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô. Chính người tội lỗi lại là những người có nhiều cơ may nhất để nhận ra trách nhiệm của mình với Chúa và nhận ra mình cần tới Chúa. Nhận ra mức độ trầm trọng của tội lỗi để có thể nhận ra lòng khao khát ơn cứu độ; nhận ra sự bất trung để nhận ra nẻo đường của ơn cứu độ bằng tình yêu thương. Đó là một trong muôn vàn nét “đảo ngược” kỳ lạ của Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói với họ : "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."[15] “Vậy, tôi nói cho các ông hay : trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”[16]
3) Cứu độ và nên thánh
Các môn đệ của Đức Giêsu không phải là những con người ưu tuyển, cả về phương diện trí thức cũng như về phương diện đời sống luân lý; các thính giả của Chúa Giêsu cũng không phải là những người có văn hóa cao hoặc là những người lành thánh nào cả. Ngược lại, những người chung quanh Chúa, hầu hết là những con người bình thường, hoặc có thể nói là tầm thường, hoặc rất tầm thường nữa. Dĩ nhiên, với những người như thế, Đức Giêsu thường dùng những dụ ngôn, với những hình ảnh và những chuyện đời thường để tỏ bày những chân lý cao siêu; và dĩ nhiên Đức Giêsu cũng không thể một lúc trình bày được hết những mầu nhiệm thâm sâu của Thiên Chúa. Thế nhưng, về phương diện đạo đức, Chúa lại không ngần ngại đặt ra những lý tưởng cao vời của đời sống luân lý. Chúa không giảm nhẹ chút nào đòi hỏi của lý tưởng Tin Mừng. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó trong toàn bộ giáo huấn luân lý của Đức Giêsu, đặc biệt trong bài giảng trên núi :“Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”[17]
Nẻo đường mà Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ bước vào là một nẻo đường mà ngay cả những bậc thánh hiền cao cả nhất của nhân loại cũng không dám nghĩ đến : “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó.”[18] Điều mình không muốn người khác làm cho mình, như đức Khổng Tử dạy, thì chỉ giới hạn trong một số điều thôi; nhưng điều mình muốn người khác làm cho mình thì lại vô cùng, không có giới hạn, đó mới chính là điều Đức Giêsu dạy.
Chúng ta có thể thấy rõ, nẻo đường đi vào ơn cứu độ của Đức Giêsu không phải là bình bình, vừa vừa phai phải, nhưng là một bước nhảy trọn vẹn và quyết liệt vào con đường nên thánh, vào con đường hun hút đến trời mà tự thân nhân loại không dám bước vào. Con đường ấy dĩ nhiên chỉ khả thi trong ơn cứu độ của Đức Giêsu, chỉ khả thi khi người Kitô hữu nhảy vào thế giới của Nước Trời và đón nhận được sự sống mới trong ân sủng của Chúa Thánh Thần.
Quả thật trình tự của ơn cứu độ Kitô giáo chỉ có thể hình thành được từ con đường của tình yêu; từ sự nhận ra những giới hạn của cuộc sống, nhận ra cái ác như là một sự từ chối tình yêu; đồng thời khai mở hành trình của tình yêu như nẻo đường khả dĩ để vươn lên đến tuyệt đối. Thiếu vắng tình yêu, đời sống con người chỉ còn là những tính toán hợp lý; thiếu vắng tình yêu Thiên Chúa, con đường tâm linh của con người vẫn chỉ là những nỗ lực giới hạn của sức người và con đường ấy đương nhiên loại trừ những người bé mọn.
Tình yêu Thiên Chúa chính là chân trời mở rộng cho đời sống tâm linh của con người, đồng thời cũng chính là động lực căn bản cho hành trình tâm linh của nhân loại.  
d. Cuộc sống tròn đầy
1) Vận mạng của con người
Trong đời sống tự nhiên, người ta sẽ chẳng muốn ăn uống gì khi không cảm thấy đói, thấy khát; cũng vậy, trong đời sống siêu nhiên, nếu một khi họ không cảm thấy mình đói khát Thiên Chúa, thì Thiên Chúa chẳng có ý nghĩa gì với họ. Như cánh đồng khô cháy nứt nẻ, trận mưa rào có ý nghĩa làm sao; thì cũng thế, chỉ có thái độ khao khát thực sự, con người mới thực sự mở rộng tâm hồn đón nhận chân lý, đón nhận chính Chúa.
Sự khao khát chân lý coi như một lực đẩy khiến con người trăn trở, khắc khoải tìm kiếm, không an phận với tình trạng của mình. Và rất nhiều khi người ta rơi vào tình trạng khủng hoảng bế tắc… Nhưng đó là dấu hiệu đáng mừng. Một khi ý thức được tình trạng bế tắc của mình, người ta chỉ con biết trông chờ Thiên Chúa như một Đấng giải thoát, chính khi ấy Thiên Chúa sẽ ra tay và cơ may của một cuộc sống tròn đầy mới tỏ hiện.
Thật vậy, con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, đó là con người được mời gọi thể hiện vận mạng của mình trong sự gặp gỡ, yêu thương giữa con người với nhau và với chính Chúa. Công đồng Vatican II đã khẳng định điều đó như sau:
Vậy con người là gì? Con người đã và còn đang đưa ra nhiều quan niệm về chính mình, nhưng quan niệm khác nhau và đôi khi trái ngược nhau. Theo những quan niệm đó, thường con người tán dương mình như một mẫu mực tuyệt đối hay lại chê bai đến độ tuyệt vọng, từ đó con người hoài nghi và lo lắng. Thông cảm sâu xa được những khó khăn này, Giáo hộivì được Thiên Chúa là Đấng mạc khải dạy dỗ, có thể đem lại câu giải đáp cho những khó khăn ấy, nhờ đó diễn tả được thân phận đích thực của con người, giải bày những yếu hèn, đồng thời có thể nhìn nhận xác đáng phẩm giá và thiên chức của con người.[19]
Như thế, phẩm chất người, một cách chính yếu, không tùy thuộc vào khả năng của lý trí để khác, “Thiên Chúa là Tình yêu”[20] nên con người được sáng tạo nên giống Chúa cũng không thể khác hơn là tình yêu. Do đó tất cả điều răn của Chúa chỉ tóm lại trong điều răn “mến Chúa yêu người”[21] và như thánh Phaolô nói “Yêu thương là chu toàn lề luật vậy”[22], thánh Gioan nói: “Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng”[23] và ngược lại “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa”[24]. Tất cả những lời đó cũng là lời khẳng định của Thánh Kinh về bình diện phẩm giá của con người, và từ đó ta có thể xác định được khía cạnh tương quan ngôi vị như một nét căn bản.
2) Hành trình gặp gỡ
Mối tương quan ngôi vị bao hàm ý nghĩa là: sống là sống như một chủ thể đối diện với một chủ thế khác, và khi con người được thiết lập nên được mối tương quan chân chính với ngôi vị khác, mối tương quan yêu thương chân chính, nghĩa là, người này với người kia, phải biết khẩn cầu nhau như một chủ thể độc đáo không thể thay thế, thì khi ấy, vận mạng con người mới được hoàn thành. Triết gia Gabriel Marcel (1889 - 1973) cho ta một vài tiêu chuẩn như sau:
Chỉ có sự gặp gỡ của hai chủ thể chứ không có sự gặp gỡ giữa chủ thể và đối tượng. Như thế ta chỉ đạt đến tha nhân nhờ sống với chứ không phải bằng những tư tưởng hiểu biết. Sự gặp gỡ chân thực khi ta coi tha nhân như một “anh/chị” (ngôi thứ hai) chứ không phải một “hắn” (ngôi thứ ba), Hơn nữa với một chủ thể ta phải biết chờ đợi và hy vọng chứ không phải thái độ xăm soi khám phá.

Như thế, sự gặp gỡ chân chính bao giờ cũng phải là một sự dấn thân, tức là đưa chính bản thân mình vào mối tương quan như một cuộc phiêu lưu. Một cuộc dấn thân như thế chỉ có thể là dấn thân cho tha nhân mà thôi, không bao giờ là sự dấn thân cho sự vật. Một sự dấn thân chỉ vì lý tưởng của chính bản thân mình mà thôi cũng vẫn không thể đạt đến sự gặp gỡ đích thực.
Cuối cùng, thái độ dấn thân ấy đưa đến thái độ truy nhận tầm quan trọng của tha nhân đối với bản thân mình. Thái độ ấy bao hàm một sự khẩn cầu mới mở đường cho tình yêu đích thực; bởi vì tình yêu bao giờ cũng là một sự bổ túc nhân vị cho nhau chứ không phải chiếm hữu, thống trị hay chỉ là một sự phát triển bản thân mà thôi. Khi đó, ta tìm thấy cái “chúng ta” như chân trời rộng mở cho hữu thể của mình[25].
Không có cách nào khác, hành trình của đời người phải là hành trình dấn thân, nghĩa là đi vào cuộc phiêu lưu với những chủ thể khác. Chính trong hành trình ấy, cùng với niềm trân trọng, với thái độ cầu khẩn tha nhân, con người tìm thấy cuộc sống tròn đầy nơi chính bản thân mình.

Thiên Chúa là Người Cha nhân từ đã thực hiện nhiệm vụ cứu độ của mình với tư cách là một người cha. Người đã ban chính Con Một của mình là Đức Giêsu Kitô; Người mặc khải mình qua giao ước dính dáng tới bản thân, và qua lời Thần Khí; Người ban ân sủng cũng không gì khác hơn là chính Đức Giêsu và Thần khí của Người; Người mời gọi con người như con cái bước vào trong đời sống Cánh Chung là chính Gia Đình Ba Ngôi.
Con người được trở nên người con thông hiệp với Chúa Cha trong tâm hồn chân thành, như những người tự chủ, tự do, những người con biết chia sẻ vui buồn và có trách nhiệm với chương trình của Cha mình.
Nẻo đường của đức tin Kitô giáo thực sự là nẻo đường gặp gỡ chân thực, vượt trên những tiêu chuẩn “kỹ thuật” có tính xã hội, và vượt cả thái độ ung dung tự tại của hiền nhân, để đi vào tình tự yêu thương như những người thuộc về nhau trong một gia đình. Đó là nẻo đường tôn trọng mỗi cá nhân và là nẻo đường làm cho con người tìm gặp được chính bản thân mình; đồng thời đó cũng là gặp được chính bản thân mình; và đồng thời đó cũng là nẻo đường gặp gỡ cá nhân với cá nhân, nối kết cộng đoàn với cộng đoàn. Nẻo đường ấy rộng mở để đưa con người đến sự tự do đích thực của con cái Thiên Chúa, và nhờ đó cuộc sống của con người sẽ tròn đầy ý nghĩa, tình yêu, niềm vui và hạnh phúc, chân trời tâm linh mở rộng làm triển nở các giá trị nhân sinh.
ĐỂ KẾT
Trên đây, với những tài liệu thu thập được, người viết cố gắng trình bày một cách toàn cảnh bức tranh nhằm giúp cho độc giả có cái nhìn xuyên suốt về cơn đói khát tâm linh của con người thời đại. Thực vậy cơn đói khát thì hiển nhiên rồi, các dấu chỉ thời đã chỉ cho chúng ta thấy rõ và những biến tướng trong lối sống và nhân cách con người đã phần nào làm cho chúng ta có thể chẩn bệnh một cách lâm sàng những triệu chứng của căn bệnh này.
