Gia đình sống giao ước yêu thương

Hôn nhân là một giao ước,
vừa tham dự vào chính đời sống của Thiên Chúa
vừa làm cho Chúa hiện diện trên trần gian.
Giao ước này không chỉ là sự khế ước giữa hai người nam – nữ,
nhưng là giao ước Hôn nhân
hội nhập giao ước giữa Thiên Chúa với con người,
và tình yêu vợ chồng đích thực
được kết nhập trong tình yêu Thiên Chúa.
Pet. Võ Tá Đương, OP
Ngày nay với sự phát triển vượt bậc về khoa học kỹ thuật và công nghệ trên thế giới, con người được tận hưởng cuộc sống đầy đủ tiện nghi vật chất tối tân. Thế nhưng, bên cạnh một thế giới tưởng chừng như đầy đủ ấy thì con người ngày nay lại cảm thấy thiếu vắng một điều cần thiết nhất, đó là tình yêu và sự quan tâm đến nhau. Quả thế, “tình yêu trong thế giới ngày nay đang bị đe dọa bằng nhiều cách và tình yêu gia đình đang bị lu mờ dần dần.”[1]
Trước thực trạng xã hôi như thế, người Kitô hữu chúng ta được mời gọi tái khám phá và phục hồi những giá trị cao đẹp của ơn gọi Hôn nhân gia đình, để mọi người ý thức và sống đời Hôn nhân như một giao ước tình yêu, một ơn gọi và một sứ mệnh cao quý, được chọn lựa với ý thức, tự do và trách nhiệm.[2] Để qua đó, ánh sáng Tin Mừng được chiếu toả và soi sáng vào thế giới đầy dẫy bóng tối hôm nay.
Hôn nhân Công giáo, một ơn gọi
Theo quan niệm xưa, dân gian Việt Nam cho rằng Hôn nhân chỉ là duyên số hay duyên phận. Duyên số đó đã được Ông Tơ, Bà Nguyệt ấn định, không ai có thể cưỡng lại được. Ông Tơ, Bà Nguyệt ngồi trên cung trăng định đoạt chuyện nhân duyên của người trần thế. Ông Bà lấy một sợi tơ đỏ buộc chân một người nam và một người nữ vào nhau. Thế là nhất định họ sẽ phải thành vợ chồng. Do đó theo quan niệm cũ,  chuyện vợ chồng, là do sự sắp đặt của Ông Tơ, Bà Nguyệt.[3] Có lẽ cũng do quan niệm đó mà dân gian ta có câu: “cha mẹ đặ đâu con ngồi đó.”
Ngày nay người ta không thể chấp nhận được quan niệm bình dân ấy. Bởi lẽ, Hôn nhân phải có tính cách tự do và ý thức, chứ không do một nguyên nhân mù quáng nào đó sắp đặt. Khi dựng nên con người, Thiên Chúa ban cho có lý trí và tự do để chọn lựa và quyết định làm điều tốt hay không làm điều tốt, chấp nhận hay từ chối một điều gì đó.[4]
Với ánh mắt đức tin, chúng ta cũng không tin là Hôn nhân đã được ấn định do một năng lực vô hình nào mà không ai có thể cưỡng lại được. Nhưng, chúng ta xác tín rằng, Hôn nhân là một ơn gọi cao quý đến từ Thiên Chúa. Điều này chính Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã khẳng định: “Hôn nhân không phải là kết quả của ngẫu nhiên hay của các năng lực tự nhiên, vô ý thức tạo thành. Trái lại, đó là một tổ chức khôn ngoan của Tạo Hóa để thực hiện ý định tình yêu của Ngài trong nhân loại.”[5]
Nhiều người nghĩ rằng, chỉ có ơn gọi làm giám mục, linh mục, tu sĩ…, chớ làm gì có ơn gọi làm vợ làm chồng! Nghĩ như thế là không đúng. Mỗi người chúng ta đều có ơn gọi. Thiên Chúa đã gọi ta từ khi ta còn trong lòng mẹ, lúc ta chưa chào đời.[6] Như thế, ơn gọi đầu tiên của con người là được hiện hữu trong cõi nhân gian này. Tiếp đến là ơn gọi làm con Chúa trong lòng Giáo Hội qua bí tích Thánh Tẩy. Và ơn gọi tiếp đến là ơn gọi cụ thể trong đời sống của mỗi chúng ta.
