Gia đình là cái nôi sự sống và yêu thương,
lý tưởng của nó bao gồm ba thành phần chính yếu đó là:
cha, mẹ và con cái chung sống dưới một mái nhà,
cộng đồng ngôi vị này
luôn tạo một bầu khí thuận hoà, yêu thương,
luôn có tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ.
lý tưởng của nó bao gồm ba thành phần chính yếu đó là:
cha, mẹ và con cái chung sống dưới một mái nhà,
cộng đồng ngôi vị này
luôn tạo một bầu khí thuận hoà, yêu thương,
luôn có tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ.
Phaolô Hoàng Văn Diệm,
CSC
DẪN NHẬP
Xã hội hôm nay đang từng bước chuyển mình, với những đổi thay sâu rộng
trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Thật vậy, cơ cấu xã hội thay đổi, suy nghĩ và
tâm thức của con người cũng đổi thay theo… thì cơ cấu gia đình, việc giáo dục
gia đình, nếp sống gia đình cũng có những xáo trộn nhất định.
Cụ thể, hơn bao giờ hết, xã hội cũng như Giáo hội đã thấy rõ tình trạng
các gia đình hiện nay nói chung, cũng như các gia đình Công giáo nói riêng:
tình trạng ly di, ly thân, bạo lực gia đình… đang xảy ra mỗi ngày.
Trước bối
cảnh đó, HĐGMVN đã không ngừng có những đường hướng, phương cách nhằm giúp nâng
cao phẩm giá và vai trò của gia đình trong xã hội lẫn Giáo hội. Đặc biệt năm nay
2014, là năm “Phúc Âm hóa gia đình”, người viết muốn góp một phần nhỏ bé nhằm làm sáng
tỏ khía cạnh “Gia đình, trường
dạy yêu thương” và xem đây là sứ mạng cụ thể của các gia đình Kitô giáo hôm
nay.
Tông Huấn về
Gia Đình của Đức Gioan Phaolô II xác định “gia đình là hình ảnh thu nhỏ của
Giáo Hội”, là trường học có tính nhân bản sâu đậm, trong đó con người lớn lên
trong sự nhận biết sâu xa và phong phú nhân cách của mình, và lớn lên trong tư
cách là anh chị em của Đức Kitô.[1] Thật vậy, mục đích của
giáo dục Công giáo là giáo dục con cái lớn lên trong đức tin và nhân bản.
1.
Giáo
dục nhân bản
Đức
Bênêđictô XVI phát biểu nhân dịp Hội đồng Giám mục Việt Nam viếng mộ hai thánh
Phêrô và Phaolô Tông đồ năm 2009, đối với các gia đình như sau:
Các gia đình
hãy dạy cho con cái biết sống theo lương tâm ngay thẳng, trong sự liêm chính và
sự thật, như thế các gia đình công giáo sẽ trở nên trung tâm các giá trị và đức
tính nhân bản… Và khi xây dựng đời sống trên nền tảng đức ái, sự liêm chính và
quý trọng công ích, người giáo dân đích thực chính là những người công dân tốt.[2]
1.1
Giáo
dục các đức tính nhân bản truyền thống
Dạy con chữ “Nhân”
Trong mọi thời đại và mọi tôn giáo, chữ nhân luôn là trọng tâm và đứng
hàng đầu, là quan trọng hơn cả, là bao quát, là điểm then chốt của đạo làm
người. Dù thời xưa hay thời nay chữ nhân vẫn luôn thể hiện trong cách sống của
mỗi con người. Chữ Nhân xuất hiện trong văn hóa người Việt từ rất lâu đời. Chữ
Nhân mang nhiều ý nghĩa. Theo lối viết tượng hình Nhân có nghĩa là người. Nhân
còn có nghĩa là lòng từ ái bao dung, sự độ lượng và tình thương người. Người
Việt nghiệm ra cái đạo làm người từ những nỗi đau và những va chạm trong cuộc
sống.
Xưa, trời đương tiết đông, vua Lê Thánh Tông một hôm ngự giá ra khỏi hoàng
thành thì gặp một ông lão nằm run rét. Ngài bèn cởi áo ngự bào mà đắp cho ông.
Đức Phật ngày nọ ra thành đã chứng kiến cái sinh - lão - bệnh - tử của người
đời và từ đó nguyện xã thân cứu độ chúng sanh. Vì thế, cả Đức Phật lẫn Vua Lê
đều được ca tụng là người có lòng nhân từ, thương người như thể thương thân.[3]
Vì thế, các
bậc cha mẹ phải luôn quan tâm, dạy dỗ cho con cái mình những điều tốt đẹp vừa
nêu trên. Vì nếu không có lòng nhân, thì không thể “tứ hải giai huynh đệ” hay
“lá lành đùm lá rách” được. Hơn nữa, sống lòng nhân với mọi người còn là lời
mời của Thiên Chúa: Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.[4]
Dạy cho con chữ “Nghĩa”
Chữ nghĩa ở
đây được hiểu một cách rộng rãi như là: nghĩa cha con, nghĩa anh em, nghĩa thầy
trò, nghĩa bạn bè…chữ nhân và chữ nghĩa thường đi đôi với nhau, cho nên trong
kinh sám hối có bốn câu dạy rằng:
Làm người
nhân nghĩa xử xong,
Rủi
cho gặp lúc long đong chẳng sờn.
Làm
người nhân nghĩa dự tròn,
Tất cả đều
nói lên đạo làm người; thấy điều nghĩa mà không làm, thì quả là người bất nhân,
bất nghĩa.”[6]
Người Samaritanô nhân hậu là điểm son nói lên đạo nghĩa ấy. Đối với người Việt,
cái đạo này đã ăn sâu trong từng tương quan: tình làng nghĩa xóm, tình nghĩa
cha con, vợ chồng, bạn bè, tình nghĩa thầy trò,…[7] Nhờ những cái đức đó, các
gia đình, ông bà, cha mẹ, con cái, sống hoà thuận với nhau; biết kính trên
nhường dưới, làm nên một gia đình có “gia phong lễ giáo.”
Truyện Lục
Văn Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, khi Nguyệt Nga cám ơn Lục Văn Tiên vì đã cứu
nàng thoát nạn, Lục Văn Tiên đáp lại:
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm
người thế ấy cũng phi anh hùng.
Dạy cho con chữ “Lễ”
Lễ phép là
một điều căn bản nhất trong tư cách làm người, vì thế mỗi một người không thể
thiếu trong cách giao tế hằng ngày giữa con
người với nhau. Chúng ta muốn được mọi người tôn trọng thì phải biết giữ lễ
phép, và sống đúng chữ Lễ. Ngược lại chúng ta bị mọi người xem thường, chê
cười, khinh bỉ là do thất lễ. Vì thế trong giáo án Hán Văn của Nguyên Gia Tường
có viết “Lễ là cái phép xử sự giữa người với người và với đấng linh thiêng.”[8]
Một thực
trạng đáng buồn hiện nay là trẻ em ít lễ độ, ít vâng lời, thiếu nhường nhịn,…
Lý do, một phần là do xã hội nhưng phần lớn là do cha mẹ đã có những phương
pháp và quan niệm nuôi dạy con không đúng mức.
Các nhà
trường vẫn còn trương cao khẩu hiệu: “Tiên học lễ, hậu học văn”, tiên vàn giúp
các em học cái ‘lễ’, kế đến mới học văn chương kinh sử; đấy quả là điều đáng
khích lệ. Nhưng xem ra, thời đại hôm nay, chữ ‘lễ’ đang bị tụt xuống hạng thứ
và nhường chỗ cho chữ ‘văn’. Không biết, các thầy cô có chút quan tâm nào đến
chữ ‘lễ’ cho các em không? Vì, các em học ngày học đêm, học thêm học bớt, … mà
vẫn quay cóp, gian lận trong thi cử. Khi phê phán thực trạng đạo đức và nền
giáo dục nước nhà, người ta bảo phải đổi câu khẩu hiệu trên thành: “Tiên học
phí, hậu học thêm.”
Chính vì
thế, hơn bao giờ hết, cha mẹ phải lưu tâm nhiều hơn nữa đến “đức lễ” của con
cái ngay trong chính môi trường gia đình. Huấn luyện cho con cái ý thức được
giá trị của “đức lễ” trong tương quan liên vị.
Dạy cho con chữ “Trí”
Trí là một sự hiểu biết,
người không trí, không hiểu biết thì quả là một thiệt thòi lớn. Chúng ta có thể
nói được rằng người không có trí rất khó việc. Hiểu biết điều hay lẽ phải cho
tới ngọn nguồn mới là khôn ngoan vậy.[9]
Sống trên đời, không ai
lại không muốn mình khôn ngoan. Nó đáng giá hơn vàng gấp bội. Vua Salômôn được
Thiên Chúa báo mộng: “Ngươi cứ xin đi, ta sẽ ban cho”. Ông chỉ xin: “Xin ban
cho tôi tớ đây một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và biết phân biệt phải trái.”[10]
Khi đặt vấn
đề: làm sao để con em khôn ngoan, có tri thức? Các bậc cha mẹ cứ tưởng công
việc đó là của nhà trường, nhà thờ, nhà chùa,… thật là một ngộ nhận đáng buồn!
Chúng ta đã nói: Gia đình là trường học đầu tiên của con cái cơ mà! Cha mẹ là
những nhà giáo dục đầu tiên của con cái. Vậy, công việc đó tiên vàn vẫn là cha
mẹ. Muốn con cái có một quyết định khôn ngoan, đúng đắn, cha mẹ phải dạy cho
con biết phân biệt phải trái.
Khôn ngoan
thực sự là khôn ngoan có trách nhiệm, có liên hệ đến bản thân, đến tha nhân và
đến môi trường chung quanh. Cổ nhân nói: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người
khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe” hay khôn ngoan như Chúa dạy: Phải khôn như con
rắn và thật thà như con bồ câu.[11]
Dạy cho con chữ “Tín”
Trong cuộc
sống hằng ngày chữ Tín rất quan trọng, cho dù thời xưa hay thời nay. Đối với
người Á Đông, một lần tin bằng vạn lần thất tin.”[12] Chữ tín còn có nghĩa là
can đảm nói lên sự thật. Nhạc Chính Tử, khi vua nước Lỗ sai ông mang báu vật
cúng nước Tề nhưng nhà vua trao cho ông báu vật giả nên ông nhất quyết không
đi, ông nói: “Chúa công quý báu vật thế nào, thì tôi cũng quý chữ ‘tín’ của tôi
như thế.”[13]
Nói chung, Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín luôn có sự gắn kết với nhau, làm người mà
thiếu đi một trong những điều ấy cũng không được. Như bài thơ sau nhắn gửi:
Người không có Nhân thì sẽ thành kẻ độc ác.
Người không có Nghĩa thì sẽ thành kẻ bội bạc.
Người không có Lễ thì sẽ thành kẻ vô phép.
Người không có Trí thì sẽ thành kẻ ngu ngốc.
Người không có Tín thì sẽ thành kẻ giả dối.
Khổng Tử nói: Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả
dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô ngột, kỳ hà dĩ hành chi tai. Nghĩa là người mà
không có tín thì không thể hiểu sao thành người được (hoặc làm nên việc gì
được). Cũng như xe lớn không có đòn nghê (đòn gỗ ngang để buộc trâu); xe nhỏ
không có đòn ngột (đòn gỗ cong để buộc ngựa) làm sao mà đi được. Vượt trên tất
cả, Đức Giêsu dạy chúng ta: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt đặt
điều là chuyện của ma quỷ.”[14]
Trên đây là
năm đức tính gần gũi với người Á Đông, các gia đình làm thế nào để nó trở thành
cái bản, cái gốc. Từ những cái gốc đó, cha mẹ có thể giúp cho con cái mình hiểu
biết và sống thật tốt và nhờ ơn trên soi dẫn, con cái sẽ sinh nhiều hoa trái
(nhân đức). Tuy nhiên, để trở nên hoàn thiện hơn, ngoài những đức tính gần gũi
với người Á Đông, cách riêng với các gia đình Kitô hữu, Giáo Hội mời gọi con
cái mình phải giáo dục trẻ theo chiều hướng các giá trị chính yếu của đời
người.
1.2. Giáo dục và tập sống các nhân đức Kitô
giáo
Là người có đạo, ngoài nền giáo dục nhân bản,
cha mẹ còn phải cho con cái nền giáo dục Công giáo, nghĩa là ngay từ hồi còn
tấm bé, đã phải dạy cho con cái biết mến Chúa yêu người, biết tuân giữ những
giới luật của Chúa, biết tham dự những công việc đạo đức, biết siêng năng lãnh
nhận các bí tích, nhờ đó con cái sẽ trở thành những Kitô hữu đích thực, nghĩa là những người có Đức Kitô trong tâm hồn và
mang Đức Kitô trong cuộc sống, cũng như trở thành những người tín hữu đích
thực. Cách đặc biệt là dạy cho con cái sống đức tin của mình giữa lòng đời.
Công đồng
Vaticanô II dạy: “Vợ chồng đã lãnh nhận phẩm giá và chức vụ làm cha mẹ, sẽ chăm
lo chu toàn bổn phận giáo dục, nhất là về phương diện tôn giáo, vì bổn phận này
liên hệ đến họ trước. Vì vận mệnh tương lai của xã hội và của chính Giáo Hội
gắn liền với sự tiến bộ của những người trẻ, đó chính là cái của họ, nên họ cần
trang bị cho mình một số vốn liếng kiến thức phần đạo, cũng như đời để lấy đó
làm hành trang vào đời.
Công đồng Vaticanô II cũng xác định nội dung
của việc giáo dục Kitô giáo như sau: Việc giáo dục này không những chỉ giúp
nhân vị được trưởng thành, nhưng chính là nhằm giúp những người đã được rửa
tội, để nhờ hiểu biết sâu xa hơn mầu nhiệm cứu rỗi, thì càng ngày càng ý thức hơn
về hồng ân đức tin đã nhận lãnh, biết cách thờ phượng Chúa Cha trong tinh thần
và chân lý,[15]
nhất là qua việc cử hành phụng vụ, cũng như được huấn luyện để biết sống theo
con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý[16]. Nhờ vậy họ đạt tới con người
toàn thiện, chín chắn, đạt tới sự sung mãn của Đức Kitô (x. Ep 4,13), góp phần
làm cho Nhiệm thể được tăng trưởng.
Trong việc
giáo dục đức tin, cũng cần để ý tới việc giúp con cái nhận ra ơn gọi của chúng
và giúp chúng đáp lại ơn gọi đó. Khi con cái bắt đầu học giáo lý, cha mẹ nên
quan tâm tìm hiểu hệ thống các lớp giáo lý trong giáo xứ mình. Ngay cả khi con
cái chưa đi học, nếu được, họ cũng nên tham gia giảng dạy hoặc hỗ trợ cho các
lớp giáo lý, bởi đó là cách đơn giản để nâng cao nhận thức giáo lý của mình và
tự trang bị khả năng đào tạo đức tin cho con cái. Một số nơi, vì giới phụ huynh
ít tham gia, việc giảng dạy giáo lý được giao cho lớp trẻ và nói tới giáo lý
viên là người ta dễ nghĩ tới những anh chị chưa lập gia đình. Thật ra, đội ngũ
giáo lý viên phải là những người có bề dày kinh nghiệm sống, cho nên Hội Thánh
rất ước mong các đôi bạn quảng đại chia sẻ sứ mạng này[17].
2.
Giáo
dục đức tin
Trong tuần lễ Gia đình
tại Brasil, ngày 11/ 8/2013, Đức Phanxicô đã gởi sứ điệp: các bậc cha mẹ hãy
thông truyền đức tin cho con cái bằng lời nói, việc làm và bằng gương sáng,
nhất là phải biết tôn trọng sự sống từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên.
Ngài nói: “Các phụ huynh hãy cộng tác với Thiên Chúa trong sứ mệnh cao quý, đòi
hỏi phải chú trọng đức tin cho chúng và bảo đảm cho một tương lai tốt đẹp.”[18]
Về điểm này, Đức Gioan PhaoLô II cũng đã từng khẳng định: Nếu giáo dục đức tin
từ cha mẹ qua con cái thì tương lai của thế giới và Giáo hội sẽ được bảo đảm.
2.1.
Ươm mầm đức tin Công giáo
Khi khẳng
định gia đình là trường học đầu tiên của con cái, ngoài việc giáo dục cho con
cái các đức tính nhân bản, cách đối nhân xử thế, cũng như giúp định hướng nghề
nghiệp tương lai cho con cái, thì gia đình, cách riêng các gia đình công giáo,
chính là nơi ươm mầm đức tin cho con cái. Hình ảnh những người mẹ, bà, ông… tập
cho con, cháu mình làm dấu thánh giá, “ạ” Chúa, mẹ, các thánh khi đứng trước
tượng Chúa, tượng Mẹ. Thoạt đầu, xem ra, những cử chỉ ấy vô bổ, không ăn nhập
gì với đứa trẻ nhưng thật ra những cử chỉ ấy lại là những “cái chữ” đức tin mà
đứa bé cần phải có. Linh mục Antôn Hà Văn Minh, trong bài thuyết trình: “Lòng
đạo đức bình dân trong đời sống người giáo dân Việt Nam-nhìn vào lịch sử để
định hướng cho thời đại hôm nay,” đã nêu lên những hiệu năng của lòng đạo đức bình
dân: khơi nguồn đạo đức nơi người giáo dân-nung nấu người giáo dân truyền
giáo-là lực thúc đẩy công việc bác ái của người giáo dân-là thành lũy bảo vệ
đức tin.[19]
Thánh Têrêxa
Hài Đồng kể: nhờ cha mẹ dạy đọc kinh Mân Côi từ rất sớm, nên khi mới ba bốn tuổi
thánh nữ đã thuộc kinh Mân côi và cứ thế ngài đọc hằng ngày. Muốn giáo dục đức
tin cho trẻ thì chính cha mẹ phải thấm nhuần đức tin, vì: “Không ai cho cái mà
mình không có”. Chính cha mẹ phải là tấm gương sáng về đời sống đức tin trong
gia đình. Vì nếu thân xác cần được nuôi dưỡng để phát triển khỏe mạnh thì đời
sống đức tin cũng cần phải được nuôi dưỡng như vậy. Gia đình phải duy trì, và
thực hành giờ kinh sớm tối trong gia đình, điều có tác dụng rất tốt trong việc
truyền bá đức tin cho con cái mình. Quả thế, trong suốt chiều dài lịch sử của
Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, gia đình vẫn được xem là cái nôi thông truyền
đức tin cho con cháu, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào
tạo những con người trưởng thành trong đời sống đức tin cũng như trong đời sống
nhân bản làm người.[20]
Tuy nhiên,
đáng tiếc thay, nhiều bậc phụ huynh ngày nay không còn đi tham dự Thánh lễ ngày
thường, không còn đọc kinh tối-sớm trong gia đình. Thay vào đó, cứ mỗi buổi tối
đến, cả nhà xem Ti vi, hay chơi game online, hay các thú tiêu khiển khác… Quả
thật, cổ nhân thường nói: “Nhìn quả, thì biết cây” hay “Cha nào con nấy”. Cha
mẹ “không biết Chúa”, “không biết nhà thờ,” thì làm sao bảo con mến Chúa yêu
người được. Cho nên, “chúng
ta bắt gặp không thiếu bạn trẻ đi tham dự Thánh Lễ chẳng khác gì đi xem bóng đá
hay hò hẹn. Họ tựa gốc cây hay ngồi trên xe gắn máy, nói chuyện hay ôm nhau và
tâm tình với nhau cho hết giờ Thánh Lễ.”[21] Quả
thật, Thánh Lễ đối với họ không còn là lời mời gọi đoàn tụ, chia sẻ và sai đi
mà tham dự Thánh Lễ chỉ vì luật buộc hoặc vì sĩ diện.
Như vậy,
việc thông truyền đức tin cho con cái, trước hết là bổn phận của cha mẹ. Một
nhiệm vụ bất khả thay thế, bất khả nhượng, bởi nó thuộc bản tính của hôn nhân
Kitô giáo. Hơn nữa, cha mẹ là những người thầy cô, nhà tâm lý, nhà linh hướng
cho con cái. Vì thế, không ai hiểu con cái bằng cha mẹ.
2.2.
Tuyên
xưng đức tin
Không ai có
thể tuyên xưng “Đức Giêsu là Đức Chúa, nếu không nhờ tác động của Thánh Thần.”[22] Như thế, việc tuyên xưng
đức tin không phải là do cảm hứng hay bột phát mà ta tuyên xưng, nhưng nhờ tác
động của Chúa Thánh Thần. Bởi vì, một mặt, Chúa Thánh Thần là nguyên lý của
niềm vui và hạnh phúc, đồng thời Ngài chính là Thần Khí của Đức Giêsu ban cho
chúng ta (x.Ga 20,22). Mặt khác, đức tin là ơn nhưng không mà Thiên Chúa ban
cho chúng ta chứ không do tài năng, hay việc học hỏi của chúng ta. [23]
Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta thụ động trước đức tin nhưng, để
có lời tuyên xưng như Phêrô: “Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống” (Mt
16:16), thì chúng ta phải không ngừng làm cho đức tin thêm vững mạnh.
Các tông đồ
ngày xưa được Đức Giêsu dạy dỗ, truyền bá đức tin, thì ngày nay các bậc cha mẹ
cũng noi gương Đức Giêsu ươm mầm và dạy đức tin cho con cái, bằng cách tập cho con làm dấu thánh giá, dạy cho con
gọi tên Đức Giêsu, Đức Mẹ, các thánh… Đơn giản nhất là dạy cho con làm dấu
trước khi ăn cơm, đưa con đến nhà thờ, đi hoc giáo lý, tham gia các đoàn thể
như ca đoàn, hội từ thiên, hướng đạo… Thánh Phaolô viết: “Tôi đã tin, nên tôi
mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói.”[24]
Trong sứ
điệp của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Năm Đức Tin lần thứ XIII vừa qua có đoạn
viết:
Mỗi một lần
rao giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin từ thế hệ này sang thế hệ khác thì
môi trường tự nhiên đầu tiên là gia đình, trong gia đình các thế hệ, đức tin
được thông truyền chân lý đầu tiên trong việc dạy cầu nguyện, chứng tá, hiệu
quả của tình yêu được ghi đậm vào cuộc sống của thiếu nhi và thiếu niên trong
bối cảnh chăm sóc nơi mỗi gia đình thông truyền cho con cái”. Tuy có nhiều khác
biệt về địa lý, hoàn cảnh, văn hóa xã hội, nhưng tất cả các giám mục của Thượng
Hội Đồng Giám Mục để ý một điều, đó là việc “Thông truyền đức tin cho con cái”.
Thông truyền đức tin cho con cái để làm sao mỗi ngày hình ảnh của Thiên Chúa
được rạng rỡ hơn.[25]
Còn Đức
Phaolô VI, đã ngỏ lời với các bậc cha mẹ: hỡi các bà mẹ, chị em có dạy cho con nhỏ
của chị em những lời kinh của người Kitô hữu không? Các chị em có hợp tác với
các linh mục để chuẩn bị cho con cái của chị em được lãnh nhận các bí tích như
Xưng tội Rước lễ lần đầu, Thêm sức ở thời niên thiếu không? Chị em có tập cho
con cái quen nghĩ đến sự đau khổ của Đức Kitô, quen kêu cầu sự giúp đỡ của Đức
Mẹ đồng trinh và các thánh không? Chị em có lần hạt chung với chúng ở trong gia
đình không? Còn anh em những người làm cha có biết cầu nguyện với con cái
không? Ít là thỉnh thoảng anh chị em có đọc kinh chung với con cái hay anh chị
em chỉ nhắc nhở con cái đọc kinh?[26]
Như vậy, nền
móng của tất cả việc tuyên xưng đức tin sau này là tuyên xưng rằng Chúa Giêsu
là Chúa và Người đã trao cho những ai tin vào sứ vụ: hãy đi và làm cho muôn dân
trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa
Thánh Thần (Mt 28,19). Tất cả mọi người tuyên xưng đức tin của Hội Thánh đều
khai triển đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, bắt đầu luôn luôn là tuyên xưng Chúa
Cha, Đấng tạo thành trời đất và duy trì cho nó sống. Rồi tiếp theo là Chúa Con,
Đấng đã đem sự giải thoát cho thế giới và cho mỗi người chúng ta. Cuối cùng là
Chúa Thánh Thần, Đấng là sự hiện diện của Thiên Chúa trong Hội Thánh và trong
thế giới[27].
2.3.
Ươm
mầm ơn gọi
Sắc lệnh đào
tạo linh mục, số 2 viết: “Toàn thể cộng đoàn Kitô hữu có bổn phận cổ võ ơn
thiên triệu, mà trước hết phải tiến hành nghĩa vụ ấy bằng một đời sống Kitô hữu
trọn vẹn; các gia đình và các giáo xứ góp phần quan trọng vào việc đó: những
gia đình sống tinh thần đức tin, đức mến và đạo hạnh trở nên như chủng viện sơ
khởi.”[28]
Trong thông
điệp Ad Catholici Saserdotii, ban
hành ngày 20-12-1935, Đức Piô XI cho rằng ‘‘Vườn ươm ơn gọi tận hiến có được là
nhờ các gia đình sống đạo gương mẫu.’’[29] Theo Công đồng Vaticanô
II, mỗi ơn gọi đặc biệt là một khía cạnh đặc thù của ơn gọi đức tin. Công đồng
Vatican dành một văn kiện quan trọng đề cập đến vai trò của các cộng đoàn giáo
xứ trong việc làm triển nở ơn gọi tận hiến. Sắc lệnh Optatam Totius về việc đào
tạo linh mục đề cập đến sự đóng góp của các cộng đoàn giáo xứ trong sứ mạng
chung này, được gọi là mục vụ ơn gọi (Pastorales
des Vocations). Vườn ươm ơn gọi tận hiến của giáo xứ tươi mát bốn mùa chính
là nhờ mục vụ ơn gọi của các vị chủ chăn và toàn thể cộng đoàn, được tiến hành
trước hết bằng các Thánh lễ, giờ chầu Thánh thể và các buổi cầu nguyện chung.
Đức Gioan
Phaolô II cho rằng: “Cầu nguyện không phải là để xin Chúa hành động thay cho
mình. Mà cầu nguyện là cậy trông vào Chúa, phó thác trong tay Chúa để hoàn
thành các công trình của Thiên Chúa giao cho.”
Có công
trình nào cao trọng hơn ơn gọi tận hiến? Chính vì vậy, Đức Gioan Phaolô II cho
rằng ‘‘cộng đoàn và các đơn vị mục vụ có nhiệm vụ đồng hành với ơn gọi.’’ Ngài
nói đến cộng đoàn giáo xứ cách chung, và cách riêng là các đơn vị mục vụ cùng
nhau vun trồng, và triển nở ơn gọi. Mỗi hội đoàn công giáo đều có những linh
đạo, tôn chỉ, và đối tượng khác nhau: từ mục vụ thiếu nhi, mục vụ giới trẻ, đến
mục vụ giáo lý. Ngoài ra còn các hội đoàn khác nữa như Đạo Binh Đức Mẹ, Phong
trào Cursillo, Hội Yểm trợ Ơn gọi…nhờ những công việc mục vụ của các “Hội đoàn”
mà các em dần già cảm nghiệm được ơn gọi Tận Hiến.[30]
Thư chung
HĐGMVN mời gọi:
Gia đình phải trở nên cộng đoàn tham gia vào sứ vụ Phúc Âm Hóa, bằng lời
cầu nguyện cũng như bằng hành động cụ thể. Chính đời sống yêu thương hiệp nhất
trong gia đình công giáo, ngay giữa những khó khăn thử thách của cuộc đời, tự
nó đã là lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của Tin Mừng. Ngoài ra theo
truyền thống tốt đẹp, gia đình công giáo còn là nơi vun trồng ơn gọi linh mục
và tu sĩ.[31]
II. Gia đình, cái nôi yêu thương
Đức Gioan Phaolô II,
trong Tông huấn Christifideles Laici,
số 40, khẳng định, “Gia đình là chiếc nôi của sự sống và tình thương.”[32]
Hay trong bài diễn văn của Đức Phaolô VI, 05/01/1964 tại Nazareth:
Gia đình Kitô giáo vượt trên các gia đình
bình thường vì những bậc làm cha làm mẹ đã thề hứa trước mặt Chúa và Giáo Hội
rằng, họ sẽ yêu thương và kính trọng nhau suốt đời. Đặc biệt, lời hứa đón nhận,
nuôi dưỡng con cái mà Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội
Thánh.[33]
1.
Gia
đình, cái nôi sự sống và yêu thương
Gia đình là
cái nôi sự sống và yêu thương, lý tưởng của nó bao gồm ba thành phần chính yếu
đó là: cha, mẹ và con cái chung sống dưới một mái nhà, cộng đoàn ngôi vị này luôn
tạo một bầu khí thuận hoà, yêu thương, luôn có tiếng cười hồn nhiên của trẻ
thơ. Mỗi thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm chu toàn bổn phận của
mình. Tác giả sách Huấn Ca đã dạy rằng: “Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui
mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời.”[34] Gia đình là một đơn vị
căn bản trong đời sống cộng đồng xã hội, là nơi ươm mầm hạt giống tâm linh và
là cái nôi vào đời. Chúng ta có thể quan sát một tổ chim ẩn dấu trên cành cây.
Chim cha và chim mẹ đã dùng sức lao động và sự cần cù của mình tha từng cọng
rác về xây tổ uyên ương. Khi hoàn thành tổ ấm, đôi chim đã quấn quýt bên nhau
để cùng chăm sóc, bảo vệ và đỡ nâng. Sau khi liên hợp đẻ trứng, đôi chim thay
phiên nhau canh chừng và ấp ủ trứng cho tới khi trứng nở con. Chim con được
nuôi dưỡng và bảo vệ một cách cẩn thận trong tổ ấm cho tới khi đủ lông, đủ
cánh, mới tập ra ràng. Cặp chim mẹ cha lo tập tành và hướng dẫn chim con từng
bước, giúp chúng hoà nhịp vào cuộc sống. Thật tuyệt vời.
Cũng thế từ
khởi đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam, có nữ. Nam nữ kết hợp với
nhau nên vợ, nên chồng làm thành một gia đình. Những trang đầu của sách Sáng
Thế đã ghi nhận sự mạc khải về sự kết hợp nhiệm mầu: “Bởi thế, người đàn ông
lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương một thịt.”[35] Vợ chồng kết hợp nên một
trong mối tình yêu thương. Mục đích của đời sống hôn nhân gia đình là yêu
thương và sinh sản con cái. Con cái lưu truyền dòng giống và nối tiếp sự sống.
Có một sự gắn bó linh thiêng dòng máu giữa cha mẹ và con cái. Con cái là do sự
kết hợp tình yêu và thân xác của mẹ cha. Cha mẹ yêu thương con cái và con cái
thảo kính cha mẹ: “Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời
cha, sẽ làm vui lòng mẹ.” (Hc 3,6). Niềm vui trong đời sống gia đình là sự hòa
hợp hỗ tương, có cho và có nhận. Sự sống giữa cha mẹ và con cái là một sợi chỉ
xuyên suốt gắn bó trực hệ. Con cái có bổn phận đáp ân trả nghĩa và hiếu thảo.
Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội
lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi.[36] Trong đời sống vợ chồng,
tình yêu là chìa khoá. Tình yêu là cái không thể mua và không thể bán. Tình yêu
chỉ có thể trao tặng một cách tự do và vô vị lợi. Thiếu tình yêu, đời sống gia
đình sẽ trở thành ngục tù để giam dữ và làm khổ nhau. Có những cuộc sống hôn
nhân rất thảm thương chỉ vì không có tình yêu và sự cảm thông tha thứ… Nhưng
bên cạnh đó, lại có rất nhiều cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Chỉ hơn nhau một
điều đó là họ biết thông cảm tha thứ và yêu thương nâng đỡ lẫn nhau. Thánh
Phaolô khuyên: “Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây
ràng buộc điều toàn thiện.”[37] Trong cuộc sống có tranh
luận, hãy nhớ rằng thắng được chồng hay thắng được vợ, thì vẫn thua thắng chính
mình.
Mỗi cuộc hôn
nhân gia đình là một cuộc lữ hành tình yêu. Cuộc sống nào cũng có lúc vui lúc
buồn, lúc thành công hay khi thất bại, lúc mạnh khỏe khi ốm đau và thăng trầm
năm chìm bảy nổi. Đời sống con người rập khuôn với sự chuyển động của thiên nhiên. Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu,
Đông, luôn luôn biến đổi không
ngừng. Chính vì vậy, Đức Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Christifideles Laici, khẳng định: “Gia đình là chiếc nôi của sự
sống và tình thương.”[38]
Thánh Phaolô
khuyên dạy cả vợ lẫn chồng: “Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho
phải phép.” (Cl 3,18) Phục tùng trong Chúa như Giáo Hội phục tùng Chúa Giêsu,
là đầu của Nhiệm Thể. Thứ đến Thánh Phaolô dạy thêm: Hỡi những người chồng, hãy
yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó.[39] Thánh Phaolô đã khuyên
dạy người chồng và vợ, ngài cũng không quên nhắc nhở những người con trong
nhiệm vụ phải vâng lời cha mẹ như chính Chúa Giêsu đã vâng phục cha mẹ của
Ngài: “Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp
lòng Chúa.”[40]
Sự hài hoà
trong cách cư xử sẽ tạo một bầu khí gia đình yên vui đầm ấm. Biết rằng không có
ai hoàn hảo, nhưng mỗi người cố gắng hãm bớt cái tôi ích kỷ, để sống hoà đồng
trong mối tương giao. Vì thế muốn có một gia đình đạo đức, thánh thiện, Chúng
ta phải học với gia đình Thánh Gia Thất, hãy nhìn xem Thánh Giuse là người thợ
mộc đơn thành, Đức Maria là người nữ dịu hiền sống chung với Chúa Giêsu là Con
Thiên Chúa, các Ngài đã tự chu toàn bổn phận mình một cách tuyệt vời trong đời
sống gia đình.[41]
2.
Gia
đình, cộng đồng yêu thương và liên đới
Khi nói đến
hai từ gia đình, ắt hẳn mỗi người chúng ta đều cảm thấy một sự thân thương và
quý mến, vì từ gia đình chúng ta kín múc được nhiều bài học quý báu để làm hành
trang cho đời, chẳng hạn như bài học yêu thương, sự vị tha, và tình liên đới.
Giữa lòng gia đình là cộng đồng yêu thương, cần phải dành sự chú ý quan tâm,
nâng đỡ nhau, cách đặc biệt là cha mẹ phải luôn quan tâm đến con cái mình. Nếu
các bậc cha mẹ làm tốt bổn phận của mình trong việc giáo dục, chăm sóc, yêu
thương con mình đồng thời luôn thể hiện tình yêu thương liên đới cách rộng rãi
đến những người khác, thì chắc chắn đứa trẻ sẽ học được nhiều điều nơi cha mẹ,
đặc biệt là tình yêu thương và từ đó nó biết quan tâm không chỉ những người
trong gia đình mà còn nhân rộng ra cả xã hội và Giáo hội. Vì từ gia đình hình
ảnh của tình yêu luôn phải được họa lên một cách rõ nét qua sự cố gắng của từng
thành viên phải thể hiện được hình ảnh tình yêu của ba ngôi Thiên Chúa trong
chính mái nhà của mình.[42] Chỉ khi trong gia đình
yêu thương nhau thì mới trở nên dấu chỉ sống động của tình yêu Thiên Chúa. Và
khi đã có tình yêu, người ta sẽ loại trừ được các thứ bạo hành về thể xác, tâm
lý, tinh thần… nên trong gia đình cha mẹ, con cái sẽ “có sự cảm thông, nhân
hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau.[43]
Đức Cha
Dermot Ryan nhận định: “Là khung cảnh đầu đời để học hỏi về kinh nghiệm tương
giao, gia đình phải dạy cho trẻ thơ biết cách hội nhập vào xã hội. Từ gia đình,
trẻ thơ biết nhận thức về bản thân và những người khác, để rồi trong xã hội,
chúng đối chiếu và thực hiện đúng như nhận thức chúng đã học hỏi từ trong gia
đình, về các mỗi tương giao và định chế mà trên đó xã hội tùy thuộc.”[44]
GHXHCG số
238, trích lời phi lộ trong Hiến chương về Quyền Gia đình, Vatican, 1983, gia
đình chính là “cộng đồng yêu thương và liên đới, nơi duy nhất thích hợp để dạy
dỗ và truyền đạt các giá trị văn hóa, đạo đức, xã hội, tâm linh và tôn giáo,
rất cần cho các thành viên của gia đình và xã hội được phát triển và hạnh
phúc.” Như vậy, để làm tốt việc giáo dục con cái điều tiên quyết là phải làm
cho gia đình mình trở thành một cộng đồng yêu thương và liên đới vì đó là nơi
duy nhất thích hợp cho việc giáo dục con cái.[45]
Thiên Chúa
không dựng nên một người đơn lẻ nhưng dựng nên con người có nam có nữ, để họ
sống liên đới với nhau trong một cộng đoàn nhất định.[46] Như năm ngón tay trong
một bàn tay, có ngón ngắn ngón dài. Tất cả các ngón, dù dài hay ngắn, dù to hay
bé, đều có một vị thế quan trọng, làm nên một sự phối hợp nhịp nhàng và hoàn
hảo của cả bàn tay. Trong bàn tay, mất ngón này, ngón kia trở nên lạc lõng và
yếu đi khả năng hành động tốt nhất.
Cuộc sống
con người cũng vậy. Trong một xã hội, cũng luôn có những kẻ sang giàu, người
nghèo hèn. Có những người được Thiên Chúa ban cho có khả năng tháo vát, bén
nhạy và thành đạt trong công việc làm ăn. Vì thế, họ có nhiều khả năng làm
giàu, làm lợi cho chính mình và cho xã hội. Ngược lại, có những người có sức
khỏe làm việc nhưng không có khả năng làm giàu. Họ kinh doanh ở đâu, thua lỗ
đó. Tuy nhiên, họ đóng góp rất tốt cho những công việc then chốt trong xã hội.
Bên cạnh đó, có những người không có nhiều sức khỏe, họ cũng không có nhiều khả
năng làm việc nuôi thân và rất cần đến sự trợ giúp của người khác.
Đối với một
số người, sự hiện diện của những người khó khăn, bệnh tật trong xã hội là sự
hiện diện dư thừa. Tuy nhiên, với người tin vào Thiên Chúa, sự hiện diện của
tất cả mọi người đều là sự hiện diện trong tinh thần hiệp thông và liên đới. Kẻ
giàu cần đến người nghèo để được thanh luyện trái tim biết rung cảm trước bất
hạnh của người khác. Chính nhờ người nghèo, mà người giàu có nhiều cơ hội làm
việc từ thiện và sống đẹp lòng Chúa. Cũng vậy, người ốm đau cần đến người khỏe
mạnh để được nâng đỡ giúp sức. Nhờ giúp đỡ người yếu đau bệnh tật, người khỏe
mạnh có nhiều khả năng lập công trước mặt Chúa.
Không ai có
thể tự làm giàu nếu không nhờ đến ơn Chúa và tách rời khỏi cộng đồng nhân loại.
Người giàu đã được hưởng nhờ sự giàu sang từ cộng đồng nhân loại, họ cũng được
mời gọi chia sẻ vật chất cho tha nhân. Thái độ sống dửng dưng trước đau khổ của
người khác, là thái độ không đẹp lòng Thiên Chúa. Tiên tri Amos đả kích rất
nặng đối với những người giàu. Họ lo hưởng thụ, ăn uống, rượu chè, ca hát mà
không quan tâm gì đến số phận của đất nước đang lâm nguy. Nếu cứ giữ thái độ
dửng dưng ấy, họ sẽ bị lưu đày và bị diệt vong hay Lời Chúa trong Tin Mừng theo
thánh Luca, đã cho thấy ông phú hộ đã dửng dưng trước đau khổ của ông Ladarô
nghèo khó đang sống lây lất ngay trước cổng nhà ông. Có lẽ, con chó của nhà ông
có lòng thương Ladarô hơn ông phú hộ, bởi nó còn biết liếm ghẻ chốc cho người
nghèo khó, còn ông phú hộ đã không cho người nghèo miếng gì để ăn, ngay đến
miếng bánh vụn rớt xuống từ bàn ăn. Ông phú hộ đã từ chối lòng xót thương tha
nhân nên giờ đây, nơi chốn ngục hình đau khổ, ông cũng bị Thiên Chúa từ chối
thương xót.
Để mở ra con đường hạnh phúc mai sau, mỗi
người được mời gọi sống liên đới với nhau. Giàu, nghèo không phải là cái tội.
Nếu người giàu biết dùng tiền của để sống liên đới tốt với người khác và để
giúp đỡ được nhiều người thì sự giàu có của họ quả là tốt biết mấy : giàu cả về
vật chất lẫn tinh thần. Cuộc sống con người không chỉ để làm giàu ở đời này
nhưng hướng đến làm giàu mai sau. Chính khi người giàu biết sử dụng tiền để xây
dựng tình nhân loại, để yêu thương mọi người, người ấy đang chu toàn luật Chúa.
Bởi lẽ, yêu thương là chu toàn lề luật.[47] Ai đã chu toàn lề luật,
người đó có quyền hy vọng vào hạnh phúc Nước Trời mà Chúa đã hứa ban cho những
ai trung nghĩa với Ngài.[48]
3.
Gia
đình, chứng nhân thuyết phục nhất của tình yêu
Như đã nói
trên, Đức Phanxicô đã kêu gọi các gia đình hãy chuyển thông và giáo dục đức tin
cho con cái. Gia đình hãy trở nên bằng chứng thuyết phục về một tình yêu tinh
ròng.[49] Đức Phanxicô nói tiếp:
“Viêc giáo dục đức tin cho con cái là một sứ mệnh cao quý và khó khăn.” Vì thế,
để trở nên những cộng tác viên hàng đầu của Thiên Chúa trong việc giáo dục các
thế hệ tương lai, các bậc cha mẹ cần gieo trồng việc thực hành đức tin chung
trong gia đình để đồng hành với sự trưởng thành đức tin của con cái, bằng chính
lời nói và việc làm, bằng đời sống chứng tá yêu thương phục vụ của Tin mừng.
Đối diện với
trào lưu tương đối hoá các giá trị sự sống con người, cha mẹ cũng được mời gọi
dạy cho con cái những kiến thức về giá trị sự sống để con cái biết quý trọng và
bảo vệ sự sống. Bởi vì, sự sống chính là tặng phẩm của Thiên Chúa. Cho nên, chỉ
có mình Ngài mới có quyền trên sự sống mà thôi. Đức Gioan Phaolô II nói: Sự
sống con người từ Thiên Chúa mà đến, đó là ân huệ, là hình ảnh, dấu chỉ của
Ngài… và sự sống như là một kho báu không được phung phí, nhưng là nén bạc phải
biết cho sinh lợi.
Như thế, gia đình cũng như Giáo hội phải là nơi yêu thương và được yêu
thương. Cha mẹ có bổn phận lưu truyền Tin mừng cho con cái, mà chính họ còn
nhận được từ con cái từ một Tin mừng, là Tin mừng được họ sống một cách sâu
xa…Qua đó, những người sống chung quanh gia đình mình, đặc biệt là các gia đình
ngoài công giáo họ nhận thấy được nơi gia đình chúng ta, có sự yêu thương, liên
đới, quảng đại…chính lúc đó ánh sáng Tin mừng được lan tỏa cho người xung
quanh, được như thế quả thật gia đình chúng ta là một bằng chứng tình yêu
thuyết phục nhất.[50]
Trong lời
kết của sứ điệp, Đức Phanxicô không ngừng cầu xin sự chuyển cầu của Đức Mẹ,
đồng thời bày tỏ niềm hy vọng của Ngài rằng: “Các gia đình sẽ trở nên bằng
chứng thuyết phục nhất về vẻ đẹp của tình yêu được duy trì và nuôi dưỡng bởi
đức tin.”[51]
THAY LỜI KẾT
Thay lời kết, xin được
trích dẫn lời nhắn nhủ của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong bức thư gởi
các gia đình năm 1994, ngài viết:
Suốt năm này, cần
phải tái khám phá những chứng từ Tình thương mến và âu lo của Giáo hội dành cho
Gia Ðình, Tình thương mến và âu lo được biểu lộ ngay từ sơ khai Kitô giáo, thời
mà Gia đình được coi là "Giáo hội tại gia", rất là ý nghĩa. Thời ta hôm
nay, chính Tôi rất hay dùng kiểu nói "Giáo hội tại gia" mà Công đồng
đã nhận làm của Công đồng, và Tôi hằng mong cho nội dung ấy vẫn luôn sống động
và hiện tại. Ước mong này không bị xoá nhoà do ý thức các hoàn cảnh mới của sự
hiện hữu các gia đình trong thế giới ngày nay (số 3).
[1] Gioan Phaolô II, Familia Consartio
số 21.
[2] Xc. Đức Bênêđictô XVI, phát biểu nhân
dịp Hội đồng Giám mục Việt Nam viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ năm
2009.
[4] Lc 6, 36.
[5] Xc. Lý Minh Tuấn, Nhịp Cầu Tâm Giao, tập 4 (Đồng Nai: Phương Nam, 2011), tr. 22-23.
[11] Mt 10, 16.
[14] Mt
5, 37.
[15] Xc.
Ga 4, 23.
[16] Ep
4,22-24.
[17] Xc. Hòa Đà Lạt, Giáo dục con cái,
truy cập 7/3/2014 www.Simonhoa
dalat.com/HOCHOI/GIAOLUAT/HonNhanGiaDinh/Bai18.htm.
[18]Xc. ĐTC Phanxicô, gởi sứ điệp
về tuần lễ Gia Đình tại Ba Tây diễn ra vào ngày 11/ 8/2013, truy cập
7/3/2014,http://giadinhnazareth vietnam.com.
[19] Xc. Hà Văn Minh, “Lòng đạo đức bình dân trong đời sống người giáo dân
Việt Nam-nhìn vào lịch sử để định hướng cho thời đại hôm nay,” trong Sống đạo theo Cung cách Việt Nam (Hà
Nôi: Tôn Giáo, 2004), tr. 79- 86.
[20] Xc.
Ngọc Lễ “Tin Mừng hóa gia đình, Gia
đình phúc âm hóa để truyền loan Tin Mừng”, Nội San Chia Sẻ - Thần Học-Mục vụ-Tu đức, số 73, 2014. tr. 115.
[21]
Nguyễn Thái Hợp, “Tin vui khởi đi từ thách đố thời đại”, hội thảo: Giáo hội Việt Nam 350 năm Nhìn lại và Tiếp
Bước, HVĐM, 5/3/2011.
[22] 1 Cr
12,3.
[23] Xc. GLHTCG, số 152.
[24] 2 Cr
4,13 .
[25] Xc.
THĐGMVN, Sứ điệp Năm Đức Tin lần thứ XIII.
[26] Xc. Ad
Catholici Saserdotii, ban hành ngày 20-12-1935.
[27] Xc. Youcat, giáo
lý hội thánh công giáo cho người trẻ (Cần Thơ: Tôn giáo, 2013), tr. 48.
[29] Xc. Ad Catholici Saserdotii, ban hành ngày 20-12-1935.
[30] Xc. Hoàng Kim Khánh, Cộng đoàn là vườn ươm ơn gọi tận hiến, truy cập 9/3/2014.
ttps://www.google.com.vn
[31] HĐGMVN, Thư chung 2013, số 7.
[33] Xc. ĐTC
Phaolô VI, Diễn văn ngày 05/01/1964 tại Nazareth, truy cập 9/3/2014. http://
tonggiaophanhue .net.
[34] Hc 3,5.
[36] Hc 3,14-15.
[37] Cl 3,14.
[38] Đức Gioan Phaolô II, Christifideles Laici, số 40.
[39] Cl 3,19.
[40] Cl 3,20.
[41] Xc. Trần Việt Hùng, Chúa Giêsu đã hạ sinh trong
môi trường đời sống gia đình. Gia đình Thánh bao gồm có Chúa Giêsu, Đức Maria
và Thánh Giuse, truy
cập 10/3/2014, http://giaophannh atrang .org/index.php?nv =news&op=Tan-Man/Gia-dinh-4369.
[42] Xc. Ngọc Lễ, “Gia đình phúc
âm hóa, để truyền loan Tin Mừng”, Nội San Chia
Sẻ - Thần Học-Mục vụ-Tu Đức, số 73, 2014, tr.115.
[43] Xc. CL 3, 12-13.
[44] Xc. Nguyễn Văn Dụ, Hội nhập văn hóa trong hôn nhân và gia đình
Việt Nam (Trung tâm mục vụ Việt nam-Italia AD: 2006), tr. 270-271.
[45] Xc. Hoàng Kim Khánh, Gia đình Kitô giáo - Cộng đồng yêu thương
và liên đới, nơi giáo dục con cái. Truy cập 12/3/2014, http://giaophannha
trang.org.
[46] Xc. St 1,27.
[47] Xc. Rm 13,10.
[48] Xc. Trần Minh Hòa, Sống tình liên
đới với tha nhân, truy cập 13/3/2014. http://www.giaophanbaria.org/chia-se-loi-chua/chua-nhat-va-le-trong/
suy- niem-chua-nhat/cn-xxvi-tn.
[49]
Xc. ĐTC Phanxicô, Sứ điệp gửi các gia
đình Brazil nhân Tuần lễ Quốc tế về Gia đình, 12/08/2013.
[50] Xc.
Ngọc Lễ, “Gia đình phúc âm hóa, để truyền loan Tin Mừng”, Nội San Chia Sẻ - Thần Học-Mục vụ-Tu Đức, số 73, 2014. tr.120.
Đăng nhận xét