Quả vậy, như chúng ta biết, con người là hữu thể nhân linh, vì thế con người chỉ thực sự triển nở giá trị nhân sinh của mình, khi tìm về với Cội Nguồn Sống của mình. Một đời sống tâm linh hay một hành trình tâm linh không gì khác hơn là trở về với căn nguyên ấy. Đó chính là “nội lực tối quan trọng” giúp con người sống và sống sung mãn. Thật vậy, tự trong bản chất, khát vọng tâm linh là khát vọng về nguồn: Con người tìm về cội nguồn làm nên mình, và tắm gội mình trong đó hầu mỗi ngày một “thần linh” hơn và như thế cũng là để hoàn trọn ý nghĩa làm người của mình. Chính xã hội tiêu thụ đã “ru ngủ” con người thời đại trong giấc mộng về một “thiên đường” tại thế, nơi đó con người không còn bị chất vấn về những giá trị đạo đức hay tư cách làm người… chỉ miễn sao hưởng thụ thật nhiều, bất chấp những qui tắc đạo đức, và những kim chi nam cho một đời sống làm người… Con người ngày càng “hoang dã hóa” chính mình khi buông theo cách bản năng dục vọng, phớt lờ tiếng gọi thẳm sâu tâm hồn để hướng thượng về những thực tại siêu việt. Dần dà, khi nhưng ảo tưởng về một cuộc sống tiện nghi và dễ dàng hiện nguyên hình là một thứ “lừa bịp” của nền  “văn minh sự chết”, con người trở nên “sống dở chết dở” với sự trống rỗng và vô vị của mình, và rồi lâm vào cuộc khủng hoảng vì đói khát những giá trị siêu nhiên.
Tuy nhiên, để có thể làm cho con người thời đại hết khát quả là điều không dễ. có biết bao tôn giáo và các giáo phái khác nhau đã nhảy vào cuộc với mục đích làm “đã khát” cơn khát tâm linh của con người người thời đại. Thế nhưng, dường như ta nhận thấy thiếu vắng một thứ “nước thật sự” không những làm đã khát mà còn chữa lành những vết thương mà cuộc khủng hoảng để lại nơi họ. Phải chăng cần một thứ giáo lý lành mạnh, cần một cách thức trình bày Tin Mừng rõ nét về khuôn mặt Đấng Cứu Thế? Phải chăng cần những chứng nhân, những mẫu gưỡng, những con người đầy “nội lực” thần linh để lên đường trong sứ mạng “đã khát” cho con người thời đại? Người viết chỉ cố gắng nêu nên một số điểm tuy còn nhỏ hẹp song gợi mở cho độc giả niềm thao thức trong sứ mạng của người môn đệ Đức Giêsu. Hy vọng với những trình bày còn hạn hẹp này người viết có thể cống hiến phần nào đó chất liệu suy tư và khơi lên những gợi hứng cho độc giả suy nghĩ và có những hoạch định cho sứ mạng của mình. Còn những gì thiếu sót do thiển cận, hay chưa thu thập tài liệu cho đến nơi đến chốn, hoặc cách trình bày còn vụng về, cái nhìn chưa bao quát đầy đủ… người viết mong độc giả lượng thứ và chân thành góp ý xây dựng.

Tài liệu tham khảo
Fromm, Erich. The Sane Society - Xã Hội Lành Mạnh, 1955
_________. The Art of Loving – Nghệ thuật yêu, 1956
_________. The Revolution of Hope,
 Cuộc cách mạng của hy vọng,
1968
Nguyễn Trọng Viễn, OP. Gặp gỡ chính Chúa.
Lưu hành nội bộ, 2003
Phạm Quốc Văn, OP. Cuộc sống tròn đầy.
Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2009
_________. Trên đường Emmaus. Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2009
Augustino Nguyễn Văn Dụ (http://tgpsaigon.net)


[1] Sécularisationdanh từ giống cái chỉ (tôn giáo) sự tục hóa = Sécularisation des biens cclésiastique, sự thế tục hóa của cải của Giáo hội.
[2] Trích lại Lm. Augustino Nguyễn Văn Dụ (http://thanhcavietnam.org)
[3] Trích lại Lm. Augustino Nguyễn Văn Dụ (http://thanhcavietnam.org)
[4]  Trích lại Lm Nguyễn Trọng Viễn, OP. Gặp gỡ chính Chúa. Nxb Phương Đông, tr. 172-174
[5] Erich Fromm (1900-1980), triết gia và nhà tâm lý học người Mỹ, sinh tại Ðức. Ông rời Ðức sang Hoa Kỳ năm 1934 và bắt đầu nổi tiếng với những phân tích gây nhiều tranh luận về những căn bệnh của xã hội kỹ nghệ hiện đại. Trong tác phẩm The Sane Society - Xã Hội Lành Mạnh (1955), ông cáo buộc là xã hội tiêu thụ chịu trách nhiệm về sự cô lập, cô đơn và hoài nghi giữa con người với nhau. Các tác phẩm khác gồm The Art of Loving – Nghệ thuật yêu (1956) và The Revolution of Hope – Cuộc cách mạng của hi vọng (1968)... Một số tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt như Chạy trốn cô đơn, Chạy trốn tự do, Nghệ thuật Yêu...