Thiên Chúa đã có đầy đủ kế hoạch riêng biệt cho mỗi người một cách khác nhau,[7] và mời gọi chúng ta đáp lại tiếng gọi yêu thương của Người. Có người được chọn gọi làm linh mục; người được mời gọi đời sống tu trì, cũng có người được gọi sống bậc độc thân giữa đời, và rất nhiều người được mời gọi sống đời Hôn nhân gia đình. Như thế, mỗi người xuất hiện trên trần gian đều có ơn gọi. Ơn gọi có thể khác nhau, nhưng tất cả đều có một mục đích chung là nên thánh.[8]
Bởi vậy, Hôn nhân Công giáo là một ơn gọi. Qua việc phối hợp trong tình yêu, hai vợ chồng được mời gọi trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa,[9] một Thiên Chúa yêu thương và luôn trung tín.[10] Trong đời sống Hôn nhân, hai người nam - nữ tình nguyện gắn bó với nhau, giúp nhau nên thánh; cùng nhau thánh hóa bản thân và gia đình, làm cho gia đình mình thành một gia đình thánh.
Ơn gọi này đã được Thiên Chúa hoạch định và chúc phúc ngay từ thuở ban đầu.[11] Khi đến trong trần gian, đặc biệt khi tham dự tiệc cưới Cana[12], Chúa Giêsu đã thánh hoá tình yêu đôi bạn và nâng Hôn nhân thành bí tích, ngang hành với các bí tích trong Giáo Hội. Để chu toàn ơn gọi này, Chúa Giêsu đã hứa ban những ơn cần thiết cho vợ chồng qua tình yêu mà họ trao cho nhau, qua kinh nguyện và các bí tích.
Hôn nhân Công giáo, một bí tích
Vì là một trong những bậc sống mà Thiên Chúa mời gọi con người, nên Hôn nhân Công giáo là một việc cao quí và thánh thiện, hợp với ý định của Thiên Chúa. Hôn nhân Công giáo càng trở nên cao trọng vì được nâng lên hàng bí tích như Giáo Hội dạy:
Hôn ước mà nhờ đó người nam và người nữ tạo nên một cộng đồng sự sống và tình yêu đã được Đấng Sáng Tạo thiết lập và phú cho những luật riêng. Tự bản chất, Hôn nhân hướng đến thiện ích của đôi vợ chồng, việc sinh sản và giáo dục con cái. Hôn nhân giữa những người đã chịu phép thánh tẩy được Chúa Kitô nâng lên hàng bí tích.[13]
Quả thế, Hôn nhân Công giáo là một bí tích cao trọng được Thiên Chúa thiết lập để thánh hoá đời sống gia đình.[14] Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Hôn nhân là bí tích tình yêu... Khi vợ chồng nên một trong Hôn nhân, cả hai không còn là hình ảnh dưới trần nữa, mà là hình ảnh của Chúa trên trời.”[15] Khi cử hành bí tích Hôn Phối, đôi bạn trao đổi với nhau lời thề hứa sẽ yêu thương, tôn trọng và trung chuỷ với nhau suốt đời. “Tôi nhận (anh/em) làm (chồng/vợ) và hứa giữ lòng chung thuỷ với (anh/em), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khoẻ, để yêu thương và tôn trọng (anh/em) suốt đời tôi”.[16] Lời ưng thuận cam kết đó đã mở ra cánh cửa cho cuộc sống Hôn nhân và gia đình.
Trong đời sống Hôn nhân gia đình, tình yêu giữa hai vợ chồng có ý nghĩa rất phong phú và sâu sắc, vì bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa và rập theo khuôn mẫu tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Tình yêu đó có hai đặc tính là đơn nhất và bất khả phân ly. “Sự gì Thiên Chúa đã đã phối hợp, loài người không được phân phân ly.”[17]
Bí tích Hôn Phối biểu lộ sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Bí tích này ban ơn giúp các đôi vợ chồng yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội. Giáo Hội dạy chúng ta rằng:
Mỗi người phải thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô để chu toàn bổn phận Hôn nhân và gia đình, nhờ đó tất cả đời sống của họ được thấm nhuần đức tin, cậy, mến và càng ngày càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của bí tích Hôn nhân và sự thánh hóa lẫn nhau; và nhờ đó, cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa.”[18]
Khi một người nam và một nữ cử hành bí tích Hôn Phối, chúng ta có thể nói là Thiên Chúa được “phản ánh” trong đó, Người đánh dấu họ bằng những đặc điểm và căn tính không thể xóa được của tình yêu Thiên Chúa dành cho Giáo Hội. Hôn nhân là biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta.[19] Vì thế, Hôn nhân Công giáo là một bí tích thực sự. Bí tích này dẫn chúng ta vào trung tâm của kế hoạch của Thiên Chúa, một kế hoạch của giao ước với dân Người, với tất cả chúng ta. Đó chính là giao ước của sự hiệp thông, giao ước yêu thương.
Hôn nhân Công giáo, giao ước yêu thương
Từ ngàn xưa đến ngày nay và có lẽ còn mãi về sau, hầu như nền văn hoá nào cũng coi Hôn nhân là việc linh thiêng. Chính vì thế, trước khi về chung sống với nhau, cô dâu chú rể thường xin trời đất, thần linh hoặc ông bà tổ tiên chứng giám và phù hộ cho cuộc Hôn nhân của mình qua một nghi lễ công khai và long trọng.[20]
Đối với người Kitô hữu, Hôn nhân không chỉ là chuyện của hai người, nhưng trước hết và trên hết là của chính Thiên Chúa, vì chính Người tác tạo Hôn nhân.[21] Chúa Giêsu không những tái lập quy định từ ban đầu do Thiên Chúa muốn, mà Người đã nâng giao ước yêu thương giữa hai người Công giáo lên hàng bí tích,[22] Người còn ban ân sủng dồi dào thánh hoá tình yêu và đời sống đôi bạn,[23] cũng như gia đình Kitô hữu, để con người sống ơn gọi Hôn nhân trong phẩm giá mới của bí tích. Phẩm giá mới đó là dấu chỉ về tình yêu phu thê của Người đối với Giáo Hội: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh.”[24]
Vì thế, trong giao ước yêu thương này, sợi giây hôn phối liên kết hai người nam – nữ mãi mãi không bị cắt đứt, và Giáo Hội không có quyền đi ngược lại thánh ý Thiên Chúa. Nhờ đó, ân sủng được ban trong bí tích Hôn Phối nhằm kiện toàn tình yêu vợ chồng, và kiên cường sự hiệp nhất bất khả phân ly. “Chúa Kitô ban dồi dào ân phúc cho tình yêu vợ chồng... Như xưa kia Thiên Chúa đến gặp gỡ dân Ngài bằng một giao ước yêu thương và trung thành; ngày nay Đấng Cứu Thế, bạn Trăm Năm của Giao Hội, cũng đến với đôi vợ chồng qua Bí tích Hôn phối. Người còn ở lại với họ để hai vợ chồng mãi mãi trung thành yêu thương nhau bằng sự tự hiến cho nhau, như Người đã yêu thương Giáo Hội và đã nộp mình vì Giáo Hội.”[25] Như vậy, Hôn nhân là một giao ước, vừa tham dự vào chính đời sống của Thiên Chúa vừa làm cho Chúa hiện diện trên trần gian. Giao ước này không chỉ là sự khế ước giữa hai người nam – nữ, nhưng là giao ước Hôn nhân hội nhập giao ước giữa Thiên Chúa với con người, và tình yêu vợ chồng đích thực được kết nhập trong tình yêu Thiên Chúa.
Tạm kết
Sống giao ước yêu thương, mỗi chúng ta được mời gọi trung thành với ơn gọi và bậc sống mà chúng ta đã đón nhận và đáp trả từ tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu là nền tảng của Hôn nhân và gia đình. Tình yêu ấy không phải là một tình yêu lãng mạn đầy thơ mộng, nhưng một tình yêu đã được thử thách qua thời gian. Tình yêu ấy bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta về thứ tình yêu này: đó là tình yêu hy sinh, dâng hiến và phục vụ.[26]
Khi nỗ lực sống yêu thương và trung thành với nhau, đôi vợ chồng phản ánh tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, cũng như tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo Hội. Đó là một tình yêu son sắt không đổi thay. Tình yêu đó tạo nên sự hiệp thông thâm sâu giữa vợ chồng với nhau, cũng như giữa cha mẹ và con cái, phản ánh mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội.




[1] Lời nhận đinh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm Mexico tháng 5/1990.
[2] Xc. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Chung mục vụ năm 2013, số 07.
[3] Xc. Hoàng Văn Hành (Chủ biên). Kể chuyện thành ngữ tục ngữ (Tái bản lần thứ III), Nxb. KHXH, 2002, tr. 386.
[4] Xc. St 1, 26- 30.
[5] ĐGH Phaolô VI, Thông Ðiệp Humanae Vitae, số 09.
[6] Xc. Is 49, 1- 6.
[7] Xc. Ep 4, 11 -13.
[8] Xc. Lv 11, 44 -45; Mt 5, 48.
[9] Xc.St 1, 26- 28.
[10] Xc. Hs 2, 21.
[11] Xc. St 2, 18 -24.
[12] Xc. Ga, 2, 1-11.
[13] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1660.
[14] Xc. Giáo Luật, điều 1055 §2.
[15] Xc. Uỷ ban Giáo Lý Đức Tin, Hội đồng GMVN, Giáo lý Hôn nhân và gia đình, NXB. Tôn giáo, 2004, tr. 19.
[16] Xc. Nghi lễ Hôn Phối.
[17] Mt 19, 6.
[18] Vat. II, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 48.
[19] Xc. Bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô về bí tích Hôn Phối.
[20] Xc. Uỷ ban Giáo Lý Đức Tin, Hội đồng GMVN, Giáo lý Hôn nhân và gia đình, NXB. Tôn giáo, 2004, tr. 19.
[21] Xc. Vat. II, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 48.
[22] Xc. Giáo Luật, điều 1055 § 1.
[23] Xc. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1661.
[24] Ep 5, 25.
[25] Vat. II, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 48.
[26] Xc. Mt 20, 28.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn