Á châu, nơi
Thiên Chúa
đã khởi đầu công cuộc cứu độ của Người,
qua những người con của vùng đất này,
như Môsê, các tổ phụ, những ngôn sứ,
và sau cùng là chính Con Một Người,
Đức Giêsu thành Nazareth.
Đức Giêsu đã mặc lấy xác phàm để trở nên loài người,
mang những nét đặc thù của nhân loại
và cũng bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng tại đây
đã khởi đầu công cuộc cứu độ của Người,
qua những người con của vùng đất này,
như Môsê, các tổ phụ, những ngôn sứ,
và sau cùng là chính Con Một Người,
Đức Giêsu thành Nazareth.
Đức Giêsu đã mặc lấy xác phàm để trở nên loài người,
mang những nét đặc thù của nhân loại
và cũng bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng tại đây
Giuse Đinh Ngọc
Thiện, TSMTC
DẪN NHẬP
Trước khi về trời với Chúa Cha, Đức Giêsu đã để lại cho các môn đệ
lệnh truyền “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi
loài thọ tạo” (Mc16,15). Đây chính là sứ vụ quan trọng đối với các môn đệ.
Chính vì thế, sau khi Chúa về trời, nhất là từ ngày lễ Ngũ tuần, các ông đã
hăng say ra đi rao giảng lời Chúa cho tất cả các dân tộc trên thế giới. Ngày
nay, lệnh truyền đó đã được trao lại cho Giáo hội từ các Tông đồ, những người
tiếp bước theo Chúa, và Giáo hội lãnh nhận sứ vụ đó như là đặc tính của mình[1] và Giáo hội vẫn luôn
trung thành với sứ vụ này, cho dù có phải trải qua biết bao thăng trầm, khó
khăn, sóng gió… Sứ mạng này không chỉ được loan báo cho một quốc gia hay một
dân tộc, nhưng là cho khắp cả “tứ phương thiên hạ” và Giáo hội cũng đang tích cực trong việc mở rộng Nước Chúa nơi
trần gian này. Tuy nhiên, công cuộc loan báo Tin Mừng không phải chỉ rập khuôn
theo một mô thức sẵn có, nhưng nó phải năng động tuỳ theo và phù hợp với từng
bối cảnh cụ thể, thích hợp với từng dân tộc cụ thể.
Trong khuôn khổ bài viết này,
người viết không có tham vọng tìm hiểu về tất cả các vấn đề về sứ vụ của Giáo
hội, nhưng chỉ muốn tìm hiểu đôi điều về sứ vụ truyền giáo của Giáo hội cách
chung, cũng như cách riêng tại châu Á cùng với những thách đố mà Giáo hội sẽ
gặp phải tại nơi đây. Mặt khác, do công cuộc loan báo Tin Mừng được thực hiện
nơi một lục địa cụ thể, với những con người cụ thể, nên người viết cũng muốn
tìm hiểu một vài đóng góp của chính Giáo hội Á châu cũng như của những Kitô
hữu trên vùng đất này.
Trước tiên, chúng ta cùng nhau
tìm hiểu những nét khái quát về Giáo hội: Giáo hội là gì? Phát xuất từ đâu?
Lịch sử hình thành và nhất là tìm hiểu bản chất thực sự của Giáo hội nơi trần
gian này là gì?
1. Giáo hội và sứ vụ của Giáo hội
a. Giáo hội
Giáo hội
được hiểu như là ‘bí tích phổ quát của ơn cứu độ’[2] mà
Thiên Chúa dành cho nhân loại, và điều này có nghĩa Giáo hội chính là một
nhịp cầu, một dụng cụ, một phương tiện của Thiên Chúa. Nói cách khác, Giáo
hội hiện hữu với và vì một sứ mệnh hay một sứ vụ. Và chính trong hiện hữu đó
mà Giáo hội dần đi vào trong dòng lịch sử, văn hóa và đời sống các dân tộc để
mời gọi con người, trong câu chuyện của riêng họ, tham dự vào mầu nhiệm Thiên
Chúa. Đây là câu chuỵện về Giáo hội– một Câu chuyện đã bắt đầu trong giây
phút các môn đệ từ từ nhận ra họ được mời gọi vượt ra khỏi ranh giới Do Thái để
đến với mọi dân tộc.
Sách Tông Đồ Công Vụ cho ta
thấy được bản chất hay câu chuyện về Giáo hội được tượng hình qua 7 giai
đoạn: (1) trước lễ Ngũ Tuần[3], các môn đệ trở về lại
Jêrusalem với ý thức chờ đợi ngày của Đức Giêsu Phục sinh tái thiết Israel,
nhưng là ý thức trong sự yếu ớt[4]; (2) lễ Ngũ Tuần[5] là giai đoạn các môn đệ có
một ý thức mới về thời đại cánh chung[6], nhưng họ không quan tâm
lắm đến sứ mạng cho dân ngoại và sứ mạng ngoài Jêrusalem; (3) giai đoạn
Stêphanô[7] là giai đoạn các môn đệ bị
bắt buộc phải di chuyển khỏi Jêrusalem vì bách hại. Công cuộc loan báo Tin
Mừng, một cách tình cờ, được mở rộng; (4) giai đoạn tiếp theo[8] bắt đầu lớn lên của Giáo
hội được diễn tả qua sự can đảm của Philipphê khi ông loan báo Tin Mừng cho
người Samari vốn bị người Do Thái khinh miệt, và làm phép rửa cho hoạn quan
Ethiopi; (5) giai đoạn 5 với sự kiện Cornelio và gia đình[9] đánh dấu một sự hoán cải
tâm trí khi Phêrô ý thức công việc của Thiên Chúa vượt ra khỏi biên giới và ý
nghĩ của Giáo hội, ông nói: “Nếu Thiên Chúa ban cho họ cùng một ân huệ như Ngài
ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Đức
Giêsu, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa ?”; (6) giai đoạn tại Antiokia[10]
cho thấy căn tính Giáo hội được tượng hình cách đầy đủ. Chính tại đây, Giêsu
được tuyên xưng là Chúa thay vì là Mêsia; và các môn đệ bắt đầu được gọi là
Kitô hữu, một Giáo hội biệt lập với Do Thái giáo; (7) giai đoạn này là giai
đoạn phát triển sứ mạng tới dân ngoại.[11]
Như vậy, ta thấy bản chất của
Giáo hội chỉ xuất hiện khi Giáo hội dấn thân vào bối cảnh cụ thể trong sứ
mạng của Thiên Chúa [12]. Khi các môn đệ đáp ứng
lời mời gọi của Chúa Thánh Thần tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu theo những đường
lối mới và trên những biên cương mới, các môn đệ trở nên một Giáo hội. Đồng
thời trong câu chuyện của sách Công Vụ còn cho thấy một yếu tố khác cũng cấu
thành nên bản chất Giáo hội, đó là yếu tố Giáo hội phải tự tái tạo chính mình
trong bối cảnh cụ thể mới. Giai đoạn của Stêphanô (ch 6 – 7 ) cho thấy khá rõ
yếu tố tự tái tạo này. Khi các môn đệ bị buộc phải phân tán vì bách hại, thì đó
chính là bối cảnh cụ thể mới mà Giáo hội tiên khởi buộc phải thích nghi.
b. Sứ vụ của Giáo hội
Công đồng Vaticanô II, với mô
hình Ad Gentes[13], cho thấy sứ mạng của
Giáo hội xuất phát từ sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, nói cách khác là
xuất phát từ sứ mạng của Thiên Chúa – Missio Dei, là một hiệu quả, hay có thể
nói là sự nối tiếp sứ mạng của Ngài, là sự hoàn thành ý định của Thiên Chúa
trong thế giới, Ðấng muốn mọi người được cứu rỗi.
Ý định của Chúa Cha: Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền
giáo, vì chính Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần
theo ý định của Thiên Chúa Cha.
Ý định này tuôn trào từ
"suối tình yêu" cũng là lòng thương của Thiên Chúa Cha[14]. Thực vậy, Thiên Chúa
muốn mời gọi mọi người tham dự vào sự sống của Ngài, không những chỉ từng cá
nhân không liên lạc gì với nhau, mà Ngài còn liên kết họ thành một dân duy
nhất, trong đó đoàn tụ mọi con cái đã tản mác khắp nơi.
Sứ mệnh của Chúa Con: Ý định của Thiên Chúa nhằm cứu rỗi toàn thể nhân
loại không phải chỉ được thực hiện một cách có thể nói là kín đáo trong tâm trí
con người, hoặc bằng những kế hoạch, ngay cả kế hoạch tôn giáo, để nhờ đó con
người tìm kiếm Thiên Chúa bằng nhiều cách, "hầu may ra sẽ đến gần Ngài
hoặc gặp được Ngài, mặc dù Ngài không ở xa mỗi người chúng ta" (Cv 17,27);
những kế hoạch đó cần phải được soi dẫn và tu bổ, tuy đôi khi, nhờ ý định nhân
lành của Chúa Quan Phòng, có thể được coi như những con đường hướng về Thiên
Chúa chân thật hoặc chuẩn bị Phúc Âm. Nhưng để củng cố hòa bình hay là mối hiệp
thông cùng Thiên Chúa, và để xây dựng một xã hội huynh đệ giữa con người, con
người tội lỗi, Ngài đã quyết định đi vào lịch sử loài người một cách mới mẻ và
dứt khoát[15].
Thật vậy, Chúa Kitô đã nhận lấy trọn vẹn nhân tính chúng ta, là những kẻ khốn
khổ và nghèo hèn, ngoại trừ tội lỗi. Chúa Kitô, "Ðấng được Chúa Cha thánh
hóa và sai xuống trần gian" (x. Gio 19,36) đã nói về chính mình rằng:
"Thần Linh Chúa ở trên ta, nên Ngài đã xức dầu cho Ta, sai Ta rao giảng
Phúc Âm cho người nghèo khó, an ủi kẻ khổ tâm, loan báo sự giải thoát cho kẻ tù
đầy và đem sự sáng mắt cho kẻ đui mù" (Lc 4,18); Người còn nói: "Con
Người đến tìm kiếm và cứu vớt điều gì bị hư đi" (Lc 19,10).
Những gì Chúa đã một lần rao
giảng hay đã hoàn tất trong Người cho phần rỗi nhân loại, phải được công bố và
truyền bá tới tận cùng trái đất, bắt đầu từ Jêrusalem: như thế những gì đã một
lần thực hiện cho phần rỗi mọi người, sẽ có hiệu lực qua suốt dòng thời gian,
cho hết mọi người. Vì thế, “nếu Giáo hội không truyền giáo, công cuộc cứu độ
của Đức Kitô sẽ bị bỏ dở.”[16]
Sứ mệnh của Chúa Thánh Thần: Ðể hoàn thành việc đó, Chúa
Kitô đã sai Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha đến để Ngài thực hiện công trình cứu
chuộc trong các tâm hồn và thúc đẩy Giáo hội. Qua mọi thời đại, Chúa Thánh Thần
"hợp nhất toàn thể Giáo hội trong mối hiệp thông và thừa hành, ban phát
các ơn phẩm trật và đặc sủng khác
nhau", như là linh hồn làm sống động những Tổ Chức trong Giáo hội và đổ
dần vào lòng các tín hữu cũng một tinh thần truyền giáo đã thúc đẩy chính Chúa
Kitô. Ðôi khi Chúa Thánh Thần lại chuẩn bị một cách hữu hình cho hành động
truyền giáo, cũng như không ngừng dùng những phương thế khác nhau để theo sát
và hướng dẫn vậy. [17]
Tiếp nối sứ vụ cao cả của Thiên
Chúa Ba Ngôi – Missio Dei, Công đồng Vaticano II tiếp tục trình bày những nền
tảng căn bản về Giáo hội như là tiền đề cho công cuộc loan báo Tin Mừng:
Ngay từ đầu, Chúa Giêsu "đã gọi
đến với Người những kẻ chính Người muốn và đặt ra ( mười hai người ) để họ ở
cùng Người rồi sai họ đi rao giảng" (Mc 3,13). "Vậy các con hãy đi
dạy dỗ muôn dân: rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy họ
giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con" (Mt 28,19-20). "Hãy đi khắp
trần gian rao giảng Phúc Âm cho hết mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa
sẽ được cứu rỗi: còn ai không tin sẽ bị luận phạt" (Mc 16,15). Do đó,
Giáo hội có bổn phận truyền bá đức tin và ơn cứu rỗi của Chúa Kitô, […] Sứ
mệnh này tiếp diễn, và qua dòng lịch sử làm sáng tỏ sứ mệnh của chính Chúa
Kitô.[18]
Nếu hiểu sứ vụ như là bản chất
của Giáo hội, như là sự tiếp nối sứ vụ cao cả của Ba Ngôi Thiên Chúa, thì nhất
thiết, sứ vụ phải là mối ưu tư hàng đầu. Đức Phaolô VI đã nói thêm trong Evangelii Nuntiandi: [19]
Nhân loại cũng
có thể lãnh Ơn cứu độ bằng nhiều cách khác nhờ tình thương của Thiên Chúa cho
dù chúng ta không rao giảng Tin Mừng cho họ; nhưng đối với chúng ta, chúng ta
có thể lãnh Ơn cứu độ do sự chểnh mảng, sợ hãi hoặc mắc cỡ - điều mà thánh
Phaolô gọi là hổ thẹn vì Tin Mừng – hay như là hệ quả của những ý kiến sai lạc
khiến chúng ta không rao giảng Tin Mừng được không ? Như thế thì có thể đó là
chúng ta chống lại lời mời gọi của Thiên Chúa.
Và Ginardi Stellin cho rằng
chính ý thức này đã giúp các nhà truyền giáo, cả nam lẫn nữ, nhìn công việc của
mình trong thái độ khiêm tốn. Đồng thời nhận ra những người lãnh nhận lời mình
rao giảng không chỉ là những người anh em, mà còn là ân nhân[20]. Và trong cái nhìn bao
quát hơn, ta nói thêm rằng không chỉ có những người tiếp nhận lời rao giảng của
Giáo hội, mà cả những môi trường, những hoàn cảnh cụ thể với mọi thách thức
trong đó…tất cả đều có thể là hồng ân cho Giáo hội; bởi chính những yếu tố đó
là “cơ hội” giúp Giáo hội triển nở và không ngừng tái tạo chính mình trong
lịch sử.
Như vậy, sứ vụ của Giáo hội
phát xuất từ chính ý định của Thiên Chúa và Giáo hội có nhiệm vụ làm cho sứ
vụ đó trổ sinh hoa trái nơi trần gian này, trong một bối cảnh cụ thể. Tuy nhiên
sứ vụ này cũng sẽ phải đối mặt với không ít những khó khăn. Sứ vụ của Giáo
hội sẽ gặp phải những khó khăn gì trong bối cảnh chung của lục địa Á châu?
2. Đứng trước bối cảnh Á châu
Trong tình
hình chung của châu Á, sứ vụ của Giáo hội gặp nhiều khó khăn không chỉ về tôn
giáo, văn hoá hay chính trị mà còn cả về vấn đề kinh tế nữa. Giáo hội sẽ tìm
cho mình phương thế nào để có thể vượt qua khó khăn này?
a. Văn hóa
Điều đầu tiên cần đề cập trong
bối cảnh châu Á là vấn đề đa dạng văn hóa và đa nguyên tôn giáo, mà nói theo
kiểu của cha A. J. V. Chandrakanthan[21] : Châu Á là một bức mosaic được ghép bằng nhiều màu sắc tôn
giáo, văn hoá, ngôn ngữ, triết lý, chủng tộc và sắc dân khác nhau. Đây cũng là
điều mà đức Gioan Phaolô II đã rất quan tâm khi ngài ban hành Tông huấn Ecclesia in Asia, ngay sau Thượng Hội
đồng Giám mục Á châu:[22] “Á châu cũng là chiếc nôi của
các tôn giáo lớn trên thế giới, là nơi phát sinh nhiều truyền thống thiêng
liêng khác[23]… Tiếp
theo những gì Đức
Thánh cha nhắc đến, Phan Đình Cho cũng đã trình bày khá sâu sắc chủ đề này và
cho thấy rằng đa dạng văn hóa sẽ không tránh được xung đột văn hóa, và đa
nguyên tôn giáo bao giờ cũng gắn với lịch sử của những lập trường độc tôn[24], tức là đã cho thấy một
khó khăn căn bản trước mắt: Kitô giáo tại Á châu đang đối diện, đang “đồng
hành” với những Nhà truyền giáo to lớn khác[25]. Và khi toàn cầu hóa đặt
ra cho hầu hết các quốc gia một bối cảnh về sự đa nguyên và phức tạp cả tôn
giáo lẫn văn hóa, thì đây cũng là một dấu chỉ thời đại quan trọng nhất đặt ra
những thách đố to lớn cho Giáo hội[26]; điều này cũng có nghĩa
là thách đố cho Sứ vụ của Giáo hội, của Đức Kitô, và của Thiên Chúa[27]. Làm thế nào để sứ vụ của
Giáo hội được thực hiện tại châu Á, nơi mà văn hóa và tôn giáo cộng sinh một
cách sống động và tương tác lẫn nhau, trong khi Giáo hội chỉ là một thiểu số
giữa lục địa mênh mông này.
b. Tôn giáo
Trong bối cảnh chung của Á
châu, khi nói đến sự đa dạng văn hoá, chúng ta không thể không nói đến vấn đề
tôn giáo tại lục địa này. Tôn giáo và văn hoá tại Á châu có thể nói thường đi
đôi với nhau, nên văn hoá đa dạng thì tôn giáo cũng đa dạng và phức tạp không
kém. Tại lục địa này, ngoài các tôn giáo lớn như Ấn giáo, Hồi giáo, Phật giáo,
Kitô giáo còn có nhiều tôn giáo và đạo lý triết học khác như Khổng giáo, Lão
giáo, Thần đạo cũng như nhiều hệ thống tôn giáo bản địa và truyền thống[28]. Phần lớn dân số tại lục
địa này là tín đồ của các tôn giáo khác ngoài Kitô giáo[29], và Giáo hội tại nơi
đây chỉ là một nhóm thiểu số[30]. Tuy nhiên khi nói đến đa
phức tôn giáo tại Á châu thì đây không chỉ là một sự kiện, mà còn là một vấn
nạn lớn, vì các nhóm tôn giáo ở đây, nhất là ở nam Á, các nhóm tôn giáo đang
xung đột với nhau. Nguy hiểm hơn nữa là các xung độ tôn giáo này đang nhắm đến
tấn công các Kitô hữu ở đây[31]:
Tại
Ấn độ, các cuộc bạo động giữa Ấn giáo và Hồi giáo đã diễn ra hơn 70 năm nay.
Gần đây, tín đồ Ấn giáo Bảo thủ đã tấn công các Kitô hữu. Tại Pakistan và
Bangladesh, phần đông tín đồ Ấn giáo là dân nhập cư. Tại Pakistan, những luật
chống phạm thượng dường như nhắm đến các Kitô hữu. Tại Sri Lanka, cuộc nội
chiến đang diễn ra cả trên bình diện sắc tộc lẫn tôn giáo […]. Tại Đông nam Á,
chúng ta cũng thấy nhiều trường hợp tương tự. Tại Philippines, lâu nay vẫn xảy
ra các cuộc xung đột vũ trang giữa người Kitô giáo và người Hồi giáo. Tại
Indonesia cũng xảy ra các cuộc xung đột tương tự giữa người Hồi giáo và người
Kitô giáo. Có lẽ các cuộc xung đột này sẽ còn kéo dài trong tương lai.
Đây thật sự là một thách đố rất
lớn và là một vấn đề quan trọng đối với sứ vụ của Giáo hội tại lục địa Á châu
này. Ở đây có một câu hỏi được đặt ra: “Phải chăng thực tế này phủ nhận tiềm
năng truyền giáo của Giáo hội? Câu trả lời được đưa ra là “không”. Vì chính nhờ
thực tế này, Giáo hội được thúc bách “ý thức về căn tính, vai trò chứng nhân
và sứ vụ của mình, để không là chủ thể đích thực mang các giá trị Tin Mừng, mà
còn là chính con người Đức Kitô nữa”[32] và theo lời cha
Kolvenbach khẳng định: “[…] điều quan trọng là các Kitô hữu đã làm cho Đức Kitô
và ‘sứ vụ tình yêu độc nhất vô nhị’ của Người chiếu toả ra ngoài chưa.” Như
thế, Giáo hội tại Á châu này không thể dùng bạo lực để thực thi sứ vụ của
mình được, nhưng nhất thiết phải đi đến một cuộc đối thoại với các tôn giáo
bạn, đây là một trong ba mặt của cuộc đối thoại tại nơi đây[33].
Trong cuộc đối thoại này, Giáo
hội không làm mất đi căn tính của mình, nhưng tìm cách để giải quyết vấn đề
“Làm thế nào để các tôn giáo trở thành khả tín trong thời đại tục hoá này?”[34] Vì trong thời đại này,
người Á châu đang đòi hỏi một kinh nghhiệm về Thiên Chúa khác trước “Các dân
tộc Á châu đòi hỏi một kinh nghiệm tôn giáo có thể đưa những giá trị nhân bản
cũng như thần thiêng vào trong những thực tại trần thế.”[35]. Điều này cho thấy, tôn
giáo tại Á châu này không bao giờ bị xem là không thích hợp, ngược lại tôn giáo
được xem là thành phần toàn vẹn của văn hoá nơi đây[36]. Trước tình hình đó,
Giáo hội được mời gọi làm nổi bật lên tính thánh thiêng của tôn giáo, không
phải trong sự gượng ép nhưng trong tinh thần đối thoại và cởi mở. Giáo hội
được mời gọi đối thoại với các tôn giáo khác để tìm ra những điểm chung mà các
tôn giáo đều đang hướng tới. Đó chính là hướng con người về Thiên Chúa, quy
chiếu tất cả về thánh ý Thiên Chúa, thực hiện tinh thần bất bạo động, sống tinh
thần siêu thoát và thái độ ân cần, tôn trọng thiên nhiên[37]. Song song với việc đối
thoại Giáo hội cũng muốn loan báo tin Mừng cho người khác, và thực hiện trong
tinh thần đối thoại của Phúc Âm[38].
Như vậy có thể nói được rằng
Giáo hội Á châu liên lạc với các tôn giáo khác bằng một tinh thần đối thoại
và cởi mở. Tất cả đều hướng tới đời sống tâm linh và sự phát triển của con
người trên lục địa này.
c. Kinh tế
Đi kèm theo những thách đố đó,
châu Á còn là một châu lục mà kinh tế thì nghèo nàn, chính trị bất ổn, thiếu
dân chủ, xã hội còn bảo thủ, dân cư chật chội, dân số tăng nhanh, di cư vì
nghèo đói, những hậu quả của quá trình đô thị hóa [39], cơ chế thị trường không
kiểm soát… và cả việc đối diện với những hình thái mới của các tôn giáo xuất
hiện cách tràn lan[40] và xem ra rất thành công.
Và điều này đòi hỏi cái gì nơi Giáo hội?
Phải chăng cần một sự cẩn thận nghiên cứu hầu định hướng tương lai của
Kitô giáo đối với cộng đồng nhân loại trong thế giới thứ III này ? [41]
Với câu chuyện Chúa Giêsu tại
châu Á, một chủ đề trong Đại hội Truyền Giáo Á châu lần thứ I từ ngày 18 đến 22/10/2006,[42] Cha
Julian Saldana có cách thuật truyện dí dỏm về khung cảnh Á châu, như muốn bày
tỏ lòng cảm phục và trân trọng sâu xa, rằng một người quen thuộc với khung cảnh
châu Á có thể nhận định, như Thánh Phaolô đã từng nói với dân Athen: “Thưa quý
vị vùng Á châu, về mọi mặt, tôi thấy quý vị là những người rất sùng đạo” (Cv
17, 22).
Đức Thánh Cha, đại diện cho
toàn thể Giáo hội, cũng bày tỏ Giáo hội giữ một niềm kính phục sâu xa nhất
đối với các truyền thống này và tìm cách chân thành đối thoại. Ngài nói đến cảm
thức thiêng liêng nội tâm và sự khôn ngoan về mặt luân lý trong tâm hồn người Á
châu, và đó là cốt lõi mà xung quanh đó được xây dựng một ý thức đang lớn mạnh
về thế nào "là người Á châu". Nhận thức "là người Á châu"
này được khám phá và khẳng định cách tốt nhất không phải trong sự chạm trán và
đối nghịch nhau, nhưng trong tinh thần bổ sung và hoà hợp. Trong khung cảnh bổ
sung và hoà hợp này, Giáo hội có thể loan truyền Tin Mừng qua một cách thức vừa
trung thành với truyền thống của mình và vừa trung thành với tâm hồn châu Á.[43]
Từ những tìm hiểu trên đây,
chúng ta có thể thấy được những vấn đề khó khăn mà Giáo hội sẽ gặp phải khi
thực thi việc loan báo Phúc Âm tại Á châu. Chính vì thế, Giáo hội không nên
quá cứng nhắc trong việc đem Tin Mừng đến cho con người nơi đây. Giáo hội cần
thực thi sứ vụ của mình với tính cách đối thoại, để Tin Mừng có thể đến với mọi
người mà không làm cho họ mất đi những nét văn hoá riêng của mình hoặc không
phải đối đầu căng thẳng với các tôn giáo khác đã tồn tại nơi đây. Vì thế, đối
thoại là phương thế tốt nhất để loan báo Tin Mừng nơi đây, một cuộc đối thoại
mang tính ngôn sứ để Lời Chúa có thể đến được , tồn tại và phát triển nơi đây.
LỜI KẾT
Những gì trình bày trên mới chỉ là một chút bối
cảnh chung của lục địa Á châu này, nơi Thiên Chúa đã khởi đầu công cuộc cứu độ
của Người, qua những người con của vùng đất này, như Môsê, các tổ phụ, những
ngôn sứ, và sau cùng là chính Con Một Người, Đức Giêsu thành Nazareth. Đức
Giêsu đã mặc lấy xác phàm để trở nên loài người, mang những nét đặc thù của
nhân loại và cũng bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng tại đây[44]. Tuy nhiên, sứ vụ của
Giáo hội nơi đây gặp không ít khó khăn, về văn hóa, tôn giáo, nhất là vẫn còn
những con người, những dân tộc chưa nhận biết Chúa[45]. Chính vì lý do đó, việc
loan báo Tin Mừng tại lục địa Á châu hiện nay là điều hết sức cấp bách và cần
thiết để các Kitô hữu ý thức về sứ vụ của mình và để người khác cũng được đón
nhận Tin Mừng, nhận biết Đức Kitô, Đấng đã đến ở với họ để cứu chuộc họ.
[1] X. Lumen
Gentium, số 17.
[2] Ad
Gentes, số 1.
[3] Cv 1
[4] Các môn đệ đã có hành động bầu chọn
Matthias vào số 12 như một chuẩn bị cho ngày cánh chung, nhưng sau khi Giacôbê
bị giết thì không có việc bầu chọn lại.
[5] Cv 2 – 5
[6] Các môn đệ vẫn tin những ngày cuối cùng và
sự hoàn thành Israel đang đến gần, nhưng họ ý thức thêm rằng thời đại cuối cùng
này gồm hai giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị (do họ là những người được sai đến để
tập hợp Israel trong niềm tin mới); và quang lâm.
[7] Cv 6 – 7
[8] Cv 8
[9] Cv 10, 1 – 11, 8
[10] Cv 11, 19 – 26
[11] Cv 12 – 28
[12] Giáo hội bước đi trong ý thức rằng Thánh
Thần đã đi trước.
[13] Ad
Gentes là một mô hình thần học chú trọng tới lịch sử, sự thật, tự do, mục
vụ, giải phóng – và là một mô hình thần học được đặt trong một bối cảnh sâu
rộng về bản chất của giáo hội – là
truyền giáo.
Ad
Gentes cho thấy Giáo hội
không chỉ là dân được chọn để tham dự vào đời sống cứu độ của cộng đoàn Ba
Ngôi, nhưng còn là tác nhân cộng tác vào sự vươn tới mọi tạo vật của Thiên
Chúa. Đồng thời cho thấy mối liên kết không thể và không bao giờ tách rời giữa
Giáo hội và đời sống Ba Ngôi, hay nói cách khác là một cộng đoàn sứ mạng là phản ảnh của đời sống Ba Ngôi.
[14] Felipe Gómez, Truyền Giáo Học, Antôn và Đuốc Sáng dịch, tr. 86.
[15] Ibid., tr.88.
[16] Ibid., tr.89.
[17] Ad
Gentes , số 2-4
[18] Ibid., số 5.
[19] Evangelii
Nuntiandi là tông huấn Loan Báo Tin Mừng đươc đức Phaolô VI công bố sau kết
thúc Thương Hội Giám Mục Thế Giới Lần Ba 10/1974, và cũng là kỷ niệm 10 năm Ad
Gentes. Đây là một mô hình về sứ mạng cuối thế kỷ 20, nhấn mạnh đến hoạt động
của Thiên Chúa trong kiên trì và tôn trọng tự do để thiết lập Nước Thiên Chúa
giữa nhân loại, đặc biệt nhấn mạnh đến hoạt động giải phóng và thiết lập công
bình của Thiên Chúa và Giáo hội giữa trần gian.
[20] Victorino Ginardi
Stellin, M.C.C.J. Sứ vụ Ad Gentes đầu thế
kỷ XXI, Sứ vụ truyền giáo tại Á châu
hôm nay, Trung tâm học vấn Đaminh, 2007, tr. 95.
[21] Khoa trưởng cho ngành Kitô giáo tại đại
học Jaffna ở Sri Lanka.
[22] Thượng Hội đồng Giám mục Á châu diễn ra từ 18. 4 – 14. 5. 1998, tại Rôma: với
252 đại biểu tham dự. X. James H. Kroeger, “Á châu, một lục địa đang xuất hiện
niềm hy vọng truyền giáo” (Quezon City: Claretian Publications, 1999), Sứ vụ truyền giáo tại Á châu hôm nay,
Nguyễn Văn Chữ biên tập, Trung tâm Học vấn Đaminh, 2007, tr. 7.
[23] Ecclesia
in Asia, số 6.
[24] Peter Phan Đình Cho, “Đa dạng văn hoá và
đa nguyên tôn giáo sứ mạng của Giáo hội tại Á châu”, Sứ vụ truyền giáo tại Á châu hôm nay, Nguyễn Văn Chữ biên tập,
Trung tâm học vấn Đaminh, 2007, tr. 28. Chính cuộc tranh luận về ngôn ngữ phụng
tự tôn giáo liên quan đến nghi lễ Trung Hoa kéo dài 3 thế kỷ - từ năm 1645 đến
năm 1939 – là một lời cảnh báo cần suy gẫm về sự gặp gỡ giữa Tin Mừng và văn
hóa. Cha Juan Baptista Morales dòng Đa Minh từng để lại một thiệt hại không nhỏ
cho Giáo hội khi ngài dùng thuật ngữ
Kitô giáo để miêu tả việc thờ cúng Khổng Tử và tổ tiên. X. 100 Văn kiện của Rôma liên quan đến cuộc
tranh luận về lễ nghi Trung Hoa (1645-1941), Donald F. St. Sure dịch, Ray
R. Noll biên tập với các phần dẫn nhập và tóm lược (San Francisco: University
of San Francisco, 1992), 4.
[25] Theo thống kê của tạp chí World Mission,
Manila 8.5.1995: 85% người ngoài Kitô giáo hầu như thuộc về các tôn giáo lớn
khác; Ấn giáo với khoảng 650 triệu tín đồ tập trung hầu hết ở Ấn Độ và một vài
nước láng giềng, Phật giáo khoảng 300 triệu – hầu hết là ở Châu Á, Hồi giáo
khởang 700 triệu – cũng hầu hết ở Châu Á, trong khi Công giáo ở tại đây chỉ có
khoảng 100 triệu.
[26] Peter Phan Đình Cho, ibid., tr. 50.
[27] Vì bản chất của Giáo hội không gì khác
chính là sứ vụ. Giáo hội được thiết lập là để thực thi điều này. X. Tông Đồ
Công Vụ.
[28] James H. Kroeger, “Á châu, một lục địa
đang xuất hiện niềm hy vọng truyền giáo”, tr. 22.
[29] Theo thống kê năm 1995 thì dân số Á châu
là gần 3.5 tỉ người trong đó Phật giáo có khoảng 300 triệu tín đồ; Hồi giáo khoảng
700 triệu; Ần giáo khoảng 650 triệu; trong khi đó Công giáo chỉ khoảng 100
triệu người.
[30] Ibid., tr. 13.
[31] Edgar G. Javier, SVD., Đối thoại liên tôn tại Á châu những vấn đề
và thách đố hiện nay, tr. 123
[32] James H.
Kroeger, ibid., tr.14.
[33] Ba mặt của cuộc
đối thoại của Giáo hội Á châu là: đối thoại với các nền văn hoá Á châu, đối
thoại với các tôn giáo Á châu, và đối thoại với các dân tôc Á châu, nhất là
người nghèo. Ibid., tr.17.
[34] Edgar G.
Javier, SVD., Đối thoại liên tôn tại Á
châu những vấn đề và thách đố hiện nay, tr. 132
[35] Ibid.
[36] Ibid., tr.
131.
[37] Nguyễn Thái Hợp, Đường vào thần học
về tôn giáo, (tái bản lần 2), Dấn thân, Houston, 2004, tr. 64
[38] Ibid., tr.
59.
[39] Hiện tượng đô
thị hoá và sự xuất hiện những khối đô thị khổng lồ thường xảy ra các tội ác có
tổ chức, khủng bố, mại dâm và sự bóc lột những phần tử yếu kém hơn trong xã
hội…
[40] Những mô hình
Kitô xuất hiện ngay trong lòng Kitô giáo: Tin Lành phái Ngũ Tuần phát triển và
hoạt động mạnh mẽ với những hình thức đọc Kinh Thánh theo nghĩa đen, chữa bệnh
thần kỳ, nói tiếng lạ, nói tiên tri, trừ tà, khắt khe về luân lý; những phong
trào tôn giáo gọi các Kitô hữu được linh hứng (chritian – inspired) nhưng không
được các giáo hội Tin Lành chính thống nhìn nhận như giáo hội Hiệp Nhất do mục
sư Sun Myung Moon thành lập; rồi trong
khi Kitô giáo ở Nam bán cầu tìm cách hòa nhập vào Đức tin của mình những yếu tố
địa phương, thì Kitô giáo ở các nước thuộc thế giới thứ I thì lại đang tân tiến
hóa Đức tin của mình như đòi phong Giám mục cho người đồng tính và phụ nữ, chúc
lành cho hôn nhân đồng giới…
[41] Peter Phan Đình Cho, ibid., tr. 31.
[42] http://www.fabc.org/img/amc_logo.jpg
[43] Ecclesia
in Asia, số 6.
[44] X. Ecclesia
in Asia, số 1.
[45] Ibid., số 2.
Đăng nhận xét