Trong ân sủng của
tình yêu,
của sáng kiến tuyệt vời nơi Thiên Chúa,
mảnh đất Châu Á, con người Châu Á được diễm phúc
đón nhận sự nhập thể của Lời, được Lời cư ngụ,
và được gặp gỡ Lời trong văn hóa, trong tâm linh.
của sáng kiến tuyệt vời nơi Thiên Chúa,
mảnh đất Châu Á, con người Châu Á được diễm phúc
đón nhận sự nhập thể của Lời, được Lời cư ngụ,
và được gặp gỡ Lời trong văn hóa, trong tâm linh.
Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, Đaminh Thánh Tâm
Châu Á, một bức tranh ghép phức tạp của biết bao nền văn
hóa, ngôn ngữ, tín ngưỡng và truyền thống, làm nên phần cơ bản của lịch sử và
di sản của gia đình nhân loại. Nơi đó, các giá trị văn hóa mang những đặc thù riêng
biệt thấm đẫm trong người dân Á Châu, làm nổi bật những nét đẹp tinh thần tiềm
ẩn như yêu mến sự thinh lặng và chiêm niệm, sống giản dị, hòa hợp, từ bỏ, bất
bạo động, làm việc chăm chỉ, sống thanh đạm, thích học hỏi truy tầm chân lý,
triết lý. Họ yêu chuộng các giá trị như tôn trọng sự sống, từ bi hỉ xả với mọi
loài, gần gũi thiên nhiên, có tấm lòng hiếu thảo, tôn kính người cao niên, tổ
tiên, ý thức sâu sắc về cộng đoàn. Người Á Châu trọng mái ấm gia đình với những
giá trị vốn có trong tình nghĩa, lấy gia đình làm sức mạnh cho cuộc đời, liên
kết chặt chẽ trong tập thể, cộng đoàn với ý thức liên đới cao. Đồng thời, họ
được đề cao tinh thần bao dung tôn giáo và sống chung hòa bình[1].
1. Từ khái niệm về văn hóa
Văn hóa là nét tinh túy của cái đẹp, được đúc kết lại để
làm thành di sản của dân tộc, của vùng miền bất kỳ nào đó. Một nền văn hóa có
mặt, được khai sinh là kết quả của một quá trình hình thành từ những yếu tố xã
hội, lịch sử liên quan. Nó bao hàm cả giá
trị vật chất lẫn tinh thần, mà con người đã đúc kết đi qua thời gian, lịch sử,
tư duy, hoạt động nên văn hóa chứa đựng chân thiện mỹ “Văn hoá phản ảnh và thể hiện một cách tổng quát và sống
động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân cũng như các cộng đồng) đã thể hiện
trong quá khứ, đồng thời đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ nó đã
cấu tạo nên một hệ thống các giá trị, truyền thống, thẩm mỹ và lối sống mà dựa
trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình”[2]
Đối với Giáo hội Công giáo, Giáo hội luôn đề cao chiều
kích lịch sử và xã hội của văn hóa, cái làm nên những nét riêng biệt của từng
dân tộc, vùng miền, của xã hội. Giáo hội nhìn nhận văn hoá là một cách thế
riêng biệt để hiện hữu và để làm người. Bất cứ ai cũng được sinh ra, được nuôi
dưỡng và lớn lên trong một nền văn hóa cụ thể, đặc thù, và từ đó, tạo nên một
mối liên hệ đặc biệt giữa con người với nhau, làm nên tính chất liên nhân vị ở
trong xã hội, cuộc sống con người.
2. … đến một nền văn hóa giàu tính nhân văn
Nói đến văn hóa Châu Á, người ta phải định nghĩa được cái
đặc thù của văn hóa Châu Á.
Đặc thù văn hóa Châu Á là gì, nếu không phải là bao gồm trong nó văn hóa
Khổng giáo và văn hóa Phật giáo, bên cạnh và đan xen với các dạng tư tưởng văn
hóa khác? Nói cách khác, nói đến đặc thù văn hóa Châu Á, người ta buộc phải nói
đến triết học Châu Á, triết lý Châu Á - cái làm nên linh hồn của văn hóa Châu
Á. Dù khó nhận dạng, nhưng triết lý Châu Á luôn hiện hình trong văn hóa Châu Á,
càng cố quên đi, càng cố phủ nhận, nó càng lộ ra như là một cái gì đó rất đáng
kể, một thuộc tính cố hữu.[3]
Một nền văn hóa, mà nơi đó, người ta thấy nó bao gồm
nhiều tính chất: tính nhân văn, tính sáng tạo, tính riêng biệt (tính bản sắc)…
tuy nhiên, tính nhân văn trong văn hóa Châu Á có một sự trổi vượt đem lại một
điểm rất riêng cho những con người sống trong vùng đất này.
Khi nói đến tính nhân văn trong văn
hóa Châu Á, người ta có thể hiểu tính nhân văn đó được xem như là một tổng hòa
của các nét đẹp về : lòng nhân ái, sự khoan dung, của triết lý chữ “Hòa” trong
cuộc đời, của chọn lựa trung dung trong đời sống, của một tinh thần bất bạo
động, của ý thức trách nhiệm về nòi giống, về cộng đồng, về dân tộc...
a. Một nền văn hóa với nét đẹp tĩnh lặng,
một triết lý tĩnh lặng
một triết lý tĩnh lặng
Tĩnh lặng, đó là đặc nét mà người Á Châu vốn có, và yêu
thích. Sự tĩnh mịch trong không gian văn hóa đi vào trong ý thức, tiềm thức và
nhân cách của con người trên mảnh đất này. Tĩnh lặng trở nên như một gia sản
quí giá truyền lại cho các thế hệ tiếp nối, trở thành máu huyết trong nhân
cách, văn hóa của vùng miền và của con người.
Vẻ đẹp của tĩnh lặng trong văn hóa, và trong văn hóa
người ta tìm duyên với tĩnh lặng để làm phong phú, làm nên một cái rất riêng,
rất đặc biệt. Cái tĩnh lặng không chỉ là một cõi riêng tư, một không gian của
thế giới tự nhiên như bản chất nó vốn có, nhưng văn hóa với nét đẹp tĩnh lặng
mở cho thấy một tâm hồn nhẹ tênh, khoáng đạt như mặt hồ tĩnh lặng, mặc bên
ngoài náo động hư không.
Một thuở lên cao đầu gió núi
Hú dài một tiếng lạnh hư không.
(Không Lộ)
Các vị ngồi đấy trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổ trăm chiều.
(Huy Cận)
Trời xanh nước biếc muôn trùng
Một thôn sương khói một vùng dâu đay
Ông chài ngủ tít ai lay
Quá trưa tỉnh dậy tuyết bay đầy thuyền.
(Ngư nhàn – Khổng Lộ)
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi.
(Ta về - Tô Thùy Yên)
Trong
tĩnh lặng, con người nhìn rõ mình, yêu đất trời và yêu cả đồng loại.
Hứng lên xách gậy dạo đường quê
Mệt mỏi buông rèm khểnh
chõng tre. (Viên Chiếu – 43)
Trong cái tĩnh lặng, con người trở nên vô vi, không ưu
phiền: Vô vi cư khoáng dã, Tiêu dao tự tại nhân.
(Hiện Quang – 130)
Chống gậy non cao rũ bụi đời
Nằm trong mộng huyễn ngắm mây trôi.
(Đoàn Văn Khâm – 56)
Furu-ike
ya Trong ao xưa
Kawazu
tobikomu con nhái nhảy vào
Mizu no oto tiếng nước khuya
Ao xưa bóng rũ trưa hè,
Nhái khua nước động, bốn bề
tịch liêu.
(Basho- nhà thơ Haiku- Nhật Bản)
Trong
cái đẹp văn hóa của trà đạo Nhật bản, JAKU (mịch) là một trong bốn nguyên lý
đơn giản và phép tắc (WA - KEI - SEI - JAKU
: Hòa – Kính – Tinh - Mịch) để thưởng thức chén trà đầy ý nghĩa, để
buông mình vào khoảnh khắc hoàn toàn thư giãn giữa cuộc sống luôn luôn sôi
động, đầy rẫy những chuyện trớ trêu. Phòng trà, không gian, con người sẽ tạo
nên môi trường, cảnh tĩnh mịch. Jaku,
mịch của trà đạo không chỉ là sự thể hiện trong khoảng khắc ngắn ngủi tại
một nơi gặp gỡ tạm thời, mà là ước vọng tạo nên một cuộc sống luôn yên tĩnh,
thanh bình. Điều này thể hiện một ước vọng yên tĩnh, thanh bình, thể hiện nét
tĩnh mịch trong tâm hồn, trong văn hóa của người Nhật nói riêng, và của người
Châu Á nói chung.
Ồn ào, náo động không phải là
nét văn hóa của Châu Á, của con người vốn sinh ra và lớn lên trong tâm hồn yêu
thích sự tĩnh lặng. Tĩnh lặng ngay cả trong đổ nát, trong mất mát, trong đau
thương[4]. Nơi đó, con người tìm thấy ý
nghĩa thực, giá trị thực của cuộc sống. Rèn được tĩnh lặng tuyệt đối, con người
nghe được cả những vô thanh, tìm được chân thiện mỹ trong cái cõi đời đôi khi
cũng rất bình yên, nhưng đôi khi lại rất mãnh liệt trong dao động.
Cuồng phong bão tố ngất trời
Khúc vô thanh vẫn ngàn đời vô thanh.
( Vô thanh- Viên Minh)
b. Một nền văn
hóa với lòng nhân ái
Nhân, 仁 , xuất hiện lâu đời trong văn hóa Á Châu,
mang theo cả một chiều dài lịch sử, mà nơi đó, con người trong các mối tương
quan xã hội, giữa con người với nhau, đúc kết để làm nên chữ nhân trong cuộc đời. Nó mang theo cả một
kho tàng ý nghĩa về lòng nhân ái, về tình thương đồng loại mà con người đang
cùng chung sống.
Trong chiết tự, chữ nhân, 仁, người ta đọc được sự hòa điệu, kết hợp giữa tha nhân với nhau: Nhân (仁):
gồm có Nhân và Nhị là 2. Số 2 chỉ đến “ ta” và “tha nhân”, nên con người chỉ
thực sự là người khi có mối tương giao tốt đẹp với tha nhân.
Nhân trong Lão Tử là lòng yêu thương mà một người tốt có được. Nhân thể hiện qua sự khiêm hạ, không mưu
cầu lợi ích cá nhân, nhưng hướng về tha nhân, không tranh giành hơn thiệt.
Nhân trong
tư tưởng của Khổng Tử có phần tương đồng với Đạo giáo của Lão Tử. Nhân là đức tính quan trọng cần thiết mà
người quân tử phải có. Nhân, đứng đầu
trong Ngũ Thường Nhân – Nghĩa - Lễ - Trí
- Tín. Thi hành Nhân là thể hiện
sự tôn trọng, là yêu thương người khác. Học thuyết nhân là nội dung cốt lõi
trong tư tưởng của Khổng Tử, nói đến mối quan hệ giữa người với người, dựa trên
cơ sở là tình thương yêu giữa con người với nhau. Tình thương đó được đặt tên,
gọi tên là nhân ái. Khái niệm Nhân được củng cố trên nền tảng đạo đức, dựa trên
những nguyên tắc nền tảng “Kỷ
sở bất dục vật thi ư nhân”-
Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho
người khác (Luận Ngữ, Nhan Uyên). “Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ
dục đạt nhi đạt nhân” - Mình muốn đứng vững thì
làm cho người ta đứng vững, mình muốn công việc của mình được thành đạt thì
cũng làm cho công việc của người khác thành đạt (Luận Ngữ 6,28). Nhân ái không
chỉ là nét đẹp của văn hóa, nhưng trở nên đạo, con đường con người hướng về,
không chỉ với tha nhân, nhưng còn đối với chính bản thân mỗi người.
Trong văn hóa Việt Nam, với ảnh
hưởng của Đạo giáo (Lão Tử) và Nho giáo (Khổng Tử), nhưng lòng nhân mà người
Việt được truyền lại từ văn hóa là một lòng nhân không chỉ dành cho bậc quân tử
(như tư tưởng của Khổng Tử) nhưng nhân ái phải có được trong mọi người, từ già
đến trẻ, từ những người có thế giá cho đến người thấp hèn trong xã hội. Nhân ái
trong mọi chiều kích tương quan, nơi mọi hạng người. Nhân ái thể hiện sự hòa
điệu của con người với trời và với đất, trong chiều kích sâu thẳm tâm linh và
trong những mối tương giao với tha nhân. Văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam
trọng “tình nghĩa” hơn “ lễ nghĩa”, nên Nhân chất chứa “tình”, làm cho con
người quy chiếu mọi suy nghĩ, hoạt động, hành vi, ứng xử, lời nói về chữ tình
trong Nhân. Nhân nghĩa
trong đời
sống hôn nhân, trong gia đình, trong làng xóm, trong tập thể, trong môi trường
làm việc... với người thân và cả những người chưa hề quen biết. Nhân
đó đã làm
cho văn hóa Việt giàu tính nhân văn, gần gũi với Lời gieo xuống.
Nguyễn Đình Chiểu, người thừa
hưởng tư tưởng của Nhân, đã nhào nặn nhân nghĩa
Nho giáo,
gạt bỏ đi những giới hạn, và làm phong phú hóa chữ Nhân
trong văn
hóa, trong tư tưởng, trong đời sống của người Việt. Nhân trong văn hóa, là
đức tính cần thiết mà mỗi người cần phải có, không hề giới hạn nơi đẳng cấp như đã nói trong các giáo điều Khổng Mạnh.
Nghèo thì
bắt chước xưa thanh,
Gặp nàn trút đãy, cứu sinh mạng người.
Giàu thời bắt chước xưa hào,
Nợ lâu đốt khế, lúa vào đong ra.
Còn ai cô quạnh mẹ cha,
Lớn khôn gả cưới, bé nhà gìn nuôi.
Thấy người đói khổ chớ nguôi,
Chỗ cho cơm áo, chỗ lòi tiền lương
(Nguyễn Đình Chiểu)
Nhân dành tặng cho hết mọi người, bất luận họ là
ai:
Đứa ăn mày
cũng trời sinh.
Bệnh
nào cứu đặng, thuốc đành cho không.
Nhân, trong quan
hệ tình làng nghĩa xóm “chín bỏ làm mười”, “nhường cơm, xẻ áo”, “lá lành đùm lá
rách”, “tối lửa, tắt đèn có nhau”. Lối sống bạc nhân, bạc tình, bạc nghĩa không
phải là nét tính cách văn hóa, con người Châu Á nói chung, đặc biệt là của
người Việt Nam. Nhân, làm cho con
người “thương người như thể thương thân”,
đưa đến một cuộc sống nặng tình nghĩa, yêu thương. Nhân, trong nghĩa yêu thương đã trở thành một giá trị cao đẹp, làm
cho văn hóa thấm đẫm điểm son lưu truyền từ đời này sang đời khác, trở nên một
kho báu đáng quí mà con người Việt khi mang trong mình sắc màu Châu Á, đáng
phải tự hào.
Sinh ra
trong cõi hồng trần
Là người phải lấy chữ Nhân làm đầu...
Thấy người hoạn nạn, thì
thương,
thấy người tàn tật, lại càng
trông nom.
Thấy người già yếu, mỏi mòn,
thuốc thang cứu giúp, cháo
cơm đỡ đần.
Ở cho có
đức, có nhân
Mới mong đời tự, được ăn lộc
trời.
Thương người, tất tả ngược
xuôi,
thương người, lỡ bước, thương
người bơ vơ.
Thương người, ôm dắt trẻ thơ,
thương người tuổi tác, già
nua bần hàn.
Thương
người, cô quả, cô đơn,
thương người, đói rách, lầm
than kêu đường.
Thấy ai
đói rách, thì thương,
rách thời cho mặc, đói thời
cho ăn.
Thương người như thể thương
thân,
người ta phải bước khó khăn
đến nhà ...
(Gia huấn ca- Nguyễn Trãi)
c. Một văn hóa giàu lòng khoan dung
Khoan dung, trong cái nôi văn hóa Châu Á, là một hệ quả
tất yếu của Nhân. Nhân đưa đến bao
dung, độ lượng trong các mối quan hệ, trong các xung đột của con người. Nhân ẩn chứa vị tha, khoan dung để làm
cho nhân ái có thể được trọn vẹn.
Trong Kinh Thư, khoan là sự khoan
thứ, khoan hồng, rộng lượng; “dung” là
bao dung, còn người Việt hiểu khoan dung với nghĩa bao dung, khoan hồng, lượng
thứ, vị tha.
Khoan
dung của Khổng Tử phát xuất từ Trung
dung, học thuyết do Khổng Tử sáng lập. Trung dung đó bao hàm nhiều ý tưởng,
mà trong đó, việc không chấp nhặt những bất hảo của người khác được Khổng Tử nói đến và đã lấy tấm gương của Bá Di, Thúc Tề để nói với
môn đệ mình về lòng khoan dung “Bá Di,
Thúc Tề không nhớ tới những điều xấu cũ [của người khác] nên ít ai oán ghét”
(Luận Ngữ, Công Dã Tràng, 22). Đồng thời, khi “việc đã thành rồi, chớ nói đi nói lại. Việc nhất định xẩy ra, chớ can
gián. Việc đã qua, chớ nên trách” (Luận Ngữ, Bát Dật, 21). Lòng khoan dung
đó, đối với Khổng Tử sẽ được trả lời cho
vấn nạn khi có người hỏi “Lấy đức
báo oán, chủ trương đó như thế nào?”, Khổng Tử nói: “Vậy lấy gì để báo đức đây? Phải lấy lòng ngay thẳng mà đối xử với kẻ
gây oán thù, và lấy lòng tốt đáp lại lòng tốt của người” (Luận Ngữ, Hiến
vấn, 36).
Học thuyết Trung Dung của Khổng Tử ẩn chứa tính khoan
dung, dù chưa đạt đến tính nhân văn toàn vẹn (vì chỉ áp dụng cho những người
cầm quyền), nhưng cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến các nền văn hóa, trong con
người Á Châu.
Trong tư
duy người Ấn Độ, tính khoan dung được hình thành, gìn giữ do nhiều điều kiện
thực tế, trong mầm văn hóa, lịch sử của đất nước. Theo bài báo của Arianos:
“Megasthenes nói rằng người ấn không bao giờ tấn công những người ngoài biên
giới, và những người khác cũng không bao giờ tấn công người ấn. Alexandros là
trường hợp ngoại lệ đã tiến đánh người ấn Độ”(18). “Người Ấn không
xâm chiếm các nước khác bởi tính công bằng trong tinh thần họ. Tình yêu hoà
bình của người ấn hoàn toàn được nhận ra bởi các học giả phương Tây. Từ “hoà
bình” (peace) có nghĩa gốc là chấp nhận người khác hay những
tư tưởng khác bên cạnh mình.”[5]
Trong vai
trò tướng lĩnh, Nguyễn Trãi, đã thể hiện tư tưởng, lòng khoan dung ngay đối với
cả giặc thù, vượt ra khỏi phạm vi yêu thương con người thân tộc, ruột thịt
trong binh kế phục vụ đại dân, thực hiện mục đích “Hồ Việt nhất gia”.
Lấy ĐẠI NGHĨA mà thắng hung tàn,
Đem CHÍ NHÂN mà thay cường
bạo”.
(Bình Ngô Đại Cáo
- Nguyễn Trãi)
Lòng khoan
dung đó, nhắc nhớ bài học trong Huyền sử văn hóa Việt có từ bao nghìn năm “ Bao
dung, đồng cảm, chia sẻ”. Một bài học làm người được xây dựng trên những giá
trị căn bản : Đại Nghĩa, Chí Nhân, Từ tâm và Tha thứ, Cao thượng, Bất bạo động,
Tôn trọng sự sống ...
Yêu nhau chín bỏ làm mười
(Ca dao- tục ngữ Việt Nam)
Em giấu những xót xa
Vào cái nhìn sâu thẳm
Thắp lên niềm hy vọng
Để lối về thênh thang.
...
Đâu chỉ có riêng ta
Giữa dòng đời vồn vã
Cất vào tim tất cả
Ta dâng đời bao dung!
(Thơ Bao Dung-
Trần Thị Cẩm Thúy)
d.
Một văn hóa trong trung dung,
trong triết lý của chữ “Hòa”
trong triết lý của chữ “Hòa”
Trung dung, cái văn hóa trong triết sống, một triết lý
trong văn hóa, làm nên con người với những đặc thái riêng biệt của người Châu
Á.
Trung dung nói lên hợp tính hòa điệu, hợp đạo giữa cái
bên trong và cái bên ngoài của tâm thức con người, là cái tiết nhịp giao điệu,
hòa điệu giữa không gian và thời gian ở một mức tối thiểu trong cách sống, cách
hoàn thiện nơi mỗi con người. Các Nho giáo xưa đã giữ cho mình có một tinh thần
nhân chủ trong việc tri Thiên, giữ đạo
Trung, Hòa tan đạo vào đời, kết hợp Thái Hòa trong cách tu dưỡng sửa mình. [6]
“Quân tử hòa nhi bất đồng”- Quân tử hòa với mọi người (Luận Ngữ: Tử Lộ, XIII); hay “Hòa dã,
thiên hạ chi đạt đạo dã”- Hòa ấy là đạt
đạo của thiên hạ - là triết lý Á Đông, một triết lý đưa đến sự đạt đạo, làm
nên cái văn hóa có chữ “Hòa” đẹp và cao quý. Văn hóa đó chuyển chở một giòng
mạch của mối giao hòa của nội tâm, tiềm thức với ngoại cảnh, ý thức. Một sự hòa
hợp giữa Nội- Ngoại, giữa Hữu và Vô, giữa Đất và Trời[7], giữa
con người với tha nhân, và hòa điệu trong chính bản thân mình.
Trời che,
đất chở ta thong thả,
Trời đất, ta đây đủ hóa công.
(Vịnh Tam Tài – Trần Cao Vân)
Chim kêu hoa liễu nở đầy
Họa đường thềm rợp bóng mây may
Khách vào chẳng bàn chuyện thế sự
Đứng tựa lan can ngắm cảnh trời”
Họa đường thềm rợp bóng mây may
Khách vào chẳng bàn chuyện thế sự
Đứng tựa lan can ngắm cảnh trời”
( Xuân Cảnh- Trần Nhân Tông)
Hòa trong trời đất, nhạy cảm trước nắng mưa, như cây cỏ,
tàu lá, hồn thênh thang rộng mở để nhạy bén tinh tế trước những đổi thay của
vạn vật vũ trụ, của đất trời, và cũng là sự nhạy cảm để nghe được tiếng của tha
nhân, để sẻ chia, để sống cùng với vui buồn của con người, của tha nhân, đó là Hòa.
Bashô no waki shite Cây chuối trước cơn gió
Tarai ni ame no tiếng mưa dội vào chậu hứng nước
Kiku yo kana [tôi] lắng nghe tiếng mưa đêm
Giọt mưa rả rích ngoài hiên,
Lá khua xào xạt, triền miên đêm dài.
(Basho – Nhà thơ Haiku nổi tiếng của Nhật Bản)
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nưới hò reo,
Để nghe tơ liễu rung trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu.
Để nghe dưới đáy nưới hò reo,
Để nghe tơ liễu rung trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu.
( Đà Lạt
trăng mờ - Hàn Mạc Tử)
Xưa và nay, thuyết tương đối âm dương vẫn gần gũi, gắn bó
sâu sắc với văn hóa Châu Á. Nó được thể hiện ở nhiều góc độ, khía cạnh trong
đời sống, giữa các cặp đối lập vốn có hàng ngày, trong văn hóa: mẹ - cha; trời
- đất; vuông - tròn; nóng - lạnh; cao – thấp. Do đó, người Á Châu luôn tìm sự
hòa điệu trong Âm- Dương, trong dương có
âm, trong âm có dương. Họ đã vận dụng khéo léo triết thuyết này vào trong
cuộc sống, trong văn hóa của mình, đưa Hòa
vào trong từng mảng của đời thường,
trong tư duy, trong cách sống, nghệ thuật... biểu hiện chữ Hòa và sự quân bình Âm Dương mà họ được kế thừa.
Thưởng thức tách trà của người Nhật, con người thấm nhanh
triết lý của Hòa (Wa) trong văn hóa của tách trà, trong đức của con người và
trong cuộc đời. Khi bước vào trà thất, “Hòa
đòi hỏi mọi người trong trà thất tự chuẩn bị cho mình một tâm thế hài hòa
với khung cảnh, kiềm chế lòng vị kỷ và sự nóng giận, làm sao cho tư duy và hành
xử của mình hòa hợp với mọi người”[8].
Một tách trà, một không gian trà thất mà khi bước vào, ta
không chỉ thấy mảng nổi của văn hóa của Nhật, nhưng ta học được chữ Hòa trong
tách trà, trong không gian mà nơi đó, mỗi người phải có được một tâm thế Hòa, nếm cảm cái tự do, bỏ đi những cái
ép buộc đến bất cứ từ đâu. Cái bình đẳng trong Hòa, không có hình ảnh của sự hỗn độn, nhưng đón nhận mỗi người
trong giá trị, vị trí riêng của chính họ, bất luận giai cấp, thành phần.
Chữ hòa của trà đạo đề cao tính trang trọng và nét thanh
bần vốn là tinh chất của cuộc đời bình dị, nhờ vậy tạo nên được khoảnh khắc
tách biệt hẳn cuộc sống xô bồ hiện hữu bên ngoài. Để tạo nên khung cảnh và tâm
thế ấy, trà thất - cho dù làm riêng biệt hoặc thu xếp một nơi ngay trong nhà ở
- đều phải tạo cho được vẻ giản dị, thanh bần.[9]
Hòa dẫn
con người đến chỗ khiêm nhu, không tranh giành, không háo thắng, sống nhân cách
đạo làm người trong tâm thiện, sống an nhàn cuộc đời.
Ở
thế đừng tranh tiếng trượng phu
Làm chi cho có sự đôi co
Ðấy cậy đấy khôn, đây chẳng nhịn
Ðây rằng đây phải, đấy không thua
Duật nọ hãy còn đua với bạng
Lươn kia hầu dễ kém chi cò
Chữ rằng: Nhân dĩ hòa vi quý
Vô sự thì hơn, kẻo phải lo.
Làm chi cho có sự đôi co
Ðấy cậy đấy khôn, đây chẳng nhịn
Ðây rằng đây phải, đấy không thua
Duật nọ hãy còn đua với bạng
Lươn kia hầu dễ kém chi cò
Chữ rằng: Nhân dĩ hòa vi quý
Vô sự thì hơn, kẻo phải lo.
(Dĩ hòa vi quí – Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Cái
giới hạn trong tư duy, trong vốn hiểu biết sẽ không nói hết được một văn hóa
đậm tính nhân văn, triết lý, nên chỉ như một ngọn gió thoảng như trong một buổi
trưa hè, có thể cho một chút dấu nào đó, nhưng chưa phải là tất cả. Dù là thế,
dù giới hạn, không họa được nhiều nhưng vẫn tiếp tục đi tới để thấy,
3. Lời đã gieo trên mảnh đất văn hóa ấy...
Lời
của Thiên Chúa đã nhập thể “Ngôi Lời đã
làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14), đã đến và ở giữa vùng miền văn hóa
Châu Á, một quê hương có nhiều nền văn hóa không phải là Kitô giáo, một quê
hương có rất nhiều tôn giáo lớn, của những truyền thống tâm linh ăn sâu trong
dòng chảy Á Châu. Trong ân sủng của
tình yêu, của sáng kiến tuyệt vời nơi Thiên Chúa, mảnh đất Châu Á, con người
Châu Á được diễm phúc đón nhận sự nhập thể của Lời, được Lời cư ngụ, và được
gặp gỡ Lời trong văn hóa, trong tâm linh.
Văn hóa là môi trường sinh động trong đó con người đến gặp Tin Mừng diện
đối diện. Cũng như mỗi nền văn hóa là kết quả xuất phát từ cuộc sống và sinh
hoạt của một tập thể nhân loại, thì đối lại những con người thuộc tập thể này
lại được khuôn đúc trong một phạm vi rộng bởi chính nền văn hoá mà trong đó họ
đang sinh sống.[10]
Lời
đã gieo trong môi trường văn hóa cụ thể, mà nơi đó, văn hóa chất chứa tính nhân
văn, trong triết lý Á Đông, đã thấm vào máu thịt của người dân Châu Á. Một nền
văn hóa gắn với lịch sử thăng trầm, gắn với sự khao khát hướng thiện, đi tìm
chân lý. Lời đã gieo, đã đối thoại với nền văn hóa và làm cho cái đẹp tinh túy
của văn hóa được triển nở trọn vẹn hơn, dần đi đến chỗ thiện toàn. Chính trong sự nhập thể của Lời, mọi giá trị
đích thực của các truyền thống, các tôn giáo và văn hóa… đều đạt tới mức sung
mãn và hoàn thành nơi Đức Kitô[11] và khi
vượt qua cái chết đến vinh quanh Phục Sinh “nơi Đức Kitô, "các giá trị
đích thực của mọi truyền thống tôn giáo và văn hóa như từ bi và tuân phục thiên
ý, nhân từ và ngay thẳng, bất bạo động và liêm khiết, thảo hiếu và hòa hợp với
thọ tạo đều đạt tới mức sung mãn và hoàn thành"[12]. Cũng
chính Ngài là Tin mừng cho bất cứ ai đang đi tìm ý nghĩa của cuộc đời và sự
thật của con người.
Một cuộc hội nhập văn hóa của Lời sẽ đổi mới các nền văn
hóa từ bên trong, thu dụng những yếu tố tích cực có sẵn từ các nền văn hóa để
truyền đạt chân lý của Tin Mừng. Khi đã được tinh lọc và được đổi mới nhờ ánh
sáng Tin Mừng, văn hóa sẽ trở thách diễn tả trung thực đức tin duy nhất của
Kitô giáo.[13]
Lời
đã nhập thể. Nhập thể bằng cung bậc của tình yêu, một tình yêu tuyệt hảo, không
có gì có thể sánh ví. Một tình yêu không có điều kiện, Agape – tình bác ái[14],
nhập thể trong văn hóa. Lời, Tin Mừng của lòng nhân ái, bao dung, của sự hòa
hợp tuyệt diệu hơn bao giờ hết.
Lời đi vào văn hóa bằng tình yêu, gột rửa tình yêu còn
giới hạn trong văn hóa, trong tâm con người, để đi tới tình yêu đích thực hơn,
để yêu tha nhân môt cách hoàn thiện hơn như bản chất của Lời “Thiên Chúa là
tình yêu” (1 Ga 4,16).
Lời tình yêu bén rễ trong văn hóa và biến đổi
văn hóa, đi vào nội tâm con người bằng cung điệu của văn hóa, tư duy, chỉ cho
con người đối tượng để yêu “Điều răn thứ
hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12, 31; Mt
22,39), Yêu đi đến sự tôn trọng giá trị của tha nhân như họ là, “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra
toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng.
Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (
Mt 5, 22).
Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh
em. Như vậy, anh em mới
được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời
của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên
người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì
nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? (Mt 5, 44-46; Lc 6:27-28,32-36).
Và đây là cách thức để yêu, sẵn sàng
thiệt thòi vì tình yêu, đi đến phục vụ, cho đi mà không đòi đáp đền, bất luận
vai vế, vị trí lớn nhỏ “Ai muốn làm lớn
giữa anh em, thì phải phục vụ anh em” ( Mt 20,26b).
Tình yêu thật không hợm hĩnh khoe trương “Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết
việc tay phải làm, để việc
anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ
trả lại cho anh" (Mt 6, 3-4).
Khoan dung ở trong tình yêu, xuất phát từ tình yêu.
Một sự khoan dung, độ lượng không có giới hạn “Bấy giờ,
ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ
xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?
" Đức Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến
bảy mươi lần bảy." (Mt 18,21-22; Lc 17, 3b-4), “Bấy giờ, Đức Giêsu cầu nguyện rằng: Lạy
Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Tình yêu đưa đến
Hòa, xây dựng hòa trong cuộc sống, và trở nên phúc lành cho những ai xây
dựng được chữ Hòa trong cuộc đời, trong tương quan với tha nhân,
“Phúc thay ai xây dựng hoà bình,vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”
(Mt 5,9). “Vậy tất cả những gì anh em
muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta (Mt
7,12).
Hòa để không gây tranh chấp, bất
bạo động, làm cho tình yêu được kết trái, con người được gần gũi với nhau trong
Thiên Chúa:
Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên
phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.
Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo
ngoài. Nếu có người bắt anh đi
một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai
xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi (Mt 5, 39-42; Lc 62:9-30).
Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em
đang có chuyện bất bình với anh,
thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi
trở lại dâng lễ vật của mình (Mt 5,
23-24).
Hòa, chấp nhận sự bé nhỏ về phần mình, để tha nhân được lớn “Người
phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30).
Hòa, đi tới sự
khiêm nhu, trước tha nhân và trước
Thiên Chúa, nhưng lại được phần thưởng lớn lao "Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn
nhất Nước Trời" (Mt 18,4).
Điều
đặc biệt của tình yêu nơi Lời, là một tình yêu tự hiến, chấp nhận hy sinh mạng
sống cho tình yêu, cho con người. Trong văn hóa hình tượng, hình ảnh hạt lúa mì
rơi xuống, chịu thối rữa, để nảy mầm sự sống, Lời đã đến, sống và thể hiện “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết
đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, nó sẽ nảy sinh được
nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).
4. Văn hóa – Tin mừng – Giáo hội
Dù chưa được tròn đầy, chưa được thanh tẩy, nhưng ẩn sâu
trong các dân tộc, trong văn hóa của người Á Châu vẫn luôn có một sự khao khát
“nước hằng sống” (x. Ga 4,10-15). Sự khao khát – mà Chúa Thánh Thần khơi dậy
- chỉ có thể được thỏa mãn, được no đầy
trong Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ.
Chính Chúa Thánh Thần, Đấng đã hiện diện, hoạt động từ
thời các tổ phụ và cho đến hôm nay, đã tạo ra các cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa
Lời và các dân tộc, các văn hóa để quy về Đức Giêsu Kitô, là Đấng Trung Gian
duy nhất và phổ quát, là Đấng Cứu Độ duy nhất, là trung tâm của mọi niềm tin,
mà nơi Ngài, con người trong cái nôi văn hóa của mình, “sẽ tìm được câu trả lời
cho những vấn nạn sâu xa nhất của mình, sẽ thấy những niềm hy vọng của mình
được thực hiện, sẽ thấy phẩm giá mình được nâng cao và nỗi thất vọng bị chế
ngự. Đức Giêsu là Tin mừng cho mọi người ở mọi thời mọi nơi đang đi tìm ý nghĩa
của cuộc đời và sự thật của con người.”[15] “Một khi tâm trí con người được Thánh Thần
biến đổi và tái tạo thì xã hội và văn hóa loài người sẽ chịu ảnh hưởng của
Ngài”.[16]
Do đó, Giáo hội luôn mong mỏi, tìm kiếm những phương cách
để tạo nên cuộc gặp gỡ, để làm cho Tin Mừng được giao lưu, hội nhập trong văn
hóa, trong cái đã ít nhiều định hình nét tính cách của con người Á Châu.
Đức tin mà Giáo hội trao tặng cho
con cái Châu Á không thể bị giới hạn trong sự hiểu biết và cách diễn tả của bất
cứ một nền văn hóa nào, vì đức tin vượt trên tất cả những giới hạn đó và thúc
đẩy mọi nền văn hóa vươn lên tới những tầm cao mới của sự hiểu biết và diễn
đạt.[17]
Ngày hôm nay, Giáo
hội luôn ý thức rằng, để Lời được bám rễ trong
văn hóa và được rao giảng trong văn hóa, cũng như việc giới thiệu mầu
nhiệm Đức Kitô cho dân tộc, cần phải theo những mô hình văn hóa và cách tư duy
của người Châu Á. Một cuộc đối thoại văn hóa, nhờ đó các nền văn hóa Á Châu có
thể nắm bắt được ý nghĩa cứu độ phổ quát của mầu nhiệm Đức Giêsu và Giáo hội
Ngài.[18]
Cần phải rao giảng Tin Mừng cho văn hóa
và các nền văn hóa của con người, không phải như để trang trí, như lớp sơn bên
ngoài, nhưng phải rao giảng một cách sinh động, sâu xa, đến tận gốc rễ, luôn
luôn đi từ con người và luôn trở về những quan hệ của con người với nhau và với
Thiên Chúa.[19]
Và “một đức tin mà chưa biến thành văn hóa, là
một đức tin chưa được đón nhận trọn vẹn, chưa thực sự suy tư, chưa sống một
cách chân thành” (ĐGH Gioan Phaolô II).
...
Ba chấm để lại, như là suy tư, một cái nhìn
còn dở dang, chưa trọn vẹn, để tìm ra một cách thức diễn tả đức tin sống động
trong môi trường văn hóa cụ thể hôm nay của chính bản thân mình.
[1] x. ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Á, số 6.1;6.3
[2] The
New Encyclopedia Britannica, vol.3,15th Edition 1997,784
[3] x. Hồ Sĩ Quý, “Bí ẩn Châu Á trong tấm
gương triết học Châu Á”, Tạp chí Triết
học.
[4] x. “Nước Nhật trong dư chấn - Tĩnh lặng
trong đổ nát” – Báo Tuổi trẻ Chúa Nhật 20/03/2011
[5] X. Hajine Nakamura - The ways of thinking of
Eastern peoples”. Yushodo co. LTD. Tokyo. Japan. 1988., tr. 159-165.- “Tinh
thần khoan dung và sự hoà giải” (người
Ấn Độ), Phương Việt Thu dịch - Tạp chí Văn hóa nghệ thuật.
[6] x. Đông Lan, Tinh thần Nhân Chủ trong Trung Dung và Huyền sử Việt
[7] Sự
tích bánh Chưng bánh dày - Huyền sử văn hóa Việt Nam
[8] “Bí ẩn trà đạo Nhật bản”, Báo Người Lao Động, 03/11/2011.
[9] x. “Bí ẩn trà đạo Nhật bản”, Báo Người Lao Động, 03/11/2011.
[10] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, số 21.
[11] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, chương 2.
[12] x. Ibid., số 14.1
[13] x. Ibid., số 21.2
[14] x. ĐGH Benedicto XVI, Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu.
[15] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, số 14.3
[16] x. Ibid., số 15.4
[17] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, số 20.8
[18] x. Ibid.
Đăng nhận xét