[6] René Descartes, (1596-1650). Triết gia Pháp, một trong những nhà tư tưởng rốt ráo nhất của mọi thời đại. Sau khi theo học Dòng Tên, ông trải qua 9 năm đi du lịch và thi hành nghĩa vụ quân sự rồi mới bắt đầu nghiên cứu. Năm 1628, ông định cư tại Hà Lan, tới năm 1649, sang Thụy Ðiễn dạy nữ hoàng và qua đời tại đó. Suốt đời, ông là một tín đồ Công giáo La Mã thuần thành.
[7] Friedrich Nietzsche (1844-1900), triết gia Ðức. Ông lập luận rằng "ý chí quyền lực" là đặc trưng chủ yếu của loài người, trong cuốn The Birth of Tragedy - Sự Ra Ðời của Bi Kịch (1872); và ông ca ngợi con người là tự do, vĩ đại và đầy quyền lực, trong cuốn The Spake Zarathustra - Zarathustra Ðã Nói Như Thế (1883-92). Ý tưởng ấy bị Ðức Quốc xã ứng biến thành chủ nghĩa chủng tộc siêu nhân Aryan. Từ năm 1889, ông bị điên.
[8] Sigmund Freud (1856-1939), nhà tâm thần học và tiên phong về phân tâm học người Ðức. Ông đặt lý thuyết của mình trên những sinh hoạt của tâm trí vô thức, những động lực, dục vọng và xung khắc tác động tới động thái của con người. Ông làm giáo sư Ðại học Vienna từ năm 1902, thành lập Hiệp hội Phân tâm học Vienna năm 1910. Năm 1938, ông rời Áo vì sự chiếm đóng của Ðức quốc xã, sang Luân Ðôn và qua đời vào năm sau. Tác phẩm của ông gồm Studies in Hysteria – Nghiên cứu chứng cuồng (1895), The Interpretion of Dreams – Giải mộng (1899), Totem and Taboo – Vật tổ và cấm kỵ (1913), Moses and Monotheism – Môsen và độc thần giáo (1939)...
[9] Xc. Tin cậy, Thành tâm, Thiền và Yoga. (http://yogavietnam.org/ 2008/06/11)
[10]  VRNs (05.09.2011) NCRegister – Trong Giáo hội của Một Chân lý không có các nghi lễ, các bí tích, các thánh. Không có các giáo đường, sự thờ phượng, thánh lễ. Không có sách thánh, thánh nhạc, các tín điều. Không có luân lý, trách nhiệm, sự kết án.
[11]  Frank Cronin, trước đây là một người vô thần công khai. Ông lấy học vị tiến sĩ thần học từ trường đại học Regent. Ông gia nhập Giáo hội Công giáo năm 2007.
[13]  Thánh Augustino, Confessions,1,1,1: CCL 27, 1 (PL 32, 659-661)
[14] Xc. Ga 4, 7-14
[15]  Mc 2,17.
[16]  Lc 15,7.
[17]  Mt 5,48.
[18]  Mt 7,12.
[19]  Xc. Hiến chế Mục vụ, số 12, b. c
[20]  1 Ga 2, 10b.
[21]  xc, Mt 22, 34-40.
[22]  Rm 13, 10b.
[23]  1Ga 2, 10.
[24] 1 Ga 4, 8a
[25] Trích lại Lm Nguyễn Trọng Viễn, OP.  Những căn bệnh trầm kha trong đời sống đức tin Công giáo tại Việt Nam, Nxb Phương Đông, tr.127-128.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn