SỐ 60:NĂM MƯƠI NĂM ĐỒNG HÀNH VỚI GIÁO HỘI VIỆT NAM


Lời ngỏ
Với chủ đề “50 năm đồng hành với Giáo hội Việt Nam”, số báo này không nhằm đưa ra một con số thống kê với những thành quả mục vụ 50 năm qua Giáo hội Việt Nam đã đạt được; không nhắm đến một khảo cứu lịch sử với nửa thế kỷ của Giáo hội Việt Nam thăng trầm; đơn giản số báo này chỉ muốn diễn tả một mối đồng cảm, một cảm thức mình thuộc về Giáo hội.
Trong mối đồng cảm đó, chúng ta thấy mình đang tròng trành trên con thuyền Giáo hội, con thuyền không thả neo nhưng đang dong buồm vào thế giới, đang phải đối diện với phong ba. Một trong những cơn lốc xoáy đang vã vào mạn thuyền đó là nhiều bậc thang giá trị trong xã hội bị đảo lộn, của cải vật chất đang lấn át đời sống tinh thần của con người, và hố ngăn cách giàu - nghèo trong xã hội ngày càng thăm thẳm. Cảm nhận được điều này, mỗi chúng ta không thể không tự hỏi:
Giáo hội giàu hay Giáo hội nghèo?
Tác giả Jon Sobrino, SJ phân tích hai nguyên lý hình thành nên Giáo hội, đó là “nguyên lý giàu” và “nguyên lý nghèo”. Nếu Giáo hội được hình thành từ nguyên lý giàu, tự căn bản, Giáo hội đi ngược lại với mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Giêsu. Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta dung mạo của Đức Giêsu, vị Thủ lãnh của Giáo hội:
Đức Giêsu Kitô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế (Pl 2, 6-7).
Con đường Đức Giêsu đi là con đường hẹp, trái với con đường sự dữ khởi đầu bằng sự giàu sang phú quý. Của cải vất chất dễ làm tha hóa con người, đẩy con người tới lòng tham vô đáy, tôn sùng của cải như những thần tượng. Chính Đức Giêsu đã cảnh cáo thái độ này: “Không ai có thể làm tôi hai chủ được”.
Nếu Giáo hội được hình thành từ nguyên lý giàu có, thì Giáo hội khó có thể chọn lựa người nghèo, và như vậy họ sẽ bị loại ra bên lề Giáo hội. Trong khi đó, Kinh thánh cho thấy người nghèo luôn được Chúa yêu thương:
Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi khổ đau của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một vùng đất tốt tươi (Xh 2, 7-8).
Trong mối đồng cảm cùng Giáo hội, chúng ta không khỏi bị chất vấn: Tinh thần Bát Phúc có thực sự là kim chỉ nam cho Giáo hội tiến bước hay không? Đâu là nét đặc trưng Giáo hội cần thể hiện hôm nay?
Nét đặc trưng của Giáo hội
Một trong những nét đặc trưng của Giáo hội là sự nghèo khó. Con đường của Đức Giêsu khởi sự là con đường nghèo khó: sinh ra trong cảnh nghèo (Lc 2, 1-20), lớn lên trong cảnh nghèo, rao giảng về sự khó nghèo (Mt 5,3), giao du với những người bị khinh dể (Mt 9)…, và chết trần trụi không một tấm áo che thân. Chính Đức Giêsu ấy đã thiết lập Giáo hội; như thế, Giáo hội của Người phải là Giáo hội khiêm hạ, yêu thương và phục vụ. Giáo hội đó phải là một dân mới của Thiên Chúa, là sự tiếp nối của một dân toàn những người nghèo của Giavê (Dnl 7,6-11).
Trong một xã hội đầy những người nghèo khổ, sự hiện diện khiêm hạ của Giáo hội như một sự đồng cảm, như lời chứng cho một Thiên Chúa luôn gần gũi, chia sẻ trọn vẹn kiếp người. Trong nghèo khó, mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Giêsu được biểu tỏ. Trong nghèo khó mọi sự dối trá đều bị vạch trần, sự thật được phơi bày dưới ánh sáng. Đó là sự thật một Đức Giêsu, một Giáo hội bị bách hại; lời Đức tổng giám mục Romeo, một người đã chịu bách hại, đã trở nên nghèo khó đến tận cùng, như một thứ ánh sáng soi dọi cho chúng ta: “Anh em quý mến, tôi vui mừng khi Giáo hội bị bách hại. Điều ấy cho thấy Giáo hội đã thực sự nhập thể trong sự nghèo hèn”.
Như vậy, nghèo hèn đồng nghĩa với sự bách hại; nghèo hèn là chứng tá, là nét nổi bật Giáo hội phải thể hiện. Theo ý nghĩa này, chúng ta có thể hiểu được Giáo hội, vì trong thực tế, xét về mặt của cải, có lẽ Giáo hội chưa thực sự là nghèo khó!? Nhưng dưới cái nhìn của tác giả Jon Sobrino, SJ, nghèo khó còn được mở ra với một nhãn quan mới:

Giáo hội nghèo là Giáo hội giàu lòng trắc ẩn
Từ khởi đầu đã có lòng trắc ẩn, và đây là nguyên lý chi phối cả dòng lịch sử cứu độ. Thiên Chúa cứu con người là do lòng trắc ẩn của Người, và lòng trắc ẩn được thể hiện qua hành động yêu thương của Thiên Chúa. Những biến cố Thiên Chúa can thiệp và cứu dân trong Cựu ước là một bằng chứng hùng hồn cho lòng trắc ẩn đó.
Trong Tân ước, Đức Giêsu còn diễn tả lòng trắc ẩn đậm nét qua dung mạo của Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng xót thương. Tình thương của Chúa Cha được thể hiện cụ thể qua con người của Đức Giêsu: một người Samaritanô nhân hậu chăm sóc vết thương cho người bị nạn, một mục tử tốt lành bỏ 99 con chiên nơi đồng vắng để đi tìm con chiên lạc, một người cha sẵn sàng ra nghênh đón đứa con hoang đàng trở về, và là một Thiên Chúa sẵn sàng mang thân phận tội nhân chết tất tưởi trên thập giá. Tất cả những việc làm này của Đức Giêsu đơn giản chỉ là vì yêu thương, là thể hiện lòng trắc ẩn.
Giáo hội cũng được mời gọi cùng thi thố một lòng trắc ẩn như thế. Lòng trắc ẩn chính là nguyên lý và cũng là cùng đích để Giáo hội hướng tới. Thể hiện lòng trắc ẩn là Giáo hội sống nghèo, chống lại sự giàu sang phú quý; lòng trắc ẩn giúp Giáo hội đón nhận sự bách hại và chống lại những vinh quang hão huyền của trần gian; lòng trắc ẩn giúp Giáo hội biết thực sự sống khiêm tốn, thay vì một thái độ tự mãn, kiêu ngạo; và cuối cùng lòng trắc ẩn sẽ đưa Giáo hội đến mọi nhân đức.
Tóm lại, lòng trắc ẩn chính là điểm hội tụ của Tin mừng, Tin mừng đó không chỉ trình bày một sự thật cứu độ, nhưng còn loan báo tình thương và niềm vui. Lòng trắc ẩn phải là tên gọi mới của Giáo hội: Giáo hội nghèo chính là Giáo hội giàu lòng trắc ẩn; và Giáo hội giàu lòng trắc ẩn là Giáo hội nghèo khó đích thực.
Để nên chứng tá, Giáo hội phải soi gương để nhìn lại diện mạo của mình, soi gương trong chính dòng lịch sử của dân tộc để thấy mình không lạc lõng và đang thực sự đồng hành cùng với anh chị em. Khi soi gương như thế, Giáo hội giúp con cái mình canh tân đời sống tâm linh, và ý thức sứ mạng truyền giáo như căn tính của mình. Công việc truyền giáo cao quý ấy, chẳng phải là sứ vụ riêng của các thừa sai, của hàng giáo sĩ; lịch sử Giáo hội Việt Nam ghi lại bao tấm gương của những người mẹ, người chị quả cảm, sống niềm tin kiên vững và lòng yêu mến sắt son; những phụ nữ chân yếu tay mềm ấy cũng đã đã anh dũng đổ máu chẳng thua kém bậc nam nhi, để làm cho hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái trên dải đất Việt Nam này.
Tiếp nối cùng một cảm thức mình thuộc về Giáo hội như thế, Giáo hội nghèo, Giáo hội chịu bách hại, Giáo hội của lòng trắc ẩn, Giáo hội hăng say đấu tranh cho công lý và hòa bình, Giáo hội loan báo Tin mừng cho khắp muôn dân… Ánh Trăng tâm linh như một phút trầm tư cầu nguyện khép lại số báo “50 năm đồng hành với Giáo hội Việt Nam”.
Ban Chủ Biên

Lm. Nguyễn Trọng Viễn OP.           11


Ts. Mai Văn, OP.           23


Ts. Fx. Trần Kim Ngọc, OP.          29


Lm. Giuse Đỗ Trung Thành, OP.          45


Ts. Vũ Cao, OP.           61
Ts. Giuse Hà Đình Tuấn, OP.         71


Ts. Văn Điệp, OP.          85


Ts. Mai Hoàng, OP.          93


Nt. Têrêsa Phạm Thị Oanh, OP.       101


Ts. Duy Khánh, OP         125


Maria Nguyễn Thị Huệ         133


Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn