Khám phá “tia sáng chân lý” nơi các tôn giáo bạn



Giáo Hội nhìn nhận và kính trọng các tôn giáo khác,
mặc dù các tôn giáo này
còn có nhiều cách thức diễn tả niềm tin
khác với Giáo Hội Công Giáo, vì các tôn giáo khác
cũng phản chiếu tia sáng của chân lý,
chân lý đang chiếu sáng cho tất cả nhân loại
. [1]
Mary Nguyễn Hòa - MTG Qui Nhơn


DẪN NHẬP
Càng chạy đua với thời gian, với nhịp sống ồn ào của nền văn minh khoa học kỹ thuật cũng như những xu hướng sống vội vàng, tranh thủ của chủ nghĩa hưởng thụ và kinh tế thị trường, con người càng cảm thấy nỗi khao khát tìm kiếm chân lý, vươn tới Đấng Tối Cao. Nỗi khao khát này  ngày càng khẩn thiết và mãnh liệt hơn bởi ẩn tàng trong thâm sâu cõi lòng con người luôn có sự hiện diện của Đấng Chí Tôn mà họ hay gọi là “Trời”. Chính Thánh Augustinô đã phải thốt lên: “Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa, và lòng con những khắc khoải cho tới khi được an nghỉ trong Chúa.
Tuy vậy, thực tế cho thấy rằng không phải tất cả mọi người đều được biết Chúa và tìm kiếm Ngài, có chăng là những người may mắn được hấp thụ Đức tin Công Giáo khởi đầu này nhờ truyền thống đạo Công Giáo của gia đình, nhờ những cảm nghiệm thiêng liêng họ đã từng nhận được khi đối diện với Thiên Chúa. Thế thì còn biết bao tâm hồn không có điều kiện được biết và đón nhận Tin Mừng của Đức Kitô, họ sẽ đi về đâu để có thể tìm kiếm điều mà họ hằng khao khát, đặc biệt nơi vùng đất Á Châu này? Liệu rằng khi sống trong thế giới đa nguyên tôn giáo và nhiều truyền thống văn hóa cổ kính đầy phức tạp này, khi dấn thân và sống trong một tôn giáo hay các truyền thống văn hóa cổ kính, họ có được đón nhận ơn cứu độ do chính Máu Đức Kitô đổ ra để cứu chuộc tất cả nhân loại chăng? Một khi đã sống với niềm tin của mình, các tín đồ trong các tôn giáo ngoài Kitô giáo có tìm được chân lý là nguồn hạnh phúc đích thực cho cuộc đời mình không?
Với những suy tư giới hạn, người viết chỉ xin được chia sẻ những suy nghĩ của cá nhân, như một chút thao thức của chính mình trong nhịp sống sứ vụ và Loan Báo Tin Mừng của Giáo Hội hoàn vũ, cách riêng là Giáo Hội tại Á Châu.
1.      Những “hạt giống của Lời” được Chúa Thánh Linh gieo vãi nơi mảnh đất Á Châu phản chiếu tia sáng chân lý đang chiếu sáng tất cả nhân loại
Châu Á, lục địa rộng lớn nhất và đông dân nhất hoàn cầu, chiếm gần 2/3 dân số thế giới. Châu Á còn là lục địa của người trẻ (gần 40% dưới 15 tuổi) với hơn 30 thành phố khổng lồ có số dân từ 5 đến 20 triệu người. Bên cạnh đó, vùng đất Á châu cũng đầy những dị biệt, mâu thuẫn về tự nhiên, kinh tế, xã hội, dân tộc, chính trị và tôn giáo với các thực tại như hiện tượng toàn cầu hóa, đô thị hóa, di cư, du lịch, sự bùng nổ các phương tiện truyền thông đại chúng, tình trạng áp bức bóc lột, nhiều ý thức hệ khác nhau đã dẫn đến chế độ độc tài, kỳ thị tôn giáo.... Nét đánh động nhất của lục địa này là sự đa dạng của các dân tộc, những người “thừa hưởng những nền văn hóa, tôn giáo và truyền thống cổ kính”[2]. Có thể nói rằng nơi đây là cái nôi của các tôn giáo lớn và của nhiều nền văn hóa và truyền thống ngàn đời, có nhiều nền văn hóa không phải là Kitô giáo. Trong Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhận định về thực tại tôn giáo của châu lục này như sau:
Châu Á là chiếc nôi của các tôn giáo lớn trên thế giới như Do Thái Giáo, Kitô Giáo, Hồi Giáo và Ấn Độ Giáo. Đó cũng là nơi khai sinh của nhiều truyền thống tâm linh như Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo, đạo Sikh và Thần Đạo (Shintoism)…, chưa kể hàng triệu người cũng theo các tôn giáo truyền thống và bộ tộc, có nghi thức qui củ và giáo lý chính thức ở những mức độ khác nhau.
Người dân Á Châu rất tự hào về các giá trị tôn giáo và văn hoá của mình như: yêu mến sự thinh lặng và chiêm niệm, sống giản dị, hòa hợp, từ bỏ, thanh đạm, ham học hỏi và truy tầm triết lý.[3] Đặc biệt, họ quý trọng các giá trị như: tôn trọng sự sống, từ bi với mọi loài, gần gũi thiên nhiên, hiếu thảo với tổ tiên và các bậc sinh thành, ý thức sâu sắc về cộng đoàn, sống tinh thần bao dung và hòa bình… Cũng chính trong lịch sử phát triển tâm linh, con người đã khám phá ra nhiều con đường khác nhau để tìm về Hữu Thể tuyệt đối như một vị thần linh tối cao, một vị có quyền năng và sức mạnh ưu việt được ẩn tàng trong vạn vật và biến cố đời người, vị đó có thể cùng đồng hành với họ trong cuộc sống. Kinh nghiệm ấy đã dẫn dắt họ đến những tôn giáo khác nhau. Mặc dù chịu ảnh hưởng của trào lưu hiện đại hoá và tục hoá, các tôn giáo Á Châu vẫn chứng tỏ mình có nhiều sinh lực và khả năng canh tân, như có thể thấy qua các phong trào cải cách ngay trong các tập thể tôn giáo khác nhau, luôn tìm cách diễn tả và giải đáp các vấn đề sâu xa, tiềm ẩn của con người bằng những ý niệm cao siêu và tinh tế.  Đặc biệt nhiều người, nhất là người trẻ, rất khao khát các giá trị tâm linh, các tôn giáo cố gắng làm cho tâm hồn con người thoát khỏi những băn khoăn, phiền muộn, cho “tâm thái tĩnh lặng” bằng những lối sống khắc khổ, tịnh niệm thâm sâu và việc thực hành các phương pháp tâm linh. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những giáo thuyết, lễ nghi phụng tự trong các phong trào tôn giáo mới gần đây cũng là một bằng chứng rõ ràng.[4]
Với những điều đã nói ở trên cho thấy người Á Châu đã có cảm thức bẩm sinh về tâm linh và tố chất “thiêng” sâu sắc cũng như có nền minh triết khá vững chắc đã làm nên một cái gì đó vừa linh thiêng vừa rất “bản sắc Á Châu”. Hơn thế nữa, Châu Á là nơi Đức Giêsu và Giáo Hội đã sinh ra, là món quà Chúa Cha gửi tặng cho Châu Á nói riêng và nhân loại nói chung mà chính Giáo Hội Á Châu phải ca ngợi “Thiên Chúa cứu độ” (Tv 68, 20) vì đã quyết định khởi sự kế hoạch cứu độ của mình trên mảnh đất Á Châu. Thật vậy, chính tại Á Châu, ngay từ đầu Thiên Chúa đã mặc khải và thực hiện ý định cứu độ của Ngài qua việc hướng dẫn các tổ phụ (x. St 12) và kêu gọi Môsê đưa dân Ngài đến chỗ tự do (x. Xh 3,10). Ngài ngỏ lời với dân được chọn ấy thông qua nhiều ngôn sứ, thủ lãnh, vua chúa và ngay cả những phụ nữ can đảm trong đức tin. Và “khi thời gian đã mãn”(Gl 4,4), Ngài sai Con duy nhất của mình là Đức Giêsu Kitô cứu thế mang hình hài là người Á Châu, mảnh đất của hứa hẹn và hy vọng cho toàn thể nhân loại, để rồi từ mảnh đất này, qua việc rao giảng Tin Mừng dựa vào sức mạnh Chúa Thánh Thần, chương trình Thiên Chúa sẽ được thực hiện tròn đầy và viên mãn.
Như vậy, nột khi nói đến chương trình cứu độ nhân loại của Chúa Cha qua Đức Giêsu chắc chắn không thể không đề cập đến vai trò Chúa Thánh Thần trong lịch sử cứu độ. Ngài là tác nhân siêu việt, đã nói qua các ngôn sứ, qua việc chuẩn bị và hiện thực hóa mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô trong tâm hồn con người và trong lịch sử nhân loại. Người giữ vai trò chủ đạo trong toàn bộ sứ vụ của Giáo Hội, đặc biệt sứ vụ truyền giáo. Người chuẩn bị cho sứ vụ loan báo Tin Mừng  của Giáo Hội qua việc gieo vãi và phát triển những ân huệ nơi tất cả mọi dân tộc, nơi nền văn hóa và tôn giáo của họ. Ngài như là Đấng ban phát sự sống[5], là sức mạnh kín đáo đang âm thầm hoạt động trong lịch sử, hướng dẫn lịch sử đi vào con đường sự thật và tốt lành. Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu đúc kết vấn đề như sau:
Dưới sự hướng dẫn của Thần khí, lịch sử cứu độ trải rộng ở mức độ thế giới và ngay cả ở bình diện vũ trụ, theo chương trình đời đời của Thiên Chúa. Chương trình này, do Thần khí chủ động ngay từ phút đầu tiên của công cuộc sáng tạo, đã hiện diện trong Cựu Ước và được hoàn thành nhờ hồng ân của Đức Giêsu Kitô…
Đường hướng của Giáo Hội trong thế giới đa nguyên tôn giáo này đã được đề ra và Công đồng Vatican II đã khai triển đường hướng của Giáo Hội đối với các tôn giáo ngoài Kitô giáo: Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh đến vai trò tác động tích cực và đa dạng của Chúa Thánh Linh nơi các tôn giáo “Chúa Thánh Thần, Đấng vẫn tiếp tục gieo các hạt giống chân lý vào các dân tộc, tôn giáo, văn hóa và các quan niệm triết lý của họ.”[6]
Sống giữa thế gian, con người luôn bị phủ vây tứ bề, lực lượng tử thần luôn tìm cách cô lập con người, xã hội và cộng đồng tôn giáo với nhau, gieo rắc những ngờ vực, cạnh tranh, đối đầu, đưa đẩy họ đến chỗ xung đột với nhau. Chúa Thánh Thần hoạt động nơi các tôn giáo, văn hóa để giúp con người biết hòa giải trong tinh thần đối thoại và dấn thân cho việc phục vụ sự sống và hạnh phúc nhân loại. Chính Ngài là tác nhân chính của việc đưa đức tin Kitô giáo hội nhập vào Á Châu và sẽ đưa tất cả những ai tham dự cuộc đối thoại văn hóa này vào chân lý toàn diện và bảo đảm cho cuộc đối thoại ấy diễn ra trong sự thật, lương thiện, khiêm tốn và kính trọng[7]. Sự hiện diện của Ngài không mang tính cách thụ động nhưng tiến triển theo chiều hướng tích cực, Ngài đang hoạt động trong lòng mọi người, qua những “hạt giống Lời Chúa” được thể hiện nơi những khởi động của con người bao gồm cả những khởi động về tôn giáo cũng như nơi những nỗ lực của con người trong việc đạt tới sự thật, sự thiện và chính Thiên Chúa[8]. Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu xác tín rằng trong lòng dân chúng, văn hóa và tôn giáo tại Á Châu có một cơn khát “Nước Hằng Sống” ( Ga 4, 10-15), một cơn khát chính Thần Khí đã tạo ra và chỉ duy Đức Giêsu mới có thể thỏa mãn đầy đủ.
Việc Thần Linh hiện diện và hoạt động chẳng những nơi cá nhân mà còn nơi xã hội, lịch sử, nơi các tôn giáo và văn hóa dân tộc nữa. Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã trình bày vấn đề dưới một lăng kính cởi mở và sâu sắc hơn: “Thần Khí của Thiên Chúa động chạm, thanh tẩy và cứu vớt không những các cá nhân, mà cả các nền văn hóa và tôn giáo nữa[9], từng ngày Ngài tiếp tục gieo vãi các hạt giống chân lý nơi tất cả mọi dân tộc, mọi tôn giáo, văn hóa và triết lý của họ.[10] Cũng chính Thần Linh là Đấng gieo các “hạt giống của Lời” hiện diện nơi các tập tục văn hóa khác nhau, sửa soạn cho chúng được toàn vẹn trong Chúa Kitô.[11]
Bất cứ những gì Thần Linh làm phát sinh nơi cõi lòng con người cũng như nơi lịch sử các dân tộc, nơi các nền văn hóa cũng như nơi đạo giáo, cũng đều giúp vào việc sửa soạn cho con người đón nhận Phúc Âm.[12] Ngài là nguồn gốc của các lý tưởng, cũng như  của công việc cao quý là những gì mang lại lợi ích cho loài người trong cuộc hành trình của họ qua dòng lịch sử. “Bằng việc quan phòng khôn ngoan, Thần Linh Chúa hướng dẫn diễn tiến của các thời đại và canh tân bộ mặt trái đất”[13]. Như thế, Thần Linh, Đấng “thổi đâu thì thổi” (x. Ga 3,8), Đấng “đã hiện diện trong thế gian trước khi Chúa Kitô được vinh hiển[14] và là Đấng “tràn đầy thế gian,… nắm giữ tất cả mọi sự lại với nhau và biết những gì phải nói” (x. Kn 1,7), đã mở rộng cái nhìn của chúng ta để suy nghĩ về hoạt động của Ngài ở mọi thời và mọi nơi.[15]
2.      Ân sủng hiện diện nơi các tôn giáo và Đức Kitô chính là Đấng cứu độ duy nhất.
Ân sủng không xuất phát từ nơi con người nhưng đến từ Thiên Chúa. Nhìn từ góc độ nào đó, nhận thấy rằng niềm tin của con người có khuynh hướng về thế giới siêu việt. Đó đây, nơi các tôn giáo và các truyền thống văn hóa đã không thiếu những tâm hồn mang trong nội tâm sự khao khát Đấng Tối Cao, lại ẩn sâu trong đó những giá trị đạo đức, phảng phất tia sáng chân lý. Đức Phaolô VI, đã  nhấn mạnh trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi:
Các tôn giáo ngoài Kitô giáo mang trong nội tâm tiếng vọng của hằng ngàn năm tìm kiếm Thiên Chúa, một theo đuổi tìm tòi tuy chưa hoàn toàn nhưng đã tạo ra một gia sản đầy ấn tượng gồm các tài liệu tôn giáo sâu sắc. Các tôn giáo đó đã từng giảng dạy nhiều thế hệ cách cầu nguyện và thấm nhuần các “hạt giống của Lời” và thực sự “chuẩn bị dẫn nhập vào Phúc Âm”.[16]
Chúng ta vẫn bắt gặp những dấu chỉ hiện diện của ân sủng nơi tôn giáo bạn, vì thế trong Tuyên ngôn về Liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô Giáo, Công đồng Vat. II đã tuyên bố:
Trong Ấn Giáo, con người tìm hiểu huyền nhiệm thần thiêng và diễn tả huyền nhiệm đó bằng những thần thoại phong phú bất tận cũng như bằng nỗ lực suy tư triết lý sâu sắc. Họ tìm cách giải thoát khỏi những nỗi âu lo của kiếp người hoặc bằng những lối sống khắc khổ, bằng việc chạy đến nương ẩn nơi Thượng Đế với lòng mến yêu tin cậy.
Thêm vào đó, còn có những nơi tu trì và các giá trị đạo đức lớn như những trung tâm hướng dẫn đời sống thiêng liêng qua các guru của các trung tâm ấy, những ý nghĩa tượng trưng phong phú của việc thực hành và lòng mộ đạo phổ biến. Còn đối với các truyền thống Phật giáo theo giáo lý Tứ Diệu Đế và Bát Chính Đạo của Đức Phật, cũng theo một phương cách của việc đào luyện đạo đức, suy gẫm (cầu nguyện) và hiểu biết nhằm dẫn đến sự minh sáng và giải thoát nội tại. Phật giáo cũng giúp cho các tín hữu Kitô giáo khám phá ra các nguồn cội Kitô giáo của lòng từ bi xã hội của mình. Với anh em Hồi Giáo, chúng ta cũng bắt gặp niềm tín thác vào Đấng Chí Tôn của họ, đó là: sự thờ phượng Thiên Chúa  duy nhất mà họ xem là Đức Allah, thái độ tuân phục ý định Thiên Chúa của các tín hữu, lời cầu nguyện và việc sám hối của họ, lòng tin tưởng vào Abraham. Dù không chấp nhận thiên tính của Chúa Giêsu, người Hồi Giáo vẫn tôn kính Người như một vị Ngôn Sứ và tôn sùng Mẹ đồng trinh của Người. v.v… Mỗi tôn giáo biểu đạt một niềm tin vào Thượng Đế tuy được diễn tả theo những khuôn mặt khác nhau của Mầu nhiệm tối cao, nhưng chung qui vẫn là Thiên Chúa. Tuy trong đó có những quan niệm khác nhau, có nhiều nét dị biệt nhưng những nét đó phần nào giúp con người đào sâu kinh nghiệm về sự gặp gỡ thần linh, cũng như bổ túc cho nhau thêm phong phú hơn. Mầu Nhiệm này được chính Đức Giêsu là Ngôi Lời mặc khải cho con người bởi Ngài chính là “trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người” (1Tm 2, 5). Các Nghị Phụ nhắc lại rằng Ngôi Lời tiền hữu hay Con Thiên Chúa sinh ra từ đời đời “đã có mặt nơi thụ tạo, trong lịch sử và trong mọi khát vọng của con người đối với điều thiện”[17]. Sau khi nhập thể để sống, chết và sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu Kitô đã được công bố là điểm tới của thụ tạo, sự thành tựu của lịch sử và sự hoàn thành tất cả mọi khát vọng của con người về một cuộc sống sung mãn. Sau khi sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu Kitô đã “hiện diện với mọi người và toàn thể thụ tạo một cách mới mẻ và mầu nhiệm”. Nơi Ngài, “các giá trị chính hiệu của mọi truyền thống tôn giáo và văn hóa như từ bi và tuân phục Thiên ý, nhân từ và ngay thẳng, bất bạo động và liêm khiết, thảo hiếu và chan hòa với vũ trụ, được hoàn thành và đạt tới mức sung mãn. Từ giây phút đầu tiên của lịch sử và cho tới khi kết thúc, Ngài vẫn là Vị Trung Gian duy nhất và phổ quát.[18]
Ý muốn cứu độ của Chúa Cha lệ thuộc chặt chẽ với niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Chương trình cứu độ chỉ được thực hiện trong Ngài mà thôi: “Dưới bầu trời này, không có một Danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ Danh đó mà được cứu độ” (Cv 4, 12). Sự cứu độ chỉ có được nhờ tin vào Chúa Giêsu, đó là một xác quyết chắc chắn trong Tân Ước. Tất cả những ai tin vào Đức Kitô đều là hậu duệ chân thật của Abraham (x. Rm 9, 6-7; Ga 3, 29; Ga 8, 31-58; Lc 1, 55). Như vậy cho thấy chương trình cứu độ của Chúa Giêsu là chương trình duy nhất và phổ quát. Chúa Kitô không loại trừ bất cứ ai ra khỏi ơn cứu độ, kể cả họ là người ngoại giáo. Ngài khen ngợi đức tin của một vài người mà người ta không tìm thấy đức tin đó trong Israel (người đội trưởng: x. Mt 8,10; Lc7,9; người phụ nữ Phenicia (x. Mt 15,21-28; Mc 7, 24-30), họ sẽ đến từ Phương Đông và Phương Tây để ngồi vào bàn tiệc Nước Trời trong khi con cái của vương quốc sẽ bị tống ra ngoài (x. Mt 8, 11-12; Lc 13, 18-29).
Như thế, ơn cứu độ không chỉ được ban cho những ai tuyên xưng tin vào Chúa Kitô hay đã gia nhập Giáo Hội nhưng được ban cho tất cả mọi người, trong đó phải nói đến những người vì lý do nào đó không có cơ hội biết đến hay chấp nhận mặc khải. Chúa Kitô là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại mà truyền thống Kitô giáo luôn đề cao và xác quyết vai trò của Đức Giêsu là trung gian và Đấng Cứu Độ duy nhất : “Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và một trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, đó là con người Đức Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình làm giá chuộc cho tất cả mọi người” ( 1 Tm 2, 5-6). Bởi thế, không ai có thể hiệp thông với Thiên Chúa mà không qua Chúa Kitô, nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Vai trò trung gian duy nhất phổ quát của Chúa Kitô, không hề làm ngăn cản hành trình tiến đến với Thiên Chúa, là đường lối chính Thiên Chúa thiết lập, một sự kiện Chúa Kitô đã thừa biết.  Không ai đến với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Trở về thuở ban đầu của Giáo Hội, chúng ta sẽ thấy niềm xác tín rõ ràng, Chúa Kitô là Đấng cứu độ duy nhất của mọi người, là Đấng duy nhất có thể tỏ Thiên Chúa ra và dẫn tất cả mọi người đến cùng Thiên Chúa. Nêu lên vai trò cứu độ độc nhất nơi Đức Giêsu, có lẽ không khỏi làm cho nhiều người suy nghĩ và thắc mắc: thế thì các tín đồ nơi các tôn giáo khác, cũng sống bác ái, từ bi, ăn ngay ở lành, nhưng vì không được nghe biết Tin Mừng sẽ không được cứu chăng?
3.      Vai trò cứu độ của Đức Kitô với các vị sáng lập các tôn giáo ngoài Kitô giáo tuy khác biệt nhưng không triệt tiêu
Giáo Hội rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Đức Kitô, “Đấng là Đường, là Sự thật và là Sự Sống” (Ga 14, 6). Chỉ nơi Người, con người mới tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và chỉ nhờ Người mới giao hòa được với Thiên Chúa. Chúng ta xác tín và tuyên tín rằng Đức Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất không có nghĩa hạn hẹp theo kiểu “độc tôn”, nhưng cho thấy rằng vai trò trung gian của Chúa Giêsu không bao hàm loại trừ những vị sáng lập của các tôn giáo khác nhưng nhìn nhận nơi họ cũng có những tư tưởng, giáo thuyết sâu sắc và giá trị, góp phần giúp con người tiến đến sự hoàn thiện trong Đức Kitô. Vai trò của Đức Kitô là cứu độ, các vị sáng lập tôn giáo khác được nhìn nhận như là những cộng sự viên để hướng dẫn con người tiến đến chân lý là chính Ngài. Vì thế, vai trò cứu độ nhân loại giữa Ngài và các vị này tuy có khác biệt nhưng không loại trừ và triệt tiêu nhau.
Trước Công Đồng Vat. II, với nhãn quan tiêu cực về các tôn giáo ngoài Kitô Giáo, chúng ta khó chấp nhận nơi họ có những điểm tích cực như những tia sáng hay những phương thế đưa người ta đến sự hoàn thiện nhưng quả thật nơi họ chất chứa rất nhiều những giá trị đáng cho chúng ta chú ý và trân trọng, đó là những con đường, phương thế đưa nhân loại hiệp nhất trong Tình yêu Đức Kitô, trở về niềm tin “Quy Kitô”. Những khác biệt tôn giáo này bày tỏ ra những khác biệt tinh thần thật phong phú mà Thiên Chúa đã ban cho con người và cũng cho thấy những giới hạn của con người. Chúa Thánh Thần đóng vai trò hết sức quan trọng vì Ngài sẽ soi sáng tâm trí con người khám phá ra Đức Giêsu Kitô và nối kết mọi dân tộc, mọi nền văn hóa và mọi tôn giáo trong Tình yêu Thiên Chúa,[19] soi sáng con người trên những nẻo đường khác nhau. Thiên Chúa đã tự mạc khải và còn tiếp tục tỏ mình ra cho con người bằng nhiều cách: qua công trình tạo dựng (x. St 13, 5; Rm 1, 19-20), qua tiếng nói lương tâm (x. Rm 2, 14-15)…, một cách nào đó, các tôn giáo có được những “hạt giống của Lời” và những “tia sáng Chân lý”, thì ta không thể loại bỏ những yếu tố của sự hiểu biết chân thật về Thiên Chúa nơi các tôn giáo dẫu chúng còn thiếu sót, bất toàn[20].
4.      Chút suy tư về đường hướng của Giáo Hội tại Á Châu khi nhìn về viễn tượng tương lai
a.      Thái độ cần có của Giáo Hội trong thế giới đa nguyên tôn giáo
   Từ xưa đến nay, nhiều người Công Giáo chúng ta có cái nhìn loại trừ và đánh giá một cách khá tiêu cực về các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Chúng ta thường cho rằng tôn giáo của mình là “chính đạo”, các tôn giáo và các truyền thống tâm linh khác là “tà đạo”, là do ma quỷ bày đặt ra để lừa dối thiên hạ.  Vì thế, quan niệm hẹp hòi và độc tôn này đã khiến cho những xung đột, căng thẳng của các tín đồ trong các tôn giáo từ mức độ thấp ngày càng tiến dần cao hơn, thậm chí coi nhau như kẻ thù không đội trời chung.
Sau Công Đồng Vatican II, lập trường Giáo Hội có sự thay đổi, cởi mở và tích cực hơn, Giáo Hội càng nhận thấy trách nhiệm của mình nặng nề và khẩn thiết hơn, làm thế nào để con cái mình có thể thiết lập mối dây tương thân tương ái, hiệp nhất, kính trọng nhau và kính trọng các tôn giáo bạn, lấy làm sung sướng và kính cẩn nhìn nhận “hạt giống của Lời” đang tiềm ẩn trong họ. Sắc lệnh Nostra Aetate của Công Đồng Vatican II là bước tiến ngoạn mục. Giáo Hội mời gọi con cái mình không những phải thay đổi thái độ, cách đối xử của mình với các anh chị em thuộc các tôn giáo khác mà còn phải kính trọng những nét đẹp, lễ nghi trong tôn giáo của họ, nhìn nhận Đạo của họ cũng là chân chính tuy có những điểm dị biệt.
Giáo Hội Công Giáo không loại bỏ những gì là chân chính và thánh thiện trong các tôn giáo (Ấn Độ Giáo, Phật Giáo… Giáo Hội tôn trọng và chân thành nghĩ rằng những cách thế hành động và sinh hoạt, những luật lệ và những học thuyết ấy cũng đem lại một tia sáng Chân lý chiếu soi mọi người…[21]
Giáo Hội hết sức kính trọng các truyền thống này và luôn tìm cách đối thoại chân thành với các tín đồ ấy. Giáo Hội nhìn nhận và kính trọng các tôn giáo khác, mặc dù các tôn giáo này còn có nhiều cách thức diễn tả niềm tin khác với Giáo Hội Công Giáo, vì các tôn giáo khác cũng phản chiếu tia sáng của chân lý, chân lý đang chiếu sáng cho tất cả nhân loại.[22] Mọi nỗ lực của Giáo Hội được thể hiện qua việc các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội có những cuộc họp thường kỳ để tìm ra đường hướng cho Giáo Hội trong công cuộc Loan Báo Tin Mừng khi sống trong thế giới đa nguyên tôn giáo này. Thượng Hội Đồng Giám Mục về Á Châu khi nói về các tôn giáo Á Châu đã cho thấy:
Các tôn giáo đó, một cách cụ thể đã là con đường dẫn đưa phần đông các dân tộc Á Châu đến Thiên Chúa, và là cách thế để Thiên Chúa đến với họ. Thần Khí Thiên Chúa hoạt động trong tinh thần và trong tâm của các nhà hiền triết xưa kia của lục địa Châu Á. Các ngài đã để lại cho các dân tộc mình chứng tá về sự thiên khải tâm linh ghi lại trong các sách thánh. Những lời giảng dạy vẫn còn hướng dẫn đời sống tôn giáo, đạo đức và xã hội của rất nhiều người Châu Á (Instrumentum laboris, 32).
Trong Sứ Ðiệp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu gởi toàn thể Dân Chúa, được công bố trong cuộc họp báo ngày13/05/98, tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, trong phần liên quan tới các tôn giáo lớn tại Á Châu, các Nghị phụ đã công bố:
Chúng tôi kính cẩn gởi lời chào đến tất cả anh chị em chúng tôi tại Á Châu đã đặt niềm tin tưởng của mình vào những truyền thống tôn giáo khác. Chúng tôi vui mừng nhìn nhận những giá trị thiêng liêng của những tôn giáo cao cả của Á Châu như Ấn Ðộ Giáo, Phật Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo… Chúng tôi quý trọng những giá trị luân lý trong những phong tục và những thực hành có mặt trong những lời dạy của các Triết gia nổi tiếng của Á Châu; những lời dạy của các ngài cổ võ phát triển những nhân đức tự nhiên và lòng sùng kính đạo đức đối với tổ tiên. Chúng tôi cũng kính trọng những niềm tin và những thực hành tôn giáo của những anh chị em bản xứ hay của các bộ tộc; lòng kính trọng của những anh chị em này đối với toàn thể tạo vật diễn tả cho thấy sự gần gủi của họ với Ðấng Tạo Hóa. Cùng chung với tất cả các dân tộc Á Châu, chúng tôi ao ước được lớn lên trong sự chia sẻ những điều phong phú của chúng ta và trong sự kính trọng đối với những khác biệt giữa chúng ta. Chúng tôi nhất quyết làm việc chung với nhau để nâng cao phẩm chất đời sống của dân tộc chúng ta. Chúng tôi nhìn về Ðức Tin của mình như là kho tàng quý giá nhất của chúng tôi và mong muốn chia sẻ kho tàng đức tin này với tất cả, vừa vẫn tôn trọng hoàn toàn những niềm tin tôn giáo và sự tự do của anh chị em xung quanh.[23]
Để có thể đạt đến và duy trì mối liên hệ của Giáo Hội với các tôn giáo khác, Giáo Hội cần phải tỏ ra tôn trọng: “Tôn trọng con người, nơi việc họ cần đến những giải đáp cho các vấn đề sâu xa nhất của cuộc đời họ, và tôn trong tác động của Thần Linh nơi con người[24]. Vấn đề quan trọng ở đây không phải là xem tôn giáo nào hơn tôn giáo nào nhưng cùng nhau nhận ra những giá trị tinh túy của nhau để tiến tới đích điểm của Tình Yêu là Thiên Chúa, cũng chính trong chiều hướng đó, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong sứ điệp đầu tiên gởi cho các dân tộc tại Á Châu ngày 20 tháng 2 năm 1981 đã nhắc nhở rằng có nhiều yếu tố phát triển tinh thần nơi những tôn giáo khác nhau và nơi các nền văn hóa cổ xưa và địa phương ở Á Châu. Giáo Hội Công Giáo chấp nhận sự thật và điều tốt lành tìm thấy nơi các tôn giáo khác và ao ước hợp tác với các tín đồ ấy để gìn giữ những phần tinh túy chung và những giá trị chung giữa các tôn giáo, trân trọng, gìn giữ và giúp tất cả mọi người sống với nhau như anh em trong cùng mái ấm gia đình nhân loại. Và mới đây sứ điệp Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XIII tại Rôma( 28/10/2012) gửi cộng đoàn Dân Chúa đã nêu lên:
Giáo Hội coi những người thuộc các tôn giáo khác như những đối tác tự nhiên. Chúng ta rao giảng Tin Mừng vì chúng ta xác tín về chân lý Chúa Kitô, chứ không phải để chống lại một ai. Tin Mừng của Chúa Giêsu là an bình và vui tươi, và các môn đệ của Chúa vui mừng nhìn nhận những gì là chân thực và tốt lành mà tinh thần tôn giáo của nhân loại có thể nhận thấy trong thế giới do Thiên Chúa tạo dựng và điều ấy được biểu lộ trong nhiều tôn giáo khác nhau. Cuộc đối thoại giữa các tín đồ các tôn giáo nhắm đóng góp cho hòa bình, loại bỏ thái độ cực đoan và tố giác bạo lực vi phạm quyền con người… ( số 10).
Như vậy, con người cần phải có những nơi chung hay những phần đất trung lập để có thể gặp gỡ và hội họp với nhau trong bầu khí hòa bình và hiệp nhất chứ không còn trong đe dọa và sợ hãi. Muốn như  vậy, cần vào đi vào cuộc gặp gỡ và đối thoại với nhau.
b.      Đối thoại liên tôn được coi như một phần của sứ mạng Loan Báo Tin Mừng
Kinh Thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước, khẳng định cách rõ ràng về sự cần thiết của “đối thoại ơn cứu độ” đã mạc khải chương trình cứu độ của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại, trong đó cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều cung cấp những nền tảng tích cực khác nhau cho việc đối thoại liên tôn: những yếu tố hấp thụ từ các nền văn hóa và tôn giáo dân ngoại vào niềm tin Kinh Thánh; việc cởi mở hướng đến những cá nhân có niềm tin và nền văn hóa khác. Những nền tảng giáo thuyết từ Kinh Thánh là luận cứ rất mạnh để có thể nói được rằng việc đối thoại liên tôn là phần của công cuộc Tin Mừng hóa ngày nay. Thế giới hôm nay vẫn còn rất nhiều ngộ nhận giữa các tôn giáo. Nhiều nơi sự ngộ nhận đã đưa tới những xung đột đẫm máu, nhất là khi có những thế lực chính trị lợi dụng, nhằm phục vụ cho những ý đồ chính trị phe phái của mình.
Vì Tin Mừng Tình yêu của Chúa Giêsu, chúng ta đừng ngại mở ra những con đường đối thoại. Đối thoại sẽ đưa đến sự gặp gỡ nhau trong tình yêu và chân lý. Đối thoại là điều vô cùng cần thiết, và không thể thiếu, là con đường của hy vọng, vì đối thoại là “khai thông”, là “mở ra”, không bao giờ khép lại. Đó là con đường tốt nhất để gieo hạt giống Lời Chúa. Các Giáo Phụ đã cung cấp một số quan điểm tích cực rất hữu ích cho việc đối thoại liên tôn: các ngài khẳng định rằng “Lời của Thiên Chúa” đã được gieo nơi nhân loại từ lâu trước khi được biểu lộ cách trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô. Như vậy, tín đồ các tôn giáo khác có thể đạt được ơn cứu độ qua việc Chúa Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn những người ấy. Đó chính là những điểm mạnh mẽ cho Thần Học đối thoại và thực hành đối thoại liên tôn với tín đồ các tôn giáo khác.
Đối thoại có nghĩa là tất cả những mối liên hệ tôn giáo có thể xây dựng, hiểu biết và làm phong phú lẫn nhau giữa những cá nhân hay cộng đoàn có niềm tin khác nhau, trong tinh thần vâng phục hướng tới chân lý và tôn trọng tự do (x. Đối thoại và rao truyền). Trong cuộc đối thoại với các truyền thống Tôn giáo khác, Tông Huấn nhấn mạnh cuộc đối thoại mang tính đại kết và liên tôn giữa các tôn giáo, Tông Huấn lặp lại lời đề nghị 41 của Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu:
Những quan hệ giữa các tôn giáo sẽ được mở mang cách tốt đẹp, nhất là khi mỗi người sống trong bầu khí cởi mở với nhau, có ý muốn lắng nghe, tôn trọng và thông cảm người khác trong những khác biệt của họ. Để làm được việc này, cần phải biết yêu thương tha nhân, từ đó mới có sự hợp tác, hòa hợp và làm giàu cho nhau.[25]
Cũng vậy, ngay trong Hội Nghị khoáng đại lần thứ nhất, các Giám Mục đã khẳng định:
Trong cuộc đối thoại này, chúng tôi nhìn nhận các tôn giáo như những yếu tố có ý nghĩa và tích cực trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa. Chúng tôi thừa nhận và tôn trọng những ý nghĩa và giá trị tinh thần, đạo đức thâm sâu nơi các tôn giáo này.[26]
Như thế, dấn thân đối thoại là điều không thể thiếu cho công cuộc Loan Báo Tin Mừng.
·  Đối thoại trong đời sống
Việc đối thoại của cuộc sống diễn ra qua những vấn đề xảy ra hằng ngày nơi cộng đồng của những người đang sống và bày tỏ niềm tin tôn giáo của mình. Những tín đồ của các tôn giáo gặp nhau nơi nguồn chung của cuộc sống: trường học, công xưởng, trên đường phố và nơi giao dịch buôn bán.... Đối thoại trong phạm vi này mời gọi người Kitô hữu tỏ lòng tôn trọng tôn giáo bạn, cùng hợp tác tổ chức đời sống cộng đồng và duy trì những mối liên hệ thân ái với nhau, cùng chung vai gánh vác công việc, sắp xếp hay tổ chức may chay hay cưới hỏi giúp cho nhau. Hoặc là chủ động đến tiếp xúc, nói chuyện, trao đổi, không phải để thuyết phục đề đưa họ vào Đạo của chúng ta, nhưng để biểu lộ tình thương, tình người qua sự quan tâm, sự thăm viếng chân thành và cởi mở của mình.
Quả thật, chính tình thương đích thực, sự gần gũi của ta như thế là một dấu chứng cụ thể và giá trị cho Tin Mừng. Thực tế của bản thân tôi cảm nhận và đã rút ra được trong lần được Cha Giáo Phêrô Đinh Ngọc Lâm (Dòng Chúa Cứu Thế), Giáo Sư phụ trách môn Đối Thoại liên tôn, dẫn chúng tôi đến Trường Trung cấp Phật Học Đồng Nai để giao lưu, học hỏi, đối thoại với các ni sinh đang học tại trường này như một chút trải nghiệm thực tế cho chúng tôi, những tu sĩ rồi đây sẽ dấn thân cho sứ vụ truyền giáo theo sứ mạng mỗi Hội Dòng. Đến đây, cảm giác linh thiêng, thanh thoát nơi họ cho thấy những giá trị cao quí, truyền thống tâm linh mà họ đã dệt nên được đáng cho ta trân trọng. Cuộc thăm viếng này đã để lại trong lòng chúng tôi những ấn tượng thật thân thương, chân thành và sự thánh thiện toát lên nơi những con người “chân tu” này. Đến với chúng tôi, các ni sinh khiêm tốn, đơn sơ và tâm thái tĩnh lặng, nhìn vào khuôn mặt họ, ta có cảm nhận điều đó. Thái độ hòa đồng, gần gũi của họ đã khiến cho tôi xóa đi não trạng cho rằng những người Phật Giáo là những người không tốt, tôi nhận thấy những con người sống theo giáo lý của Phật cũng là những con người tốt, lương thiện đấy chứ! Khi thấy chúng tôi có vẻ quan tâm tìm hiểu Phật Pháp, cách tụng niệm của họ, họ thật sự vui và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Bỏ đi những quan niệm hẹp hòi, bỏ đi những ngăn cách, bỏ đi những lối sống trưởng giả để hòa mình, đối thoại với các anh chị em tôn giáo bạn chắc chắn chúng ta học hỏi được nhiều điều cao quí nơi các tôn giáo có bề dày tâm linh này. Cử chỉ đặc biệt thể hiện tinh thần đối thoại của chúng tôi dành cho họ cũng như sự trân quý với vị sáng lập truyền thống tôn giáo họ là chúng tôi cũng đến Chánh Điện thắp hương để tỏ lòng tôn kính Đức Phật như một vị thánh của chúng ta. Quả thật, trong đối thoại con người sẽ cảm nhận được những tín hiệu yêu thương, chân thành và sức sống mãnh liệt và chân thực nơi Tin Mừng Đức Giêsu.
·  Đối thoại bằng  hành động
Đối thoại bằng hành động là cộng tác với anh em các tôn giáo khác cho những mục đích nhân đạo, xã hội, kinh tế, chính trị. Chủ động mời gọi các anh em trong các tôn giáo này cùng quan tâm và thực hiện những thiện ích chung trong xã hội nhằm tạo xã hội ấm no, hạnh phúc, giảm bớt bất công, nghèo đói hay khi được mời gọi thì cũng tích cực hưởng ứng. Tại Việt Nam hiện nay, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cũng đã cộng tác với nhau để làm việc trong những cơ sở từ thiện, trường học, bệnh viện, phòng khám và phát thuốc hay cùng chăm sóc những bệnh nhân AIDS, người khuyết tât, trẻ em đường phố. Chắc chắn rằng sự hợp tác và đối thoại này cũng là chứng tá của Tin Mừng:
 Sự cam kết dấn thân cho hòa bình, công lý, nhân quyền và sự thăng tiến của con người cũng là một chứng tá của Tin Mừng, khi việc ấy là dấu chỉ của sự quan tâm tới con người và trực tiếp hướng đến việc phát triển con người toàn diện.[27]
·  Đối thoại qua trao đổi có tính cách thần học
Việc đối thoại nà nhằm đào sâu và làm phong phú sự hiểu biết về các tôn giáo của nhau. Ở đây không phải là những tranh cãi hơn thua, cho tôn giáo mình là hay, là tốt còn tôn giáo khác là “tà giáo” nhưng quan trọng là lắng nghe và hiểu thấu những điều họ trình bày về tôn giáo của mình, về những đặc tính nổi bật của vị sáng lập tôn giáo họ, rút ra những giá trị cao đẹp, những cách diễn tả của họ về Đấng Tối Cao hay bắt chước về gương sáng của các vị ấy nhưng đồng thời cũng mạnh dạn giới thiệu Đức Giêsu và tuyên xưng mạnh mẽ niềm tin của mình vào Ngài.
·  Đối thoại bằng kinh nghiệm tôn giáo
Việc đối thoại này nhằm trao đổi về kinh nghiệm thiêng liêng và chia sẻ kinh nghiệm về cầu nguyện, chiêm niệm và suy niệm cho nhau (hiện diện với nhau qua cầu nguyện hay qua các nghi lễ thờ phượng của nhau). Khi đối thoại bằng kinh nghiệm tôn giáo, có lẽ cần đáp ứng các điều kiện: trước là đặt nền tảng vào tính chính trực, không nên có sự thỏa hiệp liên quan đến sự tin tưởng tôn giáo của người nào đó, tiếp theo là kính trọng, nghĩa là không được phản ứng bằng cách nói những từ hay có các biểu hiện và cử chỉ làm người khác không thoải mái với mình. Sau đó là khiêm tốn, nghĩa là thừa nhận những giới hạn của biểu tượng thuộc con người và chấp nhận những dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa.  Hãy chia sẻ về niềm vui, sự bình an, sức mạnh, niềm hạnh phúc đích thực mà mình có được khi cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, tiếp xúc với Thiên Chúa, hay khi thực hành những điều Chúa truyền dạy. Cho họ biết những ân huệ vật chất cũng như thiêng liêng mình nhận được từ Thiên Chúa. Đồng thời cũng lắng nghe những chia sẻ và kinh nghiệm để học hỏi nơi họ.
Giáo Hội Công Giáo đã nỗ lực hết sức để việc đối thoại này được diễn tiến tốt đẹp như chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tổ chức kêu gọi đại diện của các tôn giáo trên thế giới tới Assisi vào ngày 27/10/1986 để cùng cầu nguyện cho hòa bình thế giới, đồng thời tạo điều kiện gặp gỡ và thông cảm giữa các tôn giáo. Ngoài ra để tiếp nối truyền thống này, trong Giáo Hội vẫn có tổ chức những buổi gặp gỡ giao lưu giữa Công Giáo và các tôn giáo bạn. Ví dụ: tháng 9/1992, các Giám Mục Á Châu có tổ chức Đại Hội liên tôn giáo tại Ruselle (Bỉ); tháng 4/1994, Hiệp Hội các Giám Mục Á Châu có tổ chức một Hội Nghị mang tính cách đối thoại giữa Phật Giáo và Kitô Giáo nhằm xây dựng sự hài hòa trên thế giới tại Thái Lan… Năm 1995, Hội đồng Giáo Hoàng về Đối thoại Liên tôn đã tổ chức một cuộc hội thảo song phương giữa Kitô giáo và Phật giáo tại Đài Loan. Cũng từ năm 1995, Hội đồng bắt đầu gửi sứ điệp hằng năm cho cộng đồng Phật giáo vào dịp lễ Phật Đản Vesak
·  Đối thoại bằng cầu nguyện
Các Đức Thánh Cha như Phaolô VI, Gioan Phaolô II đã tiếp đón nhiều phái đoàn và các vị chức sắc hàng đầu của Phật giáo. Trong Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hoà bình hằng năm được tổ chức tại Assisi (4-10) các vị lãnh đạo của nhiều tôn giáo đã cùng cầu nguyện với Đức Thánh Cha. Tuy có những niềm tin và  những truyền thống tôn giáo khác nhau, mỗi tôn giáo cầu nguyện theo kiểu bày tỏ niềm tin của mình trên nguyên tắc của đối thoại, không áp đặt kiểu cách cầu nguyện của người này cho người khác. Mỗi nhóm tôn giáo hiện diện tại Assisi duy trì tinh thần kính trọng cả bên trong lẫn bên ngoài khi có những người đại diện của  một tôn giáo khác cầu nguyện theo phiên của mình. [28]
LỜI KẾT
Nhìn nhận những giá trị cao quý và tia sáng chân lý đang hiện diện với tác động của Thần Khí và tinh thần đối thoại với nhau là một vấn đề rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt trong thế giới đa nguyên tôn giáo này. Thế nhưng những vấn đề này đã bị nhiều người hiểu sai, và do đó làm chùn bước các sứ giả Tin Mừng. Chính vì vậy Hội Thánh phải lên tiếng khẳng định lại cách mạnh mẽ và xác quyết sứ mạng loan báo Tin mừng Chúa Kitô của Hội Thánh và của mỗi người Kitô hữu. Đối thoại và loan báo Tin Mừng không đi ngược chiều. Đối thoại là con đường của tình yêu và chân lý, mà loan báo Tin Mừng là gieo hạt giống của Lời tình yêu và chân lý, để mục đích cuối cùng là tất cả mọi người đều tiến tới chân lý là Thiên Chúa. Có đối thoại mỗi người sẽ khám phá ra sự tiềm ẩn của ân huệ Thiên Chúa vốn đã và đang gieo vãi nơi lòng người, nơi những truyền thống đạo đức và nơi các lễ nghi tôn giáo của các anh em trong mọi tôn giáo, để biết tôn trọng những khác biệt, biết cảm thông, yêu thương, lắng nghe, đồng trách nhiệm và sẵn sàng cộng tác với nhau trong những thiện ích chung. Được như thế, Vương Quốc Thiên Chúa đã hiện diện nơi trần gian này rồi.


[1] Tuyên ngôn về Liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô Giáo, Nostra Aetate, 2.
[2] Khóa họp của Thượng HĐGM về Châu Á ( 19.4.1998), Đề nghị 1.
[3] x. Hội nghị đặc biệt về Á Châu của Thượng Hội Đồng Giám Mục,
“Đề cương”, 3.
[4] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu, 6.
[5] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Là Chúa và là Đấng tác sinh, 4.
[6] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Sứ vụ Đấng Cứu Độ, 28.
[7] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu, 21.
[8] x. CĐ. Vat. II, Gaudium et Spes, 10-11, 22, 26, 38, 41, 92-93.
[9] P. Nguyễn Thái Hợp, OP, “Tác động của Thần Khí nơi các tôn giáo khác”
[10] Văn kiện Propositio, đoạn 11; Redemptoris Missio, 28
[11] x. CĐ Vat. II, LG, 17; AG, số 3, 15
[12] x. CĐ Vat. II, LG, 16
[13] x. CĐ Vat. II, GS, 26
[14] x. CĐ Vat. II, AG, 4
[15] x. Thông điệp Dominum et Vivificantem, 53
[16] Đức Phaolô VI , Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, 53.
[17] Hội nghị đặc biệt về Á Châu của Thượng Hội Đồng Giám Mục, “Tường trình sau khi thảo luận”, 3
[18] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu, 14.
[19] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu, 15.
[20] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Sứ vụ Đấng Cứu Độ, 55.
[21] Tuyên ngôn về Liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô Giáo, Nostra Aetate, 2.
[22] x. Ibid, số 6.
[23] Trích sứ điêp của Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu năm 1998 gửi toàn thể dân Chúa, biên dịch của Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài.
[24] Diễn từ ngỏ với các Đại Biểu của các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo, tại Madras, ngày 5/2/1986.
[25] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu, 31.
[26] Hội Nghị khoáng đại I, Đài Bắc 1974, các số 14- 15.
[27] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Sứ vụ Đấng Cứu Độ, 42.

[28] Phêrô Đinh Ngọc Lâm, CSsR, Giáo trình đối thoại liên tôn, tr. 188.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn