Đôi điều suy nghĩ xoay quanh tổ ấm gia đình

Có được mái ấm gia đình hạnh phúc
là một điều ai trên trần gian này cũng đều mơ ước.
Có lẽ không còn “sớm” để cho phép chúng ta lưỡng lự,
không quan tâm tìm các giải pháp cho những thử thách
và khủng hoảng trầm trọng
mà các gia đình hiện nay đang đối diện,
để có thể điều chỉnh những gì còn giới hạn
làm cản trở gia đình sống yêu thương và hiệp nhất,
đồng thời  xem xét và tìm ra những yếu tố nền tảng
giúp tình yêu gia đình thêm bền vững
và phát huy những nét đẹp truyền thống nơi gia đình.
Làm thế nào để gia đình trở thành tổ ấm yêu thương
nuôi dưỡng và nâng đỡ đời sống các thành viên
cũng như giúp họ trở thành chứng tá tình yêu cho thế giới này?
              Mary Nguyễn Hòa – MTG Quy Nhơn


Gia đình là một khái niệm tuy bề ngoài có vẻ đơn giản nhưng để tìm ra được khái niệm mang tính toàn diện quả là không dễ, bởi đó tùy theo hoàn cảnh cụ thể mà ta có thể định nghĩa về gia đình cho phù hợp.

Phải chăng gia đình là tế bào của xã hội, có ý nghĩa quyết định đến hạnh phúc và tương lai sống còn của con người trong thế giới đa chiều đầy biến động này? Thật vậy, tế bào gia đình có khỏe mạnh thì xã hội mới lành mạnh và mọi người có cơ hội phát triển cũng như được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Ngược lại tế bào gia đình lỏng lẻo, không đảm đương tốt vai trò và chức năng của mình sẽ khiến cho tình hình xã hội xáo động, nhiễu nhương… và nguy cơ tan vỡ trong các gia đình là điều không thể tránh khỏi. Gia đình chưa là cộng đồng yêu thương, làm sao có thể nói đến xây dựng xã hội. Gia đình đã thật sự đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống xã hội và đang từng bước giúp mỗi thành viên lớn lên và thăng tiến về mọi phương diện. Chẳng thế mà con người đi đâu, làm gì cũng “đau đáu” mong có ngày được trở về mái ấm gia đình để tìm được những tình cảm ấm áp, thiêng liêng.
Có được mái ấm gia đình hạnh phúc là một điều ai trên trần gian này cũng đều mơ ước. Có lẽ không còn “sớm” để cho phép chúng ta lưỡng lự, không quan tâm tìm các giải pháp cho những thử thách và khủng hoảng trầm trọng mà các gia đình hiện nay đang đối diện, để có thể điều chỉnh những gì còn giới hạn làm cản trở gia đình sống yêu thương và hiệp nhất, đồng thời xem xét và tìm ra những yếu tố nền tảng giúp tình yêu gia đình thêm bền vững và phát huy những nét đẹp truyền thống nơi gia đình. Làm thế nào để gia đình trở thành tổ ấm yêu thương nuôi dưỡng và nâng đỡ đời sống các thành viên cũng như giúp họ trở thành chứng tá tình yêu cho thế giới này? Vì thế, Giáo Hội không ngừng sử dụng mọi cách thức để giúp các bạn trẻ đang chuẩn bị dấn thân trên con đường hôn nhân và gia đình khám phá vẻ đẹp và sự cao cả của ơn gọi sống tình yêu phục vụ cho sự sống.
I. Tình yêu,
    nền tảng trong ơn gọi sống đời Hôn Nhân gia đình
 1. Ơn gọi Hôn Nhân với những giá trị cao quý

Mỗi một người đến trong thế giới này chắc chắn được Thiên Chúa mời gọi dấn thân trong một ơn gọi khác nhau: có người được mời gọi sống đời Dâng Hiến trong bậc tu trì, có người được mời gọi sống độc thân giữa đời, có người được mời gọi sống đời hôn nhân trong bậc sống gia đình.

Trong giới hạn của đề tài và chung nhịp với đường hướng của Giáo Hội trong năm Tân Phúc Âm hóa gia đình này, thiết nghĩ chúng ta cần xoáy sâu vào những vấn nạn đang thách thức hạnh phúc gia đình, những nhu cầu của thế giới mà gia đình cần cung ứng đủ, để có cái nhìn thiết thực  và tích cực hơn về đời sống hôn nhân gia đình, thẩm định xem các yếu tố chi phối sinh hoạt đời sống gia đình, rà soát những nét tích cực lẫn tiêu cực để có hướng sống phù hợp với  tinh thần Tin Mừng  cũng như giúp cho các gia đình, đặc biệt gia đình Kitô hữu sống đúng căn tính mình được mời gọi.
Ơn gọi hôn nhân là lời mời gọi đòi hỏi sự đáp trả mang chiều kích tự nguyện và hoàn toàn tự do của con người trước Thiên Chúa khi sống tương quan tình yêu cho nhau. Vì là ơn gọi, phải ý thức rằng có nơi xuất phát và cần có nơi tiếp nhận. Ơn gọi này không ở đâu khác chính là phát xuất từ Thiên Chúa. Từ khởi thủy sáng tạo, sau khi đã tạo dựng trời đất, cây cối và muôn loài muôn vật, Thiên Chúa đã phán: 
Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất. Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh mình, Thiên Chúa tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa, Ngài tạo thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, đầy mặt đất và thống trị nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất” ( St 1, 26-28).
Thiên Chúa đã tác hợp con người do chính Ngài tạo dựng qua việc kết hiệp vợ chồng trong giao ước hôn nhân. Thánh Kinh đã cho thấy hôn nhân xuất hiện ngay từ khởi đầu công trình sáng tạo và do ý muốn của Thiên Chúa. Khi tạo dựng, Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc, hoặc chỉ là nam, hoặc chỉ là nữ . Nhưng đã dựng nên có nam, có nữ. Cặp nam nữ đầu tiên Ngài dựng nên là Ađam và Evà (x. St 2, 18-24). Người tác hợp họ nên một (x. St 2, 25) và  ban cho họ hạnh phúc nơi vườn Địa Đàng.
Gia đình nhân loại đầu tiên là Ađam và Evà là khởi đầu cho công cuộc sáng tạo và kế hoạch tuyệt vời của Thiên Chúa khi Ngài từng bước mời gọi những người nam và người nữ cộng tác với Ngài để làm cho công cuộc sáng tạo này ngày thêm hoàn mỹ hơn, trong đó nhân cách của mỗi người phát triển thành toàn, phong phú và đa dạng. Như thế, hôn nhân nằm trong kế hoạch đời đời của Thiên Chúa Tình Yêu và là công trình khôn ngoan của Ngài vì mang bản chất của tình yêu. Theo Thánh Kinh, con người được dựng nên để yêu và được yêu, con người  giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 28) mà Thiên Chúa là Tình yêu. Tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa và Dân Israel, trong đó Thiên Chúa  như người chồng chung thủy hết lòng yêu thương, thành tín với  dân Israel, thế nhưng dân Israel như người vợ bao lần bất trung, chạy theo các thần ngoại bang, phá hủy giao ước Tình yêu đã ký kết với Thiên Chúa. Như vậy, ơn gọi mà Thiên Chúa mời gọi con người chắc chắn rằng không thể đi trật chương trình và ý định của Thiên Chúa cũng như không thể không có sự cộng tác của những người thành tâm thiện chí, cách riêng là những người vợ, người chồng. Nói cách mạnh mẽ rằng đây là trách nhiệm của con người để góp phần xây dựng trật tự thế giới tiến triển trong sự quan phòng Thiên Chúa.
 2. Nhờ Tình yêu, con người trở thành hình ảnh đích thực của Thiên Chúa
Trong bản chất thương yêu, Thiên Chúa sống mầu nhiệm hiệp thông và yêu thương của  Ba Ngôi duy nhất. Từ nguồn sung mãn Ngài mà tình yêu được lan tỏa nơi con người, Ngài đưa tình yêu này đến đỉnh cao trọn vẹn và mời gọi con người sống tình yêu này. Tuy con người có bất trung, phản bội nhưng Thiên Chúa vẫn một mực yêu thương con người bởi Thiên Chúa là Tình Yêu và là nguồn mạch của Tình Yêu (x. 1Ga 4, 8 ). Thiên Chúa là tình yêu và mọi tình yêu đều đến từ Thiên Chúa. Tình yêu chính là nền tảng của giao ước hôn nhân mà Thiên Chúa đã ban cho con người để họ có khả năng yêu thương như Ngài. Khi sống yêu thương, con người thể hiện bản chất cốt yếu của mình là hình ảnh sống động của Thiên Chúa, con người được dựng nên để sống yêu thương và hiệp thông với nhau. Hôn nhân gia đình được thiết lập do tình yêu tự nguyện mà chính người nam và người nữ đã tự do cam kết và dấn thân. Sự trao tặng thân xác giữa hai người phối ngẫu chỉ có ý nghĩa khi họ thể hiện sự tự hiến chính mình vì tình yêu. Tình yêu này được phát triển ngày thêm bền vững và chặt chẽ nhờ được xây dựng trên các mối tương quan liên vị các thành viên trong gia đình: vợ chồng, con cái, anh chị em… Đối với con cái, tình yêu của cha mẹ vô cùng quan trọng cho từng giai đoạn của đời người, thiếu đi tình yêu này trong một giai đoạn phát triển nào có thể khiến cho nhân cách con người bị lệch lạc, thiếu trưởng thành và quân bình. Tình yêu thương này đã trở thành dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, cho con người luôn cảm nghiệm tình thương Thiên Chúa bao bọc mình từng ngày tháng, giúp mỗi người có sức mạnh, động lực để vươn lên trong cuộc sống.
Là họa ảnh của Thiên Chúa, con người được dựng nên có nam có nữ, bình đẳng trong phẩm giá và có những khác biệt nhằm bổ túc và làm phong phú cho nhau, trở thành quà tặng cho nhau, quý trọng nhau và làm thành cộng đoàn tình yêu và sự sống. Chính tình yêu đã khiến con người trở thành hình ảnh đích thực của Thiên Chúa. Một tình yêu hy sinh và quảng đại, chia sẻ chứ không phải vì lợi ích cá nhân. Một tình yêu không đặt trên tiêu chuẩn là tiền bạc, sắc dục, thân thế, sự nghiệp… vì chính những thứ đó chỉ làm cho mái ấm gia đình trở thành nơi trao đổi, lừa gạt tình cảm, vụ lợi và chắc chắn khó có thủy chung và hạnh phúc.  Tình  yêu như “hạt nhân” cần thiết cho môi trường gia đình hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong thời kỳ thế tục hóa kèm theo biết bao thảm cảnh, khủng hoảng, suy thoái trong các gia đình.
 II. Vai trò của gia đình
      trong việc kiến tạo tình yêu trên trái đất
 1. Đặc tính tình yêu gia đình
 Tình yêu nên một
Nói đến Tình yêu không thể không nói đến tình yêu gia đình vốn chi phối rất lớn những sinh hoạt trong xã hội. Tình yêu gia đình như những hạt nhân nhân khiến cho sinh hoạt của xã hội đa dạng và phong phú. Để tình yêu được đặt đúng vị trí của nó, cần ý thức đặc tính của tình yêu là nên một, trao hiến trọn vẹn, thủy chung và mở ngỏ sự sống. Với đặc tính nên một, tình yêu vợ chồng trước hết hướng đến việc kết hợp nên một: “Người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình và cả hai nên một thân thể” (St 2, 24; Mt 19,5). Trước khi đến với nhau trong bậc sống gia đình, họ là những người ở hai thế giới khác biệt với những vấn đề, suy nghĩ, quan điểm, những khát vọng, những niềm vui nỗi buồn không giống nhau. Khi đã lấy nhau, hai thế giới này được hòa hợp với nhau để trở thành một xương một thịt, cùng nhau chia sẻ cuộc sống. Vì vậy, tình yêu hôn nhân đòi hỏi sự đơn nhất và bất khả phân ly.
Vấn đề nên một của tình yêu không chỉ đơn thuần dừng lại ở sự kết hợp thể xác, chung thủy một vợ một chồng nhưng còn là nỗ lực, cố gắng hòa hợp cả những dị biệt của cả hai người. Những dị biệt từ suy nghĩ, quan niệm, lối sống, sự nhận thức và chính cả đời sống tâm linh của mỗi người.  Đây là một tiến trình không phải đơn giản, bởi chúng ta đều biết mỗi người đều có tự ái, cái “tôi cá nhân” khó có thể bỏ qua một vấn đề dù nhỏ nhặt. Để có thể làm được điều này đòi hỏi hai người phải quên mình, ra khỏi chính mình để dễ dàng đón nhận những khác biệt của nhau, tiến đến sự hy sinh cho nhau và vì nhau. Đấy cũng là những lời mời gọi thật chân thành của Thầy chí thánh “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Một cuộc sống có trải qua những khó khăn, thử thách sẽ giúp các thành viên trong gia đình có được những cảm nghiệm thực của cuộc sống, tích lũy những kinh nghiệm sống có thể đối diện với phong ba bão táp của con thuyền cuộc đời.  Họ có thể cùng nắm tay nhau, tâm đầu ý hợp, sẻ chia những khó khăn và cùng nhau vượt qua cách dễ dàng.  Cuộc sống hôn nhân vì thế không thể nào không có những sóng gió, truân chuyên bởi lẽ một cuộc sống hôn nhân tốt đẹp không bao giờ không có những sóng gió, bấp bênh mà là kết quả khiến chúng ta hài lòng cũng phải được rút ra từ chính nỗ lực, hy sinh từng ngày của từng người vợ, người chồng trong gia đình. Những nỗ lực và hy sinh của họ chẳng phải luống công vô ích nhưng sẽ được đền đáp bằng những cảm nếm  ngọt ngào của tình yêu qua chính tình yêu Thiên Chúa khi hai người đạt đến sự nên một ấy.
Tình yêu trao hiến trọn vẹn
Tình yêu trao hiến là tình yêu hướng đến sự phong nhiêu trong việc sinh sản có trách nhiệm. Nhờ khả năng tính dục, người nam và người nữ hiến thân cho nhau qua những hành vi ân ái dành riêng cho vợ chồng.


Việc sinh ra con người mới là kết quả cụ thể của tình yêu vợ chồng và biểu lộ sự hiệp thông trọn vẹn. Sự hiệp thông này dẫn đưa con người thông dự vào công trình cứu độ của Đức Kitô. Con cái chính là quà tặng mà Thiên Chúa đã ban cho con người như dấu chúc lành của Ngài và như hoa quả tinh tế nhất của tình yêu vợ chồng. Chính vì lẽ đó, cần phải hiểu bình diện trên mức độ cao hơn. Tính dục không chỉ là hành vi sinh lý mà còn là ngôn ngữ của tình yêu diễn tả chiều kích cao cả hơn, đó là sự trao ban, dâng hiến, hy sinh, quên mình… Kinh Thánh cho chúng ta thấy điều đó: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Người Con Một cho thế gian”.
Tình yêu chung thủy
Tình yêu hôn nhân bắt nguồn từ Thiên Chúa liên kết hai người, tạo cảm thông và thúc đẩy hai người hy sinh và kiến tạo hạnh phúc cho nhau. Không thể xem tình yêu hôn nhân là thứ tình cảm say đắm nhất thời, thích thì đến với nhau, không thích thì ruồng bỏ. Cũng chẳng phải là thứ tình cảm cho nhau theo kiểu bố thí, ban phát nhưng là thái độ đón nhận nhau với lòng tôn trọng, trao hiến và phục vụ vô điều kiện, cùng nhau xây dựng hạnh phúc đời này và đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. Có lẽ không ai hiểu rõ về đời sống gia đình hơn những người đã và đang dấn thân trong bậc sống gia đình. Họ là những người có thể không ngờ đời sống gia đình phức tạp, rắc rối đến thế vì nó không đẹp, không lý tưởng như thời gian hai người mới tìm hiểu và yêu nhau. Khi bắt đầu bước vào đời sống gia đình, họ đã bắt đầu chạm trán với biết bao thách thức. Trong suốt thời gian hẹn hò, người chồng luôn nghĩ rằng người vợ tương lai của mình là một người đàn bà lý tưởng, không có những khuyết điểm mà mình nhận thấy nơi bao người thiếu nữ khác nhưng khi bước vào đời sống hôn nhân thì dường như biết bao khiếm khuyết của người bạn đời sẽ thể hiện tất cả giữa “thanh thiên bạch nhật” và dĩ nhiên người vợ cũng sẽ gặp trường hợp tương tự.
Có lẽ chúng ta sẽ tự hỏi rằng, họ có thể tiếp tục chung sống với nhau, có chung thủy với nhau không? Thật sự thì câu trả lời phần lớn xác xuất phải nằm ở nơi hai vợ chồng, chỉ có họ mới là người quyết định cho số phận và hạnh phúc của gia đình mình. Biết rằng trong đời sống hôn nhân, không ai có thể tránh khỏi những vụng về, những bất đồng, hiểu lầm, cãi cọ to tiếng, thậm chí có người đã phải thốt lên “tôi có lầm lẫn khi bước vào cuộc hôn nhân này không? Phải chăng tôi chọn lầm người? Phải chi tôi suy nghĩ kỹ càng hơn trước khi quyết định lập gia đình?” Rồi cũng biết bao người đã quyết định chia tay người bạn đời, vứt bỏ cuộc hôn nhân mình đã cam kết thề hứa. Thế ra cam kết trong hôn nhân, sự chung thủy trong tình yêu lại bị con người lạm dụng cách quá đáng. Sự chung thủy xuất phát từ ý định của Thiên Chúa và từ ý nghĩa, mục đích của hôn nhân. Chúa Giêsu đã dạy về tình chung thủy gắn bó, không có gì có thể phân chia tình vợ chồng trong hôn nhân “vợ chồng không còn là hai mà là một, sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19, 6).
Trong bất kỳ bậc sống nào dù là tu trì hay lập gia đình cũng đều có những thập giá Chúa trao gởi. Và một cuộc hôn nhân không có những va chạm, gây gổ, cãi cọ chưa hẳn là cuộc hôn nhân hạnh phúc. Có khi đó là cơ may nhằm giúp ta điều chỉnh những thiếu sót của bản thân và trở thành trường dạy của tình yêu, giúp ta khám phá giá trị cao hơn của đời sống vợ chồng.  Lòng chung thủy, không chỉ là những nỗ lực, cố gắng duy trì xây dựng của con người mà còn là cách sống niềm tin vào Thiên Chúa. Vì vậy, nói đến sự chung thủy trong đời sống vợ chồng, Giáo Hội cũng nêu lên quan niệm của mình với việc bất khả phân ly của hôn nhân:
Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong đó, hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị trước mặt xã hội nữa. Vì lợi ích của lứa đôi, của con cái và của xã hội, nên sợi dây liên kết thánh thiện này không lệ thuộc sở thích của con người. Chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo hôn nhân, phú bẩm nêu lên những lợi ích và mục tiêu khác… Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi họ kết hợp với nhau bất khả phân ly”. [1]
Bất cứ một người dù làm trong ngành nghề nào cũng có kinh nghiệm sự chung thủy, trung thành là chìa khóa đưa đến sự thành công mỹ mãn. Không ít người đã áp dụng ngay cả sự chung thủy trong đời sống hôn nhân của mình vào sự nghiệp, công việc của mình. Chẳng hạn  như nhà tỷ phú Mỹ, Henry Ford, người đã sống chung thủy trong đời sống gia đình. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành hôn của ông, có người đã hỏi ông đâu là công thức để ông thành công trong đời sống hôn nhân. Ông trả lời không ngần ngại rằng: “Cũng chính là công thức đã giúp tôi thành công trong kỹ nghệ chế tạo xe hơi. Công thức đó là trung thành với một mẫu duy nhất”.

Tình yêu mở ngỏ cho sự sống
Trong chương trình tạo dựng con người của Thiên Chúa,, tình yêu giữa người nam và người nữ là tình yêu thật đẹp. Hai người quyến luyến và cảm nghiệm hạnh phúc bên nhau, sẵn sàng hi sinh cho nhau, hạnh phúc vì thấy người mình yêu được hạnh phúc. Họ sống cho nhau và vì nhau. Con cái là kết quả của tình yêu hai người, là điểm nối kết hai người giúp họ sống tình yêu cách triển nở và hạnh phúc. Khi trở nên cha mẹ, vợ chồng lãnh nhận nơi Thiên Chúa quà tặng đó là trách nhiệm mới trở thành những người cha người mẹ, dấu chỉ hữu hình cho con cái nhận ra chính tình yêu Thiên Chúa, là “nguồn gốc mọi tình phụ tử trên trời dưới đất”. Theo ý định Thiên Chúa, hôn nhân là nền tảng cho gia đình trong đó định chế hôn nhân quy hướng về việc truyền sinh và giáo dục con cái. Việc Thiên Chúa tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh Ngài và như họa ảnh Ngài là mời gọi họ dự phần đặc biệt vào tình yêu cũng như quyền năng của Đấng Tạo Hóa qua việc cho họ cộng tác cách tự do và có trách nhiệm lưu truyền hồng ân sự sống con người: “Thiên Chúa đã chúc lành cho họ và phán bảo họ: hãy sinh sôi nảy nở, nên đầy dẫy trên mặt đất và hãy bá chủ nó…”
Sự phong nhiêu của tình yêu vợ chồng không giản lược vào nguyên việc sinh ra con cái ngay cả khi việc này được hiểu theo nghĩa hết sức nhân bản của nó. Sự phong nhiêu được nới rộng và làm giàu bằng tất cả mọi kết quả của đời sống luân lý thiêng liêng và siêu nhiên mà người cha và người mẹ đều được mời gọi trao ban cho con cái họ, và qua chúng, cho Hội Thánh và thế giới.[2]
2. Yếu tố giúp gia đình hạnh phúc
Những người sống bậc vợ chồng luôn luôn muốn tận dụng mọi cách thức, phương thế để xây dựng gia đình, cố gắng đưa gia đình mình vươn lên vững chắc như tòa nhà được xây trên đá. Điều khiến gia đình này không phải sụp đổ nửa chừng hay dở dang là gia đình đã được xây trên nền móng vững chắc là tình yêu. Tuy vậy, các gia đình trẻ hôm nay cũng gặp rất nhiều khó khăn khi bước vào đời sống hôn nhân. Họ bị ảnh hưởng bởi những trào lưu hiện đại, coi nhẹ các giá trị của đời sống gia đình và định chế hôn nhân. Thật không lạ lẫm gì khi họ quan niệm: làm gì phải ràng buộc bởi hôn nhân, thích thì ở với nhau, không thích thì ra tòa ly dị, đường ai nấy đi, như vậy là êm xuôi. Quan niệm ấy xem ra đặt giá trị hôn nhân như là một “ hợp đồng” giữa hai người chứ chẳng phải là giao ước mang tính bất khả phân ly.
Dẫu biết rằng việc sống còn của gia đình không phải tự nhiên mà có nhưng cần trải qua quá trình thanh luyện, bằng chứng là như trong Công Đồng Vaticanô II, số 49 trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng không ngần ngại khẳng định “Để có thể sống trọn ơn gọi hôn nhân, cần phải có những nhân đức phi thường”. Có được những đức này, một trong hai người hay cả hai người sẽ phải biết bỏ mình, bỏ cái tôi cá nhân mình để sống cho cái chung. Có thể rất có nhiều những yếu tố giúp cho các gia đình hạnh phúc, ở đây chỉ xin chia sẻ vài yếu tố xét thấy cần thiết và cũng có thể thực thi khả quan:
Hiện diện và đối thoại
Để gia đình hạnh phúc thực sự, cần có sự cộng tác, đóng góp về thời giờ, sức lực, khả năng, hơn nữa còn hiện diện trong gia đình để bầu khí gia đình không để lại những khoảng trống. Khi đã hiện diện, dĩ nhiên cần có sự đối thoại thật chân thành với người bạn đời của mình. Mọi việc cần được bàn bạc, trao đổi và thống nhất với nhau trước khi đem ra hành động. Không ai được đóng vai trò làm người dư thừa hay là khán giả ngoài cuộc, xem ra sinh hoạt hay vận mạng của gia đình không có liên hệ gì đến mình hay lại đưa ra những quyết định độc đoán như những vị quan tòa. Do vậy, sự hiện diện của mỗi người làm cho bầu khí gia đình thêm phong phú, vui tươi  và tràn đầy sức sống. Một khi mỗi người cảm thấy sự hiện diện của mình trong gia đình rất quan trọng và cần thiết, họ sẽ có thể tin tưởng chia sẻ, nói lên những tâm tư, nguyện vọng chẳng hạn vợ chồng có thể kể cho nhau nghe chuyện nơi công ty, công sở mình đang công tác với những điều thuận lợi và khó khăn; con cái cũng có thể kể cho cha mẹ chúng những gì đã xảy ra với chúng trên trường học, nơi chúng sinh hoạt. Từ đó, gia đình trở thành nơi các thành viên trong gia đình tìm thấy được nguồn an ủi, bình an và hạnh phúc.
Thông cảm nhau
Mỗi người đều có con tim, khối óc, chắc chắn sẽ có những suy nghĩ và quan điểm rất riêng, có thể khác hẳn người bạn đời của mình. Hơn nữa, mỗi người vốn đã mang trong mình sự tự ái và tính ích kỷ, ít khi nào muốn chịu “lép vế” người khác nên những bất bình, cãi vã, xung đột, thậm chí bạo hành gia đình là không thể tránh khỏi, nếu cả hai không biết thông cảm cho nhau. Tuy nhiên, những xung đột và bất bình giữa vợ chồng không phải là không có giải pháp khắc phục. Muốn được như vậy, vợ chồng phải có thời gian ngồi lại với nhau, cùng chia sẻ và lắng nghe nhau, mở rộng lòng để đón nhận những ý kiến của người bạn đời mình với thái độ kính trọng và yêu thương, không vội phê phán, kết án, trách móc hay nghi ngờ người bạn đời của mình. Đó là phương cách khả dĩ giúp gia đình ngày càng hạnh phúc và có thể hàn gắn được những rạn nứt đã và đang xảy ra nơi các gia đình.
Dành thời giờ cho nhau
Những thời gian được sống gần bên nhau là những giây phút cần làm cho nhau cảm thấy hạnh phúc và ý nghĩa. Cần biết quý trọng cái đang có trong tầm tay mình. Có nhiều người vợ hoặc người chồng vì quá mải mê với công việc, với những chương trình riêng của mình mà không còn thời gian để dành cho vợ, cho chồng, cho con.
Một bó hoa trong ngày sinh nhật của chồng hoặc vợ, một cánh thiệp chúc mừng trong những sự kiện cần được chúc mừng cũng không có hoặc bị lãng quên, hoặc có có chăng thì cũng làm cho qua loa chiếu lệ, vội vàng và nhạt nhẽo. Lúc nào trên miệng cũng một lời bào chữa là “tôi bận quá!”. Nếu đã như vậy thì liệu có thật sự dành cho nhau thời gian chưa? Thật sự đã dành cho nhau tình yêu chưa? Vì thế, để tình yêu ngày càng thăng hoa thì cần dành cho nhau thời gian để chăm sóc, yêu thương nhau, đừng để phải hối tiếc về điều mình đánh mất.
Tôn trọng nhau


Cần lưu ý tránh những lời nói thiếu tế nhị và hành vi mà người bạn đời không thích. Đặc biệt, mặc dù tuy đã kết hôn, cả hai nên một nhưng mỗi người cũng cần có những khoảng riêng tư và không muốn bị xâm phạm quá nhiều. Bởi thế, dù là vợ hay là chồng cũng không có quyền can thiệp tất cả vào cuộc đời của người bạn đời của mình. Ở đây là điều hết sức tế nhị để không xảy ra những điều thật đáng tiếc chỉ vì thiếu sự hiểu biết của chúng ta.
Chia sẻ và giải quyết vấn đề
Không thể hiểu gia đình hạnh phúc là gia đình không có những trục trặc, khó khăn nhưng điều cần nói là khi chạm trán với những khó khăn, thử thách, mỗi người có biết cùng chung tay góp sức để giải quyết các vấn đề này không? Khi đối diện với các vấn đề phức tạp và nan giải, chính tình thương sẽ chi phối và hóa giải những bất bình, tranh chấp, hiểu lầm nơi gia đình. Biết rằng con người không chỉ chia sẻ cho nhau những nhu cầu vật chất như cơm ăn, áo mặc mà còn chia sẻ cho nhau những giá trị tinh thần, niềm vui nỗi buồn. Ngoài ra, để việc chia sẻ và hiệp thông với nhau đạt được hiệu quả cao cần để Chúa cùng đồng hành với gia đình trong đời sống tâm linh qua các giờ cầu nguyện chung. Đời sống cầu nguyện được thực hiện giữa vợ chồng với nhau diễn tả gia đình có Chúa hiện diện trong nhà, Ngài sẽ đóng vai trò là người nối kết vợ chồng, giúp họ lắng nghe, hiểu nhau, chung thủy,  bầu khí linh thiêng sẽ giúp mọi người mở lòng mình ra để cảm thông, chia sẻ, tha thứ và cùng nhau tiến bước vượt qua những gian nan, thử thách.
3. “Chướng ngại vật”
         đẩy lui tiến trình hạnh phúc gia đình
Hoàn cảnh mà các gia đình đang sống hiện nay bao gồm cả những khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Thế giới biến động và chuyển mình phát triển với mức độ chóng mặt, cũng là điều kiện hết sức thuận lợi cho các gia đình phát triển cả về tri thức, có được ý thức sống động hơn về tự do cá nhân, quan tâm đến việc nâng cao phẩm giá con người, cách riêng phẩm giá người phụ nữ, đề cao đến sự sinh sản có trách nhiệm, việc giáo dục trẻ em hoặc việc ý thức về nhu cầu phát triển các mối tương quan liên vị trong gia đình, họ hàng để giúp đỡ lẫn nhau về vật chất cũng như tinh thần, khám phá lại sứ mạng riêng cũng như trách nhiệm xây dựng thế giới này của gia đình đã được Hội Thánh ủy thác.

Tuy nhiên, gia đình cũng đang đứng bên bờ vực thẳm. Ngay nay, không thiếu những dấu hiệu cho thấy sự thoái hóa đáng lo ngại về những giá trị đạo đức, các quan niệm sai lầm, ngộ nhận về tình yêu, những lối hiều mập mờ về ý nghĩa của các hành vi tính dục, thói trọng nam khinh nữ, nghiện ngập, mê tín, bạo hành nơi gia đình…


Những chướng ngại trên đã gây ra bao đổ vỡ trong các gia đình trẻ ngày nay. Người ta đang sử dụng tự do Chúa ban, không để thực hiện kế hoạch Chúa vạch ra cho hôn nhân nữa mà coi nó như năng lực tự lập để khẳng định mình. Không ít các bậc làm cha làm mẹ không am hiểu tỏ tường các giá trị của đời sống gia đình nên chưa phát huy hết khả năng để tổ chức đời sống gia đình tiến triển trong đường hướng tích cực và vươn lên. Đã đến lúc cần quan tâm xứng đáng cho sự phát triển gia đình để mang lại hạnh phúc không những cho mỗi người mà tạo thế phát triển lành mạnh và ổn định trong xã hội.

4. Tình yêu trong gia đình,
           là chứng tá loan báo sự sống
Sống trong thế giới mà mọi người dường như trở nên xa lạ và sống dửng dưng bên cạnh nhau thì môi trường gia đình là nơi bảo vệ và biểu lộ tình  yêu thân thiện nhất. Đây chính là nơi thích hợp cho con cái học cách sống các gía trị đạo đức, yêu thương, quan tâm và chú ý đến người khác cũng như sẵn sàng đảm nhận, thông chia trách nhiệm với nhau mà không đòi hỏi hơn thiệt. Thánh Phaolô cũng đã nhiều lần mời gọi các cặp vợ  chồng hãy bắt chước Chúa Giêsu dâng hiến cho Giáo Hội tình yêu của Ngài. “Anh chị em hãy tìm bắt chước Thiên Chúa như những người con yêu dấu, và đi theo con đường của Tình Yêu, con đường mà Chúa Giêsu đã vạch trước, khi Ngài yêu thương và tự dâng hiến đời mình cho chúng ta” ( Ep 5, 1).
Tuy nhiên, hơn bao giờ hết các giá trị đạo đức này lại bị con người lợi dụng để chống lại hay phá bỏ sự sống. Sự sống đang bị đe dọa cách trầm trọng dưới nhiều hình thức như là tình trạng phá thai mà trung bình mỗi năm, tổ chức y tế thế giới đã thống kê khoảng 40- 50 triệu ca phá thai. Bên cạnh đó còn rất nhiều hình thức ngừa thai bằng biện pháp nhân tạo hay những kỹ thuật sinh học tiến triển đã được con người nhân danh khoa học để tự do xúc phạm, can thiệp đến sự sống. Ngoài ra, sự sống đang bị đe dọa vì những lựa chọn đi ngược bản chất và mục đích hôn nhân qua các vụ li dị, ly hôn, bạo hành gia đình, đồng tính.
Liệu có giải pháp nào để tình yêu trong gia đình trở thành chứng tá loan báo sự sống? Thiết nghĩ, trước hết cần hiểu biết rành mạch và tường tận về giá trị thiêng liêng và bất khả phân lý của sự sống để có thể yêu thương và quí trọng sự sống Chúa ban. Tình yêu cần được thể hiện trước tiên ngay chính nơi gia đình của mình để gia đình mình có trở thành nơi yêu thương, tràn ngập niềm vui. Tình yêu dần dần được biểu hiện là thái độ kính trọng, che  chở và bảo vệ sự sống. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, nhân dịp viếng thăm Mexico tháng 5.1990, đã nói về gia đình như sau: "Tình yêu trong thế giới ngày nay đang bị đe dọa bằng nhiều cách và tình yêu gia đình đang bị lu mờ dần dần”.
Thực vậy, trong xã hội tục hóa và thực dụng như ngày nay, sách vở, báo chí, phim ảnh đang cổ võ cho một cuộc sống tính dục ích kỷ, buông thả, tách biệt tình dục khỏi tình yêu, đồng hóa tình dục với tình yêu, đưa đến thảm kịch là tự do yêu đương, tự do ân ái, tự do ly dị, mãi dâm, hiếp dâm... Tình yêu hôn nhân đang bị đe doạ và đời sống gia đình không có tình yêu thì liệu lời rao giảng của mình có hiệu năng không? Chính vì thế mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc lại sự cao cả và trách nhiệm của gia đình. Ngài kêu gọi: 
Vì thế, hỡi các cha mẹ Công giáo, bổn phận của anh chị em là xây dựng và gìn giữ tổ ấm này trong đó con cái anh chị em được sinh ra lớn lên trong phẩm giá làm con Thiên Chúa. Nhưng tình yêu của anh chị em chỉ có thể nói về Thiên Chúa cho con cái của anh chị em nếu trước hết anh chị em được sống trong sự thánh thiện và trong việc tận hiến hoàn toàn cho nhau trong hôn nhân.

Thay lời kết
Gia đình là cộng đồng đầu tiên của sự sống và tình yêu, là trường đầu tiên con người học yêu và cảm thấy được yêu mến. Gia đình được xây trên tình yêu: tình yêu của vợ với chồng , tình yêu của cha mẹ với con cái, tình yêu của con cái với cha mẹ. Mỗi cá nhân trước tiên phải làm thế nào để gia đình mình không là nơi xảy ra các cuộc xung đột, tranh chấp, hiểu lầm nhau liên miên mà không có lối thoát để hòa khí trong gia đình được lập lại. Đó mới là chứng tá cho chúng ta thấy đời sống Hôn nhân có giá trị cao cả và nêu gương cho các gia đình khác. Có thể nói rằng, người ta nhận ra Tình yêu Chúa ngay nơi chính gia đình mình và nơi chính trần thế này.



[1] Vat II, Hiến Chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay - Gaudium et Spes, số 48.
[2] ĐTC Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consorrtio, số 28.